Thứ Năm, 25 tháng 1, 2024

THƠ XƯNG DANH TRONG THÁNH GIÁO CAO ĐÀI

 


THƠ XƯNG DANH

TRONG THÁNH GIÁO CAO ĐÀI

HUỆ KHẢI

1. Mấy năm trước, thể theo lời mời của linh mục PX Bảo Lộc, tôi hân hạnh dự vài lớp đêm tại Học Viện Mục Vụ (Tổng Giáo Phận TpHCM) để góp ý với quý anh chị học viên khóa Đối Thoại Liên Tôn (môn học về đạo Cao Đài). Nhờ thế, tôi biết có anh có chị thích thú các bài thánh thi xưng danh làm theo thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú hay tứ tuyệt. Chẳng hạn, thánh giáo ngày 18-01 Ðinh Mão (Chủ Nhật 19-02-1927) in trong “Thánh Ngôn Hiệp Tuyển” mở đầu với bài tứ tuyệt như sau:

QUANG minh huệ nhãn chiếu càn khôn

THÁNH đức lưu tâm quốc bảo tồn

ÐẾ Việt san hà chung hạnh đạt

QUÂN tranh thế giới Ðạo khai môn.

Như vậy, Đấng giáng cơ dạy đạo đã xưng danh là QUAN THÁNH ĐẾ QUÂN.

Quý học viên nhờ tôi cho biết về thể thơ này, vì thấy nó thú vị và rất phổ biến trong thánh giáo Cao Đài. Tiếc rằng thời gian vắn vỏi của buổi học không tiện cho tôi chia sẻ chút ít hiểu biết cạn cợt của mình.

2. Bác sĩ Trần Ngọc Án (1888-1963), bút danh Diên Hương, khi soạn cuốn Phép Làm Thơ (Sài Gòn: nhà sách Khai Trí xb, 1963, in lần thứ hai), chỉ nói sơ sài về thể thơ này (tr. 142, 149), và gọi là thơ “khoáng-thủ” [sic]. Bài tứ tuyệt của Thanh Tâm (chưa biết là ai) nhan đề “Kỉnh tạ ông Thuần-Phong tặng cuốn Ngụ-Ngôn Việt-Nam” được Diên Hương chọn làm thí dụ (tr. 149), gồm bốn câu như sau:

NGỤ ý cao thâm giá ngọc đường

NGÔN-từ nho-nhã bực đài-chương

VIỆT-văn lưu-loát thông thiên-hạ

NAM-vận hòa thinh nhứt thế trường.

Bốn chữ đầu bốn câu thơ ráp lại thành NGỤ NGÔN VIỆT NAM là nhan đề bộ sách (hai quyển) của Thuần Phong Ngô Văn Phát (1912-1983), người Vĩnh Lợi (Bạc Liêu). Năm 1956, ông Phát có công đặt tên các đường phố Sài Gòn Chợ Lớn Gia Định, và nhiều tên đường xưa trong số đó ngày nay vẫn còn giữ nguyên.

3. Thánh giáo Cao Đài gọi thể thơ này là “khoán thủ” hay “khoán thủ thi bài”. Tôi tìm trong một số từ điển và sách khảo về các thể thơ, dạy cách làm thơ, vẫn chưa gặp hai chữ “khoán thủ”. Do đó, trước đây có lúc tôi tạm giảng “thủ” là “đầu”, và “khoán” là “giao ước”; vậy, “khoán thủ” là “giao ước lấy các chữ ở đầu từng câu thơ ráp lại”. Nếu “giao ước” lấy chữ trong câu thơ thì gọi là “khoán tâm” 券心. Chẳng hạn:

CAO xanh MỪNG trẻ kết dây liên

ĐÀI trổ XUÂN hoa đượm thế miền

THƯỢNG hỷ KỶ niên đầy xán lạn

ĐẾ mừng HỢI đến cảnh Nghiêu thiên

GIÁO dân ĐẤT Á không nài quản

ĐẠO mở VIỆT Nam vững mối giềng

NAM bắc BÌNH thông khai Quốc Đạo

PHƯƠNG trời HÒA ái thấy Bồng Tiên.

(Tòa Thánh Tiên Thiên Châu Minh, Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển I. Sài Gòn: Tân Sửu 1961, tr. 9.)

Bài thất ngôn bát cú xưng danh dẫn trên vừa “khoán thủ” là CAO ĐÀI THƯỢNG ĐẾ GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG (Cao Đài Thượng Đế dạy Đạo phương Nam), vừa “khoán tâm” là lời chúc của Đức Cao Đài (các chữ thứ ba trong bài thơ): MỪNG XUÂN KỶ HỢI ĐẤT VIỆT BÌNH HÒA. (Kỷ Hợi là năm 1959.)

Trở lại với Diên Hương (người Trà Vinh), ông viết sai chánh tả bởi vì giọng miền Nam không phân biệt “khoán” với “khoáng”.

4. Lâu lắm rồi, tôi nhớ mang máng có đọc trong quyển sách nào đó của nhà văn S.N., thấy ông gọi thể thơ này là “quán thủ”, nhưng giờ đây truy tìm trong một số từ điển thì không thấy; nhờ Google giúp cũng không kết quả. (Do đó, tôi đành viết tắt bút danh nhà văn ấy, bởi chỉ nhớ mơ hồ.)

Tuy thiếu sách vở làm căn cứ, tôi vẫn ưng cách gọi “quán thủ” và tạm giảng rằng “quán” là “xem xét”; “quán thủ” là “xem xét các chữ ở đầu từng câu thơ”. Dù tạm giảng như nói trên, tôi vẫn cứ bận lòng tìm kiếm xem “khoán thủ” và “quán thủ” từ đâu mà ra.

5. Gần đây, nhờ bào đệ Lê Anh Minh trợ giúp, tôi biết rằng người Hoa gọi lối thơ này là “tàng đầu thi” 藏頭詩 (thơ giấu đầu), trong đó có kiểu “quán thủ thi” 冠首詩, cũng gọi “quán đỉnh thi” 冠頂詩, “quán đầu thi” 冠頭詩.

Ba chữ “thủ”, “đầu”, và “đỉnh” đều có nghĩa “ở trên cùng, trên đỉnh, đầu tiên”. Chữ “quán” là “đứng đầu”; người đứng đầu một cuộc thi tài là “quán quân” 冠軍, tức là nhà vô địch (champion).

Tiểu thuyết Thủy Hử (Bờ Nước) của Thi Nại Am (1296-1371) ở Hồi Sáu Mươi Mốt kể chuyện Lư Tuấn Nghĩa trước khi bỏ nhà mà theo các hảo hán Lương Sơn Bạc (tức là “làm phản” triều đình) đã đề trên vách bài thơ như sau:

蘆花叢中一扁舟

俊傑俄從此地游

義士若能知此理

反躬難逃可無憂.

hoa tùng trung nhất thiên chu

Tuấn kiệt nga tòng thử địa du

Nghĩa sĩ nhược năng tri thử lý

Phản cung nan đào khả vô ưu.

Á Nam Trần Tuấn Khải (1895-1983) dịch:

hoa phơ phất chiếc thuyền bơi

TUẤN kiệt vui chơi buổi tối trời

NGHĨA sĩ tay cầm ba thước kiếm

PHẢN rồi chém lũ nghịch thần chơi.

Khi ráp các chữ đầu bốn câu thì được câu: LƯ TUẤN NGHĨA PHẢN.

6. Như vậy, lối thơ xưng danh phổ biến trong thánh thi Cao Đài là thơ “quán thủ” 冠首.Nhưng tại sao thánh giáo Cao Đài lại gọi là “khoán thủ” thay vì “quán thủ”?

Tôi nghĩ rằng ở đây ắt có sự “biến âm” (phonetic variation) của phương ngữ Nam Kỳ, tức là QU biến âm thành KH như ta từng thấy: QUãng cách → KHoảng cách; QUãng đường → KHoảng đường; QUãng trống → KHoảng trống.

7. Bạn đạo của tôi là hiền huynh Giuse Bùi Văn Hóa (Phó Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn, Tổng Giáo Phận TpHCM) làm thơ thường ghi bút danh Hòa Duyên, hoặc Duyên Hà. Khi đọc thánh giáo Cao Đài có lẽ thích thú lối thơ xưng danh “quán thủ / khoán thủ” trong đạo Cao Đài nên huynh Giuse Hóa (giáo xứ Bùi Phát, quận Ba) từng nhiều lần làm thơ quán thủ.

Khi ấn tống giai phẩm Xuân Chung Tâm (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2011), tôi cho biết sang năm 2012 sẽ ấn tống giai phẩm Xuân Hòa Đồng. Thế thì, huynh Giuse Hóa gởi tặng tôi bài thơ bát cú chúc xuân Tân Mão (2011) như sau:

XUÂN THÊM XUÂN

MỪNG Ấn Tống, ba mốt tháng xuân,

XUÂN Chung Tâm đậm nét nẻo xuân.

CHUNG tay hiệp lực in kinh sách,

TÂM kết Tâm – sáng tạo Trời Xuân.

VỌNG nhớ thăng trầm trong quá khứ,

XUÂN TRỜI như vắng! Dạ bâng khuâng.

HÒA đồng liên kết, nay nên nghiệp,

ĐỒNG vui xuân mới – Xuân trong XUÂN.

DUYÊN HÀ (31-01-2011)

Đọc “quán thủ” thì có lời chúc này: MỪNG XUÂN CHUNG TÂM VỌNG XUÂN HÒA ĐỒNG. Nghĩa là hiền huynh đang mong chờ xuân sau (2012) sẽ đón nhận thêm tập Xuân Hòa Đồng, như tôi hứa hẹn trong tập Xuân Chung Tâm. Ý nhị thay!

HUỆ KHẢI

Nhiêu Lộc, 15-01-2024

Tuần san CGvDT, số 2429 từ 26-01 đến 01-02-2024