VÀI KINH NGHIỆM ĐỌC
THÁNH
TRUYỀN TRUNG HƯNG (phần 1)
HUỆ KHẢI
Mỗi
một Hội Thánh Cao Đài thường có ít ra một bộ kinh để làm trấn môn chi bảo 鎮門之寶. Một
trong các bảo bối trấn môn của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài chính là Thánh Truyền Trung Hưng. Trong lúc thực
hiện loạt sách Tìm Hiểu Thánh Truyền Trung Hưng,([1]) tôi có được chút ít kinh nghiệm, và rất
hân hạnh được chia sẻ với quý huynh tỷ ngành Phổ Tế.
I. Từ Hán Việt
1. Thánh
giáo Cao Đài nói chung, Thánh Truyền
Trung Hưng nói riêng, dùng nhiều từ Hán Việt. Thí
dụ:
TRƯỜNG
đường biết sức ngựa
XUÂN
ý suy bữa bữa
PHẬT nhật được tăng
huy
ĐỊA
bàn kim đã hứa.([2])
1.1. Nhật, nhựt日thông thường là ngày. Nhưng còn có mấy nghĩa
khác như sau:
– Hằng ngày, mỗi ngày. Thí dụ,
Tăng Tử nói: Ngô nhật tam tỉnh ngô thân. 吾日三省吾身. (Mỗi ngày
tôi tự xét mình ba việc.)
– Càng
ngày càng. Thí dụ, Mặc Tử nói: (G)ia nhật ích, thân nhật an, danh nhật vinh. 家日益, 身日安, 名日榮.
(Nhà ngày càng thịnh vượng, thân ngày càng
an ổn, danh ngày càng hiển hách.)
1.2. Phật 佛 trong câu thánh thi dẫn trên không có nghĩa
là ông Phật (Buddha). Chữ Phật còn được hiểu là: giác giả 覺者 (người giác ngộ); tri giả 知者 (người biết). Vậy, ở đây cần hiểu
Phật là sự giác ngộ, minh triết.
1.3. Tăng huy 增暉 là tăng
thêm sự sáng.
Vậy, Phật nhật tăng huy là càng ngày càng thêm minh triết.
2. Hãy
lưu ý rằng một số từ Hán Việt được dùng với ý nghĩa khác hơn cách chúng ta
thường hiểu. Thí dụ:
Ngày
xuân dạo chốn trần gian
Nương
cậy thần bút, giáng
đàn đề thi
Xuân
về một lúc xuân đi
Gởi
bao tươi đẹp, phương phi cho đời.([3])
Chúng ta
thường dùng phương phi để chỉ thân
hình, mặt mũi béo tốt; nhưng trong câu thánh thi dẫn trên, phương phi 芳菲 là thơm tho. Phương
và phi đồng nghĩa là thơm.
3. Trường
hợp tương tự, thí dụ:
Ai nấy cũng hết lòng vì Đạo
Phải tiểu tâm chu đáo mọi bề
Thị thành, miền tỉnh, thôn quê
Bửu Tòa, thánh thất nhất tề ngoài trong.([4])
Chúng ta
thường hiểu tiểu tâm là bụng dạ nhỏ
mọn, tẹp nhẹp, v.v... Nhưng trong câu thánh thi dẫn trên, tiểu tâm 小 心 là thận trọng, không khinh suất.
Vì vậy,
khi gặp câu thánh giáo, thánh thi có dùng từ Hán Việt mà đem cái nghĩa người
Việt thường hiểu để giải thích lại thấy trục trặc, không hợp lý thì chúng ta hãy
chịu khó tra cứu từ điển để tìm kiếm ý nghĩa phù hợp.
4. Cẩn
thận khi gặp những từ Hán Việt cùng âm khác nghĩa. Thí dụ:
THÁI hòa một khí chống càn khôn
BẠCH hắc hai nghi để bảo tồn
KIM thạch dặn ai lòng đạo đức
TINH thần, nhật nguyệt chiếu thiên côn.([5])
Vào thế kỷ I đầu Công Nguyên, nhà thơ La Mã Juvenal có
nói: “Mens sana in corpore sano.”
(Một tinh thần 精神 minh mẫn trong một thân thể khỏe mạnh.) Nhưng trong vé
thơ quán thủ này, tinh thần 星辰 là tinh tú, các vì sao.
Thiên 天 là bầu trời. Côn
焜 là sáng
rỡ.
Câu
bốn ý nói: [Người tu hãy giữ cho lòng đạo đức của mình] sáng rỡ như mặt trời,
mặt trăng, và tinh tú chiếu sáng bầu trời.([6])
5. Trường hợp tương tự, thí dụ:
HAI, nghe ta hết lòng hoài bão
Thủy chung cùng với Đạo mất còn
Hết tình thuận đạo làm con
Thần nghe phán định cho tròn từ đây.([7])
Chữ thần trong câu bốn không phải là vị thần
神, ông thần; nếu không ở đầu câu thì không viết hoa. Chữ thần 臣 ở đây là bề tôi.
Câu ba
nói đạo làm con; câu bốn nói thần nghe phán định. Vậy, câu bốn
nói tới bổn phận của thần tử 臣子, vừa là bề tôi trung
thành của Thượng Đế, vừa là đứa con hiếu thảo của Đại Từ Phụ.
6. Thêm
một trường hợp đồng âm khác nghĩa. Thí dụ:
“Chư đệ! Một người đới thiên hành pháp
gặp phải bước đời đen tối, phải làm sao để cho cõi thế quang minh, chứ không lẽ
khoanh tay ngồi đợi?” ([8])
6.1. Thoạt thấy hai chữ “đới thiên”,
chúng ta dễ liên tưởng tới thành ngữ bất
cộng đới (đái) thiên 不共戴天 có
nghĩa là không đội trời chung, khi nói về hai kẻ thù nghịch không thể nào hòa
giải được. Chữ “thiên” này không viết hoa, nghĩa là bầu trời, vòm trời trên đầu
chúng ta.
6.2. Nhưng trong lời dạy của Đức Quan
Thánh Đế Quân không có một ý gì liên quan tới sự thù địch như thế. Do đó, hãy
hiểu đới thiên là nói tắt thành ngữ đới thiên lý địa 戴天履地 có nghĩa là (đầu) đội trời (chân) đạp đất.
Thành ngữ này diễn tả lối sống và hành động hết sức tự do, ngang tàng, không
khuất phục bất cứ một cường quyền áp bức nào trên đời. Truyện Kiều có câu: “Đội trời
đạp đất ở đời / Họ Từ, tên Hải, vốn người Việt Đông.”
Vậy, lời dạy của Đức Quan Thánh Đế Quân
nhằm nói tới người hành pháp (hành đạo) bất khuất, dũng mãnh, không chùn bước
trước mọi nghịch cảnh.
7. Tương tự, thí dụ:
Đoàn
các con kỳ phùng lập pháp
Pháp
quyền trao để góp phần lo
Lo
xây dựng lấy thân trò
Rồi lo xây dựng lấy lò
nấu nung.([9])
7.1. Hai chữ kỳ phùng dễ gợi nhớ tới thành ngữ kỳ phùng đối thủ 棋逢對手 hay kỳ phùng địch thủ 棋逢敵手 với nghĩa đen là
đánh cờ mà gặp phải đối thủ ngang tầm, và nghĩa bóng là gặp đối thủ có trình độ
ngang bằng, bản lĩnh tương đương, khó tranh cao thấp.
7.2. Nhưng vé thánh thi nào nói gì tới chuyện đánh cờ
hay tranh tài với nhau mà hòng nghĩ tới “đối thủ”. Ở đây, Đức Mẹ nói về
việc thành lập Nữ Đoàn Giải Thoát; thế nên hãy hiểu kỳ phùng 奇逢 là gặp được việc gì một cách tốt đẹp đặc
biệt.
7.3. Nói về “kỳ phùng” thì không thể bỏ
sót bốn câu này:
Cuộc
thử thách dặm trường thiên lý
Cờ
xứng tay chiếu bí song xa
Thử
xem kỳ thủ đâu là
Đức Trần
Tổng Lý chơi chữ ở câu ba. Câu hai nói: Cờ
xứng tay chiếu bí song xa; nên chúng ta dễ dàng ngỡ rằng kỳ thủ nghĩa là người đánh cờ (棋手). Đánh cờ mà gặp “cờ xứng tay” tức là đối thủ ngang tài
thì gọi là “ kỳ phùng đối thủ, kỳ phùng địch thủ” như vừa nói ở 7.1.
Nhưng
câu bốn nói: Tay nào tạo
thế nhân hòa ngày nay; thế nên kỳ thủ
lại có nghĩa là người có tài đặc biệt
(奇手), đồng nghĩa
với kỳ nhân 奇人.
8. Từ
Hán Việt có nghĩa bóng. Thí dụ:
LÝ
đào mấy độ rẽ đông tây
THÁI
quá nên ra đến nỗi nầy
BẠCH
Ngọc đòi phen tâu Thượng Phụ
Giáng
trần sửa trị lại trần ai.([11])
Lý đào 李桃 nghĩa đen là hoa mận và hoa đào (lý hoa hòa đào hoa 李花和桃花). Theo nghĩa bóng, lý
đào được ví với môn sanh, đệ tử (tỷ dụ
sở giáo đích môn sanh 比喻所教的 門生).
Nói rẽ
đông tây thì cũng giống như bảo kẻ
nam người bắc, tức là phân ly, chia tách, ly tán.
Vậy, câu một ý nói: Môn đệ Cao Đài mấy phen chia
rẽ, phân ly (ám chỉ tình trạng chia chi rẽ phái).
9. Một số từ Hán Việt thông dụng hay gặp trong
thánh giáo nói chung và Thánh Truyền Trung Hưng nói riêng, như: chi,
chưởng, giả, ... giả ... dã, v.v...
9.1. Chi 之 nghĩa
là của, thuộc về. Khi nói A 之 B
thì A bổ nghĩa cho B như một tính từ. Thí dụ: đại học chi đạo 大學之道: đạo đại học
(sách Đại Học); Phu Tử chi văn chương 夫子之文章: văn chương
của Khổng Phu Tử (Luận Ngữ, Công Dã Tràng).
Thánh giáo
Cao Đài hay nhắc tới:
– hư vô chi
khí 虛無之氣: khí hư vô; tiên thiên chi khí 先天之氣: khí tiên thiên…
– thiên địa chi
tâm 天地之心: tâm thiên địa, lòng trời đất; chơn thường chi
tánh 眞常之性: tánh chơn thường ([12])
– tề gia chi
tử 齊家之子: con cái biết coi sóc việc nhà; phá gia chi
tử 破家之子: con cái phá nhà phá của cho tan nát ([13])
9.2. Chưởng (do người miền Trung và
– chưởng
thiện quả ư thi thơ chi phố 種善果於詩書之圃: trồng những cây ăn trái
ngon ngọt trong vườn văn học (bài kinh “Quế Hương Nội Điện”)
– Thượng
Đế là gốc rễ của vạn loại chúng đẳng sanh linh. Gốc ấy là lành. Muốn trở lại
nơi lành, phải chưởng tạo giống lành.([14])
– Thầy từ lâu rất thương các
con nơi nầy tai nạn dập dồn vì nghiệp duyên chưởng tạo không lành, bước tu gặp nhiều trở ngại.([15])
– Nếu
người [thuộc Cơ Quan] Phước Thiện mà còn chưởng vào mình những bản ngã
tư tâm, lợi danh cương tỏa, thì chưa được.([16])
9.3. Giả 者 là đại từ đứng sau một động từ hay tính từ để nói thay
cho người hay vật; như vậy, nó tương đương cách người Anh nói “the one(s) that; the one(s) which; the
one(s) who; he who; those who”. Thí dụ:
– Động
từ + giả: hành giả 行者
(người thực hành thiền), ký giả 記者 (nhà
báo, phóng viên), tác giả 作者 (người sáng tác), thức giả 識者 (người
hiểu biết), tri giả 知者
(người biết), ngôn giả 言者 (người nói), v.v…
– Tính
từ + giả: trí giả 智者 (người
trí), nhân giả 仁者 (người
có lòng nhân ái), hiền giả 賢者 (người
hiền), v.v…
– Con
ôi! Đắc Đạo giả đa trợ; thất Đạo giả quả trợ.([17])
9.4. ... giả ...
dã (... 者 ...
也) là cấu trúc giải
thích về người hay vật. Chữ dã diễn
tả ý khẳng định, có thể dịch là vậy, hoặc
không cần dịch. Thí dụ:
– Quản Trọng nói: Sinh ngã
giả phụ mẫu dã; tri kỷ giả Bào Thúc dã. 生我者父母也; 知己者鮑叔也” (Sinh ra ta là cha mẹ ta; hiểu biết ta là Bào Thúc Nha
[vậy].)
– Nhân giả nhân dã. 仁者人也. (Trung Dung,
19: Nhân là đạo làm người [vậy].)
– Thiên giả Ngã dã. 天者我也. (Trời là Ta [vậy].)([18])
– Bồ giả Phổ dã; Tát giả
Tế dã. 菩者普也; 薩者濟也.
Trong sách giáo khoa Ấu Học Quỳnh Lâm 幼學瓊林 của Trình Đăng Cát 程登吉 đời Minh, quyển 4, mục 6: Thích Đạo Quỷ Thần 釋道鬼神 (quỷ thần trong đạo Phật và đạo
Lão) có câu: Bồ giả Phổ dã; Tát giả Tế dã; tôn xưng thần chi, cố hữu Bồ
Tát chi dự. 菩者普也; 薩者濟也; 尊稱神祗, 故有菩薩之譽.
Câu này có nghĩa: Bồ là Phổ (rộng khắp) vậy;
Tát là Tế (cứu giúp) vậy; tôn xưng thần linh nên có lời khen Bồ Tát.
Như thế, Bồ giả Phổ dã,
Tát giả Tế dã nhằm giải thích rằng Bồ Tát là Phổ Tế, cứu
giúp rộng khắp.
Nói thêm:
– Phổ tế đồng
nghĩa với phổ độ 普度. Chữ độ 度 (渡) hay tế 濟 nghĩa là từ bờ này sang bờ bên
kia, qua sông, sang sông. Cho nên kinh điển nói tế độ 濟渡 nghĩa là cứu vớt người đời ra
khỏi biển khổ, giống như vớt kẻ chết đuối lên thuyền chở sang bờ bên kia (đáo
bỉ ngạn 到彼岸). Chánh pháp vì thế ví như thuyền bát nhã vớt người chìm đắm trong biển
khổ (cõi trần).
– Chữ dã có thể lược bớt. Thí dụ:
Nguyên
thủy hữu Đạo. Đạo giả Thượng Đế.([19]) 原始有道. 道者上帝. (Đầu tiên có Đạo. Đạo là Thượng Đế.) Câu thứ hai có thể viết: Đạo giả Thượng Đế dã. (Đạo là Thượng Đế
vậy.)
10. Thảng như 倘如: Nếu
như. Thí dụ:
“Thảng
như không nhờ ở chánh pháp trung hưng, nhơn gian giác ngộ hồi hướng thì cõi
ta bà hôm nay khói lửa mịt trời, giáo gươm chát tiếng, nhơn loại còn được mấy
người.”([20])
Vì không biết “thảng
như” là từ Hán Việt nên nhiều bản ghi chép thánh giáo Cao Đài (không riêng Thánh Truyền Trung Hưng) thường viết là “thoảng như”, vô nghĩa.
II. Từ
Việt cổ
Kinh kệ, thánh giáo của Minh Lý Đạo và Cao Đài Giáo
cũng như sấm giảng của Phật Giáo Hòa Hảo có điểm chung đáng chú ý là đều dùng
khá nhiều từ Việt cổ (archaic), tức là những từ ngữ không còn thông dụng trong lời ăn tiếng nói
hằng ngày,([21]) và không còn
được ghi nhận trong phần lớn các bộ từ điển hay tự điển tiếng Việt xuất bản từ
nửa sau thế kỷ Hai Mươi trở đi, ngoại trừ bộ Tự Điển Việt Nam, quyển Thượng và Hạ, do Lê Văn Đức cùng một nhóm
văn hữu biên soạn, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, nhà sách Khai Trí xuất bản tại Sài
Gòn năm 1970. Bộ này ghi nhận khá nhiều mục từ thuộc loại từ cổ, nhưng không
ghi chú bên cạnh rằng đó là từ cổ.
Bằng cách sử dụng từ Việt cổ trong kinh kệ, thánh
ngôn, và sấm giảng, phải chăng ba nền tôn giáo bản địa phát sinh ở Nam Kỳ đã và
đang duy trì một số lời ăn tiếng nói lâu
đời của dân tộc, không để cho mai một? Tuy nhiên, tín đồ thường không hiểu
nghĩa từ Việt cổ, mà kinh sách trong đạo nếu thiếu sót phần giảng giải thì dễ
nảy sinh việc hiểu sai, rồi có người tự ý sửa chữa làm sái lạc nghĩa lý câu
kinh.([22])
Vài thí dụ về từ cổ
trong Thánh Truyền Trung Hưng:
1. Đòi phen:
Nhiều lần.
–
Bạch Ngọc đòi phen tâu Thượng Phụ
Giáng
trần sửa trị lại trần ai.([23])
– Thầy lắm lúc thiết tha căn dặn
Trò đòi phen chẳng đặng khoan hòa ...([24])
Nếu không hiểu, tín
đồ sửa lại thành đôi phen với ý nghĩa
là vài lần; đôi khi, thỉnh thoảng thì ý nghĩa sai lệch nhiều lắm.
2. Gió nà: Gió mạnh.
“Mặc tình buông lái thả chèo, trôi theo dòng nước
chảy xuôi, coi cách nhẹ nhàng phơi phới. Đến khi ngó lại bến cũ xa mù, mới trở
quày thuyền lại. Trở quày thuyền lại thì gặp phải nước ngược gió nà.” ([25])
3. Mựa:
Đừng, chớ.
TRẦN ai là chốn mộng huỳnh lương
HƯNG thịnh suy vong ấy lẽ thường
ĐẠO sẵn bước đường cho đúng nhịp
Mựa đừng úp
mở nạn tai ương.([26])
Mựa (do chữ mạc
莫). Bài Lương Châu
Từ 涼州詞 của Vương Hàn 王翰
(687-735) có câu: Túy ngọa sa trường quân
mạc tiếu 醉臥沙場君莫笑 (Say
khướt nằm giữa sa trường, mựa cợt cười).
5. Nấy trao: Chánh thức trao cho.
“Sở dĩ Thầy nấy
trao phẩm tước, không phải đem khổ sở đến cho con, mà Thầy muốn con làm
tròn đại nguyện.” ([27])
“Tự do đã đem lại
cho loài người là quyền pháp Chí Tôn nấy trao trọn vẹn.” ([28])
“Thầy
vì thương nhân loại trầm mê mới nấy trao quyền pháp cho các hàng
đẳng Thiên phong để đủ sức kiềm chế nhân sinh, bảo trì cơ đạo, hoằng dương
chánh pháp.” ([29])
6. Tua: Nên, hãy nên. Tua do chữ tu 須.
– Phận
gái đức tùng tua vẹn giữ
Giữ gìn bữa bữa, bữa
càng thêm.([30])
– Nam nữ
kíp tua triều bái lễ
Xe rồng nghinh tiếp
lệnh Thiên nhan.([31])
– Thánh
Đạo muốn nên tua học đạo
Nương theo quyền pháp đến Long Hoa.([32])
Vì vậy, khi gặp từ lạ, khó hiểu mà tra từ điển thông
dụng không thấy, nên nghĩ đến từ Việt cổ và tra bộ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (hai tập) của Huình Tịnh Paulus Của (Sài Gòn: Imprimerie Rey, Curiol &
Cie, 1895 và 1896). Tuy nhiên, bộ sách này sai chánh tả khá nhiều.
HUỆ KHẢI
Tháng Tư Nhâm
Dần (2022)
(Xem tiếp phần 2.)
([1]) Đã in bốn tập tại nhà xuất bản Hồng Đức (Hà
Nội: 2020, 2021, 2022): Tìm Hiểu Thánh Truyền
Trung Hưng Năm Kỷ Hợi (1959); Năm Canh Tý (1960); Năm Tân Sửu, Quý Mão (1961,
1963); Từ Giáp Thìn Đến Canh Tuất (1964-1970).
([6]) Đức Chí Tôn dạy:
“Kẻ tu hành cần phải lập công bồi đức.
Muốn cho đắc quả thành công thì phải làm cho sáng cái đức mình ra cùng sanh
chúng.” (Thánh Đức Chơn Kinh, Quyển
Thứ Ba. Sài Gòn: 1965, tr. 176.)
([11]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài (Sài Gòn), 04-3 Quý Mão (Thứ Năm
28-3-1963). Bài này có trong Thánh
Truyền Trung Hưng.
([17]) Ngọc Hoàng
Thượng Đế, thánh thất Kim Quang Minh Đài, 22-6 Canh Tuất (Thứ Sáu 24-7-1970).
Câu này có trong sách Mạnh Tử (Công
Tôn Sửu Hạ, 11): 得道者多助; 失道者寡助.) có nghĩa là: Người nào đắc được
Đạo thì được nhiều trợ giúp; người nào làm mất Đạo thì ít được trợ giúp.
([18]) Ngọc Hoàng
Thượng Đế, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển
I, đàn 13-01 Bính Dần (Thứ Năm 25-02-1926).
([21]) Khái
niệm cổ ở đây rất tương đối, và tôi
muốn nhấn mạnh tới tính chất không còn
thông dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Theo giới sưu tập đồ cổ, một
đồ vật có khoảng năm mươi năm tuổi trở lên thì gọi là đồ xưa; khoảng một trăm tuổi trở lên thì gọi là đồ cổ. Nhưng với ngôn ngữ một dân tộc
thì không thể nào ấn định một mức thời gian cụ thể như thế.
([22]) Huệ Khải, Một Số Từ Việt Cổ Trong Kinh Minh Lý Đạo Và
Phật Giáo Hòa Hảo. Hà Nội: Nxb Hồng Đức 2018, tr. 9-10.