KHÁI NIỆM VỀ ĐẠI ĐẠO TAM KỲ
PHỔ ĐỘ
Vào giữa thập niên 1920 một nền đạo mới đã xuất hiện
ở Việt Nam
với danh xưng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ,
gọi tắt là đạo Cao Đài.
Thuật ngữ Tam
Kỳ ngụ ý chia lịch sử triết giáo của nhân loại ra ba thời kỳ lớn:
1. Nhứt Kỳ Phổ Độ kéo dài từ thời
thượng cổ (tiền sử hay khuyết sử) cho tới khoảng giữa thế kỷ 7 trước Công
Nguyên (TCN), tức khoảng năm 650 TCN.
Tại Trung Quốc, Kinh
Dịch đã hình thành được nền tảng ban đầu. Tại Palestine, hình thành Do Thái
Giáo (khoảng năm 1300 TCN). Tại Ấn Độ, đạo Bà La Môn xuất hiện. Đạo Cao Đài xem
Bà La Môn Giáo thuộc về Phật Đạo trong thời Nhứt Kỳ Phổ Độ. Các vị Phật của
thời kỳ này là Nhiên Đăng Cổ Phật, Brahma Phật, Shiva Phật, và Krishna Phật…
Song hành với đạo Bà La Môn ở Ấn Độ thời cổ còn có một hệ tư tưởng khác và sau
khi được canh tân đã trở thành Kỳ Na Giáo (Jainism)
trong thời Nhị Kỳ Phổ Độ.
2. Nhị Kỳ Phổ Độ diễn ra từ
khoảng giữa thế kỷ 7 TCN cho tới khoảng giữa thế kỷ 19 (khoảng năm 650 TCN tới
khoảng năm 1850).
Tại Trung Quốc, hình thành Khổng Giáo và Lão Giáo
(thế kỷ 6 TCN). Tại Palestine, Do Thái Giáo vẫn tiếp tục. Chúa Jesus Christ ra
đời, và rồi Kitô Giáo hình thành. Tại
Ấn Độ, đạo Bà La Môn vẫn tiếp tục. Thế kỷ 6 TCN Ấn Độ có thêm Thích Ca Giáo, và
Kỳ Na Giáo (Jainism); sang thế kỷ 15, Xích Giáo (Sikhism) ra đời. Tại Ba Tư (Iran ngày nay), khoảng trước thế kỷ
6 TCN, Bái Hỏa Giáo (Ba Tư Giáo) xuất hiện. Triết học Hy Lạp ra đời vào thế kỷ
6 TCN và tiếp tục phát triển. Đạo Cao Đài xem Pythagore Giáo thuộc về Phật Đạo
thời Nhị Kỳ Phổ Độ. Tại Ả Rập, vào thế kỷ 7, đạo Islam thành hình.
3. Tam Kỳ Phổ Độ khởi đầu khoảng
giữa thế kỷ 19.
Trong hai kỳ trước, các nền tư tưởng triết giáo tiêu
biểu nói trên còn bị giới hạn trong điều kiện không gian địa lý ngăn cách. Sang
Kỳ Ba, thế giới ngày một gần lại, con người đã chinh phục được khoảng cách
thiên nhiên. Phương tiện giao thông, truyền thông đa phương tiện và công nghệ
thông tin ngày càng phát triển đã góp phần đưa các nền tư tưởng gần lại, và
giúp con người khám phá ra sự tương đồng trong đa dạng. Kỳ Ba vì vậy có một đặc
sắc riêng là xu thế dung hòa và tổng hợp tư tưởng Đông Tây kim cổ.
Ngoài sự thành lập đạo Cao Đài ở Việt Nam vào năm
1926, sau đây là một vài sự kiện nổi bật phản ánh xu thế nói trên của Tam Kỳ
Phổ Độ:
Năm 1863, tại Iran (xưa là Ba Tư) đạo Baha’i ra đời, xác định rằng các tôn giáo trên thế
giới đều có chỗ đại đồng vì cùng sinh ra từ một Đấng Thượng Đế duy nhất.
Năm 1875 Hội Thông Thiên Học (the Theosophical Society) thành lập ở thành phố New York (Hoa Kỳ). Năm 1879 trụ sở của Hội
dời về thành phố Adyar (Ấn Độ). Nêu tiêu ngữ Không tôn giáo nào cao hơn chân lý, Thông Thiên Học đề cao chân lý
đại đồng, và hướng con người thoát ra khỏi vỏ ốc tôn giáo để tới được Đại Đạo.
Năm 1893, Đại Hội Tôn Giáo Thế Giới (the
World’s Parliament of Religions)
được tổ chức lần đầu tại thành phố Chicago (bang
Illinois , Hoa
Kỳ). Sau đó, Đại Hội được tái tục nhiều lần: 1993 tại Chicago lần nữa; 1999 tại
Cape Town (Nam Phi); 2004 tại Barcelona (Tây Ban Nha); 2009 tại Melbourne (Úc);
2015 tại thành phố Salt Lake (bang Utah, Hoa Kỳ)…
Năm 1955, Hội Nghị Các Nhà Tôn Giáo Thế Giới (The Conference of World Religionists)
tổ chức tại Tokyo
(Đông Kinh, thủ đô Nhật Bản). Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh và Cơ Quan Truyền Giáo
Cao Đài ở Đà Nẵng (sau này là Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài) đều cử chức sắc
cấp cao tham dự. [Xem Phụ Bản 1.]
Công Đồng Vatican II (do Giáo Hoàng Gioan XXIII khai
mạc (1962) và Giáo Hoàng Phaolô VI bế mạc (1965) đã mời gọi đối thoại liên tôn
giữa Công Giáo và các tôn giáo khác trên thế giới.
Năm 1964, Giáo Hoàng Phaolô VI thiết lập một cơ quan
phụ trách về các mối quan hệ với tín đồ thuộc các tôn giáo khác. Năm 1988, cơ
quan này mang tên Hội Đồng Tòa Thánh Về Đối Thoại Liên Tôn (PCID: the Pontifical Council for Interreligious Dialogue).
Năm 1965, Giáo Hoàng Phaolô VI công bố Nostra Aetate (Trong Thời Đại Chúng Ta),
còn được gọi là Tuyên Ngôn Về Những Quan Hệ Của Giáo Hội Với Các Tôn Giáo Không
Phải Kitô Giáo (The Second Vatican
Council’s Declaration on the Relations of the Church with Non-Christian
Religions).
Năm 2014, Hội Nghị Các Tôn Giáo Thế Giới lần thứ ba
mươi tư (the 34th World Religions
Conference) tổ chức tại Canada với chủ đề “Con Đường Đưa Tới Hòa Bình” (the Pathway to Peace).
Trong rất nhiều sách đã xuất bản, đáng chú ý là quyển
Các Tôn Giáo Hiện Tồn Trên Thế Giới (The World’s Living Religions. New York : Dell Pub.,
1964) của Giáo Sư Archie J. Bahm (1907-1996). Theo Bahm (tr. 14), sống trong xã hội toàn cầu (cosmopolitan society) con người cần có tôn giáo khác hơn thời
trước, phù hợp văn minh khoa học hiện đại của thế giới.
Nói khác đi, con người có yêu cầu hiện đại hóa tôn
giáo. Bahm viết (tr. 14): “Các hình tướng, giáo lý và thiết chế đặc biệt mà qua đó các nhu cầu,
và kinh nghiệm tu hành của một số người đã được phô diễn thì chúng có thể hóa
ra lỗi thời, mà sự tiếp tục duy trì chúng thường trở nên có hại cho tín ngưỡng
tôn giáo lành mạnh.”
Theo Bahm, một tôn
giáo hiện đại hóa lý tưởng cũng là một “tôn giáo thế giới”. Giáo sư viết (tr. 353):
“Tuy nhiên nhân loại đang thiếu một nền
tôn giáo thế giới theo ý nghĩa rằng thực chất nền tôn giáo đó là nền đạo duy
nhất và theo ý nghĩa rằng tôn giáo đó vượt lên hẳn các tôn giáo khác chỉ vì bản
thân tôn giáo đó chứa đựng tinh hoa của tất cả các tôn giáo khác.” Giáo sư
lại xác định (tr. 353): “Chúng ta chưa
sẵn sàng để phát triển một ‘tôn giáo thế giới’ phối hợp tinh hoa tất cả các tôn
giáo của nhân loại.”
Những phát biểu về
một tôn giáo hiện đại và toàn cầu cho thấy loài người khao khát một nền đạo đại
đồng vượt mọi biên cương, chủng tộc.
Trong thế kỷ 20, ở nhiều nước có nhiều hoạt động phục vụ
lý tưởng ấy. Mỗi hoạt động như thế có thể xem là một mắt xích trong toàn chuỗi xích
của phong trào tìm kiếm cho nhân loại một Đại Đạo. Các sự kiện rộng khắp thế
giới (từ 1893 đến nay) như liệt kê ở trên là những bằng chứng hiển nhiên.
Riêng tại Việt Nam trong những năm 1920-1926, Đức
Thượng Đế tá danh Cao Đài Tiên Ông đã lần lượt quy tụ những con người sứ mạng
để xây đắp nền móng đầu tiên của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (công cuộc phổ độ lần
thứ ba của Đại Đạo), tức đạo Cao Đài nói tắt.
Thuật ngữ Đại
Đạo hàm ngụ ý nghĩa vượt lên khỏi mọi hình thức tôn giáo cố hữu mà nhân
loại đã quen thuộc. Nói cách khác, Đại Đạo là siêu tôn giáo (above and beyond religion).
Thuật ngữ Phổ
Độ (Universalism) ngụ ý rằng đối
tượng cứu rỗi là toàn thể chúng sanh.
Mặc dù Đại Đạo là siêu tôn giáo (sur-religion), nhưng khởi đầu xây dựng cơ sở hạ tầng không thể
không mượn hình thức tôn giáo (religion).
Cũng vậy, cho dù Phổ Độ vốn vượt biên cương và chủng tộc, nhưng khởi sự xây đắp
nền móng đầu tiên không thể không mượn một đất nước, một dân tộc để làm cái nôi
cho mọi phát triển trong tương lai.
Khởi đầu cho buổi ban sơ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ,
Đức Thượng Đế chọn Việt Nam
mở đạo Cao Đài thay vì một nơi nào khác. Archimedes (người Hy Lạp, khoảng
287-212 TCN) nói: “Hãy cho tôi cây đòn đủ
dài và một điểm tựa để đặt cây đòn ấy, tôi sẽ bẩy trái đất này đi.” Vì vậy,
có thể xem Việt Nam
là điểm tựa của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ khởi đầu với hình thức tôn giáo
Cao Đài tại Việt Nam, vốn là đất nước nằm tại ngã tư giao thoa tư tưởng Đông
Tây kim cổ, và vốn có quá trình thấm nhuần tinh thần Tam Giáo đồng nguyên trong
khoảng mười chín thế kỷ trước khi đạo Cao Đài ra đời.
Việt Nam
còn là nơi các đặc trưng của văn hóa Ấn, Hoa và phương Tây hiện diện. Archie J.
Bahm đánh giá (tr. 32): “Ba nền văn minh
lớn nhất của nhân loại là Ấn Độ, Trung Hoa, và châu Âu hay phương Tây.”
Do đó, Việt Nam có nhiều tiền đề thuận lợi để
tiếp thu chân lý đại đồng từ Đức Thượng Đế tá danh Cao Đài. Có thể nói rằng tôn
giáo Cao Đài và cái nôi Việt Nam chính là phương tiện để qua đó đạt tới mục
đích sau cùng (cứu cánh) của Đại Đạo
Tam Kỳ Phổ Độ.
HUỆ KHẢI