KẺ BỊ GHÉT NHẤT
LÀNG CA-PHÁC-NA-UM
Trong Phúc Âm, Thánh tông
đồ Mát-thêu thuật rõ nhân duyên ngài được Chúa hóa độ như sau (9:8-13):
Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy
một người tên là Mát-thêu ([1]) đang ngồi tại trạm.
Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.
Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người
thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những
người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống
với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?” Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói:
“Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho
biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến
để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
Hai vị Thánh tông đồ
Mác-cô (2:13-17) và Lu-ca (5:27-32) cũng chép tương tự như Thánh tông đồ
Mát-thêu.
Dựa theo Phúc Âm ở hai
đoạn dẫn trên, tiến sĩ thần học Ralph F. Wilson (mục sư người Mỹ) hư cấu mẩu
chuyện sau đây, đã xảy ra ở làng chài Ca-phác-na-um nằm bên bờ phía bắc biển hồ
Ga-li-lê. Làng này được lập vào thế kỷ 2 trước Công Nguyên, rồi bị bỏ phế trong
thế kỷ 11 thuộc Công Nguyên, trước khi quân Thập Tự Chinh tràn tới.
Ralph F. Wilson kể chuyện như sau
Một ngày bình thường, trên
con đường nằm ngoài thị trấn, kẻ bị ghét nhất làng Ca-phác-na-um nhìn thấy hằng
trăm người đi ngang trạm thu thuế của ông. Hầu hết đi qua chẳng thốt một lời,
trừ phi chửi rủa. Nhưng khi Lê-vi nhận ra một con lừa chở nặng đi về hướng
đông, từ chỗ râm mát đang đứng ông nhảy bổ ra chặn lại, yêu cầu chủ con vật
phải dỡ hàng xuống. Nếu đó là len hay cá khô, da thú hay ngũ cốc đang chở đi
bán (hay bất kỳ thứ gì khác), ông buộc người chủ phải nộp thuế.
Thuế chẳng nhẹ chi đâu,
có thể là bốn phần trăm của bất cứ trị giá hàng hóa nào mà Lê-vi áp đặt. Dĩ
nhiên điều quan trọng nhất là Lê-vi có thể buộc người đi buôn phải nộp bao
nhiêu. Một khi đã phán ra tiền thuế, ông chẳng chịu bớt giảm đồng nào. Về phần Lê-vi, để giữ được quyền hành nghề thu thuế, hằng tuần ông phải
nộp cho cấp trên một khoản tiền quy định. Hễ thu vượt định mức bao nhiêu bất
kỳ, đó là phần ông được giữ lại. Và Lê-vi tom góp được bộn.
Người đi buôn không
chịu nộp thuế ư? Lê-vi gọi ngay lính tráng đứng gần đó và tịch thu hết hàng hóa
tại chỗ. Ông không biết thương xót. Hiếm ai tranh cãi lắm; họ răm rắp đóng thuế
rồi dông cho lẹ, bởi sợ ông đổi ý mà tăng thêm tiền thuế.
Lê-vi chỉ là một con ốc
nhỏ xíu trong cỗ máy vận hành giúp quân áp bức hút khô máu dân Ít-ra-en để làm
giàu cho Xê-da ở Rô-ma xa tít. Chẳng quá lời khi nói rằng Lê-vi là kẻ bị ghét
nhất làng Ca-phác-na-um.
Nhưng Lê-vi đang hành
xử lạ lùng, sau nhiều giờ tham dự những cuộc họp ngoài trời của Thầy Giê-su quê
quán Na-da-rét. Những đám đông xô đẩy, chen lấn để có thể thấy phép lạ đích
thực cứu người mù được sáng mắt, người què lại bước đi. Đó là trải nghiệm chỉ
có một lần trong đời nên khắp miền Ga-li-lê không ai muốn bỏ lỡ.
Lê-vi rất thích nghe
Thầy Giê-su giảng đạo. Có câu chuyện cứ in sâu tâm trí ông. Chuyện về đứa con
hoang đàng bỏ nhà ra đi và dốc hết tiền bạc cha chia cho phung phí vào rượu
chè, đàn bà, hát xướng. Cuối cùng trắng tay anh trở về, không phải để lấy lại
vị thế làm con, mà để làm thuê cho trang trại. Dự tính là thế. Nhưng thấy anh,
cha già liền chạy tới ôm chầm. Anh phản kháng: “Con không xứng đáng.” Nhưng cha
khăng khăng: “Con đã chết rồi, con à. Nhưng nay con lại sống! Hãy đi vào nhà.
Chúng ta sẽ ăn mừng thật lớn.”
Thầy Giê-su nói:
“Cha anh chị em trên
trời cũng tha thứ như vậy.”
Một ngày oi ả, Lê-vi
ngồi trong bóng râm ở trạm thu thuế thì thấy một người xuất hiện trên đường. Nhận
biết là Thầy Giê-su, Lê-vi đứng lên và bước ra ngoài. Lê-vi và Thầy nhìn nhau
hồi lâu, thế rồi Thầy tươi cười, chìa tay ra mà nói mấy lời gọn lỏn:
“Hãy theo Thầy!”
Lê-vi cứng đơ cả người,
rồi quỳ xuống nói:
“Thưa
Thầy, Thầy không biết con đâu. Thầy không biết con là hạng người nào đâu. Con
không xứng đáng!”
Thầy Giê-su đỡ ông đứng
lên và bảo:
“Thầy biết đích xác con
là loại người nào, và con chính xác là người Thầy đang tìm kiếm.”
Lê-vi lấy mu bàn tay
quệt nước mắt, chẳng biết nói năng chi. Ông đánh liều:
“Vâng ạ.”
Thầy gật đầu. Rồi ông
buột miệng:
“Thưa Thầy, nếu Thầy
cần con, con sẽ theo Thầy đi bất cứ nơi nào.”
Sau đó ông nói thêm:
“Thầy Giê-su, nhân
tiện, Thầy có thể ban cho con vinh hạnh là đến nhà con dự tiệc tối nay không?”
Thầy cười:
“Thầy đã mong con mời.
Nào, nhanh lên. Thầy trò mình còn phải đi mấy chỗ.”
Lê-vi đóng cửa trạm thu
thuế và khóa lại lần sau cùng. Ông bước xa khỏi chỗ kiếm ăn béo bở nhất để đổi
lấy cuộc sống tùy thuộc vào sự bố thí của bá tánh. Nhưng ông chẳng thèm quan
tâm chi nữa. Mặt ông rạng rỡ khi cất bước theo Thầy Giê-su.
Đúng giờ hẹn nhà ông
đầy thực khách. Chẳng phải giới thanh lịch của làng Ca-phác-na-um đâu nhé. Toàn là
những kẻ bị xua đuổi, quân lừa đảo, lũ sâu rượu, bọn đàn bà ngoại tình bị chồng
bỏ. Tất cả đều có mặt, cùng với vài tên trộm và mấy kẻ cướp đường khét tiếng.
Thức ăn tràn trề, rượu
nho tuôn chảy, và Thầy Giê-su dường như vui thích lắm. Với sự nồng ấm thành
thực và nụ cười luôn nở trên miệng, Thầy lần lượt chinh phục hết đám bè bạn của
Lê-vi.
Có tiếng gõ cửa thô
bạo. Đó là nhóm quan tòa tự phong, những kẻ Pha-ri-sêu giả dối trong làng. Họ
cộc cằn yêu cầu:
“Chúng tôi muốn nói
chuyện với ông Giê-su.”
Thầy bước ra cửa.
Họ mỉa mai:
“Thánh Nhân, tại sao
ngài ăn chung với đám thu thuế và bọn tội lỗi?”
Thầy Giê-su mỉm cười:
“Ai khỏe mạnh đâu cần
thầy thuốc, mà người bệnh mới cần. Ta không đến với người công chính, nhưng kẻ
tội lỗi thì cần sám hối. Các ông không vào à?”
Kẻ đầu têu lắp ba lắp
bắp toan trả lời, nhưng Thầy Giê-su đã quay lại bàn tiệc và các bạn mới của
Thầy vây quanh Thầy hân hoan reo hò lần nữa.
Tiệc mừng vui vẻ tại
nhà Lê-vi kéo dài thâu đêm. Tiếng cười tràn ra ngoài các cửa sổ, lăn tròn xuống
phố xá làm người dân thò đầu ra nhìn, lòng thắc mắc. Bên trong nhà Lê-vi, vị
Lương Y đang cứu chữa các con bệnh và tha tội cho họ. Đêm đó, Thầy mang lại
niềm vui cho biết bao người, kể cả tay thu thuế sướng vui tên là Lê-vi mới vừa
bỏ việc.
R.F. WILSON & HUỆ KHẢI
Nhiêu
Lộc, 12-7-2020
Tuần san CGvDT, số 2264
từ
17 đến 23-7-2020