Thứ Tư, 9 tháng 2, 2022

CHÚ GIẢI BÀI HỖN ĐỘN TÔN SƯ

 

CHÚ GIẢI BÀI HỖN ĐỘN TÔN SƯ

PHÂN CÂU

* Các bản in trước đây thường xuống dòng như sau:

Huệ đăng bất diệt,

Chiếu tam thập lục thiên chi quang minh.

Ðạo pháp trường lưu,

Khai cửu thập nhị tào chi mê muội.

Tôi phân lại:

Huệ đăng bất diệt, chiếu tam thập lục thiên chi quang minh.

Ðạo pháp trường lưu, khai cửu thập nhị tào chi mê muội.

* Các bản in trước đây thường xuống dòng như sau:

Thổ khí thành hồng,

Nhi nhứt trụ xanh thiên.

Hóa kiếm thành xích,

Nhi tam phân thác địa.

Công tham Thái Cực,

Phá Nhứt Khiếu chi huyền quan.

Tánh hiệp vô vi,

Thống tam tài chi bí chỉ.

Tôi phân lại:

Thổ khí thành hồng, nhi nhứt trụ xanh thiên.

Hóa kiếm thành xích, nhi tam phân thác địa.

Công tham Thái Cực, phá Nhứt Khiếu chi huyền quang.

Tánh hiệp vô vi, thống tam tài chi bí chỉ.

Tôi phân câu lại vì có điểm ích lợi hơn: Dễ thấy hình thức thể văn biền ngẫu;([1]) dễ nhận ra ý nghĩa câu kinh.

TRÌNH BÀY

Bài Hỗn Độn Tôn Sư được khảo sát theo thứ tự như sau: Kinh Văn; Khảo Dị; Chú Giải; Tổng Luận.

Về Chú Giải, tôi giải từng câu, hoặc hai, ba hay bốn câu, cốt sao trọn ý văn mạch. Trước khi giải một câu, tôi xét từng chữ, từng từ của câu đó, có chú thêm chữ Hán và tiếng Anh bên cạnh để tiện tham khảo. Sau khi giảng xong hết từ trong một câu, tôi gom lại giảng theo cả câu.([2])

Về Tổng Luận, tôi muốn bổ túc cho phần Chú Giải một cái nhìn tổng quát, thoát ra sự giải thích kinh văn gò bó theo từng câu từng chữ.


KINH VĂN

01. Hỗn độn Tôn Sư,

02. Càn khôn chủ tể.

03. Quy thế giới ư nhứt khí chi trung,

04. Ốc trần huờn ư song thủ chi nội.

05. Huệ đăng bất diệt, chiếu tam thập lục thiên chi quang minh.

06. Ðạo pháp trường lưu, khai cửu thập nhị tào chi mê muội.

07. Ðạo cao vô cực,

08. Giáo xiển hư linh.

09. Thổ khí thành hồng, nhi nhứt trụ xanh thiên.

10. Hóa kiếm thành xích, nhi tam phân thác địa.

11. Công tham Thái Cực, phá Nhứt Khiếu chi huyền quan.

12. Tánh hiệp vô vi, thống tam tài chi bí chỉ.

13. Ða thi huệ trạch,

14. Vô lượng độ nhơn.

15. Ðại bi, đại nguyện, đại thánh, đại từ.

16. Tiên thiên Chánh Ðạo Nhiên Ðăng Cổ Phật Vô Vi Xiển Giáo Thiên Tôn.

KHẢO DỊ

1. Bài này còn được gọi là: Phật Giáo (Thích Giáo) Chí Tâm Quy Mạng Lễ; Phật Giáo (Thích Giáo) Chí Tâm Kinh; Phật Giáo (Thích Giáo) Bửu Cáo, v.v... Theo tôi, không nên gọi như thế.

2. Câu 9 các bản đều in là xang thiên; tín đồ vẫn đọc như thế. Xang là âm thuần Việt. Huình Tịnh Paulus Của (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Tome II. Sài Gòn: 1896) giảng xang là “giăng tay, đưa tay lên…”. Việt Nam Tự Điển (Hà Nội: Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931) giảng xang là “giang tay, giơ tay lên…”.

Xanh là âm Hán Việt, chữ Hán viết , nghĩa là chống đỡ, nâng đỡ (supporting). Phiên thiết đọc là sanh; âm phổ thông là chēng. Vậy, hãy đọc là xanh thiên hay sanh thiên.

CHÚ GIẢI

Câu 1:

hỗn độn 混沌 (chaos): Lúc trời đất chưa tạo lập, chưa tạo thiên lập địa 造天立地 (the creation of the universe). Đồng nghĩa: hỗn mang 混芒, hồng mông 鴻蒙.

Tôn Sư 尊師: (the Honoured Master): Tiếng tôn kính để gọi thầy (sư phụ) của mình (the honorific appellation of one’s master).

hỗn độn Tôn Sư 混沌尊師 (the Honored Master since the chaos): Nghĩa đen là vị thầy tôn kính có từ thời hỗn độn. Nghĩa bóng là một cách gọi Đức Nhiên Đăng Cổ Phật, bởi vì Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy: Nhiên Đăng Cổ Phật là một vị Phật rất xa xưa, không biết có tự bao giờ, có thể là có trước khi to thiên lập đa không chừng. . .([3]) 

Câu 2

càn khôn 乾坤 (heaven and earth, the universe): Càn là trời, khôn là đất. Càn khôn tức là trời đất, vũ trụ.

chủ tể 主宰 (lord, ruler, master): Chúa tể, người làm chủ.

Câu 1-2 ý nói rằng Tôn Sư hiện hữu từ khi trời đất chưa được tạo lập và Ngài làm chủ vũ trụ càn khôn. (The Honoured Master who has existed since the chaos rules the universe.)

Vậy, “hỗn độn Tôn Sư” hay Nhiên Đăng Cổ Phật cũng là Đức Thái Cực, Đức Thượng Đế. Lý lẽ này phù hợp với lời Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy vào thời khai Đạo: Nhiên Đăng Cổ Phật thị Ngã. 燃燈古佛是我: Nhiên Đăng Cổ Phật là Ta. (Dipankara the Ancient Buddha is Me.)([4])

Câu 3:

quy (gathering something together): Gom lại.

thế giới 世界 (the universe): Nghĩa thông thường là hoàn cầu (the world). Trong bài này, hiểu theo nghĩa rộng là vũ trụ càn khôn.([5])

ư (in): Ở tại, ở trong, ở nơi.

nhứt khí chi trung 一氣之中: Trong chỗ một khí. “Nhứt khí” là một quan niệm của Đạo Giáo (Lão Giáo). Nhứt khí cũng là khí hỗn độn (hỗn độn chi khí 混沌之氣). Từ Hải 辭海 giảng: Nhứt khí vị hỗn nhiên chi khí dã. 一氣謂混然之氣也. (Nhứt khí là khí hỗn nhiên, khí hồng mông, khí hư vô, nguyên khí, khí tiên thiên...) Khí này có trước khi vũ trụ thành hình.

Câu 3 ý nói rằng Tôn Sư gom vũ trụ vào trong một khí. (The Honoured Master gathers the universe in the primordial qi.) Có lẽ nên hiểụ theo chiều ngược lại: Vũ trụ sinh xuất từ khí hư vô hay khí tiên thiên. (The universe originates from the primordial qi.)

Câu 4:

ốc : (holding something, grasping something): Giữ, cầm giữ. Nghĩa bóng là cai quản (governing). Chữ ốc còn đọc là ác.

trần hoàn 塵寰 (the world): Đồng nghĩa với trần gian, trần thế, thế gian, cõi trần. Đồng nghĩa: dinh hoàn, doanh hoàn 瀛寰 (the whole world: cả thế gian). Hiểu theo nghĩa rộng là vũ trụ càn khôn (the universe).

ư (in): Ở tại, ở trong, ở nơi.

song thủ chi nội 雙手之 (in the two hands): Trong chỗ hai bàn tay. Song thủ là hai bàn tay, ở đây ám chỉ âm dương 陰陽 (yin and yang).

Câu 4 ý nói rằng Tôn Sư nắm giữ vũ trụ trong hai bàn tay. (The Honoured Master holds the universe in his two hands.) Nghĩa bóng là vũ trụ này chịu sự chi phối, tác động của hai nguyên lý âm và dương. (The universe is under the influence of yin and yang.) Bởi vậy, vũ trụ này là vũ trụ nhị nguyên (the dualistic universe).

Câu 5:

huệ đăng 慧燈 (the lamp of wisdom): Đèn huệ, đèn trí huệ. Đồng nghĩa: tuệ cự 慧炬 (the torch of wisdom: đuốc tuệ); tâm đăng 心燈 (the mind lamp, the lamp of the mind: đèn lòng). Ám chỉ tâm linh sáng suốt của con người.

bất diệt 不滅 (everlasting): Còn mãi, không hề hư mất.

huệ đăng bất diệt 慧燈不滅 (The lamp of wisdom is everlasting.): Huệ đăng là tâm đăng, và Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy: “Tâm đăng luôn luôn bất diệt nơi trung tâm điểm ([6]) của mỗi con người.”

chiếu (shining; illuminating something): Phát ra ánh sáng; soi sáng, chiếu sáng.

tam thập lục thiên 三十六天 (the thirty-six celestial spheres): Ba mươi sáu từng (tầng) trời. Tam thập lục thiên là quan niệm của Đạo Giáo (Lão Giáo). Bách Độ Bách Khoa 百度百科 (https://baike.baidu.com) cho biết: Trương Quân Phòng 張君房 đời Tống biên soạn Vân Cấp Thất Thiêm 雲笈 七簽; quyển 21 (Thiên Địa Bộ 天地部) nói rằng trên trời có ba mươi sáu từng,([7]) là chỗ ở của Thần Tiên (Thần Tiên sở cư 神仙所居). Tuy nhiên, các môn phái trong đạo Lão kể tên các từng trời khác hẳn nhau.

quang minh 光明 (light, brightness): Ánh sáng, sự sáng.

tam thập lục thiên chi quang minh 三十六天之光明 (the brightness of the thirty-six celestial spheres): Sự sáng của ba mươi sáu từng trời.

Câu 5 ý nói rằng huệ đăng bất diệt và chiếu sáng ba mươi sáu từng trời. (The lamp of wisdom is everlasting and illuminates the thirty-six celestial spheres.) Nhưng chẳng phải chỉ có ngần ấy từng trời, vì Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy rằng ngọn đèn này “sáng tỏ không ngừng không dứt từ cổ chí kim, từ thượng thiên đến hạ địa, từ tam thập lục thiên, tam thiên thế giái, từ thất thập nhị địa, tứ đại bộ châu . . .”

Câu 6:

đạo pháp 道法 (dharma): Chữ đạo có bộ sước là bước đi (walking). Chữ pháp gồm chữ khứ là đi (going) và bộ thủy là nước (water). Pháp là nước chảy đi (flowing water). Nói pháp cũng đủ rồi, nhưng để phân biệt với những thứ “pháp” không nhằm giúp con người tu hành giải thoát nên cần nói rõ là đạo pháp. Hai chữ đạo pháp – với bộ sước, bộ thủy, và chữ khứ – hàm chứa ý nghĩa di chuyển, lưu thông (moving, circulating).

trường lưu 長流 (flowing all the time): Chảy mãi, không bao giờ ngừng lại. Đây là tính chất của đạo pháp.

đạo pháp trường lưu 道法長流 (dharma circulating all the time): Ý nói bất kỳ thời đại nào, hoàn cảnh nào, nơi chốn nào, cũng luôn luôn có đạo pháp khi ẩn khi hiện để dạy dỗ người đời, dẫn dắt con người tu hành.

khai (opening): Mở ra.

cửu thập nhị 九十二 (ninety-two): Chín mươi hai.

tào (group, team): Nhóm, bọn, bè lũ, v.v… (từ dùng để gọi chung một số người).

cửu thập nhị tào 九十二曹 (ninety-two): Ám chỉ chín mươi hai ức nguyên nhân 原人 (original humans). Theo kinh Ngọc Lộ Kim Bàn 玉露金盤 (The Golden Basin of the Jade Dew) của đạo Lão thì xưa kia Đức Phật Mẫu (Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn) cho chín mươi sáu ức nguyên nhân xuống trần. Nhứt Kỳ Phổ Độ chỉ có hai ức trở về cõi Tiên. Nhị Kỳ được thêm hai ức. Còn lại chín mươi hai ức thì Phật Mẫu muốn độ trở lại hết cõi Tiên trong Kỳ Ba này. Thời xưa, một ức là một trăm ngàn, mười vạn (a hundred thousand); vậy, chín mươi hai ức là chín trăm hai mươi vạn (ninety-two hundred thousand), tức là chín triệu hai. Tuy nhiên, có lẽ không nên hiểu “chín mươi hai ức” chính xác là con số 9.200.000.([8]) Tương tự, nhà Phật nói “tám vạn bốn ngàn pháp môn” thì đừng hiểu chính xác là con số 84.000.

mê muội 迷昧 (unenlightenment): Sự u mê, tăm tối, không thức tỉnh.

cửu thập nhị tào chi mê muội 九十二曹之迷昧 (the unenlightenment of ninety-two hundred thousand original humans): Sự mê muội của chín mươi hai ức nguyên nhân.

khai cửu thập nhị tào chi mê muội 開九十二曹之迷昧 (enlightening ninety-two hundred thousand original humans): Làm cho chín mươi hai ức nguyên nhân hết mê muội.

Câu 6 ý nói rằng đạo pháp trường lưu bất tuyệt để giúp cho chín mươi hai ức nguyên nhân hết mê muội. (Dharma circulates all the time so as to help ninety-two hundred thousand original humans be enlightened.)

Câu 7-8:

Đạo cao vô cực 道高無極 (Dao is boundlessly lofty): Đạo thì cao siêu vô cùng tận.

giáo (religion, teaching): Tôn giáo, giáo lý.

xiển (expounding something): Làm sáng tỏ, làm cho rõ ràng.

hư linh: Từ Hải 辭海 giảng: “Hư linh vốn chỉ một trạng thái mông lung, hỗn độn tối sơ của vũ trụ.” ([9]) Ở con người thì hư linh là tâm linh 心靈 (spirituality); chẳng hạn, Truyền Tập Lục 傳習錄 của Vương Dương Minh có câu này: Nhân hữu hư linh phương hữu lương tri. 人有虛靈方有良知. (Người có hư linh mới có lương tri.) Tuy nhiên, khi xét cặp biền ngẫu này (hai câu 7 và 8), thì hư linh liên quan đến Đạo; do đó, có lẽ nên hiểu hư linh là sự huyền diệu tột cùng của Đạo (the Dao’s utmost mystery), tức là chỗ mà Đạo Đức Kinh (chương 1) bảo là: Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn. 玄之又玄, 眾妙 之門. (The utmost mystery is the door to all marvels.)

Câu 7-8 ý nói rằng Đạo cao thâm vô cùng, ngoài khả năng nhận thức của người phàm; do đó cần có tôn giáo với giáo lý chơn chánh làm sáng tỏ chỗ huyền diệu tột cùng của Đạo để giúp con người có thể hiểu được Đạo.

Thật vậy, Đạo thì ẩn kín, vô hình, vô thanh, không gì cả. Tôn giáo thì hữu hình, có âm thanh, muôn sắc muôn vẻ để đáp ứng vô vàn thị hiếu người phàm. Mượn tôn giáo dẫn dắt con người đi tới Đạo tức là mượn cái hữu mà đạt tới cái vô. Đây là chức năng của tôn giáo, và là sứ mạng của các bậc giáo tổ xưa nay.

Tương quan giữa giáo tức là tôn giáo (phương tiện: a means) và Đạo (cứu cánh, mục đích tối hậu: the ultimate purpose) được thánh giáo diễn bày nhiều cách. Chẳng hạn:

“Đạo là vô vi, vô hình, còn tôn giáo là cái cửa.” ([10])

“Tôn giáo ấy cửa vào tìm Đạo.” ([11])

“Tôn giáo là con thuyền đưa khách mà Đạo là bến đỗ.” ([12])

Câu 9-10:

thổ khí 吐氣 (breathing out, exhaling): Thở ra.

thành hồng 成虹 (turning into a rainbow): Biến thành cái cầu vồng; hóa thành cái mống trời.

nhi (and; and so): Và; và như vậy.

nhứt trụ (one pillar, one post): Một cây cột.

xanh thiên, sanh thiên 撐天 (supporting the heaven): Chỏi trời, chống đỡ trời.

hóa (transform something into something else): Biến, biến hóa.

kiếm (a sword): Thanh kiếm, thanh gươm.

thành (turning into something, becoming something): Biến thành, trở thành, hóa thành.

xích (a unit of length measurement in ancient China); Một thước (đơn vị đo đạc xưa của Trung Quốc), tương đương 0,3581 mét, nghĩa là hơn ba tấc rưỡi (3,581 dm). Xích hay xích tử 尺子 là cây thước (ruler).

nhi (and; and so): Và; và như vậy.

tam phân 三分: Ba phần, ba phân (thập phân chi tam 十分之三). Cứ mỗi đơn vị lấy 1/10 thì gọi là một phân. Vậy ba phân của một xích là 3/10 của 0,3581 mét, bằng 0,10743 mét, nhỉnh hơn 1 tấc tây (dm). Đó là theo số học chi li. Một phân cũng là một thốn , tức một phần mười của xích (nhứt xích đích thập phân chi nhứt 一尺的十分之一). Trong đơn kinh đạo Lão (dạy tu thiền, tịnh luyện), khi nói ba phân (tam thốn), người ta tính một phân (một thốn) bằng cách lấy ngón tay giữa quặp lại, độ dài đốt tay giữa là một phân (một thốn). Bề ngang ngón cái cũng là một phân (một thốn). Người Việt quen gọi thốntấc.



Đạo gia bảo Hạ Đơn Điền 下丹田 nằm dưới rún ba phân, thì cũng đo theo cách đó. Đo cách này có lý, vì cơ thể mỗi người to nhỏ khác nhau, nên cứ lấy ngón tay mỗi người để đo chính cơ thể của người đó thì rất hợp lẽ.

thác địa 托地 (supporting the earth): Đỡ nâng lấy đất.

xanh thiên, thác địa có nghĩa là nâng trời, đỡ đất. Bốn chữ này ám chỉ một thuật ngữ của tu thiền (tịnh luyện) là chiết Khảm điền Ly 折坎填離 (tách hào hai dương quẻ Khảm lấp vào hào hai âm quẻ Ly, và hiểu ngầm là đổi chỗ hào hai của hai quẻ), như vậy Ly và Khảm trở thành Càn (thiên) và Khôn (địa). Thay vì nói chiết Khảm điền Ly, còn nói là trừu Khảm điền Ly 坎填離 (trừu là rút ra).

Theo đạo học, người phàm thế gian là kẻ hậu thiên (tượng trưng bằng hai quẻ Ly Khảm). Cõi trần vì vậy được Đức Đông Phương Chưởng Quản ví là “miền Ly Khảm”.([13]) Tu luyện cho đắc đạo thì phàm nhân trở thành chân nhân (thành Tiên), hậu thiên trở lại tiên thiên, Ly Khảm trở thành Càn Khôn (thiên địa).



Câu 9-10 về phương diện tu thiền hay tịnh luyện ám chỉ phép vận Châu Thiên ([14]) để thông hai mạch Nhâm và Đốc. Mạch Đốc 督脈 (Governing Vessel) chạy sau lưng, dọc theo xương sống. Mạch Nhâm 任脈 (Conception Vessel) chạy dọc trước bụng (xem minh họa ở trang 23). Tương truyền, trong một đàn cơ tại Ô Môn (Cần Thơ), ngày 23-10 Canh Thìn (Thứ Sáu 22-11-1940), Đức Trần Đoàn Lão Tổ dạy:

Nhả một khí xuyên qua Đốc mạch

Gọi “xanh thiên” chế phách dưỡng tâm

Hấp vào Khí Hải mạch Nhâm

Gọi là “thác địa” tiếp lâm Hạ Kiều.

(. . .)

Ấy là phép vận Châu Thiên

Khai thông Nhâm Đốc triều huyền Chí Tôn.

Như vậy, hai câu 9-10 gồm những chữ nói bóng gió (làm ẩn dụ) cho tâm pháp (tịnh luyện, công phu, hành thiền); nếu căn cứ mặt chữ mà giảng theo nghĩa đen thì rất khó hiểu.

Câu 11-12:

công (merit): Công đức, công lao, công nghiệp.

tham (participating in something): Tham dự, chen vào.

Thái Cực 太極 (the Supreme Ultimate): Một hồng danh của Đức Thượng Đế (tức là Thái Cực Thánh Hoàng).

phá (disclosing something): Mở ra, làm lộ ra.

Nhứt Khiếu 一竅: Theo Tiên Học Từ Điển 仙學辭典 của Đới Nguyên Trường 戴源長, Nhứt Khiếu cũng là khiếu Huyền Quan 玄關 (cửa ải huyền diệu), là nơi sinh ra khí tiên thiên, không phải phàm khiếu, được ví là cây sáo không có lỗ. Đơn kinh thường nói “Huyền Quan nhứt khiếu” 玄關一竅 nghĩa là một khiếu Huyền Quan (the one opening of the Mysterious Pass).

huyền quan 玄關 (the front door): Cũng là chánh môn 正門.

Nhứt Khiếu chi huyền quan 一竅之玄關: Cánh cửa của Nhứt Khiếu, cánh cửa của khiếu Huyền Quan, cánh cửa đưa vào Nhứt Khiếu. (Lưu ý sự khác nhau giữa “Huyền Quan nhứt khiếu” ([15]) và “Nhứt Khiếu chi huyền quan”.)

tánh (tính) (nature): Cái tánh, cái phần thiêng liêng Trời phú bẩm cho con người.

hiệp (hợp) (being in harmony with): Hiệp với, hòa hiệp.

vô vi 無為 (wu-wei): Cõi vô vi, cõi thượng, cõi siêu hình.

thống (gathering some things into one): Nắm gọn lại, gom trọn lại.

tam tài 三才 (the three powers: heaven, earth, man): Ba nghi trong vũ trụ là trời, đất, người hay thiên, địa, nhân.

bí chỉ 秘旨 (profound hidden meaning): Ý nghĩa kín đáo thâm sâu (thâm áo đích hàm nghĩa 深奧的含義).

tam tài chi bí chỉ 三才之秘旨 (the profound hidden meaning of the three powers): Ý nghĩa kín đáo thâm sâu của tam tài.

Câu 11-12 ý nói công đức của Tôn Sư lớn sánh cùng trời đất, mở ra được cửa Nhứt Khiếu (tức Huyền Quan) mà phối hiệp với Trời. Ngài đã huyền đồng cùng trời đất (tánh hiệp vô vi) và đã nắm được cái khóa chìa bí yếu của tam tài.

Câu 13-14:

đa thi 多施 (bestowing a lot): Ban bố nhiều.

huệ trạch 惠澤 (favours): Huệtrạch đồng nghĩa, là ơn huệ, ơn trạch do bề trên ban xuống

vô lượng 無量 (immeasurably, measurelessly): Không lường được, không đo được.

độ nhơn 度人 (delivering humans): Cứu độ người đời.

Câu 13-14 ca tụng Tôn Sư ban ân huệ và cứu độ người đời nhiều không kể xiết.

Câu 15:

đại bi đại nguyện, đại thánh đại từ: 大悲大願, 大聖大慈 (The Honoured Master is the One of great mercy, great vows, great holiness, great compassion): Tôn Sư là Đấng có lòng thương xót chúng sanh bao la, thệ nguyện to tát, thánh đức lớn lao, tình thương rộng khắp.

Câu 16:

Tiên thiên Chánh Đạo 先天正道 (the the precelestial True Dao): Mối Đạo chơn chánh đã có trước khi vũ trụ hình thành.

Bách Độ Bách Khoa 百度百科 (https://baike.baidu.com) giảng rằng tiên thiên có thể chỉ bản thể vũ trụ hay bổn nguyên vạn vật (khả chỉ vũ trụ bổn thể, vạn vật bổn nguyên 可指宇宙本體, 萬物本原). Bổn nguyên 本原 và căn nguyên 根源 cùng nghĩa là nguồn gốc (origin). Vậy thì tiên thiên Chánh Đạo cũng là cái Đạo chơn chánh sanh hóa ra vũ trụ vạn vật (the True Dao originating myriads of things in the universe).

nhiên đăng 燃燈: Nghĩa đen là đốt đèn (lighting a lamp), là đèn đang thắp sáng (a lighting lamp). Theo lời dạy của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư,([16]) Nhiên Đăng có ba nghĩa bóng như sau:

1/ Nhiên Đăng là đèn Thái Cực trên Thiên Bàn của đạo Cao Đài. Ngọn đèn này thắp sáng suốt ngày đêm, suốt năm suốt tháng, giờ khắc nào cũng phải giữ ngọn lửa không tắt.

2/ Đối với con người thì Nhiên Đăng là tâm đăng 心燈 (đèn lòng: the mind lamp, the lamp of the mind). Người nào tánh lành, hạnh tốt, biết tu hành, sống đạo đức thì đèn lòng người ấy thường tỏa sáng. Khi nào bị ham muốn chế ngự, thì đèn lòng bị lớp màn vô minh che phủ. Ham muốn càng nhiều, vô minh càng dày, thì đèn lòng càng lu mờ, tăm tối. Tu hành là làm cho lớp màn vô minh ngày càng mỏng dần để cho ngọn nhiên đăng của mình ngày càng tỏ rạng, thêm sáng ngời. Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy: “Đèn lòng đừng để mờ lu / Đạo tâm đừng để bôn xu nhiễm trần.” ([17]) Đây cũng là ý nghĩa của bổn phận phải giữ đèn Thái Cực trên Thiên Bàn luôn cháy sáng suốt ngày đêm, suốt năm suốt tháng.

3/ Trước khi phân định âm dương và tạo thiên lập địa thì Nhiên Đăng là ngôi Thái Cực. Bấy giờ Nhiên Đăng là ngọn đèn soi sáng cõi hỗn độn bao la tối tăm dày đặc, và đem lại sự ấm áp cho cõi hỗn mang vô cùng lạnh giá. Sau khi phân định âm dương và tạo thiên lập địa rồi thì ngọn Nhiên Đăng vẫn ngấm ngầm soi sáng và sưởi ấm muôn loài vạn vật suốt cả ngày đêm, từ cổ chí kim, từ thượng thiên đến hạ địa, từ tam thập lục thiên đến tam thiên thế giới, từ thất thập nhị địa đến tứ đại bộ châu. Nhiên Đăng giúp muôn loài vạn vật được sanh hóa mãi mãi, được trưởng dưỡng (nuôi lớn) và bảo tồn. Vậy, Nhiên Đăng cũng là linh hồn của vũ trụ.

Cổ Phật 古佛 (the Ancient Buddha): Vị Phật có từ xa xưa.

Nhiên Đăng Cổ Phật 燃燈古佛 (Dipankara the Ancient Buddha): Vị Phật có từ xưa tên là Nhiên Đăng. Theo Phật Giáo, Nhiên Đăng là Đức Phật có trước Đức Phật Thích Ca. Theo Cao Đài, Nhiên Đăng là Đức Phật thời Nhứt Kỳ Phổ Độ, và Thích Ca là Đức Phật thời Nhị Kỳ Phổ Độ.

vô vi 無為 (wuwei): Nghĩa đen là không hành động”; đúng ra có nghĩa là làm mọi việc một cách tự nhiên, không can thiệp vào tự nhiên, không áp đặt ý định riêng tư của cá nhân lên bất kỳ việc gì hay bất kỳ ai. (Wuwei literally means “non-action, inactive”; actually, it means doing everything naturally, leaving nature to itself, letting things take their own course, imposing none of one’s own intentions upon anything or anyone.)

xiển giáo (expounding the teaching): Làm cho giáo lý được hiểu cặn kẽ.

Thiên Tôn 天尊 (the Heavenly Honoured One; Daoist honorific appellation of the most honoured deity): Đấng được cõi trời tôn kính; cách đạo Lão gọi tôn kính một đấng thiêng liêng tối cao quý, như Nguyên Thủy Thiên Tôn 元始天尊, Đạo Đức Thiên Tôn 道德天尊, Linh Bảo Thiên Tôn 靈寶天尊. Nói thêm: Đấng được thế gian tôn kính là Thế Tôn 世尊 (the Worldly Honored One); Đức Phật Thích Ca là đấng Thế Tôn.

Vô Vi Xiển Giáo Thiên Tôn 無為闡天尊 (the Heavenly Honoured One who expounds the teaching in wuwei manner): Đấng Thiên Tôn bằng cách vô vi làm cho giáo lý được hiểu cặn kẽ.

Câu 16 kết luận vị Tôn Sư của nền Chánh Đạo tiên thiên (có hồng danh) là Nhiên Đăng Cổ Phật Vô Vi Xiển Giáo Thiên Tôn.

TỔNG LUẬN

Bài Hỗn Độn Tôn Sư mang nhiều ẩn dụ gần gũi những hành giả tịnh luyện (inner self-cultivators).

Theo giáo lý Cao Đài, con người là “một thiêng liêng tại thế", nhưng chưa khai phóng được phần thiêng liêng tiềm ẩn vì còn chưa lóng đục khơi trong, thánh phàm còn hỗn độn chưa phân biệt. Do đó, “hỗn độn Tôn Sư” phải chăng còn ám chỉ con người thế gian, vì như lời Phật Thích Ca xác định thì mỗi người phàm kẻ tục thật ra là một vị Phật-sẽ-thành (a Buddha-to-be)?

Nói cách khác, về lý thì con người có tính Trời, có Phật tánh, có Cao Đài nội tại, v.v… Nhưng tất cả các giá trị thiêng liêng ấy đều đang là ẩn số. Tu hành là giải phương trình ở nội tâm ([18]) mỗi người để tìm ra ẩn số đó và thực chứng lời Đức Cao Đài dạy: “Con là một thiêng liêng tại thế / Cùng với Thầy đồng thể linh quang.” ([19])

Theo nguyên lý “Thiên địa vạn vật đồng nhất thể” thì vũ trụ ngoại giới (macrocosmos) và nội thân con người không khác. Người cũng là một tiểu vũ trụ (microcosmos), tức là một thế giới càn khôn thu nhỏ. Do đó, “càn khôn chủ tể” phải chăng cũng ám chỉ con người? (Nhưng con người mất quyền chủ tể vì trót để cho lục dục, thất tình sai khiến.)

“Quy thế giới ư nhất khí chi trung” ám chỉ sự sống hữu vi và sự luyện đạo của hành giả tu tịnh cốt yếu đều do một luồng khí hô hấp vào ra, luân lưu trong thân thể tiểu vũ trụ.

“Ốc trần hoàn ư song thủ chi nội” ám chỉ hai bàn tay là Lưỡng Nghi (bên trái dương, bên phải âm).

“Huệ đăng bất diệt” ám chỉ tâm linh sáng suốt của mỗi người. Mỗi người là một ánh sáng thiêng liêng (tiểu linh quang). Khi nhiễm trần, ánh sáng bị che lấp nhưng vẫn không bị tiêu diệt.

“Tam thập lục thiên” cũng ám chỉ tiểu vũ trụ là nội thân con người.

“Nhứt trụ xanh thiên”“tam phân thác địa” như trong phần Chú Giải đã nói, cũng liên quan đến thuật ngữ nội đơn (tịnh luyện, công phu) là chiết Khảm điền Ly.

Các thuật ngữ nội đơn không dễ gì nói tách bạch gốc ngọn; chỉ những hành giả đã bước dài lâu trên con đường thiền Cao Đài mới có thể thấu đáo được. Tuy nhiên, nơi đây có một điều cần suy gẫm:

Hỗn Độn Tôn Sư vốn là một bài kinh cúng tứ thời của con dường phổ độ, tức thuộc phạm vi ngoại giáo công truyền (exotericism). Vậy mà tìm hiểu từ ngữ trong bài kinh này lại thấy liên quan khá nhiều tới tâm pháp vô vi hay con đường nội giáo tâm truyền (esotericism).

Như thế phải chăng phổ độ thật sự không ngăn cách hoàn toàn với tâm pháp vô vi? Con đường phổ độ đến một lúc nào đó cũng rẽ nhánh cho người tín đồ đi vào tâm pháp vô vi? Trong thực tế, rất nhiều môn sanh Cao Đài bước vào bằng nẻo phổ độ rồi tùy duyên phận lại trở thành hành giả chuyên cần công phu (tịnh luyện).

HUỆ KHẢI biên khảo

LÊ ANH MINH hiệu đính



([1]) Biền là hai con ngựa cùng đóng kèm nhau, song song (side by side, parallel). Ngẫu là cặp, đôi (pair). Thể văn có hai vế đối nhau gọi là biền ngẫu văn, nói gọn là biền văn (). Văn biền ngẫu đọc lên có âm điệu nhịp nhàng. Kinh kệ muốn cho dễ tụng đều làm theo thể biền ngẫu.

([2]) Dù rất cố gắng, chắc chắn tôi vẫn không thể tránh được lầm lẫn trong muôn một. Chân thành mong ước và biết ơn các bậc cao minh có nhiều ý kiến quý báu đóng góp cho khảo luận nhỏ này.

([3]) Thánh giáo tại Minh Lý Thánh Hội, 22-9 Kỷ Dậu (Thứ Bảy 01-11-1969). Trong phần chú giải từ ngữ sau đây, mỗi khi trích dẫn thánh giáo này tôi nói tắt là “Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy”.

([4]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, đàn tại Vĩnh Nguyên Tự, Thứ Tư 07-4-1926.

([5]) Thế giới cũng là cách nói tắt tam thiên đại thiên thế giới 三千大千世界. Thái dương hệ 太陽系 (the solar system) chứa cõi địa cầu này là một thế giới. Cứ 1.000 thái dương hệ hợp thành một tiểu thiên thế giới 小千世界 (a small chiliocosm). Cứ 1.000 tiểu thiên thế giới hợp thành một trung thiên thế giới 中千世界 (a medium chiliocosm). Cứ 1.000 trung thiên thế giới hợp thành một đại thiên thế giới 大千世界 (a great chiliocosm). Vì tổng số thái dương hệ trong một đại thiên thế giới là 1.000 x 1.000 x 1.000 = 1.000.000.000 (tam thiên: gồm ba số ngàn) nên một đại thiên thế giới cũng gọi là tam thiên đại thiên thế giới. Theo Trung Anh Phật Học Tự Điển 中英佛學 辭典 (A Dictionary of Chinese Buddhist Terms) của William Edward Soothill và Lewis Hodous (Đài Bắc: Buddhist Culture Service, 1934), tam thiên đại thiên thế giới được gọi tắt là tam thiên thế giới 三千世界. Người Việt quen nói là “ba ngàn thế giới” và vì vậy thường không nghĩ đó là một tỷ.

([6]) Kinh sách gọi trung tâm điểm này là Thiên Tâm, Nê Huờn Cung, Cốc Thần, Huyền Quan Khiếu, Cao Đài... (Xem thêm Phụ Đính: Trung Tâm Điểm Của Mỗi Con Người.)

([7]) Vân Cấp Thất Thiêm kể: Dục Giới 欲界 có sáu từng; Sắc Giới 色界 có mười tám; Vô Sắc Giới 無色界 có bốn; Phạm Thiên 梵天 có bốn; Thanh Thiên 清天 có ba; cộng thêm Đại La Thiên 大羅天 nữa thì cả thảy là ba mươi sáu từng. (Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới gọi chung là Tam Giới 三界, gồm có hai mươi tám từng trời.)

([8]) Vào thời Nhứt Kỳ con người thiện lương còn nhiều, mà chỉ cứu độ được hai ức. Sang qua Nhị Kỳ con người thiện lương tuy hao hụt, nhưng vẫn còn kha khá, mà vẫn chỉ cứu độ được thêm hai ức. Xuống tới Tam Kỳ thì con người đã mòn gần hết thiện lương rồi, cái gian ác tà quái trở thành phổ biến và thống trị hầu hết nhơn tâm, vậy mà chỉ tiêu (định mức) Kỳ Ba lại là chín mươi hai ức thì làm sao tận độ cho xuể?! Nghĩ như vậy mà thấy khó hiểu vô cùng. Phải chăng con số chín mươi hai ức này là một ẩn dụ (: metaphor)?

([9]) Hư linh nguyên chỉ vũ trụ thế giới tối sơ đích nhứt chủng mông lông, hỗn độn dữ nguyên thủy đích trạng thái. 虛靈原指宇宙世界 最初的一種朦朧, 混沌與原. (Lê Anh Minh chú)

([10]) Đại Thừa Chơn Giáo. Đàn ngày 28 tháng 8 Bính Tý (1936), bài Thập Tự Tam Thanh. – Dao is wuwei and invisible while religion is its door.

([11]) Đức Giáo Tông Lý Bạch, Thiên Lý Đàn, 20-5 Ất Tỵ (Thứ Bảy 19-6-1965). – Religion is the door which humans enter to seek Dao.

([12]) Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, thánh thất Nam Thành, 01-01 Tân Hợi (Thứ Tư 27-01-1971). – Religion is the boat carrying passengers to their landing which is Dao.

([13]) Minh Lý Thánh Hội, 26-9 Mậu Thân (Thứ Bảy 16-11-1968): “Trập trùng vó ký miền Ly Khảm.”

([14]) Tiểu Châu Thiên 周天 (the Microcosmic Orbit, the Minor Heavenly Circulation) và Đại Châu Thiên 周天 (the Macrocosmic Orbit, the Major Heavenly Circulation).

([15]) khiếu Huyền Quan (hay Huyền Quan Nhứt Khiếu 玄關一竅, Huyền Khiếu 玄竅): Các Đạo gia còn gọi khiếu này là: Bả Bính 把柄, Chúng Diệu Môn 眾妙門, Cực Lạc Viên 極樂園, Đan Quynh 丹扃, Giá Cá 這個, Hỗn Khang 混康, Huyền Tẫn 玄牝, Huyền Tẫn Chi Môn 玄牝之門, Hư Không Tạng 虛空藏, Không Trung Chính Vị 空中正位, Mậu Kỷ Môn 戊己門, Như Ý Châu 如意珠, Phục Mệnh Quan 復命關, Quy Căn Khiếu 歸根竅, Quy Trung 規中, Sinh Tử Hộ 生死, Sinh Sát Xá 生殺舍, Thần Khí Huyệt 神氣穴, Thủ Nhứt Đàn 守一壇, Tịnh Độ 淨土, Tổ Khiếu 祖竅, Trực Nhứt Khiếu 直一竅, Xá Lợi Tử 舍利子, v.v… Các Đạo gia nói khiếu Huyền Quan là chỗ chơn âm và chơn dương hội hiệp trong quá trình luyện đơn; tuy nhiên các vị không nhứt trí với nhau về vị trí khiếu này; đại để có hai quan niệm: 1/ Khiếu Huyền Quan có vị trí nhứt định trong thân thể, như ở rốn (Khưu Xứ Cơ, trong Đại Đan Trực Chỉ) hoặc ở thận (Chung Lữ Truyền Đạo Tập), v.v…; 2/ Lý Đạo Thuần, trong Trung Hòa Tập lại nói khiếu Huyền Quan không có vị trí nhứt định trong thân thể. (Lê Anh Minh chú)

([16]) Minh Lý Thánh Hội, ngày 22-9 Kỷ Dậu (Thứ Bảy 01-11-1969).

([17]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, ngày 14-8 Bính Thìn (Thứ Sáu 08-10-1976). bôn xu 奔趨 (rushing to passion): Hăm hở, vội vã chạy theo các ham muốn.

([18]) phương trình nội tâm 內心的方程 (the spiritual equation): Phương trình 方程 (equation) là đẳng thức (có dấu =) chứa một hay nhiều ẩn số (vị tri số 未知數: con số chưa biết: unknown, unknown quantity). Chẳng hạn, ax+by+c=0 là một phương trình chứa hai ẩn số (an equation of two unknowns) là x và y. Đức Hưng Đạo Đại Vương, Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 24-6 Canh Tuất (Chủ Nhật 26-7-1970) dạy: “Biết mau khử ám hồi minh / Cầu Thầy hỏi bạn phương trình nội tâm.”

([19]) Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thiên Lý Đàn, ngày 14-01 Bính Ngọ (Thứ Năm 03-02-1966).