Thứ Năm, 16 tháng 3, 2023

tiên Thiên nhi Thiên phất vi

 

tiên Thiên nhi Thiên phất vi

Trong Thánh Giáo Sưu Tập Ất Mão Bính Thìn 1975-1976 do Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo ấn tống (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2021), trang 160 in lời Đức Đông Phương Chưởng Quản (thánh giáo ngày 27-12-1976) dạy như sau:

Đức Khổng Tử có lời rằng: “Tiên thiên nhi Thiên phất vi, thiên thả phất vi, huống ư nhơn hồ, ư quỷ thần hồ”, nên dụng tâm thanh tịnh khởi mạch sống khí Tiên Thiên là quan trọng đối với tịnh viên là vậy.

Xin hỏi: “Tiên thiên nhi Thiên phất vi, thiên thả phất vi, huống ư nhơn hồ, ư quỷ thần hồ” nghĩa là gì? Hiền hữu Đặng Thiên Ân (California), điện thư 01-01-2023.

HK phúc đáp:

1. Đoạn thánh giáo ở trang 160 (sách đã dẫn) viết hoa không hợp lý nên cũng ảnh hưởng tới ý nghĩa. Những chỗ viết hoa sai và chấm câu không hợp lý (in đậm và gạch dưới) như sau:

Đức Khổng Tử có lời rằng: “Tiên thiên nhi Thiên phất vi, thiên thả phất vi, huống ư nhơn hồ, ư quỷ thần hồ”, nên dụng tâm thanh tịnh khởi mạch sống khí Tiên Thiên là quan trọng đối với tịnh viên là vậy.

Do đó, cần sửa lại như sau:

Đức Khổng Tử có lời rằng: “Tiên Thiên nhi Thiên phất vi, Thiên thả phất vi, huống ư nhơn hồ, ư quỷ thần hồ.” Nên dụng tâm thanh tịnh khởi mạch sống khí tiên thiên là quan trọng đối với tịnh viên là vậy.

Chữ “nên” trong câu có nghĩa là “thế nên; cho nên; bởi thế nên” (therefore; thus; hence).

2. Câu “Tiên Thiên nhi Thiên phất vi, Thiên thả phất vi, huống ư nhơn hồ, ư quỷ thần hồ” trích trong “Văn Ngôn” quẻ Càn, hào dương thứ năm (cửu ngũ).

Chỉ có ở hai quẻ Càn và Khôn, “Văn Ngôn” là lời Đức Khổng Tử bình giải Thoán và sáu hào của quẻ Càn, quẻ Khôn cho thêm rõ ràng hơn. “Văn Ngôn” là “Dực” (cánh) thứ bảy trong “Thập Dực” (Mười Cánh) do Đức Khổng Tử soạn để bổ sung cho Kinh Dịch. Vì vậy, trong thánh giáo đã dẫn, thay vì nhắc tới “Văn Ngôn” quẻ Càn thì Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy là Đức Khổng Tử có lời rằng”.

3. Trong đoạn thánh giáo đã dẫn, có lẽ là do sao chép bị sót, nên bản sách in thiếu mất sáu chữ “hậu Thiên nhi phụng Thiên thời”. Nguyên văn trong Kinh Dịch như sau:

夫 大 人 者, 與 天 地 合 其 德, 與 日 月 合 其 明, 與 四 時 合 序, 與 鬼 神 合 其 吉 凶. 先 天 而 天 弗 違, 後 天 而 奉 天 時. 天 且 弗 違, 而 況 於 人 乎? 況 於 鬼 神 乎?

3.1. Dịch âm:

Phù đại nhân giả, dữ thiên địa hợp kỳ đức, dữ nhật nguyệt hợp kỳ minh, dữ tứ thời hợp kỳ tự, dữ quỷ thần hợp kỳ cát hung. Tiên Thiên nhi Thiên phất vi, hu Thiên nhi phng Thiên thời. Thiên thả phất vi, nhi huống ư nhân hồ? huống ư quỷ thần hồ?

3.2. James Legge (1815-1897) dịch ra tiếng Anh như sau:

The great man is he who is in harmony, in his attributes, with heaven and earth; in his brightness, with the sun and moon; in his orderly procedure, with the four seasons; and in his relation to what is fortunate and what is calamitous, in harmony with the spirit-like operations (of Providence). He may precede Heaven, and Heaven will not act in opposition to him; he may follow Heaven, but will act (only) as Heaven at the time would do. If Heaven will not act in opposition to him, how much less will men! how much less will the spirit-like operation (of Providence)!

3.3. Dịch ra tiếng Việt như sau:

Bậc đại nhân hòa hợp đức tánh của mình cùng với trời đất, hòa hợp sự sáng của mình cùng với mặt trời và mặt trăng, hòa hợp trật tự làm việc của mình cùng với bốn mùa, hòa hợp vận may rủi (tốt xấu) của mình cùng với quỷ thần (các đấng thiêng liêng vô hình). [Bậc đại nhân] hành động trước Trời mà Trời không đối nghịch lại; đi sau Trời mà vâng theo thời cơ của Trời (Thiên cơ). Trời mà chẳng đối nghịch lại, thì còn nói gì tới người? còn nói gì tới quỷ thần nữa?

4. Ghi chú:

4.1. “Phù” là trợ từ đặt đầu câu, mở đầu một ý kiến (initial particle, used to introduce an opinion). Tiếng Việt dịch là “ôi”, hoặc bỏ đi, không dịch.

4.2. “Đại nhân” 大人 đây là “người lớn” (great man), tức Thánh Nhân; không phải là “người có lòng rất nhân từ” 大仁 (man of great benevolence).

4.3. “Dữ” là cùng với (together with).

4.4. “Tự” là thứ tự, trình tự trước sau (order; sequence).

4.5. “Phất vi” 弗違 là không làm trái ngược lại, không kình chống lại (not going against).

5. Phan Bội Châu (1867-1940) giảng rộng nghĩa đoạn Văn Ngôn của hào cửu ngũ quẻ Càn như sau (Chu Dịch, quyển Thượng. Sài Gòn: nhà sách Khai Trí, 1969, tr. 94):

Bây giờ lại hình dung cho tường tận đức của đại nhân. Hễ gọi một bậc đại nhân, tất có đức lớn như trời đất, không chốn nào không che, không vật nào không chở. Có đức sáng suốt như mặt trời mặt trăng, không chốn nào vật nào mà không soi dọi đến nơi. Có trí khôn sắp xếp mỗi việc, tầng thứ trước sau, đúng như thì [thời] tiết bốn mùa. Có tính khôn thiêng biết được việc lành việc dữ in như quỷ thần. Gặp việc gì ý Trời muốn làm, đón trước được ý Trời mà làm thì Trời phải nghe theo; thấy được việc gì ý Trời đã rõ rệt, làm theo sau Trời, quả nhiên như Trời làm. Thế là đại nhân. Đại nhân tức là Thiên nên Thiên phải nghe theo. Trời hãy còn nghe theo, mà huống gì người nữa ư.

6. Văn Ngôn quẻ Càn, hào năm, được bác sĩ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ (1921-2014) dịch thành lục bát “bay bướm” như sau:

Đại nhân đức hạnh bao la,

Như trời như đất cao xa muôn trùng.

Sáng như nhật nguyệt hai vừng,

Sống đời tiết tấu, hợp khung bốn mùa.

Những điều lành dữ, ghét ưa,

Quỷ thần đường lối đem so khác nào.

Trước Trời, Trời chẳng trách đâu,

Sau Trời, cho hợp cơ mầu thời gian.

7. Trong đàn cơ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam vào giờ Hợi, ngày 07-11 Bính Thìn (Thứ Hai 27-12-1976), khi dẫn lại câu “Tiên Thiên nhi Thiên phất vi ...Đức Đông Phương Chưởng Quản nhắc nhở các tịnh viên (người tu tịnh) hãy giữ lòng thanh tĩnh 清静 (peaceful and quiet; ta hay nói là “thanh tịnh”) để phát khởi (starting up) mạch sống khí tiên thiên”, và Ngài dạy rằng đây mới là chỗ quan trọng đối với tịnh viên.

Tuy nhiên, đoạn thánh giáo này không dễ hiểu. Bởi vậy, tại Vĩnh Nguyên Tự, trong đàn cơ vào giờ Tuất, ngày 11-11 Bính Thìn (Thứ Sáu 31-12-1976), Đức Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu giảng giải tôn ý của Đức Đông Phương Chưởng Quản như sau:

Này con, tự tánh (a) vốn là Thiên mạng chi tánh,(b) mà con phải nhận được tự tánh mới đúng đạo. Con biết Đạo thì con không thể biết được tiên thiên, bằng (c) con không biết Đạo lại càng không biết tiên thiên nữa, con à! Hãy lấy nghĩa giản dị mà hiểu đi con.

Ý Đông Phương Lão Tổ bảo các con đọc lại lời Khổng Tử là các con chưa thanh tịnh, chưa phục (d) được tiên thiên chánh khí, nên tất cả những gì ngoại cảnh đều chi phối lòng con, hoặc nội tâm thiền mà tự tánh chưa thiền [thì] làm sao chế ngự mọi sóng gió biến động bên ngoài? (e) Bằng các con biết làm sống lại tiên thiên chánh khí chính là chỗ vô vi thanh tịnh, con mới nhận thấy được nhứt chơn pháp giới (f) để chế ngự tất cả tình thức quấy nhiễu bên con.

Con chế ngự được con thì mọi người đều trông vào con để tu học, nhìn vào con để tiến bước. Người đã kính phục con thì quỷ thần nào dám trái lại. Phương chi (g) đức trọng quỷ thần còn kinh sợ, huống hồ gì tiên thiên chánh khí là khí tạo nên Thái Nhất chi sơ.(h) Người tu hành không đạt được chánh khí đó thì còn luân hồi sanh tử. Dầu là Đại Tiên, Kim Tiên nhưng chỉ ở vào một thế giới nào đó để hưởng thọ đến mãn căn cũng trở lại mà tu luyện nữa. Con hiểu chăng?

* Ghi chú:

(a) Tự tánh 自性: Cái tánh tự có (own nature; self-nature).

(b) Thiên mạng chi tánh 命之性: Cái tánh Trời ban cho (the nature conferred by Heaven).

(c) Bằng: Nhược bằng; nếu như; nếu (if; in case that).

(d) Phục : Phục hồi; lấy lại (recovering; restoring; resuming).

(e) Phúc Âm (Mác-cô 4:35-40) chép việc Chúa Giê-su “quở” cho sóng gió trên biển Ga-li-lê phải lặng yên là một ẩn dụ (metaphor) ngầm nói đến cái lý đạo huyền nhiệm “chế ngự mọi sóng gió biến động bên ngoài” như lời Đức Mẹ dạy.

(f) Nhứt chơn pháp giới 一真法界: Cái “cõi” (realm) từ xưa đến nay vốn không sinh không diệt, chẳng không chẳng có, không danh không tướng (neither name nor form), không trong không ngoài, chỉ có một chơn thật chẳng thể nghĩ bàn (the one true dharma realm).

(g) Phương chi: Huống chi; hà huống 何況; còn nói chi tới (let alone; much less; still less; to say nothing of).

(h) Thái Nhất chi sơ 太一之初: “Thái Nhất” hay “Thái Ất” 太乙 cũng là: Đạo; bản thể 本體; bổn nguyên của vũ trụ vạn vật (vũ trụ vạn vật đích bổn nguyên 宇宙萬物的本原); khí hỗn độn (hỗn độn chi khí 混沌之氣), v.v... “Thái Nhất chi sơ” là chỗ ban sơ (beginning) của Thái Nhất.

*