Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

71/1. HỒ BIỂU CHÁNH XƯA VÀ NAY

HỒ BIỂU CHÁNH XƯA VÀ NAY, của Huệ Khải
Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2014

GIAO CẢM
Trong cuộc hội thảo quốc tế “Quá Trình Hiện Đại Hóa Văn Học Nhật Bản Và Các Nước Khu Vực Văn Hóa Chữ Hán: Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc”, tổ chức trong hai ngày 18 và 19-3-2010, tại trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn (Đại Học Quốc Gia TpHCM), tham luận của Phó Giáo Sư Tôn Phương Lan (Viện Văn Học, Hà Nội) mở đầu như sau:
“… quá trình hiện đại hóa nền văn học Việt Nam diễn ra từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và ngày một tăng tốc mà đỉnh cao của nó là giai đoạn 1930-1945 thì không cần phải bàn cãi. (…) Một trong những nhà văn góp vào việc khai mở con đường đi đến đỉnh cao ấy là Hồ Biểu Chánh.”
Sau cùng tác giả kết luận:
“Vai trò của Hồ Biểu Chánh trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX là điều không thể phủ nhận.” ([1])
Viện Từ Điển Học Và Bách Khoa Thư Việt Nam (thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam) nhận định:
Hồ Biểu Chánh viết về đề tài đạo đức, miêu tả sự đấu tranh giữa người tốt và người xấu, kết thúc là chiến thắng của chính nghĩa. Ông luôn thiên về những nhân vật cao thượng, nghĩa hiệp theo truyền thống của văn chương Nam Bộ.” ([2])
Đó là hai ý kiến tiêu biểu của người nay khi nói về người xưa − nhà văn Hồ Biểu Chánh.
Nói chung, người đời nay đều kính trọng cuộc đời thanh liêm, cần mẫn của công chức Hồ Văn Trung (1884-1958), đồng thời đánh giá cao sức lao động trí tuệ không mệt mỏi cũng như năng lực sáng tác văn chương dồi dào, phong phú của Hồ Biểu Chánh; khẳng định rằng tiền bối đã đóng góp không nhỏ vào tiến trình hình thành và phát triển văn học chữ quốc ngữ trong nửa đầu thế kỷ 20.
Để trình bày tỉ mỉ cuộc đời cần cù phụng sự văn hóa dân tộc của một Hồ Biểu Chánh khi còn trên cõi thế gian, tôi đã sưu tập tài liệu và biên soạn thành NIÊN BIỂU HỒ BIỂU CHÁNH phần đầu tập sách nhỏ này. Như vậy chỉ mới tạm chia sẻ với quý độc giả đạo tâm một góc nhìn về Hồ Biểu Chánh ngày xưa.


Xem Niên Biểu Hồ Biểu Chánh tại: 


Hãy còn một góc nhìn khác về Hồ tiên sinh mà hầu như không được quảng đại quần chúng biết tới − đó là Thánh Nhân Hồ Biểu Chánh, tức là Hồ Biểu Chánh ngày nay.
Nếu không có cơ bút của Tam Kỳ Phổ Độ, tấm màn huyền vi của càn khôn vũ trụ làm sao được vén mở cho mọi người biết được Hồ Biểu Chánh ngày nay là một vị Thánh?
Thật vậy, sau khi gởi xác thân tứ đại trả lại cát bụi, chơn linh Hồ tiền bối trở về phục mệnh Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế nơi Linh Tiêu Điện. Qua thánh giáo do bộ phận thông công Minh Đức Nho Giáo (Trà Vinh) tiếp nhận, chúng ta biết Ngài đã được Đức Chí Tôn phong Thánh.
Chia sẻ với quý độc giả đạo tâm sự kiện huyền vi này, trong phần hai tập sách, tôi biên soạn HỒ BIỂU CHÁNH TRONG TAM KỲ PHỔ ĐỘ.
Tôi chân thành biết ơn các tác giả đã phổ biến những bài viết, công trình biên khảo về Hồ Biểu Chánh qua sách báo, Internet... nhờ đó tôi có được nguồn tham khảo khả tín.
Tôi chân thành cảm tạ quý ông Trần Văn Cư, Trần Quốc Oai (hậu duệ nhà văn Hồ Biểu Chánh) sáng Thứ Bảy 12-10-2013 tại An Tất Viên đã trò chuyện với tôi, giúp thêm ý kiến bổ sung nhiều chi tiết về cuộc đời Hồ tiên sinh.
Tôi đặc biệt cảm tạ hiền tỷ Chơn Điền Huỳnh Kim Chi (Minh Đức Nho Giáo) ngày Thứ Hai 01-7-2013 đã cung cấp các thánh giáo của Đức Thánh Hồ Văn Trung.
Cũng như những đầu sách khác, HỒ BIỂU CHÁNH XƯA VÀ NAY được ấn tống với số lượng lớn là nhờ vào tấm lòng cao cả bao la của quý vị Mạnh Thường Quân trong nhà Đạo, luôn luôn thương yêu tin cậy Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, nên nhiều năm qua không ngừng tài trợ dồi dào để cưu mang, nâng đỡ một phương tiện hoằng pháp Kỳ Ba. Thay mặt Chương Trình, tôi kính thành chắp tay tạ ơn tất cả quý ân nhân.
Chúng đệ tử kính thành cầu nguyện Đức Chí Tôn Thượng Đế, cầu nguyện Đức Thánh Hồ Văn Trung ban bố ơn lành phước huệ đến với tất cả các vị Mạnh Thường Quân, cũng như Cửu Huyền Thất Tổ của toàn thể ân nhân chúng đệ tử.
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Nam mô Biểu Chánh Hồ Văn Trung Thánh Nhân.
HUỆ KHẢI
Bà Chiểu, 05-12-2013
Năm 1955 trường Mỹ Nghệ Thực Hành Biên Hòa tặng Hồ Biểu Chánh tượng bán thân bằng đồng, hiện đang làm tượng thờ tại Nhà Lưu Niệm (An Tất Viên, số 30/23 đường số 8, tổ 40, phường 11, quận Gò Vấp, TpHCM).
Ảnh: Huệ Khải

HỒ BIỂU CHÁNH TRONG TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Phàm người tu hành mà đặt đặng một bộ kinh sám khuyên chúng làm lành thì người ấy đặng thành Tiên. Còn người văn chương quân tử mà làm đặng một pho sách dạy chúng luân thường đạo lý thì người đặng thành Thánh.[3]
Đức Thần Oai Viễn Trấn QUAN THÁNH ĐẾ QUÂN
Đàn cơ ngày 02-11 Tân Mùi (10-12-1931)
I. Khái niệm về Tam Kỳ Phổ Độ
Vào những năm 20 của thế kỷ 20, một nền đạo mới đã xuất hiện ở Việt Nam với danh xưng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, gọi tắt là đạo Cao Đài.([4]) Thuật ngữ Tam Kỳ ngụ ý chia lịch sử triết giáo của nhân loại ra ba thời kỳ lớn (tam nguơn, tam nguyên):
1. Nhất Kỳ Phổ Độ kéo dài từ thời thượng cổ (tiền sử hay khuyết sử) cho tới khoảng nửa đầu thế kỷ 7 trước Công Nguyên (khoảng năm 650 TCN). Một số đặc trưng triết giáo của Kỳ Nhất là:
Tại Trung Quốc (đời nhà Chu), có Chu Văn Vương (1152-1056 TCN, trị vì 1099-1050 TCN) viết Thoán Từ giải thích sáu mươi bốn quẻ (mỗi quẻ sáu hào); rồi thêm Chu Công (con Chu Văn Vương) viết Hào Từ giải thích ba trăm tám mươi bốn hào. Kinh Dịch đã hình thành nền tảng ban đầu.
Tại Ấn Độ, đạo Bà La Môn (Ấn Giáo) xuất hiện.
Tại Palestine, hình thành Do Thái Giáo. Căn cứ từ lúc Thánh Moses được Đức Thượng Đế truyền thụ Mười Điều Răn trên núi Sinai thì tín ngưỡng cổ xưa của người Do Thái bắt đầu vào năm 1300 TCN.
2. Nhị Kỳ Phổ Độ diễn ra trong khoảng hai mươi lăm thế kỷ, từ khoảng nửa sau thế kỷ 7 TCN cho tới khoảng nửa đầu thế kỷ 19 (khoảng 650 TCN-1850). Một số đặc trưng triết giáo của Kỳ Nhì là:
Tại Trung Quốc, vào thế kỷ 6 TCN đã hình thành Khổng Giáo và Lão Giáo.
Tại Ấn Độ, ngoài đạo Bà La Môn, vào thế kỷ 6 TCN có thêm Thích Ca Giáo, đồng thời Vardhamana (599-527 TCN, hiệu là Mahavira) sáng lập Kỳ Na Giáo (Jainism). Thế kỷ 15, Nanak (1469-1539) thành lập Xích Giáo (Sikhism).
Tại Palestine, Do Thái Giáo vẫn tiếp tục. Chúa Jesus Christ ra đời, từ đó hình thành Thiên Chúa Giáo.
Tại Ả Rập, thế kỷ 7, với Muhammad, Hồi Giáo (Islam) xuất hiện.
Tại Ba Tư (Iran ngày nay), khoảng trước thế kỷ 6 TCN, Zoroaster (hay Zarathustra) sáng lập Bái Hỏa Giáo, còn gọi Ba Tư Giáo.
Triết học Hy Lạp ra đời vào thế kỷ 6 TCN và tiếp tục phát triển.
Ghi chú: Triết gia Đức Karl Jaspers (1883-1969) tạo ra thuật ngữ Thời Trục (Achsenzeit) phần nào khá tương đồng với quan niệm Nhị Kỳ Phổ Độ của Cao Đài.
3. Tam Kỳ Phổ Độ diễn ra từ khoảng nửa sau thế kỷ 19 trở đi. Một số đặc trưng triết giáo của Kỳ Ba là:
Trong hai kỳ trước, các nền tư tưởng triết giáo tiêu biểu nói trên còn bị giới hạn vì điều kiện không gian địa lý ngăn cách. Sang Kỳ Ba, thế giới ngày một gần lại, con người đã chinh phục được khoảng cách thiên nhiên. Truyền thông đa phương tiện và công nghệ thông tin ngày càng phát triển cùng với phương tiện giao thông đã góp phần đưa các nền tư tưởng gần lại, giao thoa với nhau. Con người cũng chinh phục được không gian và biển cả để khám phá ra nhiều điều mới lạ...
Thuở khai đạo Cao Đài, hai mặt tương phản của Kỳ Ba với Kỳ Nhất và Kỳ Nhì được Đức Chí Tôn tóm tắt như sau:
“Vốn từ trước, Thầy lập ra Ngũ Chi Đại Đạo là Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo.
Tùy theo phong hóa của nhơn loại mà gầy chánh giáo, là vì khi trước càn vô đắc khán, khôn vô đắc duyệt, thì nhơn loại duy có hành đạo nội phương mình mà thôi.
Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng,ƒ càn khôn dĩ tn thức,...” ([5])
Kỳ Ba vì vậy có một đặc sắc riêng là xu thế dung hòa và tổng hợp tư tưởng Đông Tây kim cổ.
Năm 1863, tại Iran (xưa là Ba Tư), Baháu’lláh tức là Mirza Huseyn Ali (1817-1892) sáng lập đạo Baha’i, xác định rằng các tôn giáo trên thế giới đều có chỗ đại đồng vì cùng sinh ra từ một Đấng Thượng Đế duy nhất.
Năm 1875 bà Blavatsky (người Ukraine, 1831-1891) và nhiều người khác cùng lập Hội Thông Thiên Học (The Theosophical Society) ở thành phố New York (Hoa Kỳ). Năm 1879 trụ sở của Hội dời về thành phố Adyar (Ấn Độ). Nêu tiêu ngữ Không tôn giáo nào cao hơn chân lý, Thông Thiên Học đề cao chân lý đại đồng, và hướng con người thoát ra khỏi vỏ ốc tôn giáo để tiến lên Đại Đạo.
Các triết gia, học giả đã làm nên một phong trào đối chiếu và tổng hợp tư tưởng triết giáo nhằm nỗ lực đưa con người gần lại nhau trong tư tưởng đại đồng. Cuối thế kỷ 19 đã có hai sự kiện đáng kể:
- Năm 1893, Đại Hội Tôn Giáo Thế Giới (The World's Parliament of Religions) được tổ chức lần đầu tại thành phố Chicago (bang Illinois, Hoa Kỳ). Ở tuổi ba mươi, Đại Sư Vivekananda (người Ấn, 1863-1902) lần đầu tiên qua Mỹ với tư cách đại biểu đạo Bà La Môn dự Đại Hội này.
- Năm 1900, Hội Nghị Quốc Tế Lần Thứ Nhất Về Lịch Sử Tôn Giáo (Le Premier Congrès International d’Histoire des Religions / The First International Congress for the History of Religions) được tổ chức tại Paris (Pháp) dưới quyền chủ tọa của một nhà thần học Tin Lành người Pháp danh tiếng là Giáo Sư Albert Réville (1826-1906).
Hai sự kiện này đã mở đường cho những hoạt động trong các thập niên kế tiếp nhằm cổ vũ cho một lý tưởng hòa đồng tôn giáo. Chẳng hạn:
- Năm 1904, Hội Nghị Quốc Tế Lần Thứ Hai Về Lịch Sử Tôn Giáo (The Second International Congress for the History of Religions) được tổ chức tại Basel (Thụy Sĩ) dưới quyền chủ tọa của Giáo Sư Conrad C. von Orelli.
- Năm 1908, Hội Nghị Quốc Tế Lần Thứ Ba Về Lịch Sử Tôn Giáo (The Third International Congress for the History of Religions) được tổ chức tại Viện Đại Học Oxford (Anh).
II. Một đặc trưng của Tam Kỳ Phổ Độ: thông công bằng cơ bút
Đạo Cao Đài (Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ) chánh thức ra đời năm 1926, nhưng từ năm 1920 Ơn Trên đã truyền đạo cho vị môn đồ đầu tiên là ông Ngô Văn Chiêu (1878-1932). Đạo Cao Đài dùng cơ bút làm phương tiện thông công giữa cõi người và cõi trời, nơi cầu cơ gọi là đàn (spirits-evoking seances).
Trước và sau khi đạo Cao Đài ra đời, ở Nam Kỳ còn có một vài cộng đồng tín ngưỡng cũng được hình thành do Ơn Trên mượn cơ bút làm phương tiện truyền dạy, chẳng hạn: đàn Minh Thiện, đàn Minh Tân, Minh Lý Đạo, và Minh Đức Nho Giáo...
1. Đàn Minh Thiện hình thành năm 1917 do một nhóm đạo tâm tại tỉnh Thủ Dầu Một (nay là thành phố, thuộc tỉnh Bình Dương) thường họp nhau cầu cơ, gồm các ông: Trần Phát Đạt (1881-1942), Trần Hiển Vinh (1884-1962), Phan Văn Tý (1888-1962), Lê Văn Hơn, Trần Duy Khánh, v.v… và ông Nguyễn Văn Trượng (đồng tử). Nơi lập đàn là Thanh An Tự, chủ chùa là ông Trần Hiển Vinh (thừa kế từ thân phụ).
Chùa thờ Đức Quan Thánh, trong sân chùa có đắp tượng ngựa Xích Thố của Quan Vân Trường nên dân gian gọi là chùa Ông Ngựa. Đàn Minh Thiện có đông bá tánh tới hầu đàn, mục đích xin Ơn Trên ban thuốc tiên trị bệnh.
Đàn Minh Thiện ngưng hoạt động khoảng năm 1962, sau khi chủ chùa qua đời. Hiện nay Thanh An Tự vẫn còn, ở số 20 đường Hùng Vương, thành phố Thủ Dầu Một.
2. Đàn Minh Tân hình thành năm 1925, do công đức của ông Lê Minh Khá (1868-1946), nguyên là xã trưởng xã Vĩnh Hội. Khoảng năm 1917 vì bệnh nặng, ông Khá đến hầu đàn Minh Thiện, được Ơn Trên ban cho bài thuốc hiệu nghiệm nên ông rất tin tưởng cơ bút.
Năm 1920 ông tới đàn Minh Thiện cầu xin trị bệnh lần nữa; Đức Quan Thánh Đế Quân giáng cơ cho thuốc, khuyên hãy lo tu hành. Vâng lịnh, ông lập bàn thờ Tam Giáo (Nho, Phật, Lão) tại nhà riêng ở số 236 quai de la Marne (nay là Bến Vân Đồn, quận 4, TpHCM).
Năm 1921, Ơn Trên dạy lập đàn Cao Thâm trên đất trồng cao su của ông (xã Gia Lộc, quận Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh). Hai con ông là Lê Minh Sanh (1906-1988) và Lê Văn Trân (1908-1966) trông coi đàn này.
Năm 1922, Ơn Trên dạy ông Lê Minh Khá lập đàn Cao Minh tại nhà riêng. Ông vâng lịnh Ơn Trên, mua lô đất 601 mét vuông (ở số 221 Bến Vân Đồn hiện nay); Ơn Trên dời đàn Cao Thâm từ Trảng Bàng về đó, đặt tên mới là đàn Cao Tân.
Năm 1925, Ơn Trên sáp nhập Cao Minh và Cao Tân lại thành đàn Minh Tân.
Ngày 01-11-1926, Đức Thái Thượng Đạo Quân giáng cơ tại đàn Minh Tân dạy tín hữu Minh Tân quy hiệp đạo Cao Đài. Ngày 10-11-1926 tín hữu Minh Tân làm lễ nhập môn Cao Đài.
Năm 1928, tại khu đất ở số 221 Bến Vân Đồn, ông Khá cho cất chùa mới, năm 1930 lạc thành và được Ơn Trên đặt tên là Tam Giáo Điện Minh Tân.
3. Đạo Minh Lý được Ơn Trên chuẩn bị tại Sài Gòn từ năm 1920, chánh thức hình thành ngày 23-12-1924. Phương tiện Ơn Trên dạy đạo là cơ bút. Mười hai vị tiền bối khai đạo Minh Lý là quý ông: Minh Chánh (Âu Kích, 1896-1941); Minh Giáo (Nguyễn Văn Xưng, 1891-1957); Minh Đạo (Nguyễn Văn Đề, 1893-1925); Minh Truyền (Lê Văn Ngọc, 1887-1965); Minh Thiện (Nguyễn Văn Miết, 1897-1972); Minh Trực (Võ Văn Thạnh, 1895-1976); Minh Đàm (Nguyễn Hữu Hay, 1899-1961); Minh Đức (Nguyễn Văn Hoài, 1904-1945); Minh Hóa (Nguyễn Minh Đức, 1884-1964); Minh Ngôn (Lê Kim Bằng, 1885-1967); Minh Hạnh (Trương Văn Ký, 1907-1984); Minh Cường (Lâm Thiên Hứa, 1907-1994). Hiện nay đạo Minh Lý đã có tư cách pháp nhân (từ tháng 10-2008), giáo sở trung ương (Tam Tông Miếu) đặt tại số 82 Cao Thắng, quận 3, TpHCM. Môn sanh nam nữ mặc đạo phục màu đen.
4. Minh Đức Nho Giáo hình thành qua cơ bút, khởi đầu từ năm 1932 tại Ba Động, làng Trường Long Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.
Người có công gầy dựng buổi ban sơ là ông Ngô Nghiêm Sanh, thánh danh Chơn Minh Sanh, tạ thế năm 1980, đắc quả vị Thiên Minh Quang Bồ Tát. Cùng góp công đức gầy dựng là ông Ngô Minh Bè (bào huynh ông Sanh) đắc quả vị Huỳnh Quang Bồ Tát.
Do lịnh Ơn Trên qua cơ bút, Minh Đức Nho Giáo cất Khổng Thánh Miếu ở Trà Vinh, mở hai đàn Chí Thiện (Trà Vinh) và Tân Dân (Nha Rộn, Bạc Liêu; sau dời về Sài Gòn) để Ơn Trên dạy đạo qua cơ bút.
Trước năm 1975, bộ phận thông công Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam (nay gọi là Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, số 171B Cống Quỳnh, quận 1, TpHCM) vâng lịnh Ơn Trên có về Trà Vinh lập đàn cơ tại Khổng Thánh Miếu của Minh Đức Nho Giáo.
Qua cơ bút tại Minh Đức Nho Giáo, nhà văn Hồ Biểu Chánh đã nhiều lần giáng đàn.
III. Hồ Biểu Chánh xưa và nay
1. Hồ Biểu Chánh ngày xưa: đôi nét tiểu sử
Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên, bút danh Hồ Biểu Chánh. Ông sinh ngày 15-8-1884 (khai sanh ghi ngày 01-10-1885) tại làng Bình Thành, tổng Hòa Lạc Thượng, tỉnh Gò Công (nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).
Xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, thuở nhỏ ông học chữ Nho, rồi chuyển sang học tiếng Pháp. Sau khi đậu bằng Thành Chung (1905), ông làm công chức hành chánh, bắt đầu từ ký lục,([6]) dần dần thăng lên nhiều ngạch, sau cùng đến ngạch đốc phủ sứ (1936), được bổ làm chủ quận (quận trưởng) nhiều nơi, có tiếng là thanh liêm, mẫn cán, yêu dân, thương người nghèo khổ. Ông về hưu (1946), sau cùng qua đời ngày 04-11-1958 tại quận Phú Nhuận (thuộc tỉnh Gia Ðịnh cũ), thọ bảy mươi bốn tuổi, an táng ở đất nhà mua năm 1943, gọi là An Tất Viên, nay ở số 30/23 đường số 8, tổ 40, phường 11, quận Gò Vấp (diện tích 3.566 mét vuông), con cháu nhà văn hiện sinh sống ở đây.
Ông viết rất khỏe, gồm nhiều thể loại: 64 tiểu thuyết; 12 tập truyện ngắn và truyện kể; 2 truyện dịch; 12 vở kịch và tuồng hát; 5 tập thơ và truyện thơ; 8 tập ký; 28 tập khảo cứu, phê bình; nhiều bài diễn văn.([7])
Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh nôm na, bình dị, phần lớn viết về đời sống Nam Kỳ từ nông thôn đến thành thị những năm đầu thế kỷ 20. Tác giả bày tỏ lòng thông cảm với những mảnh đời cơ cực của nông dân, tá điền, người làm thuê… vốn bị bạc đãi, bóc lột. Ông cũng mượn tiểu thuyết nhằm đề cao phẩm hạnh phụ nữ và các giá trị luân lý truyền thống theo đạo đức Nho Giáo.
Có thể nói vắn tắt: Hồ Biểu Chánh đích thực là cây bút dùng văn chương chở chuyên đạo lý (văn dĩ tải đạo) với chủ đích góp phần xây dựng xã hội Nam Bộ thời thuộc Pháp đang bị băng hoại nhiều giá trị về nhân luân phẩm tiết.
Ngày nay, sách ông được tái bản, dựng thành phim truyện, và bút danh Hồ Biểu Chánh được đặt cho một con đường ở phường 11, quận Phú Nhuận, TpHCM, một con đường ở thị xã Gò Công, và một vài tỉnh khác.
Nhà thơ Ðông Hồ (1906-1969) có câu đối ghép nhan đề mười bốn tác phẩm của Hồ Biểu Chánh như sau:
Cay Đắng Mùi Đời [1923], Con Nhà Nghèo [1930], Con Nhà Giàu [1931], tiểu thuyết viết sáu mươi ba thiên, Vì Nghĩa Vì Tình [1929], Ngọn Cỏ Gió Đùa [1926], Tỉnh Mộng [1923], mấy Ai Làm Được [1912]?
Cang Thường Nặng Gánh [1930], cơn Khóc Thầm [1929], cơn Cười Gượng [1935], thanh cần trải bảy mươi bốn tuổi, Thiệt Giả Giả Thiệt [1935], Vườn Xưa Ghé Mắt [1944], Đoạn Tình [1940] còn Ở Theo Thời [1935].
Ghi chú:
 Dẫn lại câu đối trên, tôi cho thêm con số trong ngoặc vuông; ấy là năm từng tác phẩm được viết.
Trong vế đầu, Đông Hồ viết “tiểu thuyết viết sáu mươi ba thiên”. Ta hiểu là sáu mươi ba pho (hay quyển).
Thật ra, không kể các đoản thiên và truyện ngắn, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh được xác định ít nhất là sáu mươi bốn quyển: đầu tiên là quyển Ai Làm Được (Cà Mau, 1912); sau cùng là quyển Lẫy Lừng Hào Khí (Phú Nhuận, 1958).
ƒ Trong vế sau, Đông Hồ đảo ngữ Nặng Gánh Cang Thường (Càng Long, 1930) thành Cang Thường Nặng Gánh cho hợp luật bằng trắc. Lại viết “thanh cần trải bảy mươi bốn tuổi” là nhắc tới một đời làm quan thanh liêm, cần cù trong công việc hành chánh và sự nghiệp văn chương. 
Vườn Xưa Ghé Mắt (đăng Đại Việt Tập Chí từ số 39, ngày 16-5-1944, tới số 44).
2. Hồ Biểu Chánh ngày nay: một vị Thánh
Một vị tiền bối trong đạo Cao Đài là Cao Triều Trực (1884-1968),([8]) có ấn tống quyển kinh Tam Nguơn Giác Thế (Cần Thơ: nhà in Phương Nam, 1953). Trang 36 quyển kinh này có một thánh giáo ngày 02-11 Tân Mùi (10-12-1931) do Đức Thần Oai Viễn Trấn Quan Thánh Đế Quân giáng cơ dạy:
“Phàm người tu hành mà đặt đặng một bộ kinh sám khuyên chúng làm lành thì người ấy đặng thành Tiên. Còn người văn chương quân tử mà làm đng mt pho sách dạy chúng luân thường đo lý thì người đng thành Thánh.”
Lời dạy này được minh chứng qua trường hợp nhà văn Hồ Biểu Chánh.
Thật vậy, Hồ Biểu Chánh suốt cuộc đời không phải là thầy tu, nhưng lại trọn vẹn làm người hiền đức, thanh liêm, cần cù. Nhà văn hăng say, miệt mài mượn sách vở, chữ nghĩa để củng cố luân thường đạo lý xã hội giữa thời nước mất nhà tan, phong hóa suy đồi. Sáu mươi bốn quyển tiểu thuyết của ông là “con thuyền” chở chuyên đạo lý Khổng Mạnh. Ngoài ra, ông còn viết không ít khảo luận, diễn văn về tôn giáo như:
- Giáo Lý Của Đạo Phật (diễn văn, Gò Công 1948).
- Mạnh Tử Với Chủ Nghĩa Dân Chủ (diễn văn, 1945).
- Nho Giáo Và Chánh Trị (diễn văn, 1946).
- Nho Giáo (diễn văn, Gò Công 1948).
- Nho Giáo Tinh Thần (khảo cứu, 1951).
- Nho Học Danh Thơ (khảo cứu, Gò Công 1948).
- Phật Giáo Cảm Hóa Trung Hoa (khảo cứu, 1950).
- Phật Giáo Vào Việt Nam (khảo cứu, 1951).
- Phật Tử Tu Tri (khảo cứu, Gò Công 1948).
- Thiền Môn Chư Phật (khảo cứu, Gò Công 1949).
Theo giáo lý Cao Đài, ông đã làm tròn bổn phận về phần Nhơn Đạo. Nhờ công đức to tát ấy ông đã được Đức Thượng Đế ban phong phẩm Thánh, và Thiên Đình cho phép ngài Hồ Biểu Chánh trở lại trần gian, mượn cơ bút Minh Đức Nho Giáo (Khổng Thánh Miếu) để dạy đạo.
 Ngày 08-01 Quý Dậu, nhân dịp làm lễ an vị đàn Tân Dân (mới dời về đường Đông Hồ, phường 8, quận Tân Bình, Tp.HCM), ngài giáng cơ cho bài thơ xưng danh như sau:
HỒ nước trong ta mà cố lược
VĂN TRUNG đây mực thước nào xê
Chánh tâm rồi được quy về
An lòng tự tại nhàn quê mỉm cười.
Đây là lối thơ quán thủ, lấy ba chữ đầu câu thơ ghép thành tên khai sanh của ngài thuở còn tại thế gian là Hồ Văn Trung.
Ngày 13-3 nhuần năm Quý Dậu, tại Chí Thiện Đàn, ba Đấng thiêng liêng cùng giáng đàn, xưng danh qua bài thơ tứ tuyệt vừa quán thủ (Lê Văn Duyệt), quán tâm (Phan Thanh Giản), và quán yêu (Hồ Văn Trung). Liền sau đó ba vị ban cho hai vé thơ song thất lục bát khuyến tu.
ngọt PHAN an HỒ nước đầy
VĂN nhơn THANH dạ VĂN hòa xây
DUYỆT lòng GIẢN(g) TRUNG còn trực
Tạo đức phước lành đệ tử gây.
Chào mừng chư học sĩ.
Đệ tử gây cho đầy túi ngọc
Mấy chục niên lăn lóc với đời
Muốn cho thân được thảnh thơi
Trau tâm sửa tánh rạng ngời minh quang.
Đừng bắt chước trần gian cặn bã
Học Thánh Nhơn cao cả lưu đời
Làm lành tạo đức trò ơi
Thảnh thơi an lạc vui thời Trời thương.
ƒ Ngày 24-12 Quý Dậu tại Tân Dân Đàn, ba Đấng thiêng liêng (Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Hồ Văn Trung) lại cùng giáng cơ lần nữa, xưng danh qua bài thơ như sau.
thanh PHAN ánh nước HỒ trong
VĂN THANH thanh VĂN toại lòng
DUYỆT lại GIẢN(g) bài TRUNG liệt sĩ
Chào mừng thọ ký chánh dày công.
  Ngày 03 Giêng Ất Hợi, ngài Hồ Biểu Chánh giáng cơ tại Tân Dân Đàn:
Đạo công bồi HỒ trong nước biếc
VĂN TRUNG thành nhiều việc phải làm
Chánh tâm tứ đức không tham
Lợi danh chẳng mến cố làm hiền nhân.
Nhớ khi xưa ở trần nhẫn nhục
Đặt văn chương un đúc khách tài
Thành công mới được hôm nay
Văn nhân mặc khách làm hoài không ngưng.
Thánh thi trên đây chỉ thuật lại vắn tắt công đức của ngài khi còn tại thế. Trước đó, ngài đã có lần giãi bày cặn kẽ hơn, trong đàn cơ sau (trích):
Ngày 07-12 Nhâm Thân, tại Chí Thiện Đàn, ngài Hồ Biểu Chánh giáng cơ dạy:
HỒ nước trong vẹn bề cố lược
VĂN trau giồi mới được thành nhân
TRUNG kiên BIỂU CHÁNH chuyên cần
Cũng như đại hội Phong Thần Thầy cho.
Về nơi đây trường Nho tái thiết
Học Thánh Nhân còn biết nhiều bài
Mong rằng nhu sĩ thới lai
Tuyển thi quân tử anh tài dày công.
HỒ VĂN TRUNG tự BIỂU CHÁNH. Tôi chào mừng.
Để quy nguyên đại đồng Vân Hội
Đức mãi trau, đức trội lòa lòa
Nhìn xem hiền sĩ nghìn hoa
Vun phân tưới nước để hoa đủ màu.
Lòng nhân ái thanh cao từ huệ
Mượn trường Tiên sớm kệ chiều kinh
Hòa chung trở lại Thiên Đình
Hòa chung khách tục vẹn gìn sử bia.
Nầy các hiền sĩ, tôi là HỒ VĂN TRUNG tự là BIỂU CHÁNH, hôm nay được Đức Ngọc Đế và Tam Giáo Tòa cho về đây là:
Nhờ công khó đặt nhiều bài tốt
Để lại đời người dốt còn xem
Minh tâm Ngọc Đế vén rèm
Lựa thi tuyển chọn còn đem trở về.
Mỗi bài ra châu phê trước án
Để lại đời bậu bạn hiền nhu
Khi xưa tôi cũng biết tu
Tròn xong Nhơn Đạo hiền nhu Thầy chờ.
Lt trang sách để nhờ kiểm duyệt
Đức Ngọc Hoàng chẳng tiếc phê cho
Sử kinh bổn phận làm trò
Còn tôi đoạt bảng như hò cống xê.
Tuy nói rằng đường dê sẵn vạch
Phận làm người phân tách Trời ban
Trời thương nên mở khoa tràng
Sĩ nhu quân tử leo thang khứ hồi.
Người chánh trực nào bôi tên tuổi
Tuy sự đời có rủi có may
Sao bằng tu với Cao Đài
Sao bằng Tiên Phật mỗi ngày chấm phê.
Bởi vì tôi là đại nguyên nhân lâm phàm nên biết đặt sách ra cho thế nhân xem học hỏi. Tôi làm xong phận sự ở quan trường, tôi thương dân chúng, đặt sách răn đời.
Hôm nay bỏ xác rồi, tôi được Đức Ngọc Đế chấm phê là trung hậu, nhân đức. Sách tôi để lại dù không văn hoa lý sự như bây giờ, nhưng ẩn tàng đạo đức kinh luân. Nên khai [Hội] Long Vân nầy mới được Ngọc Đế chấm phê vào hàng Thánh, được ngang với các vị Thánh trung quân ái quốc. Gần đây các vị lão thành thì biết mặt, còn các em nghe danh vậy.
Hôm nay tôi về đây cho biết rằng tu chơn tạo đức thì bao giờ cũng thành đạo được. Như tôi vào quan trường mà hiền lương đạo đức, đt sách để dạy đời mà còn đưc vào hàng Thánh; huống chi quý em đây thay mạng Trời [thực thi] Nho Tông chuyển thế, tế độ quần sanh mà không bằng tôi sao?
Có vị tu kỳ nầy không biết có được về [trời] hay không? Tôi xin tạm trả lời: Hễ có công làm ruộng thì có lúa gạo ăn, trồng cây gì thì ăn cây nấy. Các vị vào trường Tiên khai hóa chúng sanh để thay Trời làm việc nghĩa [thì sẽ được về trời].
Hôm nay chúng tôi được phép Đức Ngọc Đế và Tam Giáo Tòa về viếng thăm quý hữu, thấy trường Tiên nầy:
Siêu quang tọa vị  
Quý hiền thi Vân Hội
Mẹ Thầy dẫn lối    
Thánh Phật đưa đường
Tiên Thánh còn thương
Thần đường soi ngõ
Cố mà chịu khó              
Để có lập công
Xong Hội Hoa Long      
Tròn xong phận sự
Trời thương ân tứ
Để lại tử tôn
Thân xác lấp chôn          
Thần hồn xán lạn.
Vậy tôi có đôi lời viếng thăm quý hữu. (…) Vậy thì:
Cám ơn quý hữu thiện thành
Chí tâm đàn nội Nho sanh chực chờ
Phật Tiên ra những dòng thơ
Thầy thương ân thưởng, Mẹ chờ rước đi
Phải trang chí sĩ tu mi
Phải người liệt nữ kiên trì sắt son.
Xin kiếu.
3. Suy gẫm
 Ông Hồ Văn Trung tự là Biểu Chánh. Thời xưa, tự (tên chữ) thường gồm hai từ đơn ghép lại, để bày tỏ ý hướng đạo đức của chàng trai. Biểu (động từ) là bày tỏ, biểu dương; (danh từ) là gương mẫu, mẫu mực. Chánh (danh từ) là điều đúng đắn. Biểu Chánh có nghĩa bày tỏ, biểu dương cái đúng cho mọi người thấy rõ; cũng có nghĩa là việc đúng đắn làm gương cho người khác noi theo.
Tại Nhà Lưu Niệm Hồ Biểu Chánh ở Gò Vấp, trong gian phòng nhỏ thờ nhà văn, trên tường có treo khung kính chép lại một đoạn thư nhà văn viết cho các con:
Ba chỉ nói với con rằng sự nghiệp của ba để lại cho các con hiện thời chỉ có mt tấm gương thẳng ngay và trong sạch mà thôi. Ba ước mong các con noi theo tấm gương ấy mà lập thân. Theo con mắt của đời nay … thì tấm gương ấy dường như mất giá. Nhưng nếu con ngó xa ra một chút, thì con sẽ thấy phú quý tuy rực rỡ mà ít vững bền, còn đạo đức tuy êm đềm song vui vẻ.”
Một tấm gương thẳng ngay, ấy cũng là ý nghĩa hai chữ Biểu Chánh.
Cuộc đời nhà văn Hồ Biểu Chánh cho thấy rằng tuy không làm thầy tu, nhưng sống hiền lành, biết viết sách tốt để truyền bá đạo lý, củng cố luân thường thì sẽ làm Thánh.
Suy ra, những ai biết chữ nghĩa mà làm trái lại, tức là lạm dụng chữ nghĩa viết tầm bậy tầm bạ sẽ lãnh quả báo xấu.
Hiện nay trên Internet tràn lan quá nhiều bài viết xuyên tạc, công kích tôn giáo. Nhiều bậc tu hành tên tuổi cũng bị lôi lên mạng bôi tro trát trấu. Những bài viết lôi kéo người đọc vào chỗ thỏa mãn tham dục không thể đếm xuể!
Người xưa văn minh khoa học kém hơn ta, nhưng văn hóa đạo đức giàu hơn ta bây giờ. Giáo sĩ dòng Tên Léon Wieger (1856-1933) từng dịch Thập Giới Công Quá Cách ra tiếng Pháp để giới thiệu cho phương Tây biết mười giới răn của người Hoa (khoảng đời Đường hay đời Tống).
Theo đó, ai viết sách tốt ắt được thưởng công: Giảng về hòa thuận (năm mươi công); giảng về đạo hiếu (một trăm công); giảng giải sách khuyến thiện (một trăm công); khắc in và truyền bá lời dạy của Thánh Hiền (một trăm công); truyền bá tiểu sử các bậc đạo đức, anh hùng (một ngàn công), v.v…
Ngược lại, ai viết những điều bại hoại ắt bị tội (q): Đặt vè châm biếm ai (năm tội); sàm báng người đạo cao đức trọng (năm mươi tội); khắc in và truyền bá sách đồi trụy (năm mươi tội); chỉ trích Thánh Hiền (một trăm tội); viết sách đồi trụy, dâm thư (vô số tội), v.v…([9])
ƒ Việc ngài Hồ Biểu Chánh giáng cơ đã minh chứng cho ơn phước cứu độ Kỳ Ba. Tam Kỳ Phổ Độ theo đạo Cao Đài là thời kỳ đại ân xá để con người thức tỉnh biết tu hành trước khi thế giới chuyển biến sang một đại chu kỳ mới mà kinh sách nhiều tôn giáo gọi là tận thế, Hội Long Hoa…
Sở dĩ con người lạnh lùng gây tạo tội ác liên miên vì cứ lầm lạc cho rằng chết là hết, không có thế giới siêu hình; thế nên lúc đang sống cứ mặc sức tung hoành, chẳng thèm biết trời cao đất dày là chi.
Cơ bút trong Tam Kỳ Phổ Độ là phương tiện để con người tiếp xúc cõi thiêng liêng (thượng giới). Cùng lúc, các nhà ngoại cảm Việt Nam những năm qua đã xuất hiện rất nhiều, mở ra cánh cửa cõi âm để con người tỉnh ngộ mà biết rằng còn có linh hồn tồn tại sau khi bỏ xác thân huyết nhục.
Bằng cách này hay cách khác, tất cả đều là phương tiện Ơn Trên mượn dùng nhằm cảnh tỉnh con người biết hướng thiện tu hành, biết dừng lại những tham vọng mưu đồ hiểm ác tàn độc, ngõ hầu còn kịp lo cứu rỗi linh hồn mình.
HUỆ KHẢI
Phú Nhuận 30-9-2013. Bổ túc 16-10-2013.
Nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc, số 225, tháng 9-2013.




([1]) http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
([2]) http://www.bachkhoatoanthu.gov.vn
([3]) Kinh Tam Nguơn Giác Thế. Cần Thơ: nhà in Phương Nam, 1953, tr. 36.
([4]) Theo Đức Giáo Tông Vô Vi Lý Thái Bạch, khi nói tắt là đạo Cao Đài, khi nói đầy đủ là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Đàn cơ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-01 Tân Hợi (10-02-1971).
([5]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I. Ngày 24-4-1926.  Càn vô đắc khán, khôn vô đắc duyệt 乾無得看, 坤無得閱: Con người chưa khám phá, tìm hiểu (khán, duyệt) được vũ trụ, thế giới (càn khôn). Tư phương 私方: Địa phương riêng biệt. ƒ Hiệp (hợp) đồng 合同: Hội ngộ, gặp nhau, không tách biệt. Càn khôn dĩ tận thức 乾坤已盡識: Con người đã hiểu biết rõ thế giới, vũ trụ (càn khôn) rồi.
([6]) Viên chức cấp thấp, có nhiệm vụ ghi chép sổ sách trong các công sở ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc, tức là thơ ký (secrétaire). Ca dao có câu: Chiều chiều lại nhớ chiều chiều / Nhớ thầy ký lục ăn liều bánh ngô. (Bánh ngô: Bánh chế biến từ hột bắp, chiên hoặc hấp.)
([7]) Theo www.hobieuchanh.com.
([8]) Bào huynh tiền bối Cao Triều Phát (1889-1956).
([9]) Để hiểu rõ hơn về sự thưởng phạt này, xin đọc: Lê Anh Minh, Thiện Thư. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2013. Quyển 17-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.