6. KÍNH LẠY ĐỨC ĐẠO TỔ
LÃO QUÂN
1.
Cúi cầu Đạo Tổ Lão Quân
Thanh
hư Đạo Đức cạn phân Đạo mầu
Chúng
tôi muôn lạy khấu đầu
Chí
thành cảm ứng khẩn cầu chơn kinh
5.
Chúng tôi thân phận hậu sinh
Chí
tâm mộ Đạo giữ gìn huyền công
Thảy
đều một dạ một lòng
Nỗi
vì mối Đạo minh mông khôn tường
9.
Muôn cầu rộng lượng xin thương
Dạy
người chỉ lối mở đường chúng tôi
Ngây
thơ mờ tối vô hồi
Mà
lòng quyết chí trau giồi bổn căn
13.
Cúi xin rưới chút hồng ân
Cúi
xin chỉ mối đặng phăn đặng tìm
Thinh thinh trời lặng gió êm
Nguơn thần phước được chơn kim
đơn thành
17. Phi đằng thổ nạp trường
sanh
Siêu phàm nhập Thánh, Huỳnh
Đình hóa thân
Lạy cầu Đạo Tổ Lão Quân
Thanh hư Đạo Đức cạn phân Đạo
mầu.
(Cúi đầu không lạy)
XUẤT XỨ
Bài này do Đức Thể Liên Tiên Nữ
ban cho, ngày 04-7 Canh Ngũ (Thứ Tư 27-8-1930), có ở trang 19 cuốn KNT 1932a. Theo trang 16, đàn ban kinh này do Đức Quan
Thánh Đế Quân vâng lịnh Đức Chí Tôn chứng đàn. Ngài xưng danh qua bài ngũ ngôn
tứ tuyệt quán thủ là “Quan Vân Trường
chứng” và dạy: “Ta vưng lịnh Đức Chí Tôn chứng đàn cho Thể Liên
Tiên Nữ giáng bút dạy Kinh Nhựt Thời làm lễ Đức Chí Tôn, Đức Thánh Mẫu ([1]) và chư Đại Nhơn Tam
Giáo.” ([2])
GIẢI NGHĨA
Câu 1-2: Lạy cầu Đạo Tổ Lão
Quân / Thanh hư Đạo Đức cạn phân Đạo mầu.
lạy: Bản gốc KNT 1932a in là “lạy”, nhưng KNT
2016, NĐCT 2022 đều in là “cúi”, có lẽ vì Hội Thánh quy định ở cuối bài kinh là
“Cúi đầu không lạy”. Tuy nhiên, câu 19 ở hai bản KNT 2016, NĐCT 2022 vẫn giữ nguyên chữ “lạy”. Bài kinh này được viết theo thể “lục bát thủ vĩ”, bốn câu 1-2 và 19-20 giống nhau; do đó, nên sửa
lại câu 1 là “lạy” đúng với bản gốc KNT 1932a và giống với câu 19.
cầu: Cầu nguyện 求 願; van vái.
Đạo Tổ 道 祖: Nói đủ là Thái
Thượng Đạo Tổ 太 上 道 祖, cũng là Đức Lão
Tử 老 子. Ngài là Tổ Sư
祖 師 (ông Tổ) của Đạo Giáo (đạo Lão, đạo Tiên).
Lão Quân 老 君: Nói đủ
là Thái Thượng Lão Quân 太 上 老 君, cũng
là Đức Lão Tử.
thanh 清:
Trong trẻo. – hư 虛: Hư
vô; trống rỗng. – thanh
hư: Nói đủ là thanh tịnh hư vô 清 淨 虛 無 (cõi hư vô thanh tịnh)
hay thanh khiết hư không 清 潔 虛空 (cõi hư không thanh khiết).
Đạo Đức: Tức là Đạo Đức Kinh 道 德 經, do Đức Lão Tử truyền
dạy. Kinh này có tám mươi mốt chương, khoảng năm ngàn chữ Nho, chia làm hai
phần là Thượng Kinh (quyển đầu, các
chương 1-37) và Hạ Kinh (quyển cuối,
các chương 38-81). Nhan đề là Đạo Đức
Kinh vì chương 1 bắt đầu bằng chữ Đạo
道, và chương 38 bắt
đầu bằng hai chữ thượng đức 上 德.
cạn phân: Bày tỏ hết
lời hết ý (để người khác hiểu rõ).
Đạo mầu: Đạo cao
sâu, huyền diệu.
u Câu 1-2 ý nói: Chúng đệ tử lạy và cầu nguyện
Đức Lão Quân là Tổ Sư của đạo Lão. Đạo
Đức Kinh của Ngài tỏ bày cặn kẽ về Đạo cao sâu, huyền diệu, thanh tịnh, hư vô.
Câu 3-4: Chúng tôi
muôn lạy khấu đầu / Chí thành cảm ứng khẩn cầu chơn kinh.
muôn lạy: Lạy vô số
lần. Ngụ ý là vô cùng thiết tha, rất mực thành khẩn; cùng nghĩa với “trăm lạy, ngàn lạy”.
khấu đầu 叩 頭: Khấu thủ 叩 首;
cúi mình quỳ lạy, đầu áp sát xuống đất.
chí thành 至 誠: Rất chơn
thành 真 誠; rất thành khẩn 誠 懇.
cảm ứng 感 應: Người lấy lòng chí thành cảm động tới Thần Thánh thì
Thần Thánh đáp ứng lại lòng người.
khẩn cầu 懇 求: Hết lòng cầu xin; thành khẩn cầu xin.
chơn kinh: Chân kinh 真 經. Kinh chơn thiệt, chỉ
cách tu hành đúng để đắc Đạo.
u Câu 3-4 ý nói: Chúng đệ tử hết lòng thành khẩn,
thiết tha quỳ lạy, cầu xin Đức Lão Tử cảm ứng ban cho chơn kinh để tu hành đắc
Đạo. (Có lẽ là chơn kinh vô tự dạy tu
thiền, vì Ngài đã ban trao Đạo Đức Kinh rồi.)
Câu 5-6: Chúng tôi
thân phận hậu sinh / Chí tâm mộ Đạo giữ gìn huyền công.
thân phận 身 分 (份): Địa vị và hoàn cảnh của một người trong xã hội; còn nói tắt là “phận”. Thí dụ: thân phận bọt bèo – Thương thay thân phận
con rùa / Trong đình hạc cỡi, sau chùa đội bia! (Ca dao) – Đau đớn thay phận đàn
bà! / Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu? (Nguyễn Du)
hậu sinh 後 生: Kẻ sinh sau.
chí tâm 至 心: Hết lòng.
mộ Đạo 慕 道: Ham thích tu hành.
huyền công 玄 功: Công phu 功 夫 tu tịnh (ngồi thiền).
u Câu 5-6 ý nói: Chúng đệ tử là kẻ sinh sau, hết
lòng ham thích tu hành, giữ gìn pháp môn tịnh luyện.
Câu 7-8: Thảy đều
một dạ một lòng / Nỗi vì mối Đạo minh mông khôn tường.
thảy: Tất cả. (Thường nói: cả thảy; hết thảy.)
một dạ một lòng: 1/ Một mực trung thành, không thay đổi lòng dạ. – 2/ Tận tuỵ, đem hết tâm lực để cống hiến.
nỗi vì: Hiềm vì; khổ nỗi;
khốn nỗi; ngặt nỗi; ngặt vì.
minh mông: Mênh mông; vô biên 無 邊; vô cùng rộng lớn; không giới hạn.
tường 詳: Biết
rõ; tỏ tường. – khôn tường: Không thể biết
rõ.
u Câu 7-8 ý nói: Tất cả chúng đệ tử một lòng
chung thủy, dốc chí tu hành nhưng hiềm vì Đạo vô cùng sâu rộng nên không thể
hiểu biết rõ ràng.
Câu 9-10: Muôn cầu
rộng lượng xin thương / Dạy người chỉ lối mở đường chúng tôi.
muôn cầu: Cầu xin vô số lần. Ngụ ý là vô cùng
thiết tha, rất mực thành khẩn.
rộng lượng: Đại lượng 大 量; có lòng bao dung, tha thứ, thương
người.
dạy người: Sai người
tới (để giúp).
u Câu 9-10 ý nói: Chúng đệ tử tha thiết cầu xin
Ngài bao dung, thương xót, sai người tới soi đường dẫn lối cho chúng đệ tử tu
hành.
Câu 11-12: Ngây thơ
mờ tối vô hồi / Mà lòng quyết chí trau dồi bổn căn.
ngây thơ: Khờ dại,
thiếu kinh nghiệm, dễ bị lừa gạt.
mờ tối: Vô minh 無 明; không sáng suốt, ngu dốt.
vô hồi 無 回: Vô số lần; rất nhiều lần.
quyết chí 決 志: Nhứt định 一定; không đổi ý
thay lòng.
trau giồi (dồi):
Bồi bổ, bồi dưỡng, rèn luyện cho đầy đủ, cho tốt đẹp thêm, cho giỏi hơn.
bổn căn: Bản căn 本 根. Cái vốn
liếng thiêng liêng Trời ban cho mỗi người; biết bồi bổ nó bằng cách tu hành chơn
chánh thì có thể trở thành Hiền Thánh, Tiên Phật. Theo Cao Đài, Trời là Đại Linh Quang 大 靈 光; người là tiểu linh quang 小 靈 光; vậy, vốn
liếng thiêng liêng đó là linh quang 靈光 (ánh sáng thiêng liêng).
u Câu 11-12 ý nói: Chúng đệ tử ngây thơ, biết bao
lần u tối (nên cứ lầm lạc); tuy nhiên, chúng đệ tử vẫn quyết chí trau dồi bổn
căn thiêng liêng Trời đã ban cho.
Câu 13-14: Cúi xin
rưới chút hồng ân / Cúi xin chỉ mối đặng phăn đặng tìm.
rưới: 1/ Tưới đều
từng chút cho thấm vào và rê đi cùng khắp. – 2/ Ban bố đều khắp mọi nơi. Thí dụ: Rưới
ra đã khắp, thấm vào đã sâu. (Nguyễn Du) – Ơn phước Trời Phật ban xuống thấm nhuần muôn loài được ví như mưa móc (mưa
và sương, tức võ lộ 雨 露); do đó,
thường nói là “rưới; chan rưới”.
chút: Chút ít;
chút xíu. (Cách nói khiêm tốn khi cầu xin.)
hồng ân 洪 恩: Ơn huệ to tát.
chỉ mối: Chỉ dẫn cho
thấy đầu mối (để khỏi lầm lạc).
đặng phăn: Để lần mò
từng chút, lần theo dấu vết mà tìm cho ra. Thí dụ: Đôi ta như chỉ trong vòng / Phăn chưa ra mối trong lòng còn e.
(Ca dao)
đặng tìm: Để tìm
thấy.
u Câu 13-14 ý nói: Chúng đệ tử cúi lạy, cầu xin
Ngài ban hồng ân, chỉ nẻo soi đường cho chúng đệ tử lần dò theo đó mà tìm thấy
pháp môn để tu luyện.
Câu 15-16: Thinh
thinh trời lặng gió êm / Nguơn thần phước được chơn kim đơn thành.
thinh thinh: Thênh
thênh; mênh mông; bao la bát ngát.
trời lặng gió êm: Ám chỉ tâm thanh tịnh, phẳng lặng, không bị lục dục thất tình dấy động,
nổi sóng nổi gió.
nguơn thần 元 神: Đây là yếu tố (nhân tố) quan trọng trên hành trình tu luyện. (Xem giải
nghĩa ở hai câu 3-4 trong bài “Kính Lạy
Đức Diêu Trì Kim Mẫu”.)
phước được: Có phước
nên mới được (điều gì cực kỳ quý hiếm).
chơn kim 真 金: Nghĩa đen là “vàng thiệt”. Tục ngữ nói: “Vàng thiệt không sợ lửa.” (Chơn kim bất phạ hỏa. 眞 金 不 怕 火.) Do đó, “nguơn
thần” được đạo sĩ tu thiền (hành giả tịnh luyện) gọi là “chơn kim” bởi lẽ: Nguơn thần ngàn đời chẳng hư hoại, càng tu
luyện càng sáng tỏ.([3])
đơn (đan) 丹: Cơ thể con người có sẵn âm 陰 và dương 陽. Bằng cách tu thiền (tịnh luyện) hòa hợp được âm
và dương thì sản sanh ra “đơn”. Thế
nên đạo sĩ gọi tịnh luyện là “luyện đơn” 煉 丹. “Đơn” cũng
là thuốc tễ, do đó đạo sĩ còn gọi tu tịnh (thiền) là “luyện đơn nấu thuốc”. “Đơn” còn được gọi là “kim đơn” 金 丹 vì “kim” là
vàng, một thứ quý báu, bền bỉ (bất hoại
不 壞).
đơn thành 丹 成: Thành công của người tu thiền (hành giả tịnh luyện) tạo
được “đơn” hay “kim đơn” 金 丹. Muốn thành Tiên, trường sanh bất tử (không còn luân hồi),
thì phải luyện thành kim đơn, tức là “đơn
thành”.
u Câu 15-16 ý nói: Tâm người rất bao la, lớn rộng.
Khi tâm thanh tịnh, hành giả tịnh luyện sẽ thành công vì luyện được kim đơn bất
hoại.
Câu 17-18: Phi đằng
thổ nạp trường sanh / Siêu phàm nhập Thánh, Huỳnh Đình hóa thân.
phi đằng 飛 騰: Bay
vút lên. (Ý nói người tu đắc Đạo thì khi bỏ xác phàm, linh hồn siêu thăng thượng
giới.)
thổ 吐: Nhả ra; thở ra. – nạp 納: Hít vào. –
thổ
nạp: Nói đầy đủ là thổ cố nạp tân
吐 故 納 新 (nhả
ra hơi cũ, hít vào hơi mới), tức là thở ra để tống đi hết các khí bẩn (trọc khí 濁 氣) rồi chầm chậm hít vào khí sạch (thanh
khí 清 氣) để trừ khử
tật bệnh. Các đạo sĩ thực hành thổ
nạp để kéo dài tuổi thọ (trường sanh 長 生); thế nên thổ nạp
là phương pháp dưỡng sanh 養 生 của đạo Lão.([4])
trường sanh 長 生: Sống lâu. Tu theo đạo Lão là để thành Tiên 仙, được trường sanh bất tử 長 生 不 死 (khi
bỏ xác phàm thì linh hồn trở về cõi Tiên, khỏi phải luân hồi).
siêu phàm nhập Thánh 超 凡 入 聖: Vượt
lên khỏi cõi phàm tục mà đi vào cõi Thánh (tức là đắc Đạo 得 道).
Huỳnh Đình 黃 庭: “Huỳnh
(hoàng)” là màu vàng tượng trưng cho trung tâm.([5]) “Đình” là trung tâm của bốn phương.([6]) Do đó, “Huỳnh Đình” ám chỉ trung tâm của cơ thể, là nơi kết tụ kim đơn.
hóa thân 化 身: Biến hóa ra thân khác, tức là từ phàm tục trở thành Tiên Thánh. Hiểu theo
thiền pháp Cao Đài là tạo được nhị xác
thân (xác thân thứ hai, siêu hình).
u Câu 17-18 ý nói: Bằng cách tịnh luyện, kết thành
kim đơn ở Huỳnh Đình thì người tu thoát khỏi cõi phàm, linh hồn trở về cõi
Thánh (cõi Tiên) sau khi bỏ xác.
Câu 19-20: Lạy cầu
Đạo Tổ Lão Quân / Thanh hư Đạo Đức cạn phân Đạo mầu.
Trong bài thơ “lục bát thủ vĩ”, hai câu kết này lặp lại hai câu mở đầu
(đã giải thích ở trên).
TỔNG LUẬN
1. Hai câu 15-16 (Thinh thinh trời lặng gió êm / Nguơn thần phước được chơn kim đơn thành)
nói lên chỗ cốt lõi của tu thiền (tịnh luyện; công phu) là giữ tâm thanh tịnh.
Hành giả tu tịnh lâu năm có thể ngồi thiền suốt một giờ, nhưng thử hỏi:
Trong sáu mươi phút ấy có bao nhiêu giây phút mà tâm thực sự được thanh tịnh?
Bao nhiêu giây phút mà tâm cứ như khỉ vượn nhảy nhót leo chuyền? cứ như con
ngựa thả rong mặc tình tung vó?
Ai đã tập tọa thiền rồi thì rất thấm thía chỗ này: Bề ngoài, nhìn tướng
ngồi nghiêm trang, bất động chẳng khác chi pho tượng, nhưng trong tâm thì vô
vàn ý nghĩ tới lui. Ngồi yên một chỗ mà tâm trí cứ rong chơi khắp ta bà thế
giới; muôn điều vạn sự quá khứ và tương lai cứ nối tiếp nhau dồn dập diễn ra
trong tâm trí, và tâm như đang nổi dông nổi gió, như sóng biển cuộn trào lớp
lớp.
Bởi vậy, kết quả tu thiền chẳng tùy thuộc vào thời gian thực hành là bao
nhiêu ngày, bao nhiêu năm tháng mà cốt yếu chỉ ở tâm thanh tịnh. Đức Đông Phương Lão Tổ dạy:
Một giờ thanh tịnh một giờ linh
Nên Đạo hay không cũng bởi mình.
Chẳng phải mấy ngày, năm tháng cũng ... ([7])
2. Bốn chữ “trời
lặng gió êm” trong câu 15 gợi nhớ tới lời Đức Chí Tôn dạy con cái phải giữ tâm thanh tịnh:
Biển êm lặng minh châu mới hiện
Tâm con thường như biển gió dông
Muốn yên con phải lóng lòng ...
([8])
3. Bí quyết thành tựu của công phu tu luyện là tâm thanh tịnh. Mọi cấp bực pháp môn (dù
thấp hay cao) chung quy đều là phương tiện. Lãnh hội lý lẽ này thì thấu hiểu vì
sao “đạo pháp ở cấp bực nào cũng có thể
tu chứng được”. Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy:
“Đấng Chí Tôn luôn luôn ngự trong tâm
thanh tịnh của chư đệ muội. Phật Tiên Thánh luôn luôn hộ trì, chỉ
cần chư đệ muội công phu tu tập cho thật dũng mãnh sáng suốt, dầu đạo
pháp ở cấp bực nào cũng có thể tu chứng
được.” ([9])
Nhiêu Lộc,
07-01-2025
Huệ Khải