NIÊN BIỂU TIỀN KHAI
NGUYỄN NGỌC TƯƠNG
THỨ TƯ 22-6-1881 (26-5 Tân Tỵ):
Tiền
khai ([1]) Nguyễn Ngọc Tương chào
đời tại làng An Hội, tổng Bảo Hựu, tỉnh Bến Tre. Song thân là ông Nguyễn Ngọc
Đẩu (1857-1882) và bà Võ Thị Sót (1856-1919). Tổ ba đời là ông Nguyễn Đức Loan,
người tỉnh Bình Thuận.
Tháng 7-1882 (tháng 6 Nhâm Ngọ):
Thân
phụ tiền khai Nguyễn Ngọc Tương (ông Nguyễn Ngọc Đẩu) qua đời. Tiền khai sống
với ông nội là Nguyễn Hữu Chơn (1832-1908).
1886 (Bính Tuất):
Tiền
khai Nguyễn Ngọc Tương học chữ Nho và một ít chữ quốc ngữ tại nhà, do ông nội
là Nguyễn Hữu Chơn (1832-1908) chỉ dạy.
1895 (Ất Mùi):
Tiền
khai Nguyễn Ngọc Tương học lớp ba trường tỉnh Bến Tre.
1897 (Đinh Dậu):
Tiền
khai Nguyễn Ngọc Tương thi đậu vào collège de Mỹ Tho.([2])
1900 (Canh Tý):
Tiền
khai Nguyễn Ngọc Tương lên Sài Gòn theo học collège Chasseloup-Laubat.([3])
1902 (Nhâm Dần):
Tiền
khai Nguyễn Ngọc Tương tốt nghiệp collège Chasseloup-Laubat.
Thi
đậu vào ngạch Thơ Ký Thượng Thơ, làm việc tại Phủ Thượng Thơ ([4])
ở Sài Gòn một năm.
Kết
hôn với cô Trương Thị Tài (1886-1906). Sinh được một con gái là Nguyễn Thị Tú
(1903-1926), và một con trai là Nguyễn Ngọc Hớn (1905-1951).
1903 (Quý Mão):
Tiền
khai Nguyễn Ngọc Tương đổi về Bến Tre, làm việc tại tỉnh nhà suốt mươi bảy năm
(1903-1920).
1906 (Bính Ngọ):
Người
phối ngẫu của tiền khai Nguyễn Ngọc Tương (bà Trương Thị Tài) qua đời.
1908 (Mậu Thân):
Tiền
khai Nguyễn Ngọc Tương tục huyền với cô Bùi Thị Giàu (1884-1937). Bà sinh được
ba con trai là Nguyễn Ngọc Kỷ (1910-1978), Nguyễn Ngọc Bích (1911-1966), Nguyễn
Ngọc Nhựt (1918-1952); và được hai con gái là Nguyễn Thị Yến (1913-2004), và
Nguyễn Thị Nguyệt (1915-2009).
1919 (Kỷ Mùi):
Tại
Bến Tre, tiền khai Nguyễn Ngọc Tương hiệp cùng một số vị thành lập Hội Buôn An Nam và Hội Khuyến Văn trước khi đổi đi quận Châu Thành (tỉnh Cần Thơ).
Hội
Buôn An Nam có mục đích giúp đồng bào ý thức, biết bảo vệ quyền lợi kinh tế và
thương mãi vì thời ấy thương trường hầu như do ngoại kiều chi phối trọn vẹn.
Hội
Khuyến Văn có mục đích khuyến khích dân chúng hiếu học để tiến bộ và bảo vệ
phong hóa nước nhà. Hội tổ chức những buổi diễn thuyết và lưu hành một nội san
để cổ động đồng bào học quốc ngữ, đọc sách báo, sáng tác thơ văn, đề cao đạo
nghĩa nhân luân, tình yêu nước thương nòi, bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục…
Cuối
năm, tiền khai thi đậu ngạch tri huyện.([5])
1920-1924 (Canh Thân - Giáp Tý):
Tiền
khai được bổ đi làm chủ quận Châu Thành (tỉnh Cần Thơ).([6])
Ba tháng sau, đổi đi làm chủ quận Hòn Chông (tỉnh Hà Tiên).
Dân
địa phương phần đông là người gốc Miên (Khmer)
và Hoa kiều, người Việt thưa thớt. Dân chúng hầu hết nghèo nàn, cơ cực, thất
học. Tiền khai chỉ dẫn cách nung đá làm vôi, giúp họ kế sinh nhai. Tiền khai cho
cất chợ, nhà thương, trường học, đào kinh dẫn nước vào các ruộng, đặc biệt là
đào con kinh chạy từ quận Hòn Chông tới quận Rạch Giá. Tiền khai giúp vốn và
chỉ dẫn dân chúng khai khẩn đất hoang, đất rừng thành đồng ruộng.
Chẳng
những không tìm cách chiếm hữu các thửa đất mới được khai khẩn, tiền khai còn
từ khước việc chánh phủ thuộc địa muốn tưởng thưởng công lao bằng cách cấp một
sở đất để tiền khai đứng tên làm chủ.
Trong
mấy năm làm việc ở quận Hòn Chông, tiền khai có tu theo đạo Minh Sư,([7])
ăn chay và tịnh luyện.
1924-1927 (Giáp Tý - Đinh Mão):
Tiền
khai Nguyễn Ngọc Tương làm chủ quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn.([8])
Thời gian này tiền khai được thăng ngạch tri phủ.(9)
Các
tiền khai Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc xin Đức Cao Đài đi Cần
Giuộc độ tiền khai Nguyễn Ngọc Tương lúc ấy đang làm chủ quận Cần Giuộc.
Tiền
khai Nguyễn Ngọc Tương nhập môn Cao Đài tại quận Cần Giuộc. Tại quận này, sau
một ngày làm việc đời, mỗi tối tiền khai lại chăm lo đi các nơi để khai đàn
thượng tượng hoặc giảng đạo. Thường khi phải đi đến sáng, bất kể gió mưa ướt
át, đường sá lầy lội. Số người nhập môn tăng lên rất nhanh, không chỉ trong
quận Cần Giuộc mà còn ở mấy quận lân cận.
Trong
buổi đầu mở đạo Cao Đài, việc phổ độ ở Cần Giuộc rất thuận lợi. Ngày nay Cần
Giuộc có rất nhiều thánh thất. Một số thánh thất do tiền khai thành lập như: Mỹ
Lộc, Tân Chánh, Tân Kim, Tân Quí Tây, v.v...
THỨ BẢY 27-02-1926 (15-01 Bính Dần):
Trong đàn cơ tại nhà tiền khai Nguyễn Ngọc Tương (dinh quận
Cần Giuộc), Đức Cao Đài dạy:
Tương! Từ đây con trấn nhậm nơi nào thì là hồng phúc của nơi ấy. Con
nghe:
Con trị ai Thầy cũng trị ai
THỨ NĂM 04-3-1926 (20-01 Bính Dần):
Tuân lệnh Đức
Cao Đài, tiền khai Nguyễn Ngọc Tương (đang làm chủ quận Cần Giuộc) và một số
tiền khai khác cùng đến Vĩnh Nguyên Tự (làng Long An, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn) xin phép
lập đàn cơ.
Đức Thái Lão
Sư Lê Đạo Long (khi xưa sáng lập chùa Vĩnh Nguyên) giáng cơ, dạy rằng Ngài đã
đắc quả vị Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn và khuyên các môn đồ cùng thân quyến quy
hiệp đạo Cao Đài. Nhục tử của Ngài là tiền khai Lê Văn Lịch vâng lời.
Sau đó tiền khai
Lê Văn Trung tuân lịnh Đức Cao Đài đến làm lễ khai đàn thượng tượng cho tiền khai
Lê Văn Lịch vào Thứ Bảy 10-4-1926 (28-02 Bính Dần).
THỨ BẢY 26-6-1926 (17-5 Bính Dần):
Tiền khai Nguyễn Ngọc
Tương thọ Thiên phong Phối Sư phái Thượng, thánh danh là Thượng Tương Thanh.
THỨ TƯ 29-9-1926 (23-8 Bính Dần):
Trong buổi họp Khai Tịch
Đạo tại nhà tiền khai Nguyễn Văn Tường ở Sài Gòn, có hai trăm bốn mươi lăm vị
hiện diện. Trong danh sách ký tên, tiền khai Nguyễn Ngọc Tương là vị có số thứ tự 162.
Trên tờ Khai Tịch Đạo ghi
ngày 07-10-1926 (01-9 Bính Dần) do tiền khai Lê Văn Trung gởi Quyền Thống Đốc
Nam Kỳ Le Fol,([13])
trong danh sách hai mươi tám môn đệ do Đức Cao Đài chọn đưa vào, vị đứng thứ năm
là tiền khai Nguyễn Ngọc Tương (Tri Phủ, chủ quận Cần Giuộc).
THỨ TƯ 13-10-1926 (07-9 Bính Dần):
Đức Cao Đài dạy: “Các
con tức cấp lo phổ độ... Thầy dặn các con phải phân nhau mà đi cho khắp.”
Sau
đó các tiền khai
tiến hành phổ độ Lục Tỉnh,([14])
chia làm ba nhóm. Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương thuộc nhóm thứ nhì (cùng với các tiền khai: Lê Văn Hóa, Lê Văn
Lịch, Nguyễn Dư Hoài, Nguyễn Văn Ca, Trần Quang Mính, Võ Văn Lý, Yết Ma Luật...),
phụ trách các tỉnh: Bến Tre, Chợ Lớn, Gò Công, Mỹ Tho, Tân An. Phò loan của
nhóm là hai tiền khai Nguyễn Trung Hậu và Trương Hữu Đức.
THỨ BA 16-11-1926 (12-10 Bính Dần):
Tiền khai Nguyễn Ngọc
Tương được Đức Chí Tôn phong phẩm Chánh Phối Sư phái Thượng, cùng một đợt với Chánh
Phối Sư Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang) và Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh (Nguyễn
Ngọc Thơ).
1927-1930 (Đinh Mão - Canh Ngọ):
Tiền khai Nguyễn Ngọc
Tương làm chủ quận Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa). Quận này hẻo lánh, gần rừng núi,
cạnh bờ biển, hầu như còn hoang sơ. Người Kinh chiếm khoảng phân nửa dân số, còn
lại là người dân tộc.([15])
Tiền khai cho mở trường
học, lập chợ để cải thiện đời sống dân chúng, mở đường giao thông, đặc biệt là
con lộ từ Long Hải đi Nước Ngọt. Xin phép chánh phủ thuộc địa cho dân khẩn rừng
khai hoang lấy đất canh tác.
Tại Xuyên Mộc, tiền khai
mở được các thánh thất như: Hội Mỹ, Long Tân, Xuyên Mộc…
Đầu năm 1927:
Thọ lệnh của Đức Lý Giáo
Tông tại Thiền Lâm Tự (thường gọi chùa Gò Kén, làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh),
Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh cùng Nữ Chánh Phối Sư Hương Thanh (Lâm Thị
Thanh) thay mặt Hội Thánh đứng tên làm chủ đất đai, tài sản mới mua của Đạo.
THỨ BẢY 11-6-1927 (12-5 Đinh Mão):
Đền Thánh Đại Đạo Tam Kỳ
Phổ Độ khởi công xây dựng tại làng Long Thành (tỉnh Tây Ninh).
THỨ BẢY 22-11-1930 (03-10 Canh Ngọ):
Tại Tòa Thánh Tây Ninh,
Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch và Hộ Pháp Phạm Công Tắc cùng ký tên vào Bát Đạo
Nghị Định (sẽ ban hành ngày 15-10 Canh Ngọ).
Nội dung Đạo Nghị Định
thứ Nhì như sau (trích):
Ðiều thứ nhì: Chức sắc
Cửu Trùng Ðài, duy bậc Chánh Phối Sư phải tùng quyền mà hành chánh về phần
chánh trị của Ðạo, song đặng thế mặt cho Đầu Sư, đương buổi Người cầm quyền
Giáo Tông của Lão.
Ðiều thứ ba: Mọi việc
chi thuộc về quyền chánh trị, đều giao cho Chánh Phối Sư.
Ðiều thứ tư: Chánh Phối
Sư đặng trọn quyền thông công cùng chánh phủ và nhơn sanh; nhưng buộc phải có
Hội Viên Nhơn Sanh và Hội Thánh chăm nom cơ hành động.
Cuối năm 1930 (Canh Ngọ):
Tuân lịnh Đức Cao Đài,
tiền khai Nguyễn Ngọc Tương nộp
đơn xin từ chức chủ quận, chuẩn bị về Tòa Thánh Tây Ninh hành đạo.
THỨ HAI 02-02-1931
(15-12 Canh Ngọ):
Tiền
khai Nguyễn Ngọc Tương ra Châu Tri số 1.
Mùa xuân 1931 (tháng 02 Tân Mùi):
Tiền khai Nguyễn Ngọc
Tương nghỉ việc đời, về Tòa Thánh Tây Ninh hành đạo. Hội Thánh cất cho tiền khai
một ngôi nhà bằng cây lợp tranh, có gác, gần mặt đường (Bình Dương đạo).
THỨ BẢY 09-5-1931 (22-3
Tân Mùi):
Tiền khai Nguyễn Ngọc
Tương tự nguyện làm hai văn bản giao cho Hội Thánh giữ làm bằng chứng.
Trong văn bản thứ nhất,
tiền khai minh xác rằng thửa đất cất Tòa Thánh tại Tây Ninh do tiền bổn đạo
mua, tiền khai Thượng Tương Thanh và Nữ Chánh Phối Sư Hương Thanh chỉ ghi tên
đứng bộ ([16])
thay mặt Hội Thánh.
Trong văn bản thứ hai,
tiền khai minh xác rằng kể từ ngày 09-5-1931 là ngày tiền khai xuất gia, thì họ
tên của tiền khai không còn dùng để làm sở hữu chủ tài sản tư riêng nào nữa. Từ
ngày này về sau, bất kỳ tài sản chi mang tên Nguyễn Ngọc Tương thì đều là tài
sản của Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Hai văn bản này có chánh
quyền làng Long Thành thị thực, và có công chứng tại Tòa Bố tỉnh Tây Ninh.
THỨ BẢY 04-7-1931 (19-5 Tân Mùi):
Tại
Tây Ninh, Đầu
Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) gởi Thống Đốc Nam Kỳ văn thư số 202, thông báo đã giao tiền khai
Nguyễn Ngọc Tương cầm giềng mối đạo (trích):
“J’ai l’honneur de vous faire connaître qu’à partir de ce jour M. NGUYỄN
NGỌC TƯƠNG est chargé de la direction du Caodaïsme (…). M. NGUYỄN NGỌC TƯƠNG
est chargé d’entretenir des relations avec le Gouvernement en ce qui concerne
le Caodaïsme (…).”
Dịch:
Tôi hân hạnh cho Ngài hay kể từ nay ông NGUYỄN NGỌC TƯƠNG được ủy thác
nhiệm vụ cầm giềng mối đạo Cao Đài (...). Ông NGUYỄN NGỌC TƯƠNG chịu trách
nhiệm giao thiệp với chánh phủ về mọi vấn đề của đạo Cao Đài.([17])
THỨ BA 01-9-1931 (19-7 Tân Mùi):
Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương gởi Thống Đốc Nam Kỳ văn thư số 284 thông
báo kể từ ngày 31-8-1931, tiền khai chánh thức nhận trách nhiệm cầm giềng mối đạo
ở Nam Kỳ (thuở ấy đạo Cao Đài chưa truyền ra Trung Kỳ và Bắc Kỳ). Số tín đồ lúc
ấy được hơn ba trăm ngàn người; có sáu mươi hai thánh thất và bốn mươi ba thánh
thất tạm. Văn thư này có Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) và Chánh Phối
Sư Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang) cùng ký tên xác nhận. Trích văn
thư số 284:
“J’ai l’honneur de vous faire connaître qu’en obéissant aux instructions
divines, je prends effectivement aujourd’hui la direction du Caodaïsme (...) en
Cochinchine.
(...)
Avec l’aide du Très-Haut, je m’efforcerai de réagir de telle façon à
pouvoir bien mériter la complète confiance du Gouvernement et à étaler devant
le monde la vraie figure du Caodaïsme (…).
Le jour où les Annamites, du Nord au Sud, le pratiqueront avec toute la
liberté d’un culte national, le Gouvernement n’aura plus aucun souci de
troubles ou de désordres quelconques, car tout vrai Caodaïste est sincèrement
respectueux de l’autorité et amoureux de la paix.”
Dịch:
Tôi hân hạnh cho Ngài hay,
vâng theo các thánh giáo, kể từ nay tôi chánh thức cầm giềng mối đạo Cao Đài ở
Nam Kỳ.
(…)
Với sự ủng hộ của Đấng
Tối Cao, tôi sẽ cố gắng hành động chỉnh đốn lại như thế nào cho được xứng đáng
với sự tín nhiệm hoàn toàn của Chánh Phủ, và phô bày trước mọi người chân tướng
của đạo Cao Đài (…).
Ngày nào mà người Việt
Nam, từ Bắc chí Nam, được giữ đạo Cao Đài với trọn quyền tự do của một Quốc
Đạo, chánh phủ sẽ không còn một sự lo ngại nào về biến động hay loạn lạc nữa,
vì người tín đồ Cao Đài chơn chánh rất thật tâm kính trọng chánh quyền và yêu
chuộng hòa bình.([18])
THỨ BA 24-11-1931 (15-10 Tân Mùi):
Tiền khai
Nguyễn Ngọc Tương làm “Tờ tỏ bày việc đạo
cho Hội Nhơn Sanh nhóm lần thứ nhứt tại Tòa Thánh Tây Ninh ngày 15-10 Tân Vì
(24-11-1931)” để trình bày về quyền làm chủ tài sản của Đạo:
“Hội Thánh
tới nay mua sắm được sở đất chín mươi sáu héc-ta để làm thánh địa, cất Tòa
Thánh và các Viện, và một sở kế cận năm mươi héc-ta để cho các đạo hữu cất nhà
ở và lập nghĩa địa.
Hai sở đất
này khi mua đề tên bà Nữ Chánh Phối Sư là Lâm Thị Thanh và tên tôi là Nguyễn
Ngọc Tương đứng bộ chung, thế mặt cho Đạo.
Tôi cũng có làm cho Hội
Thánh cầm một cái khai chứng rằng từ ngày tôi về Tòa Thánh hành đạo sắp lên,
những tài sản chi mua sắm mà đề tên tôi đứng tức là của Hội Thánh; cái tên tôi
không còn dùng ngoài đời mà mua sắm đứng bộ riêng cho tôi một tài sản chi nữa
hết.” ([19])
Đầu tháng 3-1933 đến đầu tháng 3-1934
(từ
tháng 02 Quý Dậu đến tháng 01 Giáp Tuất):
Tại Tòa Thánh Tây Ninh liên
tiếp xảy ra nhiều việc bất hòa giữa một số chức sắc lãnh đạo Hội Thánh. Đó cũng
là mầm mống để sau này Đạo bị phân hóa thành các chi phái.
Trước tình trạng căng
thẳng khó có thể giải quyết ổn thỏa, tiền khai Nguyễn Ngọc Tương chọn giải pháp
rời Tòa Thánh, lui về Đất Đỏ (Bà Rịa), vào núi Kỳ Vân ([20])
ẩn tu.
THỨ SÁU 29-6-1934 đến THỨ HAI 02-7-1934
(18-5
Giáp Tuất đến 21-5 Giáp Tuất):
Tiền khai Nguyễn Ngọc
Tương nhập đại tịnh, tuyệt thực.
THỨ BA 24-7-1934 (13-6 Giáp Tuất):
Thể theo nguyện vọng của
nhiều chức sắc và tín đồ, nhất là Quyền Đầu Sư Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang), tiền
khai Nguyễn Ngọc Tương rời núi Kỳ Vân.
Không thể ở Tòa Thánh Tây
Ninh được nữa, tiền khai lập văn phòng tại thánh thất Bình Hòa (Gia Định) và
thánh thất An Hội (Bến Tre). Tiền khai ra Châu Tri số 3 thông báo sự việc cho bổn
đạo (trích):
“Nay đến thời kỳ Chỉnh Đạo, tôi phải thi hành phận sự của
Thầy và Đức Lý phú thác, là lo giúp vịệc chấn chỉnh nền Đạo và việc giáo dục
nhơn sanh. Cũng vì từ ngày Anh Cả ra mạng lịnh số 21 và Phổ Cáo Chúng Sanh ngày
04-02-1934, làm cho sự hòa bình tan rã, nên cực chẳng đã tôi phải tạm ở đỡ nơi
thánh thất Bình Hòa (Gia Định) và An Hội (Bến Tre) mà giúp Thầy chỉnh Đạo.
Chừng nào có lịnh Thầy dạy, tôi sẽ trở về Tòa Thánh Tây Ninh mà chung lo quy
hiệp.
(…) Xin chư hiền hữu may được Thần Thánh bố hóa nơi tâm thì
hãy vui hiệp với ông Quyền Ngọc Đầu Sư và tôi mà lo giúp Thầy chỉnh Đạo. (…)
Tiếp được Châu Tri nầy và các Châu Tri sẽ gởi đến nữa, xin
chư hiền hữu vui lòng truyền lại cho hết thảy trong đạo hữu rõ biết.” ([21])
THỨ SÁU 27-7-1934 (16-6 Giáp Tuất):
Quyền Đầu Sư Thượng Tương
Thanh (Nguyễn Ngọc Tương) và Quyền Đầu Sư Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang) ra
Châu Tri số 4, thông báo việc lập Chương
Trình Chỉnh Đạo, gồm sáu điều khoản. Về Ban
Chỉnh Đạo, có đoạn viết:
Điều thứ năm: Sẽ có một
Ban Chỉnh Đạo để bàn tính với hai vị Quyền Đầu Sư các việc đạo trước khi thi
hành. Ban nầy của các họ đạo hiệp nhau chọn cử trong hàng chức sắc hay là đạo
hữu có đạo đức và trí thức, nhất là để lo chấn chỉnh nét tu, khép trọn vào
khuôn hạnh, gom hiền góp đức mà làm cho ra vẻ đạo thành.
Điều thứ sáu: Những
chức sắc và đạo hữu lưỡng phái xem Chương Trình nầy rồi, vui lòng thuận theo
thì hãy đến trước Thiên Bàn trong một thời cúng, nguyện với Thầy làm y như vậy,
rồi cứ lo thật hành theo đó. Chừng nào có người của chúng tôi phái đến các họ
đạo, thì được hỏi thêm cho rõ, rồi tỏ sự quyết định của mình.
Hiện nay chúng tôi tạm ở nơi thánh thất Bình Hòa (Gia Định)
và thánh thất An Hội (Bến Tre) mà lo phận sự giúp Thầy chỉnh Đạo cho đến thành.
Rồi tới ngày giờ Thầy định, sẽ về Tòa Thánh Tây Ninh mà chung lo quy hiệp với
những người chơn chánh.([22])
THỨ TƯ 26-9-1934 (18-8 Giáp Tuất):
Quyền Đầu Sư Thượng Tương
Thanh (Nguyễn Ngọc Tương) và Quyền Đầu Sư Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang) ra
Châu Tri số 5, khuyên trong các họ đạo nếu đã nhìn nhận chung lo việc chỉnh
Đạo, thì cử một phái viên cho mỗi họ đạo, để về họp đại hội công cử ra Ban
Chỉnh Đạo tại thánh thất An Hội (Bến Tre). Châu Tri này quy định năm điều khoản
để hướng dẫn sắp đặt Ban Hành Thiện tại mỗi làng. Ban Hành Thiện lo giúp đỡ bổn
đạo trong các việc như tật bịnh, tai nạn, quan hôn tang tế, lập lễ nhạc và ban
đồng nhi, tạo thuyền bát nhã, lập nghĩa địa, v.v...([23])
THỨ BA 20-11-1934 (14-10 Giáp Tuất):
Đại
hội công cử Ban Chỉnh Đạo được tổ chức tại thánh thất An Hội. Có tám mươi lăm
phái viên thay mặt cho tám mươi lăm họ đạo trong mười tám tỉnh miền Nam . Tổng số
tham dự khoảng một ngàn ba trăm người. Đại hội tán thành Chương Trình Chỉnh
Đạo.
Phái
viên của mười tám tỉnh công cử một Ban Chỉnh Đạo như sau:
[1] Bạc Liêu: Ông Phạm Văn
Sở, nghiệp chủ (Thới Bình). [2] Bà Rịa: Ông Ngô Văn Quyển,
Chánh Trị Sự (Phước Thọ). [3] Bến Tre: Ông Lê Háo Học, Giáo Hữu
(Đại Điền); ông Lê Tam Tỉnh, Thông Sự (Thạnh Ngãi). [4] Biên Hòa:
Ông Mai Văn Thanh, Chánh Hội Trưởng (An Thành). [5] Cần Thơ: Ông
Trần Văn Nhân, nghiệp chủ (Phong Thạnh). [6] Châu Đốc: Ông Phan
Duy Cai, giáo viên (Phú Lâm). [7] Chợ Lớn: Ông Nguyễn Văn
Chất, cựu Hội Đồng (Tân Kim); ông Nguyễn Duy Thuần, Chánh Thủ Bổn (Tân Lân). [8]
Gia Định: Ông Ngọc Kinh Thanh, Giáo Sư (An Hội); ông
Thượng Bộ Thanh, Giáo Hữu (Thuận Kiều). [9] Gò Công: Ông Nguyễn
Tuấn May, Chánh Từ Hàn (Tân Niên Trung). [10] Long Xuyên:
Ông Lê Văn Thơ, nghiệp chủ (Tân Thạnh). [11] Mỹ Tho: Ông
Phạm Hữu Hạnh, Chánh Bái (Giao Hòa). [12] Rạch Giá: Ông
Huỳnh Tấn Đức, nghiệp chủ (Hỏa Lựu). [13] Sa Đéc: Ông Lê Minh
Phong, Chánh Quản Lý Học Viện (Kim Bửu). [14] Sóc Trăng: Ông Lê
Văn Yên, Chánh Trị Sự (An Thạnh Nhì). [15] Tân An: Ông Nguyễn Văn
Lưu, chủ thánh thất Bình Quới. [16] Tây Ninh: Ông Phạm Văn
Ngọ, Sĩ Tải (Thái Bình Thánh Địa). [17] Trà Vinh: Ông Phạm Trung
Đô, Đầu Quận Đạo (Đa Lộc). [18] Vĩnh Long: Ông Nguyễn Văn Lưu,
nghiệp chủ (Sơn Định).([24])
Đại
hội ủy nhiệm cho Ban Chỉnh Đạo hiệp với hai vị Quyền Đầu Sư Thượng Tương Thanh
(Nguyễn Ngọc Tương) và Quyền Đầu Sư Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang) hành đạo cho
đến ngày quy hiệp về Tây Ninh. Ban Chỉnh Đạo quyết định sẽ mở một lớp hạnh
đường dạy chức sắc, chức việc tại thánh thất Bình Hòa (Gia Định) và thánh thất
An Hội (Bến Tre); sẽ soạn một cuốn lễ bổn về quan hôn tang tế tạm dùng trong
Đạo.
Ban
Chỉnh Đạo vừa thành lập buổi sáng, chiều họp tiếp thì nhận được điện tín từ Tòa
Thánh Tây Ninh báo tin Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung (1876-1934) đã quy thiên.([25]) Tiền khai Nguyễn Ngọc
Tương xin đại hội dành năm phút tịnh tâm tưởng niệm người Anh Cả đã dày công
buổi khai Đạo, và khuyên các họ đạo cầu nguyện, để tang cho Anh Cả. Sau đó, hai
tiền khai Nguyễn Ngọc Tương và Lê Bá Trang cấp tốc trở về Tòa Thánh Tây Ninh dự
lễ tang. Tuy nhiên, không được cho vào dự lễ, hai vị tiền khai “cũng ở nhà ngoài cho đến mãn cuộc”.([26])
THỨ TƯ 05-12-1934 (29-10 Giáp Tuất):
Tiền
khai Nguyễn Ngọc Tương ra Châu Tri số 7 cho biết rằng sau khi Quyền Giáo Tông
Lê Văn Trung quy thiên, việc hòa hiệp với Tòa Thánh Tây Ninh vẫn chưa đạt được.
Do đó, tiền khai cùng với Quyền Đầu Sư Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang) còn phải
tạm ở thánh thất Bình Hòa và thánh thất An Hội để lo chấn chỉnh nền Đạo. Tiền khai
khuyên các họ đạo mau sắp đặt cho xong Ban Hành Thiện, rồi đi cầu an và tụng
kinh tại mỗi nhà đạo hữu, cầu nguyện cho nền Đạo sớm được an bình trở lại.([27])
THỨ BẢY 15-12-1934 (09-11 Giáp Tuất):
Quyền
Đầu Sư Thượng Tương Thanh (Nguyễn Ngọc Tương) cùng Quyền Đầu Sư Ngọc Trang
Thanh (Lê Bá Trang) và Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu đồng ký tên Châu Tri số 8, mời
họp đại hội tại thánh thất An Hội (Bến Tre):
“Nền Đạo chinh nghiêng
rắc rối mấy năm nay, trong chư hiền hữu ai cũng hiểu ít nhiều duyên cớ bởi tại
đâu mà sanh ra.
(…)
Bởi thấy việc rất quan
hệ, nên chúng tôi phải mời hết chức sắc Thiên phong lưỡng phái từ Lễ Sanh sắp
lên, đến nhóm tạm nơi thất An Hội (Bến Tre) 8 giờ sớm mai ngày 24 Décembre 1934
(18 tháng 11 An Nam) mà chung lo việc chấn chỉnh nền Đạo lại thế nào cho trên
thuận lòng Trời, dưới hòa sanh chúng, thì cái ngày thành đạo đắc quả mới mong
thấy được.
(…)
Xin chư hiền hữu hãy ráng
đến nhóm cho đông mới có đủ tinh thần năng lực mà định đoạt việc lớn lao này,
đặng tỏ lòng thiệt thương Thầy mến Đạo.” ([28])
THỨ HAI 24-12-1934 (18-11 Giáp Tuất):
Đại
hội họp buổi sáng (8-11 giờ), chiều họp lại (15-17 giờ 30). Có mặt các tiền khai:
Quyền Đầu Sư Thượng Tương Thanh (Nguyễn Ngọc Tương), Quyền Đầu Sư Ngọc Trang
Thanh (Lê Bá Trang), Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh
Diêu, bảy Giáo Sư, hai mươi bảy Giáo Hữu, bốn mươi Lễ Sanh. Phái nữ có ba Giáo
Sư, một Giáo Hữu và ba Lễ Sanh.
Đại
hội công cử Quyền Đầu Sư Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang) làm Thượng Chưởng Pháp;
cử ra Quyền Chánh Phối Sư ba phái,([29])
lập Bàn Cửu Viện,([30]) cử một vị làm đầu phái
nữ.([31])
Sau cùng đại hội ấn định sẽ họp Hội Vạn Linh từ Thứ
Hai 11-02-1935
đến Thứ Năm 14-02-1935 (08-01 Ất Hợi đến 11-01 Ất Hợi).([32])
THỨ BẢY 29-12-1934 (23-11 Giáp Tuất):
Từ
thánh thất Bình Hòa, tiền khai Nguyễn Ngọc Tương gởi Châu Tri số 9, nhắc lại
lời mời họp Hội Vạn Linh từ Thứ Hai 11-02-1935 đến Thứ Năm 14-02-1935
(08-01 Ất Hợi đến 11-01 Ất Hợi) tại thánh thất An Hội (Bến Tre) với hai mục
đích: (a) Chọn trong hàng Chưởng Pháp hay
Đầu Sư một vị để cầm giềng mối Đạo; (b) Quyết định việc trở về Tòa Thánh Tây
Ninh.([33])
([4]) Phủ Thượng Thơ cũng gọi là Dinh Thượng Thơ (Direction de l’Intérieur) hay Dinh Hiệp
Lý, thay cho tên gọi Dinh Đổng Lý Nội Vụ (Direction
de l’Intérieur), trụ sở cất xong năm 1864. Từ năm 1946 gọi là Dinh Thủ Hiến
Nam Việt, rồi trở thành Tòa Đại Biểu Nam Phần, sau đó là Bộ Kinh Tế Việt Nam
Cộng Hòa với mặt tiền hướng ra đường Gia Long, tọa lạc ở góc đường Tự Do (nay
là Đồng Khởi) và Gia Long (nay là Lý Tự Trọng).
([5]) Những năm
trước 1925, trường cao đẳng dạy luật và hành chánh ở Hà Nội (école supérieure de droit et d’administration)
chưa đào tạo và cung cấp đủ người dùng, thì ngạch tri huyện cũng được tuyển chọn
trong hàng thơ ký lâu năm, nhưng buộc họ phải qua hai kỳ thi gay go: (a) examen de culture générale, khảo về học
lực phổ thông; (b) concours professionnel,
khảo về chuyên nghiệp và khả năng. Ngạch tri huyện có hai bậc: Hạng nhì (huyện de 2e classe), và cao hơn là hạng nhất (huyện de 1er classe). Năm 1920,
mức lương tri huyện hạng nhất khoảng 1.222 đồng. (Huệ Khải, Ngô Văn Chiêu - Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên. Hà Nội:
Nxb Tôn Giáo 2012, tr. 10.)
([8]) Đổi về quận Cần Giuộc không lâu, tiền khai
xử vụ kiện như sau: Lấy chồng được sáu tháng, cô vợ bỏ về nhà cha mẹ, bên chồng
đệ đơn kiện lên quận. Tại công đường, cô vợ giãi bày rằng trong nửa năm ở nhà
chồng cô chỉ làm dâu chứ không hề được làm vợ. Người chồng thú thật đã vay số
tiền lớn lo cưới vợ, nên sau đám cưới phải đi ở đợ để trả cho tới khi nào dứt
vốn lẫn lời, vợ chồng mới cưới vì thế đành phân ly. Chủ nợ xác nhận sự việc như
vậy. Đau lòng trước cảnh khổ của vợ chồng son, tiền khai lấy tiền riêng trả nợ
thay cho họ.
([9]) Cũng như ngạch tri huyện, ngạch tri phủ có
hai hạng. Người có ngạch tri huyện hạng nhất, nếu đủ thâm niên sẽ được thi lên
ngạch tri phủ hạng nhì (phủ de 2e classe),
mức lương năm 1924 khoảng 1.672 đồng. Cao hơn là ngạch tri phủ hạng nhất (phủ de 1er classe), mức lương năm 1926
khoảng 1.933 đồng. Cao hơn ngạch tri phủ là đốc phủ sứ, thường gọi tắt là đốc
phủ. (Huệ Khải, Ngô Văn Chiêu - Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên,
tr. 11-12.)
([13]) Ngày 09-4-1926 Aristide Eugène le Fol, ngạch tham biện hạng nhất (administrateur de 1er classe), được bổ
làm quyền thống đốc Nam Kỳ, nhậm chức ngày 19-4-1926. Như vậy các sách sử Cao Đài hay chép Le Fol
là thống đốc thì không đúng. Ông chỉ
là quyền thống đốc, đảm nhiệm chức vụ trong khoảng hơn nửa năm trong lúc chờ một
thống đốc chính thức từ Pháp bổ sang. Trong cách xưng hô (như trên Tờ Khai Đạo
ngày 07-10-1926), mọi người vẫn gọi ông là thống đốc vì phép lịch sự.
([33]) Châu Tri Chỉnh Đạo 1934-1936, tr. 22.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.