Thứ Năm, 23 tháng 12, 2021

LÁ THƯ TỪ MẶT TRĂNG / Mark Twain

 

Chuyện cũ mùa Giáng Sinh:

LÁ THƯ TỪ MẶT TRĂNG

Nguyên tác: A Letter from Santa Claus

Tác giả: Mark Twain

Bản dịch: Huệ Khải

Nhà văn Samuel Langhorne Clemens (1835-1910), bút danh Mark Twain, có bốn người con. Ngoài bé trai đầu lòng là Langdon chết vì bệnh bạch hầu lúc mười chín tháng tuổi, ông có thêm ba cô con gái là Susie (1872-1896), Clara (1874-1962), và Jean (1880-1909).

Susie (tức Olivia Susan Clemens, hay Susy Clemens) viết tiểu sử của cha cô và xuất bản năm 1895 với nhan đề Papa: An Intimate Biography of Mark Twain (Cha: Một Tiểu Sử Thân Yêu Của Mark Twain). Năm sau (1896), hai mươi bốn tuổi, Susie qua đời vì bệnh viêm màng tủy sống.

Năm 1875, khi Susie ba tuổi và Clara một tuổi, Mark Twain viết một lá thư hồi âm Susie. Ký tên là “ÔNG GIÀ NÔ-EN yêu thương của cháu” (your loving SANTA CLAUS), người cha tự nhận mình là “Ông Trên Mặt Trăng” (The Man in the Moon), và thư gởi tới từ “Cung Điện Thánh Ni-cô-la trên Mặt Trăng” (Palace of St. Nicholas in the Moon).([1])

Phần chánh lá thư Mark Twain viết cho con gái gồm ba đoạn quá dài; tuy thế, bản dịch này cứ giữ nguyên cách phân đoạn trong nguyên tác. Đáng lưu ý, trong nguyên tác chín trăm bảy mươi từ tuyệt nhiên không có một chữ nào nói rằng cô bé Susie “XIN quà” mà chỉ là “ĐẶT quà” (ordered); cũng không có chữ nào là “CHO quà” mà chỉ là “GIAO quà” (delivered). Cách dùng từ tế nhị của Mark Twain đối với cô con gái ba tuổi mà ông rất mực yêu thương có lẽ đáng cho chúng ta suy gẫm thêm.

Ngoài ra, với giọng văn hài hước cố hữu y như khi viết tiểu thuyết The Adventures of Tom Sawyer (Những Cuộc Phiêu Lưu Của Tom Sawyer, xuất bản năm 1876), Mark Twain khéo léo dẫn dắt, nâng cánh đứa trẻ ba tuổi bay bổng vào cảnh giới tưởng tượng, một cảnh giới phong phú mà các nhà giáo dục lỗi lạc, các chuyên gia tâm lý trẻ em luôn luôn khuyến cáo bọn người lớn chúng ta chớ dại dột tước đoạt khỏi tuổi thơ ngà ngọc của các bé.

Thấm thía giá trị nhân bản bàng bạc trong lá thư Mark Twain gửi con gái, chúng ta hiểu ngay lý do vì sao trải qua ngót một thế kỷ rưỡi, lá thư này vẫn là tác phẩm bất hủ, nằm trong mảng chuyện kể Giáng Sinh được yêu thích nhất của kho tàng văn học thế giới.


 

*

Cung Điện Thánh Ni-cô-la

Trên Mặt Trăng

Buổi Sáng Giáng Sinh

CHÁU SUSIE CLEMENS THÂN YÊU:

Ta đã nhận và đã đọc tất cả những lá thư mà cháu và cô em bé bỏng của cháu viết cho ta nhờ vào bàn tay mẹ cháu và các chị vú. Ta cũng đã đọc hết tất cả những lá thư mà bọn trẻ các cháu tự tay viết cho ta, mặc dù các cháu không dùng những chữ cái ABC như người lớn, mà lại dùng các ký hiệu được tất cả trẻ nhỏ ở mọi nơi trên trái đất và trên các vì sao lấp lánh quen dùng. Trẻ con trên mặt trăng cũng không dùng kiểu chữ viết nào khác hơn những ký hiệu của các cháu. Do đó, cháu dễ hiểu rằng ta có thể đọc những dòng nguệch ngoạc và những hình vẽ lạ mắt của hai chị em cháu mà chẳng hề trở ngại chi cả. Tuy nhiên, ta lại gặp rắc rối với những lá thư mà cháu đọc để mẹ và các chị vú chép giùm, bởi lẽ ta là người nước ngoài và không thể đọc thông thạo các dòng chữ tiếng Anh. Cháu sẽ nhận ra rằng ta chẳng sai sót gì về các món mà trong thư cháu và em cháu đặt quà. Nửa đêm khi cháu đang ngủ, ta theo ống khói tuột xuống phòng cháu và tự tay giao quà. Ta cũng hôn hai cháu nữa, vì hai cháu là trẻ ngoan, được dạy dỗ khéo, được đối xử tử tế, và là hai trẻ biết vâng lời nhất trong số các trẻ ta từng gặp. Nhưng trong lá thư cháu đọc cho người lớn viết giúp có vài chữ ta không hiểu rõ lắm, và có một hay hai món nho nhỏ cháu đặt thì ta không tìm ra vì kho quà đã cạn sạch. Lô quà chót gồm các bộ bàn ghế, tủ kệ nhà bếp dành cho búp bê vừa mới gởi tới một cô bé nghèo ở tận Bắc Cực, tại xứ sở lạnh lẽo nằm phía trên sao Bắc Đẩu. Mẹ cháu có thể chỉ cho cháu nhìn thấy sao đó và cháu sẽ bảo: “Bông Tuyết Bé Bỏng à,” (vì đó là tên cô bé nọ) “tớ vui vì bạn nhận được bộ bàn ghế, tủ kệ ấy vì bạn cần chúng hơn tớ.” Nghĩa là cháu phải viết câu đó, tự tay cháu nhé, và Bông Tuyết sẽ viết thư trả lời. Nếu cháu chỉ nói ra tiếng thì cô bé không thể nghe được. Thư cháu phải nhẹ và mỏng, vì nơi ấy xa xôi lắm mà tiền tem rất mắc.

Có một hay hai chữ mẹ cháu viết trong thư mà ta không hiểu rõ. Ta đoán chừng là “một rương đầy ắp quần áo cho búp bê”. Có đúng thế không nhỉ? Khoảng chín giờ sáng mai ta sẽ tới cửa nhà bếp gia đình cháu để hỏi cho rõ. Nhưng ta không được gặp ai và không được nói chuyện với ai ngoại trừ cháu. Khi chuông cửa nhà bếp vang lên, George ([2]) phải bịt kín hai mắt và ra mở cửa. Sau đó anh ta trở vào phòng ăn hay đi tới tủ tô dĩa sứ và có đầu bếp đi theo. Cháu phải dặn George nhón gót bước rón rén và im thin thít, bằng không một ngày nào đó anh ta sẽ chết. Rồi cháu phải đi lên phòng các cháu, đứng trên ghế hay trên giường chị vú và áp tai vào ống nghe ([3]) ăn thông xuống nhà bếp; lúc ấy ta huýt sáo vào ống và cháu phải nói vào ống rằng “Cháu chào mừng Ông Già Nô-en”. Thế thì ta sẽ hỏi có đúng cái rương là món quà cháu đặt ta hay không. Nếu cháu nói phải, ta sẽ hỏi cháu thích cái rương màu gì. Mẹ cháu sẽ giúp cháu nói tên một màu đẹp đẽ và sau đó cháu phải kể rõ từng thứ mà cháu muốn được chứa trong rương. Thế rồi khi ta nói “Tạm biệt Susie Clemens bé bỏng của ta và chúc cháu một Giáng Sinh vui vẻ” thì cháu phải đáp lại rằng “Cháu chào Ông Già Nô-en tốt bụng, cháu cảm ơn ông thật nhiều và nhờ ông bảo với bạn Bông Tuyết bé bỏng rằng tối nay cháu sẽ nhìn lên ngôi sao của bạn ấy và bạn ấy sẽ nhìn xuống dưới này; bảo rằng cháu sẽ có mặt ở đúng cửa sổ phía tây, và mỗi đêm tốt trời cháu sẽ nhìn lên ngôi sao của bạn ấy mà nói ‘Tớ biết xa tít trên đó có một cô bé và tớ cũng thích cô ấy”. Xong rồi cháu phải đi xuống phòng đọc sách và bảo George đóng hết các cửa ăn thông vào đại sảnh, và mọi người phải giữ yên lặng một lúc. Ta sẽ trở lên mặt trăng lấy các thứ ấy và vài phút sau ta sẽ chui qua ống khói lò sưởi trong đại sảnh nếu đó là cái rương cháu muốn vì cháu biết là ta không thể mang một cái rương như thế chui lọt ống khói phòng các cháu.

Nếu muốn, mọi người có thể nói chuyện cho tới khi nghe tiếng chân ta bước trong đại sảnh. Bấy giờ cháu bảo họ yên lặng một lúc cho tới khi ta chui lại vào ống khói. Có thể cháu sẽ chẳng nghe được tiếng chân ta bước đâu, thế nên thỉnh thoảng cháu được phép tới nhìn trộm qua các cửa ở phòng ăn, và cuối cùng thì cháu sẽ thấy món đồ cháu muốn, ngay bên dưới dương cầm trong phòng khách, vì ta sẽ đặt nó ở đó. Nếu ta lỡ để rơi rớt chút tuyết trong đại sảnh, cháu phải bảo George quét vào lò sưởi vì ta không có thời gian làm mấy việc như thế. George không được dùng chổi mà phải dùng giẻ lau, bằng không một ngày nào đó anh ta sẽ chết. Cháu phải canh chừng George và chớ để anh ta gặp nguy hiểm. Nếu chiếc ủng của ta lỡ vấy bẩn trên nền đá hoa, George không được kỳ cọ tẩy sạch. Hãy để nó luôn luôn y nguyên như thế để nhớ rằng ta đã tới nhà cháu, và mỗi khi cháu nhìn dấu vết ấy hoặc cho bất kỳ ai thấy nó thì cháu phải để nó nhắc nhở cháu hãy là một cô bé ngoan. Mỗi khi cháu không ngoan và có người chỉ cho cháu thấy dấu vết mà chiếc ủng của Ông Già Nô-en tốt bụng lưu lại trên nền đá hoa, thì cháu sẽ nói gì nhỉ, hỡi cháu cưng bé bỏng?

Tạm biệt cháu trong vài phút, cho tới khi ta trở xuống thế gian và rung chuông cửa nhà bếp.

ÔNG GIÀ NÔ-EN yêu thương của cháu

Người đôi khi còn được gọi là “Ông Trên Mặt Trăng”

MARK TWAIN (1875)

HUỆ KHẢI (11-12-2021)



([1]) Ông Già Nô-en hay Santa Claus còn được xem là Thánh Ni-cô-la.

([2]) Trong thư George được nhắc tên bảy lần. Đây là George Griffin, một người Mỹ da đen từng bị bắt làm nô lệ. Sau khi được tự do, anh làm quản gia cho Mark Twain mười bảy năm, gồm cả thời kỳ ông đang viết tiểu thuyết Adventures of Huckleberry Finn (Những Cuộc Phiêu Lưu Của Huckleberry Finn) in ở Mỹ năm 1885. Người ta đoán rằng Jim (chàng nô lệ da đen bỏ trốn trong tiểu thuyết ấy) là nhân vật được mô phỏng theo George Griffin.

([3]) Ống nghe hay ống nói (speaking tube) gồm hai hình nón (để áp vào miệng khi nói, hoặc áp vào tai khi nghe); cả hai nối với nhau bằng một ống rỗng, có thể truyền âm thanh đi xa trong khoảng cách tối đa chín mươi mét. Vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, ống nói được lắp đặt trên xe lửa, tàu biển, các văn phòng và những nhà giàu để liên lạc nội bộ giống như máy “nội đàm” (intercom). Đến khi điện thoại được phổ biến thì ống nói bị đào thải.