CHỮ VÀ NGHĨA:
CƠN
BÃO TRONG TÁCH TRÀ
HUỆ
KHẢI
1. Năm nay bảy mươi
bốn tuổi tây, ông bạn già của tôi là Nguyễn Quang Thọ vừa cho chào đời đứa con
tinh thần vào cuối tháng 6 vừa qua: NGƯỜI VIỆT NÓI TIẾNG VIỆT (Nxb Tổng Hợp
TpHCM, 2023, dày 384 trang 16x24cm).
Trước buổi sáng ra mắt sách (01-7) tại Đường Sách ở
Sài Gòn mấy ngày, vào sáng Thứ Bảy (ngẫu nhiên trùng kỷ niệm sinh nhật tôi) lão
bằng hữu ghé nhà ký tặng sách. Nâng niu món quà dày
dặn của bạn trên tay, tôi nói:
“Bác
cứ làm sách loại này thì đất nước đời đời sẽ tri ân bác. Phải cứu lấy tiếng
Việt, bác ạ.”
Tôi nói
tiếp:
“Tiếng
Việt bây giờ lạ lắm! Viết 60km/giờ mà bá tánh cứ đọc là ‘sáu mươi ki-lô-mét TRÊN giờ’. Sao không nói sáu mươi ki-lô-mét MỖI giờ? Viết ‘làm
việc 8 tiếng/ngày’ thì chẳng
lẽ lại nói ‘làm việc tám tiếng TRÊN ngày’ ư? Ta vẫn nói ‘làm việc tám
tiếng một ngày (mỗi ngày)’ mà.
“Hoặc,
thấy sách này của bác, bá tánh hít hà: ‘Ồ, sách thật là ĐẲNG CẤP!’
Đẳng cấp là mức độ; ta có đẳng cấp cao, đẳng cấp trung bình, và đẳng cấp thấp.
Nói nửa vời như thế là khen hay chê sách vậy?
“Hoặc
họ bảo: ‘Sách ông này phải đủ
TRÌNH mới đọc nổi.’ Chao ôi!
Tại sao bá tánh lóng rày cứ đua nhau nói tắt TRÌNH ĐỘ là
TRÌNH? Bà con đang xúm nhau tiêu diệt tiếng Việt à?”
Thế rồi ngắm nghía cái bìa sách rất mỹ thuật do con gái
rượu của bạn mình thiết kế, tôi khen nó lạ và bắt mắt.
Như được “gãi đúng chỗ ngứa”, lão hữu Quang Thọ bèn “giải mã” luôn ý tứ bìa sách của mình, đại để như sau:
“Tôi
bảo con gái hãy làm bìa như thế này ... thế này ... Lúc đầu tôi định lấy
nền là vải gấm, hay lụa là, ngụ ý ngôn ngữ cha ông mình sang trọng và quý báu
lắm. Nhưng rồi tôi nghĩ phần lớn thành ngữ, tục ngữ đều từ quần chúng bình dân
mà ra; nên tôi bảo cháu chọn nền là mảnh vải bố thô ráp. Còn miếng vá đặt lên
đó là hàm ý tôi đang VÁ LẠI lỗ thủng trong các từ điển tiếng Việt.”
Anh mượn lại cuốn sách trên tay tôi, lật
ngược cho xem bìa lưng (bìa bốn), và nói tiếp:
“Xem
mảnh bố vá ở bìa lưng nhé. Sợi chỉ khâu đen còn thừa một đoạn vắt ngược lên góc
phải. Tức là tôi CHƯA VÁ XONG các lỗ thủng trong các từ điển tiếng Việt đâu.
Xong cuốn này tôi còn soạn thêm cuốn nữa ...”
Ôi! Lão bạn hiền của tôi nói năng hay như
rứa mà lại tự xưng là “TƯ CÀ
LĂM” trên FB của ổng. Ổng “cà lăm” thì tôi ngọng mất, hay câm luôn.
Tiễn bạn ra về rồi, tôi mở computer, gõ
phím ghi vội câu chuyện trên đây và đăng luôn trên FB của mình, vừa để “khoe” quà sách, vừa để “rao hàng” ủng hộ bạn
mình bán được sách.
Sau khi xem lời “rao” tôi đăng FB, anh Thọ gọi điện thoại bảo
rằng lẽ ra hôm ấy anh nên nói thêm cho đủ ý là “Sợi chỉ khâu đen còn thừa một đoạn vắt ngược lên
góc phải có nghĩa là tôi CHƯA VÁ XONG các lỗ thủng trong các từ điển tiếng Việt
đâu, và cũng CHƯA VÁ XONG lỗ thủng hiểu biết tiếng Việt của chính tôi. Cho nên,
xong cuốn này tôi còn soạn thêm cuốn nữa ...”
Tôi cười, tán thưởng lời anh bổ túc rằng
viết sách là VÁ LỖ THỦNG HIỂU BIẾT của bản thân. Tôi liền nhắc anh lời tự thuật
của thầy Nguyễn Hiến Lê; thầy từng bảo rằng mỗi khi muốn tìm hiểu thấu đáo một
vấn đề gì thì thầy viết sách về vấn đề đó. Cũng để phụ họa ý thầy Hiến Lê, tôi
chia sẻ với anh quan niệm bấy lâu của tôi về việc viết sách: “Viết sách là một cách tự học. Mỗi cuốn sách
viết xong coi như là một bản thu hoạch về vấn đề mình đã tự đề ra và hoàn tất.”
2. Khi
nhắc tên thầy Hiến Lê, tôi không khỏi nhớ tới một đức tánh của thầy: Mỗi khi
nhận được sách bạn văn ký tặng, thầy đều đọc kỹ và viết bài giới thiệu sách
(điểm sách) rất hay để gởi đăng ở một tạp chí tên tuổi, uy tín tại Sài Gòn. Trong
lòng tôi dưng không lại có ý muốn viết bài giới thiệu NGƯỜI VIỆT NÓI TIẾNG VIỆT.
Nhưng quả không dễ viết bài giới thiệu
sách mới của Nguyễn Quang Thọ. Nhận sách bạn tặng ngót một tháng rồi, mấy phen
giở ra xem theo kiểu “đánh du kích” rồi, thế
mà vẫn lúng túng.
2.1. Tối
hôm qua, giở sách “hú họa” thì gặp mục từ 169. “cơn bão
trong tách trà”. Nguyên văn như sau:
“Đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ hay là cơn bão trong tách trà?” là tiêu đề bài
viết của tiến sĩ Hoàng Dũng. Với những luận cứ xác đáng, tiến sĩ Hoàng Dũng đã
chỉ ra những bất cập trong lời đề xuất của giáo sư Bùi Hiền. Chắc chắn đề xuất
này còn gây nhiều tranh cãi, nhưng có lẽ Hoàng Dũng có lý khi ông đặt câu hỏi
hoài nghi. Qua bài của Hoàng Dũng, được biết Bùi giáo sư đã “thai nghén” công
trình này suốt 30 năm. Bỗng sực nhớ thành ngữ Đức có câu: “Quả núi quằn quại và đẻ ra một con chuột.” (Der Berg kreisste und gebar eine Maus.) Hình như câu này cũng có
trong tiếng Anh. (tr. 95)
Tôi nghĩ: Âu là tạm mượn câu kết của mục từ 169 để
gián tiếp giới thiệu sách của bạn.
2.2. Vâng, quả thật tiếng
Anh có một thành ngữ (idiom) đồng
nghĩa với thành ngữ Đức “Quả núi quằn
quại và đẻ ra một con chuột.” Câu tiếng Anh là: “Make a mountain out of a molehill.” Dị bản là: “Making a mountain out of a molehill.”
“Molehill” là đất do chuột chũi (mole) đùn lên mặt đất khi đào hang. Nghĩa
đen của thành ngữ Anh là: “Biến đất chuột chũi đùn thành ngọn
núi.” Người Hoa nói 小題大做 (tiểu
đề đại tố), chẳng khác gì người Việt nói “chuyện bé xé ra to; có ít xít ra nhiều”.
Thành ngữ “Biến đất chuột chũi đùn thành ngọn núi” nói
tới những người thích thổi phồng một sự việc cỏn con, tầm thường; ưa làm ầm ĩ,
to tát những việc nhỏ nhặt chẳng đáng bận lòng.
3. Nhân
tiện, nói thêm về mục từ “cơn bão trong tách trà”.
Tiếng Anh là “a storm in a teacup”. Ở đây, “teacup” là cái tách dùng uống trà,
cái tách không. Có nước trà trong tách thì nói là “a cup of tea”.
Tiếng Mỹ
khác hơn một chút: “a tempest in a teapot” (bão tố, cuồng phong trong ấm tích). Ở đây, “tempest” là bão tố dữ dội (violent storm). “Teapot” là bình tích, ấm
để pha trà, chưa có nước trà. Khi ấm tích có nước trà thì nói là “a pot of tea”.
Cả hai
cách nói của Anh và Mỹ đều có nghĩa là giận dữ (anger), âu lo (worry),
phiền muộn (upset) vì một chuyện nhỏ
nhặt, chẳng đáng bận lòng mệt trí. Người Hoa nói là 小題大做 (tiểu
đề đại tố); 大驚小怪 (đại
kinh tiểu quái: quá kinh hãi việc quái lạ nhỏ nhặt). Trong sách bạn tôi,
anh không giải thích ý nghĩa “cơn bão
trong tách trà”, cũng không nói rõ xuất xứ của nó là ở bên đảo quốc sương
mù. Có lẽ anh nghĩ không cần.
3.1.
Khoảng năm 1598 hay 1599, khi viết một hài kịch về hai cặp tình nhân ở thành
phố cảng Messina (đông bắc đảo Sicily, nước Ý), William
Shakespeare (1564-1616) đặt nhan đề
là “Much
Ado about Nothing” (Chuyện Không Có
Gì Mà Ầm Ĩ). Ý nghĩa nhan đề này thật ra chẳng khác gì “cơn bão trong tách trà”, nhưng có lẽ Shakespeare
nghĩ rằng gọi như thế dễ khiến bá tánh tò
mò, háo hức mua vé vào xem kịch chăng?
3.2. Bài viết dài rồi. Nên dừng lại, kẻo bạn đọc trách: Tiểu đề đại tố; đề
tài nhỏ nhít mà tán ra tràng giang đại hải!
Nhiêu Lộc, 23-7-2023
Huệ
Khải
Công
Giáo và Dân Tộc, số 2403