Thứ Tư, 20 tháng 5, 2020

1 KHAI MINH ĐẠI ĐẠO 1926 (GIAO CẢM-I)

LƯỢC SỬ ĐẠO CAO ĐÀI: KHAI MINH ĐẠI ĐẠO 1926



GIAO CẢM
Từ thời kỳ tiềm ẩn của đạo Cao Đài cho đến nay, dòng lịch sử đã chảy qua biết bao khúc quanh thăng trầm và bi tráng. Để chép lại một cách tốt nhất những sự kiện ấy, còn đang trông chờ tâm huyết và tài năng của nhiều thế hệ sử gia nối tiếp nhau đóng góp.
Tôi vốn dĩ không phải là một người chép sử. Chỉ vì nhu cầu bản thân muốn hiểu biết lịch sử Đạo nhà nên quan tâm tìm đọc các sách sử Cao Đài. Rồi nghĩ rằng phần đông đạo hữu của mình ắt cũng có nhu cầu tương tự, tôi bắt đầu biên soạn một vài tập sách nhỏ trình bày sử Đạo tương đối gòn gọn, mang tính khái quát. Mỗi tập sách chỉ tập trung vào một giai đoạn hay sự kiện lịch sử Cao Đài. Chẳng hạn, tập sách này tập trung vào đại lễ Khai Minh Đại Đạo trong tháng 11 năm 1926 tại thánh thất Thiền Lâm (Gò Kén, làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh).
Hình ảnh hai mươi tám vị tiền khai tôn kính của đạo Cao Đài được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau và in lại trong tập sách này. Vì khuôn khổ trang giấy hạn hẹp, tôi chỉ có thể ghi vắn tắt thế danh, năm sinh và năm quy thiên của mỗi vị. Đây quả là chỗ bất như ý của tôi, rất mong quý bạn đọc cảm thông mà lượng thứ.
Trong lúc chuẩn bị phần tiếng Anh cho tập sách này, tôi nhận được nhiều gợi ý và sửa chữa hữu ích của thầy Tú Đoàn. Tôi trân trọng bày tỏ nơi đây lòng chân thành biết ơn của tôi đối với một đồng nghiệp đáng kính.
Giờ đây, hàng ngàn bản in này được trao vào tay quý bạn đọc thân mến là nhờ vào tấm lòng cao cả và quảng đại của biết bao vị Mạnh Thường Quân bấy lâu vẫn không ngừng nhiệt tâm ủng hộ mạnh mẽ Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
Xin chúng ta cùng để tâm kính thành cầu nguyện Đức Chí Tôn ban ơn lành đến toàn thể các ân nhân ấy cũng như cửu huyền thất tổ những vị mà chúng ta mãi mang ơn.
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Mùa Hè năm Ất Mùi
Tháng 7-2015
HUỆ KHẢI

*
Thứ Tư 29-9-1926 (23-8 Bính Dần), lúc 8 giờ tối, tại nhà tiền khai Nguyễn Văn Tường,([1]) cũng gọi Võ Văn Tường, ở số 237 bis, trong một hẻm trên đường Gallieni, Sài Gòn (nay là số 208 Cô Bắc, quận 1), có cuộc họp đông đảo để chuẩn bị đăng ký tư cách pháp nhân của đạo Cao Đài.
Dưới sự đồng chủ trì của ba vị tiền khai Lê Văn Trung (Đầu Sư Thượng Trung Nhựt), Lê Văn Lịch (Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt) và Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư, cuộc họp lịch sử này quy tụ hàng trăm chức sắc và tín đồ đầu tiên của đạo Cao Đài.
Kết quả có hai trăm bốn mươi lăm vị ký tên vào danh sách đính kèm theo hồ sơ. Còn văn bản tiếng Pháp ghi ngày 07-10-1926 có hai mươi tám môn đệ đứng tên, được Đầu Sư Thượng Trung Nhựt đích thân mang đến Phủ Thống Đốc Nam Kỳ (nay là Bảo Tàng TpHCM, số 65 Lý Tự Trọng, quận 1) gởi cho Quyền Thống Đốc Nam Kỳ Le Fol vào Thứ Năm 07-10-1926.([2])
Văn bản tiếng Pháp ghi ngày 07-10-1926 nói trên chính là Tuyên Ngôn Khai Đạo Cao Đài. Thật vậy, có thể nhận định như sau:
“Tuyên Ngôn Khai Đạo là bước ngoặt lịch sử, kết thúc thời kỳ tiềm ẩn của đạo Cao Đài, mở màn cho công cuộc phổ độ rầm rộ khắp Lục Tỉnh, tiến tới lễ Khai Minh Đại Đạo rằm tháng 10 Bính Dần. Nói cách khác, ở thời điểm mốc của Tuyên Ngôn Khai Đạo, lịch sử Cao Đài đã mở sang một trang mới, bước vào thời kỳ Khai Minh Đại Đạo.” ([3])
Bước chuyển tiếp giữa thời kỳ tiềm ẩn (từ 1920 đến cuối tháng 9-1926) và thời Khai Minh Đại Đạo là cuộc Phổ Độ Lục Tỉnh được tiến hành trong một tháng tại Nam Kỳ.
I. PHỔ ĐỘ LỤC TỈNH
Năm 1832, vua Minh Mạng chia miền Nam thành sáu tỉnh An Giang, Biên Hòa, Định Tường, Hà Tiên, Phiên An, và Vĩnh Long. Như vậy tên gọi Lục Tỉnh đã có từ năm 1832. Năm 1834, Lục Tỉnh được gọi chung là Nam Kỳ 南圻 (cõi đất phương nam). Năm 1835, tỉnh Phiên An đổi tên thành tỉnh Gia Định.
Sau khi sáu tỉnh Nam Kỳ trở thành thuộc địa của thực dân Pháp (1867), vào năm 1899, Lục Tỉnh của triều Nguyễn bị chia ra hai mươi mốt tỉnh như sau:
- An Giang chia làm năm tỉnh: Cần Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, và Sóc Trăng.
- Biên Hòa chia làm bốn tỉnh: Bà Rịa, Biên Hòa, Cap Saint-Jacques (tức Vũng Tàu), và Thủ Dầu Một.
- Định Tường đổi thành Mỹ Tho.
- Gia Định chia làm năm tỉnh: Chợ Lớn, Gia Định, Gò Công, Tân An, và Tây Ninh.
- Hà Tiên chia làm ba tỉnh: Bạc Liêu, Hà Tiên, và Rạch Giá.
- Vĩnh Long chia làm ba tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, và Vĩnh Long.
Người Pháp gọi Nam Kỳ là Cochinchine, Trung Kỳ là Annam, và Bắc Kỳ là Tonkin.
Chia đất Nam Kỳ thành hai mươi mốt tỉnh, có lẽ thực dân Pháp muốn xóa nhòa hai chữ Lục Tỉnh trong tình cảm người Việt, cũng là cách cắt đứt lòng lưu luyến với truyền thống, một thủ đoạn tâm lý bên cạnh các cuộc đàn áp những phong trào yêu nước kháng chiến. Nhưng dân Nam Kỳ vẫn hoài vọng Lục Tỉnh (cũng gọi là Lục Châu); vì thế, vào mùa Thu năm Bính Dần (1926), khi khởi đầu công cuộc phổ độ ở miền Nam, các vị tiền khai đạo Cao Đài đã gọi đó là cuộc Phổ Độ Lục Tỉnh.([4])
Nhiêu Lộc, 28-7-2015
HUỆ KHẢI



([1]) Về năm sinh và năm quy thiên của các vị tiền khai, xin xem Phụ Lục” (cuối phần VIII bản điện tử này).
([2]) [Huệ Khải 2010: 32-34].
Cước chú này cho biết thông tin nói trên có trong một cuốn sách của Huệ Khải in năm 2010, trang 32-34. Về chi tiết của tập sách, xin xem Sách Tham Khảo” (trang 101).
([3]) [Lê Anh Dũng 1996: 182].
([4]) [Huệ Khải 2010: 7-10].


[Huệ Khải 2010], Đất Nam Kỳ - Tiền Đề Pháp Lý Mở Đạo Cao Đài. / Cochinchina as a Legal Precondition for the Foundation of Caodaism. Hà Nội: Tôn Giáo, 2010.
[Hương Hiếu 2], Đạo Sử. Quyển II. (mimeographed). Tòa Thánh Tây Ninh, không năm xuất bản.
[Lê Anh Dũng 1996], Lịch Sử Đạo Cao Đài Thời Kỳ Tiềm Ẩn 1920-1926 / History of Cao Dai - the Beginnings of Early Cao Dai 1920-1926. Huế: Thuận Hóa, 1996.
[Nguyễn Văn Hồng 1], Đạo Sử Nhựt Ký. Quyển 1 (1925-1934). Bản thảo (1.213 trang).
[Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 2]. Quyển 2. Sài Gòn: Tòa Thánh Tây Ninh, 1966.