MỘT
THOÁNG MINH LÝ ĐẠO
HUỆ
KHẢI
Chiều Chúa Nhật 07-01-2024, Hội Thánh
Minh Lý Đạo (cũng gọi Minh Lý Thánh Hội) tổ chức trọng thể “Lễ kỷ niệm Minh Lý Đạo Khai năm thứ 100” (1924-2024) tại thánh sở chánh của Hội Thánh với tên
gọi Tam Tông Miếu (ở số 82 Cao Thắng, quận 3, TpHCM). Ngôi chùa này được xây dựng năm 1927, sau
đó được cất mới rồi trùng tu để có được diện mạo như ngày nay (ảnh 1).
Ra đời năm 1924, trước đạo Cao Đài hai
năm, cũng khởi phát từ cầu cơ (phù kê 扶乩) như
đạo Cao Đài, cũng là một tôn giáo của người Việt, khai sáng trên đất Việt, do
đó Minh Lý Đạo và đạo Cao Đài được giới nghiên cứu tôn giáo gọi là tôn giáo “bản địa” 本地 (indigenous)
hay tôn giáo “nội sinh” 內生 (endogenous).
Về đạo phục của Minh Lý, nam mặc áo dài
đen, quần trắng, đầu đội khăn đóng đen; nữ để đầu trần, quần và áo dài đều đen.
Những vị nam, nữ được phép xuất gia thì đều cạo đầu.
Trước năm 1976, lịch sách và lịch 365 tờ do Tam Tông
Miếu xuất bản rất danh tiếng và được ưa chuộng ở khắp hai miền
Nhân kỷ niệm một trăm năm mở Đạo Minh Lý,
xin chia sẻ mấy nét khái quát về nền Đạo này.
1. MINH
LÝ ĐẠO 明理道
Minh Lý Đạo có thể hiểu
đơn giản như sau: “Minh” là làm cho sáng tỏ và dễ
hiểu (clarifying); “Lý ” là
Lẽ Thật tuyệt đối (the absolute
Truth); “Đạo” là Con Đường (the Way). Vậy,
“Minh Lý Đạo”
là Con Đường làm sáng tỏ và dễ hiểu Lẽ Thật tuyệt đối (the Way to clarify the absolute Truth).
Hiểu sâu hơn, Minh Lý Đạo là con đường để
con người làm sáng (thắp sáng) cái Lẽ Thật ở trong chính bản thân mình, để mình
không còn bị quyến rũ, bị gạt gẫm bởi mọi thứ hiện tượng, tình cảm, lời lẽ giả
dối, , v.v... trên đời.
2.
TAM TÔNG MIẾU 三宗廟
Minh Lý
Đạo là con đường dung hợp Tam Giáo hay Tam Tông (Nho, Lão, Phật), thế nên thánh sở chánh của Minh Lý Đạo có tên là “Tam Tông Miếu” (the
Three Teachings Shrine).
“Miếu” là đền thờ. Đền thờ Đức Khổng Tử gọi là “Văn Miếu” 文廟; đền thờ tổ tiên nhà vua gọi là “Thái Miếu” 太廟. Chiều ngày 26-11-2023, tại xã Lợi Bình Nhơn, thành phố Tân An, tỉnh Long An, Minh Lý Đạo khánh thành một thánh sở trực thuộc (ảnh 2), và gọi là THÁNH MIẾU LONG AN. 隆安 聖廟.
3. TIÊU NGỮ
Tiêu
ngữ (slogan) của Minh Lý Đạo là: BÌNH ĐẲNG 平等 –
CỘNG TÁC 共作 –
HÒA ÁI 和藹 (equal – collaborative
– amiable). Tiêu ngữ này áp dụng trong sự
tu thân, hành đạo, và phụng sự xã hội, quốc gia.
Để có tâm “bình đẳng” thật sự vượt lên mọi não trạng kỳ thị, óc phân
biệt, lòng đố kỵ của “bản ngã” (ego; self), con người phải tập thiền, tu
tịnh (practising meditation). Vì thế,
Minh Lý Đạo có một nơi chuyên để tu luyện gọi là BÁC NHÃ
TỊNH ĐƯỜNG 般若淨堂 ở số 765 Võ Thị Sáu, khu phố Hải Lộc, huyện
Long Điền, thị trấn Long Hải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (ảnh 3).
Trong
nhiều cách thực hiện “cộng tác” và “hòa ái”, rõ nét nhất có lẽ là Phòng Khám Bệnh Miễn Phí của Minh Lý Đạo
(gồm phòng khám nội tổng hợp và phòng chẩn trị châm cứu) làm việc từ Thứ Hai đến
Thứ Sáu (14:00-16:00 giờ). Y bác sĩ và điều dưỡng phục vụ tại đây là tín đồ Cao
Đài, Công Giáo, Phật Giáo, Minh Lý, và không tôn giáo. Ngoài ra, hằng năm Minh
Lý Đạo còn tổ chức nhiều đợt phát gạo giúp đồng bào nghèo tại Tam Tông Miếu,
Bác Nhã Tịnh Đường, và Thánh Miếu Long An.
Từ khi Hội
Ngộ Liên Tôn vào ngày 27 tháng 10 hằng năm của Tổng Giáo Phận TpHCM ra đời tới
nay, Minh Lý Đạo là một thành phần “cộng tác” đều đặn và rất gắn bó.
4. MƯỜI HAI VỊ KHAI SÁNG MINH LÝ ĐẠO
Khi trước,
Đức Chúa Giêsu chọn mười hai Thánh tông đồ thay Chúa đi rao giảng Tin Mừng cho
muôn dân. Sau này, để khai sáng Minh Lý Đạo, Ơn Trên chọn mười hai vị có tên
thánh (thánh danh 聖名) liệt kê trong hai câu đối này: MINH Chánh Giáo Đạo Truyền Thiện Hạnh / LÝ
Trực Đàm Đức Hóa Cường Ngôn. Qua đó, kể tên các vị theo thứ tự như sau:
1. Ngài Âu Kích (1896-1941), tự Âu Kiệt
Lâm, thánh danh Minh Chánh, đắc quả Minh Chánh Hộ Pháp.
2. Ngài Nguyễn Văn Xưng (1891-1957),
thánh danh Minh Giáo, đắc quả Minh Chiếu Chơn Quân.
3. Ngài Nguyễn Văn Đề (1893-1925), thánh
danh Minh Đạo, đắc quả Khai Thiền Chơn
Nhơn.
4. Ngài Lê Văn Ngọc (1887-1965), thánh
danh Minh Truyền, đắc quả Bảo Đức Chơn
Nhơn.
5. Ngài Nguyễn Văn Miết (1897-1972),
thánh danh Minh Thiện, đắc quả Bác Nhã Thiền
Sư Tam Tông Pháp Chủ Nguyên Quân Bồ Tát.
6.
Ngài Trương Văn Ký
(1907-1984), thánh danh Minh Hạnh, đắc quả Đăng Minh Chơn Nhơn.
7.
Ngài Võ Văn Thạnh
(1895-1976), thánh danh Minh Trực. Năm 1948, Ngài tách
ra và lập Thiền Tịnh Đạo Tràng Phật Bửu Tự
(số 80/2 đường Cao Thắng, quận 3).
Sau khi thoát xác Ngài về chầu Tam Giáo Tổ Sư.
8. Ngài Nguyễn Hữu Hay (1899-1961), thánh
danh Minh Đàm, đắc quả Quảng Tế Chơn Nhơn.
9.
Ngài Nguyễn Văn Hoài
(1904-1945), thánh danh Minh Đức, đắc quả Ly Cấu
Chơn Nhơn.
10.
Ngài Nguyễn Minh Đức
(1884-1964), thánh danh Minh Hóa, đắc quả Minh Quang
Chơn Thánh.
11. Ngài Lâm Thiên Hứa (1907-1994), thánh danh Minh Cường, đắc quả Hạnh Nguyên Chơn Thiền.
12. Ngài Lê Kim Bằng (1885-1967), thánh danh Minh Ngôn, đắc quả Phổ
Thiện Chơn Nhơn.
5. CẢM NGHĨ
Hầu như
các đời môn sanh đệ tử Minh Lý Đạo mang tính cách truyền thống gia đình. Các đời
ông bà, cha mẹ tu hành nghiêm mật, đạo cao đức trọng, đắc quả thiêng liêng, làm
gương sáng cho con cháu kính ngưỡng noi theo, tự nguyện nối bước tu hành của tổ
tiên. Trải qua một thế kỷ hiện hữu, Minh Lý Đạo đã và đang xác định là một
nền chánh pháp “độc sáng” 獨創 (original) của dân tộc Việt Nam; do đó, rất cần được tìm hiểu,
nghiên cứu sâu rộng.
Nhiêu Lộc,
09-01-2024.
Tuần báo Công Giáo Và Dân Tộc, số 2427,
tuần lễ từ 12 đến 18-01-2024
>>> Để có thể biết thêm về nền Đạo MINH LÝ, kính mời quý đạo hữu đọc trực tuyến hay tải xuống miễn phí bản sách PDF của Đại Cơ Minh: MINH LÝ ĐẠO NHƯ TÔI HIỂU (Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2022), quyển 144.1 của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo. Đường dẫn tại đây:
>>> Nếu thỉnh sách in giấy (152 trang, 14,5x20,5cm), kính mời quý đạo hữu liên lạc với soạn giả Đại Cơ Minh qua Tin Nhắn FB này:
https://www.facebook.com/profile.php?id=100002010104622