GIAO CẢM
Để xiển dương và phát triển bền vững đạo
Cao Đài một cách hiệu quả, người tín hữu Cao Đài cần hiểu biết lịch sử tôn giáo
Cao Đài. Để hiểu biết lịch sử tôn giáo Cao Đài thì ắt không thể không tìm biết
hành trạng các bậc tiền khai tôn kính của đạo Cao Đài.([1]) Nhận thức như vậy, tôi sớm
quan tâm tìm hiểu lịch sử đạo nhà và những năm qua, trong khả năng hạn hẹp, tùy
cơ duyên sẻ chia với đồng đạo đôi điều bản thân học hỏi được.
Không kể các hồi ký (memoirs) hay tự truyện (autobiographies),
phép chép sử xưa nay thường phổ biến ba thể loại: thông sử (general history); kỷ truyện (biographies), và biên niên sử (chronicles).
1. Thông sử và kỷ truyện là hai thể loại dễ đọc, nếu
người viết có thể cố kết mạch lạc các sự kiện kèm thêm chút bình luận đúng đắn,
chừng mực. Trước đây tôi đã xuất bản ba tập sách nhỏ, tạm xem là viết theo lối
thông sử:
– Lịch Sử Đạo Cao
Đài Thời Kỳ Tiềm Ẩn 1920-1926. Huế: Nxb Thuận Hóa, 1996.
– Lược
Sử Đạo Cao Đài Thời Tiềm Ẩn 1920-1926 / A Concise Caodai History: The Earliest Beginnings 1920-1926. Hà
Nội: Nxb Hồng Đức, 2017, 2023.
– Lược Sử Đạo Cao
Đài: Khai Minh Đại Đạo 1926. / A
Concise Caodai History: The 1926 Inauguration. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2015.
Ngoài ra, viết theo lối kỷ truyện, có quyển Ngô Văn Chiêu – Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên
/ Ngô Văn Chiêu – the First Caodai
Disciple. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2008, 2009, 2012.
Trong quá trình làm việc, tôi gặp một trở ngại lớn:
Xác định ngày tháng năm các sự kiện lịch sử. Do đó, tôi sớm nghĩ tới việc tích
lũy tài liệu cho dự định viết biên niên sử Cao Đài.
2. Sử biên niên có nhược điểm là khô khan, các sự
kiện cùng một nhân vật hay một vấn đề không được nối kết mà lại phân tán rải
theo dòng thời gian. Nhưng nó có ưu điểm là cho phép người viết trình bày vấn
đề không cần bình luận, có thể tạm thời gác lại một số sự kiện chưa được khảo
chứng, hoặc chưa nên công bố vì thời gian chưa chín muồi, chưa thích hợp. Hơn
thế nữa, khi thiết lập được sử biên niên, sẽ có căn cứ rất hữu ích, góp phần
trợ giúp khảo chứng các sử liệu.
Theo thể loại biên niên, tôi đã ấn tống:
– Hành Trạng
Tiền Bối Cao Triều Phát. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2010, 2012.([2])
– Hành Trạng
Tiền Khai Nguyễn Ngọc Tương 1881-1951. Hà Nội:
Nxb Hồng Đức, 2016.
– Hành
Trạng Tiền Khai Lê Văn Trung 1876-1934. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2017.
Đầu năm 2024, trong lúc chuẩn bị bản thảo
song ngữ Hành Trạng Đức Giáo Tông Nguyễn
Ngọc Tương / A Chronological Biography of Pope Nguyễn Ngọc Tương, tôi vô
cùng cảm kích khi tiếp nhận được bốn bản góp ý rất công phu và rất tỉ mỉ (ngày
06, 13, 14 và 20-02-2024) để giúp tôi sửa chữa, bổ khuyết bản in năm 2016. Nơi
đây, tôi trân trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc hai nhà nghiên cứu đạo Cao Đài
thuộc Hội Thánh Bến Tre là hiền huynh THÁI HOÀNG TÚ (bút hiệu Thanh Minh,
nguyên quán Long An), và hiền huynh PHẠM KHOA (ở Bến Tre).
Tôi cũng hết lòng biết ơn quý đạo hữu gần
xa hơn mười lăm năm nay vẫn luôn thương mến, tin cậy, và trợ duyên bằng vật
chất lẫn tinh thần để Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo bền bỉ
với dặm dài gánh đạo Kỳ Ba.
*
Con cúi xin Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ ban ơn lành đến
toàn thể các vị ân nhân và cửu huyền thất tổ của những vị con mãi mang ơn.
Nhiêu
Lộc, mạnh xuân Giáp Thìn (2024)
Huệ Khải