MỘT SỐ TỪ VIỆT CỔ
TRONG KINH MINH LÝ
ĐẠO
VÀ PHẬT GIÁO HÒA HẢO
I. MỞ ĐẦU
Tại Việt Nam , cụ thể là Nam Kỳ,([1]) trong bốn thập
niên đầu thế kỷ 20, đã xuất hiện ba tôn giáo rất đặc biệt, xét về mặt nguồn
gốc: Minh Lý Đạo (1924); Cao Đài Giáo (1926); Phật Giáo Hòa Hảo (1939). Giới
nghiên cứu lúc đầu gọi ba tôn giáo này là bản
địa (indigenous), về sau lại gọi là nội sinh (endogenous);
gọi như vậy bởi vì ba tôn giáo này vốn không phải từ nước ngoài du nhập Việt Nam .
Minh Lý Đạo và Cao Đài Giáo không có Giáo Chủ mang
thân xác hữu vi (physical body); kinh
tụng và giáo lý (thánh ngôn, thánh giáo) hai đạo này được Ơn Trên truyền dạy
qua cơ bút (thơ và văn xuôi). Còn giáo lý của Phật Giáo Hòa Hảo (sấm giảng) do
Đức Thầy (Đức Huỳnh Giáo Chủ) giảng dạy bằng thơ, chủ yếu là thơ lục bát và
song thất lục bát.
Ba nguồn giáo lý nói trên có điểm chung là đều dùng
tiếng Việt, ghi chép bằng chữ quốc ngữ y theo lời Ơn Trên hay Đức Huỳnh Giáo
Chủ trực tiếp truyền dạy (tức không phải là các bản dịch từ tiếng nước ngoài do
các cao đồ thực hiện). Đáng chú ý là cả ba nền giáo lý này đều dùng khá nhiều từ Việt cổ (archaic), tức là những từ ngữ không
còn thông dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày,([2]) và hầu như không còn
được ghi nhận trong các bộ từ điển hay tự điển tiếng Việt xuất bản từ nửa sau
thế kỷ 20 trở đi, ngoại trừ bộ Tự Điển
Việt Nam, quyển Thượng và Hạ, do Lê Văn Đức cùng một nhóm văn hữu biên
soạn, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, nhà sách Khai Trí xuất bản tại Sài Gòn năm 1970.
(Bộ này còn ghi nhận khá nhiều mục từ thuộc loại từ cổ, nhưng không quan tâm
ghi chú bên cạnh rằng đó là từ cổ. Sau
đây, khi nhắc tới bộ sách này, tôi gọi tắt là Lê Văn Đức.)
Bằng cách sử dụng từ Việt cổ trong kinh kệ và giáo
lý, phải chăng ba nền tôn giáo bản địa phát sinh ở Nam Kỳ đã và đang duy trì một số lời ăn tiếng nói lâu đời của
dân tộc, không để cho mai một?
Tuy nhiên, tín đồ thường không hiểu nghĩa từ Việt cổ,
mà kinh sách trong đạo nếu thiếu sót phần giảng giải thì dễ nảy sinh việc hiểu
sai, rồi có người tự ý sửa chữa làm sái lạc nghĩa lý câu kinh. Chẳng hạn:
Trường hợp 1: Năm 1925,
Minh Lý Ðạo được chư Phật Tiên Thánh Thần lần lượt nối tiếp nhau giáng cơ tại
Sài Gòn, ban cho Kinh Sám Hối, từ Chủ Nhật 19-4-1925 đến ngày Thứ
Sáu 27-11-1925, gồm 444 câu song thất lục bát.([3]) Ngoài ra còn nhiều kinh khác. Đến năm 1926, các
chức sắc đầu tiên (tiền khai) của đạo Cao Đài được lệnh Ơn Trên (qua cơ bút)
đến tiếp xúc Minh Lý Đạo để thỉnh các kinh về tụng đọc; đồng thời Minh Lý Đạo
cũng được Ơn Trên giáng cơ dạy phải sẵn sàng dâng các kinh cho đạo Cao Đài.([4]) Như vậy Kinh Sám Hối này và một số bài kinh khác
của Minh Lý Đạo chánh thức là kinh chung của hai tôn giáo.
Trong Kinh Sám Hối,
bốn câu song thất lục bát 261-264 do Ðức Khổng Phu Tử giáng cơ ban cho vào ngày
Thứ Hai 20-7-1925,([5]) nguyên văn như sau:
Lại có kẻ miệng ngay lòng vạy,
Tởi làm chùa, dối cậy in
kinh,
Ăn gian xới bớt
cho mình,
Đâu qua dương
pháp, luật hình Diêm Vương.
Nhưng tín đồ Cao Đài lại thường đọc sai, và khá nhiều
bản in trong đạo Cao Đài đã in sai câu 262 là: Tới làm chùa, dối cậy in kinh… Chữ tới
(đi tới, tới nơi) trong ngữ cảnh bốn câu dẫn trên hoàn toàn vô nghĩa.
Thật ra, tởi
(với dấu hỏi) là từ Việt cổ, có nghĩa là quyên góp tiền bạc để làm việc từ
thiện, việc công đức. Tởi làm chùa, dối cậy in kinh phải hiểu là: Đi đến từng nhà bá tánh để quyên
góp, giả danh đem về cất chùa hay ấn tống kinh sách.
Trường hợp 2: Vẫn là Kinh Sám Hối. Ngày Thứ Tư 24-6-1925, Đức
Quan Âm Bồ Tát giáng cơ ban kinh, từ câu 149 tới 160, trong đó hai câu 159-160
như sau:
Trong đời rất
hiếm võ phu,
Lường cân tráo đấu,
dối tu cúng chùa.
Minh Lý Đạo chú thích: Võ phu là “ngọc giả”, là “người giả
dối”. Chú thích như vậy quá đúng, rất rõ nghĩa. Thế nhưng đọc câu “Trong đời rất hiếm võ phu”, ắt có người
không khỏi tự hỏi: Hóa ra, trong đời này rất hiếm (rất ít) kẻ giả dối sao? Chẳng
lẽ đời này hầu hết đều là người trung thực sao?
Bản thân tôi từng tự hỏi như vậy, nên khi chú giải Kinh Sám Hối, trót viết ở chú thích số 98:
“Xét nghĩa hai câu kinh 159-160, tôi trộm nghĩ
hai chữ ‘rất hiếm’ có lẽ in nhầm; có
lẽ nên sửa là chẳng hiếm?” ([6]) Dù tôi dè dặt,
lặp lại “có lẽ” hai lần, nhưng vẫn cứ
là sai lầm! Giá như đủ cẩn thận hơn, xét tới cái nghĩa vốn không thông dụng của
rất hiếm là rất nhiều, rất đông thì lẽ ra tôi đã chẳng phạm lỗi đáng tiếc ấy!
HUỆ KHẢI
([1]) Tôi không gọi Nam Bộ vì khảo sát lịch sử ra đời những tên gọi cho miền đất phương
Nam của Tổ Quốc, có thể xác định năm 1834 (đời vua Minh Mạng) địa danh Nam Kỳ
bắt đầu xuất hiện, theo nghĩa Kỳ 圻
là
một cõi đất; Nam Kỳ là cõi đất phương Nam. Mãi đến tháng 5-1945, sau khi phát
xít Nhật lật đổ thực dân Pháp (09-3) báo chí mới bắt đầu dùng tên gọi Nam Bộ
thay cho Nam Kỳ, theo nghĩa Bộ 部
là
một phần; Nam Bộ là một phần đất nước ở phía Nam. (Bằng Giang, Văn Học Quốc Ngữ Ở Nam Kỳ
1865-1930. Nxb Trẻ 1992, tr. 11, 14; dẫn trong Huệ Khải, Đất Nam Kỳ: Tiền Đề Văn Hóa Mở Đạo Cao
Đài. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2008, tr. 10-11.)
([2]) Khái
niệm cổ ở đây rất tương đối, và tôi
muốn nhấn mạnh tới tính chất không còn
thông dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Theo giới sưu tập đồ cổ, một
đồ vật có khoảng năm mươi năm tuổi trở lên thì gọi là đồ xưa; khoảng một trăm tuổi trở lên thì gọi là đồ cổ. Nhưng với ngôn ngữ một dân tộc
thì không thể nào ấn định một mức thời gian cụ thể như thế. Bởi vậy, trong bài
viết này, khi dò trong kinh của Minh Lý Đạo và sấm giảng của Phật Giáo Hòa Hảo
rồi chọn ra vài chục từ và gọi là từ cổ, tôi rất có thể không nhận được sự đồng
ý hoàn toàn về những từ tôi đã chọn lựa.
([6]) Huệ
Khải, Chú Giải Kinh Sám Hối, in chung
với Thanh Căn trong Tìm Hiểu Kinh Sám Hối.
Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2009, tr. 60. Tại chú thích này tôi còn giảng sai hai chữ võ
phu.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.