Thứ Tư, 20 tháng 5, 2020

2 KHAI MINH ĐẠI ĐẠO 1926 (II-III)

LƯỢC SỬ ĐẠO CAO ĐÀI: KHAI MINH ĐẠI ĐẠO 1926


II. ẤN PHẨM CAO ĐÀI: PHỔ CÁO CHÚNG SANH
Trong Tuyên Ngôn Khai Đạo ngày 07-10-1926, các tiền khai Cao Đài tuyên bố:
“Au nom de très nombreux Annamites qui ont entièrement approuvé ces études et dont la liste est ci-jointe, les soussignés ont l’honneur de venir respectueuse-ment vous déclarer qu’ils vont propager à l’humanité entière cette Sainte Doctrine.” ([1])
Dịch:
“Nhân danh đông đảo những người Việt Nam đã hoàn toàn tán thành những điều nghiên cứu này và có danh sách kèm theo, những người ký tên dưới đây hân hạnh tuyên bố cho ông biết là chúng tôi sẽ truyền bá cho toàn thể nhân loại giáo lý thiêng liêng này.” ([2])
Trong mấy ngày tiếp theo sự kiện đăng ký tư cách pháp nhân nói trên, các tiền khai ráo riết chuẩn bị phổ độ Lục Tỉnh, trong đó có việc biên soạn tập sách nhỏ nhan đề Phổ Cáo Chúng Sanh.
Trước khi đưa in tập sách này, các tiền khai trình dâng bản thảo để Đức Chí Tôn chỉnh sửa. Trong đàn cơ Thứ Tư 13-10-1926 (07-9 Bính Dần), Đức Chí Tôn gọi tiền khai Lê Thế Vĩnh và dạy:
“Vĩnh, đọc Phổ Cáo Chúng Sanh. Đợi Thầy sửa nghe! Hễ Thầy hạ cơ thì ngừng đọc.” ([3])
Sau đó, Phổ Cáo Chúng Sanh (14 trang, 15x24cm) được in tại l’Imprimerie de l’Union (Sài Gòn). Bìa in trên giấy màu đỏ, mỏng, loại giấy dùng làm bìa hồ sơ. Trên bìa một có in ngày 15 tháng 10 năm 1926. Đây là ấn phẩm của nền tôn giáo mới, được chánh thức truyền bá trong cuộc phổ độ Lục Tỉnh khởi sự từ Thứ Bảy 16-10-1926 (10-9 Bính Dần) và kéo dài một tháng.
[Phụ bản 1: Bìa Phổ Cáo Chúng Sanh (1926)]
1. Tóm tắt Phổ Cáo Chúng Sanh
Phổ Cáo Chúng Sanh gồm hơn bốn ngàn từ; mở đầu liền cho biết rằng vạn loại đều sinh ra từ một Đấng Tạo Hóa, nhưng tên gọi Ngài mỗi nơi một khác. Lại nói rằng các Đấng Phật, Tiên, Thánh, hay Chúa Kitô (tức các tôn giáo đang có trên thế gian) đều từ Đạo mà ra.
Trong hai kỳ trước, Đức Thượng Đế xuống trần xưng danh là Nhiên Đăng Cổ Phật, Thích Ca Mâu Ni, Thái Thượng Nguơn Thỉ [Nguyên Thủy], và Gia Tô [Da Tô] Giáo Chủ, v.v… Ngày nay, Ngài xuống phàm cứu độ nhân loại Kỳ Ba, xưng danh là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Hồng danh này hàm ngụ tôn chỉ Tam Giáo quy Nguyên, vì Cao Đài liên hệ tới Nho Giáo, Tiên Ông liên hệ tới Lão Giáo, Đại Bồ Tát Ma Ha Tát liên hệ tới Phật Giáo.
Phổ Cáo Chúng Sanh lại cho biết, theo thánh giáo Cao Đài, trong Kỳ Nhứt và Kỳ Nhì không gian địa lý còn ngăn cách và tri thức con người còn giới hạn, nên Đức Thượng Đế dạy Đạo cho thế gian phải chia thành năm con đường tu học gọi là Ngũ Chi, gồm có Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, và Phật Đạo, để phù hợp phong hóa mỗi nơi.
Sang Kỳ Ba, thế giới không còn ngăn cách, con người đã phát triển tri thức rất cao, nên Đức Thượng Đế lập đạo Cao Đài đưa Ngũ Chi trở về Một (Đạo), và chính Ngài làm Giáo Chủ, thay vì giao chánh pháp cho người mang xác phàm như hai kỳ trước. Giáo lý Kỳ Ba được các Đấng siêu hình truyền dạy cho cõi hữu hình bằng phương cách thông công cổ truyền là cầu cơ.
Phổ Cáo Chúng Sanh còn cho biết đạo Cao Đài thờ Thượng Đế qua biểu tượng Thiên Nhãn (con mắt trái). Trên bàn thờ tại thánh thất Cao Đài có cả Tam Giáo Đạo Tổ (Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử), Tam Trấn Oai Nghiêm (Lý Thái Bạch, Quan Âm, Quan Thánh), Chúa Giêsu (đại diện Thánh Đạo), và Khương Thái Công (đại diện Thần Đạo).
Cuối cùng, Phổ Cáo Chúng Sanh cho biết ngày 07-10-1926 “cựu Hội Đồng Thượng Nghị Viện Lê Văn Trung” đã đến “khai Đạo nơi Chánh Phủ”, được nhà cầm quyền “hoan nghinh và khen…” (tr. 14).
2. Nhận định về Phổ Cáo Chúng Sanh
Tuy không dày dặn, Phổ Cáo Chúng Sanh thật sự đã nói được một số điểm trọng yếu của nền tôn giáo mới, chẳng hạn: tôn chỉ Tam Giáo quy Nguyên, Ngũ Chi phục Nhứt; tiêu ngữ Vạn giáo nhứt lý; cách thờ phượng; phương pháp truyền dạy…
Dưới ách thực dân Pháp, người dân Việt luôn luôn bị nhà cầm quyền đàn áp nếu tụ tập đông người, hoặc đi theo “hội kín”… Do đó, trước khi kết thúc, Phổ Cáo Chúng Sanh chủ ý nhắc tới sự kiện một nhân vật danh tiếng ở Nam Kỳ bấy giờ là “cựu Hội Đồng Thượng Nghị Viện Lê Văn Trung” đã đăng ký tư cách pháp nhân cho nền đạo mới - quả là khéo léo về tâm lý. Thật vậy, những lời lẽ đó hàm ngụ rằng đạo Cao Đài không phải là “hội kín”, đồng thời khẳng định việc phổ độ Lục Tỉnh là hợp pháp.
Tại sao cần nhờ tới địa vị xã hội cao trọng của tiền khai Lê Văn Trung (Đầu Sư Thượng Trung Nhựt) để gián tiếp trấn an dân chúng? Có thể giải thích như sau:
“… tuần báo Lục Tỉnh Tân Văn số 46, ngày 01-10-1908 viết: ‘Tánh người An Nam mình hay sợ sệt lắm...’ Do đó, khi chủ xướng những công cuộc lớn lao, muốn vận động, thu hút quần chúng, trong thành phần nhân sự nòng cốt bao giờ cũng cần có các công chức. Sơn Nam [1926-2008, một chuyên gia về văn hóa Nam Kỳ] nêu ra lý do là dân chúng ‘tin rằng công chức luôn luôn đàng hoàng, không làm quốc sự.’ Ngay cả trong chuyện kinh doanh, điều này vẫn đúng, cho nên số báo nói trên viết rằng trong thương mại ‘hễ có các ông nha môn [công chức] ra làm đầu thì đâu đâu ai cũng xin vô hùn.’” ([4])
III. BA NHÓM PHỔ ĐỘ LỤC TỈNH
Thứ Tư 13-10-1926 (07-9 Bính Dần), trong đàn cơ duyệt bản thảo Phổ Cáo Chúng Sanh, Đức Chí Tôn dạy:
“Các con tức cấp lo phổ độ. Kể từ mồng 10 tháng này mấy đứa phò loan phải xin phép nghỉ hai mươi chín ngày hết nghe. Thầy dặn các con phải phân nhau mà đi cho khắp.” ([5])
Tuân hành thánh lịnh nói trên, các tiền khai chia làm ba nhóm:
Nhóm một: Lê Văn Trung (Thượng Trung Nhựt), Nguyễn Ngọc Thơ (Thái Thơ Thanh), và Trần Đạo Quang, v.v... Đồng tử phò loan: Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc. Nhóm một phụ trách chín tỉnh: Bạc Liêu, Cần Thơ, Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Sóc Trăng, Trà Vinh, và Vĩnh Long.
Nhóm hai: Lê Văn Lịch (Ngọc Lịch Nguyệt), Nguyễn Ngọc Tương (Thượng Tương Thanh), và Nguyễn Văn Luật (Thái Luật Thanh, nguyên là Yết Ma ở một chùa Phật), v.v... Đồng tử phò loan: Nguyễn Trung Hậu và Trương Hữu Đức. Nhóm hai phụ trách năm tỉnh: Bến Tre, Chợ Lớn, Gò Công, Mỹ Tho, và Tân An.
Nhóm ba: Lê Bá Trang (Ngọc Trang Thanh), Vương Quan Kỳ (Thượng Kỳ Thanh), và Lê Văn Nhung (Thái Nhung Thanh, nguyên là Yết Ma ở một chùa Phật), v.v... Đồng tử phò loan: Cao Hoài Sang và Cao Quỳnh Diêu. Nhóm ba phụ trách sáu tỉnh: Bà Rịa, Biên Hòa, Gia Định, Sa Đéc, Tây Ninh, và Thủ Dầu Một.

[Phụ bản 2: Bản đồ phổ độ Lục Tỉnh]

[Phụ bản 3: Nhóm một ở Vũng Liêm (Vĩnh Long)]
Yểm trợ cho cả ba nhóm có hai vị tiền khai Nguyễn Văn Tương (Thượng Tương Thanh) và Nguyễn Văn Kinh (Ngọc Kinh Thanh) phụ trách việc thuyết đạo.([6]) Cả hai nguyên là thầy tu Minh Sư.([7])
Sau một tháng nhiệt thành truyền bá nền đạo mới, mỗi nhóm đã độ được vài vạn người nhập môn Cao Đài. Trong số đó nhiều vị là những người danh giá trong xã hội, và các vị ấy mau chóng trở thành những bậc hướng đạo nòng cốt trong giai đoạn xây dựng Hội Thánh Cao Đài đầu tiên cũng như phát triển đạo Cao Đài suốt mấy thập niên sau đó.
Chủ Nhật 14-11-1926 (10-10 Bính Dần), các tiền khai kết thúc cuộc phổ độ Lục Tỉnh để tập trung về chùa Thiền Lâm (Gò Kén, làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh) ráo riết chuẩn bị tiếp tục cho đại lễ Khai Minh Đại Đạo, sau khi đã tạm ngưng một tháng để tiến hành Phổ Độ Lục Tỉnh.
Nhiêu Lộc, 28-7-2015
HUỆ KHẢI



([1]) [Huệ Khải 2010: 69].
([2]) [Huệ Khải 2010: 36].
([3]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 207].
([4]) [Huệ Khải 2010: 20].
([5]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 207].
([6]) [Hương Hiếu 2: 6].
([7]) Trước khi quy hiệp Cao Đài, tiền khai Nguyễn Văn Kinh là học trò Đại Lão Sư Nguyễn Văn Tương (Nguyễn Đạo Tương).


[Huệ Khải 2010], Đất Nam Kỳ - Tiền Đề Pháp Lý Mở Đạo Cao Đài. / Cochinchina as a Legal Precondition for the Foundation of Caodaism. Hà Nội: Tôn Giáo, 2010.
[Hương Hiếu 2], Đạo Sử. Quyển II. (mimeographed). Tòa Thánh Tây Ninh, không năm xuất bản.
[Lê Anh Dũng 1996], Lịch Sử Đạo Cao Đài Thời Kỳ Tiềm Ẩn 1920-1926 / History of Cao Dai - the Beginnings of Early Cao Dai 1920-1926. Huế: Thuận Hóa, 1996.
[Nguyễn Văn Hồng 1], Đạo Sử Nhựt Ký. Quyển 1 (1925-1934). Bản thảo (1.213 trang).

[Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 2]. Quyển 2. Sài Gòn: Tòa Thánh Tây Ninh, 1966.