Thứ Tư, 20 tháng 5, 2020

6 KHAI MINH ĐẠI ĐẠO 1926 (VII-VIII)


LƯỢC SỬ ĐẠO CAO ĐÀI: KHAI MINH ĐẠI ĐẠO 1926


VII. RỜI KHỎI GÒ KÉN ĐỂ VỀ ĐẤT MỚI
1. Hòa Thượng Như Nhãn đòi lại chùa
Cuối tháng 8-1926, Hòa Thượng Như Nhãn đã bằng lòng cho mượn chùa Thiền Lâm (kiến tạo chưa hoàn chỉnh) để đạo Cao Đài làm thánh thất.
Đêm Thứ Năm 18 rạng Thứ Sáu 19-11-1926 (đêm 14 rạng 15-10 Bính Dần), sau khi Đức Chí Tôn thăng thì tà quái xâm nhập chánh điện thánh thất Thiền Lâm, vì tiền khai Lê Văn Lịch (Ngọc Lịch Nguyệt) sơ sót trong việc trấn đàn. Sự kiện đáng tiếc này khiến Hòa Thượng Như Nhãn mất lòng tin.
Cũng do áp lực từ các Phật tử cho nên vào đầu tháng 12-1926, Hòa Thượng Như Nhãn nhất quyết đòi các tiền khai Cao Đài trả lại chùa Thiền Lâm. Vì vậy, trong đàn cơ Thứ Bảy 04-12-1926 (30-10 Bính Dần), các tiền khai xin Đức Chí Tôn cho phép trả tiền Hòa Thượng Như Nhãn để giữ lại thánh thất.([1])
Một tháng sau, trong đàn cơ Thứ Ba 04-01-1927 (01-12 Bính Dần), khi Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) bạch về việc Hòa Thượng Như Nhãn đòi lại thánh thất Thiền Lâm, Đức Chí Tôn dạy: “Phần nhiều trong các con chẳng vừa lòng thánh thất, nguyện xin trả. Thầy sẽ dạy [Nguyễn Ngọc] Thơ.” ([2])
Liên quan tới việc Hòa Thượng đòi chùa, vào Thứ Bảy 19-02-1927 (18-01 Đinh Mão) tại thánh thất Thiền Lâm, Đức Lý Thái Bạch dạy: “Ngày nay, Lão nhứt định trả lại chùa này.” ([3])
2. Tòa Thánh tương lai và thánh địa Tây Ninh
Tại thánh thất Thiền Lâm, trong cùng đàn cơ Thứ Bảy 19-02-1927, Đức Lý dạy: “Chư đạo hữu phải hiệp sức chung nhau đặng lập thành Tòa Thánh. Chi chi cũng ở tại Tây Ninh nầy mà thôi, vì là thánh địa. Vả lại, phong thổ thuận cho nhiều nước ngoại quốc đến đây học đạo. Lão muốn nơi khác mà Chí Tôn không chịu.” ([4])
Hôm sau, Chủ Nhật 20-02-1927 (19-01 Đinh Mão), tại thánh thất Thiền Lâm, về việc chọn đất cất Tòa Thánh, Đức Chí Tôn dạy:
“Còn Tòa Thánh thì Thầy muốn cho có nhơn lực hiệp cùng Thiên ý, ấy là hạnh của Thầy. Các con nên xem gương mà bắt chước.
Từ Thầy đến lập Đạo cho các con đến giờ, Thầy chưa hề một mình chuyên quyền bao giờ. Các con lựa chọn nơi nào mà Hội Thánh vừa lòng thì đẹp lòng Thầy. Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa Thánh. Chi chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi.” ([5])
Như vậy, vào hạ tuần tháng 02-1927, đã phát sinh một nhu cầu bức thiết là phải sớm tìm kiếm đất mới để vừa cất thánh thất tạm và vừa xây dựng Tòa Thánh; đất mới ấy chỉ tìm trong phạm vi thánh địa Tây Ninh mà thôi.
3. Hướng dẫn về việc tìm đất mới
Chủ Nhật 20-02-1927 (19-01 Đinh Mão), tại thánh thất Thiền Lâm, Đức Chí Tôn dạy: “Các con đã hiểu thánh ý Thầy, phải cần kiệm. Mỗi sự chi chỉ vì phương tiện mà thôi.”
Để có tiền mua đất cất Tòa Thánh, liền sau lời khuyên ấy Đức Chí Tôn dạy Đầu Sư Thái Thơ Thanh (Nguyễn Ngọc Thơ): “Thơ, Thầy giao cho con góp tư bổn trong một tháng cho rồi. Dặn các em con rằng danh thể của Đạo nơi Tòa Thánh, nghe à. Sau Thái Bạch sẽ dạy con kiểu vở.”
Kế đến, Đức Chí Tôn dạy về ưu khuyết điểm của một vài địa điểm ở Tây Ninh đang được các tiền khai xem xét chọn lựa: Cẩm Giang thì cực khổ về phần ăn uống. Bến Kéo thì địa thế hẹp hòi. Suối Vàng thì chuyên chở không thuận tiện dẫu phong thổ tốt đẹp. Ngài còn gợi ý các tiền khai tìm tới “mé rừng cấm bên kia đường thì đẹp lắm”.([6])
4. Đức Lý Thái Bạch chỉ dẫn đi tìm đất và mua đất
Thứ Hai 21-02-1927 (20-01 Đinh Mão), tại thánh thất Thiền Lâm, Đức Lý Thái Bạch dạy Đầu Sư Thái Thơ Thanh (Nguyễn Ngọc Thơ): “Mai nầy đi lên đường trên gọi là đường Dây Thép,([7]) nhắm địa thế dài theo cho tới ngã ba Ao Hồ.” ([8])
Thứ Tư 23-02-1927 (22-01 Đinh Mão), tại thánh thất Thiền Lâm, Đức Lý Thái Bạch dạy Đầu Sư Thượng Trung Nhựt: “Hiền hữu nói với Thái Thơ Thanh rằng chừng nào mua đất xong, Lão sẽ vẽ họa đồ khác. Nhớ biểu mua cho chí hết đất Ao Hồ cho trọn vẹn thánh địa, nghe à. (...) Phải mua hết trọn khoảnh đất ấy. Còn rừng, sau cũng phải xin khai khẩn...” ([9])
Thứ Năm 24-02-1927 (23-01 Đinh Mão), tại thánh thất Thiền Lâm, Đức Lý Thái Bạch khen Đầu Sư Thái Thơ Thanh (Nguyễn Ngọc Thơ) đã tìm đúng miếng đất để cất Tòa Thánh. Về mặt phong thủy, Ngài giải thích vì sao nơi ấy là thánh địa: Sâu xuống lòng đất ba trăm mét là nơi giao hội của sáu mạch nước, gọi là lục long phò ấn.
Aspar, viên kiểm lâm người Pháp cũng là chủ đất, ra giá bán khoảnh rừng là hai mươi (hay hai mươi lăm) ngàn đồng Đông Dương; tuy nhiên Đức Lý dặn dò các tiền khai trả xuống mười bảy hay mười tám ngàn thì mua được.
5. Đức Lý vẽ họa đồ
Thứ Hai 28-02-1927 (27-01 Đinh Mão), tại thánh thất Thiền Lâm, Đức Chí Tôn dạy Đầu Sư Thái Thơ Thanh (Nguyễn Ngọc Thơ) rằng nếu cất Tòa Thánh dựa theo bản vẽ của Đức Lý mà quá tốn kém, thì giảm bớt kích thước bằng cách dùng thước mộc (tương đương 0,4 mét).
Sau khi Đức Chí Tôn thăng, Đức Lý giáng đàn và dạy Phối Sư Thái Bính Thanh (Lâm Quang Bính) về việc di dời Quả Càn Khôn và pho tượng Thái Tử Sĩ Đạt Ta cỡi ngựa Kiền Trắc (theo sau là Xa Nặc) đưa về thánh thất tạm ở đất mới mua. Ngài còn dạy Thái Phối Sư cách cắm cột mốc và đo đạc đất để cất Tòa Thánh. Sau đó, ngay trưa hôm ấy, hai vị Hộ Pháp Phạm Công Tắc và Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư lập đàn trong chánh điện Thiền Lâm để Đức Lý vẽ họa đồ lên một tờ giấy lớn. Chỉ riêng Phối Sư Thái Bính Thanh được phép hầu đàn này. Tuy nhiên, nếu cất Tòa Thánh theo đúng họa đồ của Đức Lý thì chi phí quá lớn, cho nên vài hôm sau Đức Chí Tôn đã giảm bớt kích thước.
6. Thực dân Pháp đàn áp
Thực dân Pháp nghi ngờ người đạo Cao Đài làm chánh trị nên bắt đầu đàn áp. Thứ Ba 08-3-1927 (07-02 Đinh Mão), tại thánh thất Thiền Lâm, Đức Chí Tôn dạy Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) phải tức tốc gặp Thống Đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse để giải tỏa mọi ngờ vực. Nếu chẳng kết quả thì phải đánh điện tín sang Pháp kêu nài với chánh phủ. Rốt cuộc, chuyến đi ấy không thành công nên vào Thứ Bảy 19-3-1927 (16-02 Đinh Mão), Đức Chí Tôn dạy Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) phải gặp Thống Đốc Nam Kỳ lần nữa.([10])
VIII. LỜI KẾT
Thứ Tư 23-3-1927 (20-02 Đinh Mão) là ngày các tiền khai Cao Đài trả lại chùa Thiền Lâm cho Hòa Thượng Như Nhãn. Vì thế, trước ngày ấy mọi thứ của thánh thất đều phải lo chở hết về đất mới mua ở làng Long Thành.
Cuộc thiên di nhọc nhằn này đã kết thúc thời gian Khai Minh Đại Đạo tại thánh thất Thiền Lâm, chánh thức khai diễn trong ba ngày ba đêm (18, 19, và 20-11-1926), và rốt cuộc đã kéo dài bốn tháng (vì trễ hạn trả chùa một tháng). Cuộc thiên di này cũng đánh dấu một bước ngoặt mới trong lịch sử đạo Cao Đài: Thời kỳ xây dựng Tòa Thánh Tây Ninh.
Nhiêu Lộc, 28-7-2015
HUỆ KHẢI



([1]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 239].
([2]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 259].
([3]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 336].
([4]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 336].
([5]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 338].
([6]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 338, 339].
([7]) Đường dây truyền điện tín (telegraph).
([8]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 339].
([9]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 340].
([10]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 349, 353].
[Nguyễn Văn Hồng 1], Đạo Sử Nhựt Ký. Quyển 1 (1925-1934). Bản thảo (1.213 trang).

PHỤ LỤC
Năm sinh và năm tạ thế một số vị tiền khai

Ca Minh Chương (1850/1855?-1927)
Ca Thị Thế (1884-1956)
Cao Đức Trọng (1897-1958)
Cao Hoài Sang (1901-1971)
Cao Quỳnh Cư (1888-1929)
Cao Quỳnh Diêu (1884-1958)
Dương Văn Nương (Thái Nương Tinh, 1870-1929)
Đoàn Văn Bản (Thượng Bản Thanh, 1876-1941)
Đỗ Văn Vàng (1880-1950)
Huỳnh Văn Giỏi (Thượng Giỏi Thanh, 1880-1954)
Lại Văn Hành (Thượng Hành Thanh, 1878-1939)
Lâm Ngọc Thanh (Hương Thanh, 1874-1937)
Lâm Quang Bính (Thái Bính Thanh, 1876-1931)
Lê Bá Trang (Ngọc Trang Thanh, 1878-1936)
Lê Thế Vĩnh (1903-1945)
Lê Thiện Phuớc (1895-1975)
Lê Văn Giảng (1883-1932)
Lê Văn Lịch (Ngọc Lịch Nguyệt, 1890-1947)
Lê Văn Trung (Thượng Trung Nhựt, 1876-1934)
Lý Trọng Quí (1872-1945)
Ngô Văn Chiêu (1878-1932)
Ngô Văn Điều (1868-1938)
Ngô Văn Kim (Thượng Kim Thanh, 1868-1940)
Nguyễn Ngọc Thơ (Thái Thơ Thanh, 1873-1950)
Nguyễn Ngọc Tương (Thượng Tương Thanh, 1881-1951)
Nguyễn Tấn Hoài (Thượng Hoài Thanh, 1881-1949)
Nguyễn Thị Hiếu (Hương Hiếu, 1887-1971)
Nguyễn Thiên(g) Kim (1870-1946)
Nguyễn Trung Hậu (1892-1961)
Nguyễn Văn Chức (Thượng Chức Thanh, 1873-1956)
Nguyễn Văn Kiệt (1881-1965)
Nguyễn Văn Kinh (Ngọc Kinh Thanh, 1890-1945)
Nguyễn Văn Lai (Thượng Lai Thanh, 1876-1939)
Nguyễn Văn Luật (Thái Luật Thanh, 1869-1948)
Nguyễn Văn Mạnh (1894-1970)
Nguyễn Văn Trò (Thượng Trò Thanh, 1886-1949)
Nguyễn Văn Tương (Thượng Tương Thanh, 1879-1926),
Nguyễn Văn Tường (Thượng Tường Thanh, 1887-1939)
Như Nhãn (Thích Từ Phong, Nguyễn Văn Tường, 1864-1939).
Phạm Công Tắc (1890-1959)
Phạm Tấn Đãi (1901-1976)
Phạm Văn Tươi (1897-1976)
Thái Văn Thâu (1899-1981)
Thích Thiện Minh (Thái Minh Tinh, 1882-1945)
Trần Duy Nghĩa (1888-1954)
Trần Đạo Quang (1870-1946)
Trần Văn Giống (Thái Giống Thanh, 1879-1930)
Trần Văn Thụ (Ngọc Thụ Thanh, 1857-1927)
Trương Hữu Đức (1890-1976)
Trương Văn Tràng (1893-1965)

Vương Quan Kỳ (Thượng Kỳ Thanh, 1880-1939)