HIẾN
XÁC CHO KHOA HỌC
Bản điện tử báo The Guardian (Người Bảo Vệ) xuất bản ở vương quốc Anh
ngày 10-3-2015 có đăng bài “Tại sao người ta hiến xác cho nghiên cứu y học – và
chuyện gì xảy ra”.([1]) Bài
báo cho biết hằng vạn người đã quyết định hiến xác cho khoa học và mỗi năm có
khoảng sáu trăm người làm như thế. Thậm chí còn có nhiều người hơn nữa muốn
hiến não để các nhà khoa học nghiên cứu. Lý do nào khiến người ta tự nguyện
hiến xác? Sau đây là bốn trường hợp điển hình được trích ra từ bài báo ấy.
*
1. Năm 2006 bà Susan Harbot (cư ngụ tại thị trấn
Horwich, thành phố Bolton ) được chẩn đoán mắc
bệnh Parkinson. Đây là bệnh được đặt tên theo nhà khoa học người Anh là James
Parkinson (1755-1824). Năm 1817 ông hoàn thành công trình nghiên cứu về bệnh
này. Với các biểu hiện run rẩy, rối loạn tư thế và dáng đi, bệnh Parkinson
thường khởi phát ở độ tuổi sáu mươi, có xu hướng tăng dần mức độ theo tuổi.
Bệnh hiếm khi xảy ra trước tuổi bốn mươi. Người mắc bệnh do yếu tố gia đình (di
truyền) chiếm tỷ lệ khoảng 5%.
Năm 2009 bà Harbot quyết định hiến não cho ngân hàng
não của tổ chức nghiên cứu bệnh Parkinson ở vương quốc Anh. Như vậy, sau khi bà
qua đời, bộ não của bà sẽ được dùng cho hằng trăm thí nghiệm về điều kiện thoái
hóa của não. Người phụ nữ sáu mươi lăm tuổi này tiết lộ:
“Dòng tộc chúng tôi năm đời mắc bệnh Parkinson. Trong
số bảy người con thì ba đứa chúng tôi mắc bệnh này. Tôi có đọc một tạp chí và
không do dự khi hiến não. Tôi không theo tôn giáo nào cả. Ngày cuối đời, nếu
quyết định của tôi giúp ích được ai thì tôi vui sướng rồi.”
2.
Từ tấm bé Noel Jackson
đã muốn hiến xác cho khoa học và chẳng màng bận tâm là thi hài của mình sẽ được
đối xử ra sao. Nguyên là thầy giáo dạy khoa học ở một trường trung học và làm
chủ nhiệm phụ trách giáo dục tại một trung tâm ở thành phố Newcastle (vương
quốc Anh) mang tên Newcastle’s Centre for Life, ông xem việc hiến xác là cách
tự nhiên kéo dài nghề nghiệp của mình.
Năm 2014, Jackson
chuẩn bị tổ chức tại thành phố Newcastle
cuộc triển lãm các bộ phận của thể xác con người (Body Worlds Vital exhibition) do Gunther von Hagens thực hiện.
Sinh năm 1945, tiến sĩ von Hagens là
nhà giải phẫu danh tiếng người Đức, có công phát minh kỹ thuật “plastination”
vào năm 1977 để bảo quản các mô động vật và thân xác con người bằng cách dùng
các chất tổng hợp (như silicone resins hay epoxy polymers) thay thế mỡ và các
chất lỏng trong cơ thể.
Khởi đầu tại thành phố Tokyo (nước Nhật) vào năm
1995, rồi được luân lưu qua nhiều nơi khác nhau trên thế giới, thu hút đông đảo
người xem,([2])
các cuộc triển lãm của von Hagens giúp người xem hiểu biết về giải phẫu học,
sinh lý học, và sức khỏe. Qua đó người xem biết được hoạt động bên trong thân
thể, hiểu rõ hơn về ảnh hưởng lâu dài trên thân xác do tác động của sức khỏe
tốt hay kém, do nỗi buồn đau, bệnh tật, và cách sống của mỗi người.
Cuộc triển lãm được chuyển tới nước
Anh lần đầu tiên vào năm 2002, và tổ chức tại thủ đô London . Mười hai năm sau, chứng kiến những gì
von Hagens trưng bày ở Newcastle , Jackson quyết định sau
này xác ông cũng sẽ được dùng phục vụ cho các cuộc triển lãm tương tự. Người
đàn ông năm mươi tám tuổi thổ lộ:
“Dòng tộc tôi ít nhất đã ba đời có
người hiến xác cho khoa học. Tôi không là tín đồ của tôn giáo nào hết. Khi chết
đi thì đâu còn nữa. Cả đời tôi là một thầy giáo dạy khoa học và tôi vẫn sẽ là
một thầy giáo dạy khoa học khi tôi chết đi. Một số người được xem triển lãm của
von Hagens sẽ được truyền cảm hứng
để chọn nghề bác sĩ hoặc làm nhà khoa học. Và nếu sau khi chết rồi mà tôi có
thể giúp vào việc khuyến khích họ thì đây là một việc làm rất có ý nghĩa.”
3.
Jackson
không ảo tưởng khi nghĩ rằng những cuộc triển lãm của von Hagens sẽ truyền cảm hứng cho người xem. Thật
vậy, von Hagens không thiếu những ân nhân hiến xác. Theo bài viết năm 2015 của
báo The Guardian (đã dẫn trên), các
cuộc triển lãm của ông đã dùng tới 1.100 xác người, nhưng ông cho biết đã có
sẵn 12.100 người còn sống ký tên hiến xác. Một trong những người ấy là Emma Knott, làm cố vấn về quan hệ công
chúng ở London .
Cô nói:
“Tôi rất hứng thú sau khi xem triển
lãm. Đó là lý do tôi quyết định hiến xác. (…) Tôi nghĩ rằng sẽ là điều tuyệt
vời khi mình lìa bỏ thế gian mà để thân xác được lưu giữ lại theo cách đó.”
4. Ba mươi bốn tuổi,
Ed Sykes sống ở London cũng trù tính sẽ hiến xác hay não cho
khoa học. Ông giãi bày:
“Tôi không quý báu xác chết của mình. Một khi chết là hết. Thay vì để cái xác này cho giòi bọ
ăn hay đem đốt thành tro, hãy dùng vào việc gì có ích và ý nghĩa hơn.
Tôi làm việc trong
lãnh vực não bộ và thần kinh, thế nên tôi muốn hiến não mình cho khoa học. Tôi
biết việc nghiên cứu não sẽ có ý nghĩa quan trọng ra sao trong tương lai. Sau
ung thư sẽ là các chứng bệnh suy thoái não, và hầu hết chúng ta sẽ mắc phải hai
bệnh này. Nhưng tôi cũng biết sinh viên y khoa không có đủ xác người để thực
hành và chừng nào chúng ta chưa tái tạo được một thân xác toàn vẹn để sinh viên
mổ xẻ thì chưa có cái gì thay thế được xác người giúp họ học hỏi. Nếu có thể
được, tôi muốn làm cả hai: hiến não cho việc nghiên cứu não, và hiến thân xác
còn lại cho y học.”
Nhiêu
Lộc, 13-01-2018
HUỆ KHẢI
([2])
Theo số liệu từ nguồn Bodyworlds.com
do en.wikipedia.org thu thập ngày
27-02-2013, trong gần hai thập niên, các cuộc triển lãm của von Hagens đã thu hút hơn ba mươi bảy triệu
người xem.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.