Thứ Ba, 7 tháng 1, 2025

GIẢI NGHĨA KINH NHỰT THỜI / 11. KINH SÁM HỐI

 


11. KINH SÁM HỐI

1. Quỷ lục dục, thất tình cám dỗ

Nhờ Ơn Trên ủng hộ đòi phen

Xét thân ngu dại, thấp hèn

Tham, sân, si, ái, đua chen chẳng chừa

5. Biết chước quỷ đánh lừa phá hoại

Yếu đức tin nên phải lụy mình

Trách thay xác thịt hớ hinh

Ăn năn đã muộn, tội tình khó dung

9. Luật Thầy định chí công thưởng phạt

Bởi tại con muốn chác điều hư

Con nhìn muôn tội có dư

Cầu Thầy mở lượng đại từ đại bi

13. Con nhứt định quy y sám hối

Con nhứt tâm sửa lỗi hằng ngày

Thầy ôi! Con thiệt thơ ngây

Cải tà quy chánh xin Thầy rộng dung.

(Cúi đầu không lạy)

XUẤT XỨ

Bài này do Đức Ngọc Quế Tiên ban cho tại Kiên Giang, có ở trang 13 cuốn KTT 1938.

GIẢI NGHĨA

Sám hối gồm sám tức là sám ma , dịch âm chữ kṣamā (tiếng Sanskrit) và hối (hối hận, ăn năn; dịch nghĩa chữ kṣamā). Vậy, sám hối đồng nghĩa. Sám hối là tự mình nhận lỗi (hối lỗi; ăn năn thú tội), có thiện chí sửa lỗi, và cầu xin Đức Chí Tôn tha thứ.

Câu 1-2: Quỷ lục dục, thất tình cám dỗ / Nhờ Ơn Trên ủng hộ đòi phen.

lục dục : Sáu ham muốn do sáu căn gặp sáu trần. Sáu căn (lục căn ) gồm có: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân xác, ý nghĩ). Sáu trần (lục trần 六塵) gồm có: sắc (hình tướng), thinh (âm thanh), hương (mùi), vị , xúc (tiếp xúc với da thịt), pháp (tư tưởng). Tạm thí dụ: Mắt ngó thấy của cải thì dễ sanh lòng tham. Tai nghe lời nịnh nọt thì dễ xiêu lòng làm quấy. Mũi hít mùi thức ăn thơm tho thì dễ sanh lòng thèm ăn. Lưỡi thích nếm ngon béo, cao lương mỹ vị, nên khó ăn chay. Thân ưa thích tiếp xúc những thứ êm ái, mềm mại nên dễ sanh lòng dâm. Tư tưởng (ý nghĩ) hay bay nhảy, lăng xăng, khiến cho dễ thay lòng đổi dạ; ý nghĩ sái quấy còn xui khiến con người làm quấy mà phạm tội.

thất tình : Bảy thứ tình cảm là mừng, giận, yêu, ghét, buồn, vui, sợ (hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ , , , , , , ).

quỷ : Đồng nghĩa với ma . Tất cả những gì bất chánh, cản trở đường tu hành, phá hoại công đức người tu thường được gọi là “quỷ ma”. Thế nên quỷ lục dục, thất tình cũng là thập tam ma (mười ba con ma), bởi vì lục dục và thất tình cản trở sự tu hành. Trong Tây Du Ký, Ngô Thừa Ân diễn tả mười ba con ma là sáu tên ăn cướp (Hồi 4) và bảy con yêu nữ động Bàn Ty (Hồi 72-73), chúng cùng nhau cản trở thầy trò Đường Tăng thỉnh kinh.

cám dỗ: Rù quến; quyến rủ; làm cho người ta say mê mà theo đường quấy, làm việc sai trái.

nhờ: Cậy nhờ; được người khác trợ giúp mình.

Ơn Trên: Ơn các Đấng thiêng liêng trên thượng giới.

ủng hộ: Che chở; nâng đỡ; giúp đỡ.

đòi phen: Nhiều lần; nhiều phen.

u Câu 1-2 ý nói: Lòng con luôn bị lục dục, thất tình rù quến, dụ dỗ vào đường sai nẻo quấy, khiến cho con mắc lỗi, phạm tội. May nhờ được ơn lành của Trời, Phật Tiên, Thánh Thần nhiều phen giúp sức nên con còn nhận ra được lỗi lầm để sửa chữa.

Câu 3-4: Xét thân ngu dại, thấp hèn / Tham, sân, si, ái, đua chen chẳng chừa.

xét thân: Xem xét bản thân; kiểm điểm chính mình.

ngu dại: Ngu si 愚 癡 (ngu đần) và dại dột (khờ dại). Thí dụ: Vì không sáng suốt (ngu) nên tin và mắc mưu tà, trúng kế gian (thế là dại).

thấp hèn: Quá tầm thường và hèn kém. Con người có phẩm chất và giá trị của mình; nếu đánh mất phẩm giá ấy thì trở thành thấp hèn. Những kẻ trộm cắp, cờ bạc, nghiện ngập, rượu chè be bét, buông thả theo sắc dục (sex), v.v... đều bị đánh giá là thấp hèn.

tham, sân, si : Tham lam, nóng giận, ngu si. Gọi chung là tam độc (ba thứ độc hại) vì chúng là nguồn gốc sanh ra ba nghiệp ác về thân, khẩu, ý.

ái : Yêu thích; ưa chuộng. Hễ ái thì sanh lòng ham muốn chiếm đoạt, bất chấp tội lỗi; thế nên ái là nguồn gốc của tội lỗi. Ái cũng là nguồn gốc của ba nghiệp ác về thân, khẩu, ý.

đua chen chẳng chừa: Mải mê tranh giành hơn thua với người khác. Đây cũng là nguồn gốc của ba nghiệp ác về thân, khẩu, ý.

u Câu 3-4 ý nói: Xét lại bản thân, con thấy mình ngu dại vì cứ mải đua chen, giành giựt theo sự xúi giục của lòng tham, sân, si, ái (yêu) ích kỷ; do đó, con hóa ra thấp hèn.

Câu 5-6: Biết chước quỷ đánh lừa phá hoại / Yếu đức tin nên phải lụy mình.

biết: Tuy bản thân đã biết rồi (nhưng vẫn để bị lừa).

chước: Mưu kế; cách đánh lừa, gạt gẫm.

chước quỷ: Mưu kế quỷ quyệt khiến nạn nhân không thể thoát khỏi; mưu kế của ma quỷ. Do đó, người tu hãy cẩn thận với mọi ý nghĩ nảy ra trong đầu mình. Rất có thể đó là ma quỷ xúi giục mình làm quấy nhưng chúng ngụy trang (che đậy) bằng một lý lẽ tốt lành.

Thời Nhị Kỳ Phổ Độ, Đức Phật khuyên: “Hãy dè dặt chớ tin ý các con; ý các con không thể tin được.” ([1])

Trước giờ bị quân dữ bắt rồi đem đóng đinh trên thập giá (ví như “chén đắng”), Đức Chúa Giê-su cầu nguyện với Chúa Cha (Đức Chúa Trời): “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mát-thêu, chương 26, câu 39)

Thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Đại Tiên Ngô Minh Chiêu dạy: “(C)ũng bởi vì vô minh mà không tuân theo lời dạy bảo của Thầy, có khi còn chê bai khinh rẻ. Trong người luôn luôn thấy ý nghĩ, việc làm của mình là đúng, nào hay đâu trái với luật công bình.” ([2])

phá hoại: Làm tan nát, đổ vỡ, hư hỏng những thành tựu (kết quả) mà người tu đã có được; hủy hoại công trình tu học.

yếu đức tin: Không vững tin rằng mọi lầm lỗi về thân, khẩu, ý đều có Thần Thánh ghi chép và ta sẽ phải trả quả báo xấu; không vững tin rằng: “Lưới Trời lồng lộng, tuy thưa nhưng chẳng để lọt tội ai.” ([3]) Trái lại, vững đức tin vào luật Trời, luật nhân quả báo ứng thì sẽ không vi phạm tội lỗi.

Sách Hậu Hán Thư của Phạm Diệp (398-445) chép rằng vào đời Đông Hán, Dương Chấn được bổ làm thái thú Đông Lai , trên đường nhậm chức có đi qua Xương Ấp . Quan huyện Xương Ấp là Vương Mật nhớ ơn trước kia được Dương Chấn tiến cử làm quan nên buổi tối kín đáo mang rất nhiều vàng tới biếu. Dương Chấn không nhận. Vương Mật nài nỉ: “Đêm tối không ai biết đâu.” ([4]) Dương Chấn mắng: “Trời biết, Thần biết, tôi biết, ông biết. Sao nói không ai biết!” ([5])

Đức Đại Tiên Ngô Minh Chiêu dạy: “(C)ác Thánh thất, xã Đạo phần đông có rất nhiều tín đồ sai quy phạm giới. Những kẻ ấy vì còn thấp hèn, đức tin non kém nên bị mưu chước quỷ vương cám dỗ làm cho tâm nội tối đen mà phải phạm Thiên điều luật pháp.” ([6])

lụy : Làm hại; gây tổn hại. Thư Kinh có câu: “Không giữ nghiêm nết nhỏ, rốt cuộc làm hại đức lớn.” ([7])

lụy mình: Làm hại bản thân.

u Câu 5-6 ý nói: Tuy biết ma quỷ lập mưu bày kế hãm hại mình, nhưng bởi không vững vàng đức tin để chống chọi ma quỷ nên rốt cuộc con phạm lỗi, làm hại bản thân.

Câu 7-8: Trách thay xác thịt hớ hinh / Ăn năn đã muộn, tội tình khó dung.

hớ hinh: Không giữ gìn, thiếu thận trọng.

xác thịt hớ hinh: (Đảo ngữ) hớ hinh xác thịt; không cẩn trọng giữ gìn tấm thân, khiến gây ra lầm lỗi thuộc về thân nghiệp. Cái nghiệp ác không phải vô hình như ý nghiệp (tư tưởng không tốt lành) hay khẩu nghiệp (lời nói không tốt lành) mà là hành động cụ thể, có hậu quả cụ thể.

ăn năn: Hối hận; hối tiếc (sau khi lầm lỗi).

đã muộn: Đã trễ rồi; đã xong rồi, không thay đổi được.

khó dung: Khó có thể dung tha, phải trừng phạt.

u Câu 7-8 ý nói: Con đáng trách thay! Vì không cẩn thận giữ gìn, gây tạo nghiệp thân. Có hối hận thì sự đã rồi.

Câu 9-10: Luật Trời định chí công thưởng phạt / Bởi tại con muốn chác điều hư.

luật Trời: NĐCT 2022 cũng in là “luật Trời”. Bản gốc KTT 1938 in là “luật Thầy”.

chí công : Rất mực công bằng.

Đức Khổng Tử dạy: “Mắc tội với Trời thì không thể cúng vái ai để giải tội được.” ([8])

Đức Chí Tôn nhắc nhở chúng ta đừng nên ỷ lại vào tình thương vô biên của Đại Từ Phụ: “Thầy cũng không bồng ẵm các con mà đỡ lên cho đặng.” ([9])

Vì vậy, Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn cảnh báo chúng ta: “Dẫu Thượng Đế có đủ quyền năng (...) thì Thượng Đế cũng đành rơi lệ cho số phận sinh linh.” ([10])

chác: Chuốc; đem về cho mình.

u Câu 9-10 ý nói: Luật Trời thưởng thiện phạt ác rất công bằng và vô tư; con tự chuốc điều hư hỏng, tạo nghiệp ác thì con phải chấp nhận sự trừng phạt, quả báo.([11])

Câu 11-12: Con nhìn muôn tội có dư / Cầu Thầy mở lượng đại từ đại bi.

muôn tội: Vô số tội lỗi.

có dư: Có thừa; có hơn.

muôn tội có dư: Có hơn vô số tội. Ý nhấn mạnh rằng tội lỗi chất chồng, nhiều không biết bao nhiêu mà kể.

mở lượng: Mở lòng bao dung, tha thứ.

đại từ đại bi : Rất mực từ bi; vô cùng thương xót chúng sanh đau khổ. Đại Trí Độ Luận giảng: “Đại từ là vui với tất cả những vui sướng của chúng sanh. Đại bi là trừ bỏ tất cả những đau khổ của chúng sanh.” ([12])

u Câu 11-12 ý nói: Con nhìn thấy bản thân tội lỗi chất chồng, nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Con cầu xin Thầy mở lòng rất mực từ bi mà tha thứ cho con.

Câu 13-14: Con nhứt định quy y sám hối / Con nhứt tâm sửa lỗi hằng ngày.

nhứt định : Nhứt quyết; cả quyết; không thay đổi.

quy y : Noi theo Thầy (tuân lời Thầy dạy; làm theo Thánh giáo); noi theo Pháp (tuân giữ giới luật); noi theo Tăng (là chức sắc đức độ).

Noi theo Thầy cũng là quy y Phật . Quy y Pháp là lấy giới luật (ngũ giới cấm ) giữ mình trong sạch, không gây ra tội lỗi. Quy y Tăng thì không phải chỉ biết hướng về chức sắc đức độ (hướng ngoại ) mà còn nên biết hướng nội 向內 bằng cách giữ gìn bản thân, rán tu hành cho đủ đầy đức hạnh, để chính mình không làm hoen ố danh Thầy danh Đạo, làm gương cho người khác biết kính Thầy, trọng Đạo. Vậy, chính mình cũng là Tăng.

nhứt tâm : Một lòng một dạ; chuyên tâm; không lơ là; không xao lảng.

sửa lỗi hằng ngày: Mỗi ngày đều xét lỗi mình mà sửa chữa bản thân. Để bản thân hoàn hảo, người xưa sửa lỗi rất thành tâm và nghiêm khắc. Chẳng hạn hai vị này:

Tăng Tử tên thật là Tăng Sâm (505-435 trước Công Nguyên) là một cao đồ của Đức Khổng Tử. Ngài nói: “Mỗi ngày ta tự xét mình ba việc: Mưu tính việc gì cho ai có tận tâm hết sức không? Giao du với bạn bè có thành thực không? Lời thầy dạy có thực hành không?” ([13])

Trình Tử tên thật là Trình Di (1033-1107)​. Ngài dùng hai cái hũ với một số đậu đen và đậu trắng. Mỗi lần xét thấy mình có được điều tốt (về thân, khẩu, ý), ngài bỏ một hột đậu trắng vào hũ thứ nhứt. Nếu xét thấy có một điều xấu, ngài bỏ một hột đậu đen vào hũ thứ hai. Ban đầu, hũ đựng đậu đen nhiều hơn hũ đựng đậu trắng; thế là ngài nghiêm khắc kiểm điểm bản thân để tu sửa. Lâu dần, hũ đựng đậu trắng càng đầy lên thì hũ đựng đậu đen càng ít hẳn; đức hạnh càng nhiều hơn, tật xấu càng ít đi.

u Câu 13-14 ý nói: Con nhứt quyết quy y theo Thầy, theo Pháp, theo Tăng để sám hối. Mỗi ngày con đều sửa lỗi lầm bản thân cho con tốt đẹp hơn.

Câu 15-16: Thầy ôi! Con thiệt thơ ngây / Cải tà quy chánh xin Thầy rộng dung.

thơ ngây: Khờ dại, thiếu kinh nghiệm. Trẻ con ngây thơ đã đành; người lớn dù bạc đầu chăng nữa mà vẫn cứ ngây thơ để cho quỷ lục dục, ma thất tình cám dỗ, rủ ren; thế nên thường hay phạm phải tội lỗi.

cải tà quy chánh : Bỏ sai trái mà trở lại đường ngay nẻo phải. Đức Đại Tiên Ngô Minh Chiêu dạy: “Mà dầu ai có cố tâm gây ác cũng tha thứ khi nó biết cải tà quy chánh, tự khắc chế trị bản thân.” ([14])

rộng dung: Rộng lượng mà dung tha tội lỗi.

u Câu 15-16 ý nói: Bởi quá đỗi thơ ngây nên con phạm lỗi, mắc tội. Nay con bỏ nẻo tà vạy, theo đường chánh chơn; cầu xin Thầy rộng lượng dung tha tội lỗi của con.

TỔNG LUẬN

Sám hối rất quan trọng và cần thiết cho sự tiến bộ tâm linh. Đó là cách giải trừ (hoặc giảm bớt) những nghiệp ác mà bản thân mỗi người đã tích lũy qua việc làm, lời nói, và ý nghĩ (thân, khẩu, ý). Sám hối cũng là cách để mỗi người mở lòng yêu thương, từ bi, và trí huệ. Vì thế, sám hối lúc nào cũng rất cần thiết cho mọi người.

Đức Chí Tôn dạy: “Mỗi khi đứa nào lầm lỡ một việc gì, rán mà sám hối, ăn năn. Sám hối Thầy nói đây là tự giác trở về với linh giác,([15]) chớ không phải sám hối là đọc kinh nghe các con.” ([16])

Đức Đại Tiên Ngô Minh Chiêu dạy: “Sám hối là một pháp môn chuộc tội. Mọi người đều phải luôn luôn sám hối.” ([17])

Đức Hiển Thế Đạo Nhơn nhắc nhở: “Mỗi ngày rán dành chút thì giờ sám hối cho nhẹ tội tiền khiên.” ([18])

Đức Đông Phương Lão Tổ dạy: Ở đời mạt kiếp này, là người thì không ai khỏi lỗi. Nhích chơn, hả miệng đã gây nên tội lỗi rồi, cần gì phải hành động. Liếc trừng một cái, xủ mặt một khi, đã gieo vào lòng mình một hay nhiều hạt giống nhân quả, đã phóng vòng dây đến người, rồi sẽ báo trả với nhau.” ([19])

Vì lẽ đó, Đức Đông Phương Lão Tổ dạy chúng ta phải biết sám hối: Lễ sám hối là một thang thuốc khử độc diệt trùng, chữa bịnh trầm kha cho các đệ tử. Nếu không rán mà uống, không nhận là hay, thì Phật Tiên cũng ôm trán mà than. Ôi, nước mắt vì thương trò chảy xuống, cũng cam lấy lòng buồn, chớ biết sao mà cứu được!” ([20])

Nhiêu Lộc, 11-11-2024

Huệ Khải



([1]) Tứ Thập Nhi Chương Kinh (chương 28): Thận vật tín nhữ ý; nhữ ý bất khả tín. 慎勿信汝意; 汝意不可 信. (四十二章經)

([2]) Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, 20-5 Đinh Dậu (Thứ Hai 17-6-1957).

([3]) Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu. 天網恢恢, 疏而不漏.

([4]) Mộ dạ vô tri giả. 暮夜無知者. (范曄, 後漢書)

([5]) Thiên tri, Thần tri, ngã tri, tử tri. Hà vị vô tri! 天知, 神知, 我知, . 何謂無知! (范曄, 後漢書)

([6]) Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, 20-5 Đinh Dậu (Thứ Hai 17-6-1957).

([7]) Bất căng tế hạnh, chung lụy đại đức. 不矜細行, 終累大德. (書經)

([8]) Hoạch tội ư Thiên, vô sở đảo dã. 獲罪於天, 無所禱也. (Luận Ngữ 論語, chương 3, câu 3)

([9]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển Hai, 14-3 Đinh Mão (Thứ Sáu 15-4-1927).

([10]) Thiên Lý Đàn (Sài Gòn), 12-02 Kỷ Dậu (Thứ Bảy 29-3-1969).

([11]) Nguyễn Du (1766-1820) viết: Đã mang lấy nghiệp vào thân / Cũng đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa.

([12]) Đại từ dữ nhứt thiết chúng sanh lạc. Đại bi bạt nhứt thiết chúng sanh khổ. 大慈 與一切眾生樂. 大悲拔一切眾生苦. (大智度論)

([13]) Ngô nhựt tam tỉnh ngô thân: Vị nhân mưu nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? Truyền bất tập hồ? 吾日三省吾身: 為人謀而不忠乎? 與朋友交而不信乎? 傳不習乎? (Luận Ngữ 論語 , chương 1, câu 4)

([14]) Nhà tu Phước Huệ Đàn (Tam Kỳ, Quảng Nam, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài), 08-11 Kỷ Hợi (Thứ Hai 07-12-1959).

([15]) linh giác 靈覺: Tánh sáng suốt sẵn có ở mỗi người, nhờ đó mà có thể hiểu biết sâu xa.

([16]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài (quận Tư, Sài Gòn), 15-7 Kỷ Dậu (Thứ Tư 27-8-1969).

([17]) Tịnh Đường (Đà Nẵng, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài), 08-12 Giáp Thìn (Chủ Nhựt 10-01-1965).

([18]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-10 Đinh Mùi (Thứ Năm 16-11-1967).

([19]) Minh Lý Thánh Hội (Sài Gòn), 16-11 Ất Tỵ (Thứ Tư 08-12-1965).

([20]) Minh Lý Thánh Hội, 16-11 Ất Tỵ (Thứ Tư 08-12-1965).