BÀI THƠ CỔ Ở THIÊN TRƯỚC
LÊ
ANH MINH & HUỆ KHẢI
1. Là một thánh tịnh Cao Đài đơn lập
(vì không thuộc một Hội Thánh nào), Thiên Trước tọa lạc tại ấp Thới Khánh, xã
Tân Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ (ảnh 1). Trong chánh điện thánh tịnh
có treo một tấm biển rất xưa (ảnh 3), nhìn hao hao như tấm hoành (tức “hoành phi” 橫披
hay “hoành phúc” 橫幅).
Thông thường, hoành phi có hình chữ nhật, chiều ngang ít ra phải gấp
đôi chiều cao, trên đó viết gọn hai, ba, bốn, hay năm chữ Nho. Chẳng hạn tấm hoành
đính kèm (ảnh 2) viết rất đẹp năm chữ “Gia Hòa Vạn Sự Hưng” (trong nhà hòa thuận, muôn việc
hưng thịnh).
Tấm biển ở Thiên Trước cũng khá giống “cuốn thư”
theo cách người Việt gọi. Cuốn thư mô phỏng một cuốn sách xưa (vốn cuộn thành bó) đang mở
ra, một bên trục là quản bút lông, trục bên kia là thanh gươm, ý nói “văn võ song toàn”, chung quanh có thể chạm trổ thêm rồng
phượng. Cũng như tấm hoành, trên cuốn thư thường viết vài ba chữ Nho, chẳng hạn
như “Đức Lưu Quang” 德流光 (ảnh 4), ý nói “Đức lưu sáng; gia tộc vẻ vang nhờ có đức”.
2. Tấm biển ở Thiên Trước khắc một bài thơ cổ nằm gọn trong một vòng tròn,
người Hoa gọi kiểu trình bày này là “viên hình đoàn phiến” 圓形團扇 hay “viên hình phiến” 圓形扇 (mặt quạt hình tròn).
Tấm biển này tương truyền
đã có vào khoảng năm 1933, thuộc sở hữu của ông Huyện
hàm Phan Lương Tưởng (1861-1926) là một nhân sĩ đạo đức nổi tiếng ở Cần Thơ.
Con cháu ông (cùng mang họ Phan Lương) xưa nay đều là các bậc tu hành đạo
cao đức trọng và đắc quả trong đạo Cao Đài. Khi thánh tịnh Thiên Trước xây dựng năm 1952, tấm biển được truyền lại cho bổn đạo trân trọng lưu giữ cho tới nay.
3. Bài thơ cổ trong vòng
tròn là bài thất ngôn tứ tuyệt viết theo lối chữ triện 篆, nhưng thợ chỉ khắc hai
mươi sáu chữ (vì thiếu chỗ?), tức là bỏ sót hai chữ “nhàn xao” 閒敲 mở đầu câu kết, và không
có nhan đề “Hữu Ước” 有約 (Có Hẹn). Một dị bản ghi là “Ước Khách” 約客 (Hẹn Khách).
Tấm biển còn
khắc thiếu tên tác giả là Triệu Sư Tú 趙師秀 (1170-1220),
đời Nam Tống, tự Tử Chi 紫芝, cũng gọi Linh Chi 靈芝, có hai hiệu là Linh Tú 靈秀 và Thiên Lạc
天樂. Là người Vĩnh Gia 永嘉 (nay là Ôn Châu 溫州, thuộc tỉnh Chiết Giang 浙江, Trung Quốc), ông đậu tiến sĩ năm 1190.
Bài thơ nguyên văn như
sau:
黃梅時節家家雨
青草池塘處處蛙
有約不來過夜半
閒敲棋子落燈花
Hoàng mai thời
tiết gia gia vũ
Thanh thảo
trì đường xứ xứ oa
Hữu ước bất
lai quá dạ bán
Nhàn xao kỳ tử lạc đăng hoa.
Ý nghĩa:
Mưa đang mùa, nhà nhà dầm mưa
Bờ ao xanh cỏ, ếch nhái kêu khắp nơi
Đã hẹn mà quá nửa đêm khách chẳng đến
Ngồi buồn gõ quân cờ làm rụng bấc tàn.
4. Giải nghĩa
Câu 1: “Hoàng mai” là
trái mơ (plum) chín vàng,
nhưng “hoàng
mai thời tiết” tức là “hoàng mai quý” 黄梅季 (mùa mưa đầu hè lúc trái mơ chín vàng). “Gia gia vũ” là nhà nào cũng dầm trong mưa, nên chẳng ai muốn ra đường.
Câu này ngầm giải thích lý do khách lỗi hẹn (câu 3).
Câu 4: “Nhàn” là ở không, rảnh rỗi, vì đang chờ khách
(nên bày cờ giải sầu dù chơi một mình). “Đăng hoa” là hoa đèn, tức là ngọn bấc
(tim đèn) trước khi thành tro tàn thì cháy đỏ lên, nhà thơ ví von là hoa lửa,
hoa đèn. Gõ quân cờ mạnh tay, mặt bàn lay động làm rụng ngọn bấc tàn. Câu 4 và
câu 2 diễn tả nỗi cô đơn của nhà thơ trong đêm buồn mưa khuya.
5. Huệ Khải dịch ra lục bát
HẸN KHÁCH
Mưa mùa dội khắp nhà nhà
Bờ ao ếch nhái gần xa gọi sầu
Quá khuya khách hẹn thấy đâu
Quân cờ gõ mạnh rụng mau bấc tàn.
Nhiêu Lộc, 12-01-2024
Tuần san CGvDT, số 2428
từ 19-01 đến 25-01-2024