Thứ Tư, 20 tháng 5, 2020

5 KHAI MINH ĐẠI ĐẠO 1926 (VI)

LƯỢC SỬ ĐẠO CAO ĐÀI: KHAI MINH ĐẠI ĐẠO 1926


VI. KÉO DÀI ĐẠI LỄ TẠI THÁNH THẤT THIỀN LÂM
Theo chương trình đã định, đại lễ Khai Minh Đại Đạo lẽ ra kết thúc vào cuối Thứ Bảy 20-11-1926 (16-10 Bính Dần). Tuy nhiên, vì dòng người từ các nơi vẫn không ngớt đổ về thánh thất Thiền Lâm, nên thay vì ba ngày ba đêm đã phải kéo dài cuộc lễ đến ba tháng. Trong ba tháng đó đã có nhiều sự kiện quan trọng.
Một cách tương đối, thứ tự những sự kiện liệt kê sau đây căn cứ theo mức độ quan trọng. Diễn tiến mỗi sự kiện được ghi chép theo thứ tự thời gian.
1. Lịch đạo Cao Đài
Thứ Tư 02-02-1927 (mùng một Tết Đinh Mão), Đức Chí Tôn giáng đàn, nhắc lại: “Thầy lập Đạo năm rồi ngày nầy [mùng một Tết Bính Dần] thì môn đệ của Thầy chỉ có mười hai đứa...”.([1]) Đức Chí Tôn dạy thêm, sau một năm lập Đạo đã độ được “hơn bốn muôn sanh linh” (hơn bốn mươi ngàn môn đệ), là nhờ huyền diệu của Đức Thượng Đế cùng với sự tận tụy của sáu vị tiền khai.([2])
Nếu căn cứ theo thánh giáo này thì cách tính lịch đạo của đạo Cao Đài bắt đầu từ mùng một Tết Bính Dần (Thứ Bảy 13-02-1926). Nói khác đi, mỗi khi bắt đầu Tết Nguyên Đán theo truyền thống dân tộc thì cũng bắt đầu bước vào năm Đạo mới của cộng đồng tín hữu Cao Đài.
Đàn cơ hôm ấy Đức Chí Tôn hai lần khen ngợi lòng “ngoan đạo” của Đầu Sư Thái Thơ Thanh (Nguyễn Ngọc Thơ). Ngài thăng Giáo Sư Thái Bính Thanh (Lâm Quang Bính) lên phẩm Phối Sư, thăng Giáo Hữu Thượng Bản Thanh (Đoàn Văn Bản) lên Giáo Sư, và thăng Lễ Sanh Thượng Trò Thanh (Nguyễn Văn Trò) lên Giáo Hữu.
Đức Chí Tôn dạy: “Thầy ban ơn trọn cả các con, dầu không có mặt tại đây cũng vậy. Thầy giở cơ lên, các con đều chun ngang qua cho Thầy ban phép lành.” Trước khi thăng, Đức Chí Tôn nhắc lại: “Thầy ban ơn cho các con một lần nữa.” ([3])
2. Hội Thánh lập xong Tân Luật
Trong đàn cơ Thứ Ba 30-11-1926 (26-10 Bính Dần), Đức Chí Tôn quở rằng để chuẩn bị lập thành Tân Luật, chỉ mới có Chưởng Pháp Như Nhãn hoàn tất phần dự thảo luật phân cho phái Thái.([4])
Đàn tái cầu, Đức Lý Thái Bạch buộc đầu tháng sau các chức sắc phải có đủ mặt tại thánh thất Thiền Lâm để lập Tân Luật, và phải có dự thảo luật dâng lên Đức Chí Tôn phê chuẩn.
Thứ Hai 06-12-1926 (02-11 Bính Dần), Đức Chí Tôn dạy các tiền khai phải thường trực nơi thánh thất Thiền Lâm để lập Tân Luật, gồm ba phần: (a) Tịnh Thất Luật, quy định về việc tu tịnh; (b) Đạo Pháp Luật, quy định về việc cai trị trong đạo Cao Đài. (c) Thế Luật, quy định về đời sống tín đồ.
Thứ Bảy 18-12-1926 (14-11 Bính Dần), tại thánh thất Thiền Lâm, Đức Lý Thái Bạch dạy Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) báo tin các chức sắc tạm ngưng phổ độ để tập trung vào việc lập Tân Luật. Vào ngày lễ Giáng Sinh (24-12-1926) các chức sắc phải có mặt đầy đủ tại thánh thất. Ba vị Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh (Nguyễn Ngọc Thơ), Thượng Tương Thanh (Nguyễn Ngọc Tương), và Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang) cùng nạp dự thảo luật ngày ấy. Ngày hôm sau (25-12-1926) tiến hành cãi luật, do hai vị Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (chánh) và Ngọc Lịch Nguyệt (phó) đồng chủ tọa. Các chức sắc được quyền cãi luật và theo thứ tự: phái Thái trước tiên, kế tiếp phái Ngọc, phái Thượng sau cùng.
Thứ Sáu 24-12-1926 (20-11 Bính Dần), Đức Lý Thái Bạch dạy Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) tiến hành cãi luật trong ba phiên: sáng (6-11 giờ), chiều (14-18 giờ, và tối (20-23 giờ). Nếu chưa xong, ngày hôm sau tiếp tục làm việc cũng chia ba phiên như vậy.
· Cãi luật lần thứ nhất
Thứ Bảy 25-12-1926 (21-11 Bính Dần), Đức Lý trách Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) chủ tọa việc cãi luật trọn ngày 25-12-1926 chẳng có kết quả. Ngài dạy:
“Việc tán thành Tân Luật, nếu Thầy để cho Lão, nội trong hai giờ thì hoàn thành tất cả. Ngặt một điều là nếu Lão lập luật, chẳng một ai trong hàng đạo hữu hành đạo đặng! 
Vì vậy Thầy giao trọn quyền cho chư đạo hữu lập thành là chủ ý để phần nhơn lực vào đó chút ít, rồi lấy huyền diệu làm ra Thiên lực. Ấy là một hạnh công bình đó.
Vậy Lão giao ba bộ luật hiệp một cho Thái Thơ Thanh trước. Nội trong một tuần lễ, phải hiệp thế nào cho ba bộ ba phái chung vô làm một.([5]) Qua tuần nữa tới Thượng Tương Thanh. Kế một tuần nữa tới Ngọc Trang Thanh.([6]) Nghĩa là trong ba tuần nữa phải lập thế nào cho rồi luật lệ, đem về thánh thất đặng cãi lại nữa.” ([7])
Thứ Bảy 15-01-1927 (12-12 Bính Dần), Đức Lý Thái Bạch dạy các tiền khai trước khi bắt đầu cãi luật phải cầu cơ nơi chánh điện Thiền Lâm để thỉnh Đức Lý giáng ngự. Trong khi cãi luật, các chức sắc phải mặc đại phục, không nên mặc tiểu phục ([8]) để giữ lễ với Đức Chí Tôn và các Đấng Thần Thánh, Tiên Phật đến chứng giám.
· Cãi luật lần thứ hai
- Chủ Nhật 16-01-1927 (13-12 Bính Dần), Đức Giáo Tông Vô Vi Lý Thái Bạch cho biết Đức Chí Tôn dặn Ngài “chỉ sửa cơ mật nhiệm của luật lệ, phải tùy nguyên văn của Hội Thánh.” Đức Lý chỉ dẫn nghi thức dâng dự thảo Tân Luật ngay trước tượng Ngài trên Thiên Bàn. Việc dâng trình này sẽ tiến hành vào buổi chiều Chủ Nhật hôm ấy, rồi để lại văn kiện ở đó trọn một đêm; hôm sau (Thứ Hai) hai vị Thượng và Ngọc Chưởng Pháp sẽ lập đàn cơ để Đức Lý dạy cách giao lại văn kiện cho Hiệp Thiên Đài.([9])
- Thứ Hai 17-01-1926 (14-12 Bính Dần), Đức Lý Thái Bạch chỉ dẫn nghi thức giao lại dự thảo Tân Luật cho Hộ Pháp Phạm Công Tắc và Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư tiếp nhận (trong lúc Thượng Sanh Cao Hoài Sang vắng mặt vì đang làm việc ở Sài Gòn).
· Ban hành Tân Luật
Thứ Tư 16-02-1927 (15-01 Đinh Mão), Đức Lý Thái Bạch phiền trách:
“Thầy đã dạy ban hành Tân Luật liền mà đã ba ngày còn nằm trước mặt Lão. Tiếc thay, Lão không xác thịt như chư hiền hữu vậy!
Cả Hội Thánh từ lập đến giờ chưa làm một việc nào xong hết. Lấy liền bây giờ. Ngày mai làm thế nào ban hành cho kịp. Chí Tôn rầy Lão thì lỗi tại chư hiền hữu, nghe à!([10])
Thứ Hai 07-3-1927 (04-02 Đinh Mão), Đức Chí Tôn phê chuẩn Tân Luật. Ngài dạy Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung): “Trung, con cũng cho các đạo hữu rõ rằng Tân Luật đã lập thành. Hội Thánh cứ đó mà ban hành.” ([11])
Tân Luật được in lần đầu tiên tại nhà in Commerciale C. Ardin, Sài Gòn, 14 trang (15x24cm) và phát hành từ đầu tháng 6 năm 1927.
[Phụ bản 8: Bìa Tân Luật (1927).]
3. Đức Lý Giáo Tông ban Pháp Chánh Truyền phái nữ
Thứ Tư 02-02-1927 (mùng một Tết Đinh Mão), Đức Lý Thái Bạch giáng đàn và lập Pháp Chánh Truyền cho nữ chức sắc Cửu Trùng Đài, từ phẩm Đầu Sư xuống tới Lễ Sanh. Như vậy phái nữ không có hai phẩm Giáo Tông và Chưởng Pháp. Nữ Đầu Sư phải “tùng quyền” (dưới quyền) Giáo Tông và Chưởng Pháp ba phái.
Đức Lý còn quy định phẩm phục cho từng cấp nữ chức sắc. Khác nam chức sắc, tất cả nữ chức sắc đều mặc màu trắng, vì không chia thành ba phái Thái, Thượng, và Ngọc (mặc phẩm phục vàng, xanh, và đỏ, theo thứ tự).
Vì phái nữ hôm ấy vắng mặt nhiều vị, Đức Lý dạy Giáo Sư Hương Thanh (Lâm Ngọc Thanh) viết thư mời tất cả phải về thánh thất đầy đủ vào ngày rằm tháng Giêng để Đức Chí Tôn phong chức.
Sau đó, vào Thứ Ba 15-02-1927 (14-01 Đinh Mão), tại thánh thất Thiền Lâm, Đức Chí Tôn phong cho phái nữ bốn phẩm chức sắc như sau:
- Hai Phối Sư: Lâm Ngọc Thanh, và Lê Thị Ngân.
- Tám Giáo Sư: Bùi Thị Giàu (bà Nguyễn Ngọc Tương), Đãi Thị Huệ (bà Lê Văn Trung), và Nguyễn Thị Hiếu (bà Cao Quỳnh Cư), v.v...
- Hai mươi tám Giáo Hữu: Ca Thị Thế (con tiền khai Ca Minh Chương), Lâm Thị Tiếng (con tiền khai Lâm Quang Bính), Nguyễn Thị Huyền (con tiền khai Nguyễn Văn Tương), Nguyễn Thị Hương (con tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ), Nguyễn Thị Nhiều (bà Phạm Công Tắc), và Trần Thị Lựu (bà Cao Quỳnh Diêu), v.v...
- Năm mươi sáu Lễ Sanh: Nguyễn Thị Sanh (bà Trương Hữu Đức), và Nguyễn Thị Thơm (bà Lê Thế Vĩnh), v.v...
4. Đức Chí Tôn ban Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài
Chủ Nhật 13-02-1927 (12-01 Bính Dần), Đức Chí Tôn ban Pháp Chánh Truyền cho Hiệp Thiên Đài.
Trên hết có Hộ Pháp Phạm Công Tắc (chưởng quản chi Pháp), bên phải Hộ Pháp có Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư (chưởng quản chi Đạo), và bên trái Hộ Pháp có Thượng Sanh Cao Hoài Sang (chưởng quản chi Thế).
Sau đó là Thập Nhị Thời Quân chia làm ba chi như sau:
Chi Pháp có: Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, Hiến Pháp Trương Hữu Đức, Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, và Tiếp Pháp Trương Văn Tràng.
Chi Đạo có: Bảo Đạo Ca Minh Chương, Hiến Đạo Phạm Văn Tươi, Khai Đạo Phạm Tấn Đãi, và Tiếp Đạo Cao Đức Trọng.
Chi Thế có: Bảo Thế Lê Thiện Phước, Hiến Thế Nguyễn Văn Mạnh, Khai Thế Thái Văn Thâu, và Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh.
5. Chữ Khí ở bàn thờ Hộ Pháp
Thứ Hai 13-12-1926 (09-11 Bính Dần), Đức Lý Thái Bạch dạy làm tấm nỉ dài (1,5x3m), thêu chữ Khí , và đặt ở bàn thờ Hộ Pháp, đối diện với Thiên Bàn trong chánh điện thánh thất Thiền Lâm. Đức Lý dùng ngọc cơ viết chữ Khí theo cách vẽ bùa (phù). Đúng một tuần sau (Thứ Hai 20-12), trả lời một tiền khai về cách làm chữ Khí, Đức Chí Tôn dạy hãy dùng nỉ đỏ, thêu chữ dùng chỉ vàng.([12])
6. Cất Hiệp Thiên Đài tạm
Thứ Năm 20-01-1927 (17-12 Bính Dần), Đức Lý Thái Bạch dạy làm Hiệp Thiên Đài tạm tại thánh thất Thiền Lâm, cao chín thước mộc,([13]) sâu bốn thước tây, rộng bằng chiều ngang thánh thất. Làm thang lầu để Hộ Pháp có thể từ Hiệp Thiên Đài đi thẳng vào chánh điện.
7. Khắc ấn Đầu Sư và Chưởng Pháp
Thứ Bảy 19-02-1927 (18-01 Đinh Mão), tại thánh thất Thiền Lâm, Đức Lý dạy làm ba ấn tròn của Chưởng Pháp ba phái. Vòng tròn ngoài cùng mỗi ấn khắc chữ Pháp: 3e AMNISTIE DE DIEU EN ORIENT [ân xá lần thứ ba của Thượng Đế tại phương Đông]. Vòng trong mỗi ấn khắc sáu chữ Nho: 大道三期普度 [Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ]. Ở trung tâm khắc hình khác nhau: bình bát vu (cho phái Thái), cây phất chủ (phái Thượng), hoặc Kinh Xuân Thu (phái Ngọc).
Ba ấn tròn của Đầu Sư ba phái hơi nhỏ hơn ba ấn Chưởng Pháp. Tất cả cũng khắc chữ Pháp và Nho như nói trên. Ở trung tâm con ấn mỗi phái khắc một chữ Nho: (Thái), (Thượng), hoặc (Ngọc).
Sáu ấn này làm xong phải đem ra Tòa Án Tây Ninh cầu chứng để khỏi bị mạo nhận.([14])
8. Thành lập thánh thất Lộc Giang
Thứ Tư 16-02-1927 (15-01 Đinh Mão), Đức Chí Tôn giáng đàn, vời chủ chùa Phước Long là Yết Ma Trần Văn Giống vào hầu, dạy rằng Ngài nhậm lời của Giáo Tông Vô Vi Lý Thái Bạch, thâu chùa Phước Long ở Chợ Đệm làm thánh thất Lộc Giang và phong cho chủ chùa làm Thái Giáo Hữu.
Đức Chí Tôn truyền hai vị Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) và Hộ Pháp Phạm Công Tắc phái hai vị Khai Pháp Trần Duy Nghĩa và Tiếp Pháp Trương Văn Tràng làm cặp đồng tử phò loan tại thánh thất Lộc Giang để giúp Giáo Hữu Thái Giống Thanh lập đàn phổ độ người dân địa phương.([15])
9. Chức sắc tăng và giảm
Thứ Năm 09-12-1926 (05-11 Bính Dần), vì trọng bệnh, Thượng Chưởng Pháp Nguyễn Văn Tương (sinh năm 1879) tạ thế tại quê nhà, làng Hữu Đạo, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho. Hơn một tháng sau, trong đàn cơ Thứ Bảy 15-01-1927 (12-12 Bính Dần), Đức Chí Tôn phong tiền khai Trần Đạo Quang làm Quyền Thượng Chưởng Pháp.
Khuya Thứ Bảy 25-12-1926 (21-11 Bính Dần), Đức Lý Thái Bạch phong phẩm Giáo Sư phái Thượng cho ông Latapie, người Pháp.
Thứ Bảy 15-01-1927 (12-12 Bính Dần), Đức Chí Tôn phong tiền khai Dương Văn Nương làm Thái Đầu Sư. Ngài cho biết rằng Thái Đầu Sư Thích Thiện Minh (đệ tử của Hòa Thượng Như Nhãn) lơ là phận sự, nên bị Đức Lý Thái Bạch cách chức.
Thứ Bảy 19-02-1927 (18-01 Đinh Mão), tại thánh thất Thiền Lâm, Đức Lý nhắc nhở Đầu Sư Thượng Trung Nhựt làm xong sổ bộ của tín đồ, bổ nhiệm Ban Trị Sự và chức việc hương đạo. Mỗi nơi xa thánh thất thì lập thêm tiểu thánh thất để tín đồ tiện đến tu học. Trong vài tháng nữa, tín đồ càng tăng thêm, Đức Lý sẽ phong thêm chức sắc để có thêm người cáng đáng việc đạo.
Nhiêu Lộc, 28-7-2015
HUỆ KHẢI




([1]) Gồm mười hai vị: Ngô Văn Chiêu, Vương Quan Kỳ, Lê Văn Trung, Nguyễn Văn Hoài, Đoàn Văn Bản, Cao Hoài Sang, Lý Trọng Quí, Lê Văn Giảng, Nguyễn Trung Hậu, Trương Hữu Đức, Phạm Công Tắc, và Cao Quỳnh Cư.
([2]) Theo [Nguyễn Văn Hồng 1: 112], sáu vị này gồm có: Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung), Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Nguyễn Trung Hậu, Trương Hữu Đức, và Thượng Bản Thanh (Đoàn Văn Bản).
([3]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 313].
([4]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 236].
([5]) Ba bộ dự thảo luật của ba phái Thái, Thượng, và Ngọc.
([6]) Theo thứ tự, đó là ba vị Thái Chánh Phối Sư Nguyễn Ngọc Thơ, Thượng Chánh Phối Sư Nguyễn Ngọc Tương, và Ngọc Chánh Phối Sư Lê Bá Trang.
([7]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 253].
([8]) Chức sắc ba phái Thái, Thượng, Ngọc từ phẩm Giáo Sư trở lên mới có hai bộ đại phục và tiểu phục. (Đức Nguyên, Cao Đài Từ Điển, quyển 1, mục từ đại phục, tiểu phục.)
([9]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 266-268].
([10]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 332].
([11]) [Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 2: 37].
([12]) [Hương Hiếu 2: 86, 110].
([13]) Một thước mộc tương đương 0,4 mét.
([14]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 337].
([15]) Sau khi Giáo Hữu Thái Giống Thanh quy thiên, thánh thất Lộc Giang trở lại thành chùa Phước Long. Nay chùa ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TpHCM, nhìn ra sông Chợ Đệm.

SÁCH THAM KHẢO


Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, Lịch Sử Đạo Cao Đài. Quyển I. Hà Nội: Tôn Giáo, 2005.
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, Lịch Sử Đạo Cao Đài. Quyển II. Hà Nội: Tôn Giáo, 2008.
[Huệ Khải 2010], Đất Nam Kỳ - Tiền Đề Pháp Lý Mở Đạo Cao Đài. / Cochinchina as a Legal Precondition for the Foundation of Caodaism. Hà Nội: Tôn Giáo, 2010.
[Hương Hiếu 2], Đạo Sử. Quyển II. (mimeographed). Tòa Thánh Tây Ninh, không năm xuất bản.
[Lê Anh Dũng 1996], Lịch Sử Đạo Cao Đài Thời Kỳ Tiềm Ẩn 1920-1926 / History of Cao Dai - the Beginnings of Early Cao Dai 1920-1926. Huế: Thuận Hóa, 1996.
[Nguyễn Văn Hồng 1], Đạo Sử Nhựt Ký. Quyển 1 (1925-1934). Bản thảo (1.213 trang).
[Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 2]. Quyển 2. Sài Gòn: Tòa Thánh Tây Ninh, 1966.