13. KINH CẦU NGUYỆN ĐỨC CHÍ TÔN
VÀ PHẬT TIÊN, THÁNH THẦN ([1])
Chúng con cúi cầu Đức Chí Tôn và Phật Tiên, Thánh
Thần, thiêng liêng sáng láng vô cùng. Chúng
con lạy Đức Chí Tôn và Phật Tiên, Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con là kẻ tin
cậy Đức Chí Tôn. Chúng con quỳ trước Thiên Bàn đốt nén hương bay thấu cõi Thiên
Tòa.
Chúng
con cầu Đức Chí Tôn cho Phật Tiên, Thánh Thần xuống sửa lại mọi sự trong ngoài
chúng con.
Chúng con cầu Đức Chí
Tôn cho Phật Tiên, Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ chúng con.
Đến bao giờ chúng con
cũng nguyện ăn năn sửa lỗi và làm những việc lành.
Nam mô Huyền Khung Kim Khuyết Ngọc Hoàng Đại Đế Đại Thiên
Tôn Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
(Lạy 3 lạy)
XUẤT XỨ
Bài kinh cầu nguyện này phỏng theo
Kinh Đức Chúa Thánh Thần (của Công
Giáo) có nội dung như sau:
Chúng con lạy ơn ([2]) Ðức Chúa Thánh Thần thiêng liêng
sáng láng vô cùng. Chúng con xin Ðức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con
là kẻ tin cậy Ðức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Ðức Chúa Trời trong lòng chúng
con. Chúng con xin Ðức Chúa Trời cho Ðức Chúa Thánh Thần xuống, sửa lại mọi sự
trong ngoài chúng con.
Chúng con cầu cùng Ðức Chúa Trời, xưa đã cho Ðức Chúa Thánh Thần xuống
soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Ðồ, thì nay chúng con cũng xin Ðức Chúa Trời cho
Ðức Chúa Thánh Thần lại xuống, an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì
công nghiệp vô cùng Ðức Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa chúng con. Amen.
GIẢI NGHĨA
Thiên Tòa 天 座: Cũng như Đế Tòa 帝 座; chỗ ngồi của Đức Thượng Đế. Nghĩa bóng là Đức Thượng Đế.
đến bao giờ: Tới khi
nào; tới lúc nào; tới chừng nào.
huyền khung 玄 穹: Vòm trời sâu thăm thẳm. Cùng nghĩa với: thiên không 天 空 (bầu
trời); thương thiên 蒼 天 (trời
xanh); thương khung 蒼 穹 (cao
xanh; bầu trời xanh).
Kim Khuyết 金 闕: Nói đủ là Huỳnh
Kim Khuyết 黃 金 闕. Trên trời có Huỳnh Kim Khuyết là chỗ Đức Thượng Đế ngự.([3])
Đại Thiên Tôn 大 天 尊: Một
hồng danh của Đức Thượng Đế (ý nghĩa: Đấng rất tôn kính trên trời.) Trong đạo
Cao Đài, sớ tấu trình Đức Chí Tôn có câu này: Huỳnh Kim Khuyết nội: Huyền Khung Cao Thượng Đế Ngọc Hoàng Đại Thiên
Tôn. 黃 金 闕 內 : 玄 穹 高 上 帝 玉 皇 大 天 尊.
Đại Bồ Tát Ma Ha Tát 大 菩 薩 摩 訶 薩: Tiếng
Phạn (San-skrit) là mahābodhisattva mahāsattva, và mahā nghĩa là lớn (đại). Bồ Tát (bodhisattva) là
bậc tu hành đã đắc quả Phật nhưng lập đại nguyện không nhập Niết Bàn vì còn vào
đời cứu độ chúng sanh đang trầm luân, chưa giác ngộ. Bồ Tát sẵn sàng nhận lãnh
tất cả mọi đau khổ của chúng sanh. Ma ha tát là cách dịch âm chữ mahāsattva,
tức là Đại Bồ Tát. Vậy, Đại Bồ Tát Ma Ha Tát là kết hợp dịch
nghĩa với dịch âm. (Cách kết hợp này có rất nhiều trong kinh Phật chữ Nho.) Trong
Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Thượng Đế giáng trần lập đạo Cao Đài, xưng là Cao
Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát 高 台 仙 翁 大 菩 薩摩 訶 薩. Vốn dĩ Đức Thượng Đế là Đấng ở trên hết tất cả
Phật Tiên, Thánh Thần, nhưng Ngài lại vô cùng khiêm tốn hạ mình, tự xưng là một
vị Tiên Ông, một bậc Bồ Tát. Bằng cách này, Ngài làm gương, dạy môn đệ cũng phải
hết sức khiêm tốn hạ mình giống như Ngài mà lo cứu độ chúng sanh.
TỔNG LUẬN
1. Khi tụng kinh này, chúng ta có ba lần cầu xin Ơn
Trên “xuống” với mình như sau:
– Chúng
con lạy Đức Chí Tôn và Phật Tiên, Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con
là kẻ tin cậy Đức Chí Tôn.
– Chúng con
cầu Đức Chí Tôn cho Phật Tiên, Thánh Thần xuống
sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.
– Chúng
con cầu Đức Chí Tôn cho Phật Tiên, Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ chúng con.
2. Ba câu này rất thâm thúy (sâu sắc về đạo lý).
Đừng hiểu rằng chúng ta cầu xin các Đấng hiện hình xuống với mình, để chúng
ta được nhìn thấy Đức Phật, Đức Quan Âm, Đức Chúa Giê-su, v.v... hiện ra trước mắt y như các ảnh hay tượng
bày trong chùa, nhà thờ, v.v...
Nếu hiểu lầm như vậy rồi mong ước như vậy thì chúng ta rất dễ bị ma quỷ dối
gạt. Do đó, ngày xưa Đức Phật cảnh giác chúng ta chớ sai lầm bám víu hình tướng.
Kinh Kim Cang chép lời Phật dạy: “Nếu dùng sắc thấy ta, dùng âm thanh cầu ta,
người ấy hành đạo tà, không thể thấy Như Lai.” ([4])
Vậy, nếu thấy Phật, Bồ Tát hay Chúa hiện ra trước mắt thì hãy cảnh giác
đó là ma quỷ lừa gạt chúng ta.
3. Nếu các Đấng thiêng liêng không “xuống” bằng hình tướng, thì “cái gì” xuống? “Cái đó” là cái gì?
Xin thưa, “cái đó” được đạo Tin Lành gọi là Thánh Linh; đạo Công Giáo gọi là Thần Khí; tín đồ Tin Lành và Công Giáo phương Tây gọi là “Spirit; Holy Spirit”. Như vậy, không có một hình hài (hình
tượng) nào cả; tức là vô hình.
Đạo Cao Đài gọi “cái đó” là Thiên
điển, nói tắt là “điển; điển lành”. Điển
tức là “điện”, nên tuy vô hình mà hoàn toàn có thật. Cũng vậy, dòng điện phàm
tục tuy vô hình nhưng có thật, có khắp nơi trong cuộc sống hằng ngày của chúng
ta, mang lại vô vàn công dụng cho đời hưởng thụ.
4. Làm sao để Thiên
điển (hay điển lành) có thể “xuống đầy lòng” chúng ta? Ít nhứt phải
có hai điều kiện:
4.1. Chúng ta phải tin. Do đó, với câu thứ nhứt trong bài kinh, chúng ta cầu nguyện
như sau: “Chúng con lạy Đức
Chí Tôn và Phật Tiên, Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con là kẻ tin cậy Đức
Chí Tôn.”
4.2. Lòng chúng ta phải trống. Lòng chúng ta càng trống thì càng có nhiều chỗ để chứa đựng
Thiên điển, để hứng lấy điển lành. Lòng chúng ta mà đầy, thì bao nhiêu điển dù
có xuống cũng đành phải trôi tuột đi hết.
– Nói “đầy” là đầy cái gì? Xin thưa,
đầy tham sân si, đầy lục dục thất tình, v.v...
Nói chung là đầy phiền não.
Phiền
não 煩惱 là tất cả những
thứ làm cho tâm hồn rối loạn, nhớ nhung, buồn sầu, khổ não. Bất kỳ thứ gì tác động
đến tâm hồn, làm trở ngại sự tu tập để đạt được tâm thanh tịnh hay sự giác ngộ
đều là phiền não. Vì bị mê lầm (ảo tưởng; huyễn tưởng) chi phối, vì muốn thỏa
mãn ham muốn mà tâm hồn bị phiền não. Trái nghĩa với phiền não là thanh tịnh 清淨. Kinh Đại Thừa Bổn Sanh Tâm Địa Quán (quyển 7) nói tới “tám vạn bốn ngàn thứ phiền não”.([5]) Bởi vậy, Đức Phật có tám vạn bốn
ngàn pháp môn để hóa giải tám vạn bốn ngàn thứ phiền não của chúng sanh.
– Nói “phải trống” để có chỗ chứa Thiên điển (điển
lành) thì làm sao cho trống trải? Trên đây đã giảng nghĩa “phiền não” và “thanh
tịnh”. Như thế, muốn lòng trống thì rán tập tành, tu luyện cho dứt phiền não,
giữ được thanh tịnh. Muốn được thanh
tịnh thì khó vô vàn; chúng ta tu cả đời vẫn chưa chắc đạt được thanh tịnh trọn
một ngày, một buổi, thậm chí là chỉ một giờ.
Khi hiểu thấu điều kiện thứ hai (là thanh tịnh) thì chúng ta hiểu vì sao tại
Trung Hưng Bửu Tòa (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, Đà Nẵng) Đức Ngô Minh Chiêu
khuyên: “(C)ác hiền sẽ gặp Bần Đạo trong
những giờ thanh tịnh.”([6])
Tại Tịnh Đường (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, Đà Nẵng), Đức Ngô Minh Chiêu
nhắn nhủ các vị đang thực hành pháp môn tịnh luyện (công phu): “Nghĩa là sự tu hành cốt ở tâm thanh tịnh.
Pháp môn chẳng qua là phương tiện để dẫn dắt ta đến đó mà thôi.” ([7])
Cũng tại Tịnh Đường, Đức Ngô dạy: “Tâm
thanh tịnh thì pháp nào cũng hiệu nghiệm cả.” ([8])
4.3. Tụng kinh này, câu thứ ba chúng ta cầu xin là: “Chúng con cầu Đức
Chí Tôn cho Phật Tiên, Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ chúng con.”
Muốn được Ơn Trên tới soi sáng và dạy dỗ cho mình như vậy, lòng ta phải trống (thanh tịnh). Tại Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng), Đức Ngô dạy: “Mình thanh tịnh, Thần Minh đến dạy / Dạy
cho mình lẽ phải pháp lành.” ([9])
Thần Minh 神明 tức là các vị Thần Thánh, các Đấng thiêng liêng,
tức là Ơn Trên.
5. Tóm lại, đối với người tu hành, thanh tịnh vô cùng quan trọng. Bởi vậy,
Nội Kinh Tri Yếu có
câu: “Người
nào luôn được thanh tịnh thì trời đất ắt đều quay về với họ.” ([10])
Nhiêu Lộc,
04-11-2024
Huệ Khải
([1])
Khi tới giờ cúng hay là nghe
kiểng đổ ở Tòa Thánh hoặc Thánh thất, nếu đang đi đường thủy, đường bộ, hoặc
đang làm công chuyện, thì tín đồ cúi đầu thỉnh Thánh, rồi tưởng bài kinh này là
đủ; chẳng cần tìm tới Thánh thất, hay tìm về nhà mà trễ công việc làm. (KNT 2016,
tr. 15)
([2]) Lạy ơn là từ Việt cổ; ngày nay nói “tạ ơn”. Từ Điển Việt-Bồ-La (Dictionarium
Annamiticum Lusitanum et Latinum) của Giáo Sĩ Alexandre de Rhodes
(1593-1660), xuất bản năm 1651, ghi nhận cụm từ lạy ơn đức Chúa blời và giải thích bằng tiếng La-tinh là “gratias agere cæli Domino”, có nghĩa là
“tạ ơn Đức Chúa Trời”.