Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

CÁI NGÀY PHÊ-RÔ CHẠY ĐI

 


CÁI NGÀY PHÊ-RÔ CHẠY ĐI

Phúc Âm theo Thánh Gio-an (20:1-9) chép như sau:

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trổi dậy từ cõi chết.([1])

Căn cứ theo tường thuật trên đây, tiến sĩ thần học Ralph F. Wilson (người Mỹ) hư cấu thành câu chuyện có phần tỉ mỉ hơn, và mở đầu bằng cách diễn tả lòng ăn năn của Phê-rô, tông đồ ba lần chối Chúa, đúng như Chúa đã báo trước (Mát-thêu 26:34).

 

Ralph F. Wilson kể chuyện như sau

Ban ngày thì lòng dạ giày vò, ruột gan day dứt; nhưng đêm đêm thậm chí còn tệ hại hơn thế nhiều. Ông đã phản bội vị Thầy kính yêu của mình. Không giấu giếm, không che đậy, mà công khai giữa ban ngày ban mặt ở chốn đông người để cho ai nấy cũng đều thấy rõ, nghe rõ rành rành. Giờ đây muộn màng quá rồi, đâu còn nói được lời xin lỗi. Thầy ông đã không còn nữa.

Phê-rô trở mình, trằn trọc, không sao tìm được tư thế dễ chịu. Ông nghe thấy ngoài kia Giê-ru-sa-lem đang cựa mình tỉnh giấc. Thành phố này ông từng yêu thích đặt chân tới, bây giờ thì thù ghét. Nó lưu giữ quá nhiều ký ức đau thương không sao xóa nhòa được trong tâm trí ông. Hôm nay ông sẽ lên đường trở về Ga-li-lê mà đánh cá, mặc dù ngay cả việc đánh cá lúc này cũng chẳng còn sức quyến rũ ông. Chẳng còn gì làm ông hứng thú nữa.

 “Sao ta lại có thể làm cho Thầy ta xấu hổ đến thế được? Sao ta làm như thế? Phê-rô ơi, mi là kẻ hèn nhát!” Đã hằng ngàn lần ông tự nguyền rủa mình. “Người là Thầy ta! Sao ta có thể làm như thế với vị Thầy yêu kính nhất đời?”

Ông có thể hình dung lại cảnh Giê-su ngồi trên lưng lừa xuôi xuống sườn đồi, đi vào thành Giê-ru-sa-lem trong tiếng reo mừng của hằng ngàn người chào đón. Ông thấy lại cảnh Thầy phẫn nộ xô ngã những mặt bàn chồng chất ăm ắp tiền là tiền trong đền thờ. “Các ngươi đã biến nhà Cha Ta thành sào huyệt của lũ trộm cướp!” Thầy đã mắng những kẻ ấy bằng lời lẽ đích đáng và sắc bén.

Phê-rô nhớ lại cảnh những người mù bỗng dưng sáng mắt, những người què thình lình bước đi, và những người cùi da dẻ gớm ghiếc đột nhiên trở nên mịn màng, mềm mại như trẻ sơ sinh chỉ trong tíc tắc sau khi Giê-su chạm vào. Ông vẫn cảm nhận được bàn tay Thầy đặt lên vai mình sau một ngày dài vất vả lo toan, săn sóc chúng dân. Tiếp theo đó là những lời lẽ cứ tự lặp đi lặp lại trong tâm trí ông: “Cảm ơn Phê-rô hôm nay đã giúp Thầy. Anh là một người trung thành... một người trung thành... một người trung thành.” Những giọt lệ bắt đầu ứa đầy đôi mắt Phê-rô. Trung thành ư? Ta ư?

Khi lính tráng của Thượng Tế cố bắt giữ Giê-su, Phê-rô đã cầm gươm bảo vệ Thầy. Nhưng sau đó, lúc cô tớ gái kia cật vấn: “Ông là một trong các môn đồ của người ấy, đúng không?” Thì ông đã thề thốt phủ nhận. Mà chỉ là một cô tớ gái thôi đấy! Nhưng lần sau và lần sau nữa, ông đã thêm hai lần nói dối đớn hèn trước khi gà gáy; lúc đó, từ khoảnh sân bên kia, ánh mắt Giê-su đã chiếu vào mắt ông. Ánh mắt buồn buồn, thất vọng. Thế là ông suy sụp và bỏ chạy. Chạy ra khỏi ngôi nhà của Thượng Tế, lao vào những con phố tối tăm. Chạy cho đến khi không còn sức chạy thêm nữa. Chạy cho đến khi ông ném mình đổ ập xuống mặt đường rải đá cuội và thổn thức khóc.

Sáng hôm đó, lát sau, từ xa xa ông dõi mắt nhìn quân dữ chế giễu và hành hạ Thầy, cuối cùng chúng dùng cọc lớn đóng vào hai bàn tay và hai bàn chân Thầy, treo Thầy trên thập giá cho tới khi Thầy trút hơi thở. Ông chẳng thể nào chịu đựng được thêm một ngày trong thành này.

Tia sáng lờ mờ buổi bình minh len vào dưới khe cửa. Rốt cuộc đêm đã tàn; hôm nay ông sẽ lên đường. Hôm nay ông sẽ chạy khỏi chốn này, trở về với cuộc sống duy nhất mà ông biết. Hôm nay Phê-rô sẽ bỏ lại sau lưng cái thành phố đẵm máu này.

Ành! Ành! Cánh cửa cạnh đó rung chuyển khi có người không ngừng dộng lên nó. Phê-rô vớ lấy thanh gươm, và mau lẹ nấp sau cánh cửa.

 “Phê-rô, Gio-an, là Ma-ri-a đây! Cho tôi vào.”

Giọng phụ nữ, của Ma-ri-a Mác-đa-la, một trong các môn đồ thân thiết của Giê-su, là người nhiều tháng trời đã cùng các ông cất bước khắp nơi khắp chốn.

Phê-rô tháo chốt cửa và Ma-ri-a lách vào. Bà hít thở sâu mấy hơi trước khi có thể buột miệng nói thành lời:

“Xác Thầy bị đánh cắp rồi! Xác Thầy biến mất rồi, và không biết họ đem đi đâu!”

Gio-an bấy giờ đã thức giấc, đưa mắt nhìn Phê-rô, và rồi họ khoác vội áo. Phê-rô lao ra cửa, chạy băng băng xuống phố, quẹo vun vút qua những góc đường, trực chỉ hầm mộ, nơi đã đặt di hài Giê-su.

Gio-an bám sát phía sau. Trẻ hơn và khỏe hơn, chẳng mấy chốc Gio-an đã bỏ xa Phê-rô. Khi Phê-rô đến nơi thì Gio-an đang đứng bên ngoài cửa hầm mộ chăm chú nhìn vào. Tảng đá to tướng, nhằm mục đích ngăn ngừa những kẻ mạo phạm, đã bị lăn đi khỏi vị trí. Ông mất một thoáng để cho đôi mắt quen với bóng tối lờ mờ của hang đá vôi ẩm thấp.

Kia là tấm vải liệm, nằm trên bệ đá, nơi đã đặt di hài. Bên trong trống rỗng, tấm vải liệm xẹp xuống, giống như cái vỏ kén sau khi con bướm đã bay thoát ra. Tấm khăn vấn quanh đầu Giê-su được gấp lại, để riêng một chỗ.

Phê-rô nhìn Gio-an và ra dấu cho ông vào trong. Kỳ lạ thay! Nếu mộ bị kẻ trộm lẻn vào lấy xác mang đi, thì lẽ ra không còn thấy những thứ dùng khâm liệm, hoặc bởi vì vội vàng kẻ trộm ắt phải đánh rơi vương vãi trong hầm mộ chật hẹp. Thế mà chúng lại nằm kia, ngay ngắn, như thể được đặt sang một bên khi không còn cần tới nữa.

Gio-an nhìn Phê-rô. Phê-rô nhìn Gio-an. Phê-rô bắt gặp một nụ cười thoáng qua khóe miệng Gio-an.

Điều gì sẽ... điều gì sẽ... nếu Thầy phục sinh?

Phê-rô quay trở lại thành Giê-ru-sa-lem, mỗi lúc càng rảo bước nhanh hơn. Điều gì sẽ xảy ra nếu Thầy phục sinh?

Khi Phê-rô quẹo ở góc đường để trở về chỗ tạm trú thì thấy một dáng hình đang chờ ông trước cửa. Một dáng hình rất quen thuộc Giê-su!

Phê-rô chạy ùa tới gặp Thầy.

RALPH F. WILSON & HUỆ KHẢI

Nhiêu Lộc, 11-5-2020

Nguyệt san CGvDT, số 305, tháng 5-2020



([1]) Bản dịch 2011 của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.