II. TÍNH MỞ CỦA ĐỊA LÝ THIÊN NHIÊN NAM KỲ
Nam Kỳ gồm miền Đông Nam
Kỳ rộng 27.920km2 và miền đồng bằng châu thổ sông Cửu Long rộng
39.950km2, hình thành hai vùng thiên nhiên rõ rệt. Với diện tích
67.870km2, Nam Kỳ là châu thổ lớn nhất của vùng Đông Nam Á và là đồng
bằng lớn nhất của Việt Nam.([1]) Ở vào vị trí trung tâm của
Đông Nam Á, Nam Kỳ từ lâu đã được xem là “địa
bàn thuận tiện nhất trong việc nối liền và giao lưu mọi mặt với các nước láng
giềng trong khu vực”.([2])
1. VỊ TRÍ
MỞ CỦA NAM KỲ TRONG KHU VỰC ĐÔNG NAM Á
Có người xem Nam Kỳ là vị trí ngã tư đường của các cư dân và
các nền văn hóa, văn minh.([3])
Do đó Nam Kỳ đã sớm là vị trí hội tụ các luồng văn hóa Đông Tây, một giao điểm
động, thoáng, và mở.([4])
Tinh thần bao dung tôn giáo ở Nam Kỳ cũng là đặc điểm chung của các tôn giáo ở
Đông Nam Á, chấp nhận cùng hiện hữu, không kỳ thị và không có xung đột, chiến
tranh tôn giáo.([5])
2. HỆ THỐNG SÔNG NƯỚC NAM KỲ LÀ ƯU THẾ
MỞ ĐỂ NỐI LIỀN VĂN HÓA ĐÔNG TÂY
Sông ngòi, kênh rạch của Nam Kỳ nhiều và chằng
chịt. Có sách cho rằng tổng số chiều dài sông và kênh rạch lớn lên tới trên
5.000km.([6])
Đồng bằng sông Cửu Long hai mặt giáp biển.
Trên cùng một châu thổ có những con sông chảy ngược chiều nhau: có sông đổ ra
biển Đông, có sông đổ ra vịnh Thái Lan ở phía Tây. Hơn nữa, những con sông đó lại
được các con kênh nối với nhau, như thể nối nước chảy về bên Đông với nước chảy
về bên Tây.([7])
Tại đồng bằng miền Tây Nam Kỳ, theo Vũ Tự Lập,
“Ngoài hệ thống Cửu Long, (...) còn rất nhiều sông nhỏ và kênh đào. Ở phía
Tây Nam châu thổ, các sông ngòi nối với nhau chằng chịt và chảy ra cả biển Đông
và vịnh Thái Lan do chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Theo nhịp điệu thủy triều,
khi thì nước chảy từ Đông sang Tây, khi thì chảy ngược lại, giao thông thủy thật
tiện lợi.” ([8])
Đinh Văn Hạnh cho rằng đặc trưng độc đáo
này của sông nước Nam Kỳ là một “ưu thế nổi
trội (...) khiến cho vùng đất này như
‘mở được mọi cửa’ để tiếp cận với xung quanh”.([9])
· Tóm lại,([10])
từ những ý kiến trên đây, có thể rút ra điều gì? Đất Nam Kỳ ở vào vị trí mở
trong khu vực Đông Nam Á, và có hệ thống sông nước mang tính mở và nối kết Đông
Tây. Với hai đặc điểm như thế, cuộc đất ấy sẽ sản sinh ra những tâm hồn mở,
thoáng với xu hướng tổng hợp Đông Tây. Địa lý Nam Kỳ có thể xem là một tiền đề
thuận lợi cho sự ra đời của đạo Cao Đài – một tôn giáo “tổng hợp các nền đạo lý theo phương châm kết tinh kim cổ, dung hòa Đông
Tây”.([11])
III. TÍNH MỞ VÀ ĐỘNG CỦA LÀNG NAM
KỲ
1. TÍNH MỞ CỦA LÀNG NAM KỲ
a. Địa hình mở
Theo Huỳnh Lứa, làng ở Nam Kỳ, đặc biệt ở đồng
bằng sông Cửu Long, “thường được hình thành dọc theo sông rạch.
Thôn xóm thường được trải dài theo hai bên bờ sông, bờ kênh rạch, không có lũy
tre bao quanh, nhà cửa nằm ở giữa vườn cây trái, đằng trước nhà là dòng nước,
nơi ghe thuyền qua lại, phía sau là đồng ruộng.” ([12])
Một cách tỉ mỉ hơn, Thạch Phương phân chia làng Nam Kỳ ra bốn
dạng quần cư chính:
i. “Phổ biến nhất là loại
hình làng xóm thiết lập dọc theo các tuyến sông rạch; vườn nhà này nối tiếp vườn
nhà khác, hoặc cách quãng bởi ruộng lúa.”
ii. “Khi đường bộ phát
triển thì lại xuất hiện loại hình làng xóm chạy dài theo trục lộ, nhưng thường thường nhà cửa, vườn tược không
liên tục như ở tuyến sông rạch.”
iii. “Một loại hình
làng nữa được thiết lập ở nơi vàm sông, ở chỗ giáp nước (nơi hai dòng nước do
chịu sự tác động của thủy triều gặp nhau). Những tụ điểm dân cư này thường có
xu hướng phát triển thành thị tứ (hay thị trấn) vì là nơi tập trung quán xá, cơ
sở dịch vụ sửa chữa, cửa hàng, chành vựa và có khi cả chợ búa.”
iv. Ở miền đông Nam Kỳ: “Làng
xóm nằm trên các đồi, gò, hay trên những giồng đất cao...” ([13])
Làng Nam Kỳ không có lũy tre bao quanh, không tạo thành một
quần thể riêng biệt, không cách bức với các làng khác như ở Bắc Kỳ.([14])
Nói về tính mở của làng Nam Kỳ, và so sánh sự tương phản với
làng Bắc Kỳ, đáng lưu ý tới ý kiến của Trần Đình Hượu, một tác giả miền Bắc.
Ông nhìn thấy mỗi một làng miền Bắc giống như một hòn đảo tách biệt, có lũy tre
bao quanh, với lối độc đạo vào làng, đi qua một cổng kiên cố bằng gạch, có cánh
cửa gỗ lim. Do đó, làng Bắc Kỳ mang ý nghĩa bố phòng, không thân thiện, ít hiếu
khách.([15])
Cũng vậy, trong Nông dân đồng bằng Bắc Kỳ,
P. Gourou nhận xét rằng mỗi làng ở Bắc Kỳ là một quần thể khép kín, với lũy tre
bao bọc quanh làng, với rào hay tường bao quanh từng nhà.([16])
b. Thiết chế mở
Ngoài mặt địa hình mở, làng Nam Kỳ còn mang tính mở về mặt
thiết chế.
Giải thích lý do hình thành thiết chế mở ở làng Nam Kỳ, điều
mà làng Trung Kỳ và Bắc Kỳ không có, Thạch Phương lập luận rằng Nam Kỳ là đất mới
do lưu dân khai phá, “nên làng xóm ở đây
có một lịch sử hình thành và phát triển ngắn hơn làng xóm ở Bắc và Trung. Các
sinh hoạt của cộng đồng thôn xã cũng lỏng lẻo hơn, không bị ràng buộc bởi hệ thống
quy tắc chặt chẽ và những nghi thức rườm rà, phiền phức như ở nơi đất cũ.” ([17])
Làng Nam Kỳ không có hương ước, thần tích, thần phả ([18])
cho nên, nói theo Thạch Phương, “kể cả những
làng tương đối lâu đời, thường khá lỏng lẻo về mặt thiết chế. (...) Dân làng nói chung không bị những quy ước,
những lệ làng ràng buộc, câu thúc chặt chẽ như ở Bắc và Trung.” ([19])
Đồng quan điểm như trên, Huỳnh Lứa lập luận rằng làng ở đất mới
“chưa bị ràng buộc bởi luật lệ, quy chế
nghiêm ngặt với những lệ làng, hương ước phức tạp. Và cũng không có sự phân biệt
giữa người đã ở lâu với người mới đến, giữa dân chính gốc và người ngụ cư. Từ
sau khi nhà Nguyễn thiết lập và củng cố bộ máy quản lý hành chánh, tình hình có
thay đổi khác hơn, nhưng nhìn chung thiết chế làng xã ở đây vẫn lỏng lẻo hơn so
với làng xã ở đồng bằng Bắc Bộ.” ([20])
2. TÍNH ĐỘNG CỦA LÀNG NAM KỲ
Làng Bắc Kỳ hầu hết là làng cổ. Mỗi làng thường có một truyền
thống và dân làng tự hào được bảo thủ cái truyền thống xưa cũ đó. Làng Bắc Kỳ
vì thế thường là cộng đồng của một số dòng họ. Trái lại, Nam Kỳ là đất mới, thu
hút lưu dân tứ xứ tụ về. Làng Nam Kỳ vì thế cũng mang tính động, như là một thuộc
tính của vùng đất mới. Tác nhân chủ yếu tạo thành tính động này chính là những
cuộc di dân.
Sử liệu có một bằng chứng cụ thể về tính động này. Thực vậy,
sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa ở làng An Định (tỉnh Châu Đốc), để kiểm soát dân
làng, năm 1887 Pháp lập thống kê. Kết quả cho thấy 407 gia đình có gốc gác từ 13
tỉnh khác nhau ở Nam Kỳ, và truy ngược nữa, thì họ lại từ miền Trung vào.([21])
Do tính tứ chiếng này mà ở Nam Kỳ hầu như không có gia phả của
dòng họ, và Sơn Nam giải
thích: “Về gia phả gần như không có, người
khẩn hoang ở Nam
Bộ [Nam Kỳ] không ghi chép lại để che
giấu lý lịch, đề phòng trường hợp tru di tam tộc, theo luật phong kiến.” ([22])
Tính động của làng Nam Kỳ về mặt nông nghiệp còn thấy ở hình
thức ruộng phụ canh, điều hầu như hiếm có ở Bắc Kỳ. Thế nào là ruộng phụ canh?
Trần Thị Thu Lương giải thích: “Ruộng đất
phụ canh là loại ruộng đất có chủ sở hữu không phải là người bản thôn (xã).”
([23])
Nguyễn Công Bình viết: “Nếu
ở đồng bằng sông Hồng chỉ có đôi làng có ruộng phụ canh của người làng bên cạnh,
thì ở đồng bằng sông Cửu Long phổ biến các thôn xã có ruộng đất phụ canh, có
nhiều hộ có ruộng phụ canh ở làng khác, xã khác, tổng khác, huyện khác, thậm
chí tỉnh khác. Lại có những hộ có ruộng đất phụ canh ở nhiều thôn xã khác, tổng
khác, huyện khác.” ([24])
Khi khảo sát địa bạ của 92
thôn xã có ruộng đất tư nằm rải đều trong 8 tổng thuộc Nam Kỳ Lục Tỉnh ở đầu
thế kỷ 19, Trần Thị Thu Lương phát hiện
76/92 thôn xã đã có ruộng đất phụ canh. Số chủ phụ canh là 1.159 người, chiếm
24,2% số lượng chủ (4.793 người). Diện tích phụ canh là 17.635 mẫu 6 sào, chiếm
28,35% diện tích ruộng tư (62.202 mẫu 3 sào).([25])
Từ kết quả khảo sát ruộng đất Nam Kỳ thế kỷ 19, Trần Thị Thu
Lương nhận định: “Tình hình phụ canh ruộng
đất ở đây đã thể hiện tính chất mở của nó trên phương diện giao lưu sở hữu ruộng
đất giữa các xã thôn. Nó đồng thời còn thể hiện tính di động cao của nông dân
Nam Bộ [Nam Kỳ].” ([26])
● Tóm lại, làng Nam Kỳ mang tính mở và tính động. Đây cũng là
tính chất của người Nam Kỳ. Hệ quả tất nhiên là người Nam Kỳ có đầu óc cởi mở
và sẵn sàng tiếp thu cái mới. Nhờ thế, khi tiếp xúc với cái mới, người Nam Kỳ dễ
dàng bao dung, chấp nhận, rồi tích cực ủng hộ. Tình cảm, thái độ ứng xử này rất
thuận lợi cho sự ra đời của một tôn giáo mới như đạo Cao Đài.
Thực vậy, thay vì dị ứng với cái mới, người Nam Kỳ đã
mau lẹ, nhiệt thành và đông đảo đi theo một tôn giáo mới như Cao Đài. Họ đã
nhanh chóng tạo thành một hiện tượng khác thường trong lịch sử, khiến cho về
sau này các học giả phương Tây phải gọi đó là một “làn sóng”, hay một “phong
trào”. Hai từ ngữ này có thể không thích hợp khi nói tới một tôn giáo, nhưng nó
lại phản ánh được phần nào cái hiện tượng đông đảo tín đồ Cao Đài nhanh chóng
phát triển rộng khắp Nam Kỳ.
[1] [Huỳnh
Lứa 1987: 17, 19].
[2] [Đinh
Văn Hạnh 1999: 12].
[3] [Đinh
Văn Hạnh 1999: 13].
[4] [Đinh
Văn Hạnh 1999: 13].
[5] [Đinh
Văn Hạnh 1999: 308].
[6] [KHXH
1982: 54].
[7] [Đinh
Văn Hạnh 1999: 14].
[8] [Vũ Tự
Lập 1978: 161-162].
[9] [Đinh
Văn Hạnh 1999: 14].
[10] Sau
khi tổng hợp dữ liệu khách quan của các nhà nghiên cứu khác, tôi thử rút ra một
số nhận định về lý do khai sinh ra đạo Cao Đài ở Nam Kỳ. Những rút tỉa của tôi
được đánh dấu ●.
[11] [Lê
Anh Dũng 1996: 15].
[12] [Thạch
Phương 1992: 38].
[13] [Thạch
Phương 1992: 55].
[14] [Nguyễn
Phương Thảo 1994: 10].
[15] [Đinh
Văn Hạnh 1999: 301].
[16] [Nguyễn
Phương Thảo 1994: 9].
[17] [Thạch
Phương 1992: 59].
[18] [Đinh
Văn Hạnh 1999: 302].
[19] [Thạch
Phương 1992: 55].
[20] [Thạch
Phương 1992: 38].
[21] [Phan
Quang 1981: 214].
[22] [Sơn Nam 1993: 31].
[23] [Trần
Thị Thu Lương 1995: 177].
[24] [Nguyễn
Công Bình 1995: 77].
[25] [Trần
Thị Thu Lương 1995: 178-179].
[26] [Trần
Thị Thu Lương 1995: 182].
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.