của Huệ Khải
Nxb Hồng Đức (Hà Nội, tháng 6-2018)
Quyển 116-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách
Đại Đạo kỷ niệm mười năm phổ thông giáo lý (tháng 6-2008 / tháng 6-2018). Vẽ bìa: Ngô
Bái Thiên. Nguồn
tranh bìa: https://www.peachridgeglass.com
GIAO CẢM
Nội dung những trang sau
đây nguyên là bài viết đã in trong tạp chí Nghiên
Cứu Và Phát Triển số 2 (145) năm 2018 của Sở Khoa Học Và Công Nghệ Thừa
Thiên - Huế. Khi phổ biến thành tập sách mỏng như
thế này trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, tôi ước mong may
ra tạo được điều kiện thuận lợi để quý đạo hữu Minh Lý Đạo và Phật Giáo Hòa Hảo
thêm dễ dàng tiếp cận vấn đề từ Việt cổ trong kinh điển tôn giáo mình.
Trong mười năm triển khai Chương Trình Chung
Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo (tháng 6-2008 / tháng 6-2018), qua các chú giải
thánh giáo, qua sách hướng dẫn bình giảng thánh giáo, và qua việc trả lời bạn
đọc giai phẩm Đại Đạo Văn Uyển (hiện
nay gọi là Đạo Uyển) với mục Gió Bốn Phương, tôi nhiều phen nhắc tới
từ Việt cổ trong thánh giáo Cao Đài. Vì vậy, trong lúc chờ đợi có riêng một tập
sách bàn về từ Việt cổ trong kinh điển Cao Đài, thì đây có thể xem là một tài
liệu tham khảo khả dụng đối với môn sanh Cao Đài.
Albert Dauzat
(1877-1955), nhà ngôn ngữ học người Pháp, viết: “Ngôn ngữ là vật di sản
truyền từ đời nọ qua đời kia. Mỗi thế hệ phải chịu trách nhiệm về di sản ấy đối
với thế hệ sau.” ([1]) Thế
thì, bằng cách dùng các từ Việt cổ trong kinh điển, ba nền tôn giáo bản địa
Việt Nam (Minh Lý Đạo, Cao Đài Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo) rõ ràng đã và đang duy
trì di sản ngôn ngữ dân tộc Việt Nam một cách bền bỉ và hiệu quả trong suốt
chiều dài lịch sử và phát triển của mỗi tôn giáo. Đây chính là điều tôi tâm đắc
và đã bày tỏ trong những dòng cuối tập sách quý bạn đọc đang cầm trên tay.
Sau cùng, trong tinh thần
hòa điệu liên tôn, tôi trân trọng kính gởi tập sách bé mọn này đến hai cộng
đồng tín hữu Minh Lý Đạo và Phật Giáo Hòa Hảo với lời nguyện cầu tất cả cùng
được phát triển bền vững cho một mai sau kỳ vĩ của đất nước, xứng với chiều
kích Tam Kỳ Phổ Độ mà Thượng Đế ban trao cho con Hồng cháu Lạc.
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
HUỆ KHẢI
([1]) Trong lời tựa Le
Génie de la Langue Française, dẫn theo Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê, Khảo
Luận Về Ngữ Pháp Việt Nam. Sài Gòn: Đại Học Huế xb, 1963, tr. 700.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.