Phụ Lục
TIỂU SỬ HUÌNH TỊNH CỦA
TRẦN VĂN CHÁNH
Hoạt
động cùng thời với Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Trương Minh Ký (1855-1900), Huình
Tịnh Của là một trong những nhà văn, nhà báo Quốc Ngữ tiền phong của nước ta
vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực
nghiên cứu ngôn ngữ, văn chương, văn hóa Việt, mà công lao đáng kể, mang lại
giá trị lâu bền nhất, có lẽ chính là bộ Đại
Nam Quấc Âm Tự Vị như trên chúng ta đã khảo sát, đánh giá tương đối đầy đủ.
Ông hiệu Tịnh Trai, nên còn quen gọi Huình Tịnh Trai, cũng thường
ký bút danh Paulus Của khi viết báo (Paulus là tên Thánh).([1]) Sinh năm Canh Dần (1830) tại làng Phước Tụy, tổng Phước
Hưng Hạ, tỉnh Bà Rịa (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu),([2])
mất ngày 26-01-1908.
Nhờ học trường đạo nên ông rất giỏi Pháp Văn
và chữ Latin, còn về chữ Hán thì phải nhờ Tôn Thọ Tường [1825-1877] chỉ vẽ thêm.([3])
Theo đạo Kitô, năm mười hai tuổi được đưa sang học một trường đạo ở Pulo
Pinang, phía Tây Bắc Malaysia.
Khi học đạo lên đến chức “Thầy tư” thì
hoàn tục, trở về quê cưới vợ.
Năm 1862, sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền
Đông Nam Kỳ, ông bắt đầu giúp việc cho nhà nước thuộc địa, làm thông ngôn, rồi
lãnh việc phiên dịch văn án trong cơ quan Bureau
des Traductions à la Direction de l’Intérieur de Saigon (sau đổi tên là Direction du Service local: Phòng Phiên
Dịch Dinh Thượng Thơ Sài Gòn). Năm 1865, Huình Tịnh Của được biệt phái về làm
việc ở Bộ Tổng Tham Mưu (Etat Major
général).
Ngày 01-01-1873, ông được thăng chức ([4])
Huyện đệ nhất hạng (Huyện de première
classe), đến làm việc tại Phòng Phiên Dịch Dinh Thượng Thơ (Direction de l’Intérieur, sau đổi tên là Bureaux
du Gouvernement de la Cochinchine).
Ngày 01-01-1881, thăng chức ([5])
Phủ đệ nhị hạng (Phủ de deuxième classe).
Ngày 01-8-1884, lại thăng Phủ đệ nhất hạng (Phủ
de première classe) và được bổ làm ([6])
Đốc Phủ Sứ ngoại ngạch (hors cadre).
Năm 1892, Huình Tịnh Của được chọn làm
hội viên của Ủy Ban Cải Tổ Trường Thông Ngôn (member de la Commission de Réorganisation
du Collège des Interprètes). Ông còn có chân trong ban biên tập (comité de rédaction) bán nguyệt san Revue Indochinoise (1893-1925), một tạp chí rất có giá trị chuyên
nghiên cứu về Đông Dương.
Nhiều lần ông được mời làm giám khảo
trong các cuộc thi do Pháp tổ chức để chấm môn Việt Văn và Hán Văn.
Huình Tịnh Của là một trong những người
Việt Nam đầu tiên khởi xướng phong trào báo chí Quốc Ngữ ở nước ta.([7])
Ông cùng với Trương Vĩnh Ký tham gia sáng lập tờ Gia Định Báo, có nhiều bài viết từ những số đầu tiên năm 1865, giữ
việc biên tập liên tiếp nhiều năm cho tờ báo Quốc Ngữ đầu tiên này, và đã tỏ ra
xuất sắc trong những bài khảo cứu về các cổ tích, khoa học phổ thông, sưu tập
thi ca cũ, cũng như phiên dịch các bài diễn văn, nghị định, công văn bằng tiếng
Pháp ra tiếng Việt.
Huình Tịnh Của cũng là người đầu tiên
biên soạn bộ tự điển đơn ngữ giải thích tiếng Việt, đã “vượt xa hơn cái việc trực tiếp phục vụ chính quyền pháp mà biểu lộ cái
ý thức của tác giả muốn ‘chuẩn thằng hóa tiếng Việt’ ”. (Địa Chí Văn Hóa Thành Phố Hồ Chí Minh,
Tập II. Nxb TpHCM, 1988.)
Ông là người chịu ảnh hưởng Tây Phương,
đã tích cực viết sách viết báo, biên soạn tự điển, đã cùng với Trương Vĩnh Ký
cổ động việc dùng chữ Quốc Ngữ viết theo mẫu tự Latin, tỏ rõ là một người yêu
chuộng văn hóa dân tộc, biết giữ gìn, khai thác những di sản văn hóa - tinh
thần của cổ nhân để lại bằng cách nỗ lực phiên âm, phổ biến những áng văn xưa
của người Việt.
Trong cuộc đời công chức, ông được ban
thưởng các huy chương: Đại Nam Hàn Lâm Viện Trực Học Sĩ (Médaille d’Officier de Dragon d’Annam), Đại Pháp Hàn Lâm Kim Diệp (Médaille d’Officier d’Académie), Ngũ Đẳng
Bắc Đẩu Bội Tinh (Chevalier de la Légion
d’Honneur), và Kim Khánh Cao Miên (Officier
de l’Ordre royal du Cambodge).
Mặc dầu được nhà nước Pháp trọng đãi, ông
vẫn luôn tỏ ra là một người khiêm tốn, giản dị, có cuộc sống thanh bần. Theo
Nguyễn Liên Phong [1821-?] trong Điếu Cổ
Hạ Kim Thi Tập, ông là người “hình
dung nho nhã, tánh nết cẩn thận hiền lành (...), đã quá tuổi hưu trí mà nhà
nước đoái tưởng ngài tuổi lớn nhà nghèo, cho làm luôn”. (Dẫn lại theo
Nguyễn Văn Y, tiểu luận đã dẫn, tr. 14.)
Ngoài Đại
Nam Quấc Âm Tự Vị được coi là công trình lớn đáng kể nhất, Huình Tịnh Của
còn là tác giả, dịch giả của nhiều tác phẩm khác, chia làm hai loại chính: sưu
tập - biên khảo, phiên âm - chú thích. Có thể liệt kê theo thứ tự thời gian như
sau:
2. Chuyện
Giải Buồn rút trong các sách hay, để giúp trong các trường học cùng những người
học tiếng Annam .
Sài Gòn: Bản in Quản Hạt, in lần thứ hai, 1886, 100 + 3 trang.
3. Chuyện
Giải Buồn cuốn sau dịch rút trong các sách hay, lại phụ các án tấu, án đoán
quan Annam làm, lập lời nói trang nhã, lịch sự, để giúp trong các trường học
cùng giúp cho các người học tiếng Annam. Sài Gòn: Nhà in Rey et Curiol, 1886, 96 trang.
4. Sách Bác Học Sơ Giai (Simples lectures sur
diverses sciences). Sài Gòn: Nhà in Rey et Curiol, 1887, 248 trang.([9])
5. Sách Quan Chế. Sài
Gòn: Bản in nhà nước, 1888, 94 trang.
6. Tục
Ngữ, Cổ Ngữ, Gia Ngôn. Sài Gòn:
Imprimerie & Librairie Nouvelles Claude & Cie, 1896, 94 trang.([10])
7. Quan
Âm Diễn Ca. Sài Gòn: Nhà in Xưa Nay, in lần thứ ba, 1898, 32 trang.
8. Gia Lễ. Sài Gòn: Imprimerie Commerciale
Ménard & Rey, in lần thứ hai, 1904, 52 trang.
9. Phép Đo (Arpentage). Sài Gòn: Imprimerie
& Librairie Nouvelles Claude et Cie, 1905, 78 trang.
12. Lang Châu Toàn Truyện. Bổn cũ sửa lại.
Sài Gòn: Imprimerie Commerciale Ménard et
Rey, 1905, 38 trang.
13. Văn Doan
Diễn Ca. Sài Gòn: Coudurier
& Montégout. Sài Gòn: Imprimeurs-Editeurs, 1906, 100 trang.
14. Bạch Viên Tôn Các Truyện. Phụ Chinh Phụ Ngâm.
Bổn cũ dọn lại. Sài Gòn: Imprimerie Commerciale, 1906, 36 trang.
15. Chiêu Quân Cống Hồ. Bổn cũ dọn lại. Sài
Gòn: Imprimerie Commerciale, in lần thứ hai, 1906, 40 trang.
16. Ca Trù Thể Cách.
Sài Gòn: Imprimerie Commerciale
Mercellin Rey, 1907, 40 trang.
17. Tống Tử Vưu Truyện. Bổn cũ dọn lại. Sài Gòn: Imprimerie Commerciale, 1904, 32 trang;
Sài Gòn: Imprimerie Commerciale, in lần thứ tư, 1907, 30 trang.
18. Thoại Khanh Châu Tuấn. Bổn cũ dọn lại. Sài
Gòn: Imprimerie Commerciale, 1908, 28 trang; Sài Gòn: Nhà in Xưa Nay, in lần
thứ sáu, 1929, 22 trang.
19. Câu Hát Góp (Recueil de Chansons populaires).
Sài Gòn: Impr. Commerciale Ménard Legros, 1901, 32 trang; Sài Gòn: Phát Toán, in
lần thứ tư, 1910, 32 trang.
Ngoài
ra, Huình Tịnh Của còn một số tác phẩm khác nữa, thấy giới thiệu trên các bìa
sách đã xuất bản của ông: Phép Toán
(Arithmétique); Tam Soạn Tư Hạt Nhựt
Xấp (Recueil des Formules annamites).([13])
Thanh Lãng, trong Bảng Lược Đồ Văn Học Việt
Nam, Quyển Hạ (Sài Gòn: Trình Bày, 1967, tr. 21), có ghi Huình Tịnh Của là
tác giả của Vãn Cha Minh Và Lái Gẫm.
André Baudrit, trong Guide historique des
Rues de Saigon, ghi ông còn soạn quyển Catéchismes
(Saigon, 1885), và dịch nhiều truyện Tàu ra Quốc Ngữ.
TRẦN VĂN CHÁNH
Trích Đạo Uyển Thu
2018, tập 27
(Hà Nội:
Nxb Hồng Đức), tr. 51-75.
([2]) Làng Phước Tụy là
nơi Huình Tịnh Của được sinh ra. Còn
quê gốc ông lại là làng Phước Thọ, tổng Phước Hưng Hạ, huyện Phước An, tỉnh
Biên Hòa, tức xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay.
Làng Phước Tụy cũng thuộc tổng Phước Hưng Hạ, nằm cạnh làng Phước Thọ (xem Đoàn
Lê Giang, “Những Vấn Đề Về Tiểu Sử Huình Tịnh Của”. Tạp chí Xưa & Nay, số 472, tháng 6-2016, tr.
25.)
([3]) “Chính ông Paulus Huình Tịnh Của đã nhờ Tôn [Thọ Tường] giúp
sức trong việc tập rèn khoa chữ Hán” (Khuông Việt, Tôn Thọ Tường Một Danh Sĩ Đất Đồng Nai. Hà Nội: Ngày Nay, 1941, tr.
65. Dẫn lại theo Trần Nhật Vy, “Nhà báo Huình Tịnh Của”, sách chuyên đề Suối Nguồn, Tập 18, tháng 8-2015, tr.
169.)
([8]) Về sách này, đây dẫn theo Nguyễn Văn Y (tiểu
luận đã dẫn, tr. 16). Nhưng theo Đoàn Lê
Giang thì có sự nhầm lẫn: Huình Tịnh Của không có riêng quyển Maximes et Proverbes, mà sách này chính
cũng là quyển Tục Ngữ, Cổ Ngữ, Gia Ngôn.
Sở dĩ có sự lầm lẫn ấy là vì trang bìa sách in cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX
thường ghi hai, ba thứ chữ Việt, Pháp, Hán. Nguyên văn trang bìa sách này ghi:
“俗語古語嘉言 – Tục Ngữ, Cổ Ngữ, Gia Ngôn - Maximes et Proverbes – par
Paulus Của Huình-Tịnh Đốc Phủ Sứ - Sài Gòn, Imprimerie & Librairie
Nouvelles Claude & Cie, 1896” (“Những Vấn Đề Về Tiểu Sử Huình Tịnh Của”
[tiếp theo bài trước], Tạp chí Xưa &
Nay, số 473, tháng 7-2016, tr. 42). Tuy thuyết của tác giả Đoàn Lê Giang
nói thế, và có in cả hình bìa cuốn sách để chứng minh, nhưng chúng tôi vẫn còn
nghi hoặc, vì không có sẵn đủ tài liệu trong tay để dẫn chứng (biết đâu vẫn có
riêng sách Maximes et Proverbes in
năm 1882, như vài nhà nghiên cứu về Huình Tịnh Của đã ghi).
([13]) Theo Nguyễn Văn Y (tiểu luận đã dẫn, tr. 17-18).
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.