IV. TÍNH ĐA DÂN TỘC VÀ ĐA
TÍN NGƯỠNG CỦA ĐẤT NAM
KỲ
1. TÍNH ĐA DÂN TỘC
Theo Huỳnh Lứa: “Nam Bộ
[Nam Kỳ] nói chung, vùng đồng bằng
sông Cửu Long nói riêng, ngay trong buổi đầu khai phá, đã có nhiều dân tộc sống
chung, xen kẽ với nhau. Đó là một điểm đáng chú ý so với bất cứ vùng nào trên đất
nước Việt Nam .”
([1])
Thực vậy, tính luôn người Việt (còn gọi là người Kinh), trên
toàn lãnh thổ Việt Nam
có năm mươi bốn dân tộc khác nhau. Riêng ở Nam Kỳ, ngoài người Việt (Kinh) và
Hoa (Hán) ra, có bảy dân tộc khác như sau: Khơ-me (Khmer), Cơ Ho (K’Ho), Chăm
(Chàm), Mnông, Xtiêng (Stieng), Mạ và Chu Ru.([2])
Dân tộc Việt. Người Việt vào khai phá và định cư ở
Nam Kỳ từ thế kỷ 17. Quá trình di dân liên tục của người Việt diễn ra đồng thời
với chiến tranh Trịnh-Nguyễn. Cuộc di dân càng ồ ạt khi các chúa Nguyễn thi
hành chính sách Nam
tiến.([3])
Dân tộc Hoa. Cuối thế kỷ 17, theo Huỳnh Lứa, người
Hoa từ các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam đã đến lập
nghiệp ở Nam Kỳ (Mỹ Tho, Biên Hòa, Hà Tiên, đồng bằng sông Cửu Long).([4])
Dân tộc Khơ-me. Trước thế kỷ 17, theo Đinh Văn Hạnh, khi
chưa có những đợt di cư của người Việt, người Hoa và người Chăm tới Nam Kỳ thì
người Khơ-me và văn hóa Khơ-me giữ vai trò chủ thể ở miền đất này.([5])
Theo
Đinh Văn Liên, dân số người Việt, Hoa và Khơ-me ở Nam Kỳ cuối thế kỷ 19 như
sau:([6])
VIỆT
|
HOA
|
KHƠ-ME
|
|
1862-1888
|
1.629.224
|
56.000
|
151.367
|
1895
|
1.967.000
|
88.000
|
170.488
|
Dân tộc Chăm. Vào thế kỷ 17, 18 một số người Chăm ở miền
nam Trung Kỳ đã sang Cao Miên và Xiêm (Thái Lan), đã tiếp xúc và chịu ảnh hưởng
của các nhóm dân cư gốc Mã Lai và Ấn Độ. Đầu thế kỷ 19, trở về định cư ở Châu Đốc
và một số tỉnh khác ở Nam Kỳ, họ đã mang theo ít nhiều ảnh hưởng văn hóa của
người Miên, Xiêm, Mã, Ấn.([7])
Năm 1880, dân tộc Chăm ở Châu Đốc có khoảng 13.200 người.([8])
Các dân tộc khác. Ngoài các dân tộc đã có
mặt sẵn ở Nam Kỳ trước khi người Việt đặt chân tới, còn có các giống dân từ nước
ngoài cũng sớm tìm đến. Sự kiện này được ghi nhận trong vài tác phẩm viết vào
khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Chẳng hạn:
– Gia Định thành thông
chí của Trịnh Hoài Đức (1765-1825) ghi nhận điều ấy như sau: “Gia Định là đất phương nam của nước Việt.
Khi mới khai thác, lưu dân nước ta [Việt] cùng người kiều ngụ như người Đường [Hoa], người Cao Miên [Khơ-me],
người Tây phương, người Phú-lang-sa [Pháp], người Hồng mao [Anh], người
Mã-cao [Macao], người Đồ-bà [Java] ở lẫn lộn nhưng về y phục, khí cụ thì người
nước nào theo tục nước ấy.”’([9])
– Cổ Gia Định phong cảnh
vịnh, tương truyền của Ngô Nhơn Tịnh (?-1813), kể rằng khi người châu Âu da
trắng, người Chà-và (Java) da đen với mớ tóc quăn xoăn tít xuất hiện ở Nam Kỳ,
bề ngoài khác lạ của họ đã từng khiến cho con gái đi chợ bỏ chạy, còn bọn trai
chèo ghe thì tò mò nhìn theo:([10])
Lũ Tây dương da trắng bạc,
Mồm giột giạt, miệng xếch
xác, hình vóc khác,
Giống thần quỷ, thần ma,
thần sát.
Con
bưng rổ te te chạy vát.
Quân
Ô Rồ mặt đen thui,
Thể lọ
nồi, đầu quăn riết, miệng trớt môi.
In thiên bồng, thiên tướng,
thiên lôi,
Thằng cầm chèo hất hất đứng
coi.([11])
Các dân tộc cư trú ở Nam Kỳ đến và bắt đầu có mặt ở miền đất
này vào những thời điểm không giống nhau, trình độ kinh tế, tổ chức xã hội, tôn
giáo có nhiều điểm khác biệt. Chẳng hạn, cách thức tổ chức làng xã không chặt
chẽ như Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Làng Nam Kỳ được tạo lập trong quá trình người Việt
cùng khẩn hoang và cộng cư với nhiều dân tộc khác (Khơ-me, Chăm, Hoa).([12])
“Điều đó có ý nghĩa trong việc giao lưu, ảnh
hưởng lẫn nhau về phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng giữa các dân tộc.”
([13])
Thạch Phương cho rằng: “Nhiều yếu tố văn
hóa thực tiễn của bà con người Hoa, người Khơ-me, người Chăm đã được lưu dân Việt
chọn lọc, tiếp nhận một cách hồn nhiên, không dị ứng, không định kiến.” ([14])
Nhờ vị trí thuận lợi của Nam Kỳ, sự giao lưu văn hóa không chỉ
diễn ra giữa các dân tộc đang sinh sống trên miền đất này mà còn với cả các dân
tộc ở bên ngoài như Mã Lai, Xiêm (Thái Lan), Java... và có liên hệ với nền văn
minh Nam Á đã lâu đời.([15])
Đinh Văn Hạnh thấy rằng: “…
sống giữa cộng đồng các dân tộc Khơ-me, Hoa, Chăm vốn sẵn tinh thần bao dung về
mặt tín ngưỡng, nên tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt ở Nam Bộ [Nam Kỳ] cũng hết sức độc đáo và đa dạng. Nam Bộ [Nam
Kỳ] là mảnh đất có nhiều tín ngưỡng, tôn
giáo nhất nước ta, với những nét đặc thù mà nơi khác không có. Quá trình hình
thành, du nhập và phát triển của tôn giáo, tín ngưỡng Nam Bộ [Nam Kỳ] gắn liền với lịch sử thăng trầm và đặc điểm
kinh tế, văn hóa-xã hội riêng biệt của vùng đất này.” ([16])
● Tóm lại, trước khi đạo Cao Đài ra đời, hoàn cảnh sinh sống
vừa quần cư vừa xen kẽ giữa dân tộc Việt với nhiều dân tộc khác trên mảnh đất
Nam Kỳ trải qua hơn hai trăm năm đã tạo ra cho miền đất mới một điều kiện văn
hóa mở và thoáng, dễ dàng cho những cơ hội giao lưu, hội nhập. Có thể nói ngay
từ buổi đầu hình thành miền đất mới, Nam Kỳ đã sớm có xu thế văn hóa đa hệ, cho
nên Nam Kỳ không hề dị ứng với một tín ngưỡng tổng hợp như Cao Đài. Đó là lý do
khi hạt giống đạo Cao Đài gieo xuống đất Nam Kỳ, dù trong lịch sử không tránh
khỏi có nhiều lúc thời tiết quá khắc nghiệt, hạt giống ấy vẫn mau lẹ nảy mầm và
trổi lớn thành tàn lá sum suê cho đến ngày nay.
2. TÍNH ĐA TÍN NGƯỠNG
Tính đa dân tộc của Nam Kỳ tất yếu đưa đến tính đa tín ngưỡng.
Giải thích lý do đa tín ngưỡng, Hồ Lê viết: “Thời gian dài hơn hai trăm năm, bắt đầu từ thế kỷ 17 sang nửa cuối thế
kỷ 19 này, cũng là thời gian lắm chinh chiến, loạn ly. Bao nhiêu người bị nạn
dưới làn tên mũi giáo. Bao nhiêu gia đình tan tác, cha lìa con, vợ xa chồng...
Đi khai hoang nơi ‘biên địa’ đã là một sự đánh cuộc với đời, phải chấp nhận rủi
ro nhiều hơn nữa. Trong khung cảnh như vậy, người dân Nam Bộ [Nam Kỳ] tự nhiên phải tin tưởng nhiều vào sự hên,
xui, may, rủi. Và để khỏi bị xui, bị rủi thì họ phải khấn vái, cầu xin sự phò hộ
độ trì của Trời Phật, thần linh, tổ tiên ông bà và cả những người ‘khuất mặt’.
Nam Bộ [Nam Kỳ] là mảnh đất của nhiều
tôn giáo, nhiều tín ngưỡng một phần là vì thế.” ([17])
Đinh Văn Hạnh xác nhận: “So
với các nơi khác, Nam
Bộ [Nam Kỳ] là vùng đất có nhiều loại
hình tôn giáo và số lượng tín đồ chiếm tỷ lệ cao nhất trong toàn quốc.” ([18])
Tuy khảo sát chưa đầy đủ, về mặt tín ngưỡng của các dân tộc
cùng sống xen kẽ với người Việt ở Nam Kỳ, có thể nói vắn tắt rằng ngoài Tam
giáo (Nho, Thích, Lão) và Thiên Chúa giáo ra, đất Nam Kỳ có nhiều sắc thái tín
ngưỡng như sau:
– Người Khơ-me theo Phật giáo tiểu thừa, cũng gọi Phật
giáo nguyên thủy (Theravada).([19])
Vì tin có kiếp sau, có luân hồi nên họ sống hiền lành, không đua chen giành giựt.
Khi dành dụm được nhiều tiền, họ thường lập chùa, nuôi sư để tích phước cho kiếp
sau.([20])
Con trai Khơ-me lớn lên phải vào chùa để học chữ và giáo lý trong ba năm. Sau
đó hoặc tu luôn hoặc hoàn tục.([21])
– Người Chăm (Chàm) theo chế độ mẫu hệ,([22])
chịu nhiều ảnh hưởng Hồi giáo (Islam), Ấn giáo (Bà la môn giáo).([23])
Họ tin có ngày tận thế, tin có cuộc phán xét cuối cùng, có sự tái sinh ở kiếp
sau.([24])
– Người Xtiêng thờ đa thần, trong đó quan trọng nhất
là thần mặt trời.([25])
– Người Chu Ru theo chế độ mẫu hệ, nơi thờ cúng thường
là một cổ thụ gần làng.([26])
Nói khác đi, họ theo tín ngưỡng vật linh (animism).
– Người Hoa đến Nam Kỳ từ nửa sau thế kỷ 17, đưa vào
miền đất mới những tập quán tín ngưỡng riêng của họ. Hơn thế, họ còn mang vào
Nam Kỳ xu hướng truyền thống là lập hội kín, pha trộn chính trị và đạo giáo.([27])
Mặc dù đa tín ngưỡng, Nam Kỳ không phải chịu xung đột về tôn
giáo. Huỳnh Lứa viết: “Sự hỗn hợp dân cư
thuộc nhiều nguồn gốc địa phương, nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác biệt, nhiều
trình độ phát triển về mặt xã hội trong nhiều thế kỷ qua đã không hề là yếu tố
cản trở sự đoàn kết gắn bó nhau giữa các tộc người cùng chung sống trên địa bàn
Nam Bộ [Nam Kỳ].” ([28])
Huỳnh Lứa nhận xét: “Điều
đáng lưu ý trong đời sống văn hóa tinh thần ở nơi đây là trong quá trình cộng
cư giữa người Việt, người Khơ-me, người Hoa, người Chăm đã diễn ra hiện tượng tồn
tại đan xen nhiều tôn giáo khác nhau, trong khi giữa các dân tộc ấy vẫn giữ được
tinh thần bao dung về mặt tín ngưỡng.” ([29])
“Không thể kể hết sự
giao lưu văn hóa người Việt với các dân tộc khác trong vùng trên tất cả các
lãnh vực (...). Trong sự giao lưu đó,
trên cơ sở kế thừa, tiếp thu có chọn lọc, nền văn hóa của người Việt trong vùng
đã được nâng lên, được làm phong phú thêm với nhiều nét đặc sắc.” ([30])
● Như vậy, với tinh thần tín ngưỡng hòa đồng, bao dung, người
Nam Kỳ đã hoàn toàn không thấy có điều gì ngăn ngại khi tiếp cận và chấp nhận đạo
Cao Đài. Về phần mình, đạo Cao Đài không chỏi nghịch với các tín ngưỡng sẵn có ở
Nam Kỳ.([31])
Điều đó giải thích vì sao Nam Kỳ đã là xuất phát điểm thành công của đạo Cao
Đài vào đầu thế kỷ 20.
V. CÁ TÍNH NGƯỜI NAM KỲ
Một hạt giống gieo trên đất màu
mỡ sẽ lớn lên nhanh và tươi tốt hơn so với khi nó được gieo ở đất cằn. Một thân
cây trồng trong chậu gốm nhỏ sẽ bị thúc ép, gò bó hơn nhiều so với một cây trồng
thẳng xuống đất vườn rộng rãi và có phân nước đầy đủ. Một vùng đất với thổ nghi
đặc trưng thường cho một sản vật ngon ngọt đặc trưng. Sơn Nam viết: “Người ta là hoa của đất, đất nào sanh ra hoa
lá của đất ấy. Đại khái, có thứ đất sinh ra trái cam chua, có thứ đất sinh ra
trái cam ngọt, khó thay đổi.”.([32])
Không phải vô lý mà từ lâu đời dân gian đã thừa nhận giá trị những đặc sản địa
phương như: bưởi Biên Hòa, cam Cái Bè, sầu riêng Cái Mơn, xoài cát Hòa Lộc,
măng cụt Lái Thiêu...
Con người cũng thế. Cá tính con người không thể không chịu sự
chi phối của môi trường thiên nhiên, của vùng đất người đó sinh sống.([33])
Do đó, khi nói đến cá tính Nam Kỳ thì cũng cần biết qua về thiên nhiên Nam Kỳ.
1. NAM
KỲ: THIÊN NHIÊN KHẮC NGHIỆT
Khi Nam Kỳ còn là đất hoang, chưa được khai phá, thiên nhiên
miền đất mới này cực kỳ khắc nghiệt. Huỳnh Lứa viết: “Nam Bộ [Nam Kỳ] là một vùng đất
có môi trường thiên nhiên rất phong phú và đa dạng, vừa có nhiều thuận lợi,
nhưng cũng không ít khó khăn đối với cuộc sống con người.”([34])
Theo Sơn Nam ,
đất Nam Kỳ là “thiên đường của cọp, sấu,
rắn độc, muỗi mòng với bệnh sốt rét, ẩm thấp, mặt đất lè tè, sông rạch khá nhiều
với nhiều ao vũng, đầy chim cò vùng ngập nước. Đồng cỏ vàng lườm, cháy khô vào
mùa nắng nhưng mưa đến là mọc nhanh, cao khỏi đầu.” ([35])
Nhiều thế hệ lưu dân đã nối tiếp nhau tìm đến Nam Kỳ khai khẩn
rừng hoang, cải tạo các trũng thấp sình lầy để trồng cấy và sinh sống. Phong
trào khẩn hoang này phát khởi từ thời Chúa Nguyễn (thế kỷ 17).
Trong quá trình Nam tiến, các lưu dân phải liên tục
chống chỏi với các loài thú dữ, cá sấu, rắn rết, muỗi mòng, sơn lam chướng khí,
và bệnh tật. Thiên nhiên Nam Kỳ buổi ấy đã làm giàu cho tiếng Việt những câu
nói và ca dao của một thời phá rừng dựng nước:
– Muỗi kêu như sáo thổi,
đỉa lội tợ bánh canh.
– Cỏ mọc thành tinh, rắn
đồng biết gáy.
– Tới đây nước mặn đồng
chua,
Hổ mây, cá sấu thi đua vẫy
vùng.
– Chèo ghe sợ sấu cắn
chưn,
Xuống sông sợ đỉa, lên rừng
sợ ma.
– Đồng Nai xứ sở lạ lùng,
Dưới sông cá lội trên rừng
cọp um.
– Tới đây xứ sở lạ lùng,
Con chim kêu phải sợ, con
cá vùng phải kinh.
Năm 1753, Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) đặt chân đến Nam Kỳ sau
khi miền đất này đã có hơn một trăm năm được khai phá, thế mà ông vẫn còn phải
buồn bã ghi nhận rằng: 殘荷帶濕, 折柳霑泥. Tàn hà đái thấp, chiết liễu triêm nê. (Sen
tàn hơi ẩm thấp; khí hậu độc địa, nhánh cây bần gãy rụng đẫm bùn.)
Ông cũng ghi nhận: 千家流到蠻夷土. 水多鱷魚陸蛇虎. Thiên gia lưu đáo man di thổ.
Thủy đa ngạc ngư, lục xà hổ.([36]) (Ngàn nhà đi tới đất
hoang dã. Dưới nước nhiều cá sấu; trên đất lắm rắn, cọp.)
Sang thế kỷ 19, sau hai trăm năm đã được lưu dân khai phá,
thiên nhiên Nam Kỳ vẫn còn làm cho thực dân Pháp kinh sợ. Theo Sơn Nam, khi mới
cướp được Nam Kỳ, thực dân Pháp rất bi quan, nhận định rằng không thể nào định cư
ở đây được. Họ sợ muỗi mòng rắn rết, sợ nắng chói chang oi bức và những cơn mưa
sấm chớp liên hồi.([37])
Thiên nhiên khắc nghiệt đó góp phần hình thành cá tính người
Nam Kỳ ra sao? Huỳnh Lứa trả lời: “... môi
trường thiên nhiên Nam Bộ [Nam Kỳ] với
những đặc điểm riêng biệt của nó, cũng đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong đời
sống văn hóa vật chất và tinh thần cũng như trong việc hình thành tính cách của
con người sinh sống ở đây.” ([38])
Những đặc trưng của lưu dân ở Nam Kỳ qua nhiều đời đã dần dần
kết tụ thành cá tính Nam Kỳ. Cá tính này bộc lộ rất mạnh vào nửa cuối thế kỷ
19, mà theo Hồ Lê, đó là “tính cách năng
động, ít thủ cựu, dám tiếp cận cái mới”.([39])
2. CÁ TÍNH NGƯỜI NAM KỲ: KHÁI QUÁT MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG
a. Tính cởi mở, phóng khoáng
Nói về cá tính Nam Kỳ, Sơn Nam nhận xét: “Nét lớn trong tính cách người đi khẩn hoang vẫn là chuộng sự phóng
khoáng...” ([40])
Thạch Phương viết: “Dừng
chân trên vùng đất mới, cộng đồng lưu dân – thông qua giao lưu và sáng tạo – dần
dần vươn tới một tầm nhìn, một cách nghĩ khoáng đạt và năng động hơn. Hiện thực
bày ra trước mắt người nông dân rộng mở hơn. Tầm mắt không còn bị lũy tre làng
và bờ đê che chắn nữa.” ([41])
Đinh Văn Hạnh giải thích: “Nơi đất mới rộng rãi con người không cần sự bon chen như ở nơi đất hẹp
người đông. Họ sống rộng rãi, cởi mở và hào hiệp hơn. Sự gò bó, cứng ngắc, hẹp
hòi được họ cởi bỏ lại đằng sau [trên đường Nam tiến] để sáng tạo ra một phong cách sống tự do, phóng khoáng hơn...” ([42])
Nguyễn Văn Xuân khẳng định: “Cái lợi lớn nhất của miền Nam là được thu nhận một nền giáo dục Khổng Mạnh
như miền Trung, song ít khắt khe hơn mà đồng thời, nhờ sinh hoạt xa triều đình,
lại ở vào khu vực cây ngọt, trái lành, vườn rộng, đồng xanh thênh thang nên
tình cảm cũng nảy nở, phong phú hơn nhiều lắm.” ([43])
“... nhân tâm còn chất
phác, hình như càng về miền cực Nam
chừng nào lại càng chất phác chừng ấy...” ([44])
“... miền Nam không đứng
yên một chỗ mà luôn luôn di động. Dân chúng cứ phải phiêu lưu, phiêu lưu mãi,
nhưng phiêu lưu để đạt được đời sống càng ngày càng phong phú hơn. Một đặc điểm
đáng chú ý là các chúa cũng như quan lại, được sinh ra và lớn lên ở một miền đất
mới, chỉ thấy có hoạt động và hoạt động nên rất ít thành kiến.” ([45])
● Có lẽ do tính cởi mở này mà người Nam Kỳ dễ dàng chấp nhận
một tôn giáo mở như Cao Đài, với một bàn thờ có nhiều đấng giáo chủ của các tôn
giáo khác.
b. Tính dân chủ, bình đẳng
Thạch Phương viết: “Càng
đi về phương Nam, chất phong kiến nhạt dần, thay vào đó là tinh thần dân chủ,
bình đẳng thể hiện ngay trong đời sống cộng đồng thôn xã cũng như trong đời thường
của mỗi gia đình.” ([46])
Người làng liên kết với nhau do nghĩa tình gắn bó, và đó cũng
là cội nguồn sâu xa của tính dân chủ, bình đẳng trong cá tính người Nam Kỳ.([47])
● Có lẽ tính dân chủ và bình đẳng đó đã khiến người dân Nam Kỳ
đã gặp ở Cao Đài một sự hòa điệu. Bởi vì trong Cao Đài, chức sắc cấp cao và tín
đồ bình thường đều đối với nhau là anh em. Thậm chí các đấng tiên thánh cũng gọi
tín đồ là hiền đệ, hiền muội.
c. Lòng hiếu khách, bao dung, và hào sảng
Một tác giả cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 là Trịnh Hoài Đức
khi viết về phong tục ở Nam Kỳ (Gia Định
thành thông chí, Phong tục chí) ghi nhận rằng: “Có khách đến nhà, đầu tiên gia chủ dâng trầu cau, sau đó dâng cơm bánh,
tiếp đãi trọng hậu không kể người thân sơ, quen lạ, tông tích ở đâu ắt đều thâu
nạp khoản đãi...” ([48])
Cho đến ngày nay, nhiều nơi ở miền Nam vẫn còn giữ tập quán để
lu nước mát và cái gáo trước hiên nhà, mà nhà lại không có hàng rào, nếu có thì
khách bộ hành vẫn có thể dễ dàng đẩy cánh cổng khép hờ, và cứ tự nhiên múc nước
uống giải khát, đỡ cơn nắng trưa.
Sơn Nam
giải thích: “Nơi hẻo lánh, khách tha
phương lập nghiệp luôn luôn thấy cô độc, vì vậy rất hiếu khách. (...) Gặp khách quen thân [cùng] một quê xứ, cần tiếp đón để có lượng thông
tin về quê cũ của mình. Gặp khách lạ lại càng thú vị, họ sẽ kể lại bao chuyện
mà chủ nhà chẳng bao giờ nghe được lần nào.” ([49])
Thạch Phương viết: “Thêm
vào đó cuộc sống nơi đất mới có nhiều thuận lợi, ưu đãi hơn, con người không phải
vất vả, bon chen như ở nơi đất hẹp người đông. Có nhiều nhân tố để con người sống
rộng rãi, cởi mở, hào hiệp hơn.” ([50])
● Tóm lại, thiên nhiên tuy khắc nghiệt, nhưng được ưu đãi với
nguồn sản vật phong phú, con người Nam Kỳ rất hiếu khách, không so đo vật chất.
Nhờ thế, trong vòng vài năm sau khi đạo Cao Đài được thành lập, các thánh thất
Cao Đài đã mau chóng mọc lên khắp Nam Kỳ bằng sự tự nguyện đóng góp tiền bạc của
tín đồ phần đông không phải là nhà giàu. Không ít thánh thất chỉ là một mái nhà
khiêm tốn do chủ nhà nhiệt thành hiến tặng cho Hội thánh mới thành lập.
d. Tính nhân ái, trọng nghĩa khinh tài
Có tác giả thấy rằng tính mở của của làng Nam Kỳ khiến người
Nam Kỳ thiếu mối liên kết cộng đồng kiểu cũ ở Bắc Kỳ.([51])
Nguyễn Phương Thảo cho rằng làng Nam Kỳ là làng khai phá, người
làng không có sự phân biệt giữa dân chính cư và dân ngụ cư như ở Bắc Kỳ.([52])
Do không có tâm lý phân biệt như thế, dân làng sẵn sàng bỏ đi nơi khác, nếu ở
nơi cũ họ thấy không còn sống được nữa, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.([53])
“Trong hoàn cảnh chung ấy,
mối gắn bó giữa người và người trong cùng một làng không phải là quan hệ dòng họ,
thậm chí cũng không phải là quan hệ láng giềng lâu đời nữa. Cùng chung cảnh ngộ,
cùng rời bỏ quê hương đến làm ăn nơi đất lạ, khi quan hệ thân tộc không còn chặt
chẽ nữa, dây liên kết gắn bó con người với con người chỉ còn là nghĩa tình giữa
họ với nhau.” ([54])
“Con người gắn bó với
nhau thành một cộng đồng mà chất [kết] dính
là nghĩa, sống với nhau vì nghĩa.” ([55])
Là lưu dân tứ chiếng quy tụ nơi đất rộng người thưa, tìm sự sống
trong muôn vàn gian nguy chết chóc, không trọng nghĩa, không hào hiệp, không
nhân ái thương người sa cơ lỡ bước thì không dễ sống còn.([56])
Ca dao Nam Kỳ có câu:
Rồng chầu ngoài Huế,
Ngựa tế Đồng Nai.
Nước sông trong sao cứ đục
hoài,
Thương người xa xứ lạc
loài đến đây.
Tới đây thì ở lại đây,
e. Tính bất khuất
Những lưu dân đi về phương Nam khác nhau về nguồn gốc địa
phương, phong tục tập quán, cách thức làm ăn, thân phận giàu nghèo, dân tộc và
tôn giáo.([58])
Tuy nhiên, điểm chung của lớp người dám bỏ quê hương ra đi vào Nam Kỳ phá rừng
dựng nước là dũng khí, tính bất khuất.
Trần Thị Thu Lương và Võ Thành Phương cho rằng: “Về cơ bản cư dân ở đây là [dân] ‘tứ chiếng’, cuộc đời của họ, của họ hàng
cha mẹ anh em họ đã trải qua nhiều sóng gió và bất ổn định nên đã tạo trong họ
bản sắc ngang tàng.” ([59])
Thạch Phương viết: “Họ không khuất phục trước cường quyền, sẵn
sàng cứu khốn phò nguy, sống cái đạo làm người ‘kiến nghĩa bất vi vô dũng dã’,
dám đứng lên dẹp bất công, bênh vực người yếu đuối, thế cô, sẵn sàng bảo bọc kẻ
thất cơ lỡ vận.”.([60])
Nói như Huỳnh Lứa, “chính
công việc mở mang vùng đất mới đầy rẫy khó khăn, hiểm nguy cũng đã góp phần tôi
luyện họ thành những con người can trường, gan góc, không chịu lùi bước trước
trở ngại thiên nhiên, cũng như không chịu luồn cúi trước mọi sức mạnh phi nghĩa.”
([61])
Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức miêu
tả người dân Nam Kỳ như sau: “... sĩ khí
hiên ngang... con người hay chuộng tiết nghĩa, nhiều người trung dũng, khí tiết,
trọng nghĩa khinh tài, dù hàng phụ nữ cũng thế.” ([62])
Một học giả miền Trung là Nguyễn Văn Xuân viết về cá tính người
Nam Kỳ như sau: “... dân miền Nam, trực
tiếp tiếp xúc với Tây học vẫn còn những người ngang nhiên mang cái búi tó khá lớn
để lái chiếc xe hơi kiểu mới nhất (...),
và các bà thì nói đạo nghĩa vanh vách, các ông thì nhắc những lời Khổng Mạnh
như lưu. (...) Điểm tâm lý đó gắn liền
với tình yêu nước, yêu dân tộc. Cho nên trước kia khi Phan Bội Châu vào tìm vị
quân sư ở phủ Thăng Bình [là] ông
Nguyễn Thành Tiểu La, mưu định phương kế phục quốc thì được chỉ dẫn là hãy vào
Nam tạo tài lực (...). Khi Phan Châu
Trinh về nước, cái bến ông dừng lại đầu tiên trước khi về Trung, quê ông, là
Sài Gòn. (...) Ông không kịp gặp lại
quê hương, đã thở hơi cuối cùng tại Sài Gòn. Dân miền Nam dành cho
ông cái đám ma vĩ đại như chưa thấy từ trước...” ([63])
● Có lẽ tính cách Nam Kỳ như nói trên đã góp phần làm lớn
nhanh tôn giáo mới ra đời như đạo Cao Đài. Tuy đạo bị thực dân Pháp coi là “hội
kín” (sic), tuy luật pháp thuộc địa buộc rằng hội họp từ hai mươi người trở lên
phải xin phép chánh quyền, đông đảo dân chúng Nam Kỳ vẫn mạnh dạn tìm đến các
đàn cơ hay lễ cúng Cao Đài.
Rất nhiều người đã không tiếc tài sản, điền thổ, đem hiến
nhà, hiến đất để làm thánh thất. Nhờ thế, đạo Cao Đài ra đời mới vài năm mà tín
đồ đông đảo khắp nơi, thánh thất rải khắp Nam Kỳ.
Những hồ sơ từ thời Thống đốc Nam Kỳ hiện còn lưu trữ được ở
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2 là bằng chứng cho thấy dân Nam Kỳ ngang tàng, bất
khuất, trọng đạo nghĩa khinh tiền tài như thế nào.
Chẳng hạn, trong Tờ khai đạo ngày 07-10-1926 gởi Quyền thống đốc Nam Kỳ Le Fol, tiền bối Lê Văn
Trung đã thay mặt đồng đạo, bằng cái giọng lịch sự mà vẫn ngầm chứa đầy khí
phách ngang tàng của Nam Kỳ viết rằng:
“Nhân danh đông đảo những
người Việt Nam
(...), những người ký tên dưới đây
hân hạnh tuyên bố cho ông biết là chúng tôi sẽ truyền bá cho toàn thể nhân loại
giáo lý thiêng liêng này.
“... những người ký tên
dưới đây yêu cầu ông hãy chính thức tiếp nhận tuyên ngôn của chúng tôi.” ([64])
Đinh Văn Hạnh cho rằng cá tính của người dân Nam Kỳ “là điều kiện để họ cũng như các tộc người
khác dễ dàng giao lưu văn hóa (acculturation), ảnh hưởng lẫn nhau”.([65])
Nói tóm lại, cá tính Nam Kỳ là tính cởi mở, phóng
khoáng, dân chủ, bình đẳng, hiếu khách, bất khuất... Những tính ấy “không phải bỗng nhiên một lúc có được, mà phải
trải qua hàng thế kỷ hun đúc, tôi luyện trong suốt quá trình lập nghiệp”.([66])
Cá tính Nam Kỳ có thể xem là một tiền đề tích cực cho sự ra
đời của đạo Cao Đài ở Nam Kỳ.
[1] [Thạch
Phương 1992: 43].
[2] [Trần
Văn Giàu 1998: 203].
[3] [Đinh
Văn Hạnh 1999: 26].
[4] [Thạch
Phương 1992: 28-29].
[5] [Đinh
Văn Hạnh 1999: 23].
[6] [Mạc
Đường 1991: 96].
[7] [Đinh
Văn Hạnh 1999: 25].
[8] [Mạc
Đưòng 1991: 284].
[9] [Huỳnh
Lứa 1987: 45].
[10]
[Trương Vĩnh Ký 1997: 26-27].
[11]
[Trương Vĩnh Ký 1997: 26-27].
[12] [Nguyễn
Phương Thảo 1994: 22].
[13] [Đinh
Văn Hạnh 1999: 29].
[14] [Thạch
Phương 1992: 251].
[15] [Đinh
Văn Hạnh 1999: 29].
[16] [Đinh
Văn Hạnh 1999: 31].
[17] [Thạch
Phương 1992: 107].
[18] [Đinh
Văn Hạnh 1999: 5].
[19] [Nguyễn
Khắc Tụng 1981: 39].
[20] [Đinh
Văn Hạnh 1999: 24].
[21] [Lưu
Văn Nam
1999: 277].
[22] [Nguyễn
Khắc Tụng 1981: 151-152].
[23] “Người
Chăm ở Châu Đốc tuyệt đại đa số là tín đồ đạo Islam tức Hồi giáo, còn người
Chăm ở Thuận Hải [thuộc miền nam Trung Bộ] thì số đông người theo Bà la môn
(Brahmanisme).” [Mạc Đường 1991: 63].
[24] [Đinh
Văn Hạnh 1999: 25].
[25] [Nguyễn
Khắc Tụng 1981: 56].
[26] [Nguyễn
Khắc Tụng 1981: 156].
[27] [Đinh
Văn Hạnh 1999: 24-25].
[28] [Thạch
Phương 1992: 43].
[29] [Thạch
Phương 1992: 43].
[30] [Thạch
Phương 1992: 44].
[31] Trong
số tông đồ đầu tiên của đạo Cao Đài đã có tín đồ, thầy tu của một số tôn giáo
khác, như các tiền bối Trần Đạo Quang (đạo Minh Sư), Nguyễn Ngọc Thơ và Lâm Thị
Thanh (đạo Phật), Phạm Công Tắc (đạo Thiên Chúa)...
Jayne Susan Werner viết:
“Quả thật, trong một mức độ nào đó, đạo
Cao Đài có thể được coi là một nỗ lực nhằm trả lại sinh lực cho đạo Phật – các
thầy tu đứng đầu trong đạo Phật, Lão và các chi Minh [Minh Sư, Minh Đường...]
đã quy tụ về đạo Cao Đài khi đạo này mới được thành lập. Trước khi các thánh thất
được xây dựng, những người khai đạo Cao Đài cũng dùng các chùa Phật để hành lễ
khắp cả Nam Kỳ, và một số các hòa thượng chủ chùa ấy đã theo đạo Cao Đài. Trong
các vùng ảnh hưởng của đạo Cao Đài, người ta biết rằng đông đảo Phật tử các
chùa ấy đã nhập môn tập thể theo Cao Đài.” [Werner 1981: 13].
[32] [Sơn Nam 1993: 28].
[33] Một nhà tư tưởng thời
Chiến quốc là Khổng Cấp, tự Tử Tư (483-402 trước Công nguyên), từng cho thấy
trên đất nước Trung Hoa mênh mông, địa lý thiên nhiên Nam, Bắc đã ảnh hưởng đến
cá tính con người hai phương Nam, Bắc:
“Khoan nhu mà dạy, tha thứ kẻ vô đạo, đó là
cái mạnh của người phương Nam .
(...) Nằm trên áo giáp, binh khí, chết mà không sợ, đó là cái mạnh của người
phương Bắc.”
[Khoan
nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo. Nam
phương chi cường dã. (...) Nhẫm kim cách tử nhi bất yếm. Bắc phương chi cường
dã.] Trung dung, chương 10. 寬柔以教, 不報無道, 南方之強也. (...) 衽金革死而不厭, 北方之強也. (中 庸, 第十章)
[34] [Thạch
Phương 1992: 44].
[35] [Sơn
Nam 2000: 8-9].
[36] [Phan
Quang 1981: 115].
[37] [Sơn Nam 1992:
9-10].
[38] [Thạch
Phương 1992: 44].
[39] [Thạch
Phương 1992: 108].
[40] [Sơn Nam 1993: 32].
[41] [Thạch
Phương 1992: 251].
[42] [Đinh
Văn Hạnh 1999: 28].
[43] [Nguyễn
Văn Xuân 1969: 51].
[44] [Nguyễn
Văn Xuân 1969: 53].
[45] [Nguyễn
Văn Xuân 1969: 53].
[46] [Thạch
Phương 1992: 68].
[47] [Nguyễn
Phương Thảo 1994: 11-12, 14].
[48] [Đinh
Văn Hạnh 1999: 307].
[49] [Sơn Nam 1993: 33].
[50] [Thạch
Phương 1992: 68].
[51] [Cần
Thơ 1997: 7].
[52] [Nguyễn
Phương Thảo: 1994: 11].
[53] [Nguyễn
Phương Thảo: 1994: 13].
[54] [Nguyễn
Phương Thảo: 1994: 11-12].
[55] [Nguyễn
Phương Thảo: 1994: 14].
[56] [Cần
Thơ 1997: 7-8].
[57] [Sơn
Nam 2000: 7].
[58] [Đinh
Văn Hạnh 1999: 27].
[59] [Trần
Thị Thu Lương 1991: 108].
[60] [Thạch
Phương 1992: 68].
[61] [Thạch
Phương 1992: 37-38].
[62] [Thạch
Phương 1992: 68].
[63] [Nguyễn
Văn Xuân 1969: 58-59].
[64] “Au
nom de très nombreux Annamites (...), les soussignés ont l’honneur de venir
respectueusement vous déclarer qu’ils vont propager à l’humanité entière cette
Sainte Doctrine.
“... les soussignés vous prient de recevoir officiellement
leur déclaration.” [Lê Anh Dũng 1996: 169, 172].
[65] [Đinh Văn Hạnh 1999: 29].
[66] [Thạch Phương 1992: 68].
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.