Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

2. MẤY NÉT TÂM LÝ CỦA NGƯỜI ĐẠO CAO ĐÀI


MẤY NÉT TÂM LÝ

CỦA NGƯỜI ĐẠO CAO ĐÀI

Đạo Cao Đài chính thức ra mắt công chúng vào trung tuần tháng 11-1926 với một đại lễ rất long trọng (về sau mệnh danh là Khai Minh Đại Đạo) tại thánh thất Thiền Lâm, nguyên là ngôi chùa tên gọi Thiền Lâm Tự, mượn của Hòa Thượng Như Nhãn (Thích Từ Phong, 1864-1939). Ngày nay ngôi Phật tự này ở số 5/11, ấp Long Trung, xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh [xem Phụ Bản 1].


Bốn tháng sau khi đại lễ Khai Minh khai mạc, Thiền Lâm Tự được trả lại cho chủ chùa Như Nhãn vào Thứ Tư 23-3-1927. Mọi tài sản của thánh thất đều phải chở hết về khoảnh rừng mới mua ở làng Long Thành (tỉnh Tây Ninh). Từ đó trở đi, người đạo Cao Đài bắt đầu quy tụ mỗi lúc một đông đảo hơn ở chốn rừng xanh nguyên sơ có thể xem là đất hứa của họ. Trải qua nhiều thập niên dài khai phá, cuối cùng những con người tiền phong hào hùng với đức tin bền bỉ ấy đã xây dựng thành công được cả một vùng đất rộng lớn sầm uất như nhìn thấy hôm nay, nổi bật với Tòa Thánh Tây Ninh uy nghiêm, sừng sững.
Không riêng Tây Ninh, ở nhiều tỉnh khác trên lãnh thổ Nam Kỳ và rồi Trung Kỳ, đạo Cao Đài dần dần hình thành những cộng đồng Cao Đài khác nhau trong lịch sử phát triển của nền tôn giáo hãy còn mới mẻ. Mỗi cộng đồng bao gồm hàng trăm, hàng ngàn tín đồ với những sinh hoạt tu hành lâu năm trải nghiệm.
Sự thấm nhuần thánh ngôn, thánh giáo và hàm dưỡng trong việc thực hành pháp môn trải qua thời gian mấy mươi năm đã hình thành những sắc thái riêng trong nếp nghĩ, trong hành vi, trong tình cảm của các tín đồ Cao Đài. Như vậy là có “tâm lý người đạo Cao Đài”, nếu hiểu tâm lý theo cái nghĩa khái quát là “Những đặc điểm về tình cảm và hành vi của một cá nhân, một nhóm người, hay một hoạt động.(American Heritage Dictionary of the English Language, in lần thứ tư. Boston, MA: Houghton Mifflin Co., 2004.)
*
Phần đông người đạo Cao Đài rất dễ mủi lòng. Những khi đọc thánh giáo hay nhắc lại thánh ngôn, họ rất dễ xúc động một cách chân thành, có thể ứa nước mắt một cách tự nhiên.
Khi dự các buổi thuyết minh giáo lý ở các thánh thất Cao Đài, người ta tiện dịp có thể bắt gặp những giọt lệ, hoặc trên mặt thuyết trình viên đang đứng ở bục giảng, hoặc trên mặt các đạo hữu đang ngồi nghe ở các hàng ghế trong hội trường. Cho nên, nếu muốn thăm dò xem một tín đồ Cao Đài có còn mặn mà với Đạo hay không, cái cách dễ dàng có lẽ là chú ý tới phản ứng tình cảm, tâm lý của họ những khi họ đọc, nghe, nhắc tới lời dạy trong thánh giáo, thánh ngôn Cao Đài.
Ngoài đặc điểm nói trên, thử xem còn có cái gì khác cũng là nét tâm lý người đạo Cao Đài. Một cách không đầy đủ, sau đây tạm nêu ra năm nét chủ yếu.
1. Tính mở
Tính mở bắt nguồn từ truyền thống bao dung tôn giáo của người Việt, từ truyền thống Tam Giáo đồng nguyên. (Để có thêm thông tin về hai truyền thống này, bạn đọc có thể tham khảo một tập sách của Huệ Khải, nhan đề: Tam Giáo Việt Nam - Tiền Đề Tư Tưởng Mở Đạo Cao Đài. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2010, 2013.)
Tính mở còn bắt nguồn từ đặc điểm địa lý, đặc điểm đa văn hóa và đa tín ngưỡng của Nam Kỳ - cái nôi của đạo Cao Đài. Ba đặc điểm này được trình bày chi tiết trong một quyển sách khác của Huệ Khải, nhan đề: Đất Nam Kỳ - Tiền Đề Văn Hóa Mở Đạo Cao Đài. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2008, 2012. Nơi đây nói gọn như sau:
1.1. Đặc điểm địa lý
Nam Kỳ được xem là vị trí ngã tư đường của các cư dân và các nền văn hóa, văn minh. Vì thế Nam Kỳ đã sớm là vị trí hội tụ các luồng văn hóa Đông Tây, một giao điểm động, thoáng, và mở.
Đồng bằng sông Cửu Long hai mặt giáp biển, trên cùng một châu thổ có những con sông chảy ngược chiều nhau. Nơi đây có sông đổ ra Biển Đông, có sông đổ ra vịnh Thái Lan ở phía tây, và những con sông đó lại được các con kênh nối kết với nhau, như thể nối liền nước chảy về bên đông với nước chảy về bên tây [xem Phụ Bản 2].


1.2. Đặc điểm đa văn hóa
Ngoài người Việt (Kinh) và Hoa (Hán) ra, riêng ở Nam Kỳ còn có bảy dân tộc sau đây: Khơme, Cơ Ho, Chăm [Chàm], Mnông, Xtiêng, Mạ và Chu Ru.
Nhờ vị trí thuận lợi của Nam Kỳ, sự giao thoa văn hóa không chỉ diễn ra giữa các dân tộc đang sinh sống ở lãnh thổ này mà còn với cả các dân tộc bên ngoài như Mã Lai, Xiêm La, Java... Cư dân Nam Kỳ lại có liên hệ với nền văn minh Nam Á đã lâu đời.
1.3. Đặc điểm đa tín ngưỡng
So với các nơi khác, Nam Kỳ có nhiều loại hình tôn giáo và số lượng tín đồ chiếm tỷ lệ cao nhất trong cả nước.
1.4. Chủ trương của đạo Cao Đài
Ngoài ba đặc điểm kể trên, tính mở còn bắt nguồn từ chủ trương vạn giáo nhất lý của đạo Cao Đài, xác định rằng tất cả giáo chủ, giáo thuyết đều có chung một nguồn cội là Thượng Đế hay Trời. Trong một đàn cơ ngày 07-4-1926 tại Vĩnh Nguyên Tự (thánh sở Cao Đài ở làng Long An, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc tỉnh Long An), Đức Cao Đài Thượng Đế dạy:
Nhiên Đăng Cổ Phật thị Ngã.
Thích Ca Mâu Ni thị Ngã.
Thái Thượng, Nguơn Thỉ thị Ngã.
Kim viết Cao Đài.
(Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I,
Sài Gòn 1928, tr. 14.)
Nghĩa là:
Nhiên Đăng Cổ Phật là Ta.
Thích Ca Mâu Ni là Ta.
Thái Thượng, Nguơn Thỉ là Ta.
Nay gọi Cao Đài.
Tính mở còn bắt nguồn từ chủ trương kết tinh kim cổ dung hòa Đông Tây của đạo Cao Đài.
1.5. Tác động tích cực của tính mở
Người đạo Cao Đài nhìn nhận rằng Trời (Giáo Chủ Cao Đài) cũng là Nhiên Đăng và Thích Ca Mâu Ni (của đạo Phật), là Thái Thượng Lão Quân và Nguơn Thỉ Thiên Tôn (của đạo Lão). Các tín hữu áo trắng này chấp nhận một bàn thờ trên hết là Thiên Nhãn (tượng trưng Ngọc Hoàng Thượng Đế), bên dưới là Tam Giáo Tổ Sư (Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử), kế tiếp là Tam Trấn Oai Nghiêm đại diện Tam Giáo (Lý Thái Bạch, Quan Âm, Quan Thánh), tiếp đến là Chúa Giêsu Kitô đại diện Thánh Đạo, và sau cùng là Khương Thái Công đại diện Thần Đạo [xem Phụ Bản 3]. Như thế, rõ ràng người đạo Cao Đài không dị ứng với các giáo lý, tín ngưỡng khác.


Cho nên không ngạc nhiên khi thấy một trong những ấn phẩm đầu tiên của đạo Cao Đài, ghi ngày 15-10-1926, in tại Sài Gòn, nhan đề Phổ Cáo Chúng Sanh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, ngoài bìa một vẽ hình Đức Thích Ca ngồi giữa, hai bên là Đức Khổng Tử và Đức Lão Tử [xem Phụ Bản 2].
Tính mở giải thích vì sao khi đứng trước một bàn thờ hay tượng thờ một tôn giáo khác, người đạo Cao Đài cũng thành kính tự nhiên như lúc đối diện với thánh tượng Thiên Nhãn trên bàn thờ đạo mình.
Khi giảng giải giáo lý, người đạo Cao Đài không hề tự gò bó mình, không tự giới hạn mình trong nguồn thánh giáo Cao Đài; trái lại, họ thường có khuynh hướng trích dẫn một cách thích thú và tự nhiên kinh điển của Nho, Thích, Lão, và Ki Tô Giáo, v.v...
Với tính mở của mình, người đạo Cao Đài sẵn có ưu điểm rất nhân bản là họ không thể mắc phải tệ phân biệt, kỳ thị tín ngưỡng, văn hóa, chủng tộc, v.v...
2. Tính nhiệt thành
2.1. Tính nhiệt thành bắt nguồn từ ý thức hăng say làm công quả để phụng sự người khác với lòng vị tha. Giáo lý Cao Đài đề cao việc thực hành công quả, nhấn mạnh rằng thế gian này thật ra là một trường thi công quả và mỗi người sống trên thế gian là một thí sinh mà kết quả đỗ đạt tùy thuộc vào những công quả người ấy chu toàn trong đời mình. Theo ý nghĩa này, Thần Thánh, Tiên Phật vốn dĩ đã từng là các thí sinh trong cõi phàm trần; cuối cùng các ngài đỗ đạt vinh quang và trở thành các đấng thiêng liêng trên thượng giới.
2.2. Trong nhiều hình thức công quả có một công quả rất lớn là “độ” (giúp đỡ) cho người khác giác ngộ để vào Đạo tu học (nhập môn), và mỗi tín đồ Cao Đài cần độ ít nhất mười hai người vào Đạo, tuân theo lời dạy của Đức Cao Đài Thượng Đế vào ngày 27-8-1926. Đây là yếu tố khiến cho hầu hết tín đồ Cao Đài thường có tính nhiệt thành truyền giáo cho dù họ không được đào tạo làm nhà truyền giáo chuyên nghiệp.
2.3. Tác động tích cực của tính nhiệt thành
2.3.1. Tính nhiệt thành công quả khiến cho người đạo Cao Đài giàu tinh thần hành thiện không vụ danh vụ lợi. Trong một xã hội từng bị chiến tranh tàn hại khốc liệt, thường phải chịu đựng nghèo đói và thương đau, tính nhiệt thành công quả này luôn thôi thúc người đạo Cao Đài hăng hái và tích cực tìm cách giúp đỡ đồng đạo và đồng bào ruột thịt những khi cần có sự cứu tế.
Đối với tín đồ Cao Đài, hành thiện như thế tức là thực hành Nhân Đạo, và đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc cho Thiên Đạo (nghĩa là tu luyện để giải thoát luân hồi sinh tử). Trong một đàn cơ ngày 20-02-1926, Đức Cao Đài Thượng Đế dạy:
Vào vòng huynh đệ khá thương nhau
Một đức trổi hơn một phẩm cao
Chí quyết Thiên Đường men bước tới
Phải nhiều máu thịt mới đồng bào.
(Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, 1928, tr. 9.)
2.3.2. Tính nhiệt thành truyền giáo khiến cho người đạo Cao Đài luôn sẵn sàng tinh thần xả thân hoằng đạo, nhờ đó đạo Cao Đài phát triển nhanh về quy mô ngay trong buổi sơ khai. Jayne Susan Werner xác nhận:
“Không lâu sau khi thành lập, tôn giáo mới này đã có được đông đảo tín đồ ở khắp cả Nam Kỳ.” (Peasant Politics and Religious Sectarianism: Peasant and Priest in the Cao Dai in Viet Nam. Connecticut: Monograph series No. 23, Yale University Southeast Asia Studies, 1981, p. 4.)
Hội Thánh Cao Đài non trẻ không giàu về tiền bạc, nghèo cả về cơ sở vật chất, thế mà mỗi khi có một công cuộc gì lớn lao thì bổn đạo tự nguyện dốc sức người sức của vào đó rất mau và rất hăng hái. Hồ sơ lưu trữ (phông GouCoch) tại Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia 2 hiện còn nhiều tài liệu lịch sử cho thấy có những tín đồ nhiệt thành đã hiến cả nhà riêng, ruộng đất, v.v... để làm thánh thất Cao Đài trong buổi đầu mở Đạo.
3. Tính kham nhẫn lạc quan
3.1. Tính kham nhẫn lạc quan của người đạo Cao Đài bắt nguồn từ sự thấm nhuần lẽ nhị nguyên trong giáo lý Cao Đài. Theo lẽ nhị nguyên, mọi việc chi ở thế gian đều gồm hai nguyên lý tương phản (đối lập). Chẳng hạn, như thể hai mặt của một đồng xu, hạnh phúc không tách rời khỏi buồn phiền.
Trong một đàn cơ ngày 13-3-1926, Đức Cao Đài Thượng Đế dạy về lẽ nhị nguyên như sau:
“Phàm muôn việc chi cũng có thiệt và cũng có dối. Nếu không có thiệt thì làm sao biết đặng dối; còn không có dối làm sao phân biệt cho có thiệt.” (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, 1928, tr. 13.)
Tính kham nhẫn lạc quan cũng bắt nguồn từ đức tin của người đạo Cao Đài về luật nhân quả: Con người phải trả quả cho những cái xấu, cái ác họ gây tạo trong quá khứ. Hơn thế nữa, nếu muốn mau trả hết nghiệp quả trong kiếp này để chóng sạch nợ nần từ kiếp trước, sớm được nhẹ nhàng giải thoát về cõi trời thì phải vui lòng cam chịu nhồi quả, tức là thay vì dần dần trả nợ góp, phải trả dồn dập một lần cả vốn lẫn lãi, thế nên thân thế đành chịu vô cùng lao đao, điên đảo.
Bài Kinh Hộ Mạng của tín đồ Cao Đài có hai câu kết phản ánh rất rõ tính kham nhẫn lạc quan này:
Cam lòng với cảnh thuyền xê,
Có Thầy [Trời] con trẻ ủ ê chi mà.
3.2. Với đức tin tuyệt đối nơi Trời và luật nhân quả, người đạo Cao Đài thấu hiểu rằng mọi nghịch cảnh họ giáp mặt hôm nay không hề vô căn vô cớ. Nếu chẳng vì trả nợ nần kiếp trước thì cũng là thử thách tâm chí can trường và đạo hạnh của người tu buổi hiện tiền. Bởi vậy, trong một đàn cơ ngày 13-3-1926, Đức Cao Đài Thượng Đế dạy:
Muốn xứng đáng làm môn đệ Thầy là khổ hạnh lắm. Hễ càng thương bao nhiêu thì Thầy lại càng hành bấy nhiêu. Như đáng làm môn đệ của Thầy thì Bạch Ngọc Kinh [nơi Thượng Đế ngự] mới chịu rước, còn ngã thì cửa địa ngục lại mời.” (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, 1928, tr. 13.)
3.3. Tác động tích cực của tính kham nhẫn lạc quan
Do tính kham nhẫn lạc quan người đạo Cao Đài khi đối mặt nghịch cảnh, cho dù phũ phàng nhất, vẫn có thể cam lòng ẩn nhẫn sống, gìn giữ thân mạng để hoàn tất con đường tu hành. Thái độ bi quan, tuyệt vọng đến mức phải tự tử là việc rất hiếm thấy trong đạo Cao Đài.
4. Tính dân chủ hay bình đẳng
4.1. Hội Thánh Cao Đài được thiết lập với hệ thống chức sắc, giáo phẩm tinh vi, mang tính tổ chức vững chắc. Jayne Susan Werner nhận xét:
“Hội Thánh Cao Đài cũng được tổ chức quy củ, khác hẳn với cách tu hành đang phổ biến ở Việt Nam lúc bấy giờ. Dù rằng ở miền Nam đã có các giáo phái nhỏ thực hành bí giáo huyền môn và sử dụng đồng tử, những đạo giáo ấy đã không cho thấy mức độ tổ chức ngang tầm với đạo Cao Đài, cũng như không có được đông đảo tín đồ như đạo Cao Đài. Mỗi cấp chức sắc Cao Đài đều có được một chức năng nhiệm vụ riêng biệt và được quy định minh bạch, mà từng phương diện của chức năng nhiệm vụ ấy đều có một ý nghĩa biểu trưng.”.(Peasant Politics and Religious Sectarianism…, p. 7.)
Mặc dù có cơ cấu tổ chức tinh vi, dường như đạo Cao Đài lại mang tính đại gia đình. Đơn vị căn bản của hệ thống hành chánh đạo Cao Đài là một họ đạo với khoảng năm trăm tín đồ và một thánh thất (nhà thánh). Sau khi thánh thất Thiền Lâm hình thành ở Gò Kén (làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh), trong một đàn cơ ngày 18-9-1926, “thánh thất” được Đức Cao Đài Thượng Đế định nghĩa:
“Thầy đã lập thành thánh thất, nơi ấy là nhà chung của các con...” (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, 1928, tr. 38.)
Tính dân chủ hay bình đẳng trong tâm lý người đạo Cao Đài bắt nguồn từ tính cách gia đình tiềm tàng trong tổ chức Hội Thánh Cao Đài, trong cách xưng hô giữa các Đấng thiêng liêng với tín đồ, giữa đồng đạo với nhau.
Theo luật lệ Cao Đài (Tân Luật) ban hành vào đầu năm 1927, mối quan hệ giữa chức sắc nam nữ và tín đồ là quan hệ giữa anh chị và các em. Phẩm Giáo Tông cao tột trong Hội Thánh Cửu Trùng Đài cũng gọi là Anh Cả. (Tân Luật: Đạo Pháp, Chương I, Điều Thứ Nhứt.) Trong cách xưng hô giữa tín đồ với nhau, tùy theo tuổi tác mà gọi bạn đạo là đạo huynh, đạo tỷ, đạo đệ, đạo muội.
Mỗi khi giáng cơ đến với tín đồ, Đức Cao Đài Thượng Đế luôn tự xưng là Thầy, là Cha; Đức Phật Mẫu (Diêu Trì Kim Mẫu) luôn tự xưng là Mẹ. Tương ứng, Đức Thượng Đế và Đức Phật Mẫu gọi tín đồ là các con. Các đấng Thánh Tiên, Bồ Tát, v.v…. giáng cơ dạy đạo đều gọi tín đồ là hiền đệ, hiền muội, coi những kẻ phàm trần ấy là em trong nhà.
Khi vào đền hay điện thờ Phật Mẫu chầu lễ Mẹ, các chức sắc Cao Đài không được mặc áo mão (phẩm phục), tất cả chỉ mặc quần và áo dài trắng, đơn sơ như một tín đồ thông thường. Ý nghĩa căn bản của quy tắc này là: Trước mặt Mẹ, tất cả con cái đều ngang hàng như nhau.
4.2. Tác động tích cực của tính dân chủ hay bình đẳng
Tính dân chủ hay bình đẳng trong cộng đồng Cao Đài khiến cho giữa cấp dưới với cấp trên hay giữa tín hữu với chức sắc thường có mối quan hệ thân thiện. Hệ quả là lòng tôn kính, tùng phục đàn anh đàn chị trong đạo Cao Đài không phải do hình thức áo mão, chức vụ (phần bên ngoài) mang lại mà chính là do tình thương chân thật, do đạo hạnh gương mẫu và tâm đức ngời sáng của đàn anh đàn chị (phần bên trong)...
Thấu hiểu như thế, ắt lãnh hội vì sao trong giáo lý Cao Đài rất hay nói tới quyền pháp thay vì nói quyền hành hoặc quyền bính. Trong một đàn cơ ngày 17-02-1969 tại thánh thất Nam Thành (Sài Gòn), Đức Giáo Tông Vô Vi Lý Thái Bạch minh định ý nghĩa chân xác của quyền pháp (cũng gọi quyền pháp Đạo) như sau:
“Quyền Pháp Đạo không là điều cai trị. Quyền Pháp Đạo chính là sự thương yêu, giải thoát cai trị để tiến hóa.”
5. Tính lãng mạn
5.1. Lãng mạn được hiểu theo nghĩa là “Có nhiều tư tưởng lý tưởng hóa hiện thực và nuôi nhiều ước mơ về tương lai xa xôi.” (Hoàng Phê chủ biên. Từ Điển Tiếng Việt. Hà Nội: Trung Tâm Từ Điển Ngôn Ngữ, 1992. tr. 539.)
Tính lãng mạn của người đạo Cao Đài sớm có ngay từ khi mới hình thành nền tôn giáo, được nuôi dưỡng và củng cố bằng đức tin mãnh liệt qua các thánh giáo Cao Đài báo trước về một tương lai kỳ vĩ của Việt Nam. Hơn thế nữa, từ Việt Nam là cái nôi của đạo Cao Đài, ảnh hưởng Đạo sẽ lan rộng ra khắp thế giới, cho cả nhân loại cùng hạnh hưởng cảnh thiên đàng tại thế. Tiêu biểu cho những lời tiên báo như nói trên là bài thánh thi sau đây:
Phụng gáy non Nam, Đạo trổ mòi,
Trổ mòi nhơn vật bốn phương trời.
Trời Âu biển Á chờ thay sắc,
Sắc trắng mây lành phủ khắp nơi.
(Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, 1928, tr. 97.)
5.2. Tính lãng mạn của người đạo Cao Đài liên quan tới tình dân tộc, lòng yêu nước. Trong khi đất nước Việt Nam đang bị thực dân Pháp chia làm ba mảnh là Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ, thì trong một đàn cơ ngày 21-10-1926, người đạo Cao Đài được Đức Chí Tôn (Thầy) dạy:
Từ đây nòi giống chẳng chia ba,
Thầy hiệp các con lại một nhà.
Nam, Bắc cùng rồi ra ngoại quốc,
Chủ quyền Chơn Đạo một mình Ta.
(Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, 1928, tr. 42.)
Rất thú vị là bài thơ đầy tính quốc sự như thế lại được Hội Thánh Cao Đài công khai xuất bản năm 1928 (nhà in Tam Thanh, số 108-110 Place Maréchal Foch) tại Sài Gòn, thủ phủ đất Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp.
Ngày nay non sông Việt Nam đã liền một dải; đạo Cao Đài đã truyền bá được khắp từ Nam ra Trung, ra Bắc. Từ cuối thập niên 1970 trở đi, do hoàn cảnh lịch sử xô đẩy mà các thánh thất Cao Đài dần dà có mặt ở nhiều nước khác. Bài thơ tiên báo ấy phải chăng đã ứng nghiệm?
5.3. Tính lãng mạn của người đạo Cao Đài còn bắt nguồn từ lòng tự hào dân tộc. Ngay từ giữa thập niên 20 của thế kỷ 20, dưới ách thống trị của thực dân Pháp, những người dân của một nước mất chủ quyền lại được Đức Cao Đài Thượng Đế dạy rằng tuy đang chịu cảnh nô lệ, nhưng Việt Nam sẽ sớm mở Hội Niết Bàn, tức là sẽ có cảnh thiên đàng tại thế. Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (Sài Gòn 1928, tr. 86) xác quyết:
Hảo Nam bang! Hảo Nam bang!
Tiểu quốc tảo khai Hội Niết Bàn.
(Tốt thay nước Nam! Tốt thay nước Nam!
Nước nhỏ mà sớm mở Hội Niết Bàn.)
Đến với một tôn giáo trẻ, người đạo Cao Đài sớm được Thầy mình dạy rằng đạo Cao Đài mai sau sẽ là Quốc Đạo của nước Nam:
Từ thử nước Nam chẳng đạo nhà,
Nay Ta gầy dựng lập nên ra.
(Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, 1928, tr. 98.)
Ngày 18-9-1926, Đức Cao Đài Thượng Đế dạy:
“Từ đây trong nước Nam duy có một đạo chơn thật là Đạo Thầy đã đến lập cho các con, gọi là Quốc Đạo.” (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, 1928, tr. 38.)
5.4. Tính lãng mạn của người đạo Cao Đài còn bắt nguồn ở đức tin rằng đạo Cao Đài (Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ) là phương tiện cứu độ sau cùng của nhân loại do Trời ban cho dân tộc được chọn và dân tộc Việt Nam vì vậy có sứ mạng rất trọng đại và vinh dự trong Tam Kỳ Phổ Độ là phải cứu độ toàn nhân loại.
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (quyển I, Sài Gòn 1928) tập hợp nhiều lời dạy của Đức Cao Đài Thượng Đế (Thầy) liên hệ tới sứ mạng nói trên của dân tộc Việt Nam. Chẳng hạn:
Ngày 25-7-1926: “... trong Tam Kỳ Phổ Độ nầy các con phải độ rỗi cả nhơn loại khắp cả năm châu...” (tr. 28)
Ngày 13-12-1926: “Vốn Thầy lập nền chánh giáo cho dân Nam Việt chẳng phải là việc nhỏ đâu.” (tr. 55)
Ngày 17-01-1927: “Thầy lại đến lập trong nước các con một nền chánh đạo đủ tư cách độ rỗi chúng sanh. Các con và cả dân tộc các con vì nơi Đạo mà đặng đạt đến phẩm vị cao thượng...” (tr. 64)
5.5. Tác động tích cực của tính lãng mạn
Có đặt mình vào hoàn cảnh xã hội Nam Kỳ thời thuộc địa thì dễ thấy tác động tích cực của tính lãng mạn ở người đạo Cao Đài. Tính lãng mạn này giải tỏa những ức chế của người dân mất nước, thỏa mãn lòng tự hào của một dân tộc bất khuất, và nuôi dưỡng ước vọng muốn được giải phóng để dân tộc ngửng cao đầu cùng năm châu bốn bể, rồi sẽ còn đem tôn giáo nước nhà ảnh hưởng tới các dân tộc khác.
Có thể nói rằng tính lãng mạn của người đạo Cao Đài còn là một biểu hiện của truyền thống yêu nước. Đây là một yếu tố khiến cho đạo Cao Đài sớm quy tụ đông đảo đồng bào yêu nước, một sự thực mà ngày nay các học giả tên tuổi đều nhìn nhận. Chẳng hạn, Jayne Susan Werner viết:
“Sự khéo léo tổng hợp truyền thống Tam Giáo và sự diễn giải minh bạch, chính xác truyền thống Tam Giáo không những tạo ra sức hút văn hóa mãnh liệt mà còn lôi cuốn được phong trào kháng [Pháp] gắn liền với truyền thống này và hãy vẫn còn sinh lực.” (Peasant Politics and Religious Sectarianism …, p. 56.)
*
Tìm hiểu tâm lý người đạo Cao Đài có lẽ hãy còn chưa được chú ý nhiều đối với cả trong và ngoài tôn giáo Cao Đài. Đề tài này có thể nghiên cứu sâu rộng tùy theo mục đích của các nhà nghiên cứu để có được các ứng dụng đáp ứng những nhu cầu cụ thể.
 27-5-2000
Sửa chữa, 18-9-2017
HUỆ KHẢI

 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.