TÂM LÝ NGƯỜI ĐẠO CAO ĐÀI
TỪ GÓC NHÌN TÂM LÝ NGƯỜI
VIỆT
Tâm lý người Việt bao gồm những tính cách
gì? Đây quả là câu hỏi không dễ trả lời. Có lẽ vì thế mà trong tập sách mong
mỏng xuất bản năm 1993 với nhan đề Tâm Lý
Dân Tộc: Tính Cách Và Bản Sắc, Phạm Bích Hợp không đưa ra một liệt kê nào
cả, ngoại trừ năm tính cách bà dẫn từ Nguyễn Hồng Phong (tr. 75). Thiếu sót này
dường như được bù đắp phần nào với Tâm Lý
Người Việt Nam
Nhìn Từ Nhiều Góc Độ, xuất bản năm 2000,
do Phạm Bích Hợp chủ biên.
Tuy dày dặn hơn, quyển sau vốn là hiệp
tuyển gồm nhiều người viết nên tất nhiên thiếu tính hệ thống và vẫn chưa phải
là đáp án mong đợi cho câu hỏi nêu ra ở đầu bài viết này. May là quyển sau có
bài viết của Bùi Quốc Châu (tr. 172-173) tỉ mỉ kể ra ba mươi bảy tính cách vừa
xấu vừa tốt, có thể nói là phần nào tương đồng với ý kiến của một số tác giả
khác trong cùng quyển sách ấy.
Căn cứ vào hai quyển sách nói trên (theo
thứ tự nhan đề được nói tắt là TLDT, và
TLVN), tôi tạm tuyển lấy sáu tính
cách tâm lý tiêu biểu của người Việt vốn dĩ được đa số tác giả đồng thuận. Ở
đây dĩ nhiên không nhắc lại những tính cách đã nói tới trong bài trước: “Mấy Nét Tâm Lý Của Người Đạo Cao Đài” (tr.
12-28). Dựa vào kết quả tuyển chọn
ấy, tôi thử tìm hiểu tâm lý người đạo Cao Đài. Thứ tự trước sau của sáu tính
cách tâm lý trình bày sau đây thật sự không là điều quan trọng.
*
1.
Tâm lý cộng đồng
Tâm lý cộng đồng được xem là một nét tâm
lý của người Việt (TLVN, tr. 61). Đặc
biệt với cư dân ở Nam Kỳ (cái nôi của đạo Cao Đài), tâm lý cộng đồng có lẽ phát
sinh từ nhu cầu quần cư trong buổi xa xưa; dần dần sự quần cư đơn giản ban sơ
phát triển thành làng mạc để những người khai hoang mở đất vừa có thể xóa bỏ
mặc cảm thân phận lưu dân (TLVN, tr.
157), vừa tạo được điều kiện nương tựa nhau trên đất mới, nơi họ phải thường
xuyên đối trị thiên nhiên khắc nghiệt và cuộc sống vật chất quá đỗi thiếu thốn.
Tâm lý cộng đồng này tiềm tàng trong nếp
hành đạo của người tín đồ Cao Đài, và có thể nhận thấy qua Tân Luật do Hội Thánh Cao Đài ban hành, với bản in đầu tiên (14
trang, 15x24cm), thực hiện tại nhà in Commerciale C. Ardin, Sài Gòn, năm 1927 [xem Phụ Bản 4]. Mặc dù trong thập niên
1930, tôn giáo Cao Đài tách ra thành nhiều nhánh, nhưng Tân Luật vẫn là luật
chung cho hầu hết các nhánh này.
Đạo Cao Đài ra đời trong thời nước mất
nhà tan, người đạo vừa thiếu thốn nhiều phương diện, vừa thường xuyên chịu sự
bách hại của cả chánh quyền thuộc địa và triều đình Huế (xem: Huệ Khải, Cấm Đạo Cao Đài Ở Trung Kỳ 1928-1950 / Caodaism under Persecution in Central
Vietnam 1928-1950. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012). Do đó tín đồ cần quy tụ lại
để nương tựa nhau, cùng tồn tại và tăng trưởng. Việc lập họ đạo được Tân Luật quy
định như sau:
“Nơi
nào có đông tín đồ được chừng năm trăm người sắp lên, thì được lập riêng một
họ, đặt riêng một thánh thất, có một chức sắc làm đầu cai trị.” (Đạo Pháp, Chương III, Điều Thứ Mười
Sáu.)
Lập họ để quy tụ tín chúng thì chỉ mới đảm
bảo về phần hình thức hay xác thể. Để bền vững và tăng trưởng, mỗi họ đạo cần
có cái tình, cái hồn. Muốn vậy, người cùng một họ đạo phải biết gần gũi nhau để
kịp thời giúp nhau những lúc cần thiết, nhất là khi cưới hỏi, tang ma, hay nhằm
cơn hoạn nạn, tai ương. Tân Luật quy định ba điều như sau (Thế Luật, Điều Thứ Năm, Mười Bốn, và Mười Chín):
(a) “Đối với hàng đạo hữu phải
nuôi nấng cái tình thù tạc với nhau, cho khắn khít cái dây liên lạc. Trong hàng
tín đồ còn ở thế phải nhớ hai dịp là tang và hôn.”
(b) “Trong bổn đạo xảy có người mãn phần
quy vị thì chư tín đồ trong họ phải chung cùng đến giúp và chia buồn với tang
chủ.”
(c) “Một
người trong đạo gặp tai nạn thình lình, thì bổn đạo trong họ hãy tùy hỷ chung
nhau, tư trợ cho qua lúc ngặt nghèo.”
Đám tang người đạo Cao Đài luôn luôn được
chức sắc, chức việc, đồng đạo cùng nhau cử hành chu đáo, tận tâm và hoàn toàn
miễn thù lao. Tang gia không được biếu tiền hay vật phẩm làm quà cho chức sắc,
chức việc đến làm các bí tích và cử hành tất cả các nghi thức an táng (kể từ
lúc khâm liệm cho tới khi lấp huyệt mộ) cũng như tất cả các lễ cầu siêu (từ lúc
nhập quan, tiếp tục định kỳ suốt cho tới lễ mãn tang, kéo dài 581 ngày tính từ
ngày chết). Nếu tang gia quá nghèo, họ đạo còn sốt sắng góp tiền giúp trang trải
tất cả phí tổn. Nếu tang gia sung túc, tất cả tiền phúng điếu sẽ dùng làm công
quả (từ thiện).
Tín đồ Cao Đài phần đông đều nghèo. Vì
vậy, đối với thân nhân người mãn phần, tìm được chỗ an táng người quá cố không
phải lúc nào cũng dễ dàng, đơn giản. Quy định sau đây của Tân Luật có thể xem
như một gợi ý: “Mỗi họ cũng nên lập một
nghĩa địa riêng.” (Thế Luật, Điều Thứ Mười Bốn.) Quả thật, trước năm 1975 nhiều
họ đạo đã thực thi được quy định này.
2. Bè
phái, phân biệt địa phương, thiếu
đoàn kết, và cục bộ
Nghe như nghịch lý khi nói tâm lý cộng
đồng hiện hữu song hành với đối lập của nó là tâm lý bè phái, phân biệt địa
phương (TLVN, tr. 93), thiếu đoàn
kết, và cục bộ (TLVN, tr. 99, 172,
173).
Vào thập niên 1930, sự phân ly trong đạo
Cao Đài đã chia tách tôn giáo này ra nhiều nhánh. Mỗi nhánh tách riêng ra tất
nhiên có yêu cầu phải gắng sức tăng trưởng, cũng như tạo nên thanh danh và uy
tín cho riêng mình. Còn cái gốc ắt phải tự phòng thủ chặt chẽ nhằm ngăn ngừa sự
phân ly lan rộng. Dần dần các nhánh phát triển thành Hội Thánh mới và đương
nhiên đều bị cái gốc xem là không đúng chân truyền, là bàng môn tả đạo. Mỗi Hội
Thánh (dù gốc hay nhánh) đều sẵn có một vài vị lãnh đạo nhiều uy tín và ảnh
hưởng, thì họ lại càng cố gắng củng cố hơn nữa uy tín và ảnh hưởng các lãnh đạo
của mình sao cho nổi bật hơn các lãnh đạo của nơi khác.
Ngày nay, thực trạng lịch sử của tôn giáo
Cao Đài cho thấy hai tác động đối lập: Một mặt, trong khi cố gắng phát triển
đạo trên phạm vi địa phương của mình, mỗi Hội Thánh thực sự góp phần hiệu quả
làm đạo phát triển nhanh. Mặt khác, trái ngược lại, mỗi Hội Thánh càng cố gắng
phát triển theo cách riêng của mình thì càng gia tăng thêm khoảng cách với các
Hội Thánh khác, và càng gây thêm những cản trở trên con đường thống nhất đạo
Cao Đài.
Từng Hội Thánh có thể có một số điểm
mạnh, nhưng xét về tổng thể thì sức mạnh của cả nền tôn giáo Cao Đài đang bị
phân tán rời rạc. Nếu Hội Thánh Cao Đài là một thực thể thống nhất và toàn vẹn,
thì tất nhiên đạo Cao Đài có được sức mạnh tổng hợp để góp phần thâu ngắn hành
trình và thời gian hoàn thành mục đích tối hậu hay cứu cánh của Đại Đạo Tam Kỳ
Phổ Độ.
3.
Trọng tình cảm gia đình, lấy gia đình làm gốc, làng xã là gia đình lớn (TLDT, tr. 82-83)
Tâm lý này của
người Việt Nam
bộc lộ trong hệ thống chức sắc đạo Cao Đài. Gia đình chung của tín đồ là họ đạo;
gia đình lớn hơn cả là Hội Thánh. Đứng đầu Hội Thánh Cửu Trùng Đài là Giáo
Tông, cũng gọi Anh Cả, và toàn thể tín đồ là các em. Thượng Đế (Thầy) là Cha
thì Anh Cả có quyền thay Cha dạy dỗ các em, theo truyền thống xã hội Việt Nam . Vai trò
này của Anh Cả (Giáo Tông) được quy định ngay khi mở đầu Tân Luật:
“Trên
hết có một phẩm Giáo Tông là Anh Cả
có quyền thay mặt cho Thầy mà dìu dắt cả tín đồ trong đường đạo và đường đời.” (Đạo
Pháp, Chương I, Điều Thứ
Nhứt.)
Thấp hơn Giáo Tông bốn bậc là phẩm Giáo
Sư. Theo Tân Luật, quan hệ của Giáo Sư với tín đồ là quan hệ anh em một nhà:
“Buộc Giáo Sư lo lắng cho chư tín đồ như anh ruột lo cho em. (...) Giáo Sư phải
thân cận với tín đồ như anh em một nhà
cần lo giúp đỡ.” (Đạo Pháp, Chương I, Điều Thứ Năm)
Trong
phần thứ hai của Tân Luật là Thế Luật,
mở đầu liền nhắc lại mối quan hệ giữa tín đồ và chức sắc là quan hệ giữa anh
chị em chung một nhà, cùng chung một Cha (Thầy, Thượng Đế):
“Hễ thọ giáo với một Thầy thì tỷ như con một Cha, phải thương yêu nhau, liên
lạc nhau, giúp đỡ nhau, lấy lòng thành thật mà đối đãi nhau, dìu dắt nhau trong
đường đạo và đường đời.” (Thế
Luật, Điều Thứ Nhứt.)
Do tâm lý gia đình mà Tân Luật nhấn mạnh việc khuyên
nhủ, bảo ban hơn là trừng phạt, chế tài. Cho nên sau khi đưa ra những điều ngăn
cấm, Tân Luật quy định cách xử lý người vi phạm như sau:
“Người
nào trong đạo phạm một hay nhiều điều răn cấm trên đây, thì mấy người khác
trong bổn đạo hay biết phải khuyên giải.
Nếu chẳng nghe, phải đến tỏ cho người làm đầu trong họ hay, cho người để lời khuyến dạy.” (Thế Luật, Điều Thứ Hai Mươi Hai.)
4. Thích hội hè, mượn hội hè để giao tiếp với người
cùng làng hay khác làng (TLDT,
tr. 82-83)
Tâm lý này có thể xem
là liên quan tâm lý cộng đồng của người Việt. Hiện hữu như một nét tâm lý của
người đạo Cao Đài, sở thích giao tiếp với người cùng làng và khác làng trở
thành sở thích giao tiếp người cùng họ đạo hay khác họ đạo.
Người Việt Nam rất
thích hội hè. Theo một thống kê năm 2004 của Bộ Văn Hóa Thông Tin, quanh năm cả
nước có 8902 lễ hội, trong đó có 7005 lễ hội dân gian truyền thống, và 1399 lễ
hội tôn giáo (http://www.tienphong.vn). Vì vậy không lạ rằng người đạo Cao Đài
cũng có nhiều lễ hội và lễ kỷ niệm của riêng mình. Có lễ chung cho toàn đạo Cao
Đài, hoặc chỉ riêng cho một Hội Thánh [xem
Phụ Bản 4]. Có lễ mang tính cách riêng của một họ đạo nhưng không giới hạn
trong vòng tín hữu của chính họ đạo ấy; vì vậy, không cần thư mời, mọi đạo hữu
đều được tiếp đón niềm nở.
Tác động tích cực của
tập quán này trong đạo Cao Đài là tình tương trợ; thật vậy, mỗi khi đến dự lễ
tại một họ đạo bạn, đạo hữu luôn luôn sẵn lòng góp tiền công quả (tiền hành
hương). Nghĩa cử này tạo ra một nguồn tài chánh đáng kể lưu thông giữa họ đạo
này với họ đạo khác, đặc biệt là giúp đỡ các họ đạo nghèo.
Mỗi
dịp lễ thường kết hợp thuyết giảng giáo lý, vì vậy còn giúp tín đồ nâng cao
hiểu biết. Nhờ thế họ có thể được bù đắp phần nào thiệt thòi nếu như họ đạo của
chính họ không thể tổ chức thuyết đạo mỗi tháng vào hai kỳ sóc vọng, theo đúng
quy định trong Tân Luật (Đạo Pháp,
Chương III, Điều Thứ Mười Chín). Điều này giải thích vì sao người đạo Cao Đài
không bao giờ coi việc đi dự lễ ở một họ đạo khác là dịp vui chơi, mà trân
trọng mệnh danh là “liên giao hành đạo”.
Bởi thế, người đạo sẵn lòng rời Sài Gòn từ sáng sớm để dự lễ tại các tỉnh Long
An, Tiền Giang hay Bến Tre, v.v… hoặc ngược lại.
5. Hiếu hòa, chuộng thương lượng hơn là đấu tranh (TLVN,
tr. 48)
Người đạo Cao Đài mặc đạo phục màu trắng. Màu trắng
có thể phối hợp với bất kỳ màu nào khác. Do đó, người đạo Cao Đài thường hay
nhấn mạnh đến ý nghĩa biểu tượng của màu trắng là tính hòa hiệp. Hơn thế nữa,
muốn vào Bạch Ngọc Kinh (chỗ ngự của Đức Ngọc Hoàng trên thượng giới) phải nhờ
vào tình hòa hiệp. Đức Cao Đài Thượng Đế dạy:
Hòa là một món
báu linh,
Là chìa khóa mở
Ngọc Kinh bước vào.
(Đại Thừa Chơn Giáo. Sài Gòn 1950, tr.
132.)
Đạo Cao Đài là một gia đình lớn, trong đó chức sắc
và tín đồ đều là môn đệ cùng một Thầy (Thượng Đế), cũng là anh em chung một
Cha. Thế nên sống ở đời giữa đồng đạo với nhau phải cho nhân nghĩa và hòa hiệp.
Trong một đàn cơ ngày 20-02-1926, Đức Cao Đài Thượng Đế dạy:
Chẳng quản đồng
tông mới một nhà,
Cùng nhau một
Đạo tức cùng Cha.
Nghĩa nhân đành
gởi thân trăm tuổi,
Dạy lẫn cho nhau
đặng chữ hòa.
(Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, 1964,
tr. 8.)
Hòa hiệp không chỉ được nhấn mạnh ở giáo lý mà còn thể
hiện ở giáo luật. Thông thường mọi việc tranh tụng đều dễ dàng phá vỡ hòa hiệp.
Muốn duy trì hòa hiệp phải tránh kiện thưa. Vì mục đích này, trong gia đình thì
cha khuyên con, anh khuyên em. Trong họ đạo thì đó là bổn phận của đầu họ đạo.
Tân Luật quy định “Hình phạt”, thế nhưng trước khi phạt thì phải “phân giải”:
“Về đường đời bổn đạo có xích mích nhau,
cũng phải đến cho người làm đầu trong họ phân
giải.” (Đạo Pháp, Chương VII, Điều
Thứ Hai Mươi Tám.)
Tân
Luật buộc người trên phân giải kẻ dưới thì ngược lại cũng buộc kẻ dưới phải
nhún nhường tuân theo sự phân giải của người trên. Phận người trên mà sái quấy
thì phải biết phục thiện nghe theo lời nói phải lẽ của đàn em:
“Phải
tuân lời dạy của bề trên, chẳng hổ chịu cho bực thấp hơn điều độ. Lấy lễ
hòa người. Lỡ làm lỗi, phải ăn năn chịu thiệt.” (Đạo pháp, Chương V, Điều Thứ Hai Mươi Hai.)
Để
duy trì hòa khí, theo Tân Luật, kẻ thứ ba không được dửng dưng làm người bàng
quan:
“Đừng thấy đồng đạo tranh đua ngồi mà xem
không để lời hòa giải…” (Đạo Pháp, Chương V, Điều Thứ Hai Mươi Hai.)
Còn
hơn thế nữa, Tân Luật buộc tín hữu như sau:
“Nhập đạo rồi thì phải quên những việc oán
thù nhau khi trước; phải tránh việc ganh ghét, tranh đua và kiện cáo; phải nhẫn
nhịn và hòa thuận với nhau. Rủi có điều chi xích mích, phải vui nghe người làm
đầu trong họ phân giải.” (Thế
Luật, Điều Thứ Hai.)
Trong
số các tiền khai Cao Đài có hai vị chủ quận điển hình là Ngô Văn Chiêu
(1878-1932) và Nguyễn Ngọc Tương (1881-1951). Do tâm lý hiếu hòa, mỗi khi xử
kiện trong quận, hai vị luôn tìm cách hòa giải các bên tranh chấp.
6. Chuộng nếp sống giản dị, cần kiệm (TLDT,
tr. 75)
Tiết
kiệm là đạo đức xã hội và cũng là hạnh đức người tu hành. Đối với phần đông tín
hữu Cao Đài vốn còn nghèo khổ, dù ở thôn quê hay thị thành, tiết kiệm và sống
giản dị là một hành vi đạo đức, và là một trong những bài học đầu tiên Đức Cao
Đài Thượng Đế dạy môn đệ khi vừa mới mở Đạo.
Thực
vậy, ngày 12-10-1926, Đức Cao Đài Thượng Đế dạy:
“Biết tại sao Thầy muốn cho các con mặc đồ
bô vải chăng? Vì bô vải là tấm gương đạo đức. Các con đã rõ đạo thì phải biết
đức cần kiệm là đức hạnh đầu trong lúc các con còn ở thế gian này. Như sự lãng
phí, se sua ở đời này Thầy cũng cho là một việc tổn đức vậy.” (Thánh
Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, 1964, tr. 47-48.)
Theo Đạo Sử Xây Bàn, quyển I (ronéo), của Đầu Sư Hương Hiếu (1887-1971) thuộc
Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh, trong đàn cơ ngày 27-11-1926, Đức Cao Đài Thượng Đế
dạy một môn đệ là ngài Nguyễn Ngọc Thơ (1873-1950) như sau:
“Thơ,
con làm thánh tượng [Thiên Nhãn] vậy đặng. Con phải tính thế in cho
nhiều một lần thì giá rẻ chút ít nghe.” (tr. 52)
Ngay
sau đó không rõ ngài Nguyễn Ngọc Thơ bạch điều chi (vì bà Hương Hiếu không ghi
lại), mà Đức Cao Đài Thượng Đế dạy tiếp:
“Đặng
con. Thầy biết một điều là trong hàng em út các con đều là phần nghèo; một đồng
nó đỡ một đồng, nghe con.” (tr.
52)
Chuẩn
bị cất Tòa Thánh Tây Ninh, giáng cơ tại thánh thất Thiền Lâm ngày 28-02-1927,
Đức Giáo Tông Vô Vi Lý Thái Bạch vẽ họa đồ thiết kế một kiến trúc hết sức to
tát, cho tương xứng với tầm cỡ đạo Cao Đài trong tương lai. Trong một đàn cơ
sau đó (bà Hương Hiếu không ghi ngày), Đức Cao Đài Thượng Đế dạy:
“Thầy
chẳng đành. Thảng như tốn kém nhiều, các con coi theo họa đồ tính làm theo
thước mộc. Nghe à.” (Thước
mộc tương đương 0,425 mét.)
Dù
thế, trong đàn cơ ngày 08-3-1927 tại thánh thất Thiền Lâm, ngài Nguyễn Ngọc Thơ
vẫn xin xây dựng theo họa đồ của Đức Lý Giáo Tông, thì Đức Cao Đài Thượng Đế
dạy: “Tốn kém nhiều lắm con ơi!” Sau đó Đức Lý Thái Bạch cho các tiền
khai Cao Đài biết chính Đức Thượng Đế đã giảm bớt kích thước Tòa Thánh.
Sống
tiết kiệm (cần kiệm) còn được quy định trong Tân Luật, tiêu biểu như sau:
“[Chức sắc] Ăn
mặc thường. Phải dùng toàn đồ vải trắng, hoặc màu theo phái mình, song phải tùy
tiện chẳng nên xa xí.” (Đạo Pháp, Chương II, Điều Thứ Mười Lăm.)
“Người bổn đạo ăn mặc phải cần kiệm, tùy phận
tùy duơn [duyên], cũng nên dùng đồ vải bô và giảm bớt hàng
lụa.” (Thế Luật, Điều Thứ Hai Mươi Mốt.)
“Trong
việc tống chung không nên xa xí, không nên để lâu ngày, không nên dùng đồ âm
công có màu sắc lòe loẹt, chỉ dùng toàn đồ trắng, không nên đãi đằng rần rộ mà
mất sự nghiêm tịnh và mất dấu ai bi.” (Thế Luật, Điều Thứ Mười Sáu.)
*
Tâm
lý người đạo Cao Đài là một phần của tâm lý người Việt Nam, trong đó chắc chắn
có tác động tích cực và không tích cực. Những tính cách tâm
lý ấy đều ảnh hưởng tới tâm thái hay não trạng (mentality) và phong cách hành đạo của người Cao Đài. Cần tìm hiểu
chúng để giảm thiểu những trở ngại và đồng thời tối ưu hóa những thuận lợi sẵn
có trong mọi nỗ lực hoằng hóa đạo Cao Đài. Tuy nhiên, tâm lý người đạo
Cao Đài là một lãnh vực chưa được học giới chú ý nghiên cứu. Bài viết này vì
thế xem như một bước chân dọ dẫm trên một cõi miền nguyên sơ.
Tháng 11-2004
Sửa chữa, 25-9-2017
HUỆ
KHẢI
*
Ghi chú:
Để tìm
hiểu thêm về đạo Cao Đài, có thể tham khảo các tập sách song ngữ Việt-Anh của
Huệ Khải, liên kết ấn tống tại hai nhà xuất bản Tôn Giáo và Hồng Đức (Hà Nội)
từ năm 2008 tới nay. Xem trang 79 ở cuối sách này. Ngoài ra, có thể truy cập
các văn bản điện tử tại:
http://chungtayantong.blogspot.com
http://daidaovanuyen.blogspot.com
http://huekhai.blogspot.com
http://understandingcaodaism.blogspot.com
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.