ĐẠO CAO ĐÀI THỜI TIỀM ẨN (1920-1926)
Lịch sử đạo Cao Đài
trải qua thời tiềm ẩn dài sáu năm (1920-1926) để chuẩn bị nhân sự khai Đạo và
mọi điều kiện cần yếu khác cho cơ cấu một tôn giáo có quy củ.
1. Đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài Thượng Đế: Ngô Văn
Chiêu (1878-1932)
Ngài Ngô sinh ở quận
Bình Tây, tỉnh Chợ Lớn. Tốt nghiệp collège Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn với bằng
thành chung, ngài bắt đầu làm công chức từ năm 1899 tại Sài Gòn. Sau đó, rời Phủ Thống Đốc Nam Kỳ (Palais du
Gouvernement de la Cochinchine), ngài lần lượt làm
việc tại tỉnh Tân An (1909), tỉnh Hà Tiên (1920), và quận đảo Phú Quốc (1920). Trở
về Sài Gòn ngài làm việc lần nữa ở Phủ Thống Đốc Nam Kỳ
(1924), nghỉ hưu (1931), rồi về Cần Thơ sống những ngày
cuối đời. Các mốc chủ yếu trong đời tu hành của ngài vào những năm 1920-1925
như sau:
1.1. Nghe hồng danh Cao Đài lần thứ nhất (1920)
Ở tỉnh Tân An khoảng
tháng 1 hay 2 năm 1920, ngài Ngô lập đàn cầu cơ tại nhà, tiếp được một đấng
xưng danh Cao Đài Tiên Ông.
1.2. Nghe hồng danh Cao Đài lần thứ hai (tháng 9-1920)
Tại tỉnh Hà Tiên,
vào đêm trung thu (Chủ Nhật 26-9-1920), ngài Ngô hầu đàn cơ tại nhà một nhân sĩ
là Hữu Lân Lâm Tấn Đức (1866-1934),
bác của Đông Hồ Lâm Tấn Phác (1906-1969), danh sĩ đất Hà Tiên. Ơn Trên giáng,
ban cho bốn câu thơ, mở đầu là hồng danh Cao
Đài. [Xem Phụ Bản 2.]
1.3. Thọ pháp (1921)
Cuối năm 1920, trong
một đàn cơ tại chùa Quan Âm trên núi Dương Đông (đảo Phú Quốc), một tiên ông ẩn
danh dạy rằng nếu ngài Ngô thuận làm đệ tử thì tiên ông sẽ truyền đạo. Kể từ
mùng 1 Tết Tân Dậu (Thứ Ba 08-02-1921), ngài ăn chay trường, và tu thiền theo
pháp môn của tiên ông ẩn danh.
1.4. Thiên Nhãn xuất hiện hai lần (tháng 4-1921)
Tiên ông dạy ngài
Ngô tìm một biểu tượng cho nền đạo mới. Ngài đề nghị chữ thập 十 nhưng tiên ông dạy phải tìm một biểu tượng khác. Sau một tuần, ngài vẫn
không thể nghĩ ra được gì.
Sáng Thứ Tư
20-4-1921, lúc tám giờ, ngài ngồi trên võng, phía sau dinh quận Phú Quốc, nhìn
ra biển khơi, chợt thấy trước mặt hiện rõ một con mắt trái thật lớn, linh động,
hào quang chói lọi. [Xem Phụ Bản 3.]
Ngài sợ, lấy tay che mắt. Hồi lâu, bỏ tay ra nhìn, cảnh
tượng vẫn còn. Ngài chắp tay, khấn xin tiên ông cho con mắt ấy biến đi, nếu như
tiên ông muốn ngài thờ con mắt. Sau đó cảnh tượng mờ dần rồi mất hẳn. Tuy nhiên
lòng còn phân vân, ngài chưa thực hiện lời hứa. Vài hôm sau, ngài lại mục kích
một cảnh tượng y như vậy, và cũng chỉ sau khi khấn, hứa xin thờ con mắt cảnh
tượng mới biến đi.
1.5. Nghe hồng danh Cao Đài lần thứ ba (tháng 4-1921)
Vài ngày sau khi con
mắt xuất hiện lần thứ hai, ngài Ngô hầu đàn tại chùa Quan Âm. Tiên ông dạy ngài
vẽ lại Thiên Nhãn (con mắt trái) như đã mục kích để thờ. Tiên ông xưng hồng
danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha
Tát, và dạy ngài gọi Đức Cao Đài bằng Thầy.
1.6. Nếp sống ẩn tu giữa Sài Gòn (1924-1925)
Thứ Ba 29-7-1924,
ngài Ngô rời đảo Phú Quốc về Sài Gòn làm việc, và ẩn tu giữa chốn phồn hoa cho
tới đầu năm 1926 mới được Đức Cao Đài Thượng Đế cho phép khởi sự truyền đạo.
2. Các ngài Cao-Phạm ở phố
Hàng Dừa (Sài Gòn)
2.1. Ngài Cao Quỳnh Cư (1888-1929) và Hương Hiếu
(1887-1971)
Ngài sinh tại làng
Hiệp Ninh, tổng Hàm Ninh Thượng, tỉnh Tây Ninh. Năm 1925, ngài làm thơ ký cho
Sở Hỏa Xa Sài Gòn, thuê nhà ở số 134 đường Bourdais (nay là đường Calmette,
quận 1). Ngài kết hôn với cô Nguyễn Thị Hương (cũng gọi Hiếu, hay Hương Hiếu),
sinh tại Đa Kao (quận 1, Sài Gòn).
2.2. Ngài Cao Hoài Sang (1901-1971)
Ngài sinh tại làng
Thái Bình, tỉnh Tây Ninh. Học collège Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn, đậu bằng
thành chung, ngài làm thơ ký cho Sở Thương Chánh Sài Gòn năm 1920. Ngài thuê
nhà trên đường D’Arras (nay là đường Cống Quỳnh, quận 1), cách nhà ngài Phạm
Công Tắc một căn.
2.3. Ngài Phạm Công Tắc (1890-1959)
Ngài sinh tại làng
Bình Lập, quận Châu Thành, tỉnh Tân An. Học collège Chasseloup-Laubat ở Sài
Gòn, ngài đậu bằng thành chung năm 1907. Năm 1910 ngài làm thơ ký Sở Thương
Chánh Sài Gòn, đồng sở với ngài Cao Hoài Sang.
2.4. Thử dùng phương pháp xây bàn
Đêm Thứ Sáu
24-7-1925, tại nhà ngài Cao Hoài Sang trên đường D’Arras, các vị Cao-Phạm tập
dùng phương pháp xây bàn (la table
tournante) theo chỉ dẫn trong sách Thông Linh Học (Spiritisme) tiếng Pháp. Hai đêm đầu chẳng được kết quả gì. Đêm Chủ
Nhật 26-7-1925, các vị tiếp được chơn linh Cao Quỳnh Tuân (thân phụ ngài Cư). [Xem Phụ Bản 4.]
2.5. Thất Nương
Đêm Thứ Năm
30-7-1925 tại nhà ngài Cao Hoài Sang, các vị tiếp được Thất Nương là một trong
chín vị Tiên Nương phò giá Đức Phật Mẫu (Diêu Trì Kim Mẫu). Sau đó các vị hầu
như đêm nào cũng cầu thỉnh được nhiều Đấng thiêng liêng khác và xướng họa thơ
cùng các Đấng. Bà Cư (Hương Hiếu) ghi chép đầy đủ các thánh ngôn, thánh thi tiếp
nhận được trong thời gian ấy.
2.6. Đức AĂÂ
Đêm Thứ Sáu
28-8-1925, tại nhà ngài Cư, các vị Cao-Phạm tiếp được một Đấng xưng danh AĂÂ.
Mãi đến cuối tháng 12-1925 các vị mới biết ngài chính là Đức Cao Đài Thượng Đế.
Đêm trung thu (Thứ
Sáu 02-10-1925), tuân lời Đức AĂÂ dạy, các vị thiết lễ Hội Yến Bàn Đào (tiệc
chay) tại nhà ngài Cư để kính dâng Đức Diêu Trì Kim Mẫu (Phật Mẫu) và các Đấng
thiêng liêng. Dịp này, các vị bắt đầu dùng đại ngọc cơ khi lập đàn thỉnh Tiên.
Ngày nay, lễ Hội Yến Bàn Đào hàng năm vào đêm rằm tháng 8 trong đạo Cao Đài đều
mô phỏng theo buổi lễ đầu tiên ấy, có thêm một số nghi thức.
2.7. Các vị Cao-Phạm trở thành đệ tử Cao Đài
Tuân lệnh Đức AĂÂ,
các vị Cao-Phạm làm lễ vọng Thiên cầu Đạo vào đêm Thứ Tư 16-12-1925 (01-11 Ất
Sửu) ở ngoài sân, trước nhà ngài Cư. [Xem
Phụ Bản 5.] Từ đấy, các vị trở thành đệ tử Đức Cao Đài Thượng Đế (tá danh
AĂÂ).
2.8. Ngài Lê Văn Trung (1876-1934)
Những đêm cầu Tiên ở
phố Hàng Dừa được nhiều người biết và tìm đến. Trong số đó có ngài Lê Văn
Trung, sinh tại làng Phước Lâm, tổng Phước Điền Trung, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ
Lớn. Sau khi tốt nghiệp collège Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn (1894), ngài thi
đậu thơ ký, làm việc tại Phủ Thống Đốc Nam Kỳ. Sau mười hai năm, ngài thôi việc
để ra ứng cử và đắc cử Hội Đồng Quản Hạt (Conseil
Colonial de Cochinchine). Năm 1912 ngài được Chánh Phủ Pháp tặng thưởng Bắc
Đẩu Bội Tinh hạng Năm (Chevalier de la
Légion d’Honneur). Năm 1914 ngài được chọn làm nghị viên Hội Đồng Chánh Phủ
Đông Dương (Conseil de Gouvernement de
l’Indochine), bấy giờ thường gọi là Thượng
Nghị Viện Đông Dương.
Ngoài các hoạt động
nói trên, ngài còn làm kinh doanh sau khi thôi nghề công chức. Từ năm 1920 việc
kinh doanh càng lúc càng suy kém, bốn năm sau thì hoàn toàn thua lỗ. Vì buồn
phiền, ngài hút thuốc phiện. Họa vô đơn chí, thị lực ngài giảm sút, đôi mắt gần
như mù.
Khoảng tháng 6-1925
ngài đến hầu đàn Chợ Gạo (nay ở khoảng ngã ba Phú Lâm và Hùng Vương, quận 6). Đức
Lý Thái Bạch giáng đàn khuyên ngài lo tu hành. Ngài bắt đầu ăn chay, bỏ hút
thuốc phiện, và thị lực dần dần phục hồi. Sau khi đàn Chợ Gạo ngưng hẳn,
ngài hầu đàn tại nhà ngài Cao Quỳnh Cư vào Thứ Hai 11-01-1926 và được Đức Cao
Đài Thượng Đế giáo hóa. Đúng một tuần sau,
đàn cơ được lập nhà ngài ở Quai Testard, Chợ Lớn (nay là đường Châu Văn Liêm,
quận 5). Đức Cao Đài lâm đàn thâu nhận ngài làm môn đồ.
2.9. Hiệp với ngài Ngô Văn Chiêu
Khoảng hạ tuần tháng
01-1926, Đức Cao Đài dạy các vị Cao-Phạm phải hiệp cùng ngài Ngô Văn Chiêu mở
đạo Cao Đài, và phải kính ngài Ngô là Anh Cả. (Theo Tân Luật Cao Đài, Anh Cả tức là Giáo Tông.) Sau đó các vị được ngài
Ngô chỉ dẫn nghi thức thờ phượng, nhất là cách sắp đặt bàn thờ (Thiên bàn) có
thánh tượng Thiên Nhãn.
2.10. Ngài
Ngô tách khỏi các vị Cao-Phạm
Vào tháng 4-1926,
Đức Cao Đài dạy ba vị Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư, và Phạm Công Tắc đến báo cho
ngài Ngô biết về lịnh may cho ngài thiên phục Giáo Tông. Tuy nhiên ngài Ngô từ
tạ phẩm Giáo Tông vào Thứ Bảy 24-4-1926 và tách ra khỏi hoạt động ngoại giáo
công truyền (phổ độ) của các vị Cao-Phạm để có thể xây dựng được nền tảng vững
chắc cho nội giáo tâm truyền.
3. Khai Tịch Đạo
Để chuẩn bị lập tư
cách pháp nhân của đạo Cao Đài, đêm Thứ Tư 29-9-1926, lúc 8 giờ, tại nhà tiền khai
Nguyễn Văn Tường (1887-1939) ở Sài Gòn (nay là số 208 đường Cô Bắc, quận 1), có
cuộc họp quy tụ
hơn hai trăm bốn mươi chức sắc và tín đồ đầu tiên của đạo Cao Đài. Sau đó, tất cả hồ sơ được ngài Lê Văn Trung đích thân mang đến Phủ
Thống Đốc Nam Kỳ gởi cho Quyền Thống Đốc Nam Kỳ Le Fol vào Thứ Năm 07-10-1926.
Sự kiện này (gọi là Khai Tịch Đạo) đã được thực hiện căn cứ theo Luật Hiệp Hội
01-7-1901 của Pháp, do Thủ Tướng Waldeck-Rousseau (1846-1904) ban hành. [Xem Phụ Bản 6.]
Ngay sau sự kiện Khai Tịch Đạo, các tiền
khai Cao Đài liền truyền giáo khắp cả Nam Kỳ mà không cần một giấy phép nào của
chánh quyền, căn cứ Điều 2 của Luật Hiệp Hội 1901 nói trên. Như vậy, sự kiện Khai Tịch Đạo đã kết thúc thời tiềm ẩn của đạo
Cao Đài.
HUỆ KHẢI