KINH ĂN
(Kinh Nhựt Thời, Hội
Thánh Cao Đài Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý)
1. Cúi cầu Đức Chí Tôn, chúng con
hứa cùng Đức Chí Tôn chúng con chẳng hề phạm tội lỗi, song le bởi khờ dại, yếu
đuối còn năng sai phạm dường ấy.
2. Cúi lạy Đức Chí Tôn lấy lòng
khoan dung ân xá tội lỗi chúng con. Cúi lạy Đức Chí Tôn, xin đoái xem thương
xót chúng con rối rắm đau đớn, thật vì tội lỗi chúng con làm trái lòng Đức Chí
Tôn, hơn là bối rối đau đớn vì những phần phạt chúng con đã đáng chịu.
3. Cúi cầu Đức Chí Tôn ghé mắt lại
thương lấy chúng con lo buồn sầu não, chúng con đã phạm tội lỗi cùng Đức Chí
Tôn, Đức Chí Tôn lòng lành đáng yêu chuộng vô cùng.
4. Cúi lạy Đức Chí Tôn lấy lòng
thiện từ tha hết mọi sự dữ chúng con đã biết, và tội lỗi kẻ khác làm bởi tại
chúng con, vì những sự lành chúng con phải làm mà chúng con chẳng làm, hay là
làm chẳng nên.
5. Cúi cầu Đức Chí Tôn thiện từ xá
tội chúng con đã làm cùng các tội lỗi hoặc chúng con đã phạm mà chẳng biết,
chúng con chẳng ưa những tội lỗi ấy.
6. Chúng con xưng thật trước Thiên
Bàn, chúng con ước ao phải chi chúng con đặng đổ máu mình ra mà sửa hết mọi tội
lỗi của chúng con.
7. Dầu sự gì yêu chuộng ở đời này,
thì chúng con cũng chẳng tiếc, phải chi chúng con phú dưng hết mọi sự ấy mà bồi
lại sự chúng con đã phạm tội cùng Đức Chí Tôn, phải chi chúng con đặng đau đớn
thảm thiết cho đáng bực tội lỗi chúng con làm.
8. Cúi cầu Đức Chí Tôn ân xá độ
dẫn chúng con, chúng con từ đây sửa lỗi ăn năn, nguyện theo Đức Chí Tôn cho đến
ngày cùng.
(Lạy 3 lạy không gật)
GIẢI NGHĨA
Đoạn 1:
song le: Nhưng; nhưng mà.
năng: Thường; hay; luôn; nhiều lần. Thí dụ: năng làm (hay làm; siêng làm); năng
đi (đi nhiều; hay đi; siêng đi); năng
học (siêng học; học nhiều; chăm học); năng
nhặt chặt bị (siêng năng làm việc, tích góp dần dần thì lâu ngày sẽ được nhiều).
dường ấy: Như thế ấy.
Đoạn 2:
khoan dung 寬容: Rộng lượng tha thứ.
ân xá 恩赦: Ban ơn mà tha tội.
đoái xem: Đoái nhìn; đoái trông; ngoảnh lại nhìn.
đáng chịu: Xứng đáng chịu phạt, không hề oan uổng.
Đoạn 3:
ghé mắt lại: Để mắt nhìn tới.
Đoạn 4:
thiện từ 善慈: Tốt lành và
thương yêu.
Đoạn 5:
chẳng ưa: Chẳng thích; chẳng ưng chịu; chẳng muốn. (Chữ “chẳng” nghĩa mạnh hơn “không”; tỏ ý cương
quyết.)
Đoạn 6:
xưng thật: Thành thật xưng tội, không giấu giếm.
Đoạn 7:
phú dưng: Dâng nộp; dâng lên để giao nộp.
bồi lại: Đền bồi lại.
đáng bực: Xứng đáng với mức độ.
Đoạn 8:
độ dẫn 度引: Cứu độ và dẫn
dắt.
ngày cùng: Ngày cùng cuối; ngày cuối đời; ngày chết.
TỔNG LUẬN
1. Kinh
Ăn Năn Tội có thể xem cũng là kinh sám hối bằng văn xuôi bởi vì ăn năn (hay
hối hận, hối tiếc) là cảm thấy day dứt, giày vò trong
lòng về lỗi lầm đã mắc phải và muốn sửa đổi, có ý hứa với lòng mình sau này sẽ
không tái phạm nữa. Bởi vậy, Đức Ngô Minh Chiêu dạy:
“Mà sám hối [là] nguyện chừa bỏ những tội xưa, từ nay về sau không còn vấp phạm nữa thì
sự sám hối mới có kết quả.” ([2])
2. Hầu như tôn giáo nào cũng có nghi thức
ăn năn, sám hối (hay xưng tội) để được tha thứ. Trong Ngọc Đế Chơn Truyền – Tân Ước Tri Nguyên có Kinh Sám Hối gồm 444 câu song thất lục bát,([3]) và thêm Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối, gồm 14 câu lục bát do Ðức Ðông Phương Lão Tổ giáng cơ ban trao.
Ngoài ra, trong Kinh Nhựt Thời còn có
bài Kinh Sám Hối (ngắn, 16 câu song
thất lục bát) do Đức Ngọc Quế Tiên ban cho tại Kiên Giang. Điều này cho thấy
sám hối vô cùng quan trọng và rất cần thiết cho người tu. Đức Ngô Minh Chiêu
dạy:
“Sám hối là một pháp môn chuộc tội. Mọi người đều phải luôn luôn sám
hối.” ([4])
3. Thời Nhị Kỳ Phổ Độ, Đức Phật Thích Ca dạy chúng sanh hãy biết thú tội
để được tha thứ. Để diễn tả ý “thú tội”
(xưng tội), kinh Phật chữ Nho nói là “bất
đương phúc tàng” 不當覆藏 (không nên che giấu).
Thật
vậy, Kinh Đức Phật Dạy Xá Lợi Phất Về Sám Hối (Phật Thuyết Xá Lợi Phất Hối Quá Kinh 佛說舍利弗悔過 經) chép lời Đức Phật Thích Ca dạy vị đại đệ tử là Xá Lợi Phất sự cần
thiết phải thú tội và sám hối như sau:
“Nếu có trai lành, gái lành nào không
muốn sa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ thì họ cần phải sám hối lỗi lầm, không
nên che giấu.” ([5])
4.
Tín hữu đạo Chúa rất coi trọng nghi thức “xưng
tội” (tức là
thú tội). Trong “Thư Thứ
Nhứt” (chương 1,
câu 9) Thánh
Gio-an viết:
“Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi,
Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ
thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính.”
Theo lời thư Thánh Gio-an dẫn trên, suy ra, một người có tội nếu biết thành
tâm xưng tội và sám hối trước Đức Chúa Trời (Thượng Đế) thì sau này người đó có
thể sẽ trở nên một vị Thánh, mặc dù trong quá khứ, cuộc đời người ấy trót đã phạm
phải nhiều tội lỗi đến thế nào chăng nữa.
Do ý nghĩa sâu sắc này, người phương Tây thường hay nhắc tới câu nói bất
hủ:
“Mỗi Thánh Nhân đều có một quá khứ. Mỗi kẻ tội đồ đều có một tương lai.”
Còn người Á Đông quen nói ngắn
gọn:
“Quay đầu là bờ.” (Hồi đầu thị ngạn. 回頭是岸.)
Tất cả cùng một chủ đích là nhắc
nhở chúng ta hãy biết thành tâm ăn năn, thường xuyên sám hối, bởi vì đã mang
kiếp người thì không một ai lại không mắc lỗi. Thật vậy, Đức Đông Phương Lão Tổ cảnh tỉnh chúng ta:
“Ở đời mạt kiếp này, là người thì không ai khỏi lỗi. Nhích chơn, hả
miệng đã gây nên tội lỗi rồi, cần gì phải hành động.” ([6])
Nhiêu Lộc, 13-11-2014
HUỆ KHẢI
([1]) Khi nào đọc kinh Tiểu hay là Đại Đàn thì khỏi niệm hồng
danh Thầy. Khi nào dùng việc khác thì mới niệm.
([3]) Kinh Sám Hối
này do các Đấng là Đức Alfred Aya, Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đức Đông Huê Đế
Quân, Đức Khổng Phu Tử, Đức Lữ Tổ, Đức Nam Cực Chưởng Giáo, Đức Nhiên Đăng Cổ
Phật, Đức Quan Âm Bồ Tát, Đức Quan Thánh Đế Quân, Đức Tề Thiên Đại Thánh, Đức
Thái Ất Thiên Tôn, Đức Thái Thượng Đạo Tổ, Đức Thập Điện Minh Vương, và Đức Vân
Trung Tử giáng cơ ban cho môn sanh Minh Lý Đạo từ năm 1925. Chư Tiền Khai Đại
Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã được Đức Chí Tôn dạy đến Minh Lý Đạo thỉnh Kinh Sám Hối
cùng một số kinh khác để tụng trong đạo Cao Đài.