LƯỢC SỬ ĐẠO CAO
ĐÀI: KHAI MINH ĐẠI ĐẠO 1926
V. ĐẠI LỄ KHAI MINH
ĐẠI ĐẠO
Theo chương trình, đại lễ
Khai Minh Đại Đạo tiến hành trong ba ngày ba đêm, từ Thứ Năm 18 đến hết Thứ Bảy
20-11-1926 (14, 15, và 16-10 Bính Dần). Kể từ Thứ Tư 17-11, nhiều đoàn người
bắt đầu đổ về Gò Kén (làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh) để dự lễ tại thánh thất
Thiền Lâm.
Ban ngày, các tiền khai
bận rộn tiếp đãi quan khách. Đêm Thứ Năm 18-11-1926 (14-10 Bính Dần), sau khi
dâng lễ cúng thời Tý tại chánh điện thánh thất Thiền Lâm, các tiền khai lập đàn
cơ. Đức Chí Tôn giáng, trước tiên ban tịch đạo cho phái nữ: HƯƠNG tâm nhứt phiến cận càn khôn... Như
thế, từ đấy về sau, chức sắc phái nữ đều có thánh danh bắt đầu bằng chữ HƯƠNG.([1])
Sau đó, Đức Chí Tôn phong
phẩm Giáo Sư cho tiền khai Lâm Ngọc Thanh (tức Hương Thanh); phong phẩm Phó Giáo
Sư cho tiền khai Ca Thị Thế (con gái tiền khai Ca Minh Chương).
Lễ tấn phong các chức sắc
đầu tiên của đạo Cao Đài diễn ra vào giờ Tý đêm Thứ Năm 18 rạng Thứ Sáu
19-11-1926 (đêm 14 rạng 15-10 Bính Dần) trong chánh điện thánh thất Thiền Lâm.
Các chức sắc mặc phẩm phục của ba phái Thái, Thượng, Ngọc (vàng, xanh, đỏ) và
đứng theo các vị trí đã được Đức Chí Tôn sắp đặt trong đàn cơ Thứ Ba 16-11-1926
(12-10 Bính Dần).
Sau khi Đức Chí Tôn
thăng, chánh điện bị rối loạn vì tà quái xâm nhập, bởi lẽ khi làm phép trấn đàn
trước cuộc lễ, tiền khai Lê Văn Lịch (Ngọc Lịch Nguyệt) đã có sai sót. Tiền
khai Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư phải thỉnh nước thánh trên Thiên Bàn để trục tà
quái ra ngoài.
Mặc dù có sự cố như thế,
sáng hôm sau mọi việc vẫn tiến hành tốt đẹp. Buổi trưa, sau khi cúng thời Ngọ,
các tiền khai lập đàn và Đức Chí Tôn giáng, trách các tiền khai về việc trấn
đàn sai sót khiến cho đêm trước tà quái nhập vào chánh điện.
Đêm ấy, khi lập đàn cơ
khác, Đức Chí Tôn phong phẩm Giáo Sư cho bảy vị tiền khai phái nam (một vị
trong số đó được thăng lên từ phẩm Giáo Hữu). Đức Chí Tôn còn dạy các tiền khai
hãy tình nguyện ra Trung Kỳ và Bắc Kỳ để truyền đạo.
1.
Các chức sắc Thiên phong đầu tiên
Sau hai ngày lễ Thứ Năm
18 và Thứ Sáu 19-11-1926 (14 và 15-10 Bính Dần), có thêm một số chức sắc Thiên
phong. Cùng với các tiền khai đã được Thiên phong trước đó, số chức sắc đầu
tiên của đạo Cao Đài (chưa tính phẩm Lễ Sanh) gồm các vị như sau:
- Ba vị Chưởng Pháp:
Thái Chưởng Pháp: Như
Nhãn (nguyên Hòa Thượng).
Thượng Chưởng Pháp:
Nguyễn Văn Tương (nguyên Đại Lão Sư Minh Sư).
Ngọc Chưởng Pháp: Trần
Văn Thụ (nguyên Thái Lão Sư Minh Đường).
- Ba vị Đầu Sư:
Thái Đầu Sư: Thích Thiện
Minh (nguyên Hòa Thượng).
Thượng Đầu Sư: Lê Văn
Trung.
Ngọc Đầu Sư: Lê Văn Lịch.
- Ba vị Chánh Phối Sư:
Thái Chánh Phối Sư:
Nguyễn Ngọc Thơ.
Thượng Chánh Phối Sư:
Nguyễn Ngọc Tương.
Ngọc Chánh Phối Sư: Lê Bá
Trang.
- Một vị Thượng Phối Sư: Lê Văn Hóa.
- Ba vị Thái Giáo Sư: Lâm Quang Bính, Lê Văn Nhung, và Nguyễn Văn
Luật. (Hai vị Nhung và Luật nguyên là thầy tăng, phẩm Yết Ma.)
- Mười lăm vị Thượng Giáo Sư: Dương Văn Hoài, Hà Văn Bút, Lại Văn
Hành, Lê Văn Son (Thượng Châu Thanh), Ngô Trung Tín, Ngô Văn Kim, Nguyễn Tấn
Hoài, Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Văn Hoài, Nguyễn Văn Lai, Nguyễn Văn Nhơn, Phạm Trí
Viễn, Tống Quốc Định, Vương Quan Kỳ, và Vinh (người Chợ Lớn). +++
+++ Bổ di: Giáo Sư Thượng Vinh
Thanh (người Chợ Lớn) là thân phụ của ký giả Nam Đình Nguyễn Thế Phương (1906-1978). Đây là ghi chú
trong một bài viết về ngài Hiền Nhơn Lê Văn Phú. (Theo Sử Kiến Nguyên)
- Năm vị Ngọc Giáo Sư: Bùi Văn Thông, Ngô Tường Vân, Nguyễn Phát Đạt,
Nguyễn Văn Kinh (nguyên thầy tu Minh Sư), và Nguyễn Văn Muồi.
- Mười chín vị Thượng Giáo Hữu: Bùi Văn Thiên, Đoàn Văn Bản, Huỳnh
Văn Giỏi, Huỳnh Văn Sơn, Lê Văn Cúc, Nguyễn Ngọc Lân, Nguyễn Văn Cúc, Nguyễn
Văn Phương, Phạm Văn Thấp, Võ Văn Kinh, và Nghi.
- Một vị nữ Giáo Sư: Hương Thanh (Lâm Ngọc Thanh).
- Một vị nữ Phó Giáo Sư: Ca Thị Thế.
- Mười lăm vị phò loan (đồng tử): Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Thượng Phẩm
Cao Quỳnh Cư, Thượng Sanh Cao Hoài Sang, Ca Minh Chương, Huỳnh Văn Mai, Lê
Thiện Phước, Nguyễn Trung Hậu, Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Thiên(g) Kim, Phạm Tấn
Đãi, Phạm Văn Tươi, Trần Duy Nghĩa, Trương Hữu Đức, Trương Văn Tràng, và Võ Văn
Nguyên.([2])
2.
Đức Chí Tôn ban Pháp Chánh Truyền
Đêm Thứ Bảy 20-11-1926
(16-10 Bính Dần), trong đàn cơ tại chánh điện thánh thất Thiền Lâm, Đức Chí Tôn
ban Pháp Chánh Truyền, quy định tám
phẩm chức sắc Cửu Trùng Đài, từ phẩm cao nhất là Giáo Tông cho tới phẩm thứ tám
là Lễ Sanh. Đêm sau, Đức Chí Tôn quy định về việc công cử chức sắc từ phẩm Lễ
Sanh lên tới Giáo Tông.
Nhiêu Lộc, 28-7-2015
HUỆ KHẢI