ĐỌC LẠI CHUYỆN GIẢI BUỒN
Trích Chuyện
Giải Buồn, cuốn đầu (Sài Gòn, 1880)
2. Cầu tiếng chửi cho rụng lông vịt
Có một ông già nhơn đức hiền lành, cả đời
không hề biết chửi ai. Lối xóm có đứa gian thấy ông ấy nuôi vịt, lén tới bắt trộm
một con, đem về làm thịt mà ăn. Đứa gian ấy ăn con vịt rồi, không biết làm sao
lông vịt mọc ra đầy mình, lấy làm sợ hãi; phần thì xốn xang khó chịu, phần thì
xấu hổ, không dám ra khỏi nhà, vợ con nó chạy thuốc thang gì uống vào lông vịt
cũng không rụng, nó lại càng kinh hãi hơn nữa; nó cầu khẩn hết sức, xin cho khỏi
tật gì quái gở như vậy.
Đêm kia nó nằm chiêm bao thấy thần nhơn mách
bảo rằng: Phải lạy ông già nhơn đức ấy, xin ông ấy chửi cho một tiếng, thì rụng
hết lông vịt, chẳng phải cầu thầy chạy thuốc làm chi.
Trời vừa rựng sáng, thằng ăn trộm vịt lật đật
qua nhà ông già, ban đầu kiếm điều nói dối, mà rằng: Tôi nghe ông mất một con vịt,
tôi thấy thằng ở một bên tôi ăn cắp, nó sợ chửi lắm, nếu ông chịu chửi một tiếng,
nó phải trả lại cho ông bây giờ.
Ông già nói: Ối thôi! Mất còn, còn mất cũng
chẳng làm gì, ai có hơi đâu mà chửi nó cho mệt.
Thằng ăn cắp thấy ông già không chịu chửi, tức
mình phải lạy mà thú thiệt rằng: Tôi ăn cắp vịt ông mà bởi tôi ăn thịt nó rồi
thì mình mẩy tôi mọc đầy những lông vịt, uống thuốc gì cũng không rụng; nay có
thần nhơn mách bảo, dạy tôi phải thú thiệt cùng ông, xin ông chửi một tiếng thì
lông vịt sẽ rụng hết; vậy xin ông làm phước, chửi giùm cho tôi một tiếng, kẻo
tôi đau đớn khó chịu lắm. Nó và nói và khóc,([1]) ông già thấy vậy động lòng, mới chửi một tiếng, tức thì lông vịt trong
mình thằng ăn cắp rụng sạch, trơn tru lại như cũ.
Kẻ bày chuyện bàn rằng: Ấy tội ăn trộm đáng sợ
hãi là dường nào, vì một lần ăn trộm mà lông vịt mọc ra đầy mình; vả ([2]) sự chửi bới cũng nên xa lánh là thế nào, vì một tiếng chửi trừ hết tội ăn
trộm.
* Ghi
chú của HK: Trong Dưới Mái Đạo Viện (Hà
Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 109; quyển 69.1 của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống
Kinh Sách Đại Đạo), tôi bàn về triết lý chuyện này như sau: “Miệng thèm ăn ngon mà bắt trộm vịt là ẩn dụ
tạo nghiệp khẩu; ăn xong bị mọc lông vịt là ẩn dụ quả báo của nghiệp khẩu; nhờ
bị chửi mà rụng lông vịt là ẩn dụ trả nghiệp khẩu bằng cách phải chịu ác khẩu.”
3. Địa ngục ở miền dương gian
Có một
người chết tức,([3]) phải đi theo quỷ xuống âm phủ, vua Minh
Vương tra bộ ([4]) không
có tên, nói quỷ bắt lầm, dạy quỷ phải đem trả lại dương gian. Người bị quỷ bắt
có ý tọc mạch, muốn coi chỗ âm ty ra làm sao, mới nói nhỏ với quỷ, xin đem đi
coi cho biết. Quỷ nghe lời, dẫn người ấy đi coi khắp chín cửa ngục, tới một chỗ
thấy có một thầy sãi bị cột ngang bắp vế mà treo ngược lên, kêu van rên xiết
khốn nạn.([5])
Người ấy bước gần, coi tạn mặt,([6]) thì
là anh ruột mình, liền thất kinh hỏi quỷ làm sao mà anh mình phải treo lên khốn
khổ như vậy. Quỷ nói tại nó quyên tiền người ta, tưởng để mà làm phước, chẳng
dè quyên đặng bao nhiêu, nó đánh bạc hết bấy nhiêu, cho nên phải phạt tội nó
như vậy. Người ấy lại hỏi quỷ có lẽ gì ([7]) mà cứu anh mình chăng. Quỷ nói phải ăn năn sám hối thì
khỏi.
Đến khi người quỷ bắt lầm sống lại, nhớ
việc mình thấy dưới âm phủ, bèn tưởng tới người anh ruột đương tu bên chùa Tập
Phước, mới đi qua đó mà thăm anh. Tới nơi thấy anh nằm xó vách, đau một cái ung
lớn ở dưới bắp vế, phải treo chơn lên, in như ([8]) chuyện thấy dưới âm phủ, thì lấy làm sợ hãi, hỏi anh làm
sao mà phải treo chơn lên?
Người anh nói: Tao đau cái ung độc dữ
quá, nếu không treo chơn lên, thì nó đau thấu ruột gan. Người em học lại ([9]) mọi việc mình đã thấy dưới âm phủ cùng các lời quỷ nói,
thì người anh thất kinh, ăn năn thống hối, qua ít ngày chỗ ung độc lành; từ ấy
mới trở nên một ông thầy sãi tốt.
Kẻ bày chuyện bàn rằng: Đứa tiểu nhơn
thường nói chừng nào xuống địa ngục sẽ hay; mà chẳng biết những sự họa hại ở
đời nầy, thì rõ ràng là hình phạt dưới địa ngục.
* Ghi chú của HK: Ông thầy tu chùa Tập
Phước phạm tội quyên tiền bá tánh rồi đem đánh bạc. Hiểu rộng ra là mượn danh
làm đạo quyên tiền rồi dùng cho việc riêng. Trong Kinh Sám Hối (câu 261-264), Đức Khổng Phu Tử giáng cơ ngày Thứ Hai
20-7-1925 răn dạy:
Lại có kẻ miệng ngay lòng vạy,
Ăn gian xới bớt cho mình,
Nhưng quả báo của ông thầy tu ấy đâu phải đợi xuống âm phủ; lúc còn
sống mà đã phải bị treo chân. Đó là quả báo nhãn tiền (thấy ngay trước mắt).
Như vậy, phải chăng những hoạn nạn đời người chính là hình phạt công bằng để
trả quả kiếp trước và hiện tại?
Trên đây là nói chuyện thầy tu. Ngoài ra,
những kẻ làm quan, làm công chức cũng thế. Họ mượn danh lo việc nước (thực hiện
các công trình quốc gia) để mà thừa dịp thâm lạm công quỹ, đục khoét ngân sách,
tham nhũng tiền đóng thuế của dân đen thì xét ra họ vẫn cùng một giuộc với ông
sãi ở chùa Tập Phước. Thế thì những kẻ tham quan ô lại cũng bị quả báo ngay khi
còn sống, chẳng đợi tới lúc sa xuống địa ngục. Trong Chuyện Giải Buồn (cuốn sau), chuyện kể số 70, nhan đề Thanh Dạ Văn Chung, tuy ngắn gọn nhưng
Paulus Của đã nói rõ đạo lý này.
4. Ăn mày xin vàng nén
Có một người giàu có lớn, mà hà tiện cũng
lớn, cứ bo bo giữ của không chịu làm phước cho ai. Có một tên ăn mày tới xin
quyết ([12]) một
nén vàng,([13])
người nhà giàu phát giận, nói giá ăn mày ([14]) dám
xin tới vàng nén, biểu đày tớ ([15])
đuổi đi. Tên ăn mày la lết ([16]) không chịu đi, cứ việc ở trước nhà mà xin mãi. Trong nhà
không ai thèm nói tới, tên ăn mày sớm đi xin chỗ khác, trưa lại lộn về ở tại
nhà giàu mà nài hoài cho đặng nén vàng.
Nó làm như vậy đã đặng ba năm, người nhà
giàu thấy nó có công gắn vó,([17]) cũng mỏi lòng ([18]) mà chịu cho. Tên ăn mày được nén vàng, thì làm bộ nhảy
nhót mầng rỡ bội phần, liền cổi áo gói lại mà đi. Khi tên ăn mày đi ra một đỗi,
thì người nhà giàu sai một đứa đày tớ theo rình coi lão ăn mày đem nén vàng đi
đâu, cùng làm ([19])
chuyện gì với nén vàng. Tên đày tớ đi theo xa xa, thấy lão ăn mày đi thẳng ra
ngoài đồng, tới chỗ bóng mát ngồi xuống mở áo lấy nén vàng, dồi lên dồi xuống ([20])
mà giỡn chơi, coi ra ý mầng rỡ lắm.
Cách một hồi lão ấy buồn ngủ, nằm chèo
queo, nén vàng thì để trần ([21]) một
bên chỗ ngủ. Đứa đày tớ nom đặng, chờ lão ăn mày ngủ mòm,([22]) lén lại lấy nén vàng đem về cho chủ, chủ mầng còn nén
vàng, liền đem đi cất. Lão ăn mày thức dậy thấy mất nén vàng, không thèm tìm
kiếm, xăm xăm trở lại nhà giàu mà xin nén khác.
Ông nhà giàu nói: Mới cho một nén làm gì
hết đi, mà còn xin nữa?
Lão ăn mày nói: Tôi vừa nhắm mắt, nó liền
mất đi, nên phải xin ông nén khác.
Ông nhà giàu nghe nói, dường như ai soi
sáng tấm lòng, liền hiểu sự đời: Hễ con người ta nhắm mắt rồi thì chẳng còn của
cải sự nghiệp gì nữa; mới khẩn nguyền xin tán của cải ([23]) mà làm phước với thiên hạ; sau nghĩ lại, mới biết người ăn
mày ấy là tiên.
* Ghi chú của HK: Đây là dụ ngôn (parable), khi đọc đừng câu nệ mấy tiểu
tiết khó tin: Lão ăn mày nhẫn nại suốt ba năm, chủ nhà quá tốt bụng, bố thí cả
vàng nén; tên đày tớ không tham vàng…
Dụ ngôn
này ngụ ý rằng chết là hết. Của cải có nhiều cỡ nào cũng không giữ được. Dầu bực
hoàng đế thì vẫn trắng tay vào ngày giờ phải xuôi tay nhắm mắt. Đó cũng là di ý
của Đại Đế Alexander (356-323 trước Công Nguyên) lúc dặn dò các cận thần: “Sau khi ta qua đời, lúc tẩn liệm, các ông
phải để cho hai cánh tay ta thòng ra bên ngoài áo quan với hai bàn tay mở xòe
ra.”
Khi đông đảo quan chức, quốc khách, thần
dân, v.v… cung kính đến viếng tang, đưa tang không ai hiểu vì sao Đại Đế lại ra
lệnh kỳ quặc như thế. Một nhà thông thái biết chuyện, bèn giảng giải: “Đại Đế muốn nhắn nhủ cho chúng ta nhớ rằng
khi còn cai trị thế gian này, ngài làm chủ biết bao lãnh thổ mênh mông, biết
bao kho tàng chứa đầy vàng bạc, châu báu. Ngài còn là chủ nhân của biết bao con
người phải thần phục dưới quyền lực uy vũ của ngài. Nhưng đến lúc rời bỏ trần
gian, ngài ra đi chỉ vỏn vẹn hai bàn tay trắng mà thôi, y hệt như lúc ngài được
sinh vào cõi đời này.” ([24])
5.
Đầu thai ba kiếp
Họ Lưu hay nhớ việc kiếp trước, nói có
một kiếp mình sanh làm chức quan, mà tánh hạnh xấu xa; đến khi được sáu mươi
hai tuổi thì chết, xuống chầu vua Minh Vương, nhờ ơn tiếp đãi cũng như quan.
Đến lúc tra bộ,([25])
vua Minh Vương thấy y có nhiều vít tích,([26]) bèn
nổi giận dạy quỷ kéo y trói lại, dẫn đi tới một cái nhà ngạch cửa cao, y vừa
xắm rắm ([27]) bước
qua, quỷ đánh thét([28]) đau
lắm, y té quỵ xuống, ngó lại thì thấy mình ở chuồng ngựa, nghe tiếng người ta
vẳng vẳng ([29])
rằng: Con ngựa cái đẻ được một con ngựa đực ngộ nghĩnh. Trong trí y hiểu rõ
ràng, ngặt nói ra không được. Khi ấy đói lắm, cực chẳng đã, y phải bú con ngựa
cái.
Đến khi được bốn năm tuổi, thì cao lớn mà
nhát roi, chủ cỡi có yên nệm, cho đi chậm chậm, thì dễ chịu; mắc sấp đày tớ ([30]) cỡi
trần,([31]) hai
mắt cá nó thúc vào hông thì đau thấu tim phổi, tức mình y bỏ ăn ba ngày mà
chết. Vua Minh Vương tra bộ,([32])
nói y chưa mãn phạt, quở sao có ý tránh trút,([33]) dạy
quỷ lột da, bắt đi làm chó.
Y lấy làm xấu hổ, quỷ đánh xối,([34]) đau
đòn, y có ý nhào xuống dưới chơn tường cho chết; té ra mình nằm dưới chỗ chó
đẻ, con chó cái lại mà cho bú, thì mới biết mình sinh ra một lần nữa. Lớn lên
thấy phẩn cũng biết dơ, mà ngửi thì nghe thơm; song y thề lòng không chịu ăn.
Thân làm chó mấy năm, lấy làm tức tối, muốn chết mà sợ vua Minh Vương nói mình
cố ý quy tỵ,([35]) còn
ông chủ nhà lại nuôi dưỡng tử tế không chịu giết.
Ngày kia, y cố ý cắn ông chủ rách thịt
ra. Ông chủ nhà giận mới đập y một gậy, y chết xuống hầu vua Minh Vương, vua
Minh Vương giận y sao làm chó dại, đánh ít trăm,([36]) bắt
đi làm rắn, bỏ y vào khám tối. Y leo vách, đục nhà mà chun ra, ngó lại thì mình
đã hóa rắn thiệt, nằm dưới cỏ. Khi ấy y mới làm lời nguyện không hại loài sống,
cứ nuốt trái cây mà chịu. Làm rắn dày năm,([37]) nghĩ
muốn tự vận ([38]) mà
sợ phép,([39]) hại
người ta mà chết cũng không khá,([40]) y
mới lập tâm kiếm một phép ([41]) chết
cho êm.
Vậy ngày kia, y đương nằm trong bụi, nghe
tiếng xe đi ngang, y mới bò ra nằm giữa đàng, xe liền cán y đứt làm hai đoạn.
Vua Minh Vương thấy y lại mau mau trở xuống, cũng lấy làm lạ, nhưng vậy ([42]) thấy
y khiêm nhượng xưng thiệt mọi đều,([43]) cũng
nghĩ về sự y vô tội mà bị hại, bèn cho phép y đầu thai làm người là ông Lưu
Công.
Lưu Công sinh ra liền biết nói, văn
chương kinh sử coi qua liền thuộc, năm Tân Dậu cử bậc hiếu liêm,([44])
thường khuyên người ta rằng cỡi ngựa phải lót lá phủ, còn cỡi trần mà thúc mắt
cá, thì đau ngựa hơn là đánh roi.
Sách dị sử ([45]) nói
rằng: Giữa loài lông sừng ([46]) mà
có bậc vương công cùng quan lớn lộn vào, ấy là tại giữa bậc vương công cùng
quan lớn, chưa chắc là không có loài lông sừng chen vào vậy.
Con người ở đời phải làm lành: Kẻ hèn làm
lành cũng như là trồng cây mà hái hoa; kẻ quý làm lành cũng như đã có hoa mà
bồi lấy cây. Hễ trồng cây thì cây lớn; bồi cây thì cây bền. Nếu chẳng vậy, thì
có khi phải kéo xe, phải người ta dàm khớp mà làm ngựa; hoặc phải ăn dơ, bị
người ta ăn thịt mà làm chó; hoặc phải trườn bò có vảy có vi, phải […] ([47])
làm rắn.
* Ghi
chú của HK: Chuyện kể này gợi cho chúng ta nhớ tới luật nhân quả. Người học
đạo, hiểu đạo nếu chẳng may phải sống cảnh bệnh tật hiểm nghèo, hay gặp hoạn
nạn tai ương cùng cực cũng không được tự sát. Bởi lẽ họ hiểu rằng những nghịch
cảnh ấy là để trả nợ quá khứ (kiếp trước). Nếu tự sát để thoát khỏi nghịch cảnh
tức là tìm cách trốn nợ, tránh né việc trả quả. Chẳng những tội cũ nặng thêm mà
lại còn phạm thêm tội ác mới nữa là sát sanh (hủy diệt mạng sống chính mình).
Tuy nhiên, những bậc anh hùng liệt nữ tuẫn tiết (tự sát vì lòng trung trực, yêu
nước…) thì không mắc phải tội tự hủy diệt sự sống.
Trong chuyện này mấy chữ “giữa bậc vương công cùng quan lớn, chưa
chắc là không có loài lông sừng chen vào vậy” tuy liên quan tới chuyện đầu
thai, chuyển kiếp, nhưng ngẫm nghĩ thì chẳng biết Paulus Của có định mỉa mai gì
không; bởi lẽ xưa nay ở đời vốn không ít kẻ quan chức, bề ngoài danh giá sang
trọng mà tâm địa xấu xa giống như thành ngữ dân gian: Lòng lang dạ thú. Lang là chó sói.
19.
Bốn mươi ngàn
Đất Tân Thành có một ông giàu có, nằm
chiêm bao thấy một người chạy vào nhà mà nói rằng: Ông thiếu bốn mươi ngàn, nay
phải trả lại.
Ông ấy lật đật hỏi, thì người ấy thoát
vào ([48]) nhà
trong mà đi mất. Đến khi ông nhà giàu thức dậy, thì vợ chuyển bụng đẻ đặng một
đứa con trai. Ông ấy biết nó là oan nghiệt,([49])
bèn lấy bốn muôn ([50]) đồng
tiền để riêng ra một chỗ: nhứt thiết sắm sanh ([51]) đồ
ăn, áo mặc, hay là chạy thuốc thang cho con trẻ ấy thì cứ lấy tiền ấy mà tiêu.
Khi con nít ấy đặng ba bốn tuổi thì số
tiền còn có bảy trăm. Tình cờ bà vú bồng con nhỏ ([52])
ấy lại gần giỡn chơi, ông nhà giàu bèn kêu con mà nói chơi rằng: Bốn mươi ngàn
gần hết rồi, mầy phải đi đi.
Ông ấy nói vừa rồi,([53]) con
nít ấy liền biến sắc dàu dàu, nghẻo cổ trợn mắt; lại ôm nó thì nó đã tắt hơi,
bèn lấy tiền dư bảy trăm ấy mà lo việc cấp táng ([54])
cho nó. Ấy cũng nên gương([55])
cho những người mắc nợ mà không chịu trả.
Xưa có một người già mà không con, hỏi
một ông hòa thượng vì cớ gì mà mình không con. Ông hòa thượng trả lời rằng: Nhà
ngươi không thiếu người ta, người ta không thiếu nhà ngươi thì làm sao cho có
con. Bởi vì sanh con lành, thì để mà trả duyên ta, sanh con dữ thì để mà đòi nợ
ta; có con chớ mầng,([56])
con chết chớ rầu.
* Ghi
chú của HK: Chuyện kể này có lẽ nhằm giải thích vì sao xưa nay lắm người
thương con rất mực mà con lại bạc bẽo, hắt hủi (vì đứa con đó đến đòi nợ kiếp
trước); hoặc chẳng ít người bạc ác với con mà con vẫn một lòng hiếu thuận (vì
đứa con đó đến để trả nợ kiếp trước, đền ơn tiền kiếp). Như vậy, những người
không con mà cố xin con nuôi, hoặc nhờ y học can thiệp để thụ tinh nhân tạo
phải chăng là muốn rước nợ, hay là tự tạo thêm ràng buộc phiền phức cho đời họ?
Ở góc độ khác, chuyện này có thể an ủi những người hiếm muộn, không con nối
hậu.
23.
Chuyện ông tấn sĩ lưng mọc lông dê
Đất Hiệp Hữu ([57])
có một ông tấn sĩ ([58])
hay nhớ việc kiếp trước. Ông ấy nói kiếp trước mình làm học trò, được nửa đời
người mà chết, xuống âm phủ thấy vua Thập Điện đương có tra án, bày những lò
vạc gớm ghiếc, y như chuyện người ta nói trên đời; bên góc đền phía đông, thấy
những giá treo da dê, da chó, da trâu, da ngựa cùng các thứ da; thấy người coi
bộ ([59])
kêu tên từ người,([60])
hoặc bắt đi làm ngựa, hoặc bắt đi làm heo, quỷ đều lột trần truồng, lấy da [treo]
trên giá mặc cho.
Giây phút kêu tới tên ông tấn sĩ. Ông ấy
nghe vua Thập Điện dạy đi làm dê, liền thấy quỷ lấy một cái da dê, bắt ông ấy
lột trần, tròng vào khít rịt. Xảy ([61])
có một tên thơ lại ([62])
tâu nói ông ấy có cứu một người khỏi chết.
Vua Thập Điện tra bộ lại ([63])
quả có như lời, bèn trở giận làm vui ([64])
mà rằng: “Tội ác nó thiệt quá lắm, song một việc lành ấy cũng cứu nó được.” Vua
Thập Điện nói rồi liền dạy quỷ lấy da dê lại. Chẳng dè da dê đã dính vào trong
thịt, cổi không ra, hai thằng quỷ phải nắm cánh tay ông tấn sĩ, đứa trì đứa
lột, đau ông ấy quá chừng, da dê rách từ miếng,([65])
lột không sạch, bên vai ông tấn sĩ hãy còn dính một miếng lớn bằng bàn tay.
Đến khi ông ấy sống lại, sau lưng có lông
dê mọc vấy vá,([66])
cạo đi nó mọc lại không tuyệt.
* Ghi chú của HK: Chuyện người chết đi, hồn
phải về Địa Phủ để Thập Diện Diêm Vương tra xét công tội trên thế gian rồi cho
đầu thai trở lại dương thế làm người sướng, kẻ khổ, hay làm thú vật, rất được
dân gian tin tưởng; rất nhiều chuyện nhân quả luân hồi lưu truyền từ đời nọ
sang đời kia, có tính cách khuyến thiện (dạy làm lành lánh dữ, tu nhân tích đức…).
Niềm tin này được các tôn giáo như Lão (Đạo giáo dân gian), Phật, Minh Lý Đạo,
Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, v.v… truyền bá trong kinh sách, với nhiều hình ảnh
minh họa.
Trong
giáo lý Kitô, mặc dù Phúc Âm có dạy về luật nhân quả công bình (thưởng thiện phạt
ác), như khi Đức Chúa tách riêng chiên và dê trong ngày phán xét cuối cùng
(Matthêu 25:31-46), nhưng Tân Ước không nói
tới chuyện đầu thai, chuyển kiếp, luân hồi. Tuy
nhiên, Paulus Của không ngại gì về sự khác biệt này; bởi lẽ, về mặt giáo dục con người hãy biết thương nhau, biết cứu vớt
sinh mạng kẻ khác (như ông tấn sĩ nọ), thì đạo lý này hoàn toàn phù hợp lời Đức
Chúa dạy con người hãy biết thương yêu lẫn nhau (Gioan 13:34): “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh
em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” ([67])
25.
Nợ không trông trả
Ông Lý Trước Minh, khẳng khái hay làm
việc bố thí. Trong làng có một người tới ở mướn, mà tánh làm biếng, không biết
việc làm ruộng đất, nghèo khô nghèo khiểng ([68])
mà cũng có tài khéo léo; hễ có làm việc gì, ông Lý Trước Minh đều ưng bụng, trả
nhiều tiền bạc, lỡ làng không gạo nấu, năn nỉ xin ông ấy liền cho.
Có một bữa tên ở mướn ấy thưa với ông ấy
rằng: Kẻ tiểu nhơn chịu ơn ông hậu lắm, nhà ba bốn miệng ăn khỏi chết đói cũng
nhờ ông; nhưng mà không lẽ nhờ đời,([69])
xin ông cho tôi vay một tạ đậu xanh để làm vốn.
Họ Lý chịu cho, tên ấy lật đật gánh đậu
đi, hơn một năm không thấy trả chi cả; hỏi ra thì vốn đậu đã sạch, họ Lý thấy
vậy đem lòng thương không đòi.
Cách ba năm họ Lý qua chùa đọc sách, nằm
chiêm bao thấy tên ấy tới mà thưa rằng: Tôi mắc ([70])
tiền đậu ông, nay tôi tới mà trả lại cho ông.
Họ Lý rằng: Bằng tra nợ cũ,([71])
bắt chú phải trả, thì chú thiếu biết là ngần nào!
Tên ấy buồn mà nói rằng: Thiệt quả như
lời ông nói; con người ta có công việc làm mà chịu tiền ngàn cũng không phải
trả, bằng chịu thinh không, dẫu một bát cơm cũng chẳng nên quên, huống chi là
chịu ơn vô toán.([72])
Tên ấy nói rồi liền đi mất. Họ Lý cũng
sanh nghi trong lòng, thoát chốc ([73])
người nhà tới thưa đêm ấy con lừa cái đẻ một con lừa đực mà sổ sữa xinh tốt. Họ
Lý nhớ mạy ([74])
nói: Có khi con lừa con nầy thì là đứa thiếu nợ mình chăng?
Cách ít ngày, họ Lý trở về nhà thấy con
lừa con, bèn hô tên người thiếu nợ mà kêu chơi, con lừa con liền chạy lại dường
như có điều hiểu biết.
Từ ấy họ Lý mới lấy tên người thiếu nợ mà
đặt cho con lừa. Đến khi con lừa lớn, ông ấy cỡi đi chơi xa, nhiều người giàu
có muốn mua, trả nhiều bạc; kế lấy ([75])
ông ấy có việc nhà phải trở về không kịp làm giá.([76])
Qua năm sau lừa ngựa nuôi chung một chuồng, lừa bị ngựa cắn gãy ống chơn, làm
thuốc không lành.
Xảy ([77])
có môt ông thầy thuốc trâu tới nhà họ Lý, thấy con lừa bèn xin lãnh về cho
thuốc, họa may có mạnh, bán được giá bao nhiêu sẽ chia đôi. Họ Lý chịu, thầy
thuốc trâu lãnh lừa về nuôi ít tháng lành đã ([78])
rồi, bán được một ngàn tám trăm, chia phân nửa cho họ Lý, họ Lý nhớ sực lại thì
đúng giá tiền đậu xanh.
* Ghi
chú của HK: Chuyện kể này nhằm răn đời đừng chuốc nợ, lỡ mắc nợ thì phải
ráng trả, bởi lẽ không ai trốn được nợ, cho dù chết rồi vẫn phải trả. Người xưa
vì thế khi sắp chết thường trối, dặn con cháu phải thay mình mà trả giùm nợ.
Người đạo Cao Đài thường nhắc câu nói của
tiền khai Ngô Văn Chiêu: “Nhứt hào vô phạm.” Ngài làm quan giữ đức thanh liêm,
một hào ([81])
chẳng đáng bao nhiêu nhưng không phải của mình thì quyết không chiếm giữ. Khi
dạy đạo cho người khác, nếu ai mến mộ đem lễ vật tới dâng tặng, ngài đều từ
khước. Trước lúc qua đời (1932), ngài để sẵn một trăm đồng bạc trong bao thơ,
dặn dò chi phí cho lễ tang chỉ gói ghém chừng ngần ấy và không được nhận tiền
phúng điếu.
Môn sanh Chiếu Minh thọ pháp tu thiền từ
ngài Ngô kể rằng khi thấy người ăn xin nằm bẹp dưới đất, bất kể gặp ai đi qua
cũng chắp tay lạy lục xin ăn thì ngài thương xót lắm và giảng giải: “Mấy
người ngồi ngoài chợ hoặc bến tàu, bến bắc [bến phà] mà lạy tối
ngày, ai cho cũng lạy, không cho cũng lạy, là tại kiếp trước tu hành
không xong gì hết mà ham làm thầy, ăn của bá tánh, bắt người ta chầu
chực, lạy lục mình nên kiếp này phải lạy trả nợ.”
42. Sự tích cũ
Ông Mẫn Công đi tuần phủ ([82])
Hà Nam ,
gặp ăn cướp qua lục ghe, đáo soát ([83])
nội ghe ([84])
không có một vật gì quý, nó lục lưng ông ấy, thấy có một cái đai vàng của vua
ban, nó chê ông tuần phủ nghèo không nỡ lấy.
Ông Trần Văn Khanh về hưu trí, một bữa ăn
cướp tới nhà phá rương mở tủ, kiếm không có một món gì, ông Trần Văn Khanh năn
nỉ nói với chúng nó rằng: Anh em đêm hôm lặn lội tới đây, không có vật chi xứng
đáng mà lấy cũng ngặt, thôi già còn năm ba cuốn sách rách, xin anh em chịu khó
lấy đỡ đem về dạy con cháu.
Ăn cướp nghe nói, kéo nhau ra đi.
* Ghi
chú của HK: Chuyện kể này nhằm nêu gương thanh liêm của một số quan lại
ngày xưa. Trong nước ta có gương sáng của cụ Phan Thanh Giản (1796-1867). Cụ Phan làm quan đại thần suốt ba
triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, nhưng bởi rất thanh liêm nên suốt đời
nghèo lắm.
Tháng 8
năm 1925, Hội Vĩnh Long Tương Tế có xuất bản cuốn sách nhan đề Vĩnh Long Nhơn Vật Chí của soạn giả Nguyễn
Văn Dần, trong đó có chép về cụ Phan, vì cụ tuy sinh tại tỉnh Bến Tre nhưng cuộc
đời học hành, làm quan từng nhiều năm gắn bó với tỉnh Vĩnh Long.
Ở trang
19, ông Dần kể rằng sau khi cụ Phan qua đời, tài sản để lại chỉ là “một cái nhà tranh (…); ruộng vườn thì không
có một cao.” Một cao là bao nhiêu? Đây là đơn vị đo ruộng thời xưa. Một cao
bằng 15 thước mộc, tức 15x0,425 mét, hay 6,425 thước tây. Tóm lại, nhà cụ Phan
thật sự chẳng có ruộng vườn, dinh cơ chi cả.
Trong quyển
Phan Thanh Giản Truyện, soạn năm
1927, in tại nhà in Xưa Nay (Sài Gòn), ở trang 25, ông Thái Hữu Võ (người Bến
Tre) kể chuyện này:
Ở tỉnh
Gia Định có ông nhà giàu là bá hộ Vân bị kết tội oan về một vụ án mạng. Khi cụ
Phan tra xét lại thì xử cho bá hộ Vân được vô tội, trắng án. Sau đó, bá hộ Vân
mua mười gói trà, trong mỗi gói bỏ một nén ([85])
vàng ròng. Bá hộ Vân xin vào gặp cụ Phan, dâng trà tạ ơn và nói khéo: “Trà này
quý lắm. Xin quan lớn dùng lấy thảo với tôi.” Cụ Phan biết ý, trả lời: “Trà của
chú quý bằng vàng mà tôi không quen dùng. Chú mang trà tới đây, tôi nhìn thấy tức
là coi như đã dùng rồi. Tôi cảm ơn. Chú phải mang về.” Bá hộ Vân đành phải vâng
lời, mang số vàng trở về nhà.
Ba câu
chuyện về các vị Mẫn Công, Trần Văn Khanh, Phan Thanh Giản kể trên cho thấy nhà
Nho thời xưa hàm dưỡng tiết tháo rất đúng với lời dạy của Đức Mạnh Tử, chép
trong sách Mạnh Tử, quyển Thượng
(thiên Đằng Văn Công, Hạ): “Bần tiện bất năng di 貧 賤 不 能 移” (cảnh nghèo
khó không thể dời đổi được đức tánh thanh cao của người quân tử).
Cụ Phan Thanh Giản sau khi
tuẫn tiết ở Vĩnh Long đã về trời. Trong Tam Kỳ Phổ Độ, cụ được Đức Chí Tôn
phong Thánh, và nhiều lần giáng đàn ở miền Nam, miền Trung dạy đạo cho tín hữu
Cao Đài.
([38]) tự vận: Tự sát, tự tử, tự giết mình.
(Do nói trại tự vẫn 自刎: Cầm dao tự đâm hay
cắt vào cổ. Vẫn 刎 viết với với bộ đao 刀 là con dao. Người Việt phần
đông không dùng đúng theo nghĩa dùng dao tự sát; thế nên, đối với các trường
hợp treo cổ, nhảy xuống sông, uống thuốc độc... đều nói là tự vẫn, tự vận.)
([44]) hiếu liêm 孝廉: (a) Đời Hán, người
có hiếu và thanh liêm được quan địa phương tiến cử để triều đình phong chức
hiếu liêm. (b) Lại có giải thích khác: Hiếu liêm là một loại khoa cử được thiết
lập dưới triều Hán Vũ Đế (Trung Quốc) để tuyển dụng quan lại. Hiếu liêm có
nghĩa là hiếu cha mẹ, thuận huynh trưởng, thanh liêm, có khả năng và chính
trực. Sang đời Minh và đời Thanh, các vị đậu cử nhân cũng được gọi là hiếu
liêm.
([85]) một nén: Bằng mười lượng.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.