NIÊN BIỂU ĐỨC GIÁO
TÔNG
NGUYỄN NGỌC TƯƠNG (PHẦN 2/3)
THỨ BA
24-11-1931 (15-10 Tân Mùi)
Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương làm “Tờ
tỏ bày việc đạo cho Hội Nhơn Sanh nhóm lần thứ nhứt tại Tòa Thánh Tây Ninh ngày
15-10 Tân Vì (24-11-1931)”, trong các việc “tỏ bày” có
phần nói rõ về quyền làm chủ tài sản của Đạo như sau:
“Hội Thánh tới nay mua sắm được sở đất chín mươi sáu héc-ta để làm
thánh địa, cất Tòa Thánh và các Viện, và một sở kế cận năm mươi héc-ta để cho
các đạo hữu cất nhà ở và lập nghĩa địa.
Hai sở đất này khi mua đề tên bà Nữ Chánh Phối Sư là Lâm Ngọc Thanh
và tên tôi là Nguyễn Ngọc Tương đứng bộ chung, thế mặt cho Đạo.
Tôi
cũng có làm cho Hội Thánh cầm một cái khai chứng rằng từ ngày tôi về Tòa Thánh
hành đạo sắp lên, những tài sản chi mua sắm mà đề tên tôi đứng tức là của Hội
Thánh; cái tên tôi không còn dùng ngoài đời mà mua sắm đứng bộ riêng cho tôi
một tài sản chi nữa hết.” ([1])
ĐẦU THÁNG 3-1933 ĐẾN ĐẦU THÁNG 3-1934
(từ tháng 02 Quý Dậu đến tháng 01 Giáp Tuất)
Tại
Tòa Thánh Tây Ninh liên tiếp xảy ra nhiều việc bất hòa giữa một số chức sắc
lãnh đạo Hội Thánh. Đó cũng là mầm mống để sau này Đạo bị phân hóa thành các
chi phái.
Trước
tình trạng căng thẳng khó có thể giải quyết ổn thỏa, tiền khai Nguyễn Ngọc
Tương chọn giải pháp rời Tòa Thánh, lui về Đất Đỏ (Bà Rịa), vào núi Kỳ Vân ([2]) ẩn tu.
THỨ SÁU 29-6-1934 đến THỨ HAI 02-7-1934
(18-5 Giáp Tuất đến 21-5 Giáp Tuất)
Tiền
khai Nguyễn Ngọc Tương nhập đại tịnh, tuyệt thực.
THỨ BA 24-7-1934 (13-6
Giáp Tuất)
Thể
theo nguyện vọng của nhiều chức sắc và tín đồ, nhất là Quyền Ngọc Đầu Sư Lê Bá
Trang, Quyền Thượng Đầu Sư Nguyễn Ngọc Tương rời núi Kỳ Vân trở về hành đạo.([3])
Không
thể ở Tòa Thánh Tây Ninh được nữa, tiền khai lập văn phòng tại thánh thất Bình
Hòa (Gia Định) và thánh thất An Hội (Bến Tre). Tiền khai ra Châu Tri số 3 thông
báo sự việc cho bổn đạo (trích):
“Nay đến thời kỳ Chỉnh Đạo, tôi phải thi
hành phận sự của Thầy và Đức Lý phú thác, là lo giúp việc chấn chỉnh nền Đạo và
việc giáo dục nhơn sanh. Cũng vì từ ngày Anh Cả ra mạng lịnh số 21 và Phổ Cáo
Chúng Sanh ngày 04-02-1934, làm cho sự hòa bình tan rã, nên cực chẳng đã tôi
phải tạm ở đỡ nơi thánh thất Bình Hòa (Gia Định) và An Hội (Bến Tre) mà giúp
Thầy chỉnh Đạo. Chừng nào có lịnh Thầy dạy, tôi sẽ trở về Tòa Thánh Tây Ninh mà
chung lo quy hiệp.
(...) Xin chư hiền hữu may được Thần Thánh bố hóa nơi tâm thì hãy vui
hiệp với ông Quyền Ngọc Đầu Sư và tôi mà lo giúp Thầy chỉnh Đạo. (...)
Tiếp được Châu Tri nầy và các Châu Tri sẽ
gởi đến nữa, xin chư hiền hữu vui lòng truyền lại cho hết thảy trong đạo hữu rõ
biết.” ([4])
THỨ SÁU 27-7-1934 (16-6
Giáp Tuất)
Quyền
Thượng Đầu Sư Nguyễn Ngọc Tương và Quyền Ngọc Đầu Sư Lê Bá Trang ra Châu Tri số
4, thông báo việc lập Chương Trình Chỉnh
Đạo, gồm sáu điều khoản. Về Ban Chỉnh
Đạo, có đoạn viết:
Điều thứ năm: Sẽ có một Ban Chỉnh Đạo để bàn tính với
hai vị Quyền Đầu Sư các việc đạo trước khi thi hành. Ban nầy của các họ đạo
hiệp nhau chọn cử trong hàng chức sắc hay là đạo hữu có đạo đức và trí thức,
nhất là để lo chấn chỉnh nét tu, khép trọn vào khuôn hạnh, gom hiền góp đức mà
làm cho ra vẻ đạo thành.
Điều thứ sáu: Những chức sắc và đạo hữu lưỡng phái xem
Chương Trình nầy rồi, vui lòng thuận theo thì hãy đến trước Thiên Bàn trong một
thời cúng, nguyện với Thầy làm y như vậy, rồi cứ lo thật hành theo đó. Chừng
nào có người của chúng tôi phái đến các họ đạo, thì được hỏi thêm cho rõ, rồi
tỏ sự quyết định của mình.
Hiện nay chúng tôi tạm ở nơi thánh thất
Bình Hòa (Gia Định) và thánh thất An Hội (Bến Tre) mà lo phận sự giúp Thầy
chỉnh Đạo cho đến thành. Rồi tới ngày giờ Thầy định, sẽ về Tòa Thánh Tây Ninh
mà chung lo quy hiệp với những người chơn chánh.([5])
THỨ TƯ 26-9-1934 (18-8
Giáp Tuất)
Quyền
Thượng Đầu Sư Nguyễn Ngọc Tương và Quyền Ngọc Đầu Sư Lê Bá Trang ra Châu Tri số
5, khuyên trong các họ đạo nếu đã nhìn nhận chung lo việc chỉnh Đạo, thì cử một
phái viên cho mỗi họ đạo, để về họp đại hội công cử ra Ban Chỉnh Đạo tại thánh
thất An Hội (Bến Tre). Châu Tri này quy định năm điều khoản để hướng dẫn sắp
đặt Ban Hành Thiện tại mỗi làng. Ban Hành Thiện lo giúp đỡ bổn đạo trong các việc
như tật bịnh, tai nạn, quan hôn tang tế, lập lễ nhạc và ban đồng nhi, tạo
thuyền bát nhã, lập nghĩa địa, v.v...([6])
THỨ BA 20-11-1934
(14-10 Giáp Tuất)
Đại hội công cử Ban Chỉnh Đạo được tổ chức tại thánh thất
An Hội. Có tám mươi lăm phái viên thay mặt cho tám mươi lăm họ đạo trong mười
tám tỉnh miền
Phái viên của mười tám tỉnh công cử một Ban Chỉnh Đạo như
sau:
[1] Bạc
Liêu: Ông Phạm Văn Sở, nghiệp chủ (Thới Bình). [2] Bà Rịa:
Ông Ngô Văn Quyển, Chánh Trị Sự (Phước Thọ). [3] Bến Tre: Ông Lê
Háo Học, Giáo Hữu (Đại Điền); ông Lê Tam Tỉnh, Thông Sự (Thạnh Ngãi). [4] Biên
Hòa: Ông Mai Văn Thành, Chánh Hội Trưởng (An Thành). [5] Cần Thơ:
Ông Trần Văn Nhân, nghiệp chủ (Phong Thạnh). [6] Châu Đốc: Ông
Phan Duy Cai, giáo viên (Phú Lâm). [7] Chợ Lớn: Ông Nguyễn
Văn Chất, cựu Hội Đồng (Tân Kim); ông Nguyễn Duy Thuần, Chánh Thủ Bổn (Tân
Lân). [8] Gia Định: Ông Ngọc Kinh Thanh, Giáo Sư (An Hội);
ông Thượng Bộ Thanh, Giáo Hữu (Thuận Kiều). [9] Gò Công: Ông
Nguyễn Tuấn May, Chánh Từ Hàn (Tân Niên Trung). [10] Long Xuyên:
Ông Lê Văn Thơ, nghiệp chủ (Tân Thạnh). [11] Mỹ Tho: Ông
Phạm Hữu Hạnh, Chánh Bái (Giao Hòa). [12] Rạch Giá: Ông
Huỳnh Tấn Đức, nghiệp chủ (Hỏa Lựu). [13] Sa Đéc: Ông Lê Minh
Phong, Chánh Quản Lý Học Viện (Kim Bửu). [14] Sóc Trăng: Ông Lê
Văn Yên, Chánh Trị Sự (An Thạnh Nhì). [15] Tân An: Ông Nguyễn Văn
Lưu, chủ thánh thất Bình Quới. [16] Tây Ninh: Ông Phạm Văn
Ngọ, Sĩ Tải (Thái Bình Thánh Địa). [17] Trà Vinh: Ông Phạm Trung
Đô, Đầu Quận Đạo (Đa Lộc). [18] Vĩnh Long: Ông Nguyễn Văn Lưu,
nghiệp chủ (Sơn Định).([7])
Đại hội ủy nhiệm cho Ban Chỉnh Đạo hiệp với hai vị Quyền
Thượng Đầu Sư Nguyễn Ngọc Tương và Quyền Ngọc Đầu Sư Lê Bá Trang hành đạo cho
đến ngày quy hiệp về Tây Ninh. Ban Chỉnh Đạo quyết định sẽ mở một lớp hạnh
đường dạy chức sắc, chức việc tại thánh thất Bình Hòa (Gia Định) và thánh thất
An Hội (Bến Tre); sẽ soạn một cuốn lễ bổn về quan hôn tang tế tạm dùng trong
Đạo.
Ban Chỉnh Đạo vừa thành lập buổi sáng, chiều họp tiếp thì
nhận được điện tín từ Tòa Thánh Tây Ninh báo tin Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung
(1876-1934) đã quy thiên.([8]) Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương
xin đại hội dành năm phút tịnh tâm tưởng niệm người Anh Cả đã dày công buổi
khai Đạo, và khuyên các họ đạo cầu nguyện, để tang cho Anh Cả. Sau đó, Quyền
Thượng Đầu Sư Nguyễn Ngọc Tương và Quyền Ngọc Đầu Sư Lê Bá Trang cấp tốc trở về
Tòa Thánh Tây Ninh dự lễ tang. Dù không được cho vào dự lễ, hai vị “cũng ở nhà ngoài cho đến mãn cuộc”.([9])
THỨ TƯ 05-12-1934 (29-10
Giáp Tuất)
Thượng Chánh Phối Sư Quyền Đầu Sư Nguyễn Ngọc Tương ra Châu
Tri số 7 cho biết rằng sau khi Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung quy thiên, việc hòa
hiệp với Tòa Thánh Tây Ninh vẫn chưa đạt được. Do đó, ngài cùng với Quyền Ngọc
Đầu Sư Lê Bá Trang còn phải tạm ở thánh thất Bình Hòa và thánh thất An Hội để
lo chấn chỉnh nền Đạo. Ngài Thượng Tương Thanh khuyên các họ đạo mau sắp đặt
cho xong Ban Hành Thiện, rồi đi cầu an và tụng kinh tại mỗi nhà đạo hữu, để cầu
nguyện cho nền Đạo sớm được an bình trở lại.([10])
THỨ BẢY 15-12-1934
(09-11 Giáp Tuất)
Thượng Chánh Phối Sư Quyền Đầu Sư
Nguyễn Ngọc Tương, Ngọc Chánh Phối Sư Quyền Đầu Sư Lê Bá Trang và
Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu đồng ký tên Châu Tri số 8 “gởi cho chức sắc Thiên phong lưỡng
phái” (tr. 13).
Trích:
– “Nền
Đạo chinh nghiêng rắc rối mấy năm nay, trong chư hiền hữu ai cũng hiểu ít nhiều
duyên cớ bởi tại đâu mà sanh ra.”
– “Bởi thấy việc rất quan hệ, nên chúng tôi phải mời hết chức sắc
Thiên phong lưỡng phái từ Lễ Sanh sắp lên, đến nhóm tạm nơi thất An Hội (Bến
Tre) 8 giờ sớm mai ngày 24 Décembre 1934 (18 tháng 11 An Nam) mà chung lo việc
chấn chỉnh nền Đạo lại thế nào cho trên thuận lòng Trời, dưới hòa sanh chúng,
thì cái ngày thành đạo đắc quả mới mong thấy được.”
– “Xin chư hiền hữu hãy rán đến nhóm cho đông mới có đủ tinh thần năng
lực mà định đoạt việc lớn lao này, đặng tỏ lòng thiệt thương Thầy mến Đạo.” ([11])
THỨ HAI 24-12-1934
(18-11 Giáp Tuất)
Đại hội họp buổi sáng (8-11 giờ), chiều họp lại (15-17 giờ 30). Có mặt: Quyền Thượng Đầu Sư
Nguyễn Ngọc Tương, Quyền Ngọc Đầu Sư Lê Bá Trang, Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu,
Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu, bảy Giáo Sư, hai mươi bảy Giáo Hữu, bốn mươi
Lễ Sanh. Phái nữ có ba Giáo Sư, một Giáo Hữu và ba Lễ Sanh.
Đại hội công cử Quyền Ngọc Đầu Sư Lê Bá Trang làm Thượng
Chưởng Pháp; cử ra Quyền Chánh Phối Sư ba phái,([12]) lập Bàn Cửu Viện,([13]) cử một vị làm đầu phái nữ.([14]) Sau cùng đại hội
ấn định sẽ họp Hội Vạn Linh từ Thứ Hai
11-02-1935 (08-01 Ất Hợi) đến Thứ Năm 14-02-1935 (11-01 Ất Hợi).([15])
Vậy, Thứ Hai 24-12-1934 là ngày “Hội Thánh nhóm tại thánh thất An Hội
Bến Tre”.([16])
THỨ BẢY 29-12-1934
(23-11 Giáp Tuất)
Từ thánh thất Bình Hòa, có Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang “chứng kiến”,
Thượng Đầu Sư Nguyễn Ngọc Tương gởi Châu Tri số 9 nhắc lại lời mời họp Hội Vạn
Linh từ Thứ Hai
11-02-1935 (08-01 Ất Hợi) đến Thứ Năm 14-02-1935 (11-01 Ất Hợi) tại thánh thất
An Hội (Bến Tre) với hai mục đích: (a) Chọn
trong hàng Chưởng Pháp hay Đầu Sư một vị để cầm giềng mối Đạo; (b) Quyết định
việc trở về Tòa Thánh Tây Ninh.([17])
1935 (Ất Hợi)
Ngài Thượng Tương Thanh cho khởi công tu tạo thánh thất An
Hội.([18])
Thiên Lý Mật Truyền được cất tạm trên nóc Thiên Phong
Đường.
(Cuối năm 1939 Thiên Lý Mật Truyền được dời về nơi cất Tịnh
Xá, trong vườn Trước Hoa Kỳ Thọ.)
Hội Thánh phê chuẩn, ban hành quyển Lễ Nghi Niêm Thức – Hôn
Nhơn, Tang Tế, dày 43 trang (12x15,5cm), nhà in Xưa Nay, Sài
Gòn.
THỨ BẢY 05-01-1935 đến THỨ TƯ 06-02-1935
(01-12 Giáp Tuất đến 03-01 Ất Hợi)
Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương nhập đại tịnh, tuyệt thực, cầu
phước cho nhơn sanh đầu năm mới.
THỨ HAI 11-02-1935 đến THỨ NĂM 14-02-1935
(08-01 Ất Hợi đến 11-01 Ất Hợi)
Lúc 8 giờ sáng, Hội Vạn Linh khai mạc tại thánh thất An
Hội, có tám mươi tám họ đạo trong hai mươi tỉnh tham dự. Thượng Chưởng Pháp Lê
Bá Trang chủ tọa, đã trình bày:
“Sở dĩ
gọi Hội Vạn Linh là vì Hội nầy gồm toàn các phần tử trong Đạo, từ chức sắc đại
Thiên phong cho đến tín đồ. Ấy là hội lớn hơn hết trong Đạo vì Hội Vạn Linh gồm
cả ba: Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh, và Thượng Hội.
Quyền
của Hội Vạn Linh tự nhiên phải lớn hơn các quyền trong Đạo. Thánh giáo có dạy
rằng quyền vạn linh đối với quyền của Đức Chí Tôn. Vạn linh nhứt định tức là
Đức Chí Tôn nhứt định vậy, vì nhơn tâm tức Thiên ý.
Hội
Vạn Linh để định đoạt những việc tối trọng của Đạo, mà không hội nào khác định
được, ví dụ như việc chọn cử người cầm giềng mối Đạo.
Vì sao mà có nhóm Hội Vạn Linh hôm nay?
Nguyên
khi Anh Cả chúng ta là ông Thượng Trung Nhựt quy liễu rồi, thì bên Cửu Trùng
Đài khuyết vị thay thế cho Thầy mà làm chủ quyền Đại Đạo tại thế. Hễ thiếu, thì
tự nhiên phải có người thay, chớ không nên để trống, vì nếu không ai làm đầu,
thì làm sao mà cử động hình thể được.
Trong
Hội Thánh hiện thời, những chức sắc đại Thiên phong đứng kế Anh Cả là ba vị
Quyền Đầu Sư, sắp theo thứ tự thọ phong trước sau là: Thượng Tương Thanh, Ngọc
Trang Thanh và Thái Thơ Thanh.
Hồi
mới khai Đạo tới nay, có nhiều thánh giáo của Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo Tông
cho biết trước phận sự của ông Thượng Tương Thanh ngày sau là người cầm giềng
mối Đạo.
Tôi
trích lục vài đoạn thánh giáo ấy ra đây cho chư hiền hữu rõ:
1.
Thánh giáo [29-5] năm
Thìn ngày 16-7-1928, đàn tại quận Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa. Hộ Pháp và Thượng
Phẩm phò loan. Ông Thượng Trung Nhựt, Thượng Tương Thanh, Thái Thơ Thanh và Nữ
Chánh Phối Sư Hương Thanh chứng đàn.
‘Thầy các con.
(...)
Tương, con nhớ lời Thầy! Con vốn con tin của Thầy giao cho
Chánh Phủ. Nhờ con mà nền Đạo mới ra lẽ chơn chánh trước mặt Chánh Phủ và chúng
sanh. Thầy để con chịu sự nhọc nhằn đau thảm, song có vậy mới đặng, vì con là
Đạo, Đạo là con. Thầy rất mừng cho hạnh đức con, rất hạp cùng lý Đạo. Thầy dặn
con phải ẩn nhẫn, chịu khổ hạnh cho lẽ Đạo đặng rỡ ràng. Đạo nhờ con mà nên,
con vì Đạo mới ra đáng mặt.
(...)
Ôi! Con yêu dấu ôi! Nếu mỗi đứa anh con đều đặng như con
vậy, Đạo chưa ra đến nỗi nầy. Thầy nhiều phen ứa lụy! Con hiểu ý Thầy. Thầy
biết bụng con, con rán chịu. Thầy xin con đừng sầu thảm mà động đến Thầy. Con
nhớ buổi trước Thầy dặn riêng con và Trung thế nào chăng?’
(...)
2. Và
thánh ngôn ngày 14-8-1931, [01-7] năm Mùi, đàn nơi bửu điện Tòa Thánh Tây Ninh, Hộ Pháp và Văn Pháp([19]) phò loan. Ông Thượng Trung Nhựt, Thượng
Tương Thanh, Ngọc Trang Thanh, Thái Thơ Thanh và Hương Thanh chứng đàn.
‘Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Lý Giáo Tông.
(...)
Ngọc Trang Thanh! Kêu Thượng Tương Thanh.
(...)
Thượng Tương Thanh! Lão mừng hiền hữu đó. Lão vì Chí Tôn đã
hứa, mà lo lập vị cho đáng giá, thì hiền hữu phải tận tâm mà chung lo với Lão
mới phải. Ngày nay đã hành chánh, thì cũng nên tập cho mình có đủ tư cách người
cầm sanh mạng của nhơn loại.’
(...)
Cũng
vì phẩm vị hiện thời của ông Thượng Tương Thanh trong Hội Thánh, và cũng vì các
lời thánh giáo của Thầy và Đức Lý dạy trước đó, nên tôi có ý tỏ muốn xin trong
Hội Thánh công cử ông Thượng Tương Thanh lên chấp chưởng nền Đạo cho thuận
Thiên ý, cho hòa Luật Đạo. Nhưng ông Thượng Tương Thanh nằng nằng không dám, vì
bởi Đạo đã phân rẽ nhiều chi nhiều phái; lại thánh giáo Thầy và Đức Lý dạy cũng
đã lâu rồi, chưa biết nhơn sanh còn để trọn đức tin nơi đó hay chăng.
Vả
lại, sau khi an táng Anh Cả chúng ta rồi, ông Hộ Pháp lại nắm luôn quyền hành
của phẩm Giáo Tông, lập Nghị Định ngày 12-12-1934 [06-11
Giáp Tuất], ký tên như vầy: ‘Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài: Hiệp Thiên và Cửu
Trùng: Phạm Hộ Pháp’. Việc nầy trái Luật
Pháp: Hiệp Thiên Đài hay ([20]) về phần thiêng liêng là phần hồn; Cửu Trùng
Đài về phần hữu hình là phần xác. Hai Đài có quyền hành đặc biệt, không bên nào
xâm lấn bên nào được. Nếu chức sắc Hiệp Thiên Đài qua lần lần hết bên Cửu Trùng
Đài, thì phải bỏ trống Hiệp Thiên Đài, tức là bỏ cho hồn tan thì xác phải rã.
Vì các
cớ đã tỏ trên đây nó rất trọng hệ cho nền Đạo, nên hai vị Quyền Đầu Sư thi hành
phận sự mình, nhóm Ban Chỉnh Đạo rồi nhóm Hội Thánh mà bàn tính về vấn đề tối
trọng ấy. Song hai Hội nầy không giải quyết được, nên mới nhứt định mời nhóm
Vạn Linh hôm nay.
(...)
Vì sao
Hội Vạn Linh không nhóm nơi Tòa Thánh Tây Ninh, lại nhóm tại thánh thất An Hội (Bến Tre)?
Ấy là
tại mấy vị chức sắc nơi Tòa Thánh Tây Ninh. Ông Thượng Tương Thanh có viết thơ
ngày 11 tháng Chạp (15-01-1935) xin ông Hộ Pháp Phạm Công Tắc thuận tình để cho
Hội Vạn Linh nhóm về Tòa Thánh, cho có thể tán thành sự hòa hiệp cho nền Đạo
đặng yên. Song ông Hộ Pháp trả lời không thuận, nên ngày nay mới có nhóm tại
đây.
Hội bỏ
thăm tuyển cử rồi, bàn tính sắp đặt xong rồi sẽ nhứt định việc về Tòa Thánh
tưởng không muộn gì.
Đây
tôi xin nhắc lại cho chư hiền hữu nhớ rằng thánh địa ở Tây Ninh, ông Thượng
Tương Thanh vẫn còn thay mặt cho Đạo đứng bộ làm chủ như trước. Không ai có
quyền cản ngăn không cho Đạo theo ông về Tòa Thánh đặng.
Hội
Vạn Linh nầy nhóm đủ phép theo Luật Đạo, vì là Hội Thánh nhóm ngày 24-12-1934,
có tám mươi ba vị chức sắc Thiên phong dự hội, hiệp với hai vị Quyền Đầu Sư và
hai vị chức sắc bên Hiệp Thiên Đài nhứt định mời hội. Vả lại cái duyên cớ mời
hội cũng đủ trong Châu Tri mời nhóm gởi trước cho các thánh thất và đăng vào
báo trước lâu ngày, tưởng cũng đủ thì giờ cho toàn Đạo đâu đâu đều được hay
biết hết.”([21])
Thượng Chưởng Pháp chủ toạ cuộc bỏ phiếu, bắt đầu từ 2 giờ
30 chiều ngày 08-01 Ất Hợi, đến 6 giờ chiều ngày 10-01 Ất Hợi mới xong.
THỨ BA 12-02-1935
(09-01 Ất Hợi)
Hội Vạn Linh tại thánh thất An Hội lập vi bằng (biên bản)
về việc Tòa Thánh Tây Ninh đòi đất thánh địa và các thánh thất. Có đoạn viết:
“Ông
Hộ Pháp và bà Nữ Chánh Phối Sư có gởi thơ cho ông Thượng Tương Thanh mà đòi đất
Tòa Thánh và các thánh thất của ông đứng tên.
Sau
khi xét nét rồi, Hội Vạn Linh nhứt định để hết thảy tài sản của Đạo cho vị đắc cử cầm giềng mối Đạo đứng bộ làm
chủ cho Đạo (...).” ([22])
THỨ NĂM 14-02-1935
(11-01 Ất Hợi)
Lúc 8 giờ sáng, Hội Vạn Linh còn khoảng một ngàn người dự.
Ban Trị Sự kiểm trong thùng được năm ngàn ba trăm năm mươi ba phiếu.([23]) Trong đó: Thượng
Chưởng Pháp Lê Bá Trang được hai mươi bảy phiếu; Thượng Đầu Sư Nguyễn Ngọc
Tương được năm ngàn ba trăm hai mươi sáu phiếu. (Có năm ngàn ba trăm hai mươi
lăm phiếu xin về Tòa Thánh Tây Ninh hành đạo.)
Buổi chiều Hội Vạn Linh họp lại (15-18 giờ 30), còn khoảng một ngàn người dự. Thượng Chưởng Pháp Lê
Bá Trang công bố biên bản kiểm phiếu. Hội Vạn Linh đồng đứng dậy chào mừng
Thượng Đầu Sư Nguyễn Ngọc Tương đã đắc cử địa vị cầm giềng mối Đạo. Ngài Thượng
Tương Thanh phát biểu:
“Thưa
chư vị hiền hữu lưỡng phái.
Khi mở
Hội Vạn Linh, tôi vì biết mình tài sơ đức thiểu, đã có tuyên bố rằng không ra
dự cử, nhưng chư hiền hữu cũng tín nhiệm bỏ thăm cho tôi đại đa số như vậy, làm
cho tôi rất cảm động. Tôi xin để lời cảm tạ ơn hết thảy chư vị hiền hữu còn ở
lại đây và chư vị vắng mặt.
Vả
chăng phận sự cầm giềng mối Đạo là rất lớn lao nếu chẳng biết chắc có Thiên lực
phò trì, thì không ai dám lãnh. Lòng tín nhiệm của vạn linh đã tỏ ra rõ ràng
hôm nay, tôi tin thiệt là mạng lịnh của Trời định vậy. Nên tôi không dám từ
nan, phải cúi đầu vâng chịu.
Chư
hiền hữu đã có để lòng tin tưởng nơi tôi mà phú thác các gánh nặng nề nầy cho
tôi, thì từ đây về sau, tôi cũng xin chư hiền hữu vùa giúp ([24]) cho tôi lo tròn phận sự. Còn việc về Tòa
Thánh Tây Ninh, vạn linh đã bỏ thăm ‘về’ gần trọn hết. Tôi vẫn cũng có lòng
ước vọng như vậy, nhưng nghĩ lại sự về có điều trở ngại, nên phải làm sao về
cho được êm ái hòa thuận.
Tôi
tưởng phải nhờ hiền hữu Thượng Chưởng Pháp và Hội Vạn Linh rán lo liệu giùm
việc khó khăn nầy mới được.” ([25])
Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang tuyên bố:
“1.
Ông Đầu Sư Thượng Tương Thanh đã nhận sự tuyển cử ông hôm nay.
2. Ông
cũng đã thuận tình về Tòa Thánh Tây Ninh.
3. Còn
lễ đăng điện cho ông tôi tính làm tại Tòa Thánh Tây Ninh có mời các chi các
phái. Vậy chư hiền hữu có đồng ý kiến không?”
Mọi người đồng ý.( [26])
Hội Vạn Linh công cử ba vị Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang,
Thượng Sanh Cao Hoài Sang (1901-1971), và Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu về Tòa
Thánh Tây Ninh thương nghị việc hòa hiệp.([27])
THỨ BA 19-02-1935 đến THỨ BẢY 23-02-1935
(16-01 Ất Hợi đến 20-01 Ất Hợi)
Theo nghị quyết của Hội Vạn Linh ngày Thứ Năm 14-02-1935
(11-01 Ất Hợi), ba vị Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang, Thượng Sanh Cao Hoài
Sang, và Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu hướng dẫn một phái đoàn đông đảo về Tòa
Thánh Tây Ninh thương nghị việc hòa hiệp.
Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang gởi thư đến Phạm Hộ Pháp và
các Nghị Viên trong ban Phụ Chánh, nhưng không được tiếp.
Ngày 21-02-1935 Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang gởi đến Phạm
Hộ Pháp thư thứ hai, cho biết đến 12 giờ trưa Thứ Bảy 23-02-1935 (20-01 Ất Hợi)
thì Thượng Chưởng Pháp hết phận sự được ủy thác đi nghị hòa.
Thứ Bảy 23-02, lúc 10 giờ sáng, Phạm Hộ Pháp phái Tiếp Đạo
Cao Đức Trọng (1897-1958) là một Nghị Viên trong ban Phụ Chánh ra tiếp riêng
Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang. Cao Tiếp Đạo giải thích rằng phái đoàn về đông
tới bảy, tám trăm người mà không báo trước, nên không thể tiếp ở Tòa Thánh vì
sợ xảy ra điều trở ngại; vậy tiếp một mình Thượng Chưởng Pháp cũng như tiếp cả
phái đoàn; Thượng Chưởng Pháp được trọn quyền quyết định việc về Tòa Thánh Tây
Ninh, nhưng phải cho ban Phụ Chánh biết trước năm ngày để chuẩn bị tiếp đón.([28])
THỨ NĂM 04-4-1935 (02-3
Ất Hợi)
Hội Thánh Bến Tre gởi thơ mời các chức sắc từ Lễ Sanh trở
lên về thánh thất An Hội (Bến Tre) dự lễ đăng điện của Đức Giáo Tông Nguyễn
Ngọc Tương.
THỨ
NĂM 11-4-1935 (09-3 Ất Hợi)
Tại Bến Tre, Thượng Đầu Sư Nguyễn Ngọc
Tương gởi Châu Tri đến các chức sắc, chức việc, và đạo hữu nam nữ:
“Từ ngày 14 tháng Giêng tới
nay, gần được hai tháng rồi, Đức Thượng Chưởng Pháp lãnh lịnh của Hội Vạn Linh,
cũng cứ hết lòng lo điều đình mãi sự hòa hiệp với Tây Ninh, nhưng kết quả cũng
chưa thấy hình thấy dạng.
(…)
Vậy
Đức Chưởng Pháp và tôi nhứt định từ đây ở nơi thánh thất An Hội (Bến Tre), lập
Văn Phòng tại đó mà lo việc đạo. Chừng nào có mạng lịnh của Đại Từ Phụ dạy thì
mới về Tòa Thánh Tây Ninh.” ([29])
THỨ BA
07-5-1935 (05-4 Ất Hợi)
Lập đàn cơ tại thánh thất An Hội. Chứng
đàn: Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang và Thượng Đầu Sư Nguyễn Ngọc Tương. Phò
loan: Châu, và Lê Tam Tỉnh (1893-1966). Đức Lý Thái Bạch Tiên Trưởng giáng, dạy
Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang nghi thức làm lễ đăng điện như sau:
“Đúng 11 giờ 9 phút ngày mùng 7 tới đây [Thứ Năm 09-5-1935] đem hiền hữu Thượng Tương
Thanh tắm gội, xông hương bách hoa, rồi trấn sau lưng chín chữ Cửu Thiên
Khai Hóa (...). Nơi nhứt khiếu [nê huờn] đề Thập
Nhị Linh Thần. Hai bàn tay trấn Thần Lục Đinh Lục
Giáp. Chơn họa phù Chiếu Linh Tiên. (…)
Mười hai giờ trưa cùng ngày
mùng 7 đó, hiền hữu vào Bát Quái Đài trấn thần vào Thiên phục Giáo Tông, trấn
thần Kim Quang, rồi lên Cửu Linh Điện là chỗ của em tọa vị, triệu Thập Nhị Thời
Thần Vương. Trấn bốn hướng tứ phương bằng bùa Giáng Ma Xử. Kế đăng điện liền, cho Bần Đạo chia sớt nhị xác
thân (…).
Thượng Tương Thanh lên tọa vị.
Hiền hữu Thượng Trang Thanh đọc thánh giáo về Luật của Bần Đạo giáng dạy Thượng
Tương Thanh, đã đưa cho rồi đó. Đạo truyền và hai thánh giáo (các thánh giáo
này đặng đem vào Thiên sử). Khi đọc rồi thì ra ngoài bàn Hộ Pháp đứng ngó vô
cho ngay mặt Giáo Tông, rồi truyền lịnh như vầy:
‘Sắc lịnh cho Bảo Phong Quân [Hồ Thiện Quyện], Khai Thế [Lê Thành] Tính
và Bảo Đức Chơn Quân [Nguyễn Văn Cho], các em khá dâng
Luật và Pháp.’
Sáu bàn tay dâng lên Đức Giáo
Tông. Dâng rồi để trên ghế, thì hiền hữu đi thẳng đến trước mặt, gần
nơi ngai của Giáo Tông mà phán lời này:
‘Này là Thiên Luật, hiền hữu
khá tuân theo!’
Đoạn
này rồi thì Giáo Tông đứng dậy, mới cất tiếng xưng hô danh hiệu của mình. Rồi
tỏ lòng thương nhân loại, nghĩa là giơ hai tay lên trên không mà nhìn trọn chư
đạo hữu một giây lát. Kế dộng mười hai tiếng chuông, thì Giáo Tông vào Bát Quái
Đài làm phép nước, rồi sắp trở về nhà Thiên Lý Mật Truyền. Ấy là xong phận.” ([30])
THỨ TƯ 08-5-1935 (06-4
Ất Hợi)
Việc thương nghị hòa hiệp với Tòa Thánh Tây Ninh không đạt
kết quả mong muốn. Theo đề nghị của Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang, lễ đăng
điện được đồng thuận sẽ tổ chức tại thánh thất An Hội để ngài Thượng Tương
Thanh chánh thức nhận phẩm vị Giáo Tông.
Theo thơ mời ngày Thứ Năm 04-4-1935, các chức sắc từ Lễ
Sanh trở lên về thánh thất An Hội dự lễ đăng điện của Giáo Tông Nguyễn Ngọc
Tương. Lúc 15 giờ đã có mặt: Thượng Chưởng
Pháp Lê Bá Trang; Thượng Đầu Sư Nguyễn Ngọc Tương; Giáo Sư (năm nam, một nữ);
Giáo Hữu (hai mươi nam, ba nữ); Lễ Sanh (một trăm bảy mươi nam, trong đó có một
trăm bốn mươi bốn mới được công cử; và một trăm lẻ tám nữ, trong đó có một trăm
mới được công cử.)([31])
THỨ NĂM 09-5-1935 (07-4
Ất Hợi)
Lễ đăng điện của Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương được cử
hành long trọng vào giờ Ngọ. Buổi chiều, Hội Thánh Bến Tre họp lại lúc 16 giờ
30.
THỨ SÁU 10-5-1935 (08-4
Ất Hợi)
Hội Thánh Bến Tre phê chuẩn Nội Luật Thánh Thất và cho phép ban hành (xem minh họa, tr. 169) để hướng dẫn cách tổ chức nội trị trong từng họ
đạo.
THỨ BẢY 11-5-1935 (09-4
Ất Hợi)
Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang ra bố
cáo, cho biết từ ngày 09-5-1935 (07-4 Ất Hợi) ngài “đã giao quyền đạo lại cho Đức Giáo Tông”. Trong bố cáo, Thượng Chưởng Pháp dẫn lại bài “Kinh Chúc
Mừng” (mười sáu câu) do Đức Giáo Tông Vô Vi Lý Thái Bạch ban cho ngài Thượng
Tương Thanh vào giờ Tý, Thứ Tư 17-4-1935 (15-3 Ất Hợi):
Đầu cúi lạy Ơn Trên Từ Phụ
Ban phước lành nuôi đủ chúng
sanh
Hoằng khai mối Đạo nên thành
Nay cho một đấng Thánh hành độ
dân
Cầm giềng mối ra ân cứu khổ
Giải cho đời sanh khổ đặng an
Bốn phương lạc nghiệp thừa
nhàn
Mừng nay đặng thấy một đàng
Thánh minh
Giữa vạn vật công bình chánh
trực
Giáo dẫn đời đặng thoát biển
mê
Trần gian lao khổ nhiều bề
Nhờ ơn rọi đuốc dẫn về ngôi
xưa
Mừng nền Đạo sớm trưa phong
nhã
Vừng mây lành phủ cả càn khôn
Nương theo phép nhiệm vĩnh tồn
Mừng trong sanh chúng phước
tồn ngày nay.([32])
THỨ HAI 05-8-1935 (07-7
Ất Hợi)
Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương bắt đầu đợt đại tịnh một
trăm hai mươi ngày tại Thiên Lý Mật Truyền (trên nóc Thiên Phong Đường). Trong
bảy ngày sau cùng, Đức Giáo Tông tuyệt thực, mỗi ngày chỉ uống vài hớp nước.
HUỆ
KHẢI
(Còn
tiếp)
([1]) Huệ Nhẫn, Lịch Sử Đạo Cao Đài. Quyển II. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2008, tr. 118.
Xem thêm: Thứ Bảy 09-5-1931 (22-3 Tân Mùi), về hai văn bản giao cho Hội Thánh.
([2])
Trong thời gian làm chủ quận Xuyên Mộc, tiền khai Nguyễn Ngọc Tương cất một cái
am để tu dưỡng trên núi Kỳ Vân (nay thuộc xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ,
tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Lúc đầu tên gọi là Bạch Vân Am, sau đổi
là Bạch Vân Điện.
([12]) Ba
vị được cử lên Quyền Chánh Phối Sư là Ngọc Giáo Sư Nguyễn Văn Kinh, Thượng Giáo
Sư Nguyễn Văn Lai, và Thái Giáo Sư Nguyễn Quang Minh.
([14]) Vị
làm đầu phái nữ được cử là Giáo Sư Hương Tám (Mỏ Cày). Nhưng Thứ Ba 05-02-1935 Giáo Sư Hương Tám
gởi thơ về Tòa Thánh Tây Ninh, xác định không lãnh phận sự làm đầu nữ phái.
([16]) Châu Tri Chỉnh Đạo
1934-1936, tr. 15, in: “BÀI
DIỄN VĂN của Thượng Đầu Sư đọc nơi Hội Thánh nhóm tại thánh thất An Hội Bến Tre
ngày 18 tháng 11 An Nam (24 Décembre 1933)” [sic]. Đúng ra là 1934. (Xem thêm: Tiểu Sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr.
53.)
([18]) Làng An Hội xưa
có ngôi thánh thất đầu tiên đặt tại nhà tiền bối huyện hàm Nguyễn Dư Hoài
(1868-1930). Bấy giờ đạo Cao Đài chưa chia tách. Sau khi tiền bối Nguyễn Dư
Hoài quy thiên, thánh thất ấy không còn. Khu đất đó hiện nay đối diện nhà thờ
Tin Lành, góc Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Huệ, thành phố Bến Tre. Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương cho cất trên đất nhà một
thánh thất nhỏ (cột bằng cây dừa lão, lợp ngói, nền lót gạch tàu), là thánh
thất An Hội. Khi cho tu tạo thánh thất An Hội (1935), đồ từ khí và các thứ được
gởi tạm tại nhà riêng ông Võ Văn Lý (1878-1953) là nhà sàn đối diện nhà tu
trung thừa nữ (nhà tu này hiện ở số 189 Trương Định, phường 6, thành phố Bến
Tre). Thánh thất An Hội lạc thành ngày Chủ
Nhật
16-5-1937 (07-4 Đinh Sửu). Theo Huệ Nhẫn, Lịch
Sử Đạo Cao Đài. Quyển II, tr.
400. (Xem minh họa, tr. 43.)
([23]) Phân
loại 5.353 phiếu có được: chức sắc nam nữ 296 phiếu; chức việc nam nữ 3.522
phiếu; phái viên 1.535 phiếu. Mỗi phái viên đại diện cho 100 đạo hữu, nên số
phiếu của phái viên tương đương 153.500 phiếu. Vậy, số 5.353 phiếu trong thùng
tương đương 157.318 phiếu. (Châu Tri
Chỉnh Đạo 1934-1936, tr. 33.)