NIÊN
BIỂU HỒ BIỂU CHÁNH
“Ba chỉ nói với con rằng sự nghiệp của ba để lại
cho các con hiện thời chỉ có một tấm gương thẳng ngay và trong sạch mà thôi. Ba
ước mong các con noi theo tấm gương ấy mà lập thân. Theo con mắt của đời nay …
thì tấm gương ấy dường như mất giá. Nhưng nếu con ngó xa ra một chút, thì con
sẽ thấy phú quý tuy rực rỡ mà ít vững bền, còn đạo đức tuy êm đềm song vui vẻ.” ([1])
1884: Ngày 15-8, chào đời tại làng Bình Thành,([2]) tổng Hòa Lạc Thượng, tỉnh Gò Công, trong một
gia đình nghèo. Trong giấy khai sanh ghi ngày 01-10-1885,([3]) họ và tên là Hồ Văn Trung (là con thứ năm trong số mười hai người). Có thêm tự Biểu Chánh,([4]) hiệu Thứ
Tiên,([5]) bút danh Hồ
Biểu Chánh.
Ông nội: Hồ Hữu Đức, có công lập
làng, được tôn làm tiền hiền và thờ trong đình làng. Bà nội: Phan
Thị Huệ.
Cha: Hồ Hữu Tạo (sinh năm 1857; mất ngày 30-9-1912,
tức 20-8 Nhâm Tý), làm Thôn Trưởng trong Bàn Hội Tề,([6]) rồi lần lượt giữ các chức vụ: Hương Thân, Hương Chánh,
Hương Sư, Hương Chủ, rồi Chánh Bái. Mẹ: Nguyễn Thị Kỷ (sinh năm 1858;
mất ngày 09-02-1939, tức 21-12 Mậu Dần).
Vợ: Đào Thị Nhự (sinh năm 1894; mất ngày
30-8-1959, tức 27-7 Kỷ Hợi). Các con (năm trai, bốn gái): Hồ
Văn Kỳ Trân
(trưởng nam, sinh năm 1911 tại tỉnh Chợ Lớn; mất năm 1981 tại Austin, Texas,
Hoa Kỳ); Hồ Ngọc Ưởng (gái, sinh năm 1912 tại làng An Xuyên, tỉnh Cà Mau; mất năm 2005
tại Hoa Kỳ); Hồ Văn Minh Cảnh (nam, sinh năm 1914 tại
làng Bình Đức, tỉnh Long Xuyên; mất năm 1946 tại tỉnh Trà Vinh); Hồ Văn
Vân Anh (gái, sinh năm 1916 tại làng Bình Đức, tỉnh Long Xuyên; mất năm
2010 tại quận Gò Vấp, TpHCM);
Hồ
Ngọc Sương (gái, sinh năm
1922 tại tỉnh Chợ Lớn; mất năm 1955 tại tỉnh Gia Định); Hồ
Văn Madeleine (gái,
mất lúc mới sinh năm 1924 tại Sài Gòn); Hồ
Văn Di Thuấn (nam,
sinh năm 1928 tại quận Càng Long, tỉnh Trà Vinh; mất năm 1994 ở California, Hoa
Kỳ); Hồ Văn Di Hinh (nam, sinh năm 1928 tại quận Càng Long, tỉnh Trà Vinh; mất năm
2002 tại Pháp). Di Thuấn và Di Hinh là anh em sinh đôi; Hồ
Văn Ứng Kiệt (nam,
sinh năm 1934 tại quận Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ; rớt máy bay tử nạn năm
1964 tại tỉnh Phú Yên).
1893-1897:
Học chút ít chữ Nho với thầy giáo làng.
1898:
Cha mẹ dời nhà về chợ Giồng Ông Huê (làng Vĩnh Lợi). Học chữ quốc ngữ và tiếng
Pháp tại trường tổng Vĩnh Lợi.
Chợ Giồng Ông Huê (làng Vĩnh Lợi) nằm
trên bờ sông Vĩnh Bình. Xưa ông Phan Văn Huê (qua đời 1895) đến lập nghiệp,
khai phá và sở hữu nhiều ruộng đất ở làng Vĩnh Lợi. Ông cất chợ gần các giồng
đất, nên gọi là chợ Giồng Ông Huê, gọi tắt là chợ Giồng. Vợ trước ông Huê là Lê
Thị Vân, sanh con gái lớn là Phan Thị Huệ (là bà nội nhà văn Hồ Biểu Chánh).([7]) Chợ
Giồng Ông Huê nay thuộc thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.
Hồ Biểu Chánh có nhắc chợ Giồng trong
tiểu thuyết Con Nhà Nghèo (1930): “… con gái của bà, là cô Ba Nhân, đã có
chồng nên về ở theo bên chồng trong chợ Giồng Ông Huê.” và trong tiểu thuyết Tơ Hồng Vương Vấn (1955): “Lúc
ấy trong hạt Gò Công, tại chợ Giồng Ông Huê, mà bây giờ người ta gọi tắt là chợ
Giồng, …”
1899-1902: Học
trường tỉnh Gò Công, được học bổng ba năm.
1905: Đậu bằng Thành Chung (Diplome de Fin d’Etudes).
1906: Thi đậu, làm ký lục ([10]) tại
Phủ Thống Đốc Nam Kỳ (Sài Gòn),([11]) tòng sự tại Dinh Hiệp Lý (Direction des Bureaux du Gouvernement).([12])
1906-1909:
Muốn viết văn kể chuyện trong nước cho đồng bào biết, do đó học chữ Nho ba năm.
Trong hồi ký Đời
Của Tôi (về văn nghệ, bản đánh máy, viết
tại Phú Nhuận, ghi ngày 24-12-1957), Hồ Biểu Chánh kể:
“Năm 1906 ra khỏi nhà
trường, nhận thấy các ấn quán ở Sài Gòn mướn người dịch truyện Tàu và thơ chữ
Nôm ra chữ quốc ngữ đặng in mà bán. Từ thành thị ra thôn quê, nhơn dân đua nhau
mà đọc. Có vài tờ tuần báo cũng được người ta chú ý.
Thầm nghĩ, người mình mà
biết chuyện bên Tàu không bổ ích cho bằng biết chuyện trong nước mình. Tính
viết truyện văn vắn cho đăng vào mấy tờ tuần báo để đồng bào đọc thử. Viết khó
khăn hết sức, vì thiếu Nho học nên không tìm ra lời mà tả trí ý cho người ta
thông cảm được. Phải học chữ Nho. Trót ba năm, nhờ vài ông bạn lớn tuổi ban đêm
làm ơn dạy giùm cho đọc được sách Tàu.” [Theo Thụy Khuê.] ([13])
1908: Ngày
18-01, kết hôn với Đào Thị Nhự (sinh ngày 12-8-1894, người Gò Công, con của Đào
Văn Liễu, tự Thơm, và Nguyễn Thị Trừu).
1910: Tại
Sài Gòn, viết:
- U Tình Lục
(truyện thơ, thể lục bát). In
tại Imprimerie F.H. Schneider (1910).+
Hồ Biểu Chánh kể: “Năm 1910, lựa
những chuyện hay trong Tình Sử và Kim Cổ Kỳ Quan [chữ Hán] dịch ra quốc văn nhan đề Tân Soạn Cổ Tích đặng tập viết cho suông. Cũng viết theo thể văn thượng lục hạ bát thành một
truyện dài nhan đề U Tình Lục,
chuyện tình của người trong nước mình. Hai quyển nầy được mấy bạn hùn tiền in
thử thì không ai chê.” [Theo Thụy Khuê.]
1912:
Tòng sự tại Tòa Bố tỉnh Cà Mau (Inspection
de Cà Mau).([15])
Viết: Ai Làm
Được (tiểu thuyết, viết lại tại Sài Gòn năm 1925.* In tại Xưa Nay (1926).+
Hồ Biểu Chánh kể: “Lúc đó
cụ Trần Chánh Chiếu [Gilbert Chiếu, 1868-1919] cho
xuất bản quyển Hoàng Tố Oanh Hàm Oan,
là tiểu thuyết đầu tiên trong Lục Tỉnh, truyện tình tả nhơn vật trong xứ và
viết theo điệu văn xuôi. Đọc quyển nầy, cảm thấy viết truyện dùng văn xuôi dễ
cảm hóa người đọc hơn, bởi vậy năm 1912, đổi xuống làm việc tại Cà Mau mới viết
thử quyển Ai Làm Được, là quyển thứ
nhứt viết văn xuôi tại Cà Mau với nhơn vật cũng ở Cà Mau.” [Theo Thụy Khuê.]
1913:
Tòng sự tại Tòa Bố tỉnh Long Xuyên. Viết:
- Chúa Tàu Kim Qui (tiểu
thuyết, viết lại tại Sài Gòn năm 1922).* Đăng Công Luận Báo từ 04-8-1922 đến 30-3-1923. In tại imprimerie de
l’Union (1926).+
Hồ Biểu Chánh kể: “Đổi lên Long
Xuyên năm sau [1913] viết quyển thứ
nhì, cũng văn xuôi, nhan đề Chúa Tàu Kim Qui, phỏng theo quyển Le Comte de
Monte-Cristo [Bá Tước Monte-Cristo] của Alexandre Dumas [cha, Pháp, 1802-1870], viết điệu phiêu lưu, nghĩ có lẽ hấp dẫn hơn.” [Theo
Thụy Khuê.]
- Vậy Mới Phải
(truyện thơ).* Phóng tác theo Le Cid, bi kịch của
Pierre Corneille (Pháp, 1606-1684).
Từ 1913 tới 1921, không viết thêm quyển tiểu thuyết
nào, chỉ viết báo, soạn kịch. Trong hồi ký Đời
Của Tôi (về văn nghệ), Hồ Biểu Chánh cho biết lý do ngừng viết trong tám năm (1913-1921) như sau: “Kế, Thế Giới Chiến Tranh Thứ Nhứt bùng nổ,
công việc đa đoan, không viết tiểu thuyết được nữa... chỉ viết mấy hài kịch nho
nhỏ cho mấy thầy hát đặng kiếm tiền giúp cho chiến sĩ Việt Nam ngoài mặt trận
Âu Châu. Năm 1917 làm Đại Việt Tập Chí
ở Long Xuyên. Năm 1918, dời về Gia Định, phụ bút cho mấy tờ báo Quốc Dân
Diễn Đàn, Nông Cổ Mín Đàm, Công Luận Báo, Lục Tỉnh Tân Văn, Đông Pháp Thời
Báo.” [Theo Thụy Khuê.]
Trong toàn bộ sáu mươi bốn tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, có mười một truyện
phóng tác theo tiểu thuyết Pháp, một truyện theo tiểu thuyết Nga. Trong hồi ký Đời Của Tôi (về văn nghệ), Hồ Biểu Chánh
kể: “Đọc tiểu thuyết hay tuồng hát Pháp
văn mà tôi cảm thì tôi lấy chỗ cảm đó mà làm đề, rồi phỏng theo ít nhiều hoặc
lấy đó mà sáng tác một tác phẩm hoàn toàn Việt Nam. Tuy tôi nói
phỏng theo kỳ thiệt chỉ lấy đại ý mà thôi, mà có khi tôi còn lật ngược tới đại
ý, làm cho cốt truyện trái hẳn tâm lý, khác xa với truyện Pháp.” [Theo
Thụy Khuê.]
1917: Tại Long Xuyên, cộng tác với Ðại
Việt Tập Chí (của Hội Khuyến Học Long Xuyên). Viết: Vì Nghĩa Quên Nhà (hài kịch, mất bản thảo).*
1918: Tòng sự tại Tòa Bố tỉnh Gia Ðịnh, phụ
bút cho các báo: Công Luận Báo, Đông Pháp Thời Báo, Lục Tỉnh Tân Văn, Nông Cổ Mín Đàm,
Quốc Dân Diễn Đàn.
1920:
Làm việc tại Phủ Thống Ðốc Nam Kỳ. Ngày 28-12, được thưởng khuê bài danh dự
bằng bạc.
1921: Thi đậu ngạch tri huyện.([16]) Ngày 06-4, được triều đình Huế thưởng huy
chương Kim Tiền (medaille Kim Tiền).
1922:
Viết báo bị kiểm duyệt gắt gao; quay lại viết tiểu thuyết.
Hồ Biểu Chánh kể: “Năm 1922, vì
kiểm duyệt gắt gao, nghĩ viết báo vô ích, mới bỏ mà chấn chỉnh lại hai quyển
tiểu thuyết viết hồi 1912 tại Cà Mau [Ai làm Được] và 1913 tại Long Xuyên [Chúa Tàu Kim Qui], cho xuất bản và viết thêm tám quyển mới nữa.” [Theo
Thụy Khuê.]
Tại Sài Gòn, viết ba hài kịch: Lửa Ngưng [ngún?] Thình Lình (dịch từ tiếng Pháp); Tình Anh Em; Toại Chí Bình Sanh.*
1923:
Tại Sài Gòn, viết:
- Cay Đắng Mùi Đời (tiểu
thuyết).* Phóng tác theo Sans Famille (Không
Gia Đình), của Hector Malot (Pháp, 1830-1907). Đăng Đông
Pháp Thời Báo từ 04-7-1923 đến 21-12-1923. In tại Xưa Nay (1923).+
- Một Chữ Tình (tiểu
thuyết, tháng 12).*
- Tỉnh Mộng (tiểu
thuyết).* Đăng Phụ Nữ Tân Văn (1931).
In tại Đức Lưu Phương
(1938).+
1924:
Ngày 26-8, được tặng huân chương Monisaraphon
(ordre royal du Monisaraphon) của
Hoàng Gia Cam Bốt (Cambodge).([17])
Tại Sài Gòn, viết: Nam
Cực Tinh Huy (tiểu thuyết).* In tại Đức Lưu Phương (1924).+
1925:
Tại Sài Gòn, viết:
- Nhơn Tình Ấm Lạnh (tiểu
thuyết).* Đăng Đông Pháp Thời Báo từ
03-5-1926 đến 24-11-1926. In tại Xưa Nay (1928).+
- Tiền Bạc, Bạc Tiền (tiểu
thuyết, tháng 12).* In tại imprimerie de l’Union (1926).+
1926:
Tại Sài Gòn, viết:
- Ngọn Cỏ Gió Đùa (tiểu
thuyết, tháng 10; viết xong tại Càng Long, tháng 8-1928).* Phóng tác theo Les Misérables (Những Người Khốn Khổ)
của Victor Hugo (Pháp, 1802-1885). Đăng Đông Pháp
Thời Báo từ 26-11-1926 đến 28-02-1927. In tại Nguyễn Khắc (1930).+
- Thanh Lệ Kỳ Duyên
(tuồng hát bội; nhuận sắc 1941)*
- Thầy Thông Ngôn (tiểu
thuyết, tháng 6).* Phóng tác theo Les Amours d’Estève, của André Theuriet
(Pháp, 1833-1907). In tại imprimerie de l’Union (1927).+
1928: Tại quận Càng Long (tỉnh Trà Vinh), viết:
- Chút Phận Linh Đinh (tiểu thuyết, tháng 5).* Phóng tác theo En
Famille (Trong Gia Đình), của Hector Malot. In tại Nguyễn Khắc (1928).+
- Kẻ Làm Người Chịu (tiểu thuyết, tháng 12).* Phóng tác theo Les Deux Gosses, của Pierre Decourcelle
(Pháp, 1856-1926). Đăng Phụ Nữ Tân Văn (1931). In tại Tín Đức Thư Xã (1929).+
1929: Tại quận Càng Long, viết:
- Cha Con Nghĩa Nặng (tiểu thuyết, tháng 8).* Phóng tác theo Le
Calvaire, của Pierre Decourcelle. Đăng Phụ Nữ Tân Văn từ 30-10-1929 đến
13-02-1930. In tại Đức Lưu Phương (1938).+
- Khóc Thầm (tiểu thuyết, tháng 9).* Đăng Phụ Nữ Tân Văn từ 03-4-1930 đến
14-8-1930. In tại imprimerie de l’Union (1935).+
- Vì Nghĩa Vì Tình (tiểu thuyết, tháng 3).* Phóng tác theo Fanfan
et Claudinet, của Pierre Decourcelle. Đăng Phụ Nữ Tân Văn từ số 1 đến số 22
(1929). In tại Tín Đức Thư Xã (1929).+
1930: Tại quận Càng Long, viết:
- Con Nhà Nghèo (tiểu thuyết, tháng 10).* In tại Đức Lưu Phương
(1930).+
- Nặng Gánh Cang Thường (tiểu thuyết, tháng 5).* In tại Tấn Phát (1953).+
1931: Tại quận Càng Long, viết: Con
Nhà Giàu (tiểu thuyết, tháng 7).* Đăng Phụ Nữ
Tân Văn từ số 85 (1931) đến số 144 (1932).+
Hồ Biểu Chánh kể: “Từ năm 1927 tới
1932 làm chủ quận Càng Long, viết thêm tám quyển mới nữa, cộng trước sau dưới
mười tám quyển.” [Theo Thụy Khuê.]
1932:
Làm chủ quận tại quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ.
1934: Làm
chủ quận tại quận Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ.
1935:
Về Sài Gòn làm phó chủ sự Phòng 3, kiểm soát ngân sách tỉnh và thành phố. Viết:
Lòng Dạ Đàn Bà (đoản thiên, tháng 4).
Tại Vĩnh Hội (Sài Gòn), viết:
- Chuyện Trào Phúng
(truyện ngắn, hai tập).*
- Cười Gượng (tiểu
thuyết, tháng 9).* In tại
Đức Lưu Phương (1937).+
- Dây Oan (tiểu thuyết, tháng 11).* In tại Sông Kiên (1950).+
- Một Đời Tài Sắc (tiểu thuyết, tháng 8).* In tại Lửa Hồng (1957).+
- Nợ Đời (tiểu thuyết, tháng 4).* In tại Đức Lưu Phương (1936).+
- Ở Theo Thời (tiểu thuyết, viết tháng 5).* Phóng
tác theo Topaze, của Marcel Pagnol
(Pháp, 1895-1974). Đăng Tiểu Thuyết Nam Kỳ từ số 2 (1935).
In tại Đức Lưu Phương (1938).+
- Ông Cử (tiểu thuyết, tháng 6).* Phóng
tác theo L’Artiste (tác giả?). In tại Đức Lưu Phương (1939).+
- Thiệt Giả, Giả Thiệt (tiểu thuyết, tháng 12).* In tại Đức Lưu Phương (1937).+
1936:
Thăng ngạch đốc phủ sứ; làm đơn xin hưu trí. Tại Vĩnh Hội, viết: Đóa Hoa Tàn (tiểu thuyết, tháng 7).* Phóng tác theo Le Rosaire (tác giả?). In tại Đức Lưu Phương
(1937).+
1937:
Tháng 01, nhận nghị định cho nghỉ hưu; đến năm 1941 mới được về hưu.
Tại Vĩnh Hội (Sài Gòn), viết:
- Lạc Đường (tiểu
thuyết, tháng 9).* In tại
Đức Lưu Phương (1937).+
- Nghĩa Vợ Chồng (hài kịch, mất bản thảo).*
- Tân Phong Nữ Sĩ (tiểu thuyết, tháng 12).* In tại Đức Lưu Phương
(1938).+
- Từ Hôn (tiểu thuyết, tháng 10).* In tại Đức Lưu Phương (1938).+
1938: Tại Vĩnh Hội, viết:
- Bỏ Chồng (tiểu thuyết, tháng 10).* In tại Đức Lưu Phương (1939).+
- Bỏ Vợ (tiểu thuyết, tháng 11).* In tại Lửa Hồng (1957).+
- Lời Thề Trước Miễu (tiểu thuyết, tháng 01).* In tại Lửa Hồng
(1961).+
- Người Thất Chí (tiểu thuyết, tháng 12). Đăng báo Sài Gòn (1939).* Phóng
tác theo Crime et Châtiment (Tội Ác
Và Hình Phạt), của Dostoievski (Nga, 1821-1881). In tại Sông Kiên (1961).+
- Tại Tôi (tiểu thuyết, tháng 3).* In tại Đức Lưu Phương (1939).+
- Ý Và Tình
(tiểu thuyết, tháng 9; viết xong tháng 11-1942). Đăng Nam Kỳ Tuần Báo.* In tại Lửa Hồng (1957).+
1939:
Tại Vĩnh Hội, viết:
- Hai Khối Tình (tiểu
thuyết, tháng 9). Đăng báo Sài Gòn (1939).*
In tại Tấn Phát (1956).+
- Tìm Đường (tiểu
thuyết, tháng 7). Đăng Nam Kỳ Tuần Báo.*
- Đoạn Tình (tiểu thuyết, tháng 12). Đăng Đại
Việt Tập Chí.* In tại Phương Nam (Sài Gòn, 1953).+
1941:
Ngày 04-8: Được cử làm nghị viên Hội Ðồng Liên Bang Ðông
Dương.
Ngày 26-8 được cử
làm nghị viên kiêm phó đốc lý ([21]) thành phố Sài Gòn. Cuối năm, làm nghị viên
trong Ban Quản Trị thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn.
Tại Vĩnh Hội, viết:
- Ái Tình Miếu (tiểu
thuyết, tháng 02). Đăng Đại Việt Tập Chí.*
- Cư Kỉnh (tiểu
thuyết, tháng 7).* In tại Thạch Thị Mậu (1942).+
- Ký Ức Cuộc Đi Bắc Kỳ (hồi ký).*
1942: Tại Sài Gòn, viết: Pétain
Cách Ngôn Và Á Đông Triết Lý Hiệp Giải (khảo cứu).*
1942-1943:
Làm chủ nhiệm bán nguyệt san Ðại Việt Tập
Chí (của Hội Khuyến Học Long Xuyên),([23]) và
làm chủ nhiệm Nam Kỳ Tuần Báo xuất
bản tại Sài Gòn.([24])
1943:
Tại Vĩnh Hội, viết:
- Hai Khối Tình (tuồng
cải lương).*
- Mẹ Ghẻ Con Ghẻ (tiểu
thuyết, tháng 10; viết xong tháng 11-1954).*
In tại Sông Kiên (1960).+
- Nguyệt Nga Cống Hồ (tuồng
cải lương).*
1944:
Tại Vĩnh Hội (Sài Gòn), viết:
- Cái Chết Của Người Xưa
(diễn văn).*
- Chấn Hưng Văn Học (khảo
cứu). Đăng Đại Việt Tập Chí.*
- Chị Hai Tôi (đoản
thiên, tháng 6).*
- Gia Định Tổng Trấn (khảo cứu).*
- Gia Long Khai Quốc Văn Thần (khảo cứu). Đăng Đại Việt Tập Chí.*
- Gia Long Khai Quốc Võ Tướng (khảo cứu). Đăng Đại Việt Tập Chí.*
- Hai Thà Cưới Vợ (đoản thiên, tháng 9).*
- Hoài Quốc Công Võ Tánh (khảo cứu, đăng Đại Việt Tập Chí số 34, 35, 36).*
- Mấy Ngày Ở Bến Súc (hồi ký).*
- Một Đóa Hoa Rừng (đoản thiên, tháng 9).*
- Ngập Ngừng (đoản thiên, tháng 12).*
- Thầy Chung Trúng Số (đoản thiên, tháng 8).*
- Trung Hoa Tiểu Thuyết Lược Khảo (khảo cứu).*
- Vườn
Xưa Ghé Mắt (hai tập). Đăng Đại
Việt Tập Chí từ số 39 tới số 44).*
1945: Không còn làm nghị viên trong Ban Quản Trị thành phố Sài Gòn -
Chợ Lớn.
Tại Bến Súc (Thủ Dầu Một), viết:
- Chuyện Lạ Trên Rừng (truyện ngắn).*
- Đông Châu Liệt Quốc Chí Bình Nghị (khảo cứu).*
- Tu Dưỡng Chỉ Nam (khảo cứu).*
Tại Bình Xuân
(thuộc tỉnh Gò Công?), viết:
- Công Chúa Kén Chồng (tuồng hát bội).*
- Đại Nghĩa Diệt Thân (hài kịch).*
- Một Lằn Chánh Khí: Văn Thiên Tường (khảo cứu).*
- Pháp Quốc Tiểu Thuyết Lược Khảo (khảo cứu).*
- Trương Công Định Quy Thần (tuồng hát bội).*
- Xả Sanh Thủ Nghĩa (tuồng hát bội).*
Tại Gò Công, viết:
- Nhơn Quần Tấn Hóa Sử (khảo cứu).*
- Tiểu Sử Trương Công Định (khảo cứu, mất
bản thảo).*
Ngoài ra còn viết:
- Ít Bài Chúc Tặng (diễn văn).*
- Mạnh Tử Với Chủ Nghĩa Dân Chủ (diễn
văn).*
1946: Làm chánh văn phòng cho “chánh phủ” Cộng Hòa Tự Trị Nam Kỳ ([25]) của Thủ Tướng Nguyễn Văn Thinh (1888-1946).
Sau khi bác sĩ Nguyễn Văn Thinh tự tử, Hồ Văn Trung bỏ hẳn nghề công chức, trở
về Gò Công. Viết: Nho Giáo Và
Chánh Trị (diễn văn).*
1947:
Tại Gò Công, viết: Vì Nước Vì Dân (tuồng
cải lương).*
1948:
Tại Gò Công, viết:
- Âu Mỹ Cách Mạng Sử
(khảo cứu).*
- Chánh Trị Giáo Dục (khảo
cứu).*
- Địa Vị Của Đàn Bà Việt
Nam (diễn văn).*
- Độc Lập Trong Liên Hiệp Pháp (diễn văn).*
- Giáo Lý Của Đạo Phật (diễn văn).*
- Một Thiên Ký Ức: Nam Kỳ Cộng Hòa Tự Trị (hồi ký).*
- Nho Giáo (diễn văn).*
- Nho Học Danh Thơ (khảo cứu).*
- Phật Tử Tu Tri
(khảo cứu).*
- Thành Ngữ Tạp Lục
(khảo cứu).*
- Truyền Kỳ Lục (truyện ngắn).*
- Tùy Bút Thời Đàm (tùy bút).*
- Việt Ngữ Bổn Nguyên (khảo cứu).*
1949:
Tại Gò Công, viết:
- Địa Dư Đại Cương
(khảo cứu).*
- Hoàn Cầu Thông Chí
(khảo cứu, năm quyển).*
- Nhàn Trung Tạp Ký
(hồi ký, ba tập).*
- Tâm Hồn Tôi (hồi
ký).*
- Thiền Môn Chư Phật
(khảo cứu).*
1950:
Viết: Phật Giáo Cảm Hóa Trung Hoa (khảo
cứu).*
1951:
Viết:
- Nho Giáo Tinh Thần (khảo
cứu).*
- Phật Giáo Vào Việt Nam
(khảo cứu).*
- Trung Hoa Cao Sĩ, Ẩn
Sĩ, Xử Sĩ (khảo cứu).*
1953:
Tại Gò Công, viết:
- Bức Thơ Hối Hận (tiểu
thuyết, tháng 3).* In tại
Lửa Hồng (Sài Gòn, 1957).+
- Trọn Nghĩa Vẹn Tình (tiểu thuyết, tháng 4; viết xong tháng 10).*
1954: Tại Gò Công, viết: Nặng
Bầu Ân Oán (tiểu thuyết, tháng 02; viết xong tháng 9).*
Tại Sài Gòn, viết:
- Đỗ Nương Nương Báo Oán
(tiểu thuyết, 23-10; viết xong 25-11).*
In tại Sông Kiên (1961).+
- Lá Rụng Hoa Rơi (tiểu
thuyết, tháng 11; viết xong tháng 3-1955).*
1955: Trường Mỹ Nghệ
Thực Hành Biên Hòa ([26]) tặng Hồ Biểu
Chánh tượng bán thân bằng đồng, hiện đang làm tượng thờ tại Nhà Lưu Niệm (An
Tất Viên, số 30/23 đường số 8, tổ 40, phường 11, quận Gò Vấp, TpHCM).
Tại Sài Gòn, viết:
- Đại Nghĩa Diệt Thân (tiểu
thuyết, 13-7; viết xong 18-8).*
- Hai Chồng (đoản
thiên, 14-25 tháng 02).*
- Hai Vợ (đoản
thiên, 26-6; viết xong 09-7).*
- Những Điều Nghe Thấy (tiểu
thuyết, 18-8; viết xong 31-5-1956).*
- Tơ Hồng Vương Vấn (tiểu
thuyết, tháng 4; viết xong tháng 7).* In tại Mai Hương (1959).+
- Ông Cả Bình Lạc (tiểu
thuyết, 15-12; viết xong 22-3-1956).*
- Trả Nợ Cho Cha (tiểu
thuyết, 02-9; viết xong 08-11).*
1956:
Tại Sài Gòn, viết:
- Một Duyên Hai Nợ (tiểu
thuyết, 16-4; viết xong 27-9).*
Tại Phú Nhuận, viết:
- Trong Đám Cỏ Hoang (tiểu
thuyết, 23-6; viết xong 10-01-1957).*
- Vợ Già Chồng Trẻ (tiểu
thuyết, 08-10; viết xong 09-11).* In tại Thùy Dương Trang (1959).+
1957:
Tại Phú Nhuận, viết:
- Chị Đào, Chị Lý (tiểu
thuyết, 08-6; viết xong 25-8).*
- Đón Gió Mát [Mới?], Nhắc Chuyện Xưa (tiểu
thuyết, 15-4; viết xong 02-6).*
- Đời Của Tôi
(hồi ký, gồm ba phần: về quan trường; về văn nghệ; về phong trào cách mạng).*
- Hạnh Phúc Lối Nào (tiểu
thuyết, 21-01; viết xong 14-02).*
- Lẫy Lừng Hào Khí (tiểu
thuyết, 01-12; viết xong 10-4-1958).*
- Nợ Tình (tiểu
thuyết, 22-3; viết xong 02-4).*
- Nợ Trái Oan (tiểu
thuyết, 24-6; viết xong 13-7).*
- Sống Thác Với Tình (tiểu
thuyết, 21-02; viết xong 16-3).* In
tại Lạc Hồng (1968).+
- Tắt Lửa Lòng (tiểu
thuyết, 09-10; viết xong 15-11).*
1958: Ngày
04-11, từ trần tại biệt thự Biểu Chánh,([27])
quận Phú Nhuận, tỉnh Gia Ðịnh. Viết dang dở: Lần Qua Đời Mới (16-4); Hy
Sinh (16-6).*
Hồ Văn Kỳ Trân
(con trưởng) kể:
“Bệnh đã càng ngày càng thêm mà ba
tôi không chịu nghỉ viết. Thầy thuốc cấm. Ba tôi vẫn viết. Con cháu năn nỉ lắm
thì ba tôi chỉ nghỉ vài ngày rồi viết nữa và bảo rằng: ‘Ba còn viết được thì cứ
để cho ba viết. Ba không viết được thì lòng thấy bứt rứt, người thấy khó chịu
hơn. Có viết được lòng mới thấy yên ổn, người mới thấy thư thả dễ chịu. Viết là
một phương thuốc, là một cách trị bịnh cho ba đó.’ (...)
Cách đó ít bữa thì ba tôi từ trần. Trên bàn viết còn để lại
bản thảo một tác phẩm viết dở.” [Theo Thụy Khuê.]
1959: Ngày 30-8, bà Hồ Biểu Chánh (Đào Thị Nhự) tạ thế.
1967: Ngày 15-4, tại Sài Gòn, bán nguyệt san Văn số 80 làm chủ đề Tưởng
Niệm Hồ Biểu Chánh, gồm các bài viết của Bình Nguyên Lộc, Dương Nghiễm Mậu,
Đông Hồ, Hồ Hữu Tường, Huỳnh Phan Anh, Sơn Nam, Thanh Lãng, Thiếu Sơn.
1988: Ngày 17 và 18-11, Hội thảo khoa học về nhà văn Hồ Biểu Chánh
được tổ chức lần đầu tiên tại Tiền Giang, có ba mươi bài tham luận.
1989-2011: Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh được dựng thành phim truyện: Đạo diễn Hồ Ngọc Xum: Cay
Đắng Mùi Đời; Con Nhà Nghèo; Lòng Dạ Đàn Bà; Ngọn Cỏ Gió Đùa; Nợ Đời. Đạo diễn Võ Việt Hùng: Cư Kỉnh (dựng thành phim Tình Án); Khóc Thầm; Tại Tôi; Tân Phong Nữ Sĩ. Đạo diễn Vũ Ngọc Khôi: Chúa Tàu Kim Qui (dựng thành phim Ân Oán Nợ Đời).
2002:
Tiến Sĩ Trang Quang Sen và Tiến Sĩ Phan Tấn Tài (đều ở bên Đức) chuẩn bị lập
www.hobieuchanh.com, và bắt đầu chuyển dần các bài viết lên mạng vào mùa hè 2003. Vài
tác phẩm cuối cùng của Hồ Biểu Chánh tìm được và đưa lên mạng vào năm 2008 do
hai cháu nội nhà văn là Hồ Văn Kỳ Thoại (trưởng nam của Hồ Văn Kỳ Trân) và Hồ
Văn Di Hấn (trưởng nam của Hồ Văn Di Hinh) gởi tặng.
2003:
Hậu duệ lập Nhà Lưu Niệm Hồ Biểu Chánh (An Tất Viên, số 30/23 đường số 8, tổ 40,
phường 11, quận Gò Vấp, TpHCM.)
2006:
Ngày 27-9, tại Mỹ Tho, Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Tiền Giang, khóa VII, kỳ họp thứ
9, thông qua nghị quyết về việc đặt tên và đổi tên đường trên địa bàn thị xã Gò
Công. Theo nghị quyết số 105/2006/NQ-HĐND do Chủ Tịch Đỗ Tấn Minh ký, con đường
vành đai phía bắc được đặt tên là đường Hồ Biểu Chánh.([28])
2012:
Ngày 11-7, tại Quảng Bình, Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Quảng Bình, khóa XVI, kỳ họp
thứ 5, thông qua nghị quyết đặt tên đường trên địa bàn thành phố Đồng Hới. Theo
nghị quyết số 40/2012/NQ-HĐND do Chủ Tịch Lương Ngọc Bính ký, đường Hồ Biểu
Chánh tại xã Lộc Ninh dài 670 mét, nền đường 7,5 mét...([29])
2013:
Thị trấn Khánh Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) đặt tên đường Hồ Biểu Chánh
(dài 136m, lộ giới 10m; điểm đầu đường Nguyễn Trung Trực, điểm cuối giáp đường
Lê Thị Hồng Gấm).([30])
Ghi chú: Hiện nay còn có đường Hồ Biểu Chánh ở
quận Phú Nhuận, TpHCM, chạy từ đường Nguyễn Văn Trỗi tới đường Huỳnh Văn Bánh. Trước
tháng 7-2010 đã có đường Hồ Biểu Chánh ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Phú
Nhuận, 26-01-2014
Huệ Khải
Nguồn: Huệ Khải, Hồ Biểu Chánh Xưa Và Nay. Hà Nội: Nxb Tôn
Giáo 2014, tr. 9-32
([2]) Từ năm 1956 các làng gọi là xã. Làng Bình Thành nhập với
làng Bình Công, gọi là xã Thành Công. Quê của Hồ Biểu Chánh nay ở ấp Thạnh Nhứt, xã
Bình Xuân, thị xã Gò Công.
http://www.hobieuchanh.com/pages/baiviet/PhanThanhSac/GoCongTrongTieuThuyetHBC.htm#_ftn1.
([4]) Tự 字 (tên chữ): Chỉ đặt cho phái nam, thường gồm hai từ đơn ghép
lại. Theo Lễ Ký, con trai hai mươi
tuổi được làm lễ đội mũ (đánh dấu thời kỳ bắt đầu trưởng thành) và có thêm tên
chữ (tự) để bày tỏ ý hướng đạo đức của chàng trai. Biểu 表 (động từ) là bày tỏ, biểu dương; (danh từ) là gương mẫu, mẫu mực. Chánh 正 (danh từ) là
điều đúng đắn. Biểu Chánh có nghĩa
bày tỏ, biểu dương cái đúng cho mọi người thấy rõ; cũng có nghĩa là việc đúng
đắn làm gương cho người khác noi theo.
([6]) Năm 1904, thực dân Pháp ra nghị định thành lập Hội Đồng Hương Chức (gọi là
Bàn Hội Tề), gồm mười hai chức vụ: (i) Hương Cả: Chủ tịch Hội Đồng, kiêm
nhiệm vụ lưu trữ văn thư. / (ii) Hương Chủ: Phó chủ tịch Hội Đồng kiêm
nhiệm vụ thanh tra. / (iii) Hương Sư: Cố vấn luật lệ. / (iv) Hương
Trưởng: Thủ quỹ, cố vấn giáo dục. / (v) Hương Chánh: Hòa giải và
phân xử các vụ tranh tụng trong làng. / (vi) Hương Giáo: Thư ký Hội
Đồng, cố vấn cho các hương chức trẻ tuổi. / (vii) Hương Quản: Trưởng ban
cảnh sát trong làng, kiểm tra sông rạch, đường sá trong làng. / (viii) Hương
Bộ: Giữ sổ thuế và các loại sổ thu chi, kiêm nhiệm vụ bảo vệ công sở và các
loại tài sản công cộng. / (ix-xi) Hương Thân, Thôn Trưởng, và Hương
Hào: Giữ nhiệm vụ trung gian giữa địa phương, chánh quyền và tòa án cấp
trên. Thôn Trưởng giữ con dấu và được
quyền xử lý các vụ việc thông thường. / (xii) Chánh Lục Bộ: Coi hộ tịch
và thông báo khi có dịch bệnh.
Nghị định ngày
30-10-1927 của Toàn Quyền Đông Dương quy định Hội Đồng Hương Chức Hội Tề (gọi
là Bàn Hội Tề) gồm có mười hai chức vụ: (i) Hương Cả: Quyền hạn như
trước, có thêm nhiệm vụ quản lý cơ sở vật chất công cộng, chuyển nhiệm vụ lưu
trữ văn thư sang Hương Bộ. / (ii)
Hương Chủ: Có thêm nhiệm vụ thủ quỹ, chuyển nhiệm vụ thanh tra sang
Hương Sư. / (iii) Hương Sư:
Làm phó chủ tịch Hội Đồng, kiêm nhiệm vụ thanh tra. / (iv) Hương Trưởng:
Trông nom công việc giáo dục và văn hóa trong làng. / (v) Hương Chánh: Có thêm nhiệm vụ cố vấn các chức việc. /
(vi) Hương Giáo: Nhiệm
vụ y như trước. / (vii) Hương Quản:
Có thêm nhiệm vụ phụ tá quan biện lý ở địa phương. / (viii) Hương Bộ: Giữ
sổ thuế, sổ sách thu chi, thêm nhiệm vụ giữ công quỹ. / (ix-xi) Hương Thân,
Xã Trưởng, và Hương Hào: Nhiệm vụ như cũ. Hương Hào có thêm nhiệm
vụ trưởng ban cảnh sát trong làng, giám sát việc thi hành luật lệ, bảo trì
đường bộ, đường sông và tống đạt công văn tòa án. / (xii) Chánh Lục Bộ: Nhiệm vụ như cũ.
([8]) Một nghị định
ngày 17-3-1879 của Thống Đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers thành lập collège de Mỹ Tho tại tỉnh Mỹ Tho (nghị
định bổ sung ngày 14-6-1880). Ngày 02-12-1942, trường đổi tên là collège Le Myre de Vilers. Do nghị định
179-NÐ ngày 22-3-1953 của Tổng Trưởng Giáo Dục
Nguyễn Thành Giung, trường đổi tên là trung
học Nguyễn Ðình Chiểu cho tới nay.
([9]) Lược sử trường
như sau: Pháp thành lập école Normale
colonial (trường sư phạm thuộc địa, ngày 10-7-1871); xây trên phần đất chùa
Khải Tường (12-8-1871). Đổi tên thành collège
Indigène (trường bản xứ, 1874). Đổi tên thành collège Chasseloup-Laubat (1876), chia ra khu Âu (quartier européen) và khu bản xứ (quartier indigène). Tách khu bản xứ nhập
sang collège de Cochinchine (trung
học Nam Kỳ, 15-7-1927). Collège Chasseloup-Laubat đổi tên thành lycée Chasseloup-Laubat (1928), còn
collège de Cochinchine đổi tên thành lycée
Petrus Ký. Lycée Chasseloup-Laubat đổi tên thành lycée Jean Jacques Rousseau (1958), và sau cùng là trung học Lê Quý Đôn (1966 cho tới nay).
([11]) Phủ Thống Đốc Nam
Kỳ đặt tại Sài Gòn (về sau gọi là Dinh Gia Long, nay là Bảo Tàng TpHCM, số 65
Lý Tự Trọng, quận 1). Xưa kia, người miền Nam quen gọi là Soái Phủ Nam Kỳ (Gouvernement des Amiraux), vì cho tới
năm 1878 nó còn là trụ sở của một quan võ Pháp, hàm Lieutenant-Gouverneur, tức
Phó Soái. Kể từ năm 1879 mới thay quan võ bằng quan văn, và Thống Đốc Nam Kỳ
(dân sự) đầu tiên là Le Myre de Vilers.
([14]) Từ đây trở đi, xin lưu
ý: Chi tiết về ngày tháng viết
từng tác phẩm căn cứ theo danh sách in trên bán nguyệt san Văn, số 80 (Sài Gòn: 15-4-1967, tr. 19-24). Tạp chí cho biết “Danh sách nầy do chính cụ Hồ Biểu Chánh ghi
chép”. Đánh dấu * để chỉ nguồn tham khảo này. Các chi tiết về ngày đăng báo, năm xuất bản (in lần đầu
tiên) thì căn cứ theo Lâm Văn Bé, “Hồ
Biểu Chánh: Nhà Văn Lớn Của Miền Nam”, tại http://namkyluctinh.org/a-vhbkhao/lvbe-hobieuchanh.pdf.
Đánh dấu + để chỉ nguồn tham khảo này.
([18]) Cũng như tri huyện, ngạch tri phủ
có hai hạng: tri phủ hạng nhì (phủ de 2e
classe); tri phủ hạng nhứt (phủ de
1er classe). Tham khảo: Ngày
01-01-1924 ông Ngô Văn Chiêu thăng lên ngạch tri phủ hạng nhì (phủ de 2e classe), tiền lương là 1.672
đồng. Ngày 01-7-1926 ông Ngô Văn Chiêu thăng
lên ngạch tri phủ hạng nhứt, tiền lương là 1.933 đồng. (Tri phủ thấp hơn ngạch
đốc phủ sứ, thường gọi tắt là đốc phủ.)
([25]) Cộng Hòa Tự Trị Nam Kỳ (République
autonome de Cochinchine), cũng gọi là: Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc, Nam Kỳ Quốc,
Cộng Hòa Nam Kỳ, Nam Kỳ Tự Trị. Đây là một “chánh quyền” giả hiệu do thực dân
Pháp bày ra (do âm mưu của D’Argenlieu, là Cao Ủy Pháp tại Đông Dương). “Chánh
phủ” này không có tài chánh, không có quân đội, không có cả trụ sở; bác sĩ
Nguyễn Văn Thinh phải lấy phòng khám bệnh (phòng mạch) của ông để “chánh phủ”
làm việc. Khi biết bị thực dân lừa gạt, bác sĩ Nguyễn Văn Thinh đã thắt cổ chết
thảm tại phòng mạch của mình vào ngày 10-11-1946.
([26]) Nguyên là trường Dạy Nghề Biên Hòa (cũng gọi trường Bá Nghệ
Biên Hòa: École professionnelle de Biên
Hòa, 1903), lần lượt đổi tên thành trường Mỹ Nghệ Bản Xứ Biên Hòa (École d’Art indigène de Biên Hòa, tháng
9-1913), trường Mỹ Nghệ Thực Hành Biên Hòa (École
des Arts appliqués de Biên Hòa, 1944), trường Kỹ Thuật Biên Hòa (1964),
trường Phổ Thông Công Nghiệp Đồng Nai (1977), trường Trung Học Mỹ Thuật Trang
Trí Đồng Nai (1978), và trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Trang Trí Đồng
Nai (từ 1998 đến nay). Theo: dongnaiart.edu.vn.