KHAI MINH ĐẠI ĐẠO (1926)
Bước chuyển tiếp giữa thời tiềm ẩn và sự kiện Khai Minh Đại Đạo trong
lịch sử đạo Cao Đài là cuộc Phổ Độ Lục Tỉnh kéo dài một tháng tại Nam Kỳ.
1. Phổ Cáo Chúng
Sanh
Mấy ngày sau sự kiện
Khai Tịch Đạo, một tập sách nhỏ được
xuất bản, nhan đề Phổ Cáo Chúng
Sanh (14 trang, 15x24cm). Tuy
không dày dặn, ấn phẩm này giới thiệu được một số điểm trọng yếu của nền tôn
giáo mới. [Xem Phụ Bản 7.]
2. Phổ Độ Lục Tỉnh
“Lục Tỉnh” là tên
gọi cũ, tuy người Pháp bấy giờ đã chia Nam Kỳ ra hai mươi tỉnh. Các tiền khai Cao Đài lập thành ba
nhóm phổ độ. Nhóm một phụ trách chín
tỉnh Nam Kỳ; nhóm hai, năm tỉnh; nhóm ba, sáu tỉnh.
Khởi sự từ Thứ Bảy
16-10-1926, sau một tháng nhiệt thành truyền bá nền đạo mới, mỗi nhóm đã độ
được vài vạn người nhập môn Cao Đài. Trong số đó nhiều vị là những người danh
giá trong xã hội, và các vị ấy mau chóng trở thành những bậc hướng đạo nòng cốt
trong giai đoạn xây dựng Hội Thánh Cao Đài đầu tiên ở làng Long Thành (tỉnh Tây
Ninh) cũng như phát triển đạo Cao Đài suốt mấy thập niên sau đó. Chủ Nhật
14-11-1926, các tiền khai Cao Đài kết thúc cuộc phổ độ Lục Tỉnh để tập trung về chùa Thiền Lâm, tiếp
tục chuẩn bị ráo riết cho đại lễ Khai Minh Đại Đạo.
3. Thánh thất Thiền
Lâm
Theo giấy phép ngày
15-7-1925 của chủ tỉnh Tây Ninh, chùa Thiền Lâm cất tại Gò Kén (nay tại số
5/11, ấp Long Trung, xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh). Trụ
trì là Hòa Thượng Như Nhãn tức Thích Từ Phong.
Cuối tháng 8-1926,
Hòa Thượng Như Nhãn bằng lòng cho các tiền khai đạo Cao Đài mượn chùa Thiền Lâm (cất dở
dang) để làm thánh thất Thiền Lâm (cũng gọi thánh thất Gò Kén, thánh thất Từ
Lâm). Kể từ đầu tháng 9-1926 các tiền khai Cao Đài dốc tiền của và tâm sức vào
sửa sang thánh thất cả trong lẫn ngoài. Chùa Thiền Lâm (30x15m) ngày nay vẫn
còn, cách thành phố Tây Ninh khoảng năm, sáu cây số, nằm bên phải đường 22B
chạy về Sài Gòn.
4. Đại lễ Khai Minh
Đại Đạo 1926
Theo chương trình,
đại lễ Khai Minh Đại Đạo tiến hành trong ba ngày ba đêm, từ Thứ Năm 18 đến hết
Thứ Bảy 20-11-1926 (14, 15, và 16-10 Bính Dần). Kể từ Thứ Tư 17-11, nhiều đoàn
người bắt đầu đổ về Gò Kén (làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh) để dự lễ tại thánh
thất Thiền Lâm.
Lễ tấn phong các chức
sắc đầu tiên của đạo Cao Đài diễn ra vào giờ Tý đêm Thứ Năm 18 rạng Thứ Sáu
19-11-1926 (đêm 14 rạng 15-10 Bính Dần) trong chánh điện thánh thất Thiền Lâm. [Xem Phụ Bản 7.] Các chức sắc mặc phẩm
phục vàng, xanh, và đỏ của ba phái Thái, Thượng, Ngọc (theo thứ tự).
5. Pháp Chánh
Truyền
Đêm Thứ Bảy
20-11-1926, trong đàn cơ tại chánh điện thánh thất Thiền Lâm, Đức Chí Tôn ban Pháp Chánh Truyền, quy định tám phẩm
chức sắc Cửu Trùng Đài, từ phẩm cao nhất là Giáo Tông cho tới phẩm thứ tám là
Lễ Sanh. Đêm sau, Đức Chí Tôn quy định về việc công cử chức sắc từ phẩm Lễ Sanh
lên tới Giáo Tông.
6. Kéo dài đại
lễ tại thánh thất Thiền Lâm
Mỗi đêm, sau khi
cúng thời Tý thì lập đàn cơ để Ơn Trên thâu nhận tín đồ. Trung bình mỗi đêm có khoảng
một trăm người (hoặc nhiều hơn) xin nhập môn, nên đàn cơ phải kéo dài tới 2 hay
3 giờ sáng. Mỗi người nhập môn xong được cấp một giấy chứng nhận.
Vì dòng người từ các
nơi vẫn không ngớt đổ về thánh thất Thiền Lâm, nên thay vì ba ngày ba đêm, cuộc
lễ phải kéo dài đến ba tháng. Trong ba tháng đó có nhiều sự kiện quan trọng.
6.1. Giáo Tông Vô Vi
Vâng lệnh Đức Chí
Tôn, Đức Lý Thái Bạch nhận trọng trách Giáo Tông Vô Vi từ Thứ Hai 29-11-1926.
6.2. Tân Luật
Thứ Hai 06-12-1926,
Đức Chí Tôn dạy các tiền khai phải thường trực nơi thánh thất Thiền Lâm để lập
Tân Luật, gồm ba phần: (a) Tịnh Thất Luật,
quy định về tu tịnh; (b) Đạo Pháp Luật,
quy định về việc cai trị trong đạo Cao Đài. (c) Thế
Luật, quy định về đời sống tín đồ.
Sau hai phiên cãi luật, Tân Luật được Đức Chí Tôn phê
chuẩn vào Thứ Hai 07-3-1927. Tân Luật
được in lần đầu tiên tại nhà in Commerciale C. Ardin, Sài Gòn, 14 trang
(15x24cm) và phát hành từ đầu tháng 6 năm 1927. [Xem Phụ Bản 7.]
6.3. Chữ Khí ở bàn thờ Hộ Pháp
Thứ Hai 13-12-1926, Đức Lý Thái Bạch dạy làm tấm nỉ
dài (1,5x3m), thêu chữ Khí 氣, và đặt ở bàn
thờ Hộ Pháp, đối diện Thiên bàn. Đức Lý dùng đại ngọc cơ viết chữ Khí theo cách vẽ bùa (phù). Đúng một
tuần sau (Thứ Hai 20-12), Đức Chí Tôn dạy hãy dùng nỉ đỏ, và dùng chỉ vàng thêu
chữ Khí.
6.4. Pháp Chánh Truyền phái nữ
Thứ Tư 02-02-1927, Đức Lý Thái Bạch giáng đàn và lập Pháp Chánh Truyền cho nữ chức sắc Cửu
Trùng Đài, từ phẩm Đầu Sư xuống tới Lễ Sanh. Tất cả nữ chức sắc đều mặc màu
trắng, vì không chia thành ba phái Thái, Thượng, Ngọc.
6.5. Pháp Chánh Truyền Hiệp
Thiên Đài
Chủ Nhật 13-02-1927, Đức Chí Tôn ban Pháp Chánh Truyền cho Hiệp Thiên Đài.
Trên hết có Hộ Pháp Phạm Công Tắc (chưởng quản chi Pháp), bên phải Hộ Pháp có
Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư (chưởng quản chi Đạo), và bên trái Hộ Pháp có Thượng
Sanh Cao Hoài Sang (chưởng quản chi Thế). Bên dưới ba phẩm này là Thập Nhị Thời
Quân chia làm ba chi (Pháp, Đạo, Thế).
7. Hòa Thượng Như Nhãn đòi lại chùa
Mất đức tin vào nền tôn giáo mới và cũng do áp lực từ
các Phật tử cho nên đầu tháng 12-1926, Hòa Thượng Như Nhãn nhất quyết đòi lại
chùa Thiền Lâm.
Chùa Thiền Lâm trả lại cho Hòa Thượng Như Nhãn vào
Thứ Tư 23-3-1927. Trước ngày ấy mọi tài sản của thánh thất đều phải chở hết về khoảnh
rừng mới mua ở làng Long Thành (tỉnh Tây Ninh).
Cuộc thiên di nhọc nhằn này kết thúc thời gian Khai
Minh Đại Đạo tại thánh thất Thiền Lâm, chánh thức khai diễn trong ba ngày ba
đêm (18, 19, và 20-11-1926), và rốt cuộc đã kéo dài ba tháng (chưa tính thêm
một tháng do trễ hạn trả chùa). Cuộc thiên di này còn đánh dấu một dấu mốc
trong lịch sử đạo Cao Đài: thời kỳ kiến tạo Tòa Thánh Tây Ninh.
HUỆ KHẢI
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.