Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

8. HỘI THÁNH TRUYỀN GIÁO CAO ĐÀI / MỘT THOÁNG CAO ĐÀI


ĐÔI NÉT VỀ
HỘI THÁNH TRUYỀN GIÁO CAO ĐÀI
Đầu những năm 1930, ở làng Bất Nhị (nay thuộc xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) có một nhóm nhỏ thanh thiếu niên vốn là anh em, họ hàng đi vào Sài Gòn và sau đó được huấn luyện làm đồng tử tại thánh tịnh Đại Thanh (ở quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định), thuộc Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên. Hiện nay thánh tịnh đặt tại số 465/51 đường Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp.
Tuân lệnh Ơn Trên, vào Thứ Hai 22-10-1934 (15-9 Giáp Tuất), nhóm này trở về quê nhà truyền đạo với trưởng đoàn là Trần Công Ban (1906-?). Bốn đồng tử là Lương Vĩnh Thuật (1918-1982), Trần Công Sĩ (1921-?), Lê Văn Qui (1917-1935), và Lê Văn Phụng (1915-1935). Thánh danh của bốn đồng tử theo thứ tự là Thanh Long, Xích Lân, Kim Qui, và Bạch Phụng; vì thế, cả nhóm có chung thánh hiệu là Tứ Linh Đồng Tử.
Giữa tháng 7-1935, sau khi Bạch Phụng và Kim Qui từ trần, mà Xích Lân không còn phù hợp với sứ mạng, Ơn Trên ban lệnh cho Trần Quang Châu (1915-2000) được làm đồng tử, thánh danh Bạch Hổ. Sinh ở làng Tứ Phú (nay thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), Bạch Hổ kết hợp với Thanh Long thành một cặp song đồng rất thần diệu cho sứ mạng truyền giáo ở Trung Kỳ trong hoàn cảnh triều đình Huế và thực dân Pháp không ngừng bách hại đạo Cao Đài.
Tháng 12-1934, kết quả đầu tiên của đoàn truyền giáo Cao Đài ở Trung Kỳ là thánh tịnh Thanh Quang ra đời (nay ở xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), mở màn cho các thánh thất khác lần lượt mọc lên ở nhiều địa phương khác nhau trong các năm sau đó.
Trung tuần tháng 2-1948, theo lệnh Ơn Trên, một đại hội quy tụ đại biểu của Nam Ngãi Bình Phú (bốn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, và Phú Yên) tổ chức thành công, kết quả là hình thành Cơ Quan Truyền Giáo Trung Bộ, có thể xem là tiền thân của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài hiện nay.
Mặc dù mọi hoạt động truyền giáo Cao Đài ở Trung Kỳ đều bị nhà cầm quyền cấm chỉ hoàn toàn, nhiều thành tựu cùng với rất nhiều hy sinh mất mát quả thật đã góp phần to tát vào sự hình thành một cộng đồng Cao Đài đông đảo và đầy hào khí trên dải đất miền Trung vốn lắm khắc nghiệt về nhiều phương diện.
Để có được mùa màng đầy hoa trái như thế, cho tới giữa thế kỷ 20, rất nhiều tông đồ truyền giáo đã dũng cảm hy hiến cuộc đời các ngài cho lý tưởng Cao Đài. Một cách thiếu sót, tạm kể phương danh một số vị như: Cao Hữu Chí (1904-1953), Huỳnh Ngọc Trác (1898-1945), Lê Trí Hiển (1879-1943), Nguyễn Đán (1905-1958), Nguyễn Hồng Phong (1894-1947), Nguyễn Quang Châu (1912-1955), Trần Doãn Cơ (1912-1944, nữ), Trần Nguyên Chất (1893-1950), và Trần Nguyên Chí (1914-1957), v.v...
Sau hai thập niên không ngừng truyền giáo, vào Thứ Hai 28-11-1955 (15-10 Ất Mùi), lễ trí thạch xây dựng Trung Hưng Bửu Tòa được tổ chức trang trọng tại thành phố Đà Nẵng. Để có lễ khởi công ấy, Bảo Pháp Thanh Long phải lao tâm khổ tứ phối hợp chặt chẽ cùng kiến trúc sư Hoàng Hùng ở Sài Gòn mới hoàn thành được bản vẽ kiến trúc đúng theo thánh ý Đức Trần Hưng Đạo. Chẳng hạn, Thứ Ba 05-11-1955, trong đàn cơ tại thánh thất Từ Vân trên đường Nguyễn Huệ (nay là số 100 đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận), Đức Thánh Trần dạy rằng kiến trúc “phải có tinh thần thuần túy Việt Nam”, “trong và ngoài hoàn toàn dùng tiếng Việt”, “vẽ nét Việt, sơn màu Việt”, v.v...
Hai tuần sau, vào Thứ Bảy 19-11-1955, đàn cơ tại thánh thất Nam Thành (số 124-126 đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, Sài Gòn), Đức Thánh Trần duyệt bản vẽ kiến trúc lần chót và chấp thuận với lời khen ngợi Bảo Pháp Thanh Long. [Xem Phụ Bản 15.]


Chủ Nhật 08-7-1956 (01-6 Bính Thân), lễ khánh thành Trung Hưng Bửu Tòa được tổ chức rất trọng thể tại số 35 đường Nguyễn Hoàng (nay là 63 đường Hải Phòng, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng). Dịp này, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài chính thức thành lập với vị chủ trưởng tài đức là Huệ Lương Trần Văn Quế. Đồng thời, để tưởng niệm và tri ân các Thánh tử đạo, Linh Tháp và Nhà Báo Ân cùng được khánh thành tại La Hà (nay là một thị trấn thuộc huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi). [Xem Phụ Bản 16.]
Hiện thời, với tổng số gần 41.700 tín hữu hành đạo ở mười sáu tỉnh thành miền Nam, miền Trung, và Bắc Trung Bộ, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài có bảy mươi mốt họ đạo và cơ sở đạo, hai thánh đường ở thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) và thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), hai nhà tu ở thành phố Tam Kỳ (một cho nam và một cho nữ), một tịnh đường trung tâm ở thành phố Đà Nẵng, gọi là Trung Tông Thánh Tịnh. [Xem Phụ Bản 16.]


Chức sắc Hội Thánh từ phẩm Lễ Sanh trở lên đều phải ăn chay trường một cách tinh nghiêm. Hàng ngày tập thiền song hành với trường trai tinh nghiêm là đặc trưng chung của Hội Thánh, phổ biến ngay cả trong phần đông tín chúng, chứ không riêng các cấp chức sắc, chức việc.
Lớn vào hạng thứ tư khi so sánh với tổng số tín đồ của các Hội Thánh khác, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài luôn luôn rất quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ tín chúng về giáo lý và tâm linh. Hội Thánh có truyền thống gây dựng thế hệ tiếp nối, từ thanh thiếu niên cho tới sinh viên. Hiện nay, giới trẻ năng động và đầy sinh lực của Hội Thánh có mặt ở hầu hết mọi họ đạo.
Ghi chú: Để tìm hiểu thêm về đạo Cao Đài, có thể tham khảo mười ba tập sách song ngữ Việt-Anh của Huệ Khải, ấn tống tại hai nhà xuất bản Tôn Giáo và Hồng Đức (Hà Nội) từ năm 2008 tới nay. Xem trang 77 ở cuối sách này. Ngoài ra, có thể truy cập các văn bản điện tử tại:

HUỆ KHẢI


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.