ĐỌC LẠI CHUYỆN GIẢI BUỒN
Trích Chuyện
Giải Buồn, cuốn sau (Sài Gòn, 1886)
70. Thanh dạ văn chung (Đêm thanh
nghe chuông)
Đời nhà
Minh có hai ông quan có thinh danh lớn; một ông giàu, một ông nghèo. Ông giàu
có một người con trai bạc hạnh,([1]) phóng
đãng ăn chơi, ngày theo cờ bạc, tối dựa thanh lâu.([2]) Cha làm hết
cách răn con không đặng.
Một bữa
ông nghèo tới viếng ông giàu, trách ông giàu rằng chẳng hay kềm thúc con nhà, để
nó hoang, thì e phải đãng sản khuynh gia.([3])
Ông giàu
tự nhược ([4])
đáp lại rằng: Nếu mình làm quan thanh liêm, dầu làm cho tới bậc đại thần, cũng
không hậu súc;([5])
nay mình làm ra sự nghiệp nầy, thì làm sao cũng không khỏi bác tước ([6])
của dân, tích lấy của phi ngãi;([7])
bởi vậy ông Trời giả thủ ([8]) nơi
con tôi, khiến cho nó phá; bằng chẳng vậy, thì là Thiên phú bất đạo
chi gia,([9]) nghĩa
là Trời làm giàu cho nhà vô đạo, để cho cha con tôi tọa hưởng của phi nhơn phi
ngãi sao.
* Ghi chú của HK: Cứ theo lời nói của ông
quan giàu trong truyện thì phải chăng xưa nay những kẻ tạo nên tài sản lớn lao
bằng những cách bất chánh và họ có con ăn hại, phá của thì có nghĩa là họ đang
bị quả báo nhãn tiền?
Nhan đề chuyện
kể này thoạt nghe có vẻ lạ, vì chẳng dính dáng tới cuộc đối đáp giữa hai ông
quan. Nhưng ngẫm nghĩ thì sâu sắc.
Giữa ban
ngày náo nhiệt, một tiếng chuông ngân dễ bị át giọng, có ai thèm để lọt tai hay
chú ý lắng nghe. Giữa cơn hăng say sát phạt trên trường danh lợi, mấy ai chịu
nghe lời đạo đức, biết kềm tâm cho khỏi sa ngã vào bả lợi danh.
Tuy
nhiên, giữa đêm thanh vắng, một tiếng chuông ngân trong trẻo dễ khiến người ta
chú ý lóng tai nghe. Vậy thì đêm thanh ấy ám chỉ cái tâm không còn nổi sóng vì
ham muốn thỏa mãn danh lợi. Chỉ lúc thanh tĩnh đó người ta mới có thể ưng chịu
để những lời đạo đức lọt vào tai.
Ở đời,
không ít người giác ngộ tìm tu chỉ sau khi hứng chịu một nghịch cảnh quá lớn.
Chừng hiểu đạo rồi, nhớ lại tai ách quá khứ, họ mừng vui mà tạ ơn Trời Phật đã
từ bi dội cho họ một thùng nước lạnh ngắt, để họ tỉnh ngủ và thoát khỏi cơn mê
muội chạy theo danh lợi.
Cuộc đời
Paulus Của là một gương thanh liêm, bởi vậy ông nghèo. Nguyễn
Liên Phong (1821-?) trong Điếu Cổ Hạ Kim
Thi Tập chép về ông Của như sau: “(H)ình
dung nho nhã, tánh nết cẩn thận hiền lành (...), đã quá tuổi hưu trí mà nhà
nước đoái tưởng ngài tuổi lớn nhà nghèo, cho làm luôn”.([10])
96. Tôn Tất Chấn
Người Tôn
Tất Chấn đi đò, rủi trời nổi dông, sóng dồi đò muốn chìm, người trong đò đều sợ
hãi. Xảy ([11]) thấy một
ông thần bận giáp vàng đứng trên mây, tay cầm một cái bảng chữ vàng, trở bề chữ
cho ai nấy coi, đề rõ ràng Tôn Tất Chấn ba chữ.
Ai nấy gọi
Tôn Tất Chấn nói: Chú thấy không, Trời hành chú đó, chú phải sang đò khác kẻo
lây tới với tôi. Tôn Tất Chấn chưa kịp nói, mấy người dưới đó nóng nảy, ngó bên
đò có một chiếc ghe nhỏ đi gần, xúm lại bắt quách anh ta, xô đùa qua đó.
Tôn Tất Chấn qua ghe nhỏ vừa rồi,([12]) ngó lại
thì chiếc đò lớn ấy chìm mất.
* Ghi chú của HK: Trong cơn hoạn nạn, thói thường
con người dễ sanh lòng ích kỷ, chỉ lo riêng phận mình. Giữa cơn nguy khốn, thay
vì biết nương tựa nhau, những kẻ trên đò lớn lại vì tham sống mà ác độc với khách
đồng hành. Họ không dè rằng nếu một người có đức lớn, chưa tới số chết mà tình
cờ ngồi chung đò với họ, có khi tánh mạng họ chưa phải chấm dứt ngay. Chuyện kể
này cho thấy những người đi chung chiếc đò lớn ấy đều chịu trả chung cộng nghiệp dữ (collective evil karma). Ông Tôn Tất Chấn nhờ không phải chia sẻ khối
cộng nghiệp quá dữ đó nên thoát chết.
Trưa ngày 14-8-2018,
tại thành phố cảng Genoa
nước Ý xảy ra tai nạn sập cầu thảm khốc, ít nhất có ba mươi tám người bỏ mạng.
Một gia đình du khách may mắn thoát chết. Họ gồm bốn người (với hai trẻ nhỏ) là
cư dân thị trấn Bicester, hạt Oxfordshire, đông nam nước Anh. Một người trong
gia đình ấy là Lisa Henton-Mitchell kể với báo chí rằng họ đã dừng lại ở một service station (trạm xăng và sửa xe) để
vào nhà vệ sinh trước khi cho xe qua cầu, nhờ vậy mà sống sót.([13])
Có thể xem gia đình
Lisa tình cờ thoát chết, nhưng xét về nghiệp báo thì không có gì
là tình cờ cả. Bởi vậy trong đạo Cao Đài có bài kinh cầu khi xuất hành; người
tu cầu xin Ơn Trên che chở để dọc đường tránh khỏi tai bay vạ gió.
Đầu xuân năm Mậu Dần
(1938), tại Ngũ Phụng Kỳ Sơn (nằm trong đất của ông Lê Văn Sở là tín đồ Cao Đài
Tây Ninh; nay thuộc xã Ninh Sơn, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh), Đức Lý Thái Bạch
ban cho Kinh cầu khi xuất hành gồm mười câu lục bát
như sau:
Trong vòng luân chuyển trần gian,
Lại qua lui tới dinh hoàn ([14])
chuyển luân.
Nay con ____ ____ ([15])
dời chân,
Cầu xin Thượng Phụ,([16])
Thánh Thần cảm thương.
Những điều tai nạn khỏi vương,
Thần linh phò hộ bước đường bình an.
Đi về đều đặng vững vàng,
Côn trùng, thảo mộc vô can ([17])
phạm nhằm,
Bạch Thầy con thiệt vô tâm,([18])
Cầu xin Thượng Phụ ân thâm độ
cùng.
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát
Ma Ha Tát.
Bài kinh này ngắn, dễ
học thuộc, đọc cũng nhanh. Tôi biết nhiều đạo hữu đã trải nghiệm sự linh ứng mầu
nhiệm nhờ đọc kinh này.
99. Trương Bất Lượng
Có một người đi buôn, vừa tới đầu đất Trực Lệ thình lình
trời mưa đá, chun vào đám lúa mà núp, xảy ([19]) nghe trên
không có tiếng rằng: Ấy là ruộng Trương Bất Lương, chớ hại lúa nó. Người buôn ấy
ngẫm nghĩ họ Trương ấy là ai, đã gọi rằng Bất Lương, sao còn hồi họ.([20]) Giây lâu
hết mưa, người buôn ấy vào trong xóm hỏi thăm quả có Trương Bất Lượng, không phải
là Bất Lương.
Người buôn ấy học ([21]) chuyện lại,
hỏi ngụ ý chi mà đặt là Bất Lượng. Người ta nói họ Trương ấy giàu lúa, dân
nghèo đều tới vay mượn, đến khi trả chẳng luận nhiều ít, có bao nhiêu trả bấy
nhiêu, họ Trương tin bằng lời chẳng đong đi đong lại, cho nên trong làng ai nấy
đều gọi là Bất Lượng, nghĩa là chẳng đong lường.
Các chủ ruộng chạy ra đồng coi lúa, đám nào cũng ngã
rạp, có một sở ruộng họ Trương lúa đứng sựng không hao một gié.([22])
* Ghi chú của HK:
Chuyện này ngụ ý nói rằng người nào đức độ sâu dày thì quỷ thần đều khâm phục, luôn
che chở, bảo hộ. Nói về gương đức trọng
quỷ thần khâm có tích ông My Trúc 麋竺 đời Hán.
My Trúc tự là Tử Trọng (mất năm 221)
làm mưu sĩ dưới trướng của Lưu Bị (nhà Hán). Em gái ông (My phu nhân) là vợ của
Lưu Bị. Trước khi tham chính, My Trúc là nhà giàu, thường qua Lạc Dương buôn
bán. Ngày kia, trong khi ngồi xe trở về nhà bỗng gặp một nàng tuyệt đẹp mặc áo
đỏ rực đứng bên vệ đường ngoắc xin đi nhờ xe. Ông liền bước xuống đi bộ, nhường
chỗ cho nàng. Mỹ nhân nằng nặc đòi ông lên ngồi chung, nếu không nàng sẽ xuống
xe đi bộ. Ông đành lên xe ngồi cạnh người đẹp, rất ngay ngắn, mắt luôn nhìn
thẳng về phía trước, không lợi dụng hoàn cảnh mà trêu hoa ghẹo nguyệt. Xe đi
được rất xa, nàng xin dừng lại, cảm ơn và cáo từ. Lúc ấy nàng nhìn ông chăm
chăm rồi bảo: “Ta là bà Hỏa (Hỏa Đức Tinh Quân), hôm nay vâng lệnh Trời tới đốt
nhà ông. Thấy ông là chính nhân quân tử nên ta lộ bí mật cứu ông. Hãy mau về
nhà chuyển hết gia sản ra ngoài. Đêm nay ta tới.” Dứt lời nàng liền biến mất.
My Trúc kinh sợ, vội phóng xe về làm theo lời dặn. Chiều tối hôm ấy, quả nhiên
có lửa từ dưới bếp dưng không bốc lên, thiêu rụi nhà cửa, nhưng của cải thì đã
cứu được.
103. Chuyện họ Đỗ
Họ Đỗ ở sông Nghi, ở trong chợ bước ra, ngồi dựa vách tường
đợi bạn hàng,([23]) mệt ngủ
quên, thấy một người cầm trát bắt y đi tới một tòa dinh dãy,([24]) không biết
là dinh ông nào, con mắt chưa tầng thấy.([25]) Vào dinh
thấy một người đội mão ống ([26]) ở trong
đi ra, Đỗ nhìn thì là họ Trương ở đất Thanh Châu cũng là người cố cựu.([27])
Trương thấy Đỗ, thất kinh, hỏi làm sao anh lọt xuống
đây. Đỗ nói không biết làm sao mà có trát đòi. Trương nghi đòi lầm, xắm rắm ([28]) đi hỏi,
biểu Đỗ phải ở một chỗ đừng đi đâu lạc thì cứu không đặng.
Trương nói rồi đi mất, hồi lâu có người đi trát tới chịu
([29]) đòi lầm,
cho Đỗ về. Đỗ từ biệt ra đi, dọc đàng gặp sáu bảy đứa con gái lịch sự,([30]) phải lòng
đi theo, qua đàng chẹt,([31]) trở lộn
xuống, được vài mươi bước, Trương ở đàng sau kêu lớn, hỏi: Anh Đỗ toan đi đâu?
Đỗ mê sa xăm xăm đi mãi, giây lâu thấy mấy đứa con gái
chun vào lều. Đỗ nhìn là quán rượu mụ Vầm, chun vào cửa, ngó quanh quất, thấy
mình nằm chung một chuồng với con heo, sờ sờ đã hóa ra heo, tai còn nghe tiếng
Trương kêu vẳng vẳng, sợ hoảng đụng đầu vào vách tường, xảy ([32]) nghe tiếng
người ta nói: Con heo con điên, nó nhảy chết.
Đỗ ngó ngoái thấy mình lại hóa ra người, lật đật chạy ra
khỏi cửa, thì thấy Trương chực ngoài đường dức ([33]) rằng: Tôi
đã dặn anh đừng đi, sao anh không nghe, thiếu một chút nữa thì đã không xong.
Nói rồi Trương nắm tay Đỗ đưa ra tới cửa chợ, từ giã mà
đi. Họ Đỗ thức giấc thì mình hãy còn ngồi dựa vách, tới quán mụ Vầm hỏi quả có
một con heo con nhảy đụng vách tường mà chết.
* Ghi chú của HK:
Chuyện này răn đàn ông ham nữ sắc, có phần nào giống câu chuyện sau đây:
Tương truyền một ông tướng của Quốc Dân Đảng là Phan Văn
Hoa 潘文華 (1886-1950), hiệu Trọng Tam 仲三, người tỉnh Tứ Xuyên, từng là người rất háo sắc. Một đêm
mùa hạ, sau cuộc truy hoan, tướng quân mệt mỏi nằm ngủ vùi. Bỗng ông chiêm bao
thấy chín cô gái xinh đẹp đi vào phòng ngủ, la cà quanh giường ông một chốc rồi
kéo nhau đi nhanh ra cửa. Ông tướng thích quá, ngồi bật dậy, lật đật bám theo.
Cứ thế ông nối gót họ đi ra khỏi thành, cuối cùng tới một vùng quê mộc mạc.
Chín cô gái xăm xăm bước vào một gian nhà tranh, rồi đồng loạt nằm cả xuống
sàn. Phan tướng quân chẳng ngại ngùng, cũng nhào xuống nằm chen với bọn mỹ nữ.
Liền lúc ấy, vị tướng chợt nghe tiếng đàn bà mừng rỡ gọi chồng: “Ông nó ơi! Mau
dậy mà ra xem. Heo nhà mình vừa đẻ chín con cái, một con đực đây nè!”
Phan tướng quân hoảng hồn, tự nhủ: “Hỏng rồi! Chẳng lẽ
mình biến thành heo ư?!” Thế là ông bật dậy, tìm cách tông cửa chuồng thoát ra
ngoài, rủi ro lại rơi xuống hố phân gần đó. Lúc ấy ông choàng tỉnh giấc, mồ hôi
vã ra như tắm.
Sáng hôm sau, ông dẫn hai người lính cận vệ, tất cả đều mặc
thường phục lẳng lặng ra ngoài thành. Ông ráng nhớ lại hành trình trong giấc mơ
để lần dò tìm cho được mái nhà tranh nơi thôn dã. Lạ thay! Ông càng đi thì càng
thấy quang cảnh bên đường y hệt trong chiêm bao. Rốt cuộc, ông tìm được mái
tranh của đôi vợ chồng nhà quê. Kiếm cớ để vào nhà hỏi thăm, ông biết đêm qua
heo nái nhà họ quả thật đẻ được một lứa mười con: chín cái, một đực. Chủ nhà buồn
buồn bảo: “Con heo đực chẳng hiểu vì sao mà xổng chuồng, rơi ngay xuống hố phân
chết toi.” Phan tướng quân sợ hãi, cả người lạnh toát. Trở về doanh trại, ông thành
tâm cải hối, quyết tâm từ bỏ thói đam mê sắc dục, trăng hoa.
Ngày nay, giấc mơ hóa thành heo của ông Phan được đăng tải
khá nhiều trên Internet, tiếng Việt và chữ Hán.([34])
Người Hoa gọi tích ông Phan là Tham hoa
háo sắc mộng biến trư 貪 花 好 色 夢 變 豬: Tham muốn sắc dục
nằm mơ biến thành heo.
Phan tướng quân là nhân vật có thực. Trộm nghĩ, nếu là chuyện bịa,
ắt con cháu họ Phan hay chiến hữu của ông đang ở Đài Loan há dễ làm ngơ.
Như vậy, khi viết tiểu thuyết Tây
Du Ký Diễn Nghĩa, Ngô Thừa Ân (1500/1506?-1581) không phải vô cớ mà cho Thiên Bồng Nguyên Soái trên Thiên
Đình, vì mắc tội trêu ghẹo Hằng Nga xinh đẹp mà phải đầu thai xuống trần làm
heo, tức là Trư Bát Giới.
THAY LỜI KẾT
Người xưa thường khiêm tốn, hay nói giảm. Kết thúc một tuyệt
tác như Truyện Kiều mà Nguyễn Du nói nhẹ hều: “Lời quê chắp nhặt dông dài / Mua vui cũng được một vài trống canh.” Cũng
vậy, Paulus Của gom nhặt chuyện xưa tích cũ, trong đó hầu hết chuyện kể rõ ràng
chuyên chở đạo lý làm người. Thế nhưng, thay vì mượn một thành ngữ đã quá quen
thuộc (văn dĩ tải đạo), ông chỉ nói
nhẹ hều: Chuyện Giải Buồn.
Khi buồn chán, người ta có nhiều cách tiêu khiển. Cách giải
buồn mà Paulus Của hiến tặng cho đời là cách mà các bậc hiền nhân xưa nay vẫn
thực hiện. Được ăn học tử tế, biết chữ biết nghĩa, thay vì lạm dụng vốn học thức
đó thỏa mãn tư dục tư lợi, các vị như Paulus Của dụng trí tài đem chữ nghĩa phô
bày ra giấy trắng mực đen, lưu truyền đạo lý trong xã hội.
Các vị dẫu qua đời từ thuở, thời thế dẫu thạnh suy bao lần,
nhưng sách vở các vị soạn ra hãy còn tồn tại nơi này nơi khác giữa chốn nhân
gian. Đời sau, ai hữu duyên thì được đọc sách các vị. Nhờ vậy mà dòng đạo lý
trường lưu bất tận.
Xin thắp nén tâm hương tưởng nhớ một hiền nhân, con chiên
của Chúa: Phaolô Huình Tịnh Của.
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 20-8-2018
([13]) In another interview, Lisa told how the
family had stopped to use a toilet before crossing the bridge. / She told the
BBC: "We had stopped at a service station to use the toilet.”
https://www.mirror.co.uk/news/world-news/genoa-bridge-collapse-brit-couple-13088452
([34])
Một bản chữ Hán tại: http://blog.xuite.net/imissyou7799/twblog/193049192.
Ảnh Phan Văn Hoa mượn từ blog này (tại Đài
Loan).
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.