GIÓ BỐN PHƯƠNG - TẬP HAI (đang soạn)
Quân tử
căng nhi bất tranh
Thánh
Huấn Hiệp Tuyển, quyển II, đàn cơ tại Tòa Thánh Châu Minh ngày 16-2-36 có bài “QUÂN-TỬ TRANG NHI BẤT TRANH, QUẦN NHI BẤT ÐÃNG”. Trong
bài này Đức Lý Thái Bạch dạy: “Có câu của đức
Khổng-Thánh dạy rằng: Quân-Tử trang nhi bất tranh, Quần nhi bất đãng!”
Xin hỏi, câu nói ấy của Đức Khổng Thánh được
chép trong sách nào? – Đạo hữu Hương Lý. Điện thư ngày 20-7-2023.
HUỆ KHẢI phúc đáp:
Tôi giở Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển II, bản in
năm Tân Sửu (Sài Gòn: ấn quán Công Lý, 1961), tr. 135, xem lại bài đạo hữu nói
tới, và thấy in như sau:
QUÂN-TỬ TRANG NHI
BẤT TRANH, QUẦN NHI BẤT ÐÃNG
Lão cần nhắc điều
cần yếu, trong toàn thể Đạo nên nhớ câu nầy vào lòng, thì mới giữ vững lập
trường Đạo-Đức Thuần-túy được. Có câu của đức Khổng-Thánh dạy rằng: Quân-Tử
trang nhi bất tranh, Quần nhi bất đãng! Nghĩa là: người Quân-Tử trang nghiêm,
nhưng không tranh với ai, hộp quần với tất cả mọi người, nhưng không vào bè đãng,
nghĩa là chí của người quân-tử tự mình trang nghiêm, theo lý công nhiên mà đối
xử chớ không thiên lệch, tư vị; xử thế thì thân ái với tất cả mọi người, nhưng
không vì tình riêng mà a tùng theo bè đãng cầu lợi.
Người tu học nên hiểu lý nghĩa ấy, để thực hành cho đúng
con đường trung dung trong giai đoạn gay go chênh lệch nầy.
(Xem ảnh đính kèm.)
1. Thưa đạo hữu,
phần lớn kinh sách nhà Đạo chúng ta thường in sai chánh tả (nhiều nhất là sai
dấu hỏi và dấu ngã), viết hoa không hợp lý, bộ phận điển ký (và sao chép) chấm
câu thiếu chính xác, v.v... Đó là các lỗi phổ biến. Đọc kinh sách nhà Đạo thấy
thế mà thương mà xót.
Ngoài ra, dấu gạch
nối hay dùng thuở trước thì nay đã bỏ rồi. Vậy, bài thánh giáo ở trang 135 như
nói trên có thể hiệu đính lại như sau:
QUÂN TỬ CĂNG NHI BẤT
TRANH, QUẦN NHI BẤT ÐẢNG
Lão cần nhắc điều
cần yếu, trong toàn thể Đạo nên nhớ câu nầy vào lòng, thì mới giữ vững lập
trường đạo đức thuần túy được.
Có câu của Đức
Khổng Thánh dạy rằng: “Quân tử căng nhi
bất tranh, quần nhi bất đảng.” Nghĩa là người quân
tử trang nghiêm, nhưng không tranh với ai; hợp quần với tất cả mọi người, nhưng
không vào bè đảng. Nghĩa là chí của người quân tử tự mình trang nghiêm, theo lý
công nhiên mà đối xử chớ không thiên lệch, tư vị; xử thế thì thân ái với tất cả
mọi người, nhưng không vì tình riêng mà a tùng theo bè đảng cầu lợi.
Người tu học nên hiểu nghĩa lý ấy để thực hành cho đúng
con đường trung dung trong giai đoạn gay go, chênh lệch nầy.
Ngoài ra, bản in này ghi ngày 16-2-36, tức là 16 tháng 02 âm lịch (Tân Sửu), năm Đạo thứ 36, nhằm Thứ Bảy 01-4-1961.
2. Câu “Quân
tử căng nhi bất tranh, quần nhi bất đảng.” có chép trong sách Luận Ngữ, thiên Vệ Linh Công 衛靈公, câu 22. Nguyên văn: 子曰: 君子矜而不爭, 群而不黨.
2.1. Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) dịch:
Khổng Tử nói: “Người quân tử nghiêm trang
giữ lập trường mà không tranh với ai, hòa hợp (cộng tác) với mọi người mà không
bè đảng.”
2.2. James Legge (1815-1897) dịch:
The Master said, “The superior man is dignified, but does not wrangle. He is sociable,
but not a partisan.”
2.3. A. Charles Muller (sanh năm 1953) dịch:
The Master said: “The noble man is firm
in his positions, but does not wrangle. He readily makes friends, but doesn’t
belong to a clique.”
2.4. Giải nghĩa từ ngữ: 1/ Căng 矜: Trang nghiêm (dignified). – 2/ Quần 群: Hợp quần 合群; sống hòa đồng với người khác (getting on well with others). – 3/ Đảng
黨: Kéo bè
kết đảng (joining a political party, or a
gang).
*