Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

BUỔI SÁNG PHỤC SINH SAU DÔNG BÃO

 


BUỔI SÁNG PHỤC SINH

SAU DÔNG BÃO

Tiến sĩ thần học Ralph F. Wilson (người Mỹ) cho biết đã hư cấu câu chuyện này dựa trên sự tường thuật những biến cố quả thật đã xảy ra (the events recounted actually took place); tuy nhiên, không ai biết chắc chắn lớp lang các biến cố ấy đích xác thế nào (no one knows for sure the exact sequence of events).

Ralph F. Wilson kể chuyện như sau

Giống như một trận bão dữ dội qua đi, để lại phía sau hoang tàn, đổ vỡ. Nhưng sớm Chúa Nhật hôm nay tất cả đều im ắng sự lặng lẽ tạm thời sau bão tố hay là dường như thế đối với Ma-ri-a Mác-đa-la.

Trước tiên là Giê-su, đấng dẫn đạo và ngôn sứ xuất thân từ Ga-li-lê. Khi lòng sùng kính ngài ở Giê-ru-sa-lem lên tới đỉnh điểm thì chỉ mới tuần trước, nhiều người đã xem ngài là đấng Mê-si-a. Nhưng hôm Thứ Sáu, những kẻ thù nghịch đã thành công khi hành hình ngài bằng cách đóng đinh trên thập giá.

Những kẻ thù nghịch cắt cử lính canh giữ mộ ngài. Tại sao thế? Chúng nghe đồn rằng Giê-su sẽ “sống lại” vào ngày thứ ba. Đám nghịch thù ấy bảo chuyện này phi lý, nhưng chúng không thể liều lĩnh khinh suất. Nếu có lính canh, đặc biệt là quân La Mã, thì môn đồ của Giê-su chẳng dám lấy trộm thi hài và sẽ không thể tuyên bố rằng Thầy mình đã sống lại. Hãy che đậy bất kỳ những chuyện gì có thể làm nhen lại ngọn lửa trong lòng dân chúng thành Giê-ru-sa-lem. Đó là kế hoạch chúng vạch ra.

Trong đêm tối ẩm ướt, ớn thấu xương, đám lính canh tụm lại quanh đống lửa kêu tí tách, ánh lửa bập bùng hắt lên các ngôi mộ những hình ma bóng quái chập chờn. Lính tráng chẳng sợ chi đâu, chỉ là khó chịu, sốt ruột mong chờ ánh bình minh sẽ sớm tỏ rạng ở chân trời.

Các môn đệ của Thầy Giê-su cũng lưu tâm tới chuyện phục sinh, nhưng họ sợ sẽ bị bắt vì có liên hệ mật thiết với Thầy. Họ trốn tránh trong thành phố. Kẻ nghịch thù mỉm cười tự mãn:

“Bây giờ chả còn phải lo lắng gì về đám người đó cả.”

Những đoàn hành hương đông đúc lúc trước dồn tụ chật ních Giê-ru-sa-lem thì nay đã quay về làng họ, trở về với gia đình họ sau khi xong lễ Vượt Qua, mang theo câu chuyện đầy bức bối về đấng cứu độ ở Ga-li-lê bị sát hại. Dĩ nhiên họ vẫn còn căm giận, nhưng không còn mối nguy về cuộc nổi dậy để phản kháng vụ xét xử và hành hình vị Thầy người Na-da-rét.

Đó là những gì còn lại ngay trước bình minh. Buồn đau, bi thảm. Đã hy vọng nhiều, đã hứa hẹn nhiều, nhưng giờ đây lại trở thành con số không. Một phong trào tràn đầy hứng khởi, hồ hởi đã bị nghiền nát; Thầy bị giết hại, tông đồ trốn tránh, tín hữu rã rời phân tán.

Nhưng sau bão dông cuộc sống phải tiếp tục. Ma-ri-a Mác-đa-la vốn là một trong những môn đồ sùng tín nhất của vị Thầy người Na-da-rét. Bà và mấy phụ nữ khác đã dậy rất sớm để tới viếng di hài Thầy mình, và họ đang trực chỉ khu hầm mộ nằm bên ngoài tường thành. Trong hầm mộ, di hài Thầy nằm lạnh lẽo, bất động trên phiến đá. Ma-ri-a Mác-đa-la đã ở đó tối Thứ Sáu. Đôi bàn tay bà đã giúp lau rửa thi hài và liệm xác.

Các bà rời khỏi đường mà rẽ vào khu vườn mộ, lầm lũi cất bước như không hồn. Thình lình, Ma-ri-a ngước lên nhìn và hét toáng:

“Tảng đá bị dời chỗ rồi!”

Bà chạy ùa vào vườn, băng qua dấu tích ám khói của đống lửa đêm trước, đồ đạc đám lính ném vương vãi trong lúc hoảng loạn tháo chạy. Bà rán hết sức lao tới cửa hầm mộ mở toang. Dây băng và con dấu niêm phong của quân La Mã buông thõng, đong đưa trong làn gió ban mai.

“Thầy đâu rồi?”

Bà thét lên và thò đầu vào trong hầm mộ.

Bóng tối của hầm mộ và mùi đá vôi mới đục cắt choàng phủ lên bà. Khi mắt đã quen với bóng tối, bà nhận ra cái bệ đục từ vách đá, trông thấy trên đó những vải liệm được xếp lại tử tế. Nhưng Thầy Giê-su ở đâu? Ôi, quân trộm mồ cướp mả!

Nhanh như cắt, bà bắt đầu chạy trở ngược vào thành Giê-ru-sa-lem.

“Mình phải báo tin cho Phê-rô và Gio-an.”

Bà chạy nhanh hơn. Dừng lại ở đầu đường nơi các tông đồ đang ẩn náu, hai tay chống vào đầu gối, bà thở hổn hển. Rồi bà dộng mạnh lên cánh cửa.

“Phê-rô, Phê-rô!”

Một lúc khá lâu, Phê-rô mới hé cửa ra, ngó xuôi ngó ngược hai đầu phố. Cuối cùng, ông ra dấu cho Ma-ri-a bước vào và lẹ làng đóng ập cửa lại.

“Có kẻ đã trộm xác Thầy ra khỏi mộ! Chúng tôi không tìm thấy Thầy!”

Phê-rô và Gio-an lúc này đều hoảng hốt. Họ tròng vội áo dài, xỏ dép, và lao mình về hướng vườn mộ. Ma-ri-a theo sau. Bà đi chậm, đầu gục xuống, vừa lầm lũi bước vừa thổn thức. Lúc bà tới bên mộ thì Phê-rô và Gio-an đã tới trước và rời khỏi rồi. Cũng không thấy các bà khác đâu cả.

Bà dừng cạnh cửa mộ một chốc, khóc thảm thiết. Rồi bà trấn tĩnh và bước vào gian hầm lạnh lẽo. Lúc này mặt trời đã lên, hắt những bóng râm ngã dài trong vườn. Lúc này trong mộ dường như cũng sáng tỏ. Hai ông y phục trắng sáng ngời, áo dài chấm bàn chân, cùng đứng lên khi bà đi vào.

“Tại sao chị khóc?”

Bà vừa khóc vừa kể lể:

“Họ đã mang Chúa đi mất rồi, và tôi không biết họ để ngài ở đâu.”

Lúc bà ngẩng lên, hai người ấy không còn đứng đó nữa. Bà xoay người. Kìa, mặt trời hắt bóng một ông khác nơi lối vào. Bà cho là người coi vườn mộ. Có lẽ ông ta biết đấy.

Người ấy hỏi khẽ:

“Tại sao chị khóc? Chị đang tìm ai?”

Bà bắt đầu kể lại câu chuyện đau sầu lần thứ ba, kể về quân trộm mả cướp mồ đã xâm phạm hầm mộ, kể về vị Thầy đã cứu vớt bà và đã trả lại cho bà trọn vẹn cuộc sống. Bà van nài:

“Nếu ông có mang Thầy đi, hãy cho biết xác Thầy ở đâu để tôi còn tìm lại. Sẽ không có rắc rối gì đâu.”

“Ma-ri-a!”

Cái giọng sao mà quen thuộc.

Bà ngước lên, ngỡ ngàng nhận ra. “Thầy ơi!” Bà bật khóc và phủ phục xuống chân Thầy.

Là Giê-su. Là Chúa. Thầy không chết. Thầy trổi dậy khỏi mộ. Thầy còn sống. Thầy đã phục sinh như Thầy đã báo trước.

Cơn bão qua rồi và vầng dương đang xé toang mây mù để bắt đầu một ngày mới.

RALPH F. WILSON & HUỆ KHẢI

Nhiêu Lộc, 18-5-2020

Tuần san CGvDT, số 2256

từ 29-5 đến 04-6-2020