VI. NHU CẦU TÂM LINH NGƯỜI NAM KỲ
Sơn Nam
cho rằng người Nam Kỳ chịu ảnh hưởng Tam giáo (Phật, Lão, Khổng), và họ đã “xây dựng một nếp sống tinh thần khá ấm áp,
bình đẳng, lấy tình nghĩa huynh đệ làm trọng, sống chết có nhau, giữ trung cang
nghĩa khí lúc khó khăn, hiếu động. Đúng là nếp sống tinh thần kết tinh đạo Phật,
Lão, Khổng.” ([1])
Điều đó hoàn toàn không sai. Nhưng phân tích hoàn cảnh Nam Kỳ
thời khai hoang mở đất thì phải nói rõ rằng ảnh hưởng Tam giáo thời ấy chỉ bàng
bạc, rất mỏng. Tam giáo bấy giờ không thực sự là tư tưởng chủ đạo chi phối trọn
vẹn đời sống tâm linh của những lưu dân ở Nam Kỳ.
1. NHO GIÁO
Theo Sơn Nam ,
ở đất mới Nam Kỳ, “Khổng Tử là vị thánh
mà dân gian ít ai biết, nếu biết thì cũng chẳng được trọng vọng cho lắm.” ([2])
Nho giáo tuy vậy “vẫn còn bàng bạc trong
dân gian”.([3]) Ảnh
hưởng Nho giáo tuy có trong nếp sống, nếp nghĩ của người Nam Kỳ, nhưng lại
thoáng hơn Trung Kỳ và Bắc Kỳ, do lối sống ngang tàng của lưu dân xa xứ, muốn
phá bỏ mọi lề thói ràng buộc cũ.
2. PHẬT GIÁO
Giáo lý nhà Phật cao siêu và thâm thúy, nhưng càng lúc càng
suy thoái từ thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 20. Sống ở miền đất mới đầy khổ ải, thiếu
các bậc chân tu dìu dắt, những tâm hồn khuấy nước chọc trời dễ có xu hướng trút
bỏ luôn chút ít vốn liếng đạo Phật còn sót lại trên con đường Nam tiến. Đinh
Văn Hạnh nhận xét: “Do đó, Phật giáo ít
có điều kiện ăn sâu vào đời sống tinh thần của đại đa số nông dân.” ([4])
Sơn Nam
khái quát tình hình Phật giáo ở miền đất mới như sau: “Đạo Phật phải phù hợp với dân ít biết chữ nghĩa. Cốt lõi là đạo Phật
nhưng pha trộn tín ngưỡng dân gian và vài ảnh hưởng của đạo Lão, với bùa chú” ([5])
“… nhiều chùa Phật vẫn thờ bà chúa Xứ, thờ
Quan Vân Trường” ([6]); “Về tổ chức, thời xưa nhà chùa không theo hệ phái nào với hệ thống chặt
chẽ”.([7]); “Các chùa ở vùng đất mới, nói chung ít chú trọng đào tạo
tăng tài mà nặng về phần dùng nghi thức để phổ biến việc làm lành lánh dữ, nhân
nào quả nấy, với niết bàn, Tây phương cực lạc và cõi âm phủ! Nghi thức càng dân
dã càng tốt.” ([8])
Sơn Nam
đã viết nhiều về cuộc sống lưu dân trong tập truyện Hương rừng Cà Mau, về những người xưa Vạch một chân trời, dấn mình vào Hai cõi U Minh... Những trang văn sống động ấy cho thấy cuộc sống bất
trắc và khắc nghiệt của lưu dân ở Nam Kỳ: có rắn ăn rắn, có rùa ăn rùa, phải đấu
tranh sinh tồn với mãng xà, cá sấu, cọp, heo rừng... Bên đống lửa hun khói xua
muỗi mòng, chai rượu đế cay nồng cũng là cách đơn giản giúp lưu dân giải phiền,
tạm quên đi nỗi trơ trọi giữa chốn hoang vu sơn lam chướng khí nghiệt ngã.
Trong hoàn cảnh ấy, với môi trường sống và tâm trạng ấy, thử hỏi làm sao có thể
khuyên nhau tu hành giữ giới (chay lạt, cấm sát sinh) được?
3. LÃO GIÁO
Lão giáo ở Nam Kỳ cũng cùng tình trạng như triết học hình nhi
thượng của đạo Nho, và giáo lý đại thừa của nhà Phật. Triết lý vô vi thanh tĩnh
của các Đạo gia quá cao siêu và không thể thích nghi với tâm hồn lưu dân Nam Kỳ
trong buổi đầu phá rừng dựng nước. Nam Kỳ là miền đất màu mỡ cho Đạo giáo dân
gian với muôn vẻ biến thái. Theo Sơn Nam , “trong dân gian, không nghe ai gọi đích danh đạo Lão. Không có trường
phái nào rõ rệt, chỉ gọi nôm na là tu tiên.”([9])
Đạo giáo dân gian lại có sức quyến rũ cố kết nông dân lại để
chống ngoại xâm và cường hào ác bá. Những di dân người Hoa quy tụ về Nam Kỳ lại
mang thêm cho miền đất này xu hướng lập hội kín để tự bảo vệ bang, phái hay mưu
đồ đại sự. Thiên địa hội là một thí dụ.
Cuối thế kỷ 19, Đạo giáo dân gian và những biến thái của tín
ngưỡng này đã là dòng sinh hoạt tâm linh mạnh mẽ ở Nam Kỳ và gắn liền với phong
trào yêu nước chống thực dân Pháp.
4. THIÊN CHÚA GIÁO
Theo Huỳnh Lứa, “đầu thế
kỷ 19, một bộ phận lưu dân người Việt trong đó phần lớn là tín đồ Thiên Chúa
giáo lánh nạn cấm đạo đến sinh sống ở khu Cái Mơn, Cái Nhum. Họ cũng đến sinh sống
ở vùng đất giồng như Sóc Sãi, Ba Vác, Pang Tra Thom, Mỏ Cày vào thời gian muộn
hơn sau khi cư dân người Khơ-me rời khỏi vùng này.” ([10])
Cái Mơn trước kia thuộc tỉnh Vĩnh
Long, nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Có tài liệu cho rằng đạo Thiên Chúa có mặt ở Cái Nhum (nay thuộc
xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) từ năm 1731 (www.bentre.gov.vn).
Theo Hall, vào nửa sau thế kỷ 18, tại Hòn Đất (tỉnh Hà Tiên)
đã có nhà tu nhỏ của Thiên Chúa giáo, dựng bằng tre, với khoảng bốn mươi tu
sinh Việt Nam, Trung Quốc, Xiêm (Thái Lan). Một giáo sĩ Pháp là Pierre Joseph
Georges Pigneau đã tới đó năm 1765.([11])
Sơn Nam cho biết thêm: ở vùng sông Hậu, tín đồ đạo Thiên Chúa
đã đến tỵ nạn tại Cái Đôi, Cù Lao Giêng (1778), Bò Ót (1779), Năng Gù (1845).([12])
Cù Lao Giêng nằm ở giữa sông Tiền, thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ
Mới, tỉnh An Giang. Ở đây có nhà thờ Cù Lao Giêng do Pháp cất, là nơi đào tạo
linh mục cho đến 1946. Trên Cù Lao Giêng còn có nữ tu viện dòng Providence , cũng do Pháp
lập, là nơi thu nhận trẻ em mồ côi và người già bệnh tật.
Văn thư ngày 14-12-1934 của Thống đốc Nam Kỳ Pagès gởi Toàn
quyền Đông Dương, cho biết năm 1596 các thừa sai Bồ Đào Nha dòng Đa Minh (Dominican)
đã đưa đạo Thiên Chúa vào Việt Nam, tiếp theo là các thừa sai Pháp dòng Tên
(Jesuit). Năm 1924, Nam Kỳ có khoảng 80.000 tín đồ Thiên Chúa, 156 giáo xứ, 38
thừa sai Pháp và 28 linh mục người Việt.([13])
Tuy nhiên, như Trần Thị Thu Lương và Võ Thành Phương ghi nhận,
“mặc dù đến thế kỷ 19 Thiên Chúa giáo đã
có khá nhiều ở nước ta và một số giáo dân trốn tránh việc cấm đạo của nhà Nguyễn
đã chạy vào đồng bằng sông Cửu Long cư trú, nhưng ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo
không mạnh.”([14])
Đinh Văn Hạnh đánh giá: “Như
vậy, suốt một thời gian dài, trong cộng đồng cư dân người Việt ở đất mới Nam Bộ
[Nam Kỳ] đã không có một hệ tư tưởng
hay tôn giáo chủ đạo nào chi phối, mà trái lại, bị nhiều hệ tư tưởng, tôn giáo
khác nhau (mới và cũ) cùng tác động.” ([15])
Như Đinh Văn Hạnh nhấn mạnh, những người tha phương, khẩn
hoang ở Nam Kỳ có nhu cầu rất lớn về tín ngưỡng, tâm linh; tuy nhiên, vì nhiều
lý do khác nhau, những tư tưởng, tôn giáo sẵn có bấy giờ đã không đáp ứng được
nhu cầu của họ.([16])
5. KHOẢNG TRỐNG Ý THỨC HỆ
Ý kiến trên đây của Đinh Văn Hạnh cũng là quan điểm của không
ít nhà nghiên cứu khác. Sơn Nam
viết: “Lúc thực dân đang thắng thế, người
ở Nam
Bộ [Nam Kỳ] nói chung đã tùy thời mà
sống, hệ ý thức cũ đã mất sinh lực.” ([17])
Nói về những biểu hiện nhu cầu tâm linh của người Nam Kỳ ở cuối
thế kỷ 19, có người chỉ coi đó là “tâm lý hẫng hụt”, do hẫng hụt mà cần đi tìm
một tôn giáo mới.([18])
Nhưng Jayne Susan Werner xác định rõ rằng đó là khoảng trống lớn về ý thức hệ ở
Nam Kỳ trước thế kỷ 20: “Đạo Phật và Khổng
suy thoái, để lại một khoảng trống văn hóa thuận lợi cho việc sáng lập các giáo
thuyết mới nhắm vào mục đích khôi phục nền văn hóa Việt Nam.” ([19])
Khoảng trống đó là hậu quả của đất nước bị thực dân Pháp xâm
chiếm, biến Nam Kỳ thành thuộc địa. Werner viết: “... sau khi Pháp xâm chiếm, đạo Khổng và Phật đã suy thoái. Các thầy tu
có học thức của Phật và Lão thực tế đã không có mặt ở Nam Kỳ trong những
năm 1920. Đạo Khổng không còn sức mạnh là một học thuyết chính trị và xã hội, mặc
dù đạo Khổng vẫn còn là căn bản cho đạo đức gia đình trong những thập niên 1920
và 1930.” ([20])
6. ĐẠO CAO ĐÀI RA ĐỜI ĐÃ ĐÁP ỨNG NHU CẦU TÂM LINH NAM KỲ
Khi chỉ ra khoảng trống ý thức hệ ở Nam Kỳ ở đầu thế kỷ 20,
Werner lý giải vì sao đạo Cao Đài có sức thu hút mạnh mẽ người dân Nam Kỳ: “Quả thật, trong một mức độ nào đó, đạo Cao
Đài có thể được coi là một nỗ lực nhằm trả lại sinh lực cho đạo Phật – các thầy
tu đứng đầu trong đạo Phật, Lão và các chi Minh [Minh Sư, Minh Đường, Minh
Lý, Minh Tân, Minh Thiện] đã quy tụ về đạo
Cao Đài khi đạo này mới được thành lập. Trước khi các thánh thất được xây dựng,
những người khai đạo Cao Đài cũng dùng các chùa Phật để hành lễ khắp cả Nam Kỳ,
và một số các nhà sư đứng đầu các chùa ấy đã theo đạo Cao Đài. Trong các vùng ảnh
hưởng của đạo Cao Đài, người ta biết rằng đông đảo Phật tử các chùa ấy đã nhập
môn tập thể theo Cao Đài.” ([21])
● Tóm lại, trên miền đất mới Nam Kỳ − tuy có sẵn tín ngưỡng bản
địa của các dân tộc khác, tuy có sẵn những tôn giáo cổ truyền lưu dân mang theo
trên đường về phương Nam, tuy đã có thêm cả dòng tín ngưỡng do phương Tây mang
tới − trong tâm hồn của người Nam Kỳ rốt lại vẫn là nỗi trống vắng của một nhu
cầu tâm linh chưa được đáp ứng.
Người Nam Kỳ đầu thế kỷ 20 thật sự cần có một sắc thái tâm
linh khác hơn, mới hơn, mà không hoàn toàn xa lạ để họ khỏi dị ứng, khỏi lạc
lõng. Để lấp kín khoảng trống tâm linh ấy, người Nam Kỳ đã tìm thấy ở đạo Cao
Đài những giá trị mới mẻ mà thân quen, huyền bí mà gần gũi, giản đơn bình dị mà
lại đầy tính tổ chức trong một hình tướng nhiều màu sắc.
Đó là lý do người Nam Kỳ đã đông đảo đi theo Cao Đài rất sớm,
cho dù đạo ra đời chỉ trong một thời gian rất ngắn, cho dù những người mở đạo vốn
không phải là các nhà truyền giáo chuyên nghiệp. Thực vậy, hầu hết lớp tiền
nhân mở đạo Cao Đài xuất thân từ nhiều giai tầng xã hội khác nhau, trình độ học
vấn khác nhau, và họ đều chưa hề trải qua bất kỳ một trường lớp đào tạo giáo sĩ
nào trước khi đem cả nhiệt tâm chân thành ra truyền đạo.
VII. KẾT LUẬN
Khảo sát khái quát trên đây chắc chắn chưa có thể nói được hết
những mối liên quan giữa các yếu tố thiên nhiên, nhân văn Nam Kỳ với sự ra đời
của đạo Cao Đài trên đất Nam Kỳ. Trong khuôn khổ giới hạn của một chuyên khảo
nhỏ, có thể tạm đúc kết mấy nét chủ yếu như sau:
– Nam Kỳ là đất mới, có vị trí mở, thoáng và động; là giao điểm
hội tụ các luồng văn hóa Đông Tây; cũng là đất giao lưu, hội nhập của nhiều dân
tộc, nhiều tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau.
– Sống trong môi trường đa văn hóa, con người Nam Kỳ có cá
tính riêng. Cá tính đó là bình đẳng, dân chủ, cởi mở, và nhạy bén với cái mới.
– Do đó đất nước và con người Nam Kỳ sẵn sàng tiếp thu, nhiệt
tình ủng hộ cái mới, nhất là khi cái mới đó chẳng những không xa lạ với tâm hồn
Nam Kỳ, mà còn đáp ứng được sự trống vắng tâm linh của người Nam Kỳ buổi đầu thế
kỷ 20.
Chính vì đạo Cao Đài ra đời ở Nam Kỳ trong bối cảnh lịch sử,
thiên nhiên và xã hội như thế, nên đã mau lẹ thu hút đông đảo dân chúng Nam Kỳ
theo đạo trong một thời gian ngắn chỉ vài năm.
Cũng nên thấy rằng, sự đông đảo và nhiệt tình của người dân
Nam Kỳ hướng về một tôn giáo mới như Cao Đài dường như phản ảnh cái vô thức muốn
thoát ra khỏi những khuôn mẫu của các dòng văn hóa cũ để hướng tới một chân trời
mới. Nhưng ở tôn giáo Cao Đài, đã không cổ xúy cho sự dứt bỏ truyền thống để hướng
về hiện đại.
Nói cách khác, Cao Đài mang đến sự cách tân đặt trên nền tảng
giá trị truyền thống đã gạn lọc:
Chính mình Thầy đến chốn
Nam bang,
Mượn đất đem gieo mối Đạo
vàng.
Tưới nước vun phân Nho,
Thích, Lão,
Là một tôn giáo trẻ sinh ra trên miền đất sẵn có những tôn
giáo lớn đã định hình từ xa xưa, mà những tôn giáo ấy đã gieo ảnh hưởng rễ sâu
gốc bền trong lịch sử, văn hóa, tâm lý dân tộc, đạo Cao Đài đã chọn một giải
pháp khác, là xây dựng hiện đại trên nền truyền thống và Việt hóa các dòng văn
hóa khác để phù hợp với tâm lý của người Việt:
Cao Đài bao quát rộng
sâu,
Để Nam Kỳ trở thành miền đất giàu đẹp như ngày nay, tiền nhân
Việt Nam
đã phải qua 300 năm phá rừng dựng nước gian khổ. Đã bao lớp tiền nhân Nam Kỳ phải
chịu cảnh xuống sông sấu bắt lên bờ cọp tha để cho ngày nay cháu con có được nước
ngọt quả lành, ruộng đồng mênh mông bát ngát.
Đạo Cao Đài ra đời chưa đầy 100 năm trong dòng lịch sử hơn
300 năm Nam Kỳ. Những gian khổ nguy nan của lớp tiền bối khai Đạo xét ra cũng
không khác gì những hy sinh mất mát của lớp lưu dân ngày trước trên giải đất
phương Nam. Tất cả đều chung một ước vọng vạch một chân trời tươi sáng cho mai
hậu.
Tìm hiểu đất Nam Kỳ giúp hiểu thêm phần nào về buổi bình minh
của đạo Cao Đài, một tín ngưỡng gắn bó thắm thiết với tình dân tộc.
THƯ TỊCH
[Bằng Giang 1992]. Văn
học quốc ngữ ở Nam
Kỳ 1865-1930. Nxb Trẻ.
[Cần Thơ 1997]. Khoa Ngữ văn Đại học Cần Thơ. Văn học dân gian đồng bằng sông Cửu Long.
Nxb Giáo dục.
[Duncanson 1968]: Dennis Duncanson. Government and Revolution in Vietnam . London :
Oxford University Press. Dẫn theo / Quoted from
[Oliver 1976].
[Đinh Văn Hạnh 1999]. Đạo
Tứ ân Hiếu nghĩa của người Việt ở Nam Bộ. Nxb Trẻ.
[Gobron 1950]: Gabriel Gobron. History and Philosophy of Caodaism. Paris : Dervy. Dẫn theo / Quoted from [Oliver
1976].
[Hammer 1954]: Ellen J. Hammer. The Struggle for Indochina . Stanford:
Standford University Press. Dẫn theo / Quoted from
[Oliver 1976].
[Hall 1997]: D. G. E. Hall. Lịch sử Đông Nam
Á. Bùi Thanh Sơn và nhiều người dịch. Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia.
[Huỳnh Lứa 1987] (chủ biên). Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ. Nxb Tp.HCM.
[KHXH 1982]. Viện Khoa học Xã hội tại Tp.HCM. Một số vấn đề khoa học xã hội về đồng bằng
sông Cửu Long. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội.
[Lê Anh Dũng 1996]. Lịch
sử đạo Cao Đài thời kỳ tiềm ẩn 1920-1926. Huế: Nxb Thuận Hóa.
[Lưu Văn Nam 1999]. “Người
Khơ Me ở Nam Bộ,” in trong Nam Bộ xưa và nay. Nxb Tp.HCM và tạp chí
Xưa & Nay.
[Mạc Đường 1991] (chủ biên). Vấn đề dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội.
[Mạc Đường 1995] (chủ biên). Làng xã ở châu Á và ở Việt Nam. Nxb
Tp.HCM.
[Meillon 1962]: Gustave
Meillon. Les Messages Spirites. Trần
Quang Vinh, ed., Tây Ninh, n.p. Dẫn theo / Quoted from [Oliver 1976].
[Nguyễn Công Bình 1995].
“Làng xã đồng bằng sông Cửu Long: Tính cách ‘mở’ và xu thế phát triển,” in trong Làng xã ở
châu Á và ở Việt Nam. Mạc Đường (chủ biên). Nxb Tp.HCM, tr. 75-81.
[Nguyễn
Khắc Tụng 1981] và Ngô Vĩnh Bình. Đại gia
đình dân tộc Việt Nam. Hà Nội: Nxb Giáo dục.
[Nguyễn Phương Thảo 1994]. Văn hóa dân gian Nam Bộ – những phác thảo.
Hà Nội: Nxb Giáo dục.
[Nguyễn Trần Huân 1958].
“Histoire d’une Secte Religieuse au Vietnam: le Caodaïsme,” Revue de Synthèse, 3 (Nov.-Dec.). Dẫn
theo / Quoted from [Oliver 1976].
[Nguyễn Văn Tâm 1949]. Caodaïsme et Hoa Hao. Extract de
l’Education, 14 (Jan.-Féb.). Saigon: Nguyễn Văn Của. Dẫn theo / Quoted from [Oliver
1976].
[Nguyễn Văn Xuân 1969]. Khi những lưu dân trở lại. Sài Gòn: Nxb
Thời mới.
[Phan Quang 1981]. Đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội: Nxb Văn
hóa.
[Oliver 1976]: Victor L. Oliver 1976. Caodai Spiritism: a Study of Religion in Vietnamese Society. Leiden : E.J. Brill.
[Smith 1970]: Ralph Bernard Smith. “An Introduction to
Caodaism: 1. Origins and Early History,”
BSOAS, Vol. XXXIII. Part 2. London : University of London .
[Sơn Nam
1959]. Tìm hiểu đất Hậu Giang. Sài Gòn: Nxb Phù sa.
[Sơn Nam 1971]. Miền Nam đầu thế kỷ 20: Thiên địa hội và cuộc
Minh tân. Sài Gòn: Nxb Phù sa.
[Sơn Nam 1992]. Cá tính của miền Nam. Hà Nội: Nxb Văn hóa.
[Sơn Nam 1993]. “Đồng Tháp
Mười xa xưa,” in trong Lịch sử Đồng Tháp
Mười. Võ Trần Nhã (chủ biên). Nxb Tp.HCM, tr. 7-38.
[Sơn Nam 1994]. Thuần phong mỹ tục Việt Nam (quan, hôn,
tang, tế). Nxb Đồng Tháp.
[Sơn Nam 2000]. Tiếp cận với đồng bằng sông Cửu Long.
Nxb Trẻ.
[TGST 1966-67]. Thánh giáo sưu tập 1966-1967. Sài Gòn:
Cơ quan Phổ thông Giáo lý Cao Đài giáo Việt Nam ấn tống.
[Thạch Phương 1992] và Hồ
Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh. Văn hóa
dân gian người Việt ở Nam Bộ. Hà
Nội: Nxb Khoa học Xã hội.
[Trần Thị Thu Lương 1991] và
Võ Thành Phương. Khởi nghĩa Bảy Thưa
(1867-1873). Nxb Tp.HCM.
[Trần Thị Thu Lương 1995].
“Phụ canh ruộng đất giữa các làng Việt ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ 19,” in trong Làng xã ở châu Á và ở Việt Nam. Mạc Đường (chủ biên). Nxb Tp.HCM,
tr. 177-183.
[Trần Văn Giàu 1998] và Trần
Bạch Đằng (chủ biên). Địa chí văn hóa
thành phố Hồ Chí Minh. Tập I. Nxb Tp.HCM.
[Trương Vĩnh Ký 1997] (ghi
chép). Gia Định phong cảnh vịnh. Nguyễn Đình Đầu giới
thiệu. Nxb Trẻ.
[Vũ Tự Lập 1978]. Địa lý
tự nhiên Việt Nam .
Tập I.
Hà Nội: Nxb Giáo dục.
[Werner 1976]: Jayne Susan Werner. The Cao Dai: the politics of a Vietnamese syncretic religious movement.
Cornell University : January (thesis for the
degree of Ph.D.).
[Werner 1981]: Jayne Susan Werner. Peasant politics and religious sectarianism: peasant and priest in the
Cao Dai in Viet Nam .
Connecticut : Monograph series No. 23, Yale
University Southeast Asia Studies.
[1] [Sơn Nam 1971: VI].
[2] [Sơn Nam 2000: 58].
[3] [Sơn Nam 2000: 60].
[4] [Đinh Văn Hạnh 1999: 34-35].
[5] [Sơn Nam 2000: 70].
[6] [Sơn Nam 2000: 66].
[7] [Sơn Nam 2000: 71].
[8] [Sơn Nam 2000: 66].
[9] [Sơn Nam 2000: 60-61].
[10] [Huỳnh Lứa 1987: 53].
[11] [Hall 1997: 630].
[12] [Sơn Nam 1959: 59].
[13] [Werner 1976: 5], cước chú 5.
[14] [Trần Thị Thu Lương 1991: 42].
[15] [Đinh Văn Hạnh 1999: 37].
[16] [Đinh Văn Hạnh 1999: 37-38].
[17] [Sơn Nam 2000: 58].
[18] [Nguyễn Phương Thảo 1994: 28].
[19] [Werner 1981: 56].
[20] [Werner 1981: 13].
[21] [Werner 1981: 13].
[22] [TGST 1966-67: 34].
[23] Giáo tông Đại đạo Tam kỳ Phổ độ Lý Thái Bạch
(16-11-1986).
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.