NGỌC HOÀNG BỬU CÁO
1. Ngôi Trời
trên cõi Đại La
Thánh Hoàng Thái Cực
ở Tòa Tiên Thiên
Các loài sanh hóa vô
biên
Muôn phương thống
trị cầm quyền cao thinh
5. Nơi Kim Khuyết
chốn Ngọc Kinh
Thâm thâm vọi vọi phân minh trắng vàng
Thiệt hư mặc vận cơ quan
Sắc không bố hóa muôn ngàn máy công
9. Châu du hằng gác sáu rồng
Chung quanh bốn tượng khí thông vận hành
Ngôi càn khôn thẩm rộng thanh
Dữ lành tóm định tội hành, phước ban
13. Ba ngàn thế giái xuê xang
Ba mươi sáu cõi vẹn toàn gồm hai
Bốn Bộ Châu ở trong tay
Địa Cầu bảy chục lẻ hai đều cầm
17. Tóm thâu tiền hậu cổ câm
Đại từ phổ tế ân thâm muôn ngàn
Tam quang Tam
Giáo Chủ Quân
Đạo chơn biến hóa
kinh thần dạy khuyên
21. Oai từ cao
tột vô biên
Đại bi chí nguyện
hồn nhiên đại toàn
Cho phước tha tội nhơn gian
Huyền Khung Thượng Đế Ngọc Hoàng
Thiên Tôn.
(Lạy 3 lạy trơn, không gật đầu)
XUẤT XỨ
1. Bài này có ở trang 7 cuốn Kinh
Nhựt Thời (34 trang ruột), của
Thánh thất Định Tường (Hội Thánh Minh Chơn Lý), in lần thứ nhứt, 10.000 bản,
tại nhà in Xưa Nay của Nguyễn Háo Vĩnh, số 60-64 boulevard Bonard (cũng viết
Bonnard), Sài Gòn, 1932.
Câu 1-2: Ngôi Trời trên cõi Đại La / Thánh
Hoàng Thái Cực ở Tòa Tiên Thiên.
ngôi: Vì; vị. Thí
dụ: ngôi sao (vì sao); Thiên Chúa ba ngôi
(gồm ba vị là: Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần); Ngôi Hai (Chúa Con).
ngôi Trời: Ông Trời; Thiên Đế 天帝; Thượng Đế 上帝; Ngọc Đế 玉 帝; Ngọc Hoàng Thượng Đế 玉皇上帝.
cõi Đại La: Đại La Thiên 大羅天. Theo đạo Lão, đây là từng
trời cao nhứt (tối cao thiên giới 最高天界).([1])
Thánh Hoàng 聖皇: Vua Thánh trên cõi Trời (không phải
ông vua ở thế gian là người phàm).
Thái Cực 太極: Thái Cực vận động và phân hóa ra Âm Dương 陰陽; từ Âm Dương sanh ra sự thay đổi của
bốn mùa (tứ thời 四時: xuân, hạ, thu, đông), rồi xuất hiện
các hiện tượng tự nhiên khác nhau.([2]) Vậy, Thái Cực là nguồn gốc của
muôn vật trong vũ trụ. Như thế, Thái Cực cũng là Thượng Đế; còn nói ghép là Thái Cực Thánh Hoàng.
tòa (tọa)
座: Chỗ ngồi;
ngôi. Thí dụ: liên tọa (liên tòa) 蓮 座 là tòa sen; bửu tòa (bảo tọa) 寶座 là chỗ ngồi (ngôi vị) quý báu.
tiên thiên 先天: Sẵn có (tự xuất sanh 自出生), không do ai sanh ra hay tạo ra. Trái lại là hậu thiên 後天. Thế gian là cõi hậu thiên.
u Câu
1-2 ý nói: Đức Thượng Đế là Đấng tự có vì không do ai sanh ra. Ngài là Vua
Thánh ngự trên cõi cao nhứt là Đại La.
Ngài là Đức Thái Cực sanh hóa muôn
loài (trong đó có con người).
Câu 3-4: Các loài sanh hóa vô biên / Muôn phương thống trị cầm quyền cao thinh.
các loài: Muôn loại; vạn loại 萬類 (gồm có con người).
sanh hóa 生化: Sanh sôi và biến hóa; sanh ra và phát triển cho lớn lên, cho nhiều hơn.
vô biên 無邊: Không có giới hạn; không bị hạn chế.
muôn phương: Vạn phương 萬方; khắp nơi.
thống trị 統治: Cai
trị 該治; cai quản 該管.
cầm quyền: Chưởng quyền 掌權;
nắm quyền cai trị.
cao thinh: Thanh cao 清高; cao cả và trong sạch. (Một
ông vua ở thế gian có thể lạm dụng quyền hành để thỏa mãn lợi ích riêng tư, ham
muốn thấp hèn; như thế, quyền hành của ông vua ấy không thanh cao.)
u Câu 3-4 ý nói: Đức Thượng Đế sanh hóa vô số các
loài và cai quản khắp nơi với quyền hành cao
cả, trong sạch.
Câu 5-6: Nơi Kim Khuyết chốn Ngọc Kinh / Thâm
thâm vọi vọi phân minh trắng vàng.
Kim Khuyết: Nói đầy đủ
là Huỳnh Kim Khuyết 黃金闕. Huỳnh
kim là vàng (kim loại quý, thường dùng làm nữ trang). Khuyết là cái lầu canh đặt trước cổng vào cung điện. Huỳnh Kim Khuyết là cổng bằng vàng; hiểu
theo nghĩa rộng là cung điện của Trời.
Ngọc Kinh: Nói đầy đủ
là Bạch Ngọc Kinh 白玉京 (kinh thành xây bằng ngọc trắng). Đây
là nơi Đức Thượng Đế ngự.
thâm thâm 深深: Rất sâu; sâu thẳm; sâu xa. (Bản in
lần thứ nhứt và nhì năm 1932 đều in sai là “tâm
tâm”.)
vọi vọi: Vòi vọi;
rất cao; cao lắm (nguy nguy 巍巍).
phân minh 分明: Phân
biệt 分別 rõ ràng,
không lẫn lộn.
trắng vàng: Màu trắng
(của Bạch Ngọc Kinh) và màu vàng (của Huỳnh Kim Khuyết).
u Câu
5-6 ý nói: Đức Thượng Đế ngự tại Huỳnh Kim Khuyết và Bạch Ngọc Kinh. Hai
nơi này sâu thăm thẳm và cao vòi vọi, với hai màu trắng và vàng phân biệt.
Câu 7-8: Thiệt hư mặc vận cơ quan / Sắc không
bố hóa muôn ngàn máy công.
thiệt hư: Thật hư 實虛. Các việc Trời làm
tưởng như có (là thiệt, nên người
phàm có thể thấy và biết được phần nào) hoặc như không có (là hư, nên người phàm không thấy không biết
gì hết). Thông thường, con người không thể biết công việc hay kế hoạch của Trời
(Thiên cơ 天機); bởi vậy, trong Kinh Thánh Cựu Ước (sách Giê-rê-mi-a, chương 29, câu 11) chép lời
Đức Chúa Trời dạy như sau: “(C)hính Ta
mới biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi – kế hoạch thịnh vượng, chớ không phải tai ương,
để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng.”
mặc vận 默運: Im lặng vận hành (khắp cả vũ trụ). Luận Ngữ 論語 (chương Dương Hóa 陽貨, câu 19) chép lời Đức Khổng Tử nói
về sự “mặc vận” của Trời như sau: “Trời nào có nói gì đâu thế mà bốn mùa thay
đổi, muôn vật sanh thành. Trời nào có nói gì đâu!” (Thiên hà ngôn tai! Tứ thời hành yên,
bách vật sanh yên. Thiên hà ngôn tai! 天何言哉! 四时行焉, 百物生焉, 天何言哉!)
cơ quan 機關: Bộ máy điều khiển sự hoạt động của toàn vũ trụ.
sắc không 色空: Sắc
là tất cả các thứ vật chất, có hình tướng (nên mắt, tai, mũi, lưỡi, thân
nhận biết được). Trái với sắc là không. Thế gian là cõi sắc; cõi Trời là
cõi không.
bố hóa 布化: Thi hành giáo hóa
施行教化; thực hiện
việc dạy dỗ, cải hóa (sửa đổi) cho người trở nên tốt lành.
sắc không bố hóa: Sự bố hóa của Trời có lúc bày ra hình tướng (sắc) để con người cảm nhận được mà tin theo và tu sửa bản thân; có
lúc thì im ẩn, không hình không tiếng (không)
để âm thầm cảm hóa, chuyển tâm con người. Đức Khổng Tử cảm nhận chỗ “không” này rất rõ ràng nên bảo: “Trời nào có nói gì đâu!” (Thiên hà ngôn tai!)
muôn ngàn: Thiên vạn 千萬;
vô vàn; vô số 無數. Thí dụ: Thiên sơn vạn thủy 千山萬水 (ngàn núi muôn sông); thiên hình vạn
trạng 千形萬狀 (vô số hình dạng); thiên kinh vạn
điển 千經萬典 (vô số kinh điển).
máy công: Bộ máy
chung (công 公); cơ quan 機關 chung cho muôn loài trong vũ trụ.
u Câu
7-8 ý nói: Đức Thượng Đế
điều khiển bộ máy vận hành khắp cả vũ trụ vì lợi ích của muôn loài. Tuy nhiên,
việc Trời làm hoặc hiển hiện cho con người thấy và biết, hoặc ẩn giấu, bí mật nên
con người không thấy và không biết (bởi vậy, lắm kẻ bảo rằng không có Trời).
Câu 9-10: Châu du hằng gác sáu rồng / Chung quanh bốn tượng khí thông vận hành.
châu du (chu du) 周遊: Đi khắp nơi.
hằng 恆: Luôn luôn; thường xuyên; thường hay.
gác: Canh giữ; trông coi để gìn giữ
(bảo vệ).
sáu rồng: Lục long 六龍 . Sáu rồng là sáu hào dương quẻ Càn (kinh Dịch), tượng trưng cho những sự
biến hóa phi thường của Đạo Trời trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.
bốn tượng: Tứ Tượng 四象. 1/ Theo Dịch
học là Thái Dương 太陽, Thiếu Âm 少陰, Thái Âm 太陰, và Thiếu Dương 少陽. – 2/ Ám chỉ các hiện tượng thời tiết (mưa, nắng, gió, bão) trong bốn
mùa (xuân, hạ, thu, đông).
khí thông 氣通: Khí thông suốt, không bị bế tắc. Chữ “khí” có nhiều nghĩa rất phong phú; ở đây tạm hiểu là sinh lực, sức
sống, năng lượng, v.v...
vận hành 運行: Hoạt động (theo chức năng của bộ phận mình và phối hợp
nhịp nhàng với các bộ phận khác).
u Câu
9-10 ý nói: Đạo Trời biến hóa phi thường trong mọi hoàn cảnh khác nhau; nhờ
thế mà bốn mùa nối tiếp nhau đều đặn, luân chuyển trật tự để mang lại sinh lực
(sức sống) cho muôn loài không hề trở ngại.
Câu 11-12: Ngôi càn khôn thẩm rộng thanh / Dữ
lành tóm định tội hành, phước ban.
ngôi càn khôn: Ngôi Trời (cai quản càn khôn, tức vũ trụ); Đức Thượng Đế.
thẩm 審: Xét đoán; xem
xét kỹ càng, rõ ràng. Thí dụ: sơ thẩm
初審 (xét xử lần đầu); chung thẩm 終審 (xét xử lần chót); tái thẩm 再審 (xét xử lại lần nữa; người Việt quen nói là “phúc thẩm”).
rộng thanh: Quảng đại
và trong sạch, tức công bằng. (Kẻ chức quyền ở thế gian có thể thi hành quyền xét
xử của y hẹp hòi và sai trái để thỏa mãn lợi ích riêng tư, thấp hèn; như thế, sự
xét xử của kẻ ấy không “rộng thanh”.)
dữ lành: Thiện ác 善惡; việc lành và việc ác.
tóm định: Định đoạt (quyết định) nhanh và chắc
chắn.
tội hành, phước ban: Có tội thì hành phạt (trừng phạt); có phước đức thì ban thưởng.
u Câu
11-12 ý nói: Đức Thượng Đế
xét đoán mau lẹ mọi việc lành dữ ở thế gian. Ngài thưởng thiện phạt ác một cách
quảng đại và công bằng.
Câu 13-14: Ba Ngàn Thế Giái xuê xang / Ba Mươi
Sáu Cõi vẹn toàn gồm hai.
Ba Ngàn Thế Giái: Tam Thiên Thế Giới 三千世界; nói
đầy đủ là Tam Thiên Đại
Thiên Thế Giới 三千大千世界. Theo nhà Phật thì thái
dương hệ 太陽系 chứa cõi địa cầu này là một thế giới. Cứ một ngàn thái dương hệ hợp thành một
tiểu thiên thế giới 小千世界. Một ngàn tiểu thiên thế giới hợp
thành một trung thiên thế giới 中千世界. Một ngàn trung thiên thế giới hợp
thành một đại thiên thế giới 大千世界. Vì một đại thiên thế giới là
1000x1000x1000 (một tỷ) thái dương hệ nên một đại thiên thế giới còn gọi là Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Hai chữ tam thiên như vậy là
nói tới ba loại thiên như kể trên,
tức là tiểu thiên, trung thiên, đại
thiên. Tuy nhiên, khi nói tắt là tam
thiên thế giới, dễ khiến hiểu lầm chỉ là ba ngàn (3.000) mà không nhớ rằng
đó là một tỷ (1000x1000x1000).
xuê xang: Vẻ vang;
xinh đẹp; cao sang.
Ba Mươi Sáu Cõi: Tam Thập Lục Thiên 三十六天. Đạo
Lão quan niệm rằng vũ trụ có ba mươi sáu từng trời là nơi các vị Tiên, Thánh,
Thần cư ngụ.
vẹn toàn gồm hai: Hoàn hảo cả “Ba Ngàn Thế Giới” và
“Ba Mươi Sáu Cõi”.
u Câu
13-14 ý nói: Đức Thượng Đế cầm quyền cao cả, cai quản hoàn hảo Ba Mươi Sáu
Cõi Trời và Ba Ngàn Thế Giới.
Câu 15-16: Bốn Bộ Châu ở trong tay / Địa Cầu Bảy
Chục Lẻ Hai đều cầm.
Bốn Bộ Châu: Tứ Đại Bộ Châu 四大部洲; gọi tắt là Tứ
Châu. 1/ Theo Phật Giáo (Nhị Kỳ Phổ Độ), Tứ Đại Bộ Châu gồm
có: Đông Thắng Thần Châu 東勝身洲 ở phương Đông; Nam Thiệm Bộ Châu 南贍部洲 ở
phương Nam (là địa cầu chúng ta đang sống); Tây
Ngưu Hạ Châu 西牛賀洲 (cũng gọi là Tây Ngưu Hóa Châu 西牛貨洲) ở phương Tây; Bắc
Câu Lư Châu 北俱盧洲 ở phương Bắc. – 2/ Theo Cao Đài, Tứ Đại Bộ Châu gồm
có: Đông Đại Bộ Châu 東大部洲; Tây Đại Bộ Châu 西大部洲; Nam Đại Bộ Châu 南大部洲; Bắc Đại Bộ Châu 北大部洲.([3])
ở trong tay: Chưởng quản 掌管; quản lý 管理; cai quản 該管; coi sóc; trông nom.
Địa Cầu Bảy Chục Lẻ Hai: Thất Thập Nhị Địa
Cầu 七十 二地球, trong đó trái đất là quả địa cầu 68, cao hơn
trái đất là quả địa cầu 67.
cầm: Chưởng quản 掌管; quản lý 管理; cai quản 該管; coi sóc; trông nom.
u Câu 15-16 ý nói: Bảy mươi hai Địa Cầu và bốn Bộ
Châu cũng do Đức Thượng Đế nắm giữ.
Câu 17-18: Tóm thâu tiền hậu cổ câm / Đại từ phổ
tế ân thâm muôn ngàn.
tóm thâu: Nắm hết tất cả.
tiền hậu 前後: Trước và sau; từ đầu đến cuối; trọn vẹn.
cổ câm: Cổ kim 古今 (xưa nay). Viết thành “cổ câm” cho ăn vần với chữ “cầm”
cuối câu 16, theo luật thơ lục bát.
đại từ 大慈: Lòng yêu thương chúng sanh bao la.
phổ tế 普濟: Phổ là rộng khắp.
Tế là qua sông (đồng nghĩa với độ 渡). Tế độ 濟渡 là cứu vớt con người ra khỏi bể khổ, giống như đưa thuyền
đến vớt kẻ chết đuối chở sang bờ bên kia. Phổ
tế đồng nghĩa với phổ độ 普度 (cứu vớt rộng khắp).
ân thâm muôn ngàn: Ơn sâu vô biên.
u Câu
17-18 ý nói: Đức Thượng Đế nắm trọn mọi sự, mọi việc từ xưa tới nay. Với
lòng yêu thương chúng
sanh bao la, Ngài cứu độ khắp nơi; ơn Ngài vô biên, vô hạn.
Câu 19-20: Tam quang, Tam Giáo Chủ Quân / Đạo
chơn biến hóa kinh thần dạy khuyên.
tam quang 三光: Gồm nhựt 日, nguyệt 月, tinh 星; là mặt
trời, mặt trăng, và tinh tú 星宿 (các ngôi sao).
Tam Giáo 三教: Gồm Nho
Giáo 儒教, Lão Giáo 老教 (Tiên Giáo 仙教), và Phật Giáo 佛教.
Chủ Quân 主君: Vị vua làm chúa tể (chủ tể 主宰).
Đạo chơn: Chơn Đạo 眞道; chánh Đạo 正道. (Trái
ngược với tà đạo 邪道, tả đạo 左道, ma đạo 魔道.)
biến hóa 變化: Thay đổi tính chất hoặc hình thái sự vật.
kinh thần: Thần kinh 神經; kinh điển thần diệu, mầu nhiệm,
linh ứng.
u Câu 19-20 ý nói: Đức Thượng Đế làm chủ tam quang và Tam Giáo. Tam quang soi sáng
thế gian ban ngày hoặc ban đêm. Tam Giáo tùy hoàn cảnh soi dẫn chúng sanh sống
đạo đức, biết tu hành. Thượng Đế mang đến chánh đạo cùng với kinh điển linh
diệu để khuyên chúng sanh làm lành lánh dữ, dạy chúng sanh tu học để giải
thoát.
Câu 21-22: Oai từ cao tột vô biên / Đại bi
chí nguyện hồn nhiên đại toàn.
oai từ cao tột: Hồng oai hồng từ 洪威洪慈. Oai linh
và đức từ ái (thương yêu chúng sanh) lớn hơn hết thảy.
vô biên 無邊: Không có
giới hạn.
đại bi 大悲: Lòng thương xót chúng sanh rộng
lớn.
chí nguyện 志願: Lòng mong muốn.
hồn nhiên 渾然: Hoàn toàn trọn vẹn, chẳng hề
thiếu sót.
đại toàn 大全:
Hoàn hảo trọn vẹn, chẳng hề thiếu sót.
u Câu 21-22 ý nói: Oai linh và đức từ ái (thương yêu chúng sanh)
của Thượng Đế lớn hơn hết thảy, không giới hạn. Lòng Ngài hoàn toàn thương xót
chúng sanh, chỉ mong muốn chúng sanh được an lạc.
Câu 23-24: Cho phước tha tội nhơn gian / Huyền
Khung Thượng Đế Ngọc Hoàng Thiên Tôn.
cho phước: Tứ phước 賜福; tích phước 錫福; ban phước 頒福.
tha tội: Hựu tội 宥罪; xá tội 赦罪.
nhơn gian 人間: Cõi người; dương gian 陽間; dương thế 陽世; nhân thế 人世; phàm gian 凡間; thế gian 世間; trần gian 塵間; trần hoàn 塵寰; trần thế 塵世.
Huyền Khung Thượng Đế Ngọc Hoàng Thiên Tôn 玄 穹上帝玉皇天尊: Theo
luật thơ lục bát, câu này nói gọn còn tám chữ; nói đầy đủ là Huyền Khung Cao Thượng Đế Ngọc Hoàng Đại
Thiên Tôn 玄穹高上帝玉皇大天尊.
u Câu 23-24 ý nói: Cầu xin Đức Huyền
Khung Cao Thượng Đế Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn ban phước và tha tội chúng sanh.
TỔNG LUẬN
Bài kinh này xưng tán quyền năng, ơn huệ, tình thương cao tột, vô biên
của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Đức Thượng Đế là Đấng tự có vì không do ai sanh ra. Ngài là Vua Thánh
ngự trên cõi cao nhứt là Đại La. Ngài là Đức Thái Cực sanh hóa muôn loài (trong
đó có con người).
Ngài sanh hóa vô số các loài và cai
quản khắp nơi với quyền hành cao cả, trong sạch.
Ngài ngự tại Huỳnh Kim Khuyết và Bạch Ngọc Kinh.
Ngài điều khiển bộ máy vận hành khắp cả vũ trụ vì lợi ích của muôn loài.
Tuy nhiên, việc Trời làm hoặc hiển hiện cho con người thấy và biết, hoặc ẩn
giấu, bí mật nên con người không thấy và không biết (bởi vậy, lắm kẻ bảo rằng
không có Trời).
Đạo Trời biến hóa phi thường trong mọi hoàn cảnh; nhờ thế mà bốn mùa nối
tiếp nhau đều đặn, trật tự để mang lại sức sống cho muôn loài không hề trở
ngại.
Đức Thượng Đế xét đoán mau lẹ mọi việc lành dữ ở thế gian và thưởng
thiện phạt ác một cách quảng đại và công bằng.
Ngài cầm quyền cao cả, cai quản hoàn hảo Ba Mươi Sáu Cõi Trời và Ba Ngàn
Thế Giới. Bảy Mươi Hai Địa Cầu và Bốn Bộ Châu cũng do Ngài nắm giữ.
Ngài nắm trọn mọi sự, mọi việc từ xưa tới nay. Với lòng yêu thương chúng sanh bao la, Ngài
cứu độ khắp nơi, ơn Ngài đối với muôn loại thì vô biên, vô hạn.
Ngài làm chủ tam quang và Tam Giáo. Tam quang soi sáng thế gian ban ngày hoặc ban đêm. Tam Giáo
tùy hoàn cảnh soi dẫn chúng sanh sống đạo đức, biết tu hành. Ngài mang đến
chánh đạo cùng với kinh điển linh diệu để khuyên chúng sanh làm lành lánh dữ,
dạy chúng sanh tu học để giải thoát.
Oai linh và đức từ ái (thương yêu chúng sanh) của Ngài lớn hơn hết thảy,
không giới hạn. Lòng Ngài hoàn toàn thương xót chúng sanh, trọn mong chúng sanh
được an lạc.
Cầu xin Đức Huyền Khung Cao Thượng Đế Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn ban
phước và tha tội chúng sanh.
([1]) Đại la nghĩa là tấm lưới
lớn. Luật Trời ví như tấm lưới lớn; mắt lưới tuy thưa nhưng không hề bỏ sót
công và tội của bất cứ ai. (Thiên võng
khôi khôi sơ nhi bất lậu. 天網恢恢, 疏而不漏.)
([2]) Để dễ hiểu Âm Dương biến
hóa vô cùng, tạm lấy cục pin làm thí dụ. Cục pin có đầu trên là Dương (ghi dấu
+) và đầu dưới là Âm (ghi dấu –); khi
nối liền hai đầu cục pin thì có dòng điện làm sáng bóng đèn, và vận hành các
dụng cụ khác có tiện ích phục vụ đời sống con người.
([3]) Sau khi Thượng Chưởng
Pháp Nguyễn Văn Tương (1878-1926) tạ thế, Đức Chí Tôn giáng
cơ ngày 07-11 Bính Dần (Thứ Bảy 11-12-1926) dạy hai vị tiền khai Thượng Trung
Nhựt (Lê Văn Trung) và Ngọc Lịch Nguyệt (Lê Văn Lịch) như sau: “Trung, Lịch! Hai con phải dụng đại
lễ mà an táng Tương nghe! Thầy ngặt một lẽ chẳng thế nào đem Tương vào Tam Thập
Lục Thiên; phải để nó đợi nơi Đông Đại Bộ Châu mà
chờ Tòa Tam Giáo phát lạc.” (Nữ
Đầu Sư Hương Hiếu, Đạo Sử Xây Bàn,
quyển II.)