IV. BÀI CHÚC TỤNG NGÀI
NGUYỄN NGỌC TƯƠNG
Bổ sung hành trạng tiền khai Nguyễn Ngọc
Tương, hai nhà nghiên cứu THANH MINH (Thái Hoàng Tú) và PHẠM KHOA cung cấp văn
liệu sau đây (thư Chợ Lớn, ngày
05-02-2024).
Tôn trọng lối viết và cách dùng chữ của
lớp tiền nhân, vẫn giữ nguyên văn của ông Phan Kim Tố,([1]) Huệ
Khải chỉ sửa lỗi chánh tả, chú thích từ ngữ; để cho gọn, có lược bớt một đôi
dòng không cần thiết, và đánh dấu chỗ lược bớt là (...).
Huệ Khải trân trọng đa tạ tấm lòng hai nhà
nghiên cứu Thanh Minh và Phạm Khoa. (Nhiêu
Lộc, 23-02-2024)
Bài
chúc cho quan chủ quận NGUYỄN NGỌC TƯƠNG
đổi
đi trấn nhậm quận Cần Giuộc (Chợ Lớn)
Bẩm quý Ông, cùng quý Thầy,
Bữa tiệc đây, trước có quý ông, sau có quý
thầy, cho phép tôi đọc một bài cung tụng ([2]) đức
tánh của quan Huyện ([3])
Nguyễn Ngọc Tương, trước hết sự liêm – công – mẫn – cán,([4]) sau
nữa bề ([5]) cư xử
của Ngài đối đãi với với dân tình xã hội, lúc Ngài trấn nhậm tại quận Hòn Chông
([6]) nầy:
Bẩm quý Ông, cùng quý Thầy, (...).
Từ ngày Ngài trấn nhậm quận nầy tới nay, trước
hết Ngài siêng lo việc quốc sự, lấy đức trị dân, khai kinh ([7]) mở
ruộng, dạy dân lo nghề nông nghiệp, nhờ vậy mà dân bổn xứ ([8]) đặng
an cư lạc nghiệp, chẳng có quân trộm cướp như khi trước. Ngài lấy lời nhỏ nhẹ
mà dạy dân như con đỏ,([9]) bất
luận kẻ sang người hèn, nên dân xứ khác mến đức của Ngài, tới đây xin nhập bộ ([10]) hai
làng đông đảo hơn hết, nên Ngài chia cho dân mỗi người một ít đất đặng lo khai
phá làm ruộng cho có chút tư bổn ([11]) mà tự
độ thê nhi.
Bởi vậy nên mấy năm nay, tiền công nho ([12]) và
dân số trong làng Bình Trị và An Bình ([13]) đều
tăng số. Ngài lại lo tu cất cho làng An Bình một tòa vỏ ca,([14]) làng
Bình Trị một cái đình Thần và lo xin cho có sắc Thần Hoàng Bổn Cảnh ([15]) của
Đại Triều Nam phong cấp.([16]) Những
công trình của Ngài sáng tạo ra đây, ấy là cái yêu dấu của Ngài nêu trước mắt
muôn dân, đáng kính đáng phục, đáng lưu truyền danh ư hậu thế.([17])
Còn nói qua bề cư xử của Ngài đối đãi với
bọn làm việc chúng tôi tại Hòn Chông nầy, thì Ngài lấy sự tử tế mà dạy chúng
tôi và thương chúng tôi chẳng khác nào em ruột vậy, và Ngài chẳng có ý tư riêng
mà làm hại kẻ dưới tay của Ngài. Thứ nhứt là tôi đây, làm việc dưới quyền của
Ngài, thì Ngài coi tôi như ruột rà, Ngài thường răn dạy tôi việc ở đời, phải
rán lo làm ăn cho kịp thời với chúng bạn, lánh việc xấu mà noi gương tốt. Ngài
còn dạy tôi nhiều điều hữu ích cho nhơn quần xã hội, kể sao cho xiết. Nhờ ơn
giáo huấn của Ngài nên ngày nay tôi mới tập thuần tánh nết. Chẳng phải có Ngài
đây mà tôi nói theo ([18]) Ngài,
ấy là sự thật, có sao tôi nói vậy, chẳng chút chi thêu dệt. Nay đang giữa đời,
Ngài đắc lịnh quan trên, trỗi gót lên đường, thẳng tới quận Cần Giuộc mà trấn
nhậm, đoạn bứt niềm sư đệ, thật tôi rất đau lòng xót dạ khiến cho lương tâm tôi
chẳng chút nào nguôi.
Thương thay! Tiếc thay!
Thương là thương tánh tình Ngài hiền hậu,
đức hạnh khiêm hòa, bề cư xử rất nên tao nhã. Còn tiếc là tiếc công mở mang của
Ngài chưa được thành tựu, khiến cho quan trên vội đổi Ngài đi, làm cho dân tình
lơ láo chắc là đám dân khờ nầy, phải buông trôi theo dòng nước.
Các công việc của Ngài làm cho ích nước
lợi dân tại quận Hòn Chông nầy, từ bốn năm một tháng có dư, nào chánh phủ có rõ
biết công lao cực khổ của Ngài dầm sương, dang nắng nơi hang sâu, rừng vắng
chăng? Duy có dân tình bổn xứ đây biết mà thôi, nào ai dám kêu ca cho thấu tai
chánh phủ mà thưởng công Ngài cho xứng đáng. Ước ao sao cho chánh phủ để Ngài ở
lại ít năm nữa, thời mới vừa lòng thỏa nguyện của chúng dân.
Xét cho trường ([19]) quan
lại, việc thuyên bổ là lẽ thường. Nay có giấy quan trên thuyên bổ Ngài đi trấn
nhậm quận khác, ấy là việc nước, chẳng phải ai mà làm cho Ngài đổi ([20]) đặng,
và chẳng phải Ngài sợ ai ganh ghét mà Ngài xin đổi, cũng có một ít người vô
lương tâm, ganh ghét Ngài nên ngôn dực trường phi ([21]) nói
rằng Ngài bị việc mà đổi, vậy tôi khuyên bá tánh chớ tưởng mà lầm và chẳng nên
nghe lời đồn huyễn ([22]) ấy mà
buồn lòng vô ích. Chúng tôi cũng ước ao sao cho Ngài tái nhậm lại một lần nữa,
thì chúng tôi mới phỉ ([23]) lòng
mơ ước.
Vậy thì bữa tiệc đây, xin Ngài dùng cạn ly
rượu này là ly rượu của chúng tôi kính chúc cho Ngài và bửu quyến Ngài thượng
lộ đăng trình,([24])
khương ninh ([25]) vĩnh
viễn.
(...)
M. Phan Kim Tố
Secrétaire de la Délégation ([26])
Hà Tiên – Hòn Chông
*
Bài ca tống hành ([27]) quan
Huyện Nguyễn Ngọc Tương, Chủ quận Hòn Chông
Dưng kính dưng quan Huyện một bài
Rượu châu ([28]) kính
chúc cho Ngài
Điệu tớ thầy từ nầy rẽ phân
Cho hay thuyên bổ xây vần ([29])
Phận râu mày vẫy vùng Lục Châu ([30])
Mối giềng lo âu
Đáng mặt thay công hầu ([31])
Ngày mà hôm nay
Dọn tiệc ra tiễn hành quan Huyện
Bài chúc đọc liền
Nhắc đức tánh của ông
Công* Ngài ở rất minh công
Tánh hiền từ liêm công mẫn cán
Thương dân nghèo giúp người hoạn nạn
Tu ([32]) miễu
đình, vỏ ca, kinh,([33]) ruộng
Bốn năm khổ cực chăn dân quận nầy
Công khai phá rất cao dầy
Chúng dân mến đức mến tài
Đang giữa đời phải mà chia hai
Tại vì ai mà lá lay ([34])
Khiến phân chia chúa tôi hai ngả
Chua xót gan vàng
Chánh phủ nào có biết công chăng?
Xăng* con mắt tôi thấy lăng xăng ([35])
Tiệc mấy thầy, các ban trọng đãi
Thương tiếc Ngài, công lao rất phải
Mến đức tài, ngàn ơn muôn ngãi ([36])
Chung nhau chúc tụng phước sâu cho Ngài
Bình Trị hương chức tựu rày ([37])
Chưng bông kết tụi ([38])
nghiêm bày
Đặt cỗ bàn trống kèn rình rang
Ngoài lộ quan ([39]) đuốc
đèn cờ nghiêm trang
Rước Huyện quan đáo lai ([40]) dự
tiệc
Discours ([41]) chúc
Ngài
Câu thượng lộ bình an
Trang* sắp đặt nghiêm trang
Làng An Bình cùng dân cám cảnh ([42])
Tiệc bày, đãi Ngài
Dụng lễ nhạc mà rước đưa
Giống thỉnh Thần thuở xưa
Cuộc rước đưa cờ chạy đến là đèn…
Khen vậy mới đáng khen
Công của Ngài mấy năm khai phá
Cực lòng, giúp đời
Ơn đức bủa khắp mọi nơi
Dân sự đều vui chơi
Đáng kính mến thay ơn Ngài
Đây từ đây phân cách mặt Ngài
Phận tôi chúc tụng một bài
Bấy lâu nay nhớ ơn biểu dạy ([43])
Thậm cảm tình hiền lương
Nghĩ bấy ([44]) thân
bụi trần vùi dập
Thầm tủi cho phận hèn
Dâng hai lạy mà đền ơn
Nhơn* Ông ở rất có nhơn
Bá tánh lòng dạ đâu có sờn
Nghe* hễ nghe vừa dứt tiếng đờn
Xin cô bác, chúc cho Ngài bách niên.
PHAN KIM TỐ kính.([45])
GHI CHÚ: Về các chữ
Công*, Xăng*, Trang*, Nhơn* được
lưu ý bằng dấu * như trong năm câu hát ở các trang 120, 121, 122, hai nhà
nghiên cứu Thanh Minh và Phạm Khoa giải thích về năm chữ
này như sau:
1. Năm câu hát này
có điệp từ [repetition]:
Công Ngài ở rất minh công
Xăng con mắt tôi thấy lăng xăng
Trang sắp đặt nghiêm trang
Nhơn Ông ở rất có nhơn
Nghe hễ nghe vừa dứt
tiếng đờn.
Đây là phương pháp
điệp từ cho phù hợp chữ đờn trong điệu ca bài tống hành này. Thí dụ, với bốn
câu kết, chữ đờn như sau:
Nhơn [xang] Ông ở [xê] rất có nhơn [xang](–)
Bá
tánh [xê] lòng dạ [lịu] đâu [xê] có
sờn [hò]
(+)(+)(mô) Nghe
[liu](+) hễ nghe [liu] vừa dứt [xế] tiếng đờn [xàng]
(+) Xin
[xê] cô bác [xự](+), chúc
[líu] cho Ngài [xề] bách niên [liu](+).
2. Ghi chú:
2.1. (mô) là nhịp nghỉ (không đờn, không
ca).
2.2. (+) là nhịp chánh (một nhịp).
2.3. (–) là nhịp ngoại (nửa nhịp).
THƯ TỊCH / BIBLIOGRAPHY
Huệ Khải,
Đất Nam Kỳ – Tiền Đề Pháp Lý Mở Đạo Cao Đài /
Cochinchina as a Legal Precondition for the Foundation of Caodaism. Hà Nội:
Nxb Tôn Giáo, 2010.
Huệ Khải, Lược
Sử Đạo Cao Đài: Thời Tiềm Ẩn 1920-1926 / A Concise Caodai History: The Earliest Beginnings 1920-1926. Hà
Nội: Nxb Hồng Đức, 2023.
Huệ Khải, Lược Sử Thánh Thất Cao Đài Thủ Đô Hà Nội. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo,
2015.
Huệ Khải,
Ngô Văn Chiêu – Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên / Ngô Văn Chiêu – the
First Caodai Disciple. Hà Nội:
Nxb Tôn Giáo, 2012.
Huệ
Nhẫn, Lịch Sử Đạo Cao Đài. Quyển II.
Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2008.
Nguyễn Như Lân, 200
Năm Dương Lịch Và Âm Lịch Đối Chiếu (1780-1980). Sài Gòn: Nxb Khai Trí,
1968.
Nguyễn
Thế Anh, Việt Nam Dưới Thời Pháp Đô Hộ.
Sài Gòn: Nxb Lửa Thiêng, 1970.
Nguyễn Trung Hậu, Đại Đạo Căn Nguyên. Sài Gòn: Imprimerie Đức Lưu Phương, 1930.
Nguyễn Văn Hồng, Danh Nhân Đại Đạo. Bản thảo.
Nguyễn Văn Hồng, Đạo Sử Nhựt Ký. Bản thảo.
Nha Khí
Tượng Việt Nam, Lịch Thế Kỷ XX
(1901-2000). Hà Nội: Nxb Phổ Thông, 1976.
Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Minh Mệnh Chính Yếu, Tập III, từ Quyển 8 tới 13. Võ Khắc Văn và Lê
Phục Thiện dịch. Sài Gòn: Bộ Văn Hóa Giáo Dục Và Thanh Niên xb, 1974.
Thanh
Minh (Thái Hoàng Tú) và Phạm Khoa, Góp Ý
Hiệu Chỉnh Quyển Sách Hành Trạng Tiền Khai Nguyễn Ngọc Tương (1881-1951).
Bốn lá thư từ Chợ Lớn, ngày 06, 13, 14, và 20-02-2024. (Khi dẫn nguồn tham khảo
trong sách, các cước chú ghi là: Theo
Thanh Minh và Phạm Khoa. / When information from their four letters is
referred to, footnotes read, “According
to Thanh Minh and Phạm Khoa.”)
Thánh
thất An Hội (Bến Tre), Châu Tri Chỉnh Đạo
1934-1936. Bến Tre: Nhà in Bùi Văn Nhẫn, 1936.
Thánh
thất An Hội (Bến Tre), Châu Tri Chỉnh Đạo
1934-1936. Sài Gòn: Nhà in Hòa Chánh, 1954.
[Thánh thất An Hội (Bến Tre),] Tiểu Sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương 1881-1951. Sài Gòn: Nhà in
Hòa Chánh, 1958.
([1]) 1/ Theo bài “Chùa Quảng Tế Phật
Đường (Hà Tiên)”, đăng ngày 16-12-2019, trên Blog Trung Học Hà Tiên Xưa (https://trunghoc
hatienxua.wordpress.com) của nhà giáo Trần Văn Mãnh (ở Pháp), thì ông thơ ký Phan Kim Tố sau này có một thời gian làm dân
biểu Quốc Hội của Việt Nam Cộng Hòa (1955-1963).
2/ Lúc ấy, Quốc Hội chỉ có một
viện thay vì chia ra Thượng Viện và Hạ Viện. Dân biểu lãnh khoảng 25.000
đồng/tháng trong lúc giáo sư trung học đệ nhị cấp mới ra trường (dạy Đệ Tam, Đệ
Nhị, Đệ Nhứt, tức ba lớp 10, 11, 12 sau này) mức lương là 6.700 đồng/tháng.
(Theo chỉ dẫn ngày 25-02-2024 của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn, đồng môn lớp trước
[1959-1962] của Lê Anh Dũng (HK) ở trung học công lập Hồ Ngọc Cẩn, Gia Định.)
([4]) liêm 廉: Trong sạch,
không tham nhũng (incorruptible, honest)
– công 功: Công lao, thành tích (achievements) –
mẫn cán 敏幹: Siêng năng và mau mắn (diligent and prompt).
([9]) con đỏ: Trẻ con mới đẻ, da dẻ còn đỏ
hỏn; nghĩa bóng là dân chúng. Chữ Nho là xích
tử 赤子 (newborn,
people). Đạo lý ngày xưa dạy vua, quan phải biết thương dân, chăm lo cho
dân như cha mẹ nâng niu đứa con sơ sinh yếu ớt. Thư Kinh 書經 (Khang Cáo 康誥) có câu “Nhược bảo xích tử” 若保赤子, ý nói kẻ chăn dân phải giống như cha mẹ nuôi nấng con
đỏ.
([10]) bộ (bạ 簿): Những quyển sổ
to của làng (registers) để ghi nhận
(đăng ký: registering) mọi tài sản,
họ tên dân làng, v.v... Thí dụ: Địa bộ là
sổ ghi nhận về ruộng đất. – nhập bộ:
Ghi họ tên vào sổ của làng.
([13]) Năm 1924, quận
Hòn Chông có một tổng (canton) Bình
An gồm hai làng An Bình và Bình Trị; vậy đây là quận (délégation) nhỏ.
([14]) vỏ ca
(có lẽ nên viết võ ca): Gian trước
của đình làng, thường dùng làm nơi diễn hát bội (hát chầu) khi đình có lễ
trọng.
([15]) Nói cho đúng là Thành
Hoàng Bổn Cảnh 城隍本境 (Patron Deity of this Locality). Tục thờ Thành Hoàng liên quan đến sự
thành lập, phát triển của một địa phương và cầu xin Thần linh che chở cho địa
phương ấy. Các vị Thành Hoàng phần lớn là danh thần, anh
hùng, người có công đức to tát tại địa phương nên được dân địa phương phụng thờ
sau khi các vị qua đời. Thành Hoàng được thờ trong đình làng, danh tánh và lai
lịch có thể được biết rõ, nếu mơ hồ, không ai biết thì không có ảnh tượng mà chỉ
thờ một chữ Thần 神. Nhiều vị Thành Hoàng được gọi tên theo tên làng (thí dụ: Thành
Hoàng làng Mỹ Lộc) hoặc gọi chung chung là Thành
Hoàng Bổn Cảnh. Hai chữ bổn cảnh có nghĩa là cảnh vực, khu vực tại địa phương này (this locality), tức là vùng đất vị Thành
Hoàng được thờ (theo thánh chỉ của Đức Thượng Đế hay sắc chỉ của nhà vua) và Thành Hoàng có phận sự che chở cho
dân trong vùng.
Theo Minh Mệnh Chính Yếu, Tập III, từ Quyển 8 tới 13, Võ Khắc Văn và Lê
Phục Thiện dịch (Sài Gòn: Bộ Văn Hóa Giáo Dục Và Thanh Niên xb, 1974, tr. 215),
cách gọi Thành Hoàng Bổn Cảnh được
vua Minh Mạng cho phép dùng kể từ năm 1839.
([16]) Dưới thời Pháp thuộc, dù
Nam Kỳ đang là thuộc địa (colonie) của
Pháp (la Cochinchine française),
nhưng triều đình Huế vẫn duy trì và ủng hộ việc các địa phương xin triều đình
phong sắc Thần để nuôi cái tình của dân chúng trong
hoàn cảnh mất nước, cũng là tiếp nối chánh sách từ đời vua Tự Đức.
([17]) lưu truyền danh ư hậu thế 流傳名於後世: Truyền lại danh thơm cho đời sau (passing down fame to later generations).
([21]) ngôn dực trường phi 言翼長飛: Lời nói có cánh bay xa. Ý trong bài là đồn đãi (đồn
đại), loan truyền tin tức thất thiệt.
([24]) Thượng lộ 上路 và đăng trình 登程 đồng nghĩa, là
lên đường, khởi hành (starting off,
setting out on a journey).
([26]) Secrétaire de la Délégation: Thơ ký
quận. Về chữ “délégation” xem Phụ Lục II, tr.
105 ở trên.
([27]) tống hành 送行: Đưa tiễn (seeing
someone off). Thí dụ: Hôm nay
đã tới mồng mười / Khá toan sắm sửa hai mươi tống hành. (Lục Vân Tiên)
([31]) công hầu 公候: Ý ở đây là làm
quan.
* Xem giải thích Công,
Xăng, Trang, Nhơn ở cuối phụ lục này.
([35]) lăng xăng: Rộn rịp, nhộn nhịp, nhiều
người bận rộn tới lui (để lo liệu cho bữa tiệc tiễn đưa).
([38]) kết tụi: Tụi là “tua”. Kết tơ màu hay
chỉ màu (hoặc kết dải lụa màu) thành chùm (gọi là “tụi”) để treo lên, trang hoàng cho đẹp.
([45]) Đông Pháp Thời Báo, số ra ngày Thứ Sáu 24-10-1924, đăng ở
mục “Đông Pháp Thời Sự”.
GHI CHÚ: Mỗi số Đông Pháp
Thời Báo có từ 4 đến 8 trang (65x40cm), ra ba kỳ mỗi tuần vào Thứ Hai, Thứ
Tư, và Thứ Sáu. Số 1 ra ngày Thứ Tư 02-5-1923. Số chót (809) ra ngày Thứ Bảy
22-12-1928. Chủ nhiệm là Nguyễn Kim Đính (1923-1927). Từ số 635 ra ngày Thứ Sáu
14-10-1927 thì chủ nhiệm là Diệp Văn Kỳ (1895-1945).