GIÓ BỐN PHƯƠNG - TẬP HAI (đang soạn)
dể duôi; dễ duôi
Hai chữ “dể duôi” viết dấu hỏi hay dấu ngã, thưa anh?
– Hiền hữu Nguyễn Minh Ngọc (Gò Công). Tin nhắn Zalo
ngày 25-7-2023.
Huệ Khải phúc đáp:
1. DỂ DUÔI (dấu hỏi) nghĩa là khinh thường, coi thường, coi rẻ, không xem
là quan trọng (disrespecting; disregarding);
đồng nghĩa với “dể
ngươi”. Thí dụ:
– Chỉ vì một phút dể duôi mà trọn đời ân hận.
– Phải tôn kính Trời Phật, Thánh Thần; chớ có dể duôi. (Cũng
nói: Chớ có dể ngươi.)
– Người tu hành không được dể duôi giới luật.
1.1. Riêng chữ “dể” (dấu hỏi) sẵn có nghĩa là khinh, lờn, không kiêng nể, không tôn trọng.
Nói ghép là “khinh
dể”. Dùng biện pháp tách từ thì nói là “kẻ khinh người dể” (không có dấu phẩy ngăn cách; nếu viết “kẻ khinh, người dể” thì sai).
1.2. Chưa thấy từ điển nào ghi nhận riêng lẻ chữ “duôi” như một mục từ, ngoại trừ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Tome I (Sài Gòn: Imprimerie Rey, Curiol & Cie., 1895). Ở trang 251, để ghi chữ nôm cho “duôi”, Paulus Của mượn chữ 唯 (duy), nghĩa là chỉ có, và giảng như sau:
唯 Duôi. [chữ nôm] Doi theo, dõi
theo.
Duôi theo. id. [như trên]
Duôi duôi. Qua vậy, dừa theo. [Thí dụ:] Thầy nói duôi duôi, nó không sợ.
Dể duôi. Khinh dể.
Ghi chú: Ở trang 247, Paulus Của giảng “dừa theo” là “nương theo; thuận theo; coi tình ý mà theo”. Ở đây, ông ghi sai chánh tả; lẽ ra là “vừa”, không phải “dừa”. Cũng vậy, cùng trang này, ông viết sai “dừa ý; dừa lòng”, lẽ ra là “vừa ý; vừa lòng”.
2. DỄ DUÔI (dấu ngã) chưa hề được từ điển tiếng Việt nào ghi nhận. Tuy nhiên
các sư tăng Nam Tông, cũng gọi Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravāda) vẫn thường nói
tới “dễ
duôi” trong các bài thuyết giảng giáo
lý.
Tham khảo
một số bài giảng của quý sư Nam Tông, tôi tạm ghi nhận ba ý nghĩa thông dụng của
“dễ duôi” như sau:
2.1. Dễ duôi
là giải đãi, lười biếng, biếng nhác. Trái nghĩa với dễ duôi là tinh tấn.
2.2. Dễ duôi
là nuông chiều, buông thả theo bản năng; không có ý chí kháng cự những đòi hỏi bất
thiện của tham sân si hay thất tình lục dục; không biết chế ngự tánh kiêu căng,
ngạo mạn của phàm ngã (bản ngã).
2.3. Không dễ
duôi tức là luôn luôn ý thức kiểm soát (làm chủ) bản thân trong từng ý nghĩ (tư tưởng), lời
nói, việc làm của mình để không phạm lỗi lầm, không tạo ba nghiệp xấu về ý, khẩu, và thân.
3. Mặc dù “dễ duôi” (dấu
ngã) chưa từng được ghi nhận trong các từ điển tiếng Việt, nhưng không nên vì
thế mà phủ nhận cách dùng hai chữ “dễ duôi” (dấu ngã) của Phật Giáo Nam Tông.
Cuối tháng 6-2023, Nguyễn Quang Thọ (sinh năm
1949) xuất bản Người Việt Nói Tiếng Việt (Nxb
Tổng Hợp TpHCM, 384 trang 16x24cm). Trong sách này ông dẫn ra nhiều thành
ngữ, tục ngữ, lời ăn tiếng nói quen thuộc trong dân gian xưa nay, nhưng chúng đều
bị các nhà làm từ điển từ Bắc chí Nam bỏ sót.
Vậy, “dễ duôi” (dấu ngã) trót bị từ điển tiếng
Việt bỏ sót thì chẳng phải là trường hợp cá biệt.