Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

5 HIẾN XÁC CHO KHOA HỌC (GỞI LẠI CHO ĐỜI)



HIẾN XÁC CHO KHOA HỌC
Bản điện tử báo The Guardian (Người Bảo Vệ) xuất bản ở vương quốc Anh ngày 10-3-2015 có đăng bài “Tại sao người ta hiến xác cho nghiên cứu y học – và chuyện gì xảy ra”.([1]) Bài báo cho biết hằng vạn người đã quyết định hiến xác cho khoa học và mỗi năm có khoảng sáu trăm người làm như thế. Thậm chí còn có nhiều người hơn nữa muốn hiến não để các nhà khoa học nghiên cứu. Lý do nào khiến người ta tự nguyện hiến xác? Sau đây là bốn trường hợp điển hình được trích ra từ bài báo ấy.
*
1. Năm 2006 bà Susan Harbot (cư ngụ tại thị trấn Horwich, thành phố Bolton) được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson. Đây là bệnh được đặt tên theo nhà khoa học người Anh là James Parkinson (1755-1824). Năm 1817 ông hoàn thành công trình nghiên cứu về bệnh này. Với các biểu hiện run rẩy, rối loạn tư thế và dáng đi, bệnh Parkinson thường khởi phát ở độ tuổi sáu mươi, có xu hướng tăng dần mức độ theo tuổi. Bệnh hiếm khi xảy ra trước tuổi bốn mươi. Người mắc bệnh do yếu tố gia đình (di truyền) chiếm tỷ lệ khoảng 5%.
Năm 2009 bà Harbot quyết định hiến não cho ngân hàng não của tổ chức nghiên cứu bệnh Parkinson ở vương quốc Anh. Như vậy, sau khi bà qua đời, bộ não của bà sẽ được dùng cho hằng trăm thí nghiệm về điều kiện thoái hóa của não. Người phụ nữ sáu mươi lăm tuổi này tiết lộ:
“Dòng tộc chúng tôi năm đời mắc bệnh Parkinson. Trong số bảy người con thì ba đứa chúng tôi mắc bệnh này. Tôi có đọc một tạp chí và không do dự khi hiến não. Tôi không theo tôn giáo nào cả. Ngày cuối đời, nếu quyết định của tôi giúp ích được ai thì tôi vui sướng rồi.”
2. Từ tấm bé Noel Jackson đã muốn hiến xác cho khoa học và chẳng màng bận tâm là thi hài của mình sẽ được đối xử ra sao. Nguyên là thầy giáo dạy khoa học ở một trường trung học và làm chủ nhiệm phụ trách giáo dục tại một trung tâm ở thành phố Newcastle (vương quốc Anh) mang tên Newcastle’s Centre for Life, ông xem việc hiến xác là cách tự nhiên kéo dài nghề nghiệp của mình.
Năm 2014, Jackson chuẩn bị tổ chức tại thành phố Newcastle cuộc triển lãm các bộ phận của thể xác con người (Body Worlds Vital exhibition) do Gunther von Hagens thực hiện. 

Sinh năm 1945, tiến sĩ von Hagens là nhà giải phẫu danh tiếng người Đức, có công phát minh kỹ thuật “plastination” vào năm 1977 để bảo quản các mô động vật và thân xác con người bằng cách dùng các chất tổng hợp (như silicone resins hay epoxy polymers) thay thế mỡ và các chất lỏng trong cơ thể.
Khởi đầu tại thành phố Tokyo (nước Nhật) vào năm 1995, rồi được luân lưu qua nhiều nơi khác nhau trên thế giới, thu hút đông đảo người xem,([2]) các cuộc triển lãm của von Hagens giúp người xem hiểu biết về giải phẫu học, sinh lý học, và sức khỏe. Qua đó người xem biết được hoạt động bên trong thân thể, hiểu rõ hơn về ảnh hưởng lâu dài trên thân xác do tác động của sức khỏe tốt hay kém, do nỗi buồn đau, bệnh tật, và cách sống của mỗi người.
Cuộc triển lãm được chuyển tới nước Anh lần đầu tiên vào năm 2002, và tổ chức tại thủ đô London. Mười hai năm sau, chứng kiến những gì von Hagens trưng bày ở Newcastle, Jackson quyết định sau này xác ông cũng sẽ được dùng phục vụ cho các cuộc triển lãm tương tự. Người đàn ông năm mươi tám tuổi thổ lộ:
“Dòng tộc tôi ít nhất đã ba đời có người hiến xác cho khoa học. Tôi không là tín đồ của tôn giáo nào hết. Khi chết đi thì đâu còn nữa. Cả đời tôi là một thầy giáo dạy khoa học và tôi vẫn sẽ là một thầy giáo dạy khoa học khi tôi chết đi. Một số người được xem triển lãm của von Hagens sẽ được truyền cảm hứng để chọn nghề bác sĩ hoặc làm nhà khoa học. Và nếu sau khi chết rồi mà tôi có thể giúp vào việc khuyến khích họ thì đây là một việc làm rất có ý nghĩa.”
3. Jackson không ảo tưởng khi nghĩ rằng những cuộc triển lãm của von Hagens sẽ truyền cảm hứng cho người xem. Thật vậy, von Hagens không thiếu những ân nhân hiến xác. Theo bài viết năm 2015 của báo The Guardian (đã dẫn trên), các cuộc triển lãm của ông đã dùng tới 1.100 xác người, nhưng ông cho biết đã có sẵn 12.100 người còn sống ký tên hiến xác. Một trong những người ấy là Emma Knott, làm cố vấn về quan hệ công chúng ở London. Cô nói:
“Tôi rất hứng thú sau khi xem triển lãm. Đó là lý do tôi quyết định hiến xác. (…) Tôi nghĩ rằng sẽ là điều tuyệt vời khi mình lìa bỏ thế gian mà để thân xác được lưu giữ lại theo cách đó.”


4. Ba mươi bốn tuổi, Ed Sykes sống ở London cũng trù tính sẽ hiến xác hay não cho khoa học. Ông giãi bày:
“Tôi không quý báu xác chết của mình. Một khi chết là hết. Thay vì để cái xác này cho giòi bọ ăn hay đem đốt thành tro, hãy dùng vào việc gì có ích và ý nghĩa hơn.
Tôi làm việc trong lãnh vực não bộ và thần kinh, thế nên tôi muốn hiến não mình cho khoa học. Tôi biết việc nghiên cứu não sẽ có ý nghĩa quan trọng ra sao trong tương lai. Sau ung thư sẽ là các chứng bệnh suy thoái não, và hầu hết chúng ta sẽ mắc phải hai bệnh này. Nhưng tôi cũng biết sinh viên y khoa không có đủ xác người để thực hành và chừng nào chúng ta chưa tái tạo được một thân xác toàn vẹn để sinh viên mổ xẻ thì chưa có cái gì thay thế được xác người giúp họ học hỏi. Nếu có thể được, tôi muốn làm cả hai: hiến não cho việc nghiên cứu não, và hiến thân xác còn lại cho y học.”
Nhiêu Lộc, 13-01-2018
HUỆ KHẢI




([1]) Why people leave their bodies to medical research – and what happens (https://www.theguardian.com/science/ 2015/mar/10/body-medical-research-donate-death-science-brain)
([2]) Theo số liệu từ nguồn Bodyworlds.com do en.wikipedia.org thu thập ngày 27-02-2013, trong gần hai thập niên, các cuộc triển lãm của von Hagens đã thu hút hơn ba mươi bảy triệu người xem.


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

4 TRONG ANH LÀ MỘT PHẦN MÁU THỊT CỦA EM (GỞI LẠI CHO ĐỜI)



TRONG ANH LÀ MỘT PHẦN
MÁU THỊT CỦA EM
Nữ ca sĩ kiêm diễn viên Dinah Shore (1917-1994, người Mỹ) có lần nói: “Khó khăn, rắc rối là một phần cuộc sống của bạn, và nếu bạn không sẻ chia, san sớt nó, bạn không cho con người thương yêu bạn một cơ hội để yêu thương bạn đủ đầy.” ([1]) Lời nói ấy có quá trừu tượng không? Tự truyện “The Gift of Life” (in năm 2002) của MARGO MOLTHAN có lẽ sẽ giúp chúng ta một câu trả lời xác đáng. 
Margo và chồng là Mike sống ở thị trấn nhỏ Palestine, phía Đông bang Texas (Mỹ). Tuy đã làm bà nội rồi, Margo vẫn nhận lãnh công tác tình nguyện và dành thời gian làm thơ, viết văn. Trong hồi ức này, Margo cho biết hoàn cảnh nào Mike đã nhận được một phần máu thịt của vợ để cả hai cùng kéo dài cuộc sống lứa đôi thương yêu, hạnh phúc.
*
Tôi đem lòng yêu chồng tôi, Mike, sau lần hò hẹn đầu tiên. Tôi đã mời anh khiêu vũ với tôi trong một cuộc khiêu vũ Sadie Hawkins.([2]) Anh không phải là lựa chọn đầu tiên của tôi, nhưng tôi rất mừng là duyên số đã khiến anh là người thứ hai tôi chọn lựa. Một đứa bạn đã đốc tôi mời anh khiêu vũ: “Mike là mẫu người cậu có thể sống chung cho tới cuối đời.” Ôi, tuổi mười sáu mà tinh khôn đến thế!
Anh có mọi đức tính mà các cô gái mong muốn. Bảnh trai, tử tế, đáng kính, dễ thương và hay quan tâm chăm sóc người khác. Về căn bản thì đây là mẫu bạn trai tuyệt nhất đối với đám con gái. Anh cao lớn, là cầu thủ đội bóng trong trường trung học và khi ở bên anh, tôi cảm thấy mình giống như một nàng công chúa.
Vào đại học hai đứa vẫn hò hẹn nhau. Bấy giờ thanh niên Mỹ đang giáp mặt với chiến tranh Việt Nam, chúng tôi quyết định làm đám cưới sớm. Phải, chúng tôi còn quá trẻ, nhưng chúng tôi không thay đổi quyết định ấy dù gia đình không ủng hộ. Tình yêu nào quản chi các chướng ngại.
Trên đường đi hưởng tuần trăng mật ở thành phố cảng Corpus Christi, bang Texas, Mike lên cơn đau bụng dữ dội. Hoảng sợ, tôi điện thoại cho lễ tân khách sạn nhờ giới thiệu một bác sĩ địa phương. Thầy thuốc nói anh đang bị sỏi thận hành hạ và khuyên chúng tôi nên quay về nhà ngay. Tôi còn nhớ bốn giờ ròng rã trên đường dài về nhà. Cuồng phong dữ dội mà thuở ấy xe hơi chưa có tay lái tự động! Tôi không sao cầm lái vững vàng, thế là dẫu đang đau đớn khủng khiếp Mike đã thay tôi đưa xe về đến nhà bình an. Anh là người hùng của tôi.
Biến cố ấy mở đầu cho một hành trình dài sống chung với bệnh thận mạn tính. Mike xong đại học và làm đại diện cho một nhà sản xuất bàn ghế, tủ kệ. Chúng tôi sinh được hai bé trai kháu khỉnh. Trọn thời gian tôi dành để làm mẹ và làm vợ.
Suốt hai mươi năm anh nhiều lần nằm viện, phải làm sinh thiết thận nhiều đợt và trải qua nhiều phen hoảng sợ. Nhưng với tính cách và thái độ tích cực của Mike, anh luôn hồi phục và trở về với tư thế một người cha, người chồng bình thường. Nhìn bề ngoài chúng tôi dường như là một gia đình trung lưu, hạnh phúc nhưng ở bên trong, tôi sống từng ngày lo âu chẳng biết ngày nào tảng mây đen trên đầu mình sẽ ập xuống bão dông.
Năm 1987, sức khỏe của anh cứ cạn đi và giải pháp duy nhất là phải chạy máy lọc thận trong lúc ghi tên chờ được ghép thận. Trước ngày bắt đầu chữa trị, vào sinh nhật bốn mươi của Mike, tôi đưa anh ra bãi biển. Anh yếu và xanh xao quá. Lần đầu tiên trong cuộc sống lứa đôi, anh thổ lộ rằng anh cảm thấy mình bại trận. Anh cố chịu đựng chạy máy lọc thận càng lâu càng tốt. Mỗi lần chạy máy xong, anh như con mèo ướt. Lòng tôi tan nát dù vẫn biết ơn cái máy ấy giữ lại mạng sống của anh.
Trong lúc ấy danh sách chờ ghép thận còn lâu mới tới lượt anh và luật lại không cho phép người cùng huyết thống được hiến thận. Tôi vẫn nhớ rõ cái buổi cùng ngồi với chị của Mike trong phòng bác sĩ và nghe ông giải thích tại sao chị ấy không thể tặng thận. Cho đến hôm nay tôi không sao giải thích cảm giác lạ lùng từ đâu xâm chiếm, khi trong đầu tôi vang lên tiếng nói: “Ngươi sẽ tặng thận.” Tiếng nói đó rất rõ ràng, chính xác và xưa nay tôi chưa từng nghe có một giọng nào bảo tôi như thế. Từ khoảnh khắc ấy tôi luôn tin chắc người tặng thận sẽ là tôi, dẫu rằng vào thời bấy giờ việc này nghe có vẻ như bất khả thi.
Tôi tiếp tục suy nghĩ và câu trả lời đến với tôi rất dễ dàng. Lần kế tiếp, khi gặp bác sĩ tôi nói: “Tôi và anh Mike cùng loại máu, đúng không? Thận của người chết chỉ cần cùng loại máu với người được ghép, đúng không? Tỷ dụ như hôm nay tôi bị xe cán chết, thận của tôi sẽ dùng được cho anh ấy, đúng không? Vậy thì hãy để anh ấy nhận quả thận của tôi lúc tôi còn đang thở để vợ chồng tôi chung hưởng hạnh phúc cho đến cuối đời... Bác sĩ nghĩ sao?”
Bác sĩ chỉ nhìn tôi trong khi tôi nài nỉ. Nhưng câu trả lời dứt khoát là không. Đối với tôi, sự phủ quyết này giống như phất lá cờ đỏ trước mũi con bò điên.
Tôi bỏ nhiều giờ lục lạo hồ sơ và thấy rằng ở bang Wisconsin việc ghép thận giữa hai vợ chồng đã thực hiện nhiều lần. Thế sao bang Texas lại không?
Tôi thâu thập sự ủng hộ của vài bác sĩ và ca của Mike được đưa ra hội đồng y khoa của bệnh viện. Phải chờ ít lâu để họ quyết định và thậm chí họ còn yêu cầu vợ chồng tôi đi trắc nghiệm tâm lý. (Tôi đoán họ chỉ muốn biết tôi có điên hay không.) Cuối cùng hội đồng y khoa bệnh viện Methodist (thuộc đạo Tin Lành) ở thành phố Dallas (bang Texas) được thuyết phục và bằng lòng cho ghép thận.
Tôi không bao giờ ngờ rằng việc trì hoãn lại xuất phát từ chồng mình. Anh càng nghĩ ngợi thì càng không chịu đựng nổi việc tôi phải cắt thận vì anh. Cuối cùng anh nói anh không thể chấp nhận. Trong giây phút im lặng ngập tràn cảm xúc, tôi chỉ hỏi anh một câu đơn giản: “Mười chín năm qua em đã chứng kiến anh chiến đấu với bệnh tật để sống bên em và các con. Ngần ấy thời gian tất cả chúng ta đã luôn bên nhau. Giờ đây nếu như em phải chạy máy lọc thận, còn anh thì biết có một thứ làm cho em khỏe mạnh. Thế thì anh sẽ làm gì nào?” Lịch mổ được định ngày.
Cách nay mười bốn năm, Mike và tôi đã làm nên lịch sử ở Texas vì là cặp vợ chồng đầu tiên tặng, ghép thận cho nhau khi còn sống. Khắp nước những người muốn làm cái việc y như vậy đã điện thoại tìm tôi. Ngày nay việc người khác huyết thống hiến thận khi đang còn sống đã không còn lạ thường nữa rồi.
Nhưng sự kiện làm nên lịch sử ấy chẳng bao giờ gây ấn tượng nhiều cho tôi. Điều quan trọng hơn cả là tôi còn có được một người chồng mạnh khỏe sống với tôi thêm hàng chục năm dư.
Chuyển ngữ 14-7-2005
HUỆ KHẢI




([1]) Trouble is part of your life, and if you don’t share it, you don’t give the person who loves you a chance to love you enough.
([2]) Lẽ thường phụ nữ phải đợi nam giới đến mời khiêu vũ. Theo phong tục Mỹ, trong cuộc khiêu vũ mang tên Sadie Hawkins được tổ chức ở các trường trung học, cao đẳng, đại học, nữ sinh có thể chủ động đến mời nam giới.
Sadie Hawkins nguyên là tên một cô gái trong truyện tranh Li’l Abner của Al Capp (1909-1979, người Mỹ). Có mặt trên nhiều nhật báo suốt bốn mươi ba năm (1934-1977), truyện tranh này rất ăn khách ở Mỹ, Canada, và châu Âu.


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

3 GỞI LẠI CHO ĐỜI



GỞI LẠI CHO ĐỜI
Em ra đi đột ngột. Tôn trọng tâm nguyện của con trai, cha mẹ em đã ý thức biến nỗi đau thương, mất mát không gì bù đắp được của riêng gia đình trở thành niềm hạnh phúc to tát bất ngờ chung cho rất nhiều người khác, những người họ chưa từng một lần nghe tên hay biết mặt.
Ngày em ra đi, không phải là em đã lìa bỏ hình hài thể xác, vì đó chính là lúc em đã san sẻ mảnh đời mình để trao gởi lại những người đang sống. Cả nước Ý bàng hoàng mang ơn em, vì sự hy hiến của em đã làm thay đổi một lề lối cũ kỹ từ bao năm trước trên quốc gia ấy.
Sau đây là chuyện kể của JOSEPH P. BLANK, đã đăng tạp chí Reader’s Digest, số tháng 8-1970, nhan đề “The Gifts of Gregory Menn”.
*
Gian phòng u buồn của một bệnh viện ở thành Naples, nước Ý. Trên giường, cậu bé người Mỹ mười sáu tuổi, tóc nâu, tay chân lòng khòng. Miệng cậu cắm ống thở. Qua đó, máy giúp thở bơm và hút dưỡng khí vào ra buồng phổi, giữ cho cậu còn sống. Nhìn vào đôi mắt vô hồn của con trai, người cha nói với các bác sĩ: “Xin tắt máy. Hãy để con tôi đi.”
Những hạt lệ long lanh trong mắt hai thầy thuốc. Một người đáp: “Chúng tôi không thể. Nó trái với lương tâm chúng tôi.”
Đối với gia đình ông Menn, người thành phố Appleton, bang Wisconsin, chuyến đi đến Naples đã khởi đầu như một kỳ nghỉ tuyệt vời vào tháng 12 năm ngoái.([1]) John Menn, một luật sư năm mươi lăm tuổi, cùng vợ là Nell với hai con trai là Jonathan, mười bảy, và Gregory, mười sáu, bao lâu nay từng muốn thăm nước Ý. Họ có ba ngày vui thú ngắm cảnh thành Rome. Thế rồi, buổi chiều ngày 31 tháng 12, John thuê một chiếc xe và ung dung chở cả nhà xuôi về nam để đến thành Naples. Một cuộc hành trình ngập tràn tiếng cười đùa vui nhộn.
Hai vợ chồng yêu thích những kỳ nghỉ của gia đình. Họ luôn luôn cảm thấy rằng có mặt bên các con là điều quan trọng vì lẽ “bọn trẻ chỉ ở cạnh mình chẳng được bao lâu; rồi chúng sẽ vuột ra để đi theo nẻo riêng của chúng, và những cơ hội kề cận bên con mãi mãi trôi qua mất.” Nell hay bảo các con: “Má rất mừng là các con đến sống với ba má.” Cả hai cậu bé đều là niềm hân hoan của người mẹ. Greg ([2]) có nụ cười rộng mở và rạng rỡ. Em mê đọc sách, chơi vĩ cầm và ghi ta, là một tay lái thuyền cừ khôi, tự tay làm được các tiêu bản thủy tảo để nhìn dưới kính hiển vi.
Cha mẹ và hai con trai thường có những buổi chuyện trò nghiêm túc. Một lần như vậy đã diễn ra hồi tháng 6 trước đó, sau khi cả nhà nghe mục sư giảng về cái chết. Ông bảo: “Nó sẽ tới - cho tôi, cho các bạn, cho bất kỳ ai trong chúng ta. Ta nên nói về nó.”
Gia đình ông Menn đã làm thế. Hai cậu con đồng ý rằng một đám tang tốn kém là vô nghĩa. Hai anh em cũng quyết định rằng đối với con người thì điều thực tế và nhân đạo là khi mình lìa đời hãy dùng các bộ phận khỏe mạnh của cơ thể để giúp cho những ai còn đang sống.
Sáu tháng sau, lúc đang ở Ý, trong đầu họ chẳng nghĩ đến cái chết. Ngày Tết gia đình đi thăm thành Naples. Hôm sau họ đi hết một giờ đến thăm di tích Pompeii, ở đó anh hướng dẫn ba mươi lăm tuổi là Franco Di Rosa thuyết minh cho họ nghe về các kho tàng khảo cổ nằm chung quanh họ. Thế rồi cả nhóm chậm rãi dạo qua quảng trường Pompeii. Khi họ đi ngang qua một nhà hàng nhỏ, Greg quay nhìn mẹ và thốt: “Má à, con đau đầu chưa từng thấy.”
“Bị bao lâu rồi con?”
“Chừng mười lăm phút. Con thấy đau thấu tới bao tử.”
John giúp con trai vào phòng vệ sinh của nhà hàng. Greg ói mửa, rồi thở hổn hển. “Ba ơi, ối... ối...” Em ngã khuỵu vào hai cánh tay cha.
Chủ nhà hàng lái xe đưa cả nhà tới bệnh viện Pompeii. Greg bất tỉnh. Hai bác sĩ cho rằng em ngất đi là do ngộ độc thức ăn trầm trọng. John cảm thấy yên tâm cho tới khi Greg bắt đầu co giật. Hai tròng mắt em đảo lia đảo lịa, bờ môi tím tái, da mặt mét xanh và nổi những vết lốm đốm. Một trong hai thầy thuốc bảo: “Có thể là tổn thương não. Ta phải đưa em tới bệnh viện đa khoa ở Naples.”
Trong phòng cấp cứu của bệnh viện đa khoa một bác sĩ lẹ làng khám cho Greg, rồi bắt đầu chà xát tim từ bên ngoài lồng ngực. Một máy giúp thở được đẩy vào thở thay cho cậu bé. Bấy giờ là 4 giờ chiều ngày Thứ Sáu.
Cả nhà chết lặng. Thế giới của họ đã tan vỡ. Greg hiển nhiên đang trong tình trạng nguy kịch. Franco vẫn còn ở lại với gia đình ông Menn làm người phiên dịch và chuyển cho bác sĩ những câu hỏi của John. Sau vài phút trao đổi, anh bảo John: “Họ nói Greg chết rồi, nhưng cơ thể em còn sống.” Dường như không một ai biết phải làm gì nữa.
Tuyệt vọng, John điện thoại cho tòa lãnh sự Mỹ, mong tìm được một bác sĩ Mỹ và như thế loại trừ được việc giao tiếp thông qua người phiên dịch. Theo gợi ý của một nhân viên lãnh sự, ông liên lạc với bệnh viện Quốc Tế và nói chuyện với bác sĩ Norberto Ferraino.
Bác sĩ bảo ông: “Tình cờ ở đây có Francesco Castellano là bác sĩ phẫu thuật thần kinh rất giỏi. Ông có muốn ông ấy khám cho cậu bé không?”
“Có, có. Xin làm ơn.”
Lúc 11 giờ đêm đó bác sĩ Castellano tới khám cho Greg. Rồi quay sang John, người thầy thuốc nói với cái giọng đều đều: “Tôi xin lỗi. Tình trạng không còn xoay chuyển được. Con trai ông đã bị xuất huyết não ào ạt.”
“Cháu còn kéo dài được bao lâu nữa?”
“Có thể là mấy phút. Có thể là nhiều giờ.”
Bác sĩ xác nhận những gì thâm tâm John đã biết: Đôi mắt Greg đã nói cho tôi sự thật. Giống như nhìn vào hư vô. Đau đớn thay cái nhìn vô hồn ấy. Mọi cảm giác không còn. Sót lại là nỗi trống rỗng. Sáng nay con trẻ hạnh phúc thế. Linh hoạt thế. Vậy mà giờ đây...
Làm sao nói cho Nell biết? Nửa đêm rồi, và người chồng biết vợ mình đã thức trắng đêm. Nhưng vợ ông phải được biết tin.
Jonathan trả lời điện thoại, người cha nói: “Em Greg bệnh nặng lắm. Em sẽ không trở về nhà với cha con mình đâu.” Sau đó, ông báo cho Nell: “Bác sĩ phẫu thuật thần kinh thấy không còn hy vọng gì. Mạng sống của con chỉ tính bằng phút hay bằng giờ.”
Người vợ khóc: “Má con em tới ngay đây.”
Trong căn phòng của bệnh viện đa khoa, hai vợ chồng ngã khuỵu vào nhau. Nell không sao chấp nhận được tiên lượng về cái chết của Greg. Người mẹ phải hy vọng tới một phép lạ. Bà nghĩ: Có lẽ Chúa sẽ chăm lo cho bọn trẻ.
Hai vợ chồng và cậu con trai thay phiên nhau ngả lưng trên chiếc giường nhỏ kê bên cạnh giường Greg. Lúc 2 giờ sáng, John thử dùng móng tay cào vào cánh tay trái của Greg. Các bắp thịt nhúc nhích. Ông thử lại ở gan bàn chân. Mấy ngón chân nhúc nhích. Ông chạy ra hành lang, tìm một bác sĩ và chỉ cho người thầy thuốc nhìn thấy những phản xạ của Greg. Một điều gì đó đang xảy ra. John nghĩ thế.
Những khảo sát của bác sĩ cũng kích thích, gây ra phản xạ ở bắp thịt. Ông ta bảo: “Đôi khi có thể lôi người ta ra khỏi mồ.”
Trong một tiếng đồng hồ John lấy móng tay thử kích thích Greg nhiều lần, nhưng các phản xạ càng lúc càng yếu dần rồi sau cùng ngưng hẳn. Nín lặng hồi lâu, John dịu dàng hỏi vợ: “Nếu Greg ra đi, không nên thực hiện những gì con đã muốn chúng mình làm chứ?” Người mẹ hiểu ngay, và đáp: “Mình hãy làm cho con.”
Lúc 9 giờ sáng các bác sĩ đẩy vào một máy điện não ký. Các sợi dây được cặp vào da đầu Greg để đo hoạt động của não em. Máy chẳng ghi nhận được gì. Ngang qua băng giấy điện não đồ chạy dài một đường vạch thẳng tắp. Não đã chết. Greg sẽ không bao giờ hồi tỉnh. Chỉ có chiếc máy giúp thở giữ cho tim em đập tạm thời.
John yêu cầu: “Xin bác sĩ thử lần nữa.” Và lại là một đường thẳng tắp.
“Làm ơn, chỉ một lần nữa thôi.” Vạch ghi thẳng tắp.
John nhìn Nell và khó khăn mở miệng: “Chẳng có gì hết.”
Nell hỏi dò: “Máy không chạy được à?”
Người chồng bảo: “Ta không thể tự đánh lừa mình, em à. Anh sẽ thu xếp mọi thứ.”
John nói với các bác sĩ: “Ước nguyện của con trai chúng tôi, và cũng là ước muốn của vợ chồng tôi, là thể xác của cháu được dùng phục vụ y học. Xác cháu còn trẻ và khỏe mạnh, các bộ phận của cơ thể cháu có thể giá trị cho những ai cần đến.”
Các thầy thuốc bàng hoàng. Họ chưa từng trải qua một trường hợp nhân đạo vị tha như thế. Một bác sĩ nói: “Giác mạc. Chúng tôi có nhiều bệnh nhân đang cần giác mạc.”
“Những bộ phận khác thì sao? Tim? Thận?”
“Chúng tôi không đủ phương tiện để thay thận. Và thay tim thì trái với luật pháp nước Ý.”
“Trường y có thể dùng xác cháu để nghiên cứu không?”
Các bác sĩ lắc đầu: “Việc ấy không được phép, trừ khi người ta hiến xác trước khi chết.”
“Thế thì chỉ có giác mạc thôi à?”
“Phải.”
John nói: “Vậy hãy ngưng máy đi.” Ông cảm thấy vô ích và tàn nhẫn khi duy trì cho cái xác tiếp tục sống lúc mà Greg đã chết rồi. Nhưng khi các bác sĩ từ chối, John bảo: “Tôi hiểu.”
Suốt cả ngày, người cha cảm thấy một áp lực cứ tăng dần buộc ông phải làm nhiều hơn nữa để hoàn thành ý nguyện của con trai. Sáng hôm sau gia đình ông Menn ghé bệnh viện Quốc Tế nhờ bác sĩ Ferraino tìm giúp những người cần thay thận.
Bác sĩ bảo ông: “Tôi nghĩ ta có thể làm một điều gì đó. Tôi sẽ bắt tay làm việc ấy.” Suốt ngày Chủ Nhật bác sĩ Ferraino dốc sức vượt qua các thói tục hành chánh quan liêu đang cản trở việc hiến tặng các bộ phận cơ thể của Greg. Vì việc thay thận chưa hề được thực hiện ở Naples, bác sĩ liên hệ với một khoa phẫu thuật thứ hai tại Viện Đại Học Rome và nơi này đồng ý tiến hành. Các thủ tục được mau chóng giải quyết để chuyển Greg tới Rome bằng xe cấp cứu.
Greg sống sót lâu hơn bác sĩ Castellano tiên đoán. Bây giờ huyết áp em tụt xuống và nhịp tim đập bất thường. Các bác sĩ phải can thiệp. John im lặng cầu khẩn: Xin đừng để tim ngừng đập lúc này. Rồi tim ổn định lại.
Trong hành lang một bác sĩ gật đầu ra hiệu cho John. Đã tới lúc chuyển Greg đi Rome. Người cha tới bên nhìn con trai lần cuối. Ông vuốt tóc con, xong quay đi, và khuỵu xuống, lần đầu tiên ông bật khóc.
Sau khi xe cấp cứu đi khỏi, John nói với một bác sĩ: “Chỉ còn một việc cuối cùng nữa thôi. Tôi muốn gặp các bệnh nhân sẽ nhận giác mạc của Greg.”
Nhanh chóng các nhân viên đưa vào anh thợ cơ khí Antonio Polizzi mười tám tuổi và em Giuseppe Piazza mười sáu tuổi, con một nông dân. John bắt tay hai em và bảo: “Tôi mừng rằng hai cháu sẽ nhận được đôi mắt của một cậu bé đã nhìn thấy những điều tốt đẹp trong đời và đã nhận thấy các điều đẹp nhất ở con người. Tôi hy vọng những con mắt này cũng giúp các cháu nhìn được y như cậu ấy vậy.”
Tối hôm sau phóng viên một tờ báo ở Naples trong khi săn tin các hoạt động ở bệnh viện như thường lệ đã nghe được chuyện nhà ông Menn. Sáng ra câu chuyện này được đăng trên các báo ở Naples. Dân chúng sửng sốt khi đọc các bài báo. Đó là lần đầu tiên nước Ý có một người cha thúc bách các bác sĩ lấy các bộ phận trên cơ thể con mình để thay cho người khác. Khi gia đình ông Menn rời khách sạn, người gác cửa đã ôm chầm lấy họ.
Tại Rome, gia đình ông Menn biết rằng Greg đã chết vào sáng sớm Thứ Hai. Cặp thận của em được thay cho Elisabetta Mattioli, một bà nội trợ ba mươi bảy tuổi; và thay cho Vincenzo Benvenuto, một gác dan bốn mươi tuổi. Cả hai đã nằm viện hai năm để chờ một quả thận. Lúc Greg chết, giác mạc của em được lấy ra, ướp lạnh và đưa nhanh về Naples.
Câu chuyện được tất cả báo chí ở Rome đăng với hàng tít lớn. Dân chúng Ý lòng bàng hoàng ngưỡng phục. Nói về John Menn, một nhật báo hàng đầu ở Rome là tờ Il Messaggero đã viết: “Bạn muốn bắt tay ông, ôm lấy ông, và nếu ông chưa biết tin, thì bạn muốn nói với ông rằng nghĩa cử của ông làm xúc động cả thành Rome, cả thành Naples, cả đất nước này.”
Viên quản lý khách sạn đến phòng họ và nói với gia đình ông Menn: “Dân tộc chúng tôi lạc hậu không làm được việc mà ông đã làm với con trai mình. Đó là một việc kỳ diệu. Ông đã nêu gương sáng cho chúng tôi. Tôi đã viết xong ý nguyện rằng tôi muốn sau này xác tôi sẽ được sử dụng.”
Ngày kế tiếp gia đình ông Menn ghé bệnh viện nơi đã tiến hành thay thận. Bác sĩ Raffaello Cortesini chỉ huy nhóm phẫu thuật đã nồng nhiệt bắt tay John mà thốt lên rằng: “Đây là một cuộc cách mạng ở Ý. Dân chúng đã sẵn sàng cho việc này. Ông đã làm một việc vĩ đại cho đất nước chúng tôi và ông đã làm điều ấy đúng lúc mà chúng tôi cần đến nó.” ([3]) Sau khi đưa gia đình ông Menn đến gặp hai người tiếp nhận thận đang mắt lệ ràn rụa với lòng biết ơn, bác sĩ phẫu thuật đưa họ tới một phòng chứa bốn mươi bệnh nhân đang cần thay thận. Ông thầy thuốc bảo: “Giờ thì những người này đã có hy vọng.”
Tối hôm ấy gia đình ông Menn trở về nước. Nhiều tuần sau họ biết tin các vụ thay thận không hề xảy ra bất kỳ sự cố hay tình huống nào phức tạp. Benvenuto đã có thể ra viện và cảm thấy khỏe mạnh: “Xin cảm ơn tấm lòng quảng đại vị tha của cậu Gregory con trai ông.” Bà Mattioli thì viết: “Tôi đã vững vàng trên đôi chân mình và lấy lại được ý nghĩa của sự an vui trong cuộc sống mà bấy lâu nay tôi mất mát.”
Ở bang Wisconsin khoảng hai mươi lăm gia đình bè bạn và thân nhân của gia đình ông Menn đã viết ý nguyện hiến tặng cơ thể.([4]) Hưởng ứng của họ cũng như hưởng ứng của dân Ý trước hy hiến của Greg không làm vơi bớt nỗi đau thương của gia đình. Tuy nhiên những sự kiện này đã mang đến cho sự mất mát của họ một ý nghĩa. John cảm nhận rằng: “Con trai tôi không mất đi cuộc sống. Cháu chia sẻ nó. Và cháu chỉ dẫn cho những người khác biết cách sẻ chia cuộc đời của họ.”
 Chuyển ngữ 24-12-1999
HUỆ KHẢI




([1]) Câu chuyện này được đăng báo tháng 8 năm 1970. Như vậy tất cả sự kiện bi tráng của gia đình ông Menn đã diễn ra ngay hôm sau Tết dương lịch (02-01-1970).
([2]) Greg là tên gọi thân mật của Gregory.
([3]) Một tháng sau sự kiện này chính phủ Ý thông qua một đạo luật cho phép được thay cả tim và phổi.
([4]) Ở hầu hết năm mươi bang nước Mỹ, việc thể hiện ý nguyện hiến trọn toàn phần hay từng phần cơ thể mình cho y học sau khi lìa đời rất đơn giản, chỉ cần mang một mẫu thẻ hiến tặng (Uniform Donor Card). Nó bảo vệ cho ước nguyện người hiến tặng và giúp thực thi các thủ tục pháp lý trong trường hợp khẩn cấp. Để có một thẻ ấy hay muốn được chỉ dẫn rõ ràng, chỉ cần liên lạc với Ngân Hàng Mô (The Living Bank) ở thành phố Houston, bang Texas.

2 GIA TRUYỀN (GỞI LẠI CHO ĐỜI)


GIA TRUYỀN
Dạy trẻ con về lòng nhân ái nên như thế nào? Nhà mô phạm đưa ra một bài giáo khoa về luân lý, đạo đức? Bậc tu hành khuyến thiện bằng cách nói về phần thưởng là quả lành báo đáp mai sau? Ai chuộng người thực việc thực thì tìm gương sáng trong sử sách, trong đời thường và nêu ra làm điển hình kiểu mẫu?
Với LINDA RIVERS bài học về lòng nhân ái không hề là lý thuyết, giáo điều; cũng không hề là một cái gì xa vời, nằm bên ngoài cuộc sống của chị. Nhân ái chính là một phần thuộc về huyết thống, máu thịt của chị. Từ tấm bé, chị đã lãnh hội được bài học nhân ái từ cha, và sau này (khi con gái chị quyết định theo gương ông ngoại) chị càng ý thức trọn vẹn cái gia sản tinh thần to tát mà cha chị đã để lại cho con cháu.
Sau đây là chuyện kể của chị Linda, đã đăng báo The Oregonian, ngày 24-4-1988, sau đó được rút gọn và đăng tạp chí Reader’s Digest, số tháng 3-1989, nhan đề “A Family’s Legacy”.
*
Tôi sẽ không bao giờ quên được ngày hè năm 1965 khi má đột ngột qua đời ở tuổi ba mươi sáu vì căn bệnh không rõ. Chiều hôm ấy, một viên cảnh sát ghé nhà xin phép ba cho bệnh viện được dùng van động mạch chủ (aorta valve) và các giác mạc (corneas) ở mắt của má. Tôi hoàn toàn sửng sốt. Các bác sĩ muốn cắt xẻ má ra đem cho người khác! Tôi nghĩ thế khi chạy vô nhà, nước mắt đầm đìa.
Mười bốn tuổi đầu, tôi hoàn toàn không hiểu tại sao ai đó lại cắt xẻ người mà tôi yêu thương. Vậy mà ba đã chấp thuận. Tôi gào lên: “Sao ba lại để họ làm thế với má! Má đến cõi đời này toàn vẹn hình hài và má cũng phải ra đi nguyên vẹn như vậy.”
Ba quàng tay ôm tôi, dịu dàng bảo: “Linda, tặng vật to tát nhất mà con có thể đem cho là một phần của chính con. Cách nay lâu rồi ba má đã quyết định rằng sau khi ba má qua đời nếu ba má còn có thể thay đổi được cuộc sống dù của một người thôi, thì cái chết của ba má cũng sẽ có ý nghĩa.” Ba tiếp tục giải thích là ba má đều đã quyết định làm những người hiến tặng các bộ phận cơ thể.
Bài học ba dạy tôi ngày ấy đã trở thành một trong những điều quan trọng nhất đời tôi.
Năm tháng qua đi, tôi lấy chồng và có một mái gia đình riêng. Năm 1980, ba đau nặng vì bịnh khí phế thũng (emphysema) và dọn về ở với chúng tôi. Trong sáu năm sau đó, cha con tôi có nhiều thời gian chuyện trò về lẽ sống chết.
Ba hân hoan bảo tôi rằng khi ba qua đời, ba muốn hiến tặng bất kỳ bộ phận nào còn tốt của cơ thể, nhất là đôi mắt. “Thị giác là một trong những tặng vật to tát nhất mà một người có thể trao cho.” Ba nói vậy, nhấn mạnh rằng sẽ kỳ diệu biết bao nếu có thể cứu giúp một em bé để em nhìn được và vẽ ra những con ngựa như cháu Wendy con gái tôi đã vẽ.
Cháu lâu nay vẫn vẽ hoài những con ngựa và đã giành được hết giải thưởng này đến giải thưởng khác. Ba nói: “Thử tưởng tượng xem một ông bố hay bà mẹ nào khác sẽ hãnh diện thế nào nếu con gái họ cũng vẽ được như Wendy. Hãy nghĩ xem con sẽ tự hào xiết bao khi biết rằng đôi mắt của ba sẽ làm cho việc ấy có thể thực hiện được.”
Tôi kể cho Wendy nghe những gì ông ngoại bảo và cháu đã ôm chầm lấy ông thật chặt, nước mắt đoanh tròng. Cháu mới mười bốn tuổi - cũng cùng cái tuổi mà khi xưa tôi được biết đến chương trình hiến tặng cơ thể.
Ba mất đi ngày 11 tháng 4 năm 1986, và chúng tôi đã hiến tặng đôi mắt của ba như ý người muốn. Ba hôm sau, Wendy nói: “Má ơi, con rất tự hào về việc má đã làm cho ngoại.”
Tôi hỏi: “Việc đó khiến con tự hào ư?”
“Má có thể tin chắc điều ấy. Má có bao giờ nghĩ rằng không nhìn được thì sẽ như thế nào chăng? Khi con chết, con muốn đôi mắt con được đem hiến giống y như ngoại vậy.”
Giây phút ấy tôi nhận ra ba đã đem tặng hiến nhiều hơn đôi mắt. Cái mà ba lưu truyền lại đã sáng lên trong mắt con gái tôi - là tự hào.
Hôm đó, khi ôm Wendy trong tay, có điều mà tôi không sao biết được là chỉ hai tuần sau tôi sẽ lại thêm một lần ký tên vào hồ sơ dành cho chương trình hiến tặng cơ thể.
Wendy tài hoa, đáng yêu của tôi trong lúc cỡi ngựa dọc theo ven đường đã bị xe tải tông thiệt mạng. Khi tôi ký tên vào các giấy tờ, lời cháu nói vang vang bên tai tôi: Má có bao giờ nghĩ rằng không nhìn được thì sẽ như thế nào chăng?
Ba tuần sau khi cháu mất đi, vợ chồng tôi nhận được thư của Ngân Hàng Mắt Lions ở bang Oregon:
Thưa ông bà Rivers,
Chúng tôi muốn ông bà biết rằng việc ghép giác mạc đã thành công, và giờ đây hai người mù đã tìm lại được ánh sáng. Họ tượng trưng cho một tượng đài sống để kỷ niệm con gái của ông bà; cô là người rất có lòng với đời để sẻ chia san sớt những cái đẹp của đời.
Nếu đâu đó trên quê hương này, có người được tặng mắt khám phá ra một tình yêu mới mẻ dành cho loài ngựa và ngồi xuống vẽ lấy một chú, thì tôi nghĩ tôi biết rõ ai đã tặng mắt cho người ấy. Một bé gái mắt xanh, tóc vàng vẫn đang ngồi vẽ.
Chuyển ngữ 01-6-1998
HUỆ KHẢI

 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.

1 GIAO CẢM (GỞI LẠI CHO ĐỜI)


ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo
GỞI LẠI CHO ĐỜI
HUỆ KHẢI
(Dũ Lan LÊ ANH DŨNG)
Nhà xuất bản HỒNG ĐỨC - Hà Nội 2018
Quyển 114.1 trong Chương Trình Chung Tay
Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo - SÁCH KHÔNG BÁN.
*
Ấn tống 2.500 quyển do:
* hiền huynh ANTÔN ĐẶNG VĂN TƯƠI
(phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa)
công quả sáu triệu đồng (đợt 131).
* hiền tỷ NGUYỄN THỊ PHÙNG
(họ đạo Trung Nam, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài)
công quả năm triệu đồng (đợt 82).
Kỉnh thành hồi hướng cửu huyền thất tổ,
cầu nguyện quốc thái dân an,
đạo pháp trường lưu, chánh giáo hoằng dương,
Đại Đạo Cao Đài quy nguyên thống nhứt,
vạn linh thức tỉnh hồi đầu, đồng đăng bỉ ngạn.
ĐÔI LỜI THA THIẾT
Quý vị vui lòng KHÔNG photocopy, KHÔNG mua bán bất kỳ kinh sách nào do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện. Trân trọng kính mời quý vị liên hệ các điểm phát hành của chúng tôi tại các tỉnh, thành, quận, huyện, xã để thỉnh các ấn phẩm chánh thức (kính biếu).
Kinh sách được ấn tống để kính biếu rộng rãi là nhờ có biết bao tấm lòng vàng của hàng hàng lớp lớp đạo tâm gần xa gởi gắm. Để không phụ lòng các bậc Mạnh Thường Quân ấy, xin quý vị trân trọng giữ gìn kinh sách để truyền trao cho đúng người thật tâm tìm tu, học đạo. Chúng tôi chân thành biết ơn sự thấu hiểu, đồng cảm, và hợp tác chặt chẽ của quý vị.
BAN ẤN TỐNG
*
MỤC LỤC
Giao cảm
1. GIA TRUYỀN
2. GỞI LẠI CHO ĐỜI
3. TRONG ANH LÀ MỘT PHẦN MÁU THỊT CỦA EM
4. HIẾN XÁC CHO KHOA HỌC
Ảnh bìa:
* Ảnh trao trái tim mượn từ
https://i2.wp.com/wondrance.com/wp-content/uploads/ 2016/09/Depositphotos_17847747_original.jpg
* Ảnh nền mượn từ
https://www.touchsurgery.com/img/surgeons.jpg
*
GIAO CẢM
Một cố hữu của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo là hiền huynh Antôn Đặng Văn Tươi đã bước qua khỏi ngưỡng cổ lai hy và vẫn khang kiện lắm.
Huynh Antôn là người mang tâm hồn Đại Đạo. Hôm hiền huynh ghé thánh thất thăm chúng tôi, nhìn huynh mặc đạo phục trắng, đội khăn đóng đen, nhẹ bước vào chánh điện và quỳ lạy Thầy cung kính, nào ai biết huynh là một Kitô hữu đang tập ăn chay.
Bẵng đi thời gian dài, sáng Chủ Nhật cuối năm 2017, từ phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa, hiền huynh đột ngột tới thăm chúng tôi, hoan hỷ cho biết đã làm xong thủ tục hiến xác tại Đại Học Y Dược vào ngày 22-12-2017.
Trong câu chuyện hàn huyên, huynh Antôn thổ lộ rằng quyết định hiến xác của huynh chưa được một số người thân thấu hiểu nên không được tán thành. Bởi vậy, hiền huynh tha thiết nhờ Chương Trình Chung Tay Ấn Tống giúp huynh tái bản Gởi Lại Cho Đời, với ước muốn có thể mượn mấy câu chuyện người thật việc thật được kể lại trong sách để làm quà tặng, may ra sẽ có thêm nhiều người hiểu rõ những ơn ích to tát mà một khách trần tuy đã mở cánh cửa đi về cõi vĩnh hằng vẫn còn có thể trao lại cõi nhân gian.
Giờ đây tập sách tuy mỏng manh nhưng nhiều ý nghĩa này được trân trọng đặt vào tay quý bạn là nhờ nhân lành duyên thiện mà một Kitô hữu đã kết dệt nên, cùng với sự chung tay công quả của hiền tỷ Nguyễn Thị Phùng là môn sanh Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, thuộc họ đạo Trung Nam ở xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Xin chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho bạn đạo Antôn Đặng Văn Tươi được vẹn tròn thiện tâm và thiện sự; cầu nguyện cho hiền tỷ Nguyễn Thị Phùng tinh tấn trên đường tu học.
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Nam mô Gia Tô Giáo Chủ Cứu Thế Thiên Tôn.

BAN ẤN TỐNG

 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.