Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2017

2. CÁI ĐẸP THEO MỸ HỌC CAO ĐÀI


CÁI ĐẸP THEO MỸ HỌC CAO ĐÀI
1. Một khái niệm đơn giản về mỹ học
Trong mấy thế kỷ trước Công Nguyên, bản thảo các triết gia Hy Lạp lỗi lạc như Pythagoras, Heraclitus, Socrates, Democritus, Plato, và Aristotle, v.v... đã bàn về “cái đẹp”. Về sau, tư tưởng các triết gia ấy dần dần khơi nguồn cho việc hình thành những nguyên lý ban sơ về cái đẹp, nhưng thoạt kỳ thủy chưa có thuật ngữ “mỹ học”.
Đến thế kỷ 18 thuật ngữ mỹ học xuất hiện và mỹ học trở thành một ngành triết học chuyên tìm tòi bản chất và cách biểu hiện cái đẹp cũng như những cách tiếp cận cái đẹp. Sự nghiên cứu mỹ học thời nay rất phong phú, và có nhiều ý nghĩa đối với sinh hoạt con người. Mỹ học dường như có mặt ở mọi lĩnh vực, đến nỗi có những điều người ta hay bàn bạc với nhau mà không ngờ chúng đều liên quan tới mỹ học. Cho nên đừng lạ rằng nhiều chủ đề xưa nay thuyết giảng trong các cộng đồng Cao Đài thường chỉ cho là giáo lý, nhưng thật ra đấy cũng là một phần của mỹ học Cao Đài.
2. Có mỹ học Cao Đài thật không?
Giáo lý Cao Đài có sẵn những thuộc tính thuộc về triết học. Do đó, dĩ nhiên có triết học Cao Đài, và trong triết học Cao Đài tất nhiên bao hàm mỹ học Cao Đài. Vấn đề gay go là tất cả những gì liên hệ đều chưa được khám phá và khai thác đủ đầy, nên chưa được phát triển để thành hệ thống xứng danh là triết học hay mỹ học Cao Đài. Đây là hệ quả đương nhiên của một nền đạo hãy còn quá mới mẻ mà lại sớm phân ly rời rạc.
3. Định nghĩa “tu hành” theo mỹ học Cao Đài
Mỹ học không chỉ nghiên cứu về cái đẹp; tuy nhiên, bài viết này chỉ tập trung vào cái đẹp, căn cứ trên các thánh ngôn có thể xem là phản ánh quan điểm mỹ học Cao Đài.
Đạo Cao Đài dạy con người biết tu hành. Nguyên nghĩa chữ tu là sửa chữa cho tốt đẹp hơn; như vậy hàm ngụ cái đẹp trong đó. Tu hành còn được định nghĩa là hoàn thiện hóa bản thân, hay hơn thế nữa là thánh hóa bản thân. Theo ý nghĩa sau, cái đẹp được phát huy tối đa.
Giáo lý Cao Đài xác định rằng con người (tiểu linh quang) vốn có nguồn gốc từ Thượng Đế (Đại Linh Quang). Thế thì Thượng Đế và con người có cùng bản thể, đó là “linh quang” (ánh sáng thiên liêng). Trong một đàn cơ tại Thiên Lý Đàn (quận 10, Sài Gòn) ngày 04-02-1966, Đức Cao Đài Thượng Đế dạy:
Con là một thiêng liêng tại thế,
Cùng với Thầy đồng thể linh quang.
Là ánh sáng thiêng liêng (tức đồng thể với Thượng Đế) không có nghĩa con người đã hoàn thiện, hoàn mỹ cả rồi. Vậy, nói theo ngôn ngữ mỹ học, tu hành là trau giồi cái đẹp hàm tàng ở con người trong cuộc sống hàng ngày cả về mặt nhân sinh và tâm linh. Khi cái đẹp được phát huy thành công tột bực, con người trở thành bất tử với mỹ hiệu là Tiên là Phật, v.v... Kết quả phát huy thành công tột bực cái đẹp nơi con người còn được giáo lý Cao Đài gọi là “phối Thiên” (hiệp cùng Trời).
Trên đây nói rằng tu hành là trau giồi cái đẹp ở con người trong cuộc sống hàng ngày cả về mặt nhân sinh và tâm linh. Như vậy cái đẹp được được phát huy theo hai chiều hướng: hướng nội hay tâm linh, và hướng ngoại hay nhân sinh. Chiều hướng thứ nhất không gì khác hơn là nghĩa vụ hay bổn phận của mỗi cá nhân đối với chính bản thân. Chiều hướng thứ hai bao hàm những nghĩa vụ hay bổn phận của mỗi cá nhân đối với gia đình, xã hội, quốc gia, và thế gian.
Rõ ràng, cái đẹp được tìm kiếm, xây dựng theo mỹ học Cao Đài không phải là cái đẹp trừu tượng, chung chung. Trái lại, mỹ học Cao Đài giúp con người đi tìm và đạt được cái đẹp thông qua những hoạt động thực tiễn trong cuộc sống và cái đẹp ấy được minh chứng bằng chính cuộc sống thường nhật của mỗi người trong các mối tương quan giữa cá nhân và cộng đồng. Cộng đồng ấy gần gũi nhất chính là gia đình, rồi mở rộng ra lần lượt là xã hội, đất nước, thế gian. Cái đẹp của người tu đạt đạo là làm sao hài hòa được cái riêng với cái chung hay cá nhân với cộng đồng.
4. Cái đẹp của cá nhân
Giáo lý Cao Đài giúp mỗi người những nguyên tắc tu thân, tức là xây dựng cái đẹp cho cá nhân mình. Khi cá nhân được tốt đẹp rồi thì cái đẹp ấy sẽ ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng chung quanh. Trong một đàn cơ tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài (quận 4, Sài Gòn) ngày 13-6-1970, cái đẹp từ cá nhân tác động sang cộng đồng được Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt diễn tả như sau:
Tu cá nhân phong trào biến đổi,
Người nên rồi xã hội cũng nên.
Thực vậy, một cộng đồng tốt đẹp phải được cấu thành từ những cá nhân đẹp tốt. Trong một đàn cơ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam (quận 1, Sài Gòn) ngày 18-11-1971, Đức Phạm Hộ Pháp nhắc nhở:
“Các em nhớ rằng một phần tử của đất nước là một quan trọng ở tương lai. Nếu phần tử ấy xấu hoặc tốt, nên hoặc hư, thì tương lai nước non dân tộc sẽ do ảnh hưởng đó.”
Mỹ học Cao Đài không tán thành cái đẹp riêng lẻ. Điều này hàm ngụ trong cụm từ “tu thân hành đạo” và “hành đạo độ đời”, v.v… vốn được nhắc nhở rất nhiều trong giáo lý Cao Đài.
Hai cụm từ vừa dẫn trên có thể dùng để đính chính sự ngộ nhận rằng người đi tu là thiếu trách nhiệm với cộng đồng, là xao lãng nghĩa vụ với đất nước. “Hành đạo” theo giáo lý Cao Đài là nhận lãnh trách nhiệm với cộng đồng. Trong đàn cơ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam ngày 24-3-1972, Đức Minh Đức Đạo Nhơn làm sáng tỏ ý nghĩa chân chính của hai chữ “hành đạo” như sau:
“Đừng ai tưởng rằng mình hành đạo là để tu thân mà thôi, nếu tu được thì tốt riêng cho mình, không tu được thì cũng chẳng làm hại chi ai. Nếu tưởng vậy là sai lầm. Hành đạo đâu chỉ đóng khung trong thánh thất, thánh đường, chùa chiền, am tự. Hành đạo là xây dựng cả một thế hệ và những thế hệ tiếp nối mãi mãi. Hành đạo là gieo giống lành cho đất nước, cho dân tộc đó vậy.
Như thế, cái đẹp đúng nghĩa của người tu hành chơn chánh là cái đẹp vị tha, xuất phát từ tâm hồn quảng đại có lý tưởng phụng sự. Trong một đàn cơ tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài ngày 05-4-1965, để giúp con người biết vươn lên khỏi cái đẹp vị kỷ, Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt dạy:
Bầu vũ trụ có dân có nước,
Chẳng riêng mình hưởng phước hưởng duyên.
Một kẻ bạc bẽo với gia đình, tổ tiên thì ai dám tin rằng hắn thật lòng thương yêu đồng bào, tổ quốc? Cho nên, xây dựng cái đẹp cho bản thân thì đừng quên cội nguồn gần gũi nhất của mình là gia đình, tổ tiên. Trong một đàn cơ tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài ngày 29-6-1974, Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt dạy:
Ơn dân chớ phụ ơn nguồn gốc,
Nghĩa nước đừng quên nghĩa tổ tiên.
Nói như vậy không có nghĩa đem gia đình, tổ tiên hay quốc gia, dân tộc làm trung tâm cho mọi hoạt động. Theo giáo lý Cao Đài, con người hãy biết vươn tới thế giới bao la, nhân loại muôn màu. Trong một đàn cơ tại Trước Lâm Thánh Đức Thiền Điện (nay thuộc thành phố Vĩnh Long) ngày 02-5-1971, Đức Thánh Phan Thanh Giản ví tất cả mọi sắc tóc màu da như trăm nghìn cánh hoa muôn vẻ cùng xuất phát từ một cội cành duy nhất (Thượng Đế): “Vạn đóa hoa thơm một cội cành”, và sau đó Ngài dạy con người hãy biết hòa hài giữa đất nước và thế giới, đồng bào và đồng loại:
Tình non đi với tình nhơn loại,
Nghĩa nước chung nguồn nghĩa chúng sinh.
Trong một đàn cơ tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài ngày 11-02-1973, cái đẹp tuyệt trần của người hành đạo chơn chánh được Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt diễn tả như sau:
“Một cuộc đời đáng sống khi hướng ngoại thì lo giúp thế độ đời, lúc trở về tâm nội thì trau dồi đức hạnh, tu đức tu công, mưu cầu ích chúng lợi dân, xây dựng nếp sống hiệp hòa trong thiên hạ.”
Để được một đời sống đạo đức như thế, lòng người phải vô kỷ, vô công. Trong một đàn cơ tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài ngày 16-6-1967, Đức Lê Đại Tiên Lê Văn Duyệt khuyên:
“Phải xem mình như hạt bụi lưng trời, xem thiên hạ như bể rộng bao la.”
Để đạt được cái đẹp vị tha và vô kỷ, con người cần một thái độ đúng đắn. Trong một đàn cơ tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài ngày 01-12-1967, Đức Cao Triều Phát dạy về thái độ đó như sau:
“Xem mọi người là mình, mình là mọi người, không phân biệt.
Tiếp theo thái độ đúng đắn đó, cần có hành vi đúng đắn. Trong cùng đàn cơ nói trên, Đức Cao Triều Phát dạy:
“Thương người, hoàn hảo hóa người. Thương ta, hoàn hảo ta.”
Hai câu thánh ngôn ngắn gọn này hàm chứa cả cái đẹp của cá nhân và cái đẹp của cộng đồng.
“Thương người, hoàn hảo hóa người” tức là xây dựng cái đẹp của cộng đồng.
“Thương ta, hoàn hảo ta” tức là xây dựng cái đẹp của cá nhân.
5. Cái đẹp của cộng đồng
Cái đẹp của cá nhân và cái đẹp của cộng đồng có tác động qua lại. Không có những cá nhân tốt thì không cấu thành một cộng đồng tốt. Nếu chỉ có một cá nhân tốt trong một cộng đồng xấu thì tình trạng đó chẳng khác gì một sợi chỉ đẹp đem thêu vào mảnh vải bẩn. Ngược lại, nếu cả cộng đồng tốt mà cá nhân xấu thì ảnh hưởng của cộng đồng sẽ tác động tích cực đến cá nhân ấy.
Hiểu được tác động qua lại giữa cá nhân và cộng đồng, thì cũng hiểu thêm tương quan giữa biệt nghiệp cộng nghiệp.
Trong phần kết Truyện Kiều, Nguyễn Du (1766-1820) viết:
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời xa.
Cái nghiệp trong hai câu thơ dẫn trên là nghiệp riêng (biệt nghiệp) do mỗi cá nhân tự chuốc cho bản thân.
Người tu hành có mục đích giải trừ cho bản thân nghiệp riêng. Nhưng mỗi người còn là phần tử của cộng đồng nên tất nhiên còn phải chia sẻ nghiệp chung của cả cộng đồng. Nghiệp chung (cộng nghiệp) này là tổng số các nghiệp riêng (biệt nghiệp) của tất cả phần tử cấu thành cộng đồng đó. Mỗi người phải chịu cộng nghiệp đến từ gia đình, xã hội, quốc gia, và hoàn cầu thế giới. Trong một đàn cơ tại Trước Lâm Thánh Đức Thin Đin ngày 11-5-1970, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư minh xác:
Trót sinh giữa chốn trần hồng,
Cái cơ cộng nghiệp chung đồng thế nhân.
Do đó, giải trừ biệt nghiệp thì chưa đủ. Người tu hành chơn chánh còn phải tích cực giải trừ cộng nghiệp bằng cách hành đạo độ đời, song hành tự độ và độ tha, tức là xây dựng cái đẹp của mình và của cộng đồng. Đây là một đặc trưng trong cách tu hành của người đạo Cao Đài. Trong một đàn cơ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam ngày 10-10-1973, Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
“Những gì trước mắt bên tai của chư hiền, hoặc đang xảy đến hoặc sắp xảy đến, đó là lẽ tất nhiên của sự cộng nghiệp của một dân tộc. Thế nên, trong sự cộng nghiệp đó, mỗi một người biết tu thân hành đạo là tự cổi bỏ lần bớt nghiệp cá nhân của mình. Một tập thể biết tu thân hành đạo là tự cổi bỏ bớt nghiệp của tập thể. Một dân tộc biết tu thân hành đạo là tự mình muốn cổi bỏ nghiệp tiền khiên của một quốc gia, dân tộc.
*
Qua bước đầu khảo sát cái đẹp theo mỹ học Cao Đài có thể thấy rằng:
- Cái đẹp chân chính là cái đẹp đạt được thông qua sinh hoạt thực tiễn hàng ngày nhằm hoàn thiện cộng đồng và hoàn thiện bản thân mỗi cá nhân là thành viên cộng đồng đó.
- Sống đạo tức là sống đẹp bởi vì mỹ học Cao Đài không dẫn dắt con người rời xa cộng đồng, mà ngược lại là giúp con người đến gần với con người nhiều hơn, gắn bó cuộc sống để yêu người, yêu đời, làm cho cái đẹp nở hoa trong cuộc sống.
- Cái đẹp theo mỹ học Cao Đài rất cụ thể và gần gũi. Cái đẹp có thể được đạt được hàng ngày bằng cách xác định đúng đắn cho mỗi cá nhân một thái độ, tình cảm, trách nhiệm trong tương quan với gia đình, bà con bè bạn, đồng bào đồng loại.
- Cái đẹp theo mỹ học Cao Đài tuy chưa được khám phá trọn vẹn trong tiểu luận này, nhưng có lẽ tạm đủ để giúp soi sáng mục đích nhân bản của đạo Cao Đài trong Tam Kỳ Phổ Độ. Mục đích này được Đức Giáo Tông Đại Đạo Lý Thái Bạch minh định trong một đàn cơ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam ngày 23-8-1972 như sau:
“Mục đích Cao Đài trong Tam Kỳ Phổ Độ không chủ trương đơn thuần cho các hàng tín hữu thành Phật, Tiên, Thánh để an hưởng cõi thiêng liêng rồi quên nhiệm vụ hiện tại là xây đời thuần lương thánh thiện trong tình thương, trong hòa đồng, trong đạo đức để tròn câu hạnh phúc gia đình, hạnh phúc dân tộc quốc gia, và hạnh phúc cho nhân loại.
21-7-1986
Sửa chữa, 29-9-2017
HUỆ KHẢI
Ghi chú:
* Tiểu luận này nguyên là một phần bài nói chuyện của tôi tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo vào sáng Thứ Hai 21-7-1986.
* Để tìm hiểu thêm về đạo Cao Đài, có thể tham khảo các tập sách song ngữ Việt-Anh của Huệ Khải, liên kết ấn tống tại hai nhà xuất bản Tôn Giáo và Hồng Đức (Hà Nội) từ năm 2008 tới nay. Xem trang 32 ở cuối sách này. Ngoài ra, có thể truy cập các văn bản điện tử tại:
http://chungtayantong.blogspot.com
http://daidaovanuyen.blogspot.com
http://huekhai.blogspot.com
http://understandingcaodaism.blogspot.com

 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.