TRONG ANH LÀ MỘT PHẦN
MÁU THỊT CỦA EM
Nữ ca sĩ kiêm diễn viên Dinah Shore
(1917-1994, người Mỹ) có lần nói: “Khó khăn, rắc rối là một phần cuộc sống của
bạn, và nếu bạn không sẻ chia, san sớt nó, bạn không cho con người thương yêu
bạn một cơ hội để yêu thương bạn đủ đầy.” ([1]) Lời nói
ấy có quá trừu tượng không? Tự truyện “The Gift of Life” (in năm 2002) của MARGO MOLTHAN có lẽ sẽ giúp chúng ta một
câu trả lời xác đáng.
Margo và chồng là Mike
sống ở thị trấn nhỏ Palestine, phía Đông bang Texas (Mỹ). Tuy đã làm bà nội rồi, Margo vẫn
nhận lãnh công tác tình nguyện và dành thời gian làm thơ, viết văn. Trong hồi
ức này, Margo cho biết hoàn cảnh nào Mike đã nhận được một phần máu thịt của vợ
để cả hai cùng kéo dài cuộc sống lứa đôi thương yêu, hạnh phúc.
*
Tôi đem
lòng yêu chồng tôi, Mike, sau lần hò hẹn đầu tiên. Tôi
đã mời anh khiêu vũ với tôi trong một cuộc khiêu vũ Sadie Hawkins.([2]) Anh
không phải là lựa chọn đầu tiên của tôi, nhưng tôi rất mừng là duyên số đã
khiến anh là người thứ hai tôi chọn lựa. Một đứa bạn đã đốc tôi mời anh khiêu
vũ: “Mike là mẫu người cậu có thể sống chung cho tới cuối đời.” Ôi, tuổi mười
sáu mà tinh khôn đến thế!
Anh có mọi đức tính mà các cô gái mong
muốn. Bảnh trai, tử tế, đáng kính, dễ thương và hay quan tâm chăm sóc người
khác. Về căn bản thì đây là mẫu bạn trai tuyệt nhất đối với đám con gái. Anh
cao lớn, là cầu thủ đội bóng trong trường trung học và khi ở bên anh, tôi cảm
thấy mình giống như một nàng công chúa.
Vào đại học hai đứa vẫn hò hẹn nhau. Bấy
giờ thanh niên Mỹ đang giáp mặt với chiến tranh Việt Nam , chúng tôi quyết định làm đám
cưới sớm. Phải, chúng tôi còn quá trẻ, nhưng chúng tôi không thay đổi quyết
định ấy dù gia đình không ủng hộ. Tình yêu nào quản chi các chướng ngại.
Trên đường đi hưởng tuần trăng mật ở
thành phố cảng Corpus Christi , bang Texas , Mike lên cơn đau
bụng dữ dội. Hoảng sợ, tôi điện thoại cho lễ tân khách sạn nhờ giới thiệu một
bác sĩ địa phương. Thầy thuốc nói anh đang bị sỏi thận hành hạ và khuyên chúng
tôi nên quay về nhà ngay. Tôi còn nhớ bốn giờ ròng rã trên đường dài về nhà.
Cuồng phong dữ dội mà thuở ấy xe hơi chưa có tay lái tự động! Tôi không sao cầm
lái vững vàng, thế là dẫu đang đau đớn khủng khiếp Mike đã thay tôi đưa xe về
đến nhà bình an. Anh là người hùng của tôi.
Biến cố ấy mở đầu cho một hành trình dài
sống chung với bệnh thận mạn tính. Mike xong đại học và làm đại diện cho một
nhà sản xuất bàn ghế, tủ kệ. Chúng tôi sinh được hai bé trai kháu khỉnh. Trọn
thời gian tôi dành để làm mẹ và làm vợ.
Suốt hai mươi năm anh nhiều lần nằm viện,
phải làm sinh thiết thận nhiều đợt và trải qua nhiều phen hoảng sợ. Nhưng với
tính cách và thái độ tích cực của Mike, anh luôn hồi phục và trở về với tư thế
một người cha, người chồng bình thường. Nhìn bề ngoài chúng tôi dường như là
một gia đình trung lưu, hạnh phúc nhưng ở bên trong, tôi sống từng ngày lo âu
chẳng biết ngày nào tảng mây đen trên đầu mình sẽ ập xuống bão dông.
Năm 1987, sức khỏe của anh cứ cạn đi và
giải pháp duy nhất là phải chạy máy lọc thận trong lúc ghi tên chờ được ghép
thận. Trước ngày bắt đầu chữa trị, vào sinh nhật bốn mươi của Mike, tôi đưa anh
ra bãi biển. Anh yếu và xanh xao quá. Lần đầu tiên trong cuộc sống lứa đôi, anh
thổ lộ rằng anh cảm thấy mình bại trận. Anh cố chịu đựng chạy máy lọc thận càng
lâu càng tốt. Mỗi lần chạy máy xong, anh như con mèo ướt. Lòng tôi tan nát dù
vẫn biết ơn cái máy ấy giữ lại mạng sống của anh.
Trong lúc ấy danh sách chờ ghép thận còn
lâu mới tới lượt anh và luật lại không cho phép người cùng huyết thống được
hiến thận. Tôi vẫn nhớ rõ cái buổi cùng ngồi với chị của Mike trong phòng bác
sĩ và nghe ông giải thích tại sao chị ấy không thể tặng thận. Cho đến hôm nay
tôi không sao giải thích cảm giác lạ lùng từ đâu xâm chiếm, khi trong đầu tôi
vang lên tiếng nói: “Ngươi sẽ tặng thận.” Tiếng nói đó rất rõ ràng, chính xác
và xưa nay tôi chưa từng nghe có một giọng nào bảo tôi như thế. Từ khoảnh khắc
ấy tôi luôn tin chắc người tặng thận sẽ là tôi, dẫu rằng vào thời bấy giờ việc
này nghe có vẻ như bất khả thi.
Tôi tiếp tục suy nghĩ và câu trả lời đến
với tôi rất dễ dàng. Lần kế tiếp, khi gặp bác sĩ tôi nói: “Tôi và anh Mike cùng
loại máu, đúng không? Thận của người chết chỉ cần cùng loại máu với người được
ghép, đúng không? Tỷ dụ như hôm nay tôi bị xe cán chết, thận của tôi sẽ dùng
được cho anh ấy, đúng không? Vậy thì hãy để anh ấy nhận quả thận của tôi lúc
tôi còn đang thở để vợ chồng tôi chung hưởng hạnh phúc cho đến cuối đời... Bác
sĩ nghĩ sao?”
Bác sĩ chỉ nhìn tôi trong khi tôi nài nỉ.
Nhưng câu trả lời dứt khoát là không. Đối với tôi, sự phủ quyết này giống như
phất lá cờ đỏ trước mũi con bò điên.
Tôi bỏ nhiều giờ lục lạo hồ sơ và thấy
rằng ở bang Wisconsin việc ghép thận giữa hai
vợ chồng đã thực hiện nhiều lần. Thế sao bang Texas lại không?
Tôi thâu thập sự ủng hộ của vài bác sĩ và
ca của Mike được đưa ra hội đồng y khoa của bệnh viện. Phải chờ ít lâu để họ
quyết định và thậm chí họ còn yêu cầu vợ chồng tôi đi trắc nghiệm tâm lý. (Tôi
đoán họ chỉ muốn biết tôi có điên hay không.) Cuối cùng hội đồng y khoa bệnh
viện Methodist (thuộc đạo Tin Lành) ở thành phố Dallas
(bang Texas )
được thuyết phục và bằng lòng cho ghép thận.
Tôi không bao giờ ngờ rằng việc trì hoãn
lại xuất phát từ chồng mình. Anh càng nghĩ ngợi thì càng không chịu đựng nổi
việc tôi phải cắt thận vì anh. Cuối cùng anh nói anh không thể chấp nhận. Trong
giây phút im lặng ngập tràn cảm xúc, tôi chỉ hỏi anh một câu đơn giản: “Mười
chín năm qua em đã chứng kiến anh chiến đấu với bệnh tật để sống bên em và các
con. Ngần ấy thời gian tất cả chúng ta đã luôn bên nhau. Giờ đây nếu như em
phải chạy máy lọc thận, còn anh thì biết có một thứ làm cho em khỏe mạnh. Thế
thì anh sẽ làm gì nào?” Lịch mổ được định ngày.
Cách nay mười bốn năm, Mike và tôi đã làm
nên lịch sử ở Texas
vì là cặp vợ chồng đầu tiên tặng, ghép thận cho nhau khi còn sống. Khắp nước
những người muốn làm cái việc y như vậy đã điện thoại tìm tôi. Ngày nay việc
người khác huyết thống hiến thận khi đang còn sống đã không còn lạ thường nữa
rồi.
Nhưng sự kiện làm nên lịch sử ấy chẳng
bao giờ gây ấn tượng nhiều cho tôi. Điều quan trọng hơn cả là tôi còn có được
một người chồng mạnh khỏe sống với tôi thêm hàng chục năm dư.
Chuyển
ngữ 14-7-2005
HUỆ KHẢI
([2]) Lẽ thường phụ nữ phải đợi nam giới đến mời khiêu vũ. Theo
phong tục Mỹ, trong cuộc khiêu vũ mang tên Sadie Hawkins được tổ chức ở các
trường trung học, cao đẳng, đại học, nữ sinh có thể chủ động đến mời nam giới.
Sadie Hawkins nguyên
là tên một cô gái trong truyện tranh Li’l
Abner của Al Capp (1909-1979, người Mỹ). Có mặt trên nhiều nhật báo suốt
bốn mươi ba năm (1934-1977), truyện tranh này rất ăn khách ở Mỹ, Canada, và
châu Âu.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.