Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

ĐẠO CHÚA CÓ ẢNH HƯỞNG TỚI ĐẠO CAO ĐÀI KHÔNG?

 

CÂU CHUYỆN LIÊN TÔN:

ĐẠO CHÚA CÓ ẢNH HƯỞNG 

TỚI ĐẠO CAO ĐÀI KHÔNG?

Tuần san Công Giáo và Dân Tộc,                                                                               số 2400-2401, từ 07 đến 19-7-2023

HUỆ KHẢI

1. Duyên do có một câu hỏi

Tháng 01-2012 tôi liên kết với nhà xuất bản Tôn Giáo (Hà Nội) ấn tống “Đại Đạo Văn Uyển”, là một dạng quý san (ba tháng phát hành một tập), do tôi chủ biên, thực hiện được hai mươi bốn tập. Sang tháng 01-2018, từ tập số 25 tôi rút gọn tên là “Đạo Uyển” và liên kết nhà xuất bản Hồng Đức (Hà Nội). Sau tập số 42 (tháng 5-2022), vì lý do sức khỏe, tôi phải ngưng ấn tống loạt quý san này. (Ấn tống tức là in kinh sách chỉ để biếu, không bán, nên không được bày trong các hiệu sách.)

Trong bốn mươi hai tập “Đại Đạo Văn Uyển” và “ Đạo Uyển”, tôi và bào đệ Lê Anh Minh cùng phụ trách chuyên mục “Gió Bốn Phương”, với một tiêu ngữ (slogan) mượn từ Phúc Ậm (Gio-an 3:8): Gió muốn thổi đâu thì thổi.Chuyên mục này chủ yếu trả lời bạn đọc các câu hỏi về kinh sách, giáo lý, v.v...

Sau khi tự đình bản “Đạo Uyển”, tôi tuyển lại và kết tập thành quyển “Gió Bốn Phương” (312 trang), ấn tống vào tháng 11-2022 (Nxb Hồng Đức).



Tuy nhiên, bạn đọc vẫn tiếp tục gởi tôi các câu hỏi như khi tôi còn làm loạt quý san nói trên. Hoặc qua điện thư (email), qua tin nhắn điện thoại hay Facebook. Tôi biết đây là nhu cầu của các tín hữu nên rất hoan nghênh các câu hỏi và xem là cơ hội để tôi và bào đệ sẽ hình thành tập sách “Gió Bốn Phương” thứ hai.

Vừa qua, ngày 08-6-2023, từ Củ Chi, đạo hữu Lê Thị Tâm thuộc họ đạo Trung Minh (của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài ở miền Trung) mượn tin nhắn trên FB gởi tôi câu hỏi này, một câu hỏi rất hay, vì đặt cho người đạo Cao Đài hôm nay một suy tư về ý thức hệ (ideology) Cao Đài. Câu hỏi như sau:

Thưa đạo huynh, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, đàn cơ ngày 13-6 Bính Dần (22-7-1926), Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy:

Như kẻ bên Phật Giáo hay tặng Nhiên Ðăng là Chưởng Giáo. Nhiên Ðăng vốn sanh ra đời Hiên Viên Huỳnh Ðế.

Người gọi Quan Âm là Nữ Phật Tông, mà Quan Âm vốn là Từ Hàng Ðạo Nhân biến thân. Từ Hàng lại sanh ra lúc Phong Thần đời nhà Thương.

Người gọi Thích Ca Mâu Ni là Phật Tổ. Thích Ca vốn sanh ra đời nhà Châu.

Người gọi Lão Tử là Tiên Tổ Giáo, thì Lão Tử cũng sanh ra đời nhà Châu.

Người gọi Jésus là Thánh Đạo Chưởng Giáo, thì Jésus lại sanh nhằm đời nhà Hớn.

Xin đạo huynh giải thích giùm tại sao trong thánh ngôn, thánh giáo Thầy Mẹ và các Đấng thiêng liêng thường trích dẫn điển tích hay lịch sử Trung Hoa ạ. Xin cảm ơn.

2. Đạo bất viễn nhân

Câu hỏi trên đây phản ánh thực trạng không thể phủ nhận là ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa, lịch sử Trung Hoa đối với thánh giáo Cao Đài nói riêng, đạo Cao Đài nói chung. Đây là điều dễ hiểu, bởi lẽ đạo Cao Đài là một phần của văn hóa, lịch sử Việt Nam. Thật vậy, sau bốn lần Bắc thuộc (lần thứ nhất: 179 trước Công Nguyên tới 39 Công Nguyên; lần thứ nhì: 43-541; lần thứ ba: 602-939; lần thứ tư: 1407-1427), tuy Việt Nam trở thành một đất nước độc lập và có chủ quyền, dân tộc chúng ta vẫn chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa (bao gồm triết học, tôn giáo) và lịch sử phương Bắc.

Do ảnh hưởng này, kinh sách hay thánh giáo Cao Đài chứa đựng nhiều thuật ngữ, điển cố Trung Hoa. Mặc dù có không ít thuật ngữ và điển cố tín đồ không hiểu, nhưng phần lớn thì tín đồ khá quen thuộc, nên dễ cảm thụ thánh giáo.

Cái nôi của đạo Cao Đài là đất Nam Kỳ (Cochinchina). Vào đầu thế kỷ 20, tuồng tích hát bội và những bản dịch truyện Tàu” (tiểu thuyết phỏng theo lịch sử Trung Hoa) chính là món ăn tinh thần phổ biến của quần chúng Nam Kỳ, cả giới bình dân lẫn thành phần trí thức. Vì thế, thánh giáo (đã dẫn) khi nhắc tới Hiên Viên Huỳnh Ðế; Phong Thần đời nhà Thương; đời nhà Châu [Chu]; đời nhà Hớn [Hán]”, thì có thể nói là phần đông tín hữu không mấy lạ lẫm, thấy gần gũi.

Ngược lại, giả dụ thánh giáo nói Thích Ca sanh ra ở Lâm-tỳ-ni (Lumbini), nay là Ni-bạc-nhĩ (Nepal), khoảng thế kỷ 6 hay 5 trước Công Nguyên; và nếu lại nói Giê-su sanh ở Bá-lợi-hằng (Bethlehem), thành Da-lộ-tát-lãnh (Jerusalem), nhằm đời vua Hy-luật (Herod) cai trị nước Do Thái (Judea), thì ắt hẳn người tín đồ cũng như phần lớn dân Nam Kỳ đầu thế kỷ 20 không khỏi cảm thấy xa lạ, lúng túng...

Mở đầu sách “Trung Dung”, chương 13, Đức Khổng Tử bảo: “Đạo bất viễn nhân.” 道不遠人. (Đạo chẳng xa người.) Áp dụng câu này vào vấn đề chúng ta đang trao đổi thì có thể nói rằng đạo lý (chánh pháp) không xa lìa con người; thế nên, trình độ hiểu biết (tri thức) của người dân Nam Kỳ đầu thế kỷ 20 như thế nào thì thánh giáo Cao Đài tùy theo đó, nương theo đó mà dạy cho phù hợp. Nhà Phật gọi đó là “khế cơ hợp lý” 契機合理, tức là hợp tình hợp lý; phù hợp hoàn cảnh và lý lẽ (congruent with conditions and reasonable). Lý lẽ này được Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế (là Cao Đài Giáo Chủ, là Thầy) dạy vào ngày 20-02-1926 như sau:

“Cách dạy, Thầy buộc tùy thông minh của mỗi đứa mà dạy.

Dầu cho thầy phàm tục cũng phải vậy. Nếu đứa dở mà dạy cao kỳ, nó biết đâu mà hiểu đặng.”

 (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, bổn thứ nhứt. Sài Gòn: nhà in Bảo Tồn, 1948, tr. 5.)

3. Ảnh hưởng tôn giáo Trung Hoa đối với đạo Cao Đài

Trong các ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa đối với đạo Cao Đài ở nước Nam (Nam bang), rõ nét nhất là ảnh hưởng tôn giáo, mà cụ thể là Tam Giáo, gồm Nho, Lão, và Phật hay Thích theo kiểu Trung Hoa thay vì Ấn Độ. Thánh thi Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế từng xác định như thế:

Chính mình Thầy đến chốn Nam bang

Mượn đất đem gieo mối Đạo vàng

Tưới nước, vun phân Nho, Thích, Lão

Nâng cành sửa lá, Pháp hòa Tăng ...

(Thiên Lý Đàn, Sài Gòn, đàn cơ ngày 03-02-1966)

Học giả nước ngoài quen gọi đạo Cao Đài là “syncretic religion” tức là “tôn giáo dung hợp” (dung hợp hình tôn giáo 融合型宗教) mà trong đó họ thấy yếu tố chủ đạo (dominant) không gì khác hơn Tam Giáo. Chính yếu tố chủ đạo của Tam Giáo dường như che khuất yếu tố rất riêng (độc sáng 獨創: original) của Cao Đài; thành thử, từng có người ngỡ rằng Cao Đài không gì khác hơn, mới mẻ hơn Tam Giáo. Thậm chí, họ còn diễn tả sự ngộ nhận của mình một cách bất nhã rằng cứ lấy Tam Giáo trộn lẫn lại thì ra Cao Đài!

Vị thế chủ đạo (dominant position) của Tam Giáo đối với đạo Cao Đài đã khiến một trí thức nước ngoài chú ý: ông Farid Md Shaikh (Md viết đủ là Mohammad). Được biết, vào năm 2011 ông là Phó Giáo Sư (Associate Professor) tại Khoa Văn Hóa Và Các Tôn Giáo Thế Giới (Department of World Religions and Culture) thuộc Viện Đại Học Dhaka (University of Dhaka), đặt tại thủ đô Dhaka của nước Cộng Hòa Nhân Dân Bangladesh. Sau khi đã lấy bằng Thạc Sĩ Triết Học (Master of Philosophy), và Thạc Sĩ Tôn Giáo Thế Giới (M.A. in World Religions), v.v... Farid Md Shaikh (ảnh đính kèm) lấy thêm bằng Tiến Sĩ Giáo Dục tại Viện Đại Học Hương Cảng (Ph.D. in Education, the University of Hong Kong).

Tạp chí Philosophy and Progress (Triết Học Và Tiến Bộ), Vols. XLIX-L, tháng 01-6, 7-12, năm 2011, có đăng một khảo luận dài hai mươi trang (trang 109-128) của Farid Md Shaikh với nhan đề: The Chinese Religious Influences on Caodaism: A Critical Analysis (Những Ảnh Hưởng Của Tôn Giáo Trung Hoa Đối Với Đạo Cao Đài: Một Phân Tích Phê Bình).



4. Ngộ nhận về vị thế đạo Chúa trong đạo Cao Đài

Viết phần Dẫn Nhập (Introduction), tr. 110, Farid Md Shaikh diễn tả đạo Cao Đài là tôn giáo có chủ đích dung hợp (deliberately syncretic religion) như sau:

Đạo này nỗ lực bắc cầu nối liền sự ngăn cách Đông Tây căn cứ trên các tôn giáo, triết học của cả hai nền văn hóa Đông Tây vì các Đấng thiêng liêng (pantheon) của đạo Cao Đài bao gồm Đức Phật, Khổng Tử, Lão Tử và Chúa Ki-tô. Nhưng nền tảng đích thực của sự dung hợp là nỗ lực kết hợp Phật, Lão, Nho theo truyền thống Hoa-Việt. Ki-tô Giáo chỉ có một vị trí thứ yếu (peripheral position) mặc dù Chúa Ki-tô là một vị trong các Đấng thiêng liêng của đạo Cao Đài. Đạo này không tiếp nhận gì từ Ki-tô Giáo và Islam là hai tôn giáo có thể rất xung khắc với các tôn giáo Á Đông vốn có nền tảng giáo lý mang tính bao dung.(1)

Đọc đoạn văn dẫn trên, tôi không hề ngạc nhiên khi thấy Farid Md Shaikh ngộ nhận hoàn toàn về vị thế của đạo Chúa trong đạo Cao Đài. Qua nhiều năm dài trên tuần san và nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc, tôi từng phổ biến một số bài viết về mối liên hệ mật thiết giữa đạo Chúa và đạo Cao Đài và đã gom lại in thành sách, trong đó có quyển song ngữ nhan đề Sơ Khảo Thuật Ngữ Đạo Chúa Trong Đạo Cao Đài / A Preliminary Survey of Some Christian Terms Used in Caodaism (Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019); tôi cũng nhiều lần nói tới thuật ngữ “Tứ Giáo” trong đạo Cao Đài, tức là Tam Giáo có thêm đạo Chúa. Tuy nhiên, quả là rất không tiện nhắc lại dài dòng nơi đây để chứng minh rằng Farid Md Shaikh đã ngộ nhận.




Xem bản liệt kê mười lăm tài liệu tham khảo (references) đều viết bằng tiếng Anh, tôi thấy có mười lăm tác giả (kể cả chính Farid Md Shaikh), nhưng viết trực tiếp về đạo Cao Đài chỉ có bảy ông bà (trừ tác giả) như sau: Christopher Hartney (in năm 2000, người Úc); Graeme Lang (2004); Jayne Susan Werner (1981, Mỹ); R.B. Smith (1970, Anh); Sergei Blagov (2001, Nga); Thomas E. Dutton (1970, Mỹ), và Victor L. Oliver (1976). Tôi ngờ rằng Farid Md Shaikh không đọc được tiếng Việt, và không tiếp cận được nhiều sách tiếng Anh khác viết về đạo Cao Đài xuất bản gần đây.

Nghiên cứu đạo Cao Đài (một tôn giáo bản địa Việt Nam) mà không đọc trực tiếp sách tiếng Việt, phải qua “lăng kính” (prism) của các tác giả nước ngoài viết sách tiếng Anh thì sự nhận thức của Farid Md Shaikh về đạo Cao Đài làm sao tránh khỏi bị “khúc xạ” (refracted), tức bị “uốn cong” (bent).

Nhưng, sự ngộ nhận của Farid Md Shaikh cũng có một phần không nhỏ là trách nhiệm của chính người đạo Cao Đài. Thật vậy, vừa mở đầu khảo luận nhan đề An Introduction to Caodaism Part I: Origins and Early History (Giới Thiệu Đạo Cao Đài. Phần I: Căn Nguyên Và Lịch Sử Buổi Đầu), in trong tập san khoa học BSOAS của trường Nghiên Cứu Phương Đông Và Châu Phi, Viện Đại Học London (the School of Oriental and African Studies, University of London), Vol. XXXIII, Part I, London 1970, Giáo Sư R.B. Smith viết:

Hiếm có hiện tượng nào trong lịch sử châu Á hiện đại lại có thể bị người phương Tây hiểu sai hoàn toàn như đạo Cao Đài.(2)

Và Giáo Sư Smith đã chí lý khi thẳng thắn xác định:

Trong mức độ nào đó, việc người phương Tây không hiểu biết về đạo Cao Đài là trách nhiệm của chính những người Cao Đài. (3)

5. Thay lời kết

Trong khuôn khổ một bài viết góp mặt với tuần san Công Giáo Và Dân Tộc, tôi nên tạm ngừng ở đây, và sẽ tiếp tục câu chuyện liên tôn giữa đạo Chúa và đạo Cao Đài vào dịp khác. Có điều, tôi không khỏi ái ngại là khi Farid Md Shaikh đứng trên bục giảng ở một trường đại học bên Bangladesh, liệu những nhận thức về đạo Cao Đài của ông sẽ làm bao nhiêu sinh viên cũng bị “khúc xạ” như thầy của họ?

CHÚ THÍCH:

(1) They have attempted to bridge the gap between the East and the West based on religions and philosophies from both the Eastern and the Western cultures since it includes Buddha, Confucius, Lao-tzu and Christ as its pantheon. But the real basis of the syncretism is an attempt to bring together the three religions of the Sino-Vietnamese traditions, namely Buddhism, Taoism and Confucianism. Christianity has only a peripheral position except Christ as its pantheon, and nothing has been adopted from Christianity and Islam that would seriously clash with the underlying doctrinal tolerance of East Asian religions.

(2) Few phenomena in the modern history of Asia can have been so completely misunderstood by Westerners as the Vietnamese religious (and political) movement known in European languages as Caodaism.

(3) To some extent Western ignorance about Caodaism is the responsibility of the Caodaists themselves.

HUỆ KHẢI

Nhiêu Lộc, 16-6-2023