Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2019

MỘT TẬP SÁCH LIÊN TÔN CÔNG GIÁO VÀ CAO ĐÀI.




MỘT TẬP SÁCH LIÊN TÔN
CÔNG GIÁO VÀ CAO ĐÀI
CHUNG BẢO
CGvDT: Chào anh Huệ Khải. Vui mừng khi biết anh vừa xuất bản tập sách thứ 123 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo. Xin anh chia sẻ với bạn đọc báo Công Giáo Và Dân Tộc (CGvDT) đôi điều về tập sách này: Sơ Khảo Thuật Ngữ Đạo Chúa Trong Đạo Cao Đài (Hà Nội:, Nxb Hồng Đức, 2019). Trước hết, vì sao trong nhan đề lại chọn hai chữ “đạo Chúa” thay vì các tên gọi khác?
Huệ Khải (HK): Người Việt mình dùng chữ đạo theo nghĩa chữ giáo (tôn giáo). Đạo nghĩa là đường đi. Con đường rộng lớn được gọi là đại đạo. Đức Giêsu dạy: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. (Gioan 14:6)
Ngoài ra, người Việt chúng ta xưa nay vẫn quen gọi tên một đạo theo tên hay danh hiệu của Đấng khai sáng (giáo chủ); do đó, ta hay nói đạo Khổng (do Đức Khổng Tử khai sáng), đạo Lão (do Đức Lão Tử khai sáng), đạo Phật (do Đức Phật Thích Ca khai sáng), đạo Cao Đài (do Đức Cao Đài Tiên Ông khai sáng)… Đức Chúa Giêsu là giáo chủ khai sáng một nền đạo đưa con người đến với Chúa Cha, vậy thì tôn giáo do Chúa Giêsu khai sáng gọi là đạo Chúa.
CGvDT: Vì sao anh quan tâm nghiên cứu mối liên hệ giữa Công Giáo và Cao Đài về phương diện thuật ngữ?
HK: Như nhiều bài viết tôi từng có dịp góp mặt trên tuần san và nguyệt san CGvDT từ khoảng năm 2005 trở đi, mối liên hệ giữa hai đạo có thể được nhận thấy qua giáo lý, cách tổ chức, hình tượng thờ phụng, v.v… Tuy nhiên, về phương diện thuật ngữ thì hầu như chưa được lưu ý.
Không kể các thuật ngữ riêng (đặc thù) của đạo Cao Đài, thánh giáo Cao Đài nhắc tới rất nhiều thuật ngữ của Tam Giáo (Nho, Lão, Phật). Người đạo Cao Đài học thánh giáo, khi gặp những từ bát nhã, bất nhị, bồ đề, danh sắc, như lai, niết bàn, tâm không, trí huệ, tự tánh, v.v… thì phần đông có biết đấy là thuật ngữ nhà Phật. Hễ gặp âm dương, Đạo, đơn, đơn điền, châu thiên, hỏa hầu, huyền đồng, hữu vi, vô vi, v.v… thì đa số cũng biết là đấy thuật ngữ đạo Lão (đạo Tiên). Nếu gặp ngũ luân, ngũ thường, quân tử, tiểu nhân, tam cang, thánh hiền, trung dung, trung thứ, v.v… thì số đông cũng dễ biết đấy là thuật ngữ đạo Nho (đạo Khổng).
Tuy nhiên, khi gặp các từ hội thánh, tòa thánh, thánh thể, thánh thất, họ đạo, giáo hữu, giáo tông, đồng nhi, v.v… thì hầu như không mấy người đạo Cao Đài biết rằng đấy là các thuật ngữ nguồn gốc ở đạo Chúa.
Xác định các thuật ngữ đạo Chúa có mặt trong đạo Cao Đài cũng để bổ khuyết cho cách hiểu xưa nay, vốn quen cho rằng Cao Đài bao gồm Tam Giáo. Lẽ ra, nói cho đầy đủ thì Cao Đài bao gồm Tứ Giáo, tức là Nho, Lão, Phật, và Chúa.
CGvDT: Cụ thể, trong sách nêu ra được bao nhiêu thuật ngữ đạo Chúa có dùng trong đạo Cao Đài?
HK: Như nhan đề sách nói rõ, đây là tập sơ khảo, tức là mới bước đầu, nên tôi sẽ còn tiếp tục tìm hiểu thêm. Một cách chưa đầy đủ, tập sơ khảo này bao gồm hai mươi lăm thuật ngữ như sau: BÍ TÍCH (sacrament), CHIÊN (lamb), CHUỒNG CHIÊN (lamb shed), CÒI (whistle), CỦA LỄ (offerings), CỨU CHUỘC (redeeming, redemption), CỨU RỖI (saving, salvation), DỌN MÌNH (preparing body and mind), ĐÀN CHIÊN (flock of lambs), ĐỒNG NHI (choirboy, choirgirl), GẬY (crook, staff), GIÁ CHUỘC (ransom), GIÁO TÔNG (Pope), HỘI THÁNH (the Holy Assembly), MỤC TỬ (shepherd), NGƯỜI CHĂN CHIÊN (shepherd), NGƯỜI CHỦ CHĂN (pastor), NHÀ CHUNG (common house), NHÀ THÁNH (holy house), THÁNH LINH (the Holy Spirit), THÁNH THỂ (holy body), THÁNH TỬ (the child[ren] of God), THÔNG CÔNG (communion), TÒA THÁNH (the Holy See), TÔNG ĐỒ (apostle).
CGvDT: Qua các mục từ anh kể, phải chăng trước khi in thành sách, tất cả đều có đăng dần trên nguyệt san CGvDT?
HK: (Cười) Vâng. Có thể xem đó là cách tôi cầu thị, mong muốn được quý bạn đọc và trước hết là ban biên tập báo CGvDT góp ý xây dựng trước khi in thành tập sách mỏng.
CGvDT: Và đã có ai góp ý gì không?
HK: (Cười…)
CGvDT: Ngoài mục đích khảo cứu về thuật ngữ, tập sách này còn có điều gì muốn gởi trao bạn đọc gần xa, thưa anh?
HK: Có hai ý này đã in ở cuối sách, tôi xin được nhắc lại: Thánh giáo Cao Đài sử dụng thuật ngữ của cả Tứ Giáo thì điều này có tác dụng rất tích cực; đó là (a) nêu cao và củng cố lý tưởng hòa đồng tôn giáo hay tinh thần liên tôn giáo để phụng sự con người; đồng thời (b) xóa bỏ thói kỳ thị tôn giáo, phân biệt tín ngưỡng vốn là mầm bệnh gây chia rẽ mọi xã hội, phá hoại tình người hòa ái, và đi ngược lại chân truyền của mọi nền chánh pháp Đông Tây kim cổ.
CGvDT: Hơn mười năm qua, trên một trăm hai mươi đầu sách của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống chỉ để biếu các nơi, nên không được bày bán trong các hiệu sách. Như vậy, giờ đây nếu quý bạn đọc Công Giáo quan tâm, thì làm sao nhận được sách này?
HK: Không riêng quyển Sơ Khảo Thuật Ngữ Đạo Chúa Trong Đạo Cao Đài mà tất cả những sách khác đã ấn tống đều rất hân hạnh được gởi biếu quý Kitô hữu, nhất là các chủng viện, học viện, thư viện, trung tâm mục vụ Công Giáo… trong cả nước. Trân trọng kính mời quý vị vui lòng gởi thư về: daidaovanuyen@gmail.com. Bản điện tử sách này cũng có tại trang blog của người viết: huekhai.blogspot.com.
CGvDT: Xin cảm ơn anh Huệ Khải đã dành thời gian cho buổi trò chuyện này. Chúc anh sẽ có thêm nhiều đầu sách khác để giúp mọi người hiểu biết sâu rộng hơn về mối liên hệ giữa Công Giáo và Cao Đài.
CHUNG BẢO
Tuần san Công Giáo Và Dân Tộc, số 2195,
tuần lễ từ 01-3 đến 07-3-2019


► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com

Và xin quý vị hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.

Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.