VÀI KINH NGHIỆM ĐỌC
THÁNH
TRUYỀN TRUNG HƯNG (phần 2)
HUỆ KHẢI
III. Điển cố
Điển cố là chuyện
tích xưa hoặc câu nói trích trong sách vở. Vài thí dụ trích trong Thánh Truyền Trung Hưng:
1. Đạt nhân quân tử
“Những người đạt nhân quân tử lúc
nào cũng trông xa nghĩ rộng mà đặt vấn đề cả cho mình và cho mọi người đồng thi
hành trên phương diện đó.” ([1])
Đạt nhân quân tử 達人君子 nghĩa là bậc quân tử biết mưu cầu sự thành đạt cho người
khác cũng như mình thành đạt.
Nhân 人 là con người, không phải là đức nhân 仁, nhân ái 仁愛. Đạt 達 là thành đạt, thành tựu, thành công. Đạt nhân là giúp cho người khác thành công cũng như mình thành công.
Đạt nhân là lời Đức Khổng Tử dạy ông Tử Cống, được chép trong Luận Ngữ (6:30): (K)ỷ dục lập nhi lập nhân; kỷ dục đạt nhi đạt nhân. 己欲立 而立人, 己欲達而達人. (Muốn tạo lập cho
mình thì cũng tạo lập cho người khác; muốn mình thành đạt thì cũng giúp người
khác thành đạt.)
2. Khổng Tử bị vây khốn ở Trần, Thái.
“Dầu có như Khổng Phu Tử bị vây khốn ở
Trần, Thái mà giữ được thanh tịnh tự nhiên; rồi muôn việc cũng qua,
mà tỏ được chí mình hồn nhiên vô vọng.” ([2])
Khổng Phu Tử bị vây khốn ở Trần, Thái:
Tích này gọi là Trần Thái tuyệt lương 陳蔡絕糧 (Hết
sạch lương thực tại biên giới nước Trần và nước Thái), cũng gọi là tại Trần tuyệt lương 在陳絕糧.
Luận Ngữ (15:2) chép: Tại Trần tuyệt lương, tòng giả bệnh, mạc năng hưng. 在陳絕糧, 從者病, 莫能興. (Tại nước Trần, thầy trò cạn hết lương thực, đệ tử đi theo ngã bệnh, không ai ngồi dậy nổi.)
Tiểu thuyết Đông Chu
Liệt Quốc (Hồi 79) của Phùng Mộng Long chép: Khổng Tử tuyệt lương tam nhật, nhi huyền ca bất xuyết. 孔子絕糧三日, 而絃歌不輟. (Khổng Tử bị tuyệt lương ba ngày, mà vẫn không ngừng gảy đàn đọc sách.)
Theo Phùng Mộng Long, Đức Khổng ghét nước Vệ trái lễ nên đi
sang nước Trần. Khi Phu Tử đến biên giới hai nước Trần và Thái thì Sở Chiêu Vương phái người rước về nước Sở. Các quan đại
phu hai nước Trần, Thái sợ nước Sở dùng Đức Khổng thì nguy cho nước
họ, bèn điều động quân binh bao vây Phu Tử ở biên giới.
3. Linh Sơn
Linh
Sơn cùng bạn đồng tâm
Nên hư đóng cửa âm thầm nhủ khuyên.([3])
Linh Sơn nói đủ là Linh
Sơn cốt nhục 靈山骨肉. Linh Sơn là núi Linh Thứu 靈鷲山 (thứu:
chim kên kên). Trên núi này Đức Phật Thích
Ca đã thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa
(kinh Pháp Hoa). Những ai có mặt nghe pháp lúc ấy là những người dự hội Linh
Sơn (Linh Sơn hội thướng nhân 靈山會 上人).
Người tu
thường gọi tình bạn đạo thân thiết là tình Linh Sơn cốt nhục. Cốt nhục
là xương thịt, nghĩa bóng là tình máu mủ cùng cha cùng mẹ rất thân thiết.
Khi nói
tình Linh Sơn cốt nhục, hoặc nói tắt là tình Linh Sơn, thì ngụ ý rằng chúng ta
nào phải mới gặp nhau, mới biết nhau kiếp này; mà xa xưa trong nhiều kiếp,
chúng ta đã cùng dự hội Linh Sơn, cùng nghe giảng kinh Pháp Hoa.
Khi nhắc
nhau tình Linh Sơn còn ngụ ý hãy giữ cho lòng chúng ta gần gũi trong đạo mạch
thiêng liêng, cùng thương nhau, hiểu nhau, cảm thông nhau, bảo bọc nhau, không
để lòng phàm tánh tục chia cách.
4. Lý bạc băng, lâm thâm uyên
“Hối
nghĩa là sao? Là nguyện từ nay bao nhiêu những lỗi cũ không còn vấp phạm nữa,
phải luôn luôn tư thiết ([4]) với
tội lỗi của mình. Như lâm thâm uyên, như lý bạc băng, phải
lo sợ cái ngày chết nó kề một bên.” ([5])
Luận Ngữ
(8:3): Thi vân: “Chiến chiến căng căng như lâm thâm uyên, như lý bạc băng.” 詩云: “戰戰兢兢, 如臨深淵, 如履 薄冰.” (Kinh Thi nói: “Phải nơm nớp
run sợ, như đang tới mép vực sâu, như đang bước trên lớp băng mỏng.”)
Chiến 戰 là
run rẩy vì sợ hãi. Căng 兢 (hay căng
căng) là kiêng dè, cẩn thận. Chiến căng (chiến chiến
căng căng) là sợ run lập
cập.
5. Ngọc bích Biện
Hòa
“Thời này cả
một sự gay cấn, ngọc đá chưa phân. Nếu không phải con mắt nhà nghề thì dầu cho
nó là của quý Biện Hòa
cũng khó mong khỏi tội khi người.” ([6])
Cuối đời Sở Lệ Vương, có
người dân là Biện Hòa 卞和 nhặt được ở
Kinh Sơn 荆山 một hòn đá và biết trong đó chứa ngọc,
bèn đem dâng Lệ Vương. Thợ ngọc triều đình bảo chỉ là hòn đá tầm thường. Lệ
Vương sai chặt chân trái Biện Hòa để trừng trị tội khi quân.
Sở Vũ Vương lên nối
ngôi, Biện Hòa tuy què vẫn vào triều dâng ngọc lần nữa. Thợ ngọc trong triều
cũng bảo là đá, Vũ Vương ra lệnh chặt chân phải Biện Hòa.
Sở Văn Vương kế vị, Biện Hòa cụt hai chân, không vào
triều dâng ngọc được, ôm hòn đá than khóc ở chân núi Kinh Sơn ba ngày ba đêm.
Có người hỏi: “Ông vẫn cứ mong vọng, luyến tiếc lộc vua ban thưởng ư?” Biện Hòa nói: “Tôi nào mong
cầu được thưởng. Chỉ hận rằng ngọc quý mà họ cứ bảo là đá. Thật
giả không minh bạch, cho nên tôi đau xót lắm!”
Sở Văn Vương nghe chuyện, sai đưa Biện Hòa cùng viên đá vào triều. Thợ ngọc
xẻ đá ra thì được viên ngọc quý, chế tác thành ngọc bích, gọi là ngọc bích Biện
Hòa.
6. Tề nhứt biến; Lỗ
nhứt biến
“Thời thế xoay đổi thế nào? Tề nhứt biến; Lỗ
nhứt biến. Tề tam biến chưa thành, Lỗ nhứt biến đạt đạo. (...) Các hiền đã cảm thông sự biến của Tề
và Lỗ chăng?” ([7])
Biến có nghĩa là cải cách chính trị. Khi
Vương An Thạch 王安石 (1021-1086) làm tể tướng (cũng như thủ tướng
ngày nay), ông tiến hành cải cách chính trị nhà Tống thì đường lối cải cách đó
được gọi là biến pháp 變法.
Tề nhứt biến; Lỗ nhứt biến là nói tắt một câu của Đức Khổng Tử, chép trong Luận Ngữ (6:24). Nguyên văn: Tề nhứt biến, chí ư Lỗ; Lỗ nhứt biến, chí ư đạo. 齊一變, 至於魯; 魯一變, 至於道. (Nước Tề cải cách một bực thì đạt tới trình độ nước Lỗ; nước Lỗ cải cách một bực thì đạt được trình độ đất nước theo vương đạo 王道).
Tề Hoàn Công 齊桓公 (715-643
TCN) cai trị nước Tề theo bá đạo 霸道 nên Tề sớm cường thịnh mà phương diện giáo hóa kém suy. Nước Lỗ tuy yếu hơn Tề, nhưng còn trọng lễ giáo và tín nghĩa; nếu cải cách một bực thì Lỗ sẽ tiến rất xa và nhanh hơn Tề. Do đó, Đức Trần Tổng Lý nói thêm: Tề tam biến chưa thành, Lỗ nhứt biến đạt đạo. 齊三變未成; 魯一變 達道. (Lỗ một lần cải cách thì đạt tới nước
theo vương đạo; Tề ba lần cải cách cũng chưa thành nước theo vương đạo.)
7. Tuyển hiền cử năng
Cửa
tâm pháp mở truyền bí pháp
Pháp
huyền vi quy nạp cơ duyên
Trung
Tông khẩu thọ tâm truyền
Phân
phàm chọn thánh, tuyển hiền cử năng.([8])
Tuyển hiền cử năng 選賢舉能: Chọn lựa và cất nhắc người hiền đức, tài giỏi.
Thành
ngữ này lấy từ sách Lễ Ký 禮記 (thiên Lễ Vận 禮運): “Đại Đạo chi hành dã, thiên hạ vi
công, tuyển hiền dữ ([9]) năng, giảng tín tu mục.” 大道之行也, 天下為公, 選賢與能, 講信修 睦. (Thực hành Đại Đạo là công bằng trong thiên hạ, chọn người hiền đức và cất nhắc
người tài năng, nói năng tín thành, tu thân hòa mục.)
8. Văn chất bân bân
Tiếp kỳ
giáo hóa độ quần lê
Văn chất bân bân, trọn mọi bề.([10])
Luận Ngữ (6:18) chép lời Đức Khổng Tử: Chất thắng văn tắc dã; văn thắng chất tắc
sử; văn chất bân bân, nhiên hậu quân tử. 勝文則野;
文勝質則史; 文質彬彬;
然後君子. (Chất
phác trội hơn văn nhã là kẻ quê mùa; văn nhã trội hơn chất phác là kẻ chép sử;
văn nhã và chất phác ngang nhau là người quân tử.)
Vậy, văn chất bân
bân 文質彬彬 là văn
nhã và chất phác đều nhau.
Ở bậc hướng đạo, “chất” là nội lực bên trong, tích lũy do nhiều năm dày
công học hỏi giáo lý, tham thiền tịnh luyện, nên đủ khả năng gánh vác việc đạo;
“văn” là
kết quả nhiều năm dày công trau dồi đức độ, thể hiện ra phong thái, dáng vẻ bên
ngoài khiến cho người khác thoạt nhìn thấy thì tự dưng sinh lòng tôn kính, hễ được
gần gũi bậc hướng đạo thì thương, tự cho là diễm phúc, mà nếu phải cách xa thì nhung
nhớ, tha thiết mong muốn được dịp gặp lại.
IV. Kinh Thánh Tân Ước (Phúc Âm)
Nếu muốn giới thiệu
cho người phương Tây biết Đạo Thầy, có lẽ người đạo Cao Đài nên học Phúc Âm để
tìm những chỗ tương đồng giữa giáo lý Kỳ Ba với lời Chúa mà phần lớn người
phương Tây đã thấm nhuần hơn hai ngàn năm qua. Xin thử nêu một ví dụ về chỗ
tương đồng như sau:
– Nhị Kỳ Phổ Độ, Tân
Ước (Mát-thêu 4:18-21) chép:
Chúa Giê-su đang đi
dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn (cũng gọi là
Phê-rô) và người anh là ông An-rê đang quăng chài xuống biển, vì hai ông làm
nghề đánh cá. Chúa bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi. Tôi sẽ làm cho các anh
thành những kẻ lưới người như lưới cá.”
– Tam Kỳ Phổ Độ, Thứ
Bảy 01-01-1927, Đức Cao Đài Thượng Đế dạy nữ tiền khai Hương Hiếu (1887-1971):
“Các con một đầu, Thầy một đầu, nắm chặt
tay lưới vớt cả chúng sanh.”
Thánh Truyền Trung Hưng có khá nhiều thuật ngữ Đạo Chúa.([11]) Nếu đã học Phúc Âm, các vị ngành Phổ Tế có thêm thuận lợi để thuyết giảng
thánh giáo. Chẳng hạn:
1. Còi, gậy, và chiên
Còi gậy có Thầy cho điều độ
Bước chông gai hoạn lộ thiếu người.([12])
“Trong hàng ngũ
hướng đạo các cấp chưa được huấn luyện phương pháp chăn giữ đàn chiên.”
([13])
Bậc hướng đạo dẫn
dắt tín đồ được Đạo Chúa gọi là mục tử chăn giữ đàn chiên. Mục tử dùng còi để
gọi chiên (cừu) và dùng gậy để lùa đàn chiên, đánh đuổi lũ sói bảo vệ chiên.
2. Lý trí
“Trong các mối tương quan, điều đáng lo là sống bằng hư
danh và bạn bè với khôn ngoan lý trí.” ([14])
Thánh giáo cảnh tỉnh rằng bạn bè với khôn ngoan lý trí là điều đáng lo. Lời này thoạt nghe có vẻ thiếu hợp lý,
trái với lý lẽ thông thường. Tuy nhiên, khi dạy môn sanh đừng kết giao “bạn bè với khôn ngoan lý trí” tức là
Đức Ngô cảnh báo chúng ta đừng tin tưởng vào óc khôn ngoan theo lý trí thế gian
vì chúng ta dễ bị phàm ý (hằng bị dục vọng chi phối) dẫn dắt đi lạc đường.
Nhờ đã học Phúc Âm, và biết trích
dẫn Thư 1 Cô-rin-tô (3:18-19), thì các vị ngành Phổ Tế có thể làm sáng tỏ lời dạy của Đức Ngô bằng cách trưng ra lời
Thánh tông đồ Phao-lô cảnh báo các Ki-tô hữu:
“Nếu trong anh em có ai tự
cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên
rồ, để được khôn ngoan thật. Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt
Thiên Chúa.”
Thế nên, các vị
ngành Phổ Tế cực lắm; muốn hiểu rõ Thánh
Truyền Trung Hưng thì học thêm Tam Giáo vẫn thiếu, do đó cần học cho đủ Tứ
Giáo, tức là học thêm Tân Ước (Phúc Âm) của Đạo Chúa.
V. Tách đôi từ
Đây là một trong các
biện pháp tu từ, bằng cách tách đôi một từ ghép bằng một từ khác (các + chi phái → các chi các phái); hoặc
tách đôi một từ láy (phải + đắn đo → phải
đắn phải đo). Nếu thêm dấu phẩy (các
chi, các phái / phải đắn, phải đo) thì sai.
Nguyễn Tài Cẩn trong
Ngữ Pháp Tiếng Việt (Tiếng – Từ Ghép –
Đoản Ngữ)”, in lần thứ ba, Nxb Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 1996, tr. 18-20,
gọi là “hiện tượng tách đôi từ”.
Trong bài “Vài Biện Pháp Tu Từ Trong Thánh Giáo Cao
Đài”,([15]) tôi gọi là “biện pháp tách từ”,
là “cài răng lược”, và cung cấp nhiều
thí dụ minh họa hơn dưới đây.
Tách đôi từ ghép có nhiều trong Thánh Truyền Trung
Hưng. Sau đây là vài thí dụ:
1. Giờ hiệp lại để toan để tính
Giờ phân ra ban lịnh rao truyền
Một nhà quyền pháp linh thiêng
Chờ khi Tứ Giáo quy nguyên mới lành.([16])
Lưu ý: để + toan tính → để toan để
tính. Nếu thêm dấu phẩy (để toan, để
tính) thì sai.
2. Chư chức sắc
quên thân vì Đạo
Xa
gần đều hoài bão tư duy
Đừng còn
sớm thị chiều phi
Làm
người hướng đạo gắn ghi trọn tình.([17])
Lưu ý: sớm chiều + thị phi → sớm thị
chiều phi. Nếu thêm dấu phẩy (sớm thị, chiều phi) thì sai.
3. BẢO nhau thành thật mến yêu nhau
THỌ pháp rồi lo
gắng luyện trau
THÁNH vức có
ngày chung một cõi
NƯƠNG Thầy
nương bạn trước hiền sau.([18])
Lưu ý: bạn hiền + trước sau → bạn
trước hiền sau. Nếu thêm dấu phẩy (bạn
trước, hiền sau) thì sai và vô nghĩa.
Trong câu bốn dẫn trên, bạn trước hiền sau có nghĩa là bạn hiền (bạn đồng tu) ở
chung quanh.
4. Thương cơ đạo chia mười xẻ bảy
Mối chơn truyền bẻ gãy làm đôi ...
Thầy thấy con trăm phương ngàn kế
Lo lợi danh mà phế cảnh nhàn ... ([19])
Lưu ý: chia xẻ + mười + bảy → chia mười xẻ
bảy.
trăm + ngàn + phương kế → trăm phương ngàn kế.
5. “Tệ muội thấy
hữu hạnh nhứt là chị em có đủ các tiện nghi giải thoát, thế mà chị em còn trông
đó ngó đây.” ([20])
Lưu ý: trông ngó + đó đây → trông đó
ngó đây. Nếu thêm dấu phẩy (trông đó, ngó đây) thì sai.
6. “Bởi ham muốn mà tạo cho cảnh đời nay
chìm mai nổi, kẻ khóc người cười.” ([21])
Lưu ý: nay mai + chìm nổi → nay chìm mai nổi.
kẻ +
người + khóc cười → kẻ khóc người cười.
7. “Trong khi khảo thí, chị em còn vui đây
vui đó, đặt nhẹ lòng tu, chưa thấy cái khổ tròng đến nay mai, mà cứ vọng
ước việc đâu đâu ngoài phần giải thoát.” ([22])
Lưu ý: vui + đây đó → vui đây vui đó. Nếu thêm dấu phẩy (vui đây, vui đó) thì sai.
VI. Lược bớt chữ
1. Lược bớt chữ theo luật thơ
– Mưa pháp mưa
lành xuống thế gian
Xuống cho bốn biển được an toàn
Toàn người hướng đạo thân bồ tát
Thì
chánh giáo ngày được mở mang.([23])
Thơ thất ngôn, mỗi câu chỉ
có bảy chữ; do đó câu bốn phải lược bớt chữ. Ở đây, ngày có
nghĩa là càng ngày càng.
– Con làm sao sử
đời ghi chép
Con làm sao quyền pháp nhiệm mầu
Đạo mầu rải khắp đâu đâu
Nơi này rồi
sẽ năm châu sau này.([24])
Thơ song
thất lục bát, câu bốn chỉ có tám chữ, nên phải lược bớt chữ. Câu này ý nói: Nơi
này (Việt Nam) về sau này sẽ là chỗ năm châu tìm đến học đạo Cao Đài.
– Các đệ xuyên qua mấy cõi lòng
Để coi mầu nhiệm đấng Thiên Công
Úp nghiêng lật ngửa đời trong
nháy
Bước đạo dò nương mỗi nhắc phòng.([25])
Thơ thất
ngôn, mỗi câu chỉ có bảy chữ. Câu ba nói đủ là: trong nháy mắt. Câu bốn nói đủ là: mỗi lúc mỗi nhắc nhở hãy đề phòng.
2. Lược bớt chữ theo luật thơ và đảo ngữ
– Đạo mầu quý báu hơn vàng
Người đời mờ ám khó toan kiếm tìm
Xem qua từ cổ
chí kim
Mấy người đắc ngộ không kiềm chí
tâm.([26])
Thơ lục
bát, câu bốn có tám chữ, do đó phải lược bớt chữ. Ở đây lại còn đảo ngữ. Câu
này ý nói: Không kiềm tâm kiềm chí thì chẳng có ai đắc ngộ.
– TRƯỜNG đường biết sức ngựa
XUÂN ý suy bữa bữa
PHẬT nhật được tăng huy
ĐỊA bàn kim đã hứa.([27])
Thơ ngũ ngôn tứ tuyệt mỗi câu
chỉ có năm chữ; do đó, câu bốn phải lược bớt chữ; người đọc phải đoán và thêm
chữ cho dễ hiểu.
Bài thơ này gieo vần ưa (ngựa, bữa, hứa). Chữ hứa
cuối câu bốn nên hiểu là hẹn hứa, và hiểu thoát ý là ấn định sẵn.
Địa bàn 地盤 là la bàn 羅盤 (compass), kim chỉ nam (chỉ
nam châm 指南針). Địa bàn kim là đảo ngữ của kim
địa bàn; kim này đã định sẵn phương hướng (vì nó làm bằng nam châm, luôn
luôn xoay theo hướng bắc-nam).
Vậy, Địa
bàn kim đã hứa có nghĩa bóng là Đức Phật Địa nhắc nhở các bậc hướng đạo rằng
đường đi nước bước của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài đã được Đức Chí Tôn vạch sẵn
(ấn định sẵn); các bậc hướng đạo miền Trung hãy cứ noi theo đó tu học hành sự
cho đúng.
VII. Biến âm
1. Biến âm để ăn vần
theo luật thơ lục bát.
Sống còn trong kiếp vô thường
Làm sao thân phận an bường, tươi vui.([28])
An bường là an bình, bình an 平安. Biến âm bình
thành bường để vần với thường cuối câu lục.
2. Biến âm cho phù hợp với thơ
quán thủ.
– TỪ bi lân mẫn mãi không phiền
HÀNG (hoằng) pháp độ người
cũng chí chuyên
BỒ bặc cho nhau chung sức lại
TÁT (tác) thành cho Đạo ở chư hiền.([29])
Vé thơ (khổ thơ) quán thủ là TỪ HÀNG BỒ
TÁT. Câu bốn nên ghi chú bên cạnh là tác để
đúng chánh tả hai chữ tác thành 作成 là giúp cho (Đạo)
thành công.
Câu hai lẽ ra là hoằng pháp 弘法, tức
là hoằng dương chánh pháp 弘揚正法, làm cho chánh pháp
phát triển; nhưng phải biến âm hoằng thành
hàng cho đúng với hồng danh Đức Bồ
Tát Từ Hàng (cũng là Đức Quan Âm).
– PHỔ truyền đạo
pháp cứu Lần Ba
ĐÀ (đã) đến ngày giờ
mở cửa ra
BỒ hạnh trọn trao cơ thoát tục
TÁT (tác) thành Thánh Hội mở Long Hoa.([30])
Vé thơ quán thủ là PHỔ ĐÀ BỒ TÁT. Câu
hai nên ghi chú bên cạnh là đã. Câu
bốn nên ghi chú bên cạnh là tác để
đúng chánh tả hai chữ tác thành 作成.
– NGỌC quý Thầy trao chớ hững hờ
HOÀN(G) toàn pháp đạo tạo huyền cơ
THƯỢNG căn mới biết lời u ẩn
ĐẾ mạng mau mau bước kịp giờ.([31])
Vé thơ quán thủ là NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ.
Câu hai nên ghi chú bên cạnh là hoàn để
đúng chánh tả hai chữ hoàn toàn 完全.
VIII. Đảo ngữ
Tạm nêu
vài thí dụ trích trong Thánh Truyền Trung
Hưng.
1. An khương → Khương an
KHƯƠNG an cũng đợi một thời qua
THƯỢNG đức đương mưu một chữ hòa
TỬ sĩ quyết tu công quả vẹn
NHA đường pháp đạo
được trao qua.([32])
2. Nhiêu khê → Khê nhiêu
Đạo gặp lúc bộn bề công việc
Chỉnh cơ quan quyết liệt cũng nhiều
Hành trình gặp bước khê nhiêu
Pháp môn chưa đủ dắt dìu nhơn
sanh.([33])
Nhiêu khê (là phức tạp rắc
rối, khó làm, khó thực hiện) đảo ngữ thành khê
nhiêu cho ăn vần chữ nhiều cuối
câu trên.
3. Về đâu → Đâu về
Tay Tạo Hóa diệu huyền sắp đặt
Cõi dinh hoàn không sắc tương quan
Đêm thu gác áng mây vàng
Trần trung nhẹ gót cơ loan bút đề.
Nhân thế hỡi! Đâu về nhân bản?
Sứ mạng ơi! Sao đáng sứ đồ?
San hà vạn sắc điểm tô
Trung Châu một cõi diễn phô Đạo Trời.([34])
Đâu về nhân bản? Câu hỏi này nên hiểu là: Về đâu nhân bản? Lý do: Về
đâu đảo ngữ thành đâu về cho vần
với chữ đề cuối câu bốn ở khổ thơ
trước đó.
*
Những gì
trình bày trên đây chưa nói hết những khó khăn đối với quý huynh tỷ ngành Phổ
Tế mỗi lúc cần khai thác Thánh Truyền
Trung Hưng để soạn bài thuyết giảng tại họ đạo vào những dịp sóc vọng hằng
tháng. Tuy nhiên, khi có dịp nhận diện các “thử thách” tạm
kể ra như thế, chúng ta ý thức rõ rằng muốn vận dụng hiệu quả Thánh Truyền Trung Hưng vào đạo sự Phổ
Tế thì nên chuyên cần tham cứu kinh điển, có các sách tham khảo cần thiết,
thường xuyên bồi bổ cho hành trang Phổ Tế của chính mình ...
HUỆ KHẢI
Tháng Tư Nhâm
Dần (2022)